Trường ca Hội Trùng Dương (Phạm Đình Chương) – Phần 1: Tiếng Sông Hồng

Trường ca | Phạm Đình Chương || 04/08/2012 | Sài Gòn | [dongnhacxua.com] || [facebook] [googleplus]

Nét nhạc tài hoa của nhạc sỹ Phạm Đình Chương đã để lại cho tân nhạc Việt Nam một bản trường ca đặc sắc Hội Trùng Dương lấy cảm hứng từ 3 con sông lớn tượng trưng cho 3 miền Bắc, Trung, Nam. Trong phần một, bối cảnh là dòng sông Hồng hình thành nên đồng bằng Bắc Bộ. Ảnh bìa: vietstamp.net

Nghe Tiếng Sông Hồng do Ban Hợp Ca Thăng Long (với giọng ca chính Thái Thanh và sự góp giọng của chính nhạc sỹ Phạm Đình Chương, tức ca sỹ Hoài Bắc thưở nào)

Source: http://www.nhaccuatui.com/nghe?M=Kg-x1xyPn3

 [footer]

Nguyễn Vũ & Bài thánh ca buồn: nhớ quá đi thôi giọng hát ai buồn

Cứ mỗi độ Giáng Sinh về, giai điệu quen thuộc của bản ‘Bài thánh ca buồn’ của Nguyễn Vũ lại vang lên qua giọng ca rất có chiều sâu của Elvis Phương. Và cứ mỗi lần nghe ‘Bài thánh ca buồn’ thì chúng tôi lại thắc mắc tại sao ‘bài thánh ca’ mà lại ‘buồn’!? Bởi lẽ, đã là Thánh ca thì không có bài nào buồn cả vì đó là những lời ca đem lại nhiều hồng ân Thiên Chúa cho toàn thể nhân loại, nhất là những bài Thánh ca mùa Noel. Thế rồi DongNhacXua.com chúng tôi hân hạnh được nghe tâm sự của chính tác giả, nhạc sỹ Nguyễn Vũ, trong một dịp ‘trà dư tửu hậu’ vào mùa Giáng Sinh năm 2004 khi ông trải lòng mình với chuyên mục Văn Nghệ của báo Công An Thành Phố Hồ Chí Minh. Thì ra, ‘bài thánh ca’ mà Nguyễn Vũ nói đến chính là bản ‘Đêm Thánh Vô Cùng’ bất hủ và ‘buồn’ là vì ‘Đêm Thánh Vô Cùng’ gắn với một kỷ niệm buồn và đẹp của tác giả với người bạn gái đầu đời!

Nhạc sỹ Nguyễn Vũ.

ĐÔI NÉT VỀ NHẠC SỸ NGUYỄN VŨ
Nhạc sĩ Nguyễn Vũ tên thật là Nguyễn Tuấn Khanh. Ông sinh năm 1944 tại Hà Nội nhưng suốt thời niên thiếu ông sống ở Đà Lạt. Chú ruột dạy vĩ cầm và bạn của bố ông cũng là nhạc sĩ, vì thế từ nhỏ Nguyễn Vũ đã hát cho Ban thiếu nhi Đài Phát thanh Đà Lạt. Năm 12 tuổi, cậu bé Khanh nhận được giải nhất đơn ca thiếu nhi của đài là một cây đàn mandolin – như là một định mệnh – cậu bé đã gắn bó với âm nhạc suốt gần nửa thế kỷ và trở thành nhạc sĩ Nguyễn Vũ sau này.

TÂM SỰ CỦA NHẠC SỸ NGUYỄN VŨ VỀ SỰ RA ĐỜI CỦA ‘BÀI THÁNH CA BUỒN’
“Thuở ấy tôi là một cậu bé 14 tuổi, ngày ngày đi lễ ở nhà thờ Con gà (Đà Lạt), sở dĩ tôi “chịu khó” đi lễ bởi vì phát hiện ra một cô gái rất xinh và ngoan đạo mỗi ngày vẫn ngang qua ngõ nhà tôi để đến nhà thờ. Trái tim vụng dại của thằng con trai mới lớn đập loạn nhịp trước bóng hình thiếu nữ tóc xõa vai mềm bềnh bồng trong gió cao nguyên. Ngày lại qua ngày suốt hơn ba tháng trời tôi âm thầm, lầm lũi làm “cái đuôi” cô ấy, kẻ trước người sau đi về mỗi bận trên 3 km đường đèo nhưng một lời bẻ đôi không dám thốt. “Lòng thành” của tôi chỉ được hưởng một “ân huệ” cỏn con: Tôi được biết cô ấy tên Th., lớn hơn tôi 2 tuổi…

Thế rồi một buổi chiều gần lễ Giáng sinh, tan lễ ra thì trời đổ mưa, “đối tượng” của tôi nép vội vào mái hiên trú mưa, tôi cũng… trú tạm bên cạnh, hai người chỉ cách nhau độ một gang tay. Hòa lẫn trong tiếng mưa là giai điệu quen thuộc của bản Thánh ca Đêm Thánh vô cùng (Silent night) vẳng ra từ ngôi nhà gần đấy: Đêm Thánh vô cùng, giây phút tưng bừng, đất với trời, se chữ đồng, đêm nay Chúa con thần thánh tôn thờ…. Th. đưa tay hứng lấy những giọt nước mưa và khẽ hát theo. Tôi lặng người. Giọng hát Th. sao mà buồn da diết. Tự dưng tôi cảm thấy hết… sợ quê, khẽ đưa tay vuốt nhẹ lên… những hạt mưa bụi li ti bám bên ngoài chiếc áo ấm của Th., bất chợt Th. quay sang tôi nhoẻn miệng cười: “Cảm ơn nghen!”. Mưa tạnh, “người trong mộng” đã khuất dạng tự bao giờ mà thằng con trai 14 tuổi vẫn còn đứng ngẩn ngơ như “một nửa hồn tôi mất”.

Ba ngày sau gia đình tôi chuyển vào Sài Gòn sinh sống, thế là hết. Tâm trạng tôi lúc đó y như người vừa đánh mất một vật quý giá. Từ đó mỗi khi chợt nghe bài Thánh ca Đêm Thánh vô cùng lòng tôi lại tái tê với ánh mắt, nụ cười hồn nhiên, thánh thiện tựa thiên thần của “người ấy”. Ôm hình bóng ấy cho đến mãi 14 năm sau, tình cờ nghe lại Đêm Thánh vô cùng từ chiếc máy đĩa bỗng dưng cảm xúc từ một mối tình thánh thiện, hồn nhiên như trẻ thơ – tưởng như đã vùi sâu dưới lớp bụi thời gian – chợt ùa về trong ký ức, thôi thúc tôi”.

LỜI BÀI HÁT (SÁNG TÁC 1972, HÃNG ĐĨA SƠN CA GHI ÂM LẦN ĐẦU TIÊN)
Bài thánh ca đó còn nhớ không em
Noel năm nào chúng mình có nhau
Long lanh sao trời đẹp thêm môi mắt
Áo trắng em bay như cánh thiên thần
Giọt môi hôn dưới tháp chuông ngân

Cùng nhau quỳ dưới tượng Chúa cao sang
Xin cho đôi mình suốt đời có nhau
Vang trong đêm lạnh bài ca Thiên Chúa
Khẽ hát theo câu đêm thánh vô cùng
Ôi giọng hát em mênh mang buồn…

Rồi mùa giá buốt cũng qua mau
Lời hẹn đầu ai nhớ dài lâu
Rồi một chiều áo trắng thay màu
Em qua cầu xác pháo bay sau

Lời nguyện mình Chúa có nghe không
Sao bây giờ mình hoài xa vắng
Bao nhiêu đêm Chúa xuống dương gian
 Bấy nhiêu lần anh nhớ người yêu

Rồi những đêm thánh đường đón Noel
Lang thang qua miền giáo đường dấu yêu
Tiếng thánh ca ngày xưa vang đêm tối
Nhớ quá đi thôi giọng hát ai buồn
Đêm thánh vô cùng lạnh giá hồn tôi …

[footer]

Đôi mắt người Sơn Tây: từ thơ đến nhạc

Nhạc phẩm ‘Đôi mắt người Sơn Tây’ với giai điệu chậm buồn đầy bi tráng và ca từ đầy chất thơ có lẽ không mấy xa lạ với nhiều người yêu nhạc xưa. Thế nhưng Sơn Tây ở đâu và nguồn cảm hứng nào khiến nhạc sỹ Phạm Đình Chương cho ra đời nhạc  phẩm bất hủ này là điều mà có khi chúng ta ít được biết.

VỀ ĐỊA DANH SƠN TÂY (Tham khảo wikipedia)

Địa danh Sơn Tây ngày nay không còn nữa. Thế nhưng, theo những gì mà wikipedia cung cấp thì có thể tạm hiểu Sơn Tây ngày xưa là một phần của Hà Nội ngày nay.

Sơn Tây là một tỉnh cũ ở đồng bằng Bắc Bộ, Việt Nam.

Sơn Tây là một trong số 13 tỉnh được thành lập sớm nhất ở Bắc Kỳ (năm 1831), dưới thời vua Minh Mạng), gồm phần lớn địa bàn các tỉnh Vĩnh Phúc, Hà Tây, phía bắc tỉnh Phú Thọ, một phần tỉnh Tuyên Quang và thành phố Hà Nội ngày nay. Vốn trước đó là trấn Sơn Tây, tục gọi là trấn Tây hay trấn Đoài (Đoài nghĩa là Tây).

Tỉnh lị: thị xã Sơn Tây. Tỉnh Sơn Tây thường được gọi là xứ Đoài

ĐÔI NÉT VỀ NHẠC SỸ PHẠM ĐÌNH CHƯƠNG

Nhạc sỹ Phạm Đình Chương (1929-1991) sinh ra và lớn lên trong một gia đình giàu truyền thống văn nghệ ở Hà Nội. Những năm cuối đệ nhị thế chiến, để tránh khói lửa chiến tranh nhiều học sinh đã theo gia đình rời Hà Nội về sống tại các vùng quê. Quê ngoại Sơn Tây của Phạm Đình Chương với ngọn núi Ba Vì nhìn xuống cánh đồng Bương Cấn, với sông Đáy “chậm nguồn qua Phủ Quốc” đã để lại những dấu ấn sâu đậm trong lòng chàng thiếu niên Phạm Đình Chương. Để rồi sau đó, trong những năm tháng tha hương ở đất Sài Gòn, trong một niềm thương nhớ vô hạn về một vùng quê thanh bình, về những ngày tháng êm đềm đã qua, nhạc sỹ đã rung cảm trước 2 bài thơ “Đôi mắt người Sơn Tây” và “Đôi bờ” của nhà thơ Quang Dũng để cho ra đời một trong những nhạc phẩm đẹp và bi tráng nhất về tình cố hương.

Nha Trang Ngày Về: dã tràng ơi sao lấp cho vơi sầu này!?

Sinh ra và lớn lên ở một miền biển gần Nha Trang nên chúng tôi có rất nhiều kỷ niệm vui buồn với thành phố này. Từ lúc biết nghêu ngao bản ‘Nha Trang Ngày Về’ của nhạc sỹ Phạm Duy, dường như những lần đến và đi Nha Trang mang lại cho chúng tôi nhiều cảm xúc hơn!

 

Xin hân hạnh chia sẻ với bạn yêu nhạc một bài viết khá hay về ‘Nha Trang Ngày Về’ trên trang iloveNgocLan.com. Nhân đây cũng xin nói thêm một chi tiết thú vị là ca sỹ quá cố Ngọc Lan là một đứa con của thành phố biển Nha Trang.

Nguồn: http://ilovengoclan.com/?p=3533

Phi trường Cam Ranh hiện ra hanh hao trong một màu ánh bạc. Tìm lại biển trời Nha Trang, nước mắt tôi buồn vui chợt trào.

Tôi yêu Nha Trang, luôn tìm về Nha Trang mỗi khi có thể, cũng chỉ vì từ lâu, tôi đã quá mê bài hát “Nha Trang ngày về” của NS Phạm Duy – một câu chuyện tình buồn dang dỡ. Thành phố này tự bao giờ, đã ngấm vào máu thịt tôi như là quê hương ruột thịt. Nơi đó, đã ghi dấu một mối tình tan vỡ. Nơi đó, tôi có người bạn “bản xứ” hồn hậu mến khách. Và cũng từ nơi đó, một tiếng hát thần sầu mà tôi luôn mang theo bên mình trong những chuyến đi xa, đã cất tiếng khóc chào đời. Và tiếng hát ấy khi hát về biển thì đã rất buồn rồi, nhưng mà đến khi nghe cô gửi sầu qua “Nha Trang ngày về” thì thấy càng buồn hơn, như cùng cảm nhận với cô về một cuộc tình bất thành gắn liền vùng biển trời Nha Trang với bao nỗi buồn cô quạnh.

“Nha Trang ngày về. “

Chiều qua phố. Con đường Trần Phú nhộn nhịp mừng rỡ gặp lại dấu chân người quen. Cây thông bên phố năm xưa nay đã già. Đằng xa kia, những tảng đá lớn nhỏ đủ hình hài bình thản nằm trên thảm cỏ mượt mà. Phiến đá có hình mái vòm em tựa vai làm dáng vẫn nằm đây yêu kiều. Lúc sáng, trên chuyến bay, giở đến tập ảnh mới thấy đã có nhiều nơi mình đến, mình đi, nhưng sao ảnh của tụi mình chụp chung ít quá, chỉ đếm trên đầu ngón tay thôi. Mà tấm nào cũng tối tăm như đất. Thế mới lạ chứ. Quán café GMC tiếng nhạc xập xình nhộn nhịp bao nam thanh nữ tú. Phía trước là Hòn Chồng bạc màu nằm chơ vơ giữa thâm sâu bí hiểm. Nhà Thờ Núi vẫn nằm uy nghi giữa lòng phố. Phía bên kia, quán hải sản bình dân đường Ngô Sỹ Liên nườm nượp khách với món gỏi cá mai chấm mắm nêm ngon đến nỗi ăn trừ cơm cũng được nữa là. Góc vỉa hè ngã tư Quang Trung là quán nem nướng thơm phức mà ai đã lỡ ghé một lần rồi thì sẽ ôm mối tương tư. Quán bún sứa Nguyên Chí Thanh nước ngọt sắc mà chổ ngồi chật chội, vừa hít hà vừa phải luôn tay thấm mồ hôi mẹ mồ hồi con nhễ nhại… Còn biết bao con đường nữa, biết bao con đường làm tôi nhớ đến em. Những con đường mình nắm tay một lần cùng nhau rong ruỗi.
“Mình tôi trên bãi kuya”

Biển đêm. Đen. Lạnh. Xa khơi là những chùm ánh sáng đèn màu lung linh của Hòn Ngọc Việt tráng lệ. Một vài vì sao lẻ loi đơn độc lơ lững trên bầu trời. Vẫn duy trì một thói quen riêng tư, tôi miệt mài đi trong biển đêm Nha Trang với chiếc Ipod trong tay, lòng bồi hồi chìm đắm trong bản nhạc phối nhanh dồn dập mở đầu bằng câu hát “Nha Trang ngày về. Mình tôi trên bãi khuya…” Tiếng hát chất chứa buồn của Ngọc Lan khiến tôi bất giác nhăn mặt đau đớn vì cả một trời tiếc nhớ hiện về đổ sụp trong tôi. Lần đó, cũng nơi đây, tôi đã kể em nghe về người ca sĩ có tên Ngọc Lan với hình ảnh bất hủ – cầm trên tay chiếc đèn dầu le lói chân bước mông lung “trên bãi đêm khóc người tình”. Và từ sau đêm đó, “Nha Trang ngày về” của Ngọc Lan đã trở thành nhạc chuông điện thoại của riêng hai tụi mình.

Đêm lặng. Đêm qua nhanh như gió lùa qua kẽ tay. Bản nhạc đã nghe đi nghe lại đến không biết bao lần. Nhạc thì buồn. Còn tôi thì cô đơn. Cảm giác như cái gì đó vừa rơi trong bóng tối trái tim tôi. Một tiếng vỡ như thủy tinh. Tôi nghe đau trong tim mình. Đã lâu rồi, tôi không đau như thế này. Cái đau dịu ngọt… . Tôi mãi miết đi trong biển đêm dưới ánh trăng võ vàng, nhặt tìm những mảnh kí ức chắp nối. Tiếng mời chào ân cần của chị bán hàng rong. Tiếng rì rầm của những đôi tình nhân ngồi tâm sự trên bãi khuya. Giờ đây chỉ còn mình tôi tìm về chốn xưa để “xây lại mộng mơ năm nào”

Đừng mộng mơ nữa, tôi ơi! Cũng năm xưa nơi biển này, tôi đã nguyện cùng em tìm về đây xây tổ ấm mai sau. Cật lực làm việc và dành dụm. Một bức tranh tình yêu được phát hoạ với đầy đủ cung bậc sắc màu của bình yên, hạnh phúc và cả chênh vênh… Nào ngờ bức tranh “lầu vàng” ấy giờ đã thành “bãi hoang”… Em hỏi tôi “vì sao lại chọn nơi đây sinh sống, thành phố mình cũng có biển đẹp ngút ngàn đấy thôi?” Tôi cười thầm giữ bí mật đó cho riêng mình “tại vì biển quê mình tuy đẹp thật, nhưng lại không có nổi một bài hát nào hay và một chuyện tình nào buồn đến như vậy” .

Giờ mình đã xa nhau. Trong tôi là vực thẳm toang hoác. Tôi đã cố sống sót. Đã cố chấp nhận “Ân tình trong lúc đôi mươi. Bao giờ cũng vẫn mau phai” dù trái tim chật chội đau đớn, dù đã “cố nuôi tình tôi” bằng trái tim em lạnh lẽo. Trái tim của tuổi đôi mươi…

Bài hát lặp lại lần nữa, như một lời kinh đêm. Kinh nguyện cầu, cho tâm hồn được bình yên, cho tình yêu đã bị sóng vùi chôn theo dấu dã tràng. Ngày mai, xa Nha Trang rồi. Biết có còn gặp lại. Những kỷ niệm ghi dấu, những mộng mơ năm nào đã khắc chạm trong tâm khảm rồi cũng đành xếp lại trả về ngăn kéo của quá khứ thôi.

Nhưng trời biển ơi! Sầu này, liệu dã tràng có lấp nỗi không?

Xêko

[footer]

 

Pleiku: còn chút gì để nhớ!

Trong ký ức của Dòng Nhạc Xưa, những người sinh sau 1975, qua lời kể của ba mẹ kể về những năm tháng sống ở Pleiku thì Pleiku là thành phố của chiến tranh với căn cứ quân sự, khu gia binh và đủ mọi thành phần lính tráng. Rồi khi chúng tôi lớn lên, các anh chị hát cho nghe giai điệu và ca từ bất hủ của bản ‘Còn chút gì để nhớ’ của nhạc sỹ Phạm Duy để mãi sau này mới biết là  phổ thơ Vũ Hữu Định.

con-chut-gi-de-nho--1-goc-hoc-tro--dongnhacxua.com

con-chut-gi-de-nho--2-goc-hoc-tro--dongnhacxua.com

ĐÔI NÉT VỀ NHÀ THƠ VŨ HỮU ĐỊNH
(Nguồn Wikipedia)

Vũ Hữu Định.

Vũ Hữu Định (1942-1981), tên thật Lê Quang Trung. Tên tuổi của ông gắn liền với bài thơ Còn chút gì để nhớ, được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc thành ca khúc cùng tên.
Lê Quang Trung sinh năm 1942 tại Thừa Thiên – Huế trong 1 gia đình nghèo. Ông từng sống qua nhiều nơi ở Tây Nguyên, Sài Gòn, lập gia đình và định cư ở Đà Nẵng. Ông làm thơ đăng báo từ khoảng thập niên 1960, với bút danh Hàn Phong Lệ, về sau đổi thành Vũ Hữu Định. Tên Vũ Hữu Định bắt đầu phổ biến từ khi bài thơ Còn chút gì để nhớ của ông được Phạm Duy đem phổ thành nhạc vào năm 1970.

Vũ Hữu Định vào đời sớm, lập gia đình sớm và nghèo nàn trong suốt quãng đời ngắn ngủi của mình. Ngoài làm thơ, ông từng làm cán bộ xây dựng nông thôn ở Đà Nẵng. Ông từng trốn quân dịch nhưng rồi bị bắt lại.

Ông được biết đến là một người mê rượu, tuy nghèo khó nhưng có máu giang hồ, tính tình phóng khoáng.

Ngày 3 tháng 4 năm 1981, sau 1 chầu nhậu với bạn bè, ông bị té cầu thang (có thông tin cho rằng bị té lầu) và qua đời, hưởng dương 40 tuổi.

BÀI VIẾT CỦA NHÀ THƠ NGUYỄN ĐÌNH TOÀN VỀ NGUYỄN HỮU ĐỊNH VÀ BÀI THƠ ‘CÒN MỘT CHÚT GÌ ĐỂ NHỚ’
(Nguồn: XuQuang.com)

Rất nhiều người yêu bài thơ Còn Một Chút Gì Để Nhớ của Vũ Hữu Định, vì được nghe qua nhạc Phạm Duy. Nghe rồi mới đọc.
Nhiều khi cũng không phải là đọc nữa. Người ta nghe và thuộc lời ca của bản nhạc, từ đó nhớ lại rồi khám phá ra cái hay của bài thơ, cái hay của từng chữ trong bài thơ.

Trước khi có bài thơ của Vũ Hữu Định, không biết có bao nhiêu người đã ước ao được đến Pleiku. Nhưng sau khi bài thơ được phổ nhạc và hát lên, số người muốn được đặt chân, được nhìn thấy tận mắt cái phố núi ấy, không thua gì số người muốn nhìn thấy Thôn Vỹ Dạ vì đọc thơ Hàn Mặc Tử.

Có lẽ người nào đó đã nói đúng khi cho rằng, một thành phố dù đẹp đến đâu, nếu chưa được đưa vào văn thơ, âm nhạc, hội họa… cũng kể như nó chưa có linh hồn vậy.

Và một tác phẩm hiện hữu hay tồn tại được hình như cũng có những cơ duyên của nó.

Phạm Duy cho biết, ông gặp Vũ Hữu Định ở Pleiku trong một chuyến đi tìm cảm hứng cho cuộc sống của riêng ông và nhất là tìm hiểu tâm trạng những nhà thơ trẻ, đại đa số khi ấy đang đi lính hay đang trốn lính.

Phạm Duy cho biết ông đã chọn và phổ nhạc bài thơ của Vũ Hữu Định không thêm bớt một chữ nào. Ông cũng giữ nguyên vẹn cấu trúc [structure] cũng như vận tiết [prosodie] của bài thơ. Ông chỉ dùng một thanh âm có bán cung của dân ca Jarai hay Bahmar để gợi cái không khí cao nguyên và một chuyển giọng [tonalité] ở đoạn cuối để cho bài ca có thêm màu sắc.

Ca khúc Còn Một Chút Gì Để Nhớ thành công thế nào mọi người đã biết. Có thể nói, không một ca sĩ tên tuổi nào của chúng ta khi ấy lại không có lần trình bầy bài hát này.

Và, nghe rồi, người ta hẳn cũng có lúc tự hỏi, nếu không có nhạc của Phạm Duy, liệu bài thơ có thể phổ biến mau chóng và rộng rãi như vậy chăng?

Câu hỏi ấy, dù có bao nhiêu câu trả lời cũng không ích gì.

Ta có một bài thơ hay rồi lại có một bài hát hay, đó chưa đủ là một điều thích thú sao?

Thắc mắc nữa mà chi ?

Đọc bạn bè và những người quen biết kể lại cách sống, những cuộc gập gỡ của họ với Vũ Hữu Định, người ta luôn cảm thấy một nỗi vui buồn lẫn lộn, một cái gì đó hình như quá đà, làm rợn người.

Chỉ sau này, trong một bữa nhậu trên sân trời một căn gác với bạn bè, Vũ Hữu Định cầm ly rượu của mình, không biết say tới cỡ nào, bước ra khỏi hàng lan can của cái sân trời, rớt xuống đất và chết tại chỗ, người ta mới biết, hình như cái chết kinh khủng của Vũ Hữu Định đã được báo trước?

Đinh Trầm Ca hiện còn ở trong nước, đã viết về Vũ Hữu Định [trên báo Khởi Hành số 96, tháng 10, 2004] như sau :

“ Tôi chưa được lần nào diện kiến chị Vân, vợ anh. Nhưng qua Đoàn Huy Giao kể, tôi rất kính trọng chị ấy. Tôi cảm nhận chị ngang hàng với bà Tú Xương. Sanh tiền Vũ Hữu Định

chẳng làm được gì cho gia đình. Anh như một cuồng sĩ lang thang, phiêu bạt. Nghe nói chị vất vả lắm để nuôi mẹ anh, một bà mẹ đã ‘lẫn’ và tật bệnh cùng một đàn con. Ngày xưa tôi không ưa anh lắm vì những điều này. Tôi vốn khắc nghiệt. Tôi không thích những người vô trách nhiệm, thiếu bổn phận… Hai mươi năm nay, tôi lạïi giống anh lúc trước, tôi mới hiểu được và thương anh hơn! Khi tôi hiểu được thì không còn Định, để mời

một chén rượu cảm thông. Tôi không còn nghĩ anh là người ham danh, hay nhẹ nhàng hơn, có chút ưu ái hơn, như các bạn tôi rằng, anh là người say đắm thơ rượu. Tôi biết rằng những tháng năm đen tối, đời anh không nhờ thơ, rượu thì con người anh sẽ ra sao? Và cuối cùng thơ và rượu đã cứu rỗi anh.

Cũng có khi nào anh trở lại
Mai đây, mốt nọ biết đâu chừng
Và có một lời anh sẽ nói
Giữ giùm nhau một chút hồn chung
Tới đây thấy lúa vàng đang chín
Đứng lại nhìn thôn xa khói bay
Không biết nhà ai đâu nấu rượu
Thoang thoảng hương mùa đã muốn say

Anh đã mất 17 năm tròn. Nhưng anh cũng vừa trở lại với chúng ta bằng tập thơ ‘Còn Chút Gì Để Nhớ’. Trong thơ anh, tôi đã nhìn thấy rõ anh hơn những ngày tháng giang hồ lang bạt. Tôi thấy anh quằn quại khổ đau. Tôi thấy cả tấm lòng anh đầy ắp yêu thương gia đình, vợ con. Thơ anh nhân ái, cao cả mà hồn anh thì ray rứt, ngậm ngùi”. Nhân ngày giỗ đầu Vũ Hữu Định, A Khuê đã có một bài thơ khóc bạn và Trần Quang Lộc một người bạn khác của Vũ Hữu Định, đã phổ nhạc thành ca khúc Mộ Trăng.

Đêm không trăng mổ ngực chơi
Giữa tuyệt cùng
Sương hoa đỏ
Linh hồn linh hồn ơi
Mệt bước chân vu
Đi ngất ngất đi lặng lẽ trong đêm dài
Đêm không trăng
Của phố núi cao
Em Pleiku má đỏ môi hồng
Có thật đã ngủ yên
Trên ngọn núi cao kia
Trong bóng tối ôi lạnh quá đôi chân trần

Độc giả, thính giả, được đọc, được nghe một bài thơ, một bài hát hay, thường thắc mắc tự hỏi, không biết những sáng tác khác của các tác gỉa ấy ra sao?

Đó cũng là điều người ta muốn biết về Vũ Hữu Định.

Trước 75 Vũ Hữu Định có nhiều thơ đăng trên báo chí ở Sài Gòn, nhưng chưa có một tập thơ nào được in thành sách.

Và cũng có thể nói rằng, ngoài bài thơ Còn Một Chút Gì Để Nhớ, khôngthấy một bài thơ nào khác của Vũ Hữu Định được độc giả nhắc nhở, truyền tụng.

Dù thế nào, chỉ căn cứ vào những bài thơ đăng báo để nói về thơ của một người, không thể tránh được thiếu sót.

Nhất là trường hợp Vũ Hữu Định.

Sau tập Còn Một Chút Gì Để Nhớ vừa được bằng hữu của ông ở trong nước góp công sức xuất bản, người ta mới được biết Vũ Hữu Định còn nhiều tập thơ khác nữa, chưa biết lúc nào mới in ra được.

Dưới đây là bài thơ Đứng Giữa Đồng Không trích trong tập Còn Một Chút Gì Để Nhớ của Vũ Hữu Định :

một bầy sáo nhỏ qua sông
một em tôi đã cầm lòng đi xa
như con sông nhỏ thật thà
sớm hiu hắt tạnh, chiều sa mưa nguồn
một bầy sáo đã đi luôn
một em tôi đã để buồn lại đây
con chim quyên đã lạc bầy
xuống sông vọc nước đợi ngày xế ngang
một bầy sáo nhỏ bay hoang
một em tôi đã bỏ làng đi xa
tôi ngu ngơ giữa chiều tà
em đi để lại mình ta giữa đồng

Chiều trên phá Tam Giang

Có những địa danh đã đi vào thơ nhạc và để lại những dấu ấn khó phai mờ trong lòng người yêu nhạc qua nhiều thế hệ. Hôm nay xin gởi đến quý vị một trong số đó: phá Tam Giang.

Phá Tam Giang.

Đôi nét về phá Tam Giang (có tham khảo wikipedia)
Phá Tam Giang là một phá nằm trong hệ đầm phá Tam Giang-Cầu Hai. Diện tích phá Tam Giang khoảng 52km², trải dài khoảng 24 km theo hướng tây tây bắc-đông đông nam từ cửa sông Ô Lâu đến cửa sông Hương, thuộc địa phận ba huyện Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà tỉnh Thừa Thiên-Huế. 

Phá Tam Giang chiếm khoảng 11% diện tích đầm phá ven bờ của Việt Nam.

Độ sâu của phá này từ 2-4 m, có nơi sâu tới 7 m. Hàng năm khai thác trên vùng đầm phá hàng nghìn tấn hải sản, cá, tôm các loại. Hiện nay có kế hoạch nghiên cứu đầu tư xây dựng cầu qua Phá Tam Giang để có điều kiện phát triển kinh tế và du lịch tại vùng này.

Phá Tam Giang với cửa Thuận An và sông Hương là thủy lộ chính lên kinh thành Huế nên ngày xưa ai thượng kinh đều phải vượt phá. Tuy là đầm nhưng vì có sóng nên ca dao có câu:

Đường vô xứ Huế quanh quanh
Non xanh nước biết như tranh họa đồ
Thương em anh cũng muốn vô
Sợ truông Nhà Hồ, sợ phá Tam Giang…

Phá Tam giang ngày xưa hai bên bờ là những đầm lầy đầy lau lách, ở đó có sào huyệt của một nhóm cướp khét tiếng vào thời kỳ bấy giờ. Cho nên thương em mà không dám vô cớ là vậy.

Sự ra đời của nhạc phẩm bất hủ ‘Chiều trên phá Tam Giang’ của Trần Thiện Thanh theo ý thơ Tô Thùy Yên

Theo lời kể của chính nhạc sỹ Trần Thiện Thanh trong một chương trình văn nghệ hát chung với Khánh Ly thì đó là vào khoảng năm 1971 – 1972, tức là khi cuộc chiến Việt Nam đang ở trong thời kỳ khốc liệt nhất mà đỉnh cao là “mùa hè đỏ lửa” 1972, nhạc sỹ Trần Thiện Thanh cùng với nhạc sỹ Phạm Duy, nhà thơ Tô Thùy Yên và vài người nữa từ Sài Gòn đi thăm những vùng tiền đồn.

Chiều hôm đó, trên chiếc trực thăng bay là là trên mặt phá Tam Giang rộng mênh mông, nhà thơ Tô Thùy Yên cùng với Trần Thiện Thanh đã nảy ra ý định sẽ làm một bài thơ hay nhạc về phá Tam Giang này. Thế là không lâu sau đó, bài thơ “Chiều trên phá Tam Giang” ra đời.

Xem toàn bộ bài thơ ở đây

Cũng chính vì cảm tác từ chuyến đi tưực tế mà nhạc sỹ Trần Thiện Thanh đã cho ra đời một nhạc phẩm bất hủ, vượt trên nhiều bản theo dòng nhạc đại chúng của ông.

Chiều trên phá Tam Giang (Trần Thiện Thanh - Tô Thùy Yên). Ảnh: AmNhacMienNam.blogspot.com
Chiều trên phá Tam Giang (Trần Thiện Thanh – Tô Thùy Yên). Ảnh: AmNhacMienNam.blogspot.com

chieu-tren-pha-tam-giang--1--tran-thien-thanh--amnhacmiennam--dongnhacxua.com chieu-tren-pha-tam-giang--2--tran-thien-thanh--amnhacmiennam--dongnhacxua.com chieu-tren-pha-tam-giang--3--tran-thien-thanh--amnhacmiennam--dongnhacxua.com

[footer]

“Thu, Hát Cho Người” và những giai thoại

DongNhacXua.com còn nhớ lần đầu tiên được nghe “Thu, Hát Cho Người” là vào những năm khó khăn của thời bao cấp (độ cuối những năm 1980). Khi đó những anh chị em trong nhà chuyền tay nhau tập nhạc chép tay bài hát này và mãi sau đó mấy năm mới được nghe từ băng cassette. Từ đó “Thu, Hát Cho Người” theo chúng tôi trong suốt một thời hoa mộng của tuổi học trò. Mãi gần 20 năm sau, trong một chương trình trên HTV7, DongNhacXua.com mới may mắn nghe chính tác giả là nhạc sỹ Vũ Đức Sao Biển kể đôi lời về hoàn cảnh sáng tác nhạc phẩm này: Theo lời của chính tác giả trong chương trình “Gặp gỡ cuối tuần” phát trên HTV7 trưa ngày 24/01/2010 thì đó là những tình cảm trong sáng của chính tác giả với một người con gái cùng quê Quảng Nam. Sau một thời gian xa cách, khi trở về, cô gái ngày xưa giờ có lẽ đã có một bến bờ khác. Một mình lang thang lên đồi sim tím, nơi đã từng gắn bó với mối tình ngày xưa, cảm xúc chợt ùa về và “Thu, hát cho người” ra đời trong hoàn cảnh ấy. Trong bài hát có nhắc đến tên 2 loài hoa là “nguyệt cầm” và “linh lan“, là những loại hoa dại mọc rất nhiều ở vùng quê Quảng Nam của tác giả. Thế rồi trong một bài viết khác mà DongNhacXua.com tìm trên internet qua trang XuQuang.com, tác giả nói nhiều hơn về Vũ Đức Sao Biển và Đynh Trầm Ca, hai đứa con văn nghệ của đất Quảng Nam. “Thu, Hát Cho Người” là tên một bản nhạc của Vũ Đức Sao Biển. Nhạc phẩm được trình làng khoảng thập niên sáu mươi và đã được nhiều người yêu thích, lời bản nhạc như sau: Dòng sông nào đưa người tình đi biền biệt, Mùa thu nào cho người về thăm bến xưa. Hoàng Hạc bay, bay mãi bỏ trời mơ Về đồi sim ta nhớ người vô bờ. Ta vẫn chờ em dưới gốc sim già đó, Để hái dâng người một đoá đẫm tương tư, Đêm nguyệt cầm, ta gọi em trong gió. Sáng linh lan, hồn ta khóc bao giờ. Ta vẫn chờ em trên bao la đồi nương, Trong mênh mông chiều sương, Giữa thu vàng bên đồi sim trái chín, Một mình ta ngồi khóc tuổi thơ bay.” Thu là mùa Thu, một trong bốn mùa của thời tiết đất trời. Xuân, Hạ, Thu, Đông. Mùa Thu có lá vàng bay, có gió heo may hiu hắt thổi về lạnh lạnh khiến người có tâm hồn nghệ sĩ dễ cảm hoài, nhất là nhà thơ, nhà văn hay nhạc sĩ. Nguyễn Khuyến có bài thơ Thu Điếu, Tản Đà có Cảm Thu, Tiễn Thu, Lư Trọng Lư có Tiếng Thu, và nhiều tác giả nữa…như tôi cũng có bài Thu Thảo, là cỏ mùa thu, hay tên một người, bài thơ viết về một tình yêu đơn phương, tình tuyệt vọng. Lời bình của nhà nghiên cứu văn học Trần Văn Nam trong tập “Trong Dòng Cảm Thức Văn Học Miền Nam, Phân Định Thi Ca Hải Ngoại”, tác giả xuất bản 2006, “Thơ Trần Yên Hoà, trong bài Thu Thảo, nghiêng về giải đáp muốn vượt qua thơ lãng mạn tình yêu, để hướng về thơ diệu vợi, bởi từ ngữ “em” không phải chỉ về người mà chỉ về thiên nhiên: mùa thu được nhân cách hóa thành người em hương sắc” (trang521, sđd): ”Thu đang đến nghĩa là em đang đến Bước chân em xao động cả san hà. Ta một mình ôm gối mộng tình ta Ta khốn khổ bơ vơ nhìn lá chết.” Nhưng “Thu, Hát Cho Người” là bài hát viết về một người con gái có tên Thu. Cô gái đã làm trái tim hai chàng nhạc sĩ quê Quảng Nam điêu đứng, đó là Vũ Đức Sao Biển và Đynh Trầm Ca. Cô Thu, lúc đó, khoảng thập niên sáu mươi, tuổi mới mười tám đôi mươi, là nữ sinh trường Trung Học Tiểu La, Thăng Bình, Quảng Nam (Quảng Tín cũ). Cô có mái tóc dài, khuôn mặt trái soan, làn da trắng hồng. Hai chàng nhà thơ này là những học trò chân đất, nhìn người đẹp rồi mơ mộng yêu đương và về nhà làm thơ viết nhạc. Đynh Trầm Ca có nhiều bài thơ cho Thu và Vũ Đức Sao Biễn có Thu, Hát Cho Người. Nhưng đó là mối tình lãng mạn, tình yêu trong mộng tưởng. Nàng Thu lấy chồng sớm, một chàng trung úy pháo binh tên Trần Đình Ái, một pháo đội trưởng pháo binh (sau này lên đại úy), đẹp trai, hào hùng, oai ra phết. Tôi quen anh chàng Ái trong những ngày hành quân ở sư đoàn 2 bộ binh, hành quân vùng Sơn Tịnh, Quảng Ngãi, khoảng năm bảy ba. Đơn vị tôi là đơn vị bộ binh trấn đóng căn cứ hỏa lực Hoàng Oanh, Aí là sĩ quan pháo binh yểm trợ cho bộ binh hành quân. Tôi gặp và đã nói chuyện với Ái nhiều lần và biết anh là chồng của cô Thu, nhân vật nữ trong nhạc phẩm Thu, Hát Cho Người. Khi cô Thu trong mộng của hai chàng nhạc sĩ đi lấy chồng, Đynh Trầm Ca có bài Ru Con Tình Cũ cũng rất hay, bản nhạc được ca sĩ Hà Thanh hát trên đài phát thanh Quân Đội, lúc đó tôi đang đi hành quân, trong một đêm dừng quân, nằm trên võng nghe nhạc phẩm này thật não lòng: ”Ôi ba năm qua rồi, Đời chưa nguôi gió bão, Người xa xôi phương nào, Người oán trách gì không? Thôi em ơi, em đừng hờn trách nữa, Đời ta như rong rêu tội tình…” Thế là nhân vật Thu được bước vào giai thoại của âm nhạc, mà Trần Quốc Bảo trong báo Nghệ Sĩ cách đây khá lâu đã đăng về mối tình tay ba này. Thật ra, đây chỉ là một mối tình tuyệt vọng cho cả hai nhạc sĩ. Có thể mối tình đó day dứt mãi hai chàng không thôi, ai cũng dành cho riêng mình cô Thu đó. Sau này, Vũ Đức Sao Biển có thêm nhạc phẩm Thu Sài Gòn, những chắc Thu Sài Gòn không bằng Thu “Quảng Nam” dạo nọ. Đynh Trầm Ca thì có bài Sông Quê, cũng nhắc đến Thu: Sóng đời cuồng trôi lỡ rồi sông bên đó Nhà em cũng bỏ làng đi mãi không về Mỗi ngày bên sông không còn em đi học Ngọn gió reo buồn, buồn trong nhánh mù u. Nhánh mù u con bướm vàng không đậu Anh bao chiều về thơ thẩn qua sông Sông quê trường làng con đò trên bến lỡ Cũng vì em xa mà thành điệu nhớ xao lòng     Ơi con sông quê     Bao năm đã lỡ đã bồi     Đời biển dâu nên anh cũng dạt quê người Chiếù nay bỗng nhớ cây mù u Giòng sông vang bóng em chiều thu Về đây mới biết Bên sông không còn mái nhà ngày xưa… Và gần đây nhất là một bài báo khác của tác giả Hà Đình Nguyên đăng trên báo Thanh Niên số ra thứ tư, 08/06/2011 Đất Quảng Nam vốn sinh ra nhiều nhân tài và cả nhiều giai thoại. Trong đó một giai thoại hy hữu là có 2 nhạc sĩ đương thời cùng nặng tình với một nàng thiếu nữ, và mỗi người đã sáng tác một ca khúc để riêng tặng nàng. Cả hai bài hát này đều rất quen thuộc với công chúng… Đó là một giai thoại lý thú mà giới văn nghệ Quảng Nam và Sài Gòn vẫn kể cho nhau nghe: Ngày xưa (thập niên 60), ở một thị trấn nhỏ của tỉnh Quảng Nam, có một cô học trò trung học, ngày hai buổi ôm cặp đi về trên con đường bụi mù phố lẻ. Nàng họ Hồ, tên Thu, có mái tóc dài, mặt trái xoan, da trắng hồng và cặp mắt long lanh như sóng nước hồ thu. Sóng mắt của nàng đã làm trái tim hai chàng nhạc sĩ tài hoa lỗi nhịp. Nhờ đó mà giới yêu nhạc có được hai ca khúc “để đời” mà hát: bài Thu, hát cho người của Vũ Đức Sao Biển và bài Ru con tình cũ của Đynh Trầm Ca. Người viết là “thằng em” thân thiết của cả hai nhạc sĩ. Mười lăm năm trước, khi tôi vào làm Báo Thanh Niên thì anh Vũ Đức Sao Biển là “sếp” – phụ trách tờ Thanh Niên bán nguyệt san, còn khi anh Đynh Trầm Ca giã từ ngày tháng phiêu dạt ở phương Nam để đưa vợ con về quê (năm 1998) thì chính tôi là người đưa tin trên báo. Chuyện cả hai ông anh cùng yêu một cô gái rồi viết nhạc, tôi cũng đã biết từ lâu nhưng nay mới có dịp… hỏi cho ra nhẽ.
Hồ Thị Thu ngày ấy – Ảnh: tư liệu
Với anh Vũ Đức Sao Biển, trong những phát biểu chính thức thì anh không hề nói anh viết Thu, hát cho người cho đích danh một ai cả. Chỉ là một buổi sáng năm 1968, anh lang thang trên đồi sim ở Thăng Bình quê anh, chợt nhớ về một người con gái đã xa mới bật ra những tứ nhạc: “Dòng sông nào đưa người tình đi biền biệt. Mùa thu nào cho người về thăm chốn xưa...”, rồi bảo: Những câu thơ Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản của Thôi Hiệu trong bài Hoàng Hạc lâu đã ám ảnh anh, để anh làm câu tiếp theo Hoàng hạc bay, bay mãi bỏ trời mơ, về đồi sim, ta nhớ người vô bờ… Gì thì gì, chính dấu phẩy sau chữ Thu trong cái tựa Thu, hát cho người đã khiến anh bị “bắt quả tang”: viết cho Thu chứ còn ai vào đó nữa!… Tôi hỏi anh Đynh Trầm Ca thì anh cười khà khà: “Chuyện cũ rích, mà nếu tau kể thì có hay ho chi mô. Tau cho mi số điện thoại của ông anh rể của cô đó và cả của cô đó nữa. Mi hỏi đi!”. Tôi mừng rơn, gọi cho anh Hồ Luân đang ở Quảng Nam. Anh ấy tuôn một tràng: “Thằng Mạc Phụ (tên thật của Đynh Trầm Ca) quen con Thu là qua tui. Dạo đó tui để ý cô chị (tên Liên), Liên bị bệnh, tui muốn đến thăm nhưng đi một mình thì hơi run, bèn rủ thằng Phụ đi theo. Ai dè, tới nhà Liên, hắn gặp cô em, đâm ra như… mất hồn! Còn con Thu có “tình cảm” chi với Võ Hợi (tên thật của Vũ Đức Sao Biển) không thì tui không rõ. Nhưng mà tui thấy nhiều khi người ta hư cấu mà… hay quá trời, đến nỗi mình là người trong cuộc mà còn ngẩn tò te nữa đó. Năm rồi, cô em tôi kể trong cuộc nhậu có một ông lãnh đạo địa phương. Ổng hỏi: “Ở Quảng Nam có hai nhạc sĩ nổi tiếng, quý vị biết là ai không?”. Mọi người đáp: “Vũ Đức Sao Biển với Đynh Trầm Ca chứ ai!”. “Đúng. Vậy hai ông này có đặc điểm gì?”. Đáp: “Cùng yêu cô Thu và cùng viết bài hát cho cô này!”. “Đúng luôn, nhưng mà xuất xứ của từng bài hát ra sao?”. Không ai trả lời được, lúc đó vị này mới kể: “Hai ông này là nhạc sĩ nên chơi thân với nhau. Thân quá, cho nên khi yêu thì cũng yêu một người. Nhưng do ông Đynh Trầm Ca nghèo, mà lại xấu trai còn ông Vũ Đức Sao Biển chẳng những đẹp trai mà còn làm được bản nhạc Thu, hát cho người rất nổi tiếng nên cô Thu… lấy ông này. Khi cặp vợ chồng này có một đứa con thì một hôm ông Đynh Trầm Ca đến thăm bạn cũ, thấy ông Vũ Đức Sao Biển đang ngồi… ru con. Chuyện vãn được một lúc thì ông Vũ Đức Sao Biển bận việc gì đó, mới nhờ bạn ru con hộ mình. Ông Đynh Trầm Ca ngồi ru con (của) người tình cũ, thấy buồn thấm thía, nên mới cảm tác ra bài Ru con tình cũ. He he… Hay quá phải không chú mày?”… Tôi hỏi nhân vật chính: Thu – người đẹp của một thời: “Chị ơi, sao người ta lại gọi chị là Thu Chuẩn?”. “À, Chuẩn là tên ba của tôi, ở miền quê người ta thường gọi tên “kép” như thế để phân biệt con nhà này với con nhà kia”. Hỏi “chuyện xưa”, chị cười bảo: “Dạo đó tôi với anh Đynh Trầm Ca cũng có tình cảm nhưng chỉ là tình cảm tuổi mới lớn. Hồi quen anh ấy tôi mới học lớp đệ lục (lớp 7 bây giờ) trường Trung học Tiểu La, nhưng rồi không duyên nợ. Tôi lấy chồng năm 1966, chồng tôi người gốc Hà Nội. Một năm sau thì tôi biết anh Đynh Trầm Ca có viết bài Ru con tình cũ…”. “Do đâu chị biết được?”. “Chu choa, bài này được hát ra rả trên radio, không muốn nghe cũng phải nghe! Còn chuyện anh Vũ Đức Sao Biển thì sau này tôi có nghe một người bạn gái kể là anh ấy cũng có tình cảm với tôi và có viết bài Thu, hát cho người. Nếu đúng vậy thì… cũng là chuyện có duyên không nợ…”. Có một trùng hợp lý thú là cả Đynh Trầm Ca lẫn Vũ Đức Sao Biển đều bỏ quê, trôi dạt vào phương Nam. Đầu thập niên 70 thế kỷ trước, Vũ Đức Sao Biển vào Bạc Liêu dạy học suốt mấy năm rồi lên Sài Gòn làm báo. Sau 1975, Đynh Trầm Ca cũng dắt díu vợ con trôi dạt về Sóc Trăng, An Giang, rồi Sài Gòn… đến năm 1998 mới hồi hương. Anh hiện là ông chủ quán Thạch Trúc Viên ở thị trấn Vĩnh Điện (Điện Bàn, Quảng Nam). Có một chuyện ly kỳ nữa là dạo còn ở miền Tây, một lần Đynh Trầm Ca xuống bến đò thấy cha con một người hành khất, người cha ôm cây đàn guitar cũ kỹ hát, còn đứa con gái cầm chiếc thau nhôm móp méo đi đến từng người để xin tiền. Bản nhạc mà người hành khất đang hát là bài… Ru con tình cũ: “Ba năm qua em trở thành thiếu phụ. Ngồi ru con như ru tình buồn… Ôi, ba năm qua rồi, lòng chưa nguôi gió bão… Người xa xôi phương nào, người oán trách gì không?”. Đynh Trầm Ca nghe mà thắt cả lòng. Tháng 5.1988, Báo Thanh Niên đăng bài thơ Bất chợt trên bến đò ngang của anh: “…Mười mấy năm rồi người con gái sang sông/Tôi viết lời ca sao buồn quá vậy?/Những lời ca cho lòng tôi thuở ấy/Ai biết bây giờ/Bố con người hành khất dùng để ăn xin?”. Nhạc sĩ Xuân Hồng đã phổ nhạc bài thơ này.