Trưa nay, 20.03.2016, cầu Ghềnh ở thành phố Biên Hòa bị sập. Nhiều người bị rơi xuống sông, hàng trăm hành khách đường sắt bị điêu đứng. [dongnhacxua.com] xin gởi lời chia buồn đến các gia đình nạn nhân và mong những tổn thất nếu có sẽ được hạn chế tối đa.
Nhân sự kiện này, chúng tôi chợt nhớ đến biến cố Mậu Thân 1968. Khi đó, cầu Trường Tiền ở Huế (có lẽ cũng được Pháp xây dựng cùng thời với cầu Ghềnh) cũng bị gãy. Cũng bao nhiêu người dân vô tội bị chết, bao gia đình tan nát, điêu linh. Thời chiến cũng như thời bình, dù cố tình hay vô tình, thì người dân vô tội vẫn phải gánh chịu hậu quả không lường. Một lần nữa, [dongnhacxua.com] cầu mong mọi điều tốt lành nhất cho các nạn nhân và mong những người có thẩm quyền hành động vì lợi ích của người dân, của dân tộc để nước Việt mình không phải hứng chịu những thảm họa mà cố nhạc sỹ Trầm Tử Thiêng phải đau buồn thốt lên trong nhạc phẩm “Chuyện một chiếc cầu đã gãy”
Cầu Trường Tiền còn được gọi là Cầu Tràng Tiền [1], là chiếc cầu dài 402,60 m, gồm 6 nhịp dầm thép hình vành lược, khẩu độ mỗi nhịp 67 m. Khổ cầu 6 m [2], được thiết kế theo kiến trúc Gô tích, bắc qua sông Hương. Đầu cầu phía bắc thuộc phường Phú Hòa, đầu cầu phía nam thuộc phường Phú Hội; ở ngay giữa thành phố Huế thuộc Việt Nam.
Căn cứ bài thơ “Thuận Hóa thành tức sự” của nhà thơ Thái Thuận [3], thi sĩ Quách Tấn đã cho rằng dưới thời vua Lê Thánh Tôn, sông Hương đã có cầu. Chiếc cầu đó, được làm bằng song mây bó chặt lại với nhau và nối liền nhau, nên có tên là cầu Mây. Vì cầu có hình cái mống úp lên sông, nên còn có tên là cầu Mống [4]. Trải bao năm tháng, không biết khi nào, cầu Mống được làm lại bằng gỗ, mặt cầu lát bằng ván gỗ lim.
Năm Thành Thái thứ 9 (1897), chiếc cầu trên được nhà cầm quyền Pháp (khi ấy Khâm sứ Trung Kỳ là Levécque) giao cho hãng Eiffel (Pháp) thiết kế (do Gustave Eiffel thiết kế) và khởi công xây dựng lại bằng sắt, đến năm Thành Thái thứ 11 (1899) thì hoàn thành và được mang tên vị vua này [5]. Tổng cộng tiền xây cầu Thành Thái tiêu tốn hết khoảng 400 triệu đồng bạc Đông Dương, là một số tiền lớn vào thời đó [6]. Tổng chiều dài cây cầu lúc bấy giờ là 401,10 m, rộng 6,20 m, gồm 6 nhịp dầm thép hình vành lược (hay hình bán nguyệt); và hình dáng đó về cơ bản được giữ nguyên cho tới ngày nay.
Năm Giáp Thìn (1904), bão lớn làm cầu hư hỏng nặng. Hai năm sau, tức năm Thành Thái thứ 18 (1906)[7], chiếc cầu mới được tu sửa lại, và mặt cầu được đúc bằng bê tông cốt thép. Năm 1907, khi vua Thành Thái bị thực dân Pháp đày sang đảo Réunion, thì chính quyền thực dân Pháp cho đổi tên là cầu Clémenceau, theo tên của Georges Clemenceau, một Thủ tướng Pháp thời Thế chiến thứ nhất.
Năm 1937, dưới triều vua Bảo Đại, cầu Trường Tiền được trùng tu, cải tạo lớn. Cầu được mở rộng hành lang hai bên cho xe đạp và người đi bộ. Ở hành lang tại vị trí trụ cầu giữa 2 vài có các bao lơn (ban công) phình rộng ra – là nơi nghỉ chân, ngắm cảnh hay tránh nhau.
Năm 1945 chính phủ Trần Trọng Kim đổi tên là cầu Nguyễn Hoàng.
Năm 1946, trong chiến tranh Việt – Pháp, cầu bị Việt Minh đặt mìn, giật sập hai nhịp phía tả ngạn. Hai năm sau cầu được tu sửa tạm để qua lại.
Năm 1953, cầu được sửa chữa hoàn chỉnh như cũ.
Trong Sự kiện Tết Mậu Thân, trụ 3 và nhịp 4 bị phá hủy [8], khi quân Mặt trận Giải phóng miền Nam cho giật sập để cắt đường phản công của quân đội Việt Nam Cộng hòa. Sau đó, một chiếc cầu phao được dựng tạm lên bên cạnh để nối đôi bờ; rồi cầu được tu sửa tạm thời.
Sau khi kết thúc chiến tranh (1975) cầu được đổi tên thành “Tràng Tiền”.
Mãi tới năm 1991 cầu Tràng Tiền mới được khôi phục, trùng tu lần nữa. Ở lần trùng tu này do Công ty Cầu 1 Thăng Long đảm nhiệm, kéo dài trong 5 năm (1991-1995), có nhiều thay đổi quan trọng, đó là việc dỡ bỏ các ban công ở hành lang hai bên tại vị trí các trụ cầu, lòng cầu (cả đường chính và phụ) bị hẹp lại do phải nẹp thêm hai ống lan can, màu sơn ghi xám thay cho màu nguyên bản từ xưa của cầu là màu nhũ bạc,…[9].
Từ Festival Huế năm 2002, cầu Tràng Tiền được lắp đặt một hệ thống chiếu sáng đổi màu hiện đại… và đến năm 2004 cầu lại 1 lần nữa được đổi tên là Trường Tiền
[dongnhacxua.com] có đề cập đến nhạc sỹ Hình Phước Liên trong một bài viết tri ân nhạc sỹ Thanh Tùng khi nhắc đến sáng tác chung giữa hai nhà nhạc sỹ (bản “Cây đàn guitar của Lorca”). Riêng với cá nhân chúng tôi, nhạc sỹ Hình Phước Liên là một người anh đáng quý khi cùng tham gia vài hoạt động văn nghệ của tỉnh Phú Khánh ngày ấy (từ năm 1989 tách ra thành hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa). Hình Phước Liên cũng chính là em trai của nhạc sỹ Hình Phước Long, tác giả của “Gần lắm Trường Sa ơi” mà chúng tôi đã có lần giới thiệu.
Nhạc sỹ Hình Phước Liên. Ảnh: BaiCaDiCungNamThang.net
[dongnhacxua.com] còn nhớ vào thập niên 1990, bản “Phố huyện chiều em nhớ” của Hình Phước Liên từ vùng quê Ninh Hòa, bay sang tận Mỹ rồi trở về lại Việt Nam qua tiếng hát của ca sỹ Lâm Thúy Vân trong một đĩa CD của Trung tâm Asia.
Để người yêu nhạc có thêm tư liệu về nhạc sỹ Hình Phước Liên, về huyện Ninh Hòa (Khánh Hòa) và con sông Dinh, chúng tôi xin mạn phép trích đăng bài viết của tác giả Dương Tấn Long.
Một buổi tối, hai gia đình: tôi và em tôi là Tấn Sơn rũ nhau đến quán ca nhạc loại “hát với nhau nghe” nằm trên con đường tập trung nhiều hàng quán ăn chơi có tiếng ở trung tâm Sài Gòn. Thỉnh thoảng vẫn thế, vì Sơn thích ca hát và giọng tốt nên thường sưu tầm những địa chỉ “ tầm cở” để thử tài, và cứ mỗi lần Sơn rũ là tôi không từ chối. Với máu nghề nghiệp và thích nghe nhạc, đi chơi như vậy tôi được thưởng thức nhiều mặt. Được biết đây là một quán mới mở, dành cho giới trẻ nên cách trang trí rất ấn tượng, hình khối, đường nét mặt tiền mạnh mẽ, với hệ thống đèn nhiều màu rực rỡ. Bước vào cửa đã nghe tiếng nhạc disco với âm lượng quá cở, tiếng cười nói của từng nhóm bạn trẻ tạo một thứ tiếng ồn vượt mức chịu đựng ở cái tuổi trung niên như tôi.
Gian phòng chữ nhật không đủ rộng, chính giữa một bar rượu hình oval đã đầy các thanh niên nam nữ ăn mặc rất thời thượng đang ngồi trên các ghế cao, hướng vào giữa. Hai bên, sát tường là các bàn nước đặt dọc ở trên nền cao gần cả mét và đầu kia là một sân khấu nhỏ. Các hình thức, chi tiết nội thất thể hiện như trong một chiếc tàu biển: – những mỏ neo treo lủng lẳng, sợi dây thừng giăng đong đưa, chiếc vô lăng như bánh xe luân hồi to đùng gắn cuối phòng, các ô cửa tròn và các nữ tiếp viên xinh đẹp, phơi phới với trang phục như lính hải quân váy cực ngắn, đang rộn ràng trò chuyện với khách. Mật độ trang bị nội thất và con người nơi đây khá cao. Vì đi với gia đình nên chúng tôi tìm một nơi yên ổn, kín đáo ở góc cuối phòng và nhờ vậy tôi có thể quan sát được rộng và đầy đủ.
Giờ hát với nhau đã đến, tiếng nhạc phát ra từ máy chợt tắt, tiếng cười nói giảm đi, một số lớn khách đã đổi tư thế ngồi, quay về hướng sân khấu, không khí tỉnh lại. Một MC nam đẹp trai, tuổi trên 35 bước ra sân khấu, rất tự tin và tươi cười chào khán phòng, cùng lúc ban nhạc với vài nhạc công cũng tiến đến nhạc cụ. Sau phần giới thiệu vào đầu chương trình ca nhạc hằng đêm của quán, một khúc nhạc intro trổi lên như là thứ nhạc thiều riêng, với âm lượng vừa phải và giai điệu rumba khoan thai quen thuộc, tôi cảm thấy thật dễ chịu. MC vào đề rất tự nhiên, hàng loạt từ hoa mỹ được tung ra để giới thiệu một ca khúc với tốc độ chóng mặt, tôi há hốc theo dõi với chút kính nể khả năng phát thanh trôi chảy như thuộc bài của chàng MC này. Mặc dù đã nói rất dài nhưng tôi vẫn chưa đoán được bài hát tên gì, chỉ biết rằng đó là một chuyện tình lâm ly bi đát. Quay lại Sơn tôi hỏi :
– Chàng này ở đâu ra vậy ?
– Tên là HT, em có quen, làm ở nhà văn hóa quận X. chuyên hướng dẫn các chương trình, ảnh mời em đến đây.- Sơn trả lời.
…. Và có dài thì cũng phải có đoạn kết, đó là bài “hoa sứ nhà nàng”… một chàng tướng to, khỏe cở anh Vọi trong “trống mái” của Khái Hưng, mặc chiếc áo rất hoa lá cành, ôm sát người, phơi lồ lộ những cơ bắp! rời bar rượu từ từ tiến lên sân khấu với dáng vẻ hiên ngang như đi chiến đấu, khán giả vỗ tay nồng nhiệt, một tín hiệu sinh động, lạc quan khởi đầu, mấy đứa nhỏ con tôi và con Sơn thích chí vỗ tay hưởng ứng theo. Tôi thấy lùng bùng hai tai. Có lẽ chàng này đi rất sớm và đã kiếm ngay xuất đầu tiên.
Câu vô đề -“đêm đêm ngưởi mùi h… mùi hương của nhà nàng” thấy lạnh cả người, một chất giọng eo ẻo, pha cải lương đúng chất với bài hát nhưng không tương ứng với tướng mạo của chàng lực sĩ tí nào, chàng say sưa, rên rĩ diễn tả nỗi đau khổ, có thể xếp vào bậc thầy của sến …không khí khán phòng tỏ ra nhẫn nại, chia xẻ, chờ phút cáo chung của khúc bi ca, thế nhưng kết cục lại có hậu với tràng pháo tay như pháo tết và vài tiếng huýt sáo inh tai, anh “Vọi” một lần nữa hiên ngang trở về bar rượu. MC lại xuất hiện, rất hào hứng và chợt xuống giọng ra vẻ triết lý cao siêu đầy kịch tính, nói về thân phận con người giữa cuộc đời ô trọc này…Một lần nữa tôi được chứng kiến tài nghệ của MC – đúng là một cao thủ, chữ nghĩa có thừa, – à, thì ra là một bài hát của Trịnh Công Sơn, bài “phúc âm buồn”. Một cô gái khoảng hai mươi lăm, mặt đầy đặn, mắt đeo cặp kính cận nặng, bước lên sân khấu..” người nằm co, như loài thú, khi mùa đông về…người nằm yên không kêu than chết trên căn phần…người còn đứng như tượng đá…” khán phòng trầm lắng, một chút chùng lòng vì lời hát thấm sâu, chất giọng alto khoẻ khoắn, đầy dẫn dụ ngọt ngào, bài hát được kết thúc với sự ngưỡng mộ trân trọng. Và không khí như nóng lên khi MC giới thiệu một tay chơi gầy gò, mặc bộ Jean rách rưới bạc phết màu, điệu twist được trổi lên với bài “60 năm cuộc đời”, tôi chợt nhớ đến giai điệu kích động được phổ biến, ngự trị trong các vũ trường và các phòng trà Sài gòn trong thập niên 60 với chiếc quần ống túm là biểu tượng. “…ới..ới đời sống là thế không là bao, em ơi có bao nhiêu 60 năm…” Chàng trai vừa hát vừa lắc theo twist rất điệu nghệ, thỉnh thoảng chàng ứ…ứ nghe rất bốc (không thua gì Hùng Cường). Các nhạc công được dịp cũng xã hết công suất.
Những bạn trẻ bị cuốn hút với những thân hình cựa quậy và tay chân quờ quạng theo, với hậu quả là tiếng pháo tay, la hét dậy trời của đám cuồng nhiệt. Sau trận bị trấn áp ngạt thở bằng âm thanh ấy tôi nghe ê ẩm cả người, đến nhân vật thứ tư tôi không còn đủ sinh lực chăm chú theo dõi mà quay về nói chuyện với gia đình, nhưng lần nữa lại phải quay về hướng sân khấu vì có một chàng trông rất lãng tử không hát mà đang nói điều gì, khán phòng bớt ồn. Nhìn cách ăn mặc có chút lè phè và cách diễn đạt lại lè nhè, tôi cảm nhận chàng là một bợm nhậu hơn là ca sĩ, thử lắng nghe ??!,- thì ra chàng muốn đọc thơ, môt bài thơ tự biên, tự diễn nói về một nghịch lý trong tình yêu mà chàng đã trãi qua. Tôi phải quay người lại để nghe, một cảm giác vừa khó chịu nhưng thích thú; khó chịu vì nơi này đâu phải là chỗ của thơ thẩn, và thích vì đụng đến lãnh vực hảo của mình. Chiến hữu này xem chừng bị lạc lõng nhưng vẫn tự tin, mắt lim dim đầy tâm trạng, chậm rãi và một chút xuất thần, hai câu cuối chàng lại ngẫu hứng ngâm lên nghe thống thiết, bài thơ dài vừa phải, đôi chỗ cảm thấy “phê” vì những ý tứ độc đáo, có thể xếp vào loại khá. Thật ái ngại cho chàng,vì giữa chốn “đạn bom khói lửa” thế này mà dám bay bổng như vậy, nhưng khán giả tỏ ra lịch sự và cho một tràng pháo tay không kém phần nhiệt liệt, một nửa để khích lệ tiết mục lạ, một nửa để tống tiễn cho nhanh?!.
Tưởng bở, chàng thừa thắng xông lên, quyết tâm không chịu rời micro và tiếp tục giới thiệu cho khán giả thưởng thức thêm một tiết mục nữa, lần này chàng hát chứ không phải đọc thơ. Chàng thật can đảm trước một lực lượng “ca sĩ” hùng hậu nộp đơn xin hát đang hăm hở, chờ đợi đến lượt mình, bài thơ vừa rồi đã làm nhụt chí và ngao ngán nhiều tay chơi nhưng chàng nào có hay biết, vẫn ung dung tự tại, bình thản tiếp tục. Bài hát được giới thiệu với tựa đề “ con sông quê hương”- nói về một con sông ở Bình Định của nhạc sĩ Xuân An, thoáng qua tựa bài hát nghe không quen và tác giả càng không biết, có chăng một nhận xét là chàng này thích hàng lạ, chỉ trình diễn những cái người khác chưa biết. Vẫn hào hứng và tự tin, sau khi dặn dò, chỉ vẽ các nhạc công, tiếng nhạc trổi lên, chàng cất tiếng ca: – “ bình thường, bình thường thôi bạn ơi…” rất hồn nhiên và lạc quan.-“ vẫn núi giăng mây, vẫn lúa xanh đôi bờ…”. Đến đây thì tôi thấy ngờ ngợ, bài hát hình như đã nghe đâu đó, giai điệu và tiết tấu nhẹ nhàng, tha thiết, ca từ đơn giản, gần gủi, một air nhạc xưa cũ ?! bài viết theo nhịp 2/4, không trang trọng, tươi vui, thướt tha cho những dòng sông theo kiểu valse như “blue Danube”, “Danube waves” hoặc “dòng An Giang” cũng không hào hùng như “Bạch Đằng Giang” hay “Sông Lô”.
Tôi cố suy nghĩ để tìm những yếu tố quen thuộc của bài hát, nhưng sinh hoạt ồn ào kiểu này thật khó mà moi lại ký ức, đang miên man tôi chợt nghe Sơn lẩm bẩm – Uả, bài này của anh Phước Liên viết về con sông Dinh đây mà. Vừa lúc ấy tôi chớt nhớ ra tựa bài hát “Ơi con sông Dinh” và Sơn cũng gật đầu. Chàng ca sĩ rất thiết tha và tôi rời khỏi thực tại “…ơi con sông Dinh yêu thương và tháng ngày em thơ ấu, sớm tối qua cầu dừng chân ngắm xuồng câu, con sông quê hương chảy từ buồng tim của mẹ, ôm con chờ chồng rồi hoá đá vọng phu….” Nhớ lại bài hát này lần đầu tiên tôi biết được là nó xuất hiện trong tập bài hát mà Phước Liên in chung với nhạc sĩ Đổ Trí Dũng của hội văn học nghệ thuật Khánh Hòa xuất bản, Liên đã gởi tặng tôi trong những năm tháng khi tôi còn mãi mê với những công trình xây dựng ở Đồng Tháp. Sở dĩ tôi nhớ và có ấn tượng với bài này vì lần đầu trong đời tôi thấy được một bài hát viết về con sông Dinh quê mình và tác giả lại là người bạn thân. Khi ấy tôi đã phải viết thư tới Liên với nhiều lời lẽ ca ngợi và cám ơn. Sau đó tôi cứ áy náy hoài về một ý sửa lưng bạn, vì trong bài hát có câu“…Sớm tối qua cầu dừng chân ngắm xuồng câu…” tôi nói đùa rằng – đứng trên cầu Dinh chỉ thấy ghe thôi chứ làm gì có xuồng mà ngắm”, ý tôi muốn nói rằng phương tiện đi trên sông Dinh đoạn ấy người quê mình chỉ gọi bằng ghe. Tôi mạnh dạn nói lên điều này vì Liên là bạn cùng xóm Rượu với mình, không xa lạ với con sông Dinh, có đi đâu cũng phải theo con đường Nguyễn Trường Tộ mà về, có nghĩa là từ thơ ấu đến lúc vào đời, dân xóm Rượu cứ phải đi, về dọc theo sông Dinh nên hình ảnh gì của sông Dinh cũng đều được chứng kiến và khắc sâu vào tâm trí mỗi người. Sau này khi quay về Sài Gòn công tác và Tấn Sơn vào Sài gòn học, anh em ở chung nhà, thỉnh thoảng tôi có nghe Sơn hát và được biết rằng bài hát này khá phổ biến ở Ninh Hòa.
Cứ mãi suy nghĩ về chuyện cũ mà quên thực tại Saigon by night tạp lục, tôi với Sơn còn miên man với chuyện bài hát thì may mắn quá, chàng lãng tử đã nhường sân khấu lại cho MC và người khách được mời lên kế tiếp chính là Tấn Sơn, tôi vội nói với Sơn là sẵn dịp này khéo léo đính chính lại tên và tác giả bài hát mà vị khách vừa rồi nhầm lẫn. Sơn không vội vàng rời chỗ ngồi và như đang do dự điều gì, bình thản một chút, Sơn từ từ bước về sân khấu với phong thái chửng chạc và trịnh trọng tìm một vài lý lẻ hay đẹp giới thiệu bài hát của mình. Bài hát “Xin còn gọi tên nhau” của Trường Sa là bài hát tôi rất thích, cùng những bài hát quí hiếm khác của cùng tác giả như “Mùa thu trong mưa”. Bài này tiết tấu sôi nổi nhưng thiết tha; lúc dồn nén, lúc dàn trãi, tạo một hiệu ứng mạnh mẽ, phải récitatif và nhấn nhá như Lệ Thu mới lột tả hết độ tuyệt cuả nó, nhất là những đoạn cao trào. Khánh Ly tuy mượt mà và ngọt ngào ở bài này nhưng diễn đạt đều quá. Sơn trình bày cũng khá. Tôi đã được nghe Sơn hát nhiều lần nhưng không nhàm chán, có lẽ là một trong những bài ruột của sơn và hình như hôm nay Sơn ưu ái tặng tôi món đặc sản này !? – Nhạc đã hay, lời và nội dung cũng không kém. “ Tiếng hát bay trên hàng phố bâng khuâng, chiều đông đưa những bước chân đau mòn …còn ai giữa mênh mông đời mình, nỗi đau mù lấp trên tuổi thơ ….. rồi trong mưa gió biết ai vỗ về…..tình trong cơn ngủ mê, rồi phai trong hàng mi.….” Một nỗi đau tình nhẹ nhàng, một đối xử thật vị tha và bao dung với người yêu dù cuộc tình đã vỡ, lúc nào cũng lo toan cho một cánh chim bay xa ….Khán giả vỗ tay rất nhiều khi Sơn hát xong, thế nhưng tôi vẫn cảm thấy điều gì đó đang vướng víu, cả nhà vỗ tay rất dài để ủng hộ gà nhà nhưng tôi lại lơ đễnh cho đến khi Sơn có vài lời đính chính :
– Thành thật cám ơn bạn vừa rồi đã trình bày rất hay bài hát ngợi ca con sông quê hương chúng tôi, chúng tôi rất xúc động vì lâu lắm rồi mới được nghe lại. Tác giả bài hát là người anh cùng xóm với chúng tôi tên là Hình Phước Liên hiện đang sống tại Nha Trang, con sông mà bạn vừa hát tên là sông Dinh chảy qua thị trấn Ninh Hòa một huyện của tỉnh Khánh Hòa, bài hát ấy tên là ”ơi con sông Dinh…”
Sau những lời nhẹ nhàng phủ nhận toàn bộ cái “trật lất” của bạn một cách tinh vi, Sơn đã “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”. Tâm trạng phức tạp, khó chịu trong tôi mới được giải tỏa, tôi nghĩ rằng – nhiều người, nhất là các bạn trẻ nơi chốn ăn chơi, náo nhiệt như thế này có mấy ai để ý đến bài hát xa lạ, bình thường hơn những gì bình thường ấy. Lẽ ra cũng chẳng cần đính chính nhưng sao lúc ấy tôi vẫn muốn Sơn làm như vậy. Trên đường trở lại chỗ ngồi Sơn ghé nơi vị khách hát nhầm nói điều gì rất lâu ra bộ vui vẻ, đồng cảm. Tôi thấy mọi việc như vậy là ổn, đã không xãy ra phiền lụy gì. Sơn về chỗ ngồi, cười mỉm và được vợ con khen nức nở pha chút khôi hài, con gái tôi rút cành hoa hồng duy nhất đang cắm trên chiếc bình trang trí đặt trên bàn đưa cho bé Khiêm tặng bố. Tôi định hỏi Sơn về cuộc kỳ ngộ vừa rồi thì lại thấy một người đi về hướng bàn của mình, nhìn kỹ tôi biết là chiến hữu ấy đang tìm đến.
– Chào các anh chị, em tên Định, các anh chị đều ở Nha Trang phải không ?
– Đúng rồi. Tôi cười trả lời và đưa tay, chàng ra vẻ kính cẩn đưa cả hai tay nắm chặt
– Vừa rồi em giới thiệu tầm bậy quá, cũng may các anh nói cho em biết, chứ hồi giờ em cứ nghĩ bài hát như vậy.
Nghe Định phân trần trong hơi men, tôi vội đỡ lời :
– Vui vẻ như vậy là sướng rồi, có gì quan trọng lắm đâu, ai biết đúng sai ra sao, Định hát hay đấy chứ, ờ mà sao em biết bài hát ấy.
Chàng bắt đầu kể –… hồi em học Đại Học Thủy Sản Nha Trang có thằng bạn ở chung phòng ký túc xá, nó hát bài ấy rất hay và em thích quá nên nhờ nó chỉ em, nó nói xuất xứ bài hát như em giới thiệu trên sân khấu vừa rồi, mình cũng ham vui, hay đi ca hát và bài này là bài ruột của em đấy, anh thấy em hát bài này được không? .
– Tuyệt vời rồi còn gì, nếu chọn là bài ruột thì ráng mà nhớ tên tác giả, tên bài hát, và thuộc lời đầy đủ nhé, lần sau mà còn trật nữa là kêu cảnh sát phạt đấy.
– Định cười huề, xoa xoa vai tôi – tha cho em, như vậy là thuộc nhiều lắm rồi !
– Định hát có hồn lắm, anh nghe mà nhớ nhà, nhớ quê hương Ninh Hòa, hồi học ở ngoài đó Định có ra Ninh Hòa lần nào chưa?
– Em có nghe nói chứ chưa ra ấy bao giờ, tiếc quá !, nghe nói Ninh Hòa đẹp lắm phải không anh? Hình như thằng bạn dạy em bài hát quê đâu ngòai đấy.
Tôi chẳng biết phải trả lời sao với câu hỏi ít vô tư và khá tế nhị này! Định một thoáng nghĩ ngợi bồi thêm một câu rất tâm lý:
– Cảnh vật thiên nhiên và con người Khánh Hòa em thấy đều đẹp cả, các anh chị đúng là người Khánh Hòa, em rất cảm mến…bữa nào em mời mấy anh đi lai rai nói chuyện cho vui, em có mấy chỗ hay lắm.!
Qua tiếp xúc, tôi ghi nhận Định là một con người chân tình, có tâm hồn nhưng ẩn chứa một chút hoang đàng. Rất biết ơn Định vì Định đã quay ngược được dòng suy nghĩ của chúng tôi đến 180 độ trong một khung cảnh khó mà những cảm xúc loại ấy xen vào. Buổi tối hôm ấy trên đường về tôi cứ miên man vô cớ, vùng ký ức đang bị khuấy động, một cảm giác bâng khuâng xen lẫn những hân hoan. Về đến nhà tôi đã phải điện thọai ngay ra NhaTrang để chia xẻ một nỗi niềm rất thực nhưng cũng rất mơ hồ với Hình Phước Liên dù đã gần 11 giờ đêm, đây cũng là cái cớ để tôi liên lạc với Liên và nói một số chuyện vì vài tháng rồi không tin tức về nhau, tôi nghỉ rằng dù có phải bị đánh thức lúc này chắc Liên không trách cứ gì tôi . Và rồi Liên có mặt bên kia đầu dây. Sau những lời chào hỏi như mọi khi, tôi báo cho Liên biết – rất mừng vì đã tìm được hai đĩa cd nhạc hải ngọai mà Liên giới thiệu là album “Dòng sông Kỷ niệm” do Asia phát hành và Lâm Thúy Vân hát, trong đó có bài “phố huyện chiều em nhớ” của Liên và album “Con gái” do Hạ Vy thực hiện, trong đó có 2 bài của Liên là “Hồn nhiên như lá” và “Mưa xanh”, nhận xét chung về những bài hát trên là những cảm xúc nhẹ nhàng, gợi tả thật sinh động về vùng đất kỷ niệm, với nhiều chất Ninh Hòa, rất tiếc bài “Phố huyện chiều em nhớ” giọng Lâm Thúy Vân yếu quá nên nghe không rõ, nhất là ở những nốt xuống thấp, Liên nói – chất giọng như Lâm Thúy Vân rất thích hợp với tính cách bài hát nhưng nếu được Ngọc Lan hát thì hay hơn, giọng Ngọc Lan tuy mong manh nhưng vẫn rõ ràng, có khả năng len lỏi đến tận cùng. Tôi có nói vui với Liên là – bạn chắc đã biết câu danh ngôn “chỉ vì một cái má lúm đồng tiền mà phải cưới nguyên một cô gái “ và ở đây “ chỉ vì một hai bài hát của bạn mà tôi phải mua đến 2 đĩa nhạc đấy nhé…” tôi đã phải nghe tới, nghe lui để thắm thía, để mong tìm kiếm những gì sâu kín, cho đáng đồng tiền bát gạo! (những năm tháng ấy đĩa nhạc CD xuất hiện ở VN chỉ có con đường mang từ nước ngoài về và rất đắt cũng như rất khó kiếm, nhất là những album nhạc không phải nằm trong thị hiếu của của đông đảo người nghe, không phải được copy tại chổ nhiều và rẽ như hiện nay, ngay cả lúc ấy Liên cũng không có những đĩa nhạc trên).
Liên kể lại việc ca sĩ Hạ Vy nhân chuyến về thăm quê, muốn tìm một số nhạc phẩm viết về quê hương Khánh Hòa để ra album riêng, sau khi Liên cho nghe một số bài hát, Vy thấy thích nên mang đi và những bài hát ấy xuất hiện ở hải ngọai là do vậy (quê Hạ Vy ở xã Ninh Diêm, Ninh Hòa. Trước khi sang Mỹ, Vy là ca sĩ của đoàn Hải Đăng- Khánh Hòa) . Cuối cùng tôi nói về sự kiện đi ca hát tối nay, Liên lắng nghe tỏ vẻ thích thú, Liên nói rằng bài hát “ơi con Sông Dinh” ra đời khoảng năm 1981. Ðó là một nội dung mà Liên ấp ủ rất lâu, với tâm nguyện rằng mình là người Ninh Hòa, đã sáng tác nhiều bài hát ca ngợi nhiều thứ nhưng chưa viết gì về Ninh Hòa, về sông Dinh là không ổn, khi ấy Liên công tác ở Ninh Hòa và vợ Liên thì đang làm việc ở Nha Trang nên nghĩ rằng một ngày nào đó sẽ phải vào Nha Trang để ổn định cuộc sống gia đình và ngày đó phải giã từ vùng đất thân yêu, lìa xa con sông Dinh yêu dấu và ý tưởng ấy đã thôi thúc Liên viết nên bài hát. Bài này được trình diễn nhiều lần, nhiều nơi trong các chương trình văn nghệ ở Ninh Hòa và được nhiều người Ninh Hòa trong giai đoạn ấy biết đến.
Liên nói thêm rằng anh Hình Phước Long có viết ca khúc “nhớ sông Dinh” cũng rất hay. Chớp được thông tin đó tôi hỏi dồn – Liên có nhớ lời và hát được không ? Liên với giọng khàn khàn đặc biệt, tuy hát không hay nhưng thường các nhạc sĩ nắm bắt được ý tứ bài hát, có khả năng diễn đạt tinh tế nên khi hát dễ tạo cảm xúc tốt “… có đi là đi trăm nẻo, có vượt là vượt nghìn đèo,vẫn nhớ tới quê hương mình có dòng sông Dinh nho nhỏ, vẫn nhớ bóng tre êm đềm, nghiêng mình soi bóng sông…” , nghe Liên hát tôi cứ ngỡ những lời nhắc nhở của con sông quê. Cũng như Liên, nhạc sĩ Hình Phước Long cũng gởi gấm tâm tư, nỗi lòng của mình, một lúc nào đó sẽ phải ly hương, mang tâm trạng tha phương, tự nhủ lòng luôn nhớ về quê nhà, điều ấy bắt gặp ở câu tâm đắc và chủ đạo nhất của bài hát “ơi con sông Dinh” của Liên, như là thông điệp gửi đến tất cả những người con Ninh Hòa xa xứ. Định vừa rồi đã hát thiếu hoặc sai chỗ nào đó nghe là lạ. Tôi đang ngập ngừng chưa nhớ rõ hết thì Liên tiếp lời bài hát“… nhưng nếu tôi xa dòng nước xanh quê nhà là trọn đời tôi sẽ nghèo đi nỗi nhớ, như con sông phơi bãi cát hoang cằn khô…” thật đúng và ý vị cho sự so sánh này, vì không gì buồn và thất vọng khi thấy dòng sông xinh đẹp ngày nào chỉ còn trơ lên một vùng rong rêu, bùn cát giữa mùa khô hạn, những dáng vẻ thơ mộng, những huyền hoặc vô hình chỉ tồn tại như là sự sống, như là phần hồn khi dòng nước còn hiện diện, còn êm đềm trôi giữa tháng ngày. Ta thử nghĩ một lúc nào đó, những hình ảnh quê nhà sẽ không còn nằm trong dòng chảy của nỗi nhớ thì liệu một cuộc sống đích thực của quãng đời ly hương có tồn tại, thân xác ta như bãi cát của lòng sông phơi trơ, như con sông đã mất đi sự sinh động….Liên im lặng một lúc, rồi nói vu vơ vài ý không ăn nhập gì vào những điều tôi mới gợi lên, có lẽ Liên muốn dấu cảm xúc sâu kín của mình, phải chăng là một thứ hạnh phúc của người trồng hoa, dù chỉ là một thỏang hương nhưng lại rất ngào ngạt tận sâu thẳm tâm hồn, nhất là thứ hương đồng nội đã dễ gợi lên một vùng trời đầy hình ảnh của quê hương và kỷ niệm.
Nói về những ca khúc viết về sông Dinh, tôi còn nhớ buổi ra mắt tập thơ “Bóng lá” của Phạm Dạ Thủy ở quán cà phê Phong Lan Ninh Hòa. Cái đêm hôm ấy trời mưa từ buổi chiều nhưng khách mời ở xa vẫn đến đông đủ: – từ Huế, Hà Nội, Nha Trang và tôi về từ Sài Gòn. Với những bài nhận xét tinh tế, bình phẩm thơ rất xúc tích, khá bài bản với nhiều ngợi khen, cổ vũ của những nhà thơ đi trước, có tên tuổi trong giới văn học Khánh Hòa và Việt Nam. Hôm ấy cũng có nhiều giọng ngâm điêu luyện của câu lạc bộ thơ nữ Khánh Hòa làm cho những bài thơ được bay bổng và ngào ngạt hơn. Chắc chắn Phạm Dạ Thủy rất sung sướng và hạnh phúc, vì buổi ra mắt tập thơ như vậy là thành công. Riêng tôi một cảm xúc mạnh mẽ được ghi nhận khi Phạm Dạ Thủy giới thiệu bài thơ “Nhớ quê “ không nằm trong tập thơ vì chị mới viết riêng tặng các bạn trong hội thân hữu Ninh Hòa tại Sài Gòn mà tôi có mặt hôm đó. Baì thơ được nhạc sĩ Hình Phước Liên phổ nhạc rất xuất sắc cũng để riêng tặng tôi cùng vài bạn. Bài hát được ca sĩ Kim Khánh, một ca sĩ có giọng ca “dĩ vãng” như Ánh Tuyết, là ca sĩ nổi tiếng cuả thành phố Nha Trang trình bày. Nôị dung bài hát vẫn trung thành với lời thơ :
“…………………………………
Thoắt đó tóc em giờ chớm bạc
Thơ ngây gởi lại cuối trời xưa
Nhớ quê mấy độ buồn em hát
Lời trôi lênh đênh trên sông mưa
……………………….
Tháng ngày tơ tưởng dòng sông cũ
Vạt cỏ mềm xanh mướt tuổi thơ
Cánh bướm thắm, con chuồn chuồn đỏ
Bay chập chờn trong những giấc mơ.
……………………………………………“
Vẫn là dòng sông Dinh lãng đãng trong thơ được âm nhạc chấp cánh bay cao đã tạo một sức truyền cảm gấp nhiều lần. Bài hát thiết tha, đầm ấm, tuy đượm chút buồn của hoài niệm nhưng vẫn là niềm tin yêu, hứa hẹn một ngày mai sáng tươi. Nhạc của Phước Liên thường nghe rất gần gủi nhưng lại rất khó diễn đạt, cách chuyển cung và những luyến láy thật khó chịu cho những ai mớI đụng vào bài hát, phải chuẩn bị và xử lý kỷ bài hát mới mong không lạc và khô cứng. Bài “nhớ quê” cũng vậy, Kim khánh ca không chê vào đâu được nhưng khi tôi đề nghị Tấn Sơn hát bài này trong dịp họp cuối năm 2002 của hội thân hữu Ninh Hòa thì Sơn lại không truyền cảm hơn vì thiếu chuẩn bị, giọng Sơn thì khoẻ mạnh, đầy kỹ thuật nhưng thiếu chất mượt mà, cứ “vô tư” mà hát thì không thể lột tả hết cái tình của bài ca. Chịu khó vuốt ve một tí, đôi chổ sên sến mới đã ! vì âm giai những bài hát của Liên có nhiều chất dân ca. Có thể nói Dạ Thủy đã chọn đúng nhạc sĩ để trao việc phổ nhạc bài thơ ấy và Phước Liên đã chọn đúng ca sĩ để trình bày ca khúc cuả mình. Ngoài Phước Liên, hôm ấy còn có thêm 3 bài thơ được phổ nhạc với 3 nhạc sĩ khác cũng có mặt là Đỗ Trí Dũng – Nha Trang, Huỳnh Liên – Ninh Hòa và một người nữa là anh Tân chủ quán Thiên Thanh ở Lương Sơn nhưng không gây nhiều ấn tượng trong tôi và những bài ấy không dính líu gì với sông Dinh . Trong bữa tiệc văn nghệ “bóng lá” linh đình hôm ấy, món nào cũng ngon lành, nhưng món “nhớ quê” đã thực sự làm tôi khóai khẩu và xúc động, vì món ấy được Dạ Thủy xào nấu bằng nhiều nguyên liệu và gia vị quê nhà, trong đó mặc dù không nói rõ nhưng “nước” của sông Dinh rất tràn đầy, ngọt ngào và thấm đậm.
Điểm lại số người sáng tác nhạc cuả Ninh Hòa chỉ cần dùng một bàn tay đã đếm đủ vì đó là lãnh vực không phải ai muốn cũng làm được. Nó đòi hỏi người viết phải có một khả năng, một trình độ nhất định về cảm xúc, về thẩm âm, sự hiểu biết văn học và điều tiên quyết là phải biết nhạc thuật. Chúng ta có thể điểm danh không khó lắm những nhạc sĩ của Ninh Hòa như: Hình Phước Liên, Hình Phước Long, Bảo Anh, Huỳnh Liên và một vài anh em không chuyên khác. Như vậy số bài hát viết về Ninh Hòa cũng không thể nhiều hơn, và ca khúc viết về sông Dinh càng hiếm, chẳng khác nào đãi cát tìm vàng.
Để kết thúc phần này, một lần nữa chúng ta lại cám ơn những người nhạc sĩ đã góp lời ca tiếng hát vào khu vườn văn nghệ của quê hương Ninh Hòa, dù những sáng tác ấy đã có nhưng âm vang bay xa, được nhiều người biết đến hoặc lặng thầm như một lời nguyện cầu thì chúng ta cũng rất trân trọng dành cả tấm lòng theo những cảm xúc của người nghệ sĩ, người con Ninh Hòa viết và ngợi ca về quê nhà.
Trong một bài viết về bản “Người ấy” của nhạc sỹ Trần Quý, tức Hồng Vân, chúng tôi có nhắc đến sáng tác có lẽ là nổi tiếng nhất của ông: “Đồi thông hai mộ”. Hôm nay, để người yêu nhạc xưa có thêm thông tin, chúng tôi xin giới thiệu bản nhạc này. [dongnhacxua.com] không có nguồn tư liệu chính xác về thực hư của câu chuyện tình buồn “Đồi thông hai mộ” nhưng nếu đúng như truyền thuyết kể lại thì chúng tôi cầu mong linh hồn của hai nhân vật sẽ được an lạc nơi chốn vĩnh hằng “như lời xưa thề ước”!
ĐÔI NÉT VỀ CÂU CHUYỆN “ĐỒI THÔNG HAI MỘ” (Nguồn: wikipedia.org)
Thắng cảnh Đồi thông hai mộ thường được gắn với những câu chuyện ly kì, tuy nhiên có một câu chuyện được cho là trung thực nhất kể rằng: chàng tên Vũ Minh Tâm, nàng tên Lê Thị Thảo. Chàng quê ở Gò Công, Tiền Giang, sinh trong một gia đình đại điền chủ giàu có, là sinh viên Trường Võ bị Đà Lạt. Nàng:
“… năm ấy khi tuổi vừa đôi chín Tâm hồn đang trắng trong Như chim non khi ăn còn chưa no Khi co còn chưa ấm”
Họ gặp nhau tâm đầu ý hợp, yêu nhau tha thiết và thề non hẹn biển. Tốt nghiệp, chàng về xin cha mẹ trầu cau cưới hỏi… nhưng bị gia đình phản đối kịch liệt vì gia đình nàng không “môn đăng hộ đối” và bắt đi cưới người con gái mà chàng không hề yêu. Chàng đã xin chuyển đến một vùng tuyến đầu lửa đạn để tìm quên… Và rồi, nàng nhận được tin báo tử của chàng từ chiến trường. Đau khổ tột cùng:
“nàng buồn thơ thẩn chẳng còn ngồi trang điểm qua màu phấn Để phai úa đến tàn cả hương sắc tháng ngày luôn héo hon”
Sau đó, nàng tìm đến khu đồi thông bên bờ hồ Sương Mai (sau tình sử này được gọi là hồ Than Thở), nơi hai người xưa kia từng hò hẹn, tự vẫn chết vào ngày 15 tháng 3 năm 1956. Thuận theo nguyện vọng, gia đình đã chôn cất nàng ngay dưới khu đồi thông. Nhưng thật ra người ta đã nhầm khi báo tử, chàng không tử trận và đang trở về thăm nàng. Hay tin nàng chết, Tâm tìm đến mộ nàng vật vã khóc than, sau đó cũng tự tử chết theo để giữ trọn lời thề[6]. Trước khi chết, chàng để lại bức thư tuyệt mệnh với mong ước được yên nghỉ bên cạnh mộ nàng để hai người mãi mãi được gần nhau. Và:
“… mộ chàng đã được ở cạnh nàng Như lời xưa thề ước Nằm hiu hắt đến ngàn thu an giấc dưới mộ sâu đất khô Qua bao năm rêu xanh phủ che kín…”
Tuy nhiên, sau năm 1975, do tuổi cao sức yếu, không thể thường xuyên lên thăm mộ con, cha mẹ chàng đã cho bốc mộ anh đưa về quê. Dù hài cốt chàng đã được dời đi nhưng cảm thương mối tình của hai người, người thân của nàng vẫn để ngôi mộ đôi. Và sau này ngôi mộ được tôn tạo khang trang lại, trở thành điểm tham quan du lịch độc đáo như hiện nay.
Nhân dịp Festival hoa Đà Lạt 2012, Ban tổ chức đã cho trồng toàn hoa tím chung quanh khu mộ.
Vào năm 1956, đơn vị tôi đóng quân ở Chiến khu Đồng Tháp Mười, được xem là mặt trận tiền tiêu nóng bỏng vào thời bấy giờ. Khi ấy, tôi mang cấp bực Trung úy, mới 24 tuổi đời, còn bạch diện thư sinh. Tuy hồn vẫn còn xanh nhưng tâm tình đã nung trong lửa chín ở quân trường. Chính tại Đồng Tháp Mười, vùng đất địa linh nhân kiệt, đã gợi hứng cho tôi sáng tác những bản hùng ca như Súng Đàn, Vui Ra Đi, một thuở được hát vang trong Chiến dịch Thoại Ngọc Hầu. Rồi tiếp sau đó là các bản nhạc Phiên Gác Đêm Xuân, Chiều Mưa Biên Giới, Sắc Hoa Màu Nhớ được ra đời cũng tại vùng đất thiêng này. Khi đi vào vùng hỏa tuyến, là chàng trai trẻ độc thân, với một mối tình nho nhỏ thời học sinh mang theo trong ba-lô, tôi bước nhẹ tênh vào cuộc chiến đầu đời.
Ngày đó Đồng Tháp Mười còn là đồng không mông quạnh, lau sậy ngút ngàn, dân cư thưa thớt, sống co cụm trên những gò đất cao giữa vùng đồng lầy nước nổi quanh năm. Người ở hậu phương lúc bấy giờ nhìn về Đồng Tháp Mười như là vùng đất bí hiểm với những huyền thoại Lúa Ma nuôi quân đánh giặc, về Tổng Đốc Binh Kiều, Thiên Hộ Vương thời chống Pháp qua những trận đánh lẫy lừng ở Gãy Cờ Đen, Gò Tháp mà chiến tích được tạc vào bia đá ở Tháp Mười Tầng còn lưu lại đến ngày nay. Mùa xuân năm đó, đơn vị tôi đóng trên Gò Bắc Chiêng, có tên là Mộc Hoá, nằm sát biên giới Việt Nam-Campuchia, sau này là Tỉnh lỵ Kiến Tường. Đơn vị cũa tôi đã có những cuộc giao tranh đẫm máu vào những ngày giáp tết trên những địa danh Ấp Bắc, Kinh 12 và tuyến lửa Thông Bình, Cái Cái, Tân Thành. Dù vậy, mùa xuân vẫn có cánh én bay về trên trận địa và hoa sen Tháp Mười vẫn đua nở trong đầm dù bị quần thảo bởi những trận đánh ác liệt. Cứ mỗi độ xuân về, sông Vàm Cỏ lại mang về từng đàn tôm cá từ biển hồ Tông Lê Sáp, vượt vũ môn theo đám lục bình trôi về vùng Tam Giác Sắt, như nhắc nhở Bộ Tư Lệnh Tiền Phương Đồng Tháp Mười lập danh sách cho những người được về quê ăn Tết. Vì còn độc thân nên tên tôi được ưu tiên ghi vào Sổ Nhật Ký Hành Quân và ở lại đơn vị trong những ngày Tết. Dù không ai nghĩ có đánh nhau ngày đầu năm nhưng quân lệnh phãi được tuân hành nghiêm chỉnh. Trước ba ngày Tết, tôi được lệnh lên chốt tiền tiêu, tăng cường cho cứ điểm, mang theo chiếc ba-lô với chút hành trang lương khô, cùng tấm ảnh cũa người em gái hậu phương, cũng là cơ duyên sau đó để tôi viết nên bài tình ca Sắc Hoa Màu Nhớ.
Trong không khí Xuân Bính Thân 2016, [dongnhacxua.com] xin trân trọng giới thiệu một nhạc phẩm nổi tiếng của nhạc sỹ lão thành Nguyễn Văn Đông: “Phiên Gác Đêm Xuân”. Ra đời trong bối cảnh chiến trang nên chắc chắn “Phiên Gác Đêm Xuân” có vương màu khói lửa. Thế nhưng nếu nghe kỹ, người yêu nhạc dễ nhận ra tâm sự của người lính thời chiến cũng không khác gì mấy so với tâm trạng của những đứa con xa nhà thời bình vào mỗi dịp xuân về. Nhân dịp đầu xuân, [dongnhacxua.com] xin kính chúc nhạc sỹ Nguyễn Văn Đông dồi dào sức khỏe và vui hưởng tuổi già cùng con cháu và hàng triệu người mến mộ các sáng tác của ông qua nhiều thế hệ!
Vào năm 1956, đơn vị tôi đóng quân ở Chiến khu Đồng Tháp Mười, được xem là mặt trận tiền tiêu nóng bỏng vào thời bấy giờ. Khi ấy, tôi mang cấp bực Trung úy, mới 24 tuổi đời, còn bạch diện thư sinh. Tuy hồn vẫn còn xanh nhưng tâm tình đã nung trong lửa chín ở quân trường. Chính tại Đồng Tháp Mười, vùng đất địa linh nhân kiệt, đã gợi hứng cho tôi sáng tác những bản hùng ca như Súng Đàn, Vui Ra Đi, một thuở được hát vang trong Chiến dịch Thoại Ngọc Hầu. Rồi tiếp sau đó là các bản nhạc Phiên Gác Đêm Xuân, Chiều Mưa Biên Giới, Sắc Hoa Màu Nhớ được ra đời cũng tại vùng đất thiêng này. Khi đi vào vùng hỏa tuyến, là chàng trai trẻ độc thân, với một mối tình nho nhỏ thời học sinh mang theo trong ba-lô, tôi bước nhẹ tênh vào cuộc chiến đầu đời.
Ngày đó Đồng Tháp Mười còn là đồng không mông quạnh, lau sậy ngút ngàn, dân cư thưa thớt, sống co cụm trên những gò đất cao giữa vùng đồng lầy nước nổi quanh năm. Người ở hậu phương lúc bấy giờ nhìn về Đồng Tháp Mười như là vùng đất bí hiểm với những huyền thoại Lúa Ma nuôi quân đánh giặc, về Tổng Đốc Binh Kiều, Thiên Hộ Vương thời chống Pháp qua những trận đánh lẫy lừng ở Gãy Cờ Đen, Gò Tháp mà chiến tích được tạc vào bia đá ở Tháp Mười Tầng còn lưu lại đến ngày nay. Mùa xuân năm đó, đơn vị tôi đóng trên Gò Bắc Chiêng, có tên là Mộc Hoá, nằm sát biên giới Việt Nam-Campuchia, sau này là Tỉnh lỵ Kiến Tường. Đơn vị cũa tôi đã có những cuộc giao tranh đẫm máu vào những ngày giáp tết trên những địa danh Ấp Bắc, Kinh 12 và tuyến lửa Thông Bình, Cái Cái, Tân Thành. Dù vậy, mùa xuân vẫn có cánh én bay về trên trận địa và hoa sen Tháp Mười vẫn đua nở trong đầm dù bị quần thảo bởi những trận đánh ác liệt. Cứ mỗi độ xuân về, sông Vàm Cỏ lại mang về từng đàn tôm cá từ biển hồ Tông Lê Sáp, vượt vũ môn theo đám lục bình trôi về vùng Tam Giác Sắt, như nhắc nhở Bộ Tư Lệnh Tiền Phương Đồng Tháp Mười lập danh sách cho những người được về quê ăn Tết. Vì còn độc thân nên tên tôi được ưu tiên ghi vào Sổ Nhật Ký Hành Quân và ở lại đơn vị trong những ngày Tết. Dù không ai nghĩ có đánh nhau ngày đầu năm nhưng quân lệnh phãi được tuân hành nghiêm chỉnh. Trước ba ngày Tết, tôi được lệnh lên chốt tiền tiêu, tăng cường cho cứ điểm, mang theo chiếc ba-lô với chút hành trang lương khô, cùng tấm ảnh cũa người em gái hậu phương, cũng là cơ duyên sau đó để tôi viết nên bài tình ca Sắc Hoa Màu Nhớ.
Tiền đồn cuối năm, đêm 30 Tết, trời tối đen như mực, phút giao thừa lạnh lẽo hắt hiu, không bánh chưng xanh, không hương khói gia đình. Tôi ngồi trên tháp canh quan sát qua đêm tối, chỉ thấy những bóng tháp canh mờ nhạt bao quanh khu yếu điểm như những mái nhà tranh, chập chờn dưới đóm sáng hỏa châu mà mơ màng về mái ấm gia đình đoàn tụ lúc xuân sang. Thay cho lời chúc Tết là tiếng kẻng đánh cầm canh và tiếng hô mật khẩu lên phiên gác. Vào đúng thời điểm giao thừa, ngọn đèn bão dưới chiến hào thắp sáng lên như đón chào năm mới thì cũng là lúc những tràng súng liên thanh nổ rền từ chốt tiền tiêu. Khi ấy vào buổi tinh mơ của trời đất giao hòa, vạn vật như hòa quyện vào trong tôi, có hồn thiêng của sông núi, có khí phách của tiền nhân. Tôi nghe tâm hồn nghệ sĩ của mình rộn lên những xúc cảm lạ thường, làm nảy lên những cung bậc đầu tiên của bài Phiên Gác Đêm Xuân:
“Đón giao thừa một phiên gác đêm chào Xuân đến súng xa vang rền. Xác hoa tàn rơi trên báng súng ngỡ rằng pháo tung bay ngờ đâu hoa lá rơi…”
Rồi mơ ước rất đời thường:
“Ngồi ngắm mấy nóc chòi canh mơ rằng đây máinhà tranh mà ước chiếc bánh ngày xuân cùng hương khói vương niềm thương…”
Bài Phiên Gác Đêm Xuân được ra đời trong hoàn cảnh như thế, cách đây nửa thế kỷ, đánh dấu một chuỗi sáng tác của tôi về đời lính như Chiều Mưa Biên Giới, Mấy Dặm Sơn Khê, Sắc Hoa Màu Nhớ, Khúc Tình Ca Hàng Hàng Lớp Lớp, Xin Đừng Trách Anh, Lá Thư Người Lính Chiến, Anh Trước Tôi Sau, Lời Giã Biệt… vân vân. Sau ngày 30 tháng Tư năm 75, các bản nhạc này cùng chung số phận tan tác như cuộc đời chìm nổi của tôi.
“Anh còn nợ em” là một trong những sáng tác cuối cùng của nhạc sỹ Anh Bằng. Bản này lần đầu tiên được giới thiệu ở hải ngoại vài năm trước và đã tạo ra một tiếng vang lớn. Sau đó hầu hết các ca sỹ theo đuổi dòng nhạc xưa đều ít nhất một lần thử giọng và giới thiệu “Anh còn nợ em” đến với rộng rãi công chúng yêu nhạc. Thế nhưng không phải người yêu nhạc nào cũng biết đằng sau giai điệu mượt mà là một bài thơ rất mộc mạc và giàu cảm xúc của cố thi sỹ Phạm Thành Tài, một nhà thơ xứ Trầm Hương (Khánh Hòa – Phú Yên). [dongnhacxua.com] xin mạn phép đăng lại bài viết của nhà thơ Mai Quang để quý vị xa gần có thêm tư liệu.
Phạm Thành Tài (1932-1997), quê hương ông, Quận Ninh Hòa thuộc miền Trung Việt, thùy dương cát trắng, xứ Trầm Hương (tỉnh Khánh Hòa). Ông từng là giảng sư đại học tại Đalat. Định cư tại Hoa kỳ 1991. Tốt nghiệp Bác sĩ Đông y/Hoa kỳ OMD 1995. Làm thơ viết văn từ 1955. Ngoài các tác phẩm Y học, về Văn học, ông đã để lại 3 tác phẩm: Tình Yêu Em Còn Đó (Thơ); Hương Gây Mùi Nhớ (Thơ); Hoa Đào Năm Ngoái (Tập truyện). Ông mất tại Nam California ngày 06 tháng 7 năm 1997.
Như tác giả minh định ở trang trong thi tập, đây là: Tập Thơ Tình. Tình yêu đôi lứa. Tình yêu quê hương. Rải rác có những bài thơ, cảnh vật bên ngoài được phóng rọi (hay qui chiếu?) cảnh lứa đôi (nhân cách hóa) quấn quít dĩ định bên nhau. Ở đó là dòng sông khuya, là cung thuyền, là tiếng khua của nhịp chèo. Là biển, sóng, cánh buồm. Là linh khí Đất Trời – Núi Sông nuôi lớn Giọt Tình.
Người viết đang có trên tay tập Tình Em Còn Đó (một trong hai ấn bản hiếm hoi do gia đình còn lưu giữ, quí tặng). Nhân đây cũng xin phép được gởi lời cám ơn bà quả phụ Phạm Thành Tài (nhũ danh Lê Bảo Chánh) và bà Thúy Liễu (em họ của nhà thơ), đã giúp cho người viết có được một số tư liệu liên quan. Đọc thơ Ông, có vài cảm nhận, nhận xét sau:
-Thi Tập tập trung những bài thơ cực ngắn, 4 câu là đa phần. Mỗi câu cũng thường cũng cực ngắn, 4 chữ, 5 chữ:
Biển giận ai, sóng dữ Sóng hờn ai, nước đầy Gió về ru mộng cũ Chiều nay em ngủ say. (Giận Hờn/T.E.C.Đ tr.13)
Và v.v…
Đa số bài thơ trong tập ngắn gọn và cô đọng như vậy. Người viết có cảm giác, ông rất sở trường về lối thơ dùng ít câu, ít chữ để chuyên chở cảm hứng của mình. Từng cái dấu phẩy (,) dấu chấm (.) ( như những ký âm lặng)… đều đóng một vai trò trong diễn dạt, biểu cảm. Ông rất khéo gói chữ, nêm ý, neo vần một cách tự nhiên (không đẽo gọt). Đó là những câu, những chữ, những dấu đã được cô, chắt tinh tuyền. Bút pháp này gợi lên sự liên tưởng đến nội lực, nội tâm, phong thái và cá tánh của tác giả lúc sinh thời.
– Thể hiện tự nhiên và tài tình trong tổng hợp những mặt chừng như là mâu thuẫn nhau:
.Phóng túng/Chừng mực (hòa lẫn):
Hai đứa bên nhau trong rừng vắng Gió lá rì rào vây quanh… Anh nhặt giùm em bên suối vắng Những sợi thông vàng vương tóc xanh… … Em ơi, cho dẫu tình cách mặt Chớ có trông hình để bóng xa
Giữa thư yêu, anh tặng em kỷ vật Một sợi thông vàng vương tóc xanh!… (Kỷ Vật/T.E.C.Đ.tr.75)
.Cổ kính/ Cách tân (dung hợp):
Mai bỏ anh em về. Sao Hoa thôi nở. Và áo nữa Thôi bay. Nắng thôi đỏ… Lửa Tàn thôi cháy bước xôn xao. (Em Bỏ Anh/T.E.C.Đ. tr.55)
Vẫn một mình một mình thôi. Em chỉ Một cánh hoa cô đơn. Một cánh chim Lìa tổ. Một con đường trăng soi. Bóng lẻ Một mình mình thôi. Anh hiểu em… (Anh Hiểu/T.E.C.Đ tr.57)
Em về rồi anh đợi Hẳn em đâu quên chờ Xin tóc em một sợi Thay mây trời, se tơ… (Xin Em Sợi Tóc//T.E.C.Đ.tr.42)
Và v.v…
-Tuyệt đại đa số những bài thơ trong thi tập, đều có 2 từ “anh” và “em” (Nam và Nữ):
Chiều nay mây mơ mộng Trôi về phía biển xa Ước gì anh là sóng Soi em mấy biển xa… (Mây/T.E.C.Đ. trang 12)
Còn nhiều, nhiều nữa như vậy!
-Tình Yêu đôi lứa, hình như đâu dâu cũng thấm đẫm và sung mãn trong thơ ông. Ông đã phóng chiếu Tình Yêu ra vạn vật, ra ngoại cảnh, nhân cách hóa như đôi Nam –Nữ đang âu yếm, quấn quít nhau (một ràng buộc dĩ định?) Ví dụ đơn cử ở đây, cảnh Tháp Bà (Ponagar), soi bóng trên dòng Sông Cái, có Cầu Bóng nối qua đôi bờ. Đó là nơi có lẽ đã bao lần ông qua lại, trên quê hương “thùy dương cát trắng” thân thương của mình:
Anh là Tháp, anh nhìn em ngủ Em là sông, em nằm gối chân anh Gió Tháp, sông trôi đôi bờ thủ thỉ Em là Sông Cái, anh Tháp Chàm…
Cầu Bóng đón em- Cánh tay anh đó Sóng eo thon- vòng nối dôi bờ Kìa nụ hôn anh hay mặt trời chói đỏ Nụ hôn thật dài trên dòng chảy như mơ… (Phát Cảnh/T.E.C.Đ. tr.96).
Phần Kết:
Trích lời Tựa của nhà văn Sơn Nam, mượn làm phần kết: … “Người khó tánh có thể yên tâm: Tình yêu lứa đôi trong “Tình Em Còn Đó” đã chan hòa hữu cơ trong tình đất nước, quê hương. Phải chăng đó là tâm sự lớn của một nhà thơ đầy sinh lực….”
Người viết mong được bạn đọc lưu tâm, đón nhận phần Giới thiệu này. Thơ Phạm Thành Tài sẽ góp vài nét đan thanh vào nền thi ca Việt chăng? Mong thay!
Mới đó mà đã 20 năm. Những năm 1995. [dongnhacxua.com] còn nhớ như in cái rét đầu đông Hà Nội. Chúng tôi cùng một số anh em nghệ sỹ lang thang trên đường Cổ Ngư (nay là đường Thanh Niên), rồi kéo về Hồ Tây và cuối cùng là kết thúc ở một quán cóc gần bờ hồ. Với một người sinh ra và lớn lên ở miền Nam nắng ấm như chúng tôi, cảm giác được trải nghiệm cái lạnh của xứ Bắc quả thật là tuyệt vời. Lại càng hạnh phúc hơn khi được cùng các bạn văn nghệ nhâm nhi rượu Làng Vân, đọc bài thơ “Chia tay người Hà Nội” của Bùi Thanh Tuấn và đàn hát say sưa những nhạc phẩm thịnh hành về Hà Nội lúc đó như “Hà Nội đêm trở gió”, “Hoa sữa, v.v. Hôm nay, trong cái lạnh muộn của Sài Gòn, [dongnhacxua.com] xin giới thiệu bản “Hà Nội mùa vắng những cơn mưa”.
BÀI THƠ “CHIA TAY NGƯỜI HÀ NỘI” CỦA BÙI THANH TUẤN (Nguồn: thivien.net)
Tặng anh Trần Quang Dũng
Hà Nội mùa này vắng những cơn mưa, Cái rét đầu đông giật mình bật khóc. Hoa sữa thôi rơi những chiều tan học, Cổ Ngư xưa lặng lẽ dấu chân buồn.
Trúc Bạch giận hờn phía cuối hoàng hôn, Để con nước thả trôi câu lục bát. Quán cóc liêu xiêu dăm ba tiếng nhạc, Phía Hồ Tây vọng lại một câu Kiều.
Hà Nội trời buồn nhớ mắt người yêu, Nhớ góc phố nhớ hàng me kỷ niệm. Nhớ buổi chia tay mắt đầy hoa tím, Ngõ hoa giờ hút dấu gót hài xưa.
Hà Nội mùa này nhớ những cơn mưa…
Đêm Hội quán – Đông 1992
Bài thơ này được đăng trên tạp chí Tuổi xanh năm 1992, sau đó đã được nhạc sĩ Trương Quý Hải phổ nhạc thành bài hát ‘Hà Nội mùa vắng những cơn mưa’.
Nhà thơ Bùi Thanh Tuấn có cuộc trò chuyện với Chúng ta về nhạc sĩ Trương Quý Hải và những sáng tác của anh.
– “Hà Nội mùa vắng những cơn mưa”, ca khúc gắn với tên tuổi của anh và nhạc sĩ Trương Quý Hải, đã có tuổi đời 22 năm. Lúc đó, hai người gặp nhau như thế nào?
– Chúng tôi gặp nhau tình cờ vào buổi giao lưu sinh viên giữa hai miền Nam – Bắc diễn ra tại Hội quán sinh viên của trường Đại học Tổng hợp TP HCM. Lúc đó, đoàn nào có tiết mục gì thì góp vui cái nấy. Tôi là dân Văn nên nghĩ chỉ có làm thơ mới được… lên sân khấu. Tôi bèn lân la làm quen với những người bạn mới, tò mò hỏi họ về Hà Nội và từng người kể tôi nghe. Ngay hôm đó, chỉ trong vòng 15 phút tôi viết liền một mạch bài thơ ngắn bằng các chất liệu góp lại từ lời kể của bạn bè và những hiểu biết ít ỏi về Hà Nội. Tôi lồng ghép vào trong bài thơ một câu chuyện tình lãng mạn hoàn toàn tưởng tượng để gọi tên một Hà Nội mơ hồ mà tôi không dám chắc là nó có giống thủ đô mà tôi chưa bao giờ đến hay không.
Sau khi đọc giao lưu trên sân khấu, nhạc sĩ Trương Quý Hải đến chỗ tôi xin tờ giấy chép bài thơ. Lúc đó tôi chưa biết anh là ai. Ai xin thơ thì tôi thích lắm, thế là tặng luôn. Tối đó mọi người hẹn nhau liên hoan ở nhà nghỉ công đoàn, nơi đoàn Hà Nội trú ngụ. Anh Hải bước vào phòng và tuyên bố vừa sáng tác xong một ca khúc mới lấy câu thơ đầu làm tựa: “Hà Nội mùa vắng những cơn mưa”. Hải tung guitar lên, rải hợp âm chủ mi-thứ và hát. Tôi rất cảm động và sau đó chúng tôi thân nhau.
– Nhiều ý kiến cho rằng “Hà Nội mùa vắng những cơn mưa” là một bài thơ rất hay. Nhưng nếu không có Trương Quý Hải phổ nhạc, đó chỉ là những câu thơ nằm yên trên trang giấy. Anh bình luận sao về ý kiến này?
– Thơ thì phải nằm trên giấy chứ! Chỉ có nhạc mới cất nên âm vang. Câu hỏi này mang tính “khích tướng”, nhưng tôi thích. Nếu không có anh Hải, bài thơ vẫn có đời sống của một bài thơ, tôi nào sợ gì! Ngược lại, nếu không có duyên may gặp gỡ, anh Hải sẽ không có bài nhạc phổ thơ tôi thì vẫn sẽ có những ca khúc rất hay khác (được biết anh Hải là nhạc sĩ rất chịu khó làm lời, ít phổ thơ). Với lại hai anh em chúng tôi không bao giờ tranh luận về điều đó, chỉ cảm thấy hạnh phúc vì hai người đã “ăn ở” và “đẻ” ra được một đứa con chung xinh đẹp. Năm nay nó vừa tròn 22 tuổi rồi.
Ngay sau khi đăng bài viết về chuyện tình Mộng Cầm & Hàn Mặc Tử, [dongnhacxua.com] nhận được nhiều phản hồi của quý vị yêu nhạc xưa nói về một bản nhạc khác của nhạc sỹ Trần Thiện Thanh có tựa “Tâm sự Mộng Cầm”. Theo thông tin này, chúng tôi đã tìm ra bản nhạc tưởng chừng đã thất lạc từ rất lâu. Cảm ơn quý ân nhân đã cung cấp thông tin và giới thiệu với bạn yêu nhạc xa gần.
Trong một lần may mắn được gặp nữ sĩ Mộng Cầm, tác giả bài báo đã được nghe bộc bạch những gì mà bà giấu kín trong lòng gần 60 năm.
Từng ngâm nga thơ Hàn Mặc Tử, từng nghe chuyện tình của Hàn thi sĩ với Mộng Cầm, rồi từng nghe đi nghe lại ca khúc “Hàn Mặc Tử”của Trần Thiện Thanh, bất ngờ vào mùa hè năm 1997, tôi lại có dịp ngồi cạnh “người đẹp của thi nhân”, nơi một quán cà phê sân vườn, mang tên Mộng Cầm. Quán là một căn nhà lợp tranh, cạnh đại lộ Nguyễn Văn Linh, khu Nam Sài Gòn, xung quanh có nhiều ao bèo thả cá để khách có thể vừa câu cá vừa nhâm nhi cà phê. Chủ quán là đôi vợ chồng bác sỹ Mộng Đào và Phạm Thiên Bê, con gái và con rể của bà Mộng Cầm.
Đây thôn Vĩ Dạ, một vết cứa đâm tim
Người ta chỉ mới được biết về mối tình lãng mạn của Mộng Cầm – Hàn Mặc Tử qua sách báo. Nhưng bên cạnh mối tình đẹp như mơ ấy, còn có một đời thường với rất nhiều bí ẩn. Mộng Cầm- Huỳnh Thị Nghệ, người thiếu nữ trong mộng ngày xưa ấy của Hàn Mặc Tử, trước mặt tôi bây giờ là một cụ bà ở tuổi tám mươi. Tuy vậy, trên gương mặt bà vẫn còn phảng phất nét kiêu sa. Thốt nhiên bà mở lời: “Vào tuổi này rồi chẳng còn gì để giấu”. Rồi bà kể như từng phân đoạn hồi tưởng, qua hơi thở có khi hụt hẫng, đứt quãng, dường như là những lời sám hối, tiếc thương.
Quê Mộng Cầm ở Phan Thiết, gần lầu Ông Hoàng nhưng thân sinh bà lại ra làm việc tận Nghệ An. Và ngày 17/7/1917, bà được sinh ra ở đó nên mới có tên “cúng cơm” là Huỳnh Thị Nghệ. Thì ra, tên Nghệ là do sinh ở Nghệ An. Sau đó bà được gửi về trọ ở nhà ông cậu ở Phan Thiết học trường Pline Exercices. Mộng Cầm là cháu gọi nhà thơ Bích Khê bằng cậu nên bà cũng có “máu thơ văn”. Tên Mộng Cầm xuất hiện từ khi bà làm thơ gửi đăng báo. Qua những vần thơ trên báo, Hàn Mặc Tử đã tìm đến làm quen, bày tỏ tình cảm với bà qua bài Muôn năm sầu thảm, với câu mở đầu “Nghệ hỡi Nghệ”…Bài thơ ấy, bà Mộng Cầm vẫn thuộc nằm lòng từ đó đến nay. Hàn Mặc Tử là tình yêu đầu đời của bà.
Bà nhìn ra bầu trời tím hoàng hôn ngoại ô Sài Gòn hồi tưởng… Một mùa hè, năm xưa, Hàn Mặc Tử từ Quy Nhơn vào Phan Thiết thăm Mộng Cầm. Hàn hỏi ở đâu có cảnh đẹp thì đưa anh đi thăm cho biết. Mộng Cầm đã đưa Hàn Mặc Tử lên lầu Ông Hoàng. Đó là một ngọn đồi thấp, nhưng lên đó vào những đêm trăng tỏ, có thể nhìn thấy Mũi Né và thị xã Phan Thiết mờ ảo, lấp lánh đèn hiệu hay đèn ghe chài như những viên kim cương khổng lồ. Nào ngờ, đây lại là lần đi chơi sau cùng của hai người. Hàn Mặc Tử ra Huế, sau đó vào Quy Nhơn, điều trị bệnh phong ở bệnh viện phong Quy Hòa, và mất ở đó .
Tại sao Hàn Mặc Tử lại ra Huế? Bây giờ thì Mộng Cầm nói hết những gì mà bà giấu kín trong lòng gần 60 năm. Đó là Hàn Mặc Tử có mối tình đầu với một cô gái Huế tên là Hoàng Cúc. Thân sinh của Hoàng Cúc làm quan chức trong Sở Đạc điền ở Quy Nhơn. Sau khi biết Hàn Mặc Tử theo đuổi con gái mình, do không thích văn nhân, thi sĩ nên ông đã tìm cách đưa Hoàng Cúc về Huế. Thế là Hàn Mặc Tử ra Huế tìm và sau đó có bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ. Bài thơ này tuyệt hay nhưng Mộng Cầm lại ghét cay, ghét đắng…
Bà trải các câu thơ ra và dằn từng tiếng, khác với các nghệ sĩ ngâm thơ ngọt ngào. Và dằn cho đến câu cuối.
“Sao anh không về chơi thôn Vĩ.
Nhìn nắng hàng cau, nắng mới lên.
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc.
Lá trúc che ngang mặt chữ điền…”
Không biết lần này ra Huế, Hàn có tìm đến thăm cụ Phan Bội Châu như lần trước, hồi cuối năm 1931, khi còn là Phong Trần hay không? Bấy giờ thi sĩ mới 19 tuổi, tìm đến thăm cụ Phan Bội Châu ở Bến Ngự, giữa vòng vây của mật thám Pháp. Do trước đó, từ năm 1930-1931, Hàn đã nổi tiếng với bút hiệu Phong Trần là nhờ lời giới thiệu của cụ Phan. Lúc bấy giờ cụ Phan bị Pháp bắt an trí ở Huế. Cụ lập Mộng Du thi xã với mục đích quy tụ những nhà thơ yêu nước, Hàn Mặc Tử gửi đến thi xã 3 bài thơ yêu nước là Thức khuya, Chùa Hoang và Gái ở chùa (sau in lại trong “Lệ Thanh thi tập”). Mở đầu bài “Thức khuya” có câu: “Non sông bốn mặt ngủ mơ màng/Thức chỉ mình ta dạ chẳng an…” và được cụ Phan rất tán thưởng “…Từ ngày về nước đến nay, được xem nhiều thơ văn quốc âm, song chưa gặp được bài nào hay đến thế…Ước ao có ngày gặp gỡ”. Cụ đã họa lại và cho đăng báo. Bài họa bài “Thức khuya” mở đầu: “Chợ lợi trường danh tí chẳng màng/Sao ăn không đặng ngủ không an…”
Ngoài Hoàng Cúc và Mộng Cầm ra, Hàn Mặc Tử còn có hai người tình nữa là Mai Đình nữ sĩ và Ngọc Sương, chị gái của thi sĩ Bích Khê. Mối tình của Mai Đình nữ sĩ không sâu đậm, chỉ là “tình văn chương”, còn với Ngọc Sương thì như ngọn gió mát thoảng qua đời Hàn mà thôi (theo Quách Tấn, một người bạn thân thiết của thi sĩ).
“Lầu Ông Hoàng đây, anh ở đâu”
Mối tình của Hàn Mặc Tử và Mộng Cầm chẳng đi đến đâu. Mộng Cầm bộc bạch: Với hai lẽ, một là bà là con nhà phong kiến, cha mẹ luôn cản trở bà lấy một người Công giáo, lại là văn nhân, thi sĩ. Nhưng quan trọng hơn là lúc ấy bà quá thương Hàn Mặc Tử. Theo bà hiểu thì người bị bệnh phong gần đàn bà sẽ rất mau chết. Vì vậy, bà cố tránh để Hàn Mặc Tử mau chóng bình phục, sau đó sẽ liệu lần với cha mẹ. Nhưng tiếc là Hàn không qua khỏi… Bây giờ người đọc thấy những vần thơ hai người viết cho nhau rất thắm thiết, nhưng thật sự cho đến lúc Hàn Mặc Tử mất, giữa Mộng Cầm và Hàn Mặc Tử không hề có chuyện gần gũi. Thời ấy, mới cầm tay nhau là đã run lắm rồi. Sau này nhớ lại những kỷ niệm với cố nhân, Mộng Cầm có bài thơ “Kỷ niệm Hàn Mặc Tử ở lầu Ông Hoàng”, một bài thơ chưa bao giờ phổ biến, được bà chép tay, nét chữ đã phai màu, trao cho tôi.:
Sương sa trong lúc hoàng hôn
Đường lên dốc đá sáng dần bể xanh
Triều dâng con nước mênh mông
Chuông chùa văng vẳng tiếng lòng xôn xao
Lầu Ông Hoàng đây, anh ở đâu?
Hồn xưa anh mất cảnh gieo sầu
Mây mù phủ kín vòng bình địa
Căm hờn tháp cũ cuộc bể dâu
Thật cảm động, như một chiều tình cờ được nghe thơ nhạc giao duyên, vì khi bà Mộng Cầm ngâm nga: “Lầu Ông Hoàng đây, anh ở đâu” thì cô con gái, bác sỹ Mộng Đào mở lớn nhạc bài “Hàn Mặc Tử“.
Sau khi Hàn Mặc Tử mất, Mộng Cầm lập gia đình và sinh được 7 người con. Người bạn đời của bà cũng biết rõ mối quan hệ của bà với Hàn Mặc Tử nhưng vẫn tôn trọng nhà thơ quá cố. Con gái lớn của bà là Mộng Đào, là bác sĩ, đang công tác tại thành phố Hồ Chí Minh. Mười lăm năm trước, Thành phố mới Nam Sài Gòn được khai hoang trên đồng phèn, Cảnh chiều buồn vắng vẻ, khi tiễn chân tôi ra cổng, bà níu tay tôi dặn dò: “Anh coi có bạn bè nhạc sỹ, nhờ phổ bài thơ này ra bài hát dùm tôi”. Ngày 23/7/2007, bà Mộng Cầm qua đời tại số nhà số 300, Trần Hưng Đạo, Phan Thiết. Theo lời trăng trối của bà Mộng Cầm, cô con gái Hồ Mộng Đức đã mai táng bà trên lưng đồi lầu Ông Hoàng. Và lầu Ông Hoàng từ lâu đã đi vào tâm thức bao thế hệ khi nghe những bài hát về mối tình lãng mạn này, như Hàn Mặc Tử, Mộng Cầm Ca… và cả bài ca vọng cổ Tâm sự Mộng Cầm… Thế mà đến nay tôi vẫn chưa nhờ ai phổ nhạc bài thơ “Lầu Ông Hoàng đây, anh ở đâu?” của bà được.
Trong một bài viết trước đây, [dongnhacxua.com] đã đề cập đến bản “Hàn Mặc Tử” nổi tiếng của nhạc sỹ Trần Thiện Thanh. Nhắc đến Hàn Mặc Tử và Trần Thiện Thanh, chúng ta không thể nào không nhắc mảnh đất Phan Thiết là quê hương của nhà nhạc sỹ và cũng chính là nơi đã ghi dấu bước chân phiêu bạt của chàng trai trẻ Nguyễn Trọng Trí, tức nhà thơ Hàn Mặc Tử. Tại đây, nhà thơ đã gặp người đẹp Mộng Cầm và giữa hai người đã có một mối tình thơ thật đẹp, để lại nhiều giai thoại trong văn đàn Việt Nam.
Hàn Mặc Tử quen Mộng Cầm trong thời gian phụ trách trang văn chương cho tờ báo Trong Khuê Phòng. Mộng Cầm là cháu gọi Bích Khê bằng cậu, vì ảnh hưởng của ông cậu trẻ tuổi nên cũng tập tành làm thơ gửi đăng báo. Hàn Mặc Tử đã nhận được một số bài thơ như thế của Mộng Cầm gửi đến và từ đó làm quen với Mộng Cầm.[2] Qua những vần thơ trên báo, Hàn Mạc Tử đã tìm đến làm quen, bày tỏ tình cảm với bà qua bài Muôn năm sầu thảm, với câu mở đầu “Nghệ hỡi Nghệ”. Hàn Mặc Tử là tình yêu đầu đời của bà[4]
Theo các tài liệu của Nguyễn Bá Tín (em ruột Hàn Mặc Tử), của nhà văn Quách Tấn thì Hàn Mặc Tử và Mộng Cầm quen biết nhau qua thơ văn. Đó là khoảng năm 1934, khi Hàn Mặc Tử rời Quy Nhơn vào Sài Gòn phụ trách trang văn chương cho tờ Trong khuê phòng. Thỉnh thoảng, Hàn Mặc Tử có nhận được những bài thơ ký tên là Mộng Cầm từ Phan Thiết gửi vào. Thư đi tin lại, rồi chàng ra Phan Thiết tìm nàng. Sự thực là Mộng Cầm là cháu gọi thi sĩ Bích Khê bằng cậu, nhân vậy mà sau này mới có tình bạn thắm thiết giữa Bích Khê và Hàn Mặc Tử.[3]
Theo ông Trần Thanh Mại thì: Đôi trai tài gái sắc yêu nhau. Họ hay gặp nhau ở Quy Nhơn và Phan Thiết, hay đưa nhau đi chơi, thăm thú các danh lam thắng cảnh, nhất là Lầu Ông Hoàng… Đùng một cái, Hàn thi sĩ phát hiện mình mắc bệnh phong, chàng tuyệt giao với bằng hữu, kể cả với Mộng Cầm.[5]
Mộng Cầm đã cho rằng chuyện tình cảm giữa mình và Hàn Mặc Tử “chỉ là mối tình văn thơ, còn xác thịt thì hoàn toàn không nghĩ tới. Cha mẹ đã cho giao thiệp tự do, chúng tôi phải giữ gìn cho xứng đáng…”. Bà xác nhận có đi chơi ở Lầu Ông Hoàng với Hàn Mặc Tử rồi gặp mưa, hai người vào nấp mưa ở một nghĩa địa nhưng không cho rằng do vậy mà Hàn mắc bệnh phong.[5]
Bà kể thêm rằng: Về đến Phan Thiết, tôi đưa Hàn Mặc Tử đến trường Hồng Đức, cậu Bích Khê tôi dạy ở đó. Ở đó suốt buổi sáng chủ nhật, chiều anh đáp chuyến tàu suốt về Sài Gòn. Sau ngày ấy, cậu tôi bảo tôi ra dạy ở trường Hồng Đức, do vậy mà Hàn Mặc Tử ra vào thường. Thứ bảy nào anh cũng có mặt ở Phan Thiết, chiều chủ nhật lại vào Sài Gòn. Trong một dịp thứ bảy đi chơi Lầu Ông Hoàng, anh đã thổ lộ mối tình với tôi.[3]
Sau khi Hàn Mặc Tử qua đời, Mộng Cầm lập gia đình riêng và sống ẩn dật. Bà có 7 người con.[1]
BẢN NHẠC “NƯỚC MẮT MỘNG CẦM” CỦA NHẠC SỸ THANH SƠN
Trong quá trình đi tìm tư liệu cho bài viết này, [dongnhacxua.com] vô tình tìm được một bản nhạc viết về chuyện tình của nữ sỹ Mộng Cầm của nhạc sỹ Thanh Sơn, ký dưới nghệ danh Sơn Thảo. Tuy nhiên chúng tôi không thể tìm ra một bản ghi âm nào trên mạng. Vậy nếu quý vị xa gần có sưu tầm được bản nhạc này xin liên lạc với [dongnhacxua.com].
“Ghé lại quán Mộng Cầm thấy buồn quá… Ngôi nhà giờ bị chia đôi bằng bức tường tranh chấp. Ngôi nhà cổ vàng vọt cũng mất, chẳng còn hình bóng của giai nhân trong không gian u hoài. Một di sản tâm hồn của Phan Thiết, một hoài niệm của Hàn Mặc Tử đã mất mát vĩnh viễn…”
Tiết văn học buổi chiều năm lớp tám, nắng miền Trung xuyên qua những miếng ngói đỏ tráng lên chúng tôi một lớp nóng rát. Bữa đó học bài “Mùa xuân chín” của nhà thơ Hàn Mặc Tử. Nhớ miết câu cô hỏi về chữ “trí” trong câu: “Lòng trí bâng khuâng sực nhớ làng” là tâm trí hay là Trọng Trí, tên thật của nhà thơ.
Tiết văn hôm ấy bớt oi bức hơn khi biết được một trong những tình thơ, tình riêng của nhà thơ khi ấy là Mộng Cầm, thiếu nữ của tỉnh nhà.
Lớp mười, trong căn gác trọ, người thuê cũ bỏ lại một tập tài liệu hướng dẫn du lịch tên “Phan Thiết – biển xanh, cát trắng, nắng vàng”. Trong cuốn tài liệu có ghi về mối tình Hàn Mặc Tử – Mộng Cầm như một dấu ấn lãng mạn của Phan Thiết.
Tài liệu cũng nói về lầu Ông Hoàng, một tàn tích biệt thự của một người Pháp gần tháp Chăm Pôshanư, nơi Hàn Mặc Tử cùng Mộng Cầm mỗi cuối tuần đến ngắm trăng, ngắm biển. “Đường lên dốc đá” ấy trở thành con đường đầy màu thơ và khơi gợi lòng du khách đến để nghe biển vỗ một mối tình buồn…
Thời đó sống ngay Phan Thiết, nhưng sự lo lắng của một cậu bé nông thôn chiếm hết thời gian mộng mơ đi tìm bà Mộng Cầm, người thực của quá khứ văn chương.
Chỉ nghe mọi người trong xóm trọ nói nhà bà hiện nay có một quán kem flan (1) nổi tiếng nhất, ngon nhất và mắc nhất Phan Thiết. Những miếng kem flan do chính tay bà làm. Lúc ấy tô bún bò ngon chỉ ba ngàn đồng mà nghe đâu kem flan Mộng Cầm đến năm, bảy ngàn. Vậy mà quán vẫn đông khách. Chuyện ăn kem flan Mộng Cầm lúc đó là điều không tưởng với một học trò nghèo.
Gần chục năm sau, ghé về Phan Thiết dạo những con đường xưa thơm mùi bánh canh và bánh tráng mắm ruốc nướng chợt nhớ đến quán kem flan Mộng Cầm, chợt nhớ đến ngôi nhà của “người tình thơ” năm cũ.
Dò địa chỉ thì quán ở số 394 Trần Hưng Đạo, con đường chính chạy dọc trong lòng Phan Thiết, đổ dốc cầu qua sông Cà Ty một chút là đến. Thì ra ngôi nhà nằm đó mà hồi trước đạp xe qua lại học thêm dưới phường biển cả trăm lần nhưng không để ý. Coi như duyên cũng phải mười năm mới thắm.
Quán chỉ mở buổi tối, khi gió biển lành lạnh thổi vào những góc đường Phan Thiết. Quán cũng chẳng thể gọi là quán vì có vài cái bàn xếp trước sân, như ai đó trong nhà bày ra để uống trà. Vài ngọn đèn nhấp nháy treo trên ngọn cây cho cảm giác ấm cúng, tự tình trong đêm tối như được nhập thân vào một quãng thời gian cố cũ.
Người bưng kem trung niên gầy ốm, kiệm lời là con rể bà Mộng Cầm. Ông chỉ nói nhiều khi nhắc nhở ai đó ồn ào hoặc gác chân lên ghế. Miếng kem flan đổ bằng xoang, một đĩa là một góc sáu cái bánh, không phải theo khuôn nhỏ nhỏ như trăm ngàn cái kem flan khác.
Miếng bánh vàng rượm trứng gà, dư vị như theo dòng chảy của thơ tràn mát êm đầu lưỡi. Cũng không khó hiểu gì khi quán đắt giá mà vẫn đắt khách mỗi đêm. Tôi không biết lúc bà còn sống, những người khách của quán đêm có được nhìn thấy bà không. Ngày tôi đến thì bà đã mất rồi.
Câu chuyện kem flan Mộng Cầm cứ âm ỉ xúc động trong lòng, tôi viết ra rằng:
“Tại Phan Thiết có quán kem flan của gia đình nữ sĩ, bà giáo Mộng Cầm, người tình nổi tiếng của nhà thơ Hàn Mặc Tử. Quán đã trở thành “di sản”, người ta vẫn tìm đến ngồi trong quán, trước sân nhà của bà, ngắm ngôi nhà tường vàng im lìm và cảm giác như cô gái Mộng Cầm của thời son nữ đang ngồi trong nhà…” (2).
Vài tháng sau tôi hăm hở trở lại, mong mỏi đắm chìm vào chút đêm tĩnh lặng có chất thơ da diết thì lòng như muốn ngừng nghẹt. Một quán cà phê sang trọng, hộp đèn hiệu của quán in rõ chữ kem flan Mộng Cầm. Ngó lại bên phải, quán Mộng Cầm cũ vẫn im lìm với cái tủ gỗ đựng kem flan lờ mờ đèn vàng, bàn ghế nép vào một hẻm sân chật hẹp, chỉ đủ để ngồi ăn. Tôi nghe thoáng rằng đã có tranh chấp, chia cắt bằng một bức tường gạch.
Phần ngôi nhà vàng cũ nằm bên quán mới giờ đã là một ngôi nhà lầu tường trắng. Giờ đây đến chỉ còn được ăn kem flan, thấy người bưng kem vẫn ít nói, không còn ngôi nhà tường vàng để ngắm. Thật tiếc cho một phần lãng mạn của quê nhà bị xóa bỏ. Tôi nản nản, viết lên Zalo:
“Ghé lại quán Mộng Cầm thấy buồn quá… Ngôi nhà giờ bị chia đôi bằng bức tường tranh chấp. Ngôi nhà cổ vàng vọt cũng mất, chẳng còn hình bóng của giai nhân trong không gian u hoài. Một di sản tâm hồn của Phan Thiết, một hoài niệm của Hàn Mặc Tử đã mất mát vĩnh viễn…”. Có hai bình luận, họ cũng buồn như tôi:
“Người của hậu thế luôn nhân danh thời gian để hồn nhiên tàn phá những thứ tình cảm, quý giá ẩn sâu từ tiền nhân để lại…”.
“Thời gian tàn nhẫn, nhưng con người còn tàn nhẫn hơn”.■
(1): Ở Bình Thuận, bánh flan được gọi là kem flan.
(2): Bài viết: “Biến trang văn thành tour du lịch”, Tuổi Trẻ Cuối Tuần ngày 7-11-2014.
Như một lời chia tay nhạc sỹ Anh Bằng về nơi an nghỉ cuối cùng, hôm nay một người yêu nhạc đã gởi cho chúng tôi bản “Mai tôi đi” mà Anh Bằng lấy ý từ bài “Paris” của thi sỹ Nguyên Sa. Mạn phép thay mặt nhiều thế hệ yêu nhạc, [dongnhacxua.com] cầu chúc linh hồn ông sớm về nghỉ ngơi chốn hạnh phúc đời đời. Cũng xin nói thêm, hm nay cũng là đúng một tuần xảy ra vụ thảm sát ở Paris, chúng tôi cũng cầu nguyện cho linh hồn hơn 100 nạn nhân cũng mau vui hưởng hạnh phúc ở nới “tràn đầy ánh sáng” và mong “Kinh Đô Ánh Sáng” Paris sẽ sớm vượt qua nỗi đau để lại trở về với hình ảnh thơ mộng thuở nào!
Nhà thơ Nguyên Sa sinh ngày 1 tháng 3 năm 1932, tên thật là Trần Bích Lan, còn có bút danh Hư Trúc. Ông là một nhà thơ lãng mạn Việt Nam nổi tiếng từ thập niên 1950, với những tác phẩm nổi danh như Áo lụa Hà Đông, Paris có gì lạ không em, Tuổi mười ba, Tháng Sáu trời mưa, v.v
Tổ tiên Nguyên Sa gốc ở Thuận Hóa (Huế), ông cố ông là Thượng thư Trần Trạm, giữ chức Hiệp tá Đại học sĩ trong triều đình thời Tự Đức, đến đời ông nội mới ra Hà Nội.
Sau khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ, gia đình ông tản cư đi Hà Đông. Tại đây, ông bị Việt Minh bắt giam khi mới 15 tuổi. Hồi cư về Hà Nội, gia đình cho ông qua Pháp du học vào năm 1949.
Năm 1953, ông đậu tú tài Pháp, lên Paris ghi danh học triết tại Đại học Sorbonne. Nhiều bài thơ nổi tiếng của ông được sáng tác trong thời gian này.
Năm 1955, ông lập gia đình với bà Trịnh Thúy Nga ở Paris. Đầu năm 1956, hai ông bà về nước.
Năm 1975, ông di tản đi Pháp. Ba năm sau, ông và gia đình qua Hoa Kỳ và ở California từ đó cho tới ngày qua đời.
Ông mất ngày 18 tháng 4 năm 1998.
Các tập thơ: Thơ Nguyên Sa tập 1 Thơ Nguyên Sa tập 2 Thơ Nguyên Sa tập 3 Thơ Nguyên Sa tập 4 Thơ Nguyên Sa toàn tập
Mai tôi ra đi chắc trời mưa Tôi chắc trời mưa mau Mưa thì mưa chắc tôi không bước vội Nhưng chậm thế nào cũng phải xa nhau…
Mai tôi đi chắc Paris sẽ buồn Paris sẽ nhìn theo Nhưng nhìn thì nhìn đời trăm nghìn góc phố Con đường dài thẳng mãi có bao nhiêu
Mai tôi đi dù hôm nay đang vào thu Giòng sông Seine đang mặc áo sương mù Đang nhìn tôi mà khoe nước biếc Khoe lá vàng lộng lẫy lối đi xưa
Dù hôm nay giữa một ngày tháng bảy Chiếc tháp ngà đang ướt rũ mưa ngâu Sông Seine về chân đang bước xô nhau Sẽ vịn ai cho đều giòng nước chảy
Dù mai kia trong một đêm quá khuya hay một ngày sớm dậy trên một con đò, bên một góc phố, dưới một luỹ tre tôi sẽ ngồi kể chuyện nắng chuyện mưa và có lẽ tôi sẽ kể chuyện Paris để khói thuốc xám trên môi dăm người bạn và trên môi tôi điếu thuốc sẽ run trên những đường cong lận đận điếu thuốc sẽ run như chân người vũ nữ vừa quen đôi chân người mà tôi không dám nhớ cũng không dám quên còn quay đảo giữa điệu nhạc mềm như khói thuốc…
Tôi sẽ hỏi trong những chiều giá buốt những chiều mưa mây xám nặng trên vai người con gái mắt xanh màu da trời trên áng mi dài có quanh co tuyết phủ?
Rồi cả người cả Paris nhìn tôi qua một nụ cười nhắn nhủ nụ cười mềm như ánh nắng của cuộc chia ly của một buổi sáng mai khi những người phu đổ rác bắt đầu đi những thùng rác bắt đầu cọ vào nhau với những tiếng kêu của một loài sắt lạnh như những tiếng kêu của những chiếc đinh khô, những mình búa rắn của những đôi mắt nhìn theo và tôi cũng nhìn theo không biết người ta vừa khâm liêm mình hay khâm liệm một người yêu
Dù người yêu không phải là người con gái có mớ tóc vàng
Nhưng cũng sợ phải viết những lá thư xanh về xứ Đũa son nên tôi không dám hỏi: tại sao mắt em buồn tại sao má em đỏ tại sao môi em ngoan vì những ngón tay tô đỏ màu đũa son đang muốn gắp cả đời người hạnh phúc
Và cả tôi cũng vẫn nghẹn ngào trong mỗi lần nói thật mỗi lần nghe Paris hỏi tôi: tại sao anh về tại sao anh không ở?…
Nhưng dòng máu không thể chảy ngoài huyết quản dù tôi yêu Paris hơn một người bạn yêu một người bạn hơn một người yêu yêu một người yêu
Dù đêm nay tôi vẫn làm thơ dặn những người con gái nhỏ đi về trên hè phố Saint Michel gò má đỏ phồng bánh graffen để những hạt đường rơi trên má lau vội làm gì cho có duyên
Dù đêm nay những người yêu nhỏ vẫn đi về vẫn đôi mắt nhìn lơi lả hở khuy cặp môi nghiêng trong một cánh tay ghì mỗi chuyến métro qua vồi vội giòng Seine cười ngoảnh mặt quay đi
Dù đêm nay tháp Eiffel Vẫn kiễng mình trong sương khuya nhìn bốn phía chân trời
Và đôi mắt tôi Vẫn tìm đến trong một giờ hò hẹn
Và từ mai trên những lá thư xanh tôi không được bắt dầu bằng một chữ P hoa như tên một người con gái…