Sài Gòn: Biết Bao Giờ Trở Lại (Ngô Thụy Miên)

Đối với chúng tôi, những người đến và ở lại với Sài Gòn gần nửa đời người, mảnh đất này chất chứa thật nhiều kỷ niệm. Thành phố đã thay đổi rất nhiều, “Hòn Ngọc Viễn Đông” không còn như ngày xưa nữa. Thế nhưng, đâu đó trong vài góc phố, vài con đường, một Sài Gòn yên bình và dấu yêu vẫn tồn tại, như một dòng nước mát làm dịu êm nhịp đời hối hả và có phần xô bồ của thành phố với hơn 10 triệu dân. Trong niềm càm xúc ấy,  [dongnhacxua.com] trân trọng giới thiệu bản “Biết bao giờ trở lại” của nhạc sỹ Ngô Thụy Miên.

BA MƯƠI LỜI TÂM SỰ CỦA NGÔ THỤY MIÊN
(Nguồn: Hoàng Vi Kha phỏng vấn nhạc sỹ Ngô Thụy Miên, đăng trên HonQue.com)

Nhạc sỹ Ngô Thụy Miên. Ảnh: HonQue.com
Nhạc sỹ Ngô Thụy Miên. Ảnh: HonQue.com

 1. Trong các chủ đề sáng tác, thông thường là: Tình Yêu (đôi lứa), Thân Phận, và Quê Hương, phần lớn các nhạc sĩ đều viết cho cả ba chủ đề này, riêng chú, tất cả cho tình yêu (đôi lứa), vì hễ nói đến nhạc của chú, là nghĩ ngay đến “tình ca”, vậy chú có thể cho biết tại sao chú lại chỉ chọn một chủ đề mà thôi?

Từ bao nhiêu năm nay tôi chỉ viết tình ca vì thấy thích hợp với con người, với cá tính của mình, và cũng vì tình yêu mãi mãi vẫn là một đề tài muôn thưở cho người nghệ sĩ sáng tác. Các chủ đề Tình Yêu, Thân Phận, và Quê Hương đã được khai triển rộng rãi trong nhiều thập niên vừa qua với bao nhiêu tác giả và tác phẩm. Được biết đến như một người viết tình ca (đôi lứa) cũng đã là quá đủ cho tôi rồi.

2. Chú viết rất nhiều cho tình yêu. Vậy theo chú, định nghĩa của chú về tình yêu ra sao?

Cho, Chấp Nhận, và Tha Thứ.
Cho người, Chấp Nhận tình, và Tha Thứ cho mình, như một lần tôi đã nói: Tình ơi! Dù sao đi nữa xin vẫn yêu em.

3. Trải theo thời gian, cái nhìn (hay quan niệm) về tình yêu của một người sẽ có ít nhiều thay đổi, vậy ở chú thì sao? Có hay không sự đổi thay quan niệm về tình yêu từ những tình khúc đầu tay của chú và những tình khúc mới nhất? Sự thay đổi (nếu có) là nguyên do nào và thay đổi ra sao?

Dĩ nhiên, tình yêu cũng như đời sống, đều luôn biến đổi theo thời gian, và không gian. Lấy 1975 làm dấu mốc quan trọng trong tình ca Ngô Thụy Miên. Trước Em Còn Nhớ Mùa Xuân là một thời của tuổi trẻ, mộng mơ, lãng mạn. Sau Em Còn Nhớ Mùa Xuân là hạnh phúc, khổ đau, là những mất mát, hiện thực của đời sống. Ở tuổi 20, tình yêu nồng nàn, say đắm, miệt mài… và khi cuộc tình đã chết thì là nỗi buồn đau, xót xa nhẹ nhàng của Bản Tình Cuối, là tiếc nuối chất ngất của Niệm Khúc Cuối. Tuổi 30, tình yêu thổi qua đời như cơn gió lạ đầu mùa, là bát ngát mộng mơ, rồi bỗng thành chia lìa, tan tác. Đó là thời kỳ của Em Còn Nhớ Mùa Xuân, của Dốc Mơ. Còn ở tuổi 40, tình sâu lắng cùng những tiếc nhớ khôn nguôi của một thời đã qua với Trong Nỗi Nhớ Muộn Màng, Riêng Một Góc Trời. Tuổi 50, nhìn lại mình, những sợi tóc xanh xưa đã bỏ đi như những kỷ niệm cũ, nhưng trái tim hồng ngày nào vẫn rung động cùng Mưa Trên Cuộc Tình Tôi, Nỗi Đau Muộn Màng…

4. Tình yêu đi liền với tính lãng mạn. Trong giòng nhạc của chú, bàng bạc vẻ trữ tình, lãng mạn. Nhưng tính lãng mạn của Ngô Thụy Miên khác với những nghệ sĩ khác. Chú có thể nào nói về sự lãng mạn đó?

Tính lãng mạn trong giòng nhạc Ngô Thụy Miên? Có thể nói từ những ngày còn trẻ, tôi đã nghe và yêu thích những giòng nhạc tình tự, trong sáng của các tác giả thời tiền chiến, và cũng chịu ảnh hưởng sâu đậm của nhạc cổ điển tây phương, nhất là nhạc classique của thế kỷ 19, mà tôi đã theo học tại trường Quốc Gia Âm Nhạc Sài Gòn trong thập niên 60. Cho nên có lẽ vì thế mà sự lãng mạn trong giòng nhạc NTM có một chút trang nghiêm cổ kính, và pha một chút “thơ” của những Lamartine, Chopin, George Sand… cùng Nguyên Sa, Hoàng Anh Tuấn…

5. Thông thường, ở tuổi mới lớn, đó là tuổi của hoa mộng, ngọt ngào men say của những rung động trinh nguyên, ban đầu và vì vậy, đó cũng là tuổi mà đưa đến sự xuất hiện của hầu hết những văn sĩ, thi sĩ, hay nhạc sĩ. Với chú điều này đúng không? Và tại sao chú lại chọn âm nhạc mà không chọn thơ, hay văn?

Đúng đấy chứ, tôi hoàn tất tình khúc đầu tiên Chiều Nay Không Có Em năm 17 tuổi. Tuổi trẻ tôi cũng viết văn, làm thơ…nhưng chỉ được biết đến trong giới bạn bè thân cận. Còn âm nhạc, thì nhờ được học hành trường lớp đàng hoàng về nhạc lý, nhạc sử, hòa âm, vĩ cầm…và còn chơi đàn trong ban nhạc của nhạc sĩ Văn Phụng, nên phương tiện sáng tác, cũng như phổ biến có phần dễ dàng hơn.

6. Khi viết một tình ca, thông thường cảm xúc dẫn dắt chú đến điều nào trước: giai điệu hay ngôn ngữ (ca từ)?

Tiết tấu và ca từ, cả 2 điều này đều rất quan trọng trong việc sáng tác một tình khúc. Như VK đã nói, tôi thường để cảm xúc tự nhiên dẫn dắt trong việc sáng tác, không gò bó theo một khuôn khổ, qui luật nhất định nào. Tuy nhiên nhìn lại quá trình sáng tác thì có thể thấy ngoài những ca khúc phổ thơ, và 4 bài tôi đã hoàn tất giai điệu trước (Mắt Biếc, Từ Giọng Hát Em, Dốc Mơ, Miên Khúc), phần còn lại là kết hợp của cả hai, ý nhạc và lời ca.

7. Hầu hết các tình ca đầu tay của chú đều được diễn đạt qua thể điệu chậm, thướt tha của Boston, chú có chủ đích chọn thể điệu này như một hướng sáng tác riêng? (cũng như hễ nói đến thơ lục bát thì nghĩ ngay đến Nguyễn Du hoặc thơ năm chữ thì Nguyễn Tất Nhiên, hoặc thể điệu Bolero thì nhạc Lam Phương)

Giản dị thôi, như đã nói tiết tấu và ca từ của một tình khúc đều rất quan trọng, tôi vẫn quan niệm là khi nghe một bài tình ca, nếu ta yêu được ý nhạc thì hạnh phúc một, mà nếu thấu được lời ca nữa thì hạnh phúc gấp đôi. Do đó rất nhiều sáng tác của tôi đã được viết theo thể điệu chậm của Boston để ca sĩ có thể trình bầy, diễn tả hết được cái nồng nàn, tha thiết của lời ca ý nhạc. Tôi nghĩ rằng khi bản nhạc được làm mới thêm với phần hòa âm viết lại từ những thể điệu chậm thành Tango, Samba, ChaChaCha… đều đã làm mất đi cái đẹp nguyên thủy của nó.

 8. Nghe những tình khúc của chú, có thể nói, đối tượng thính giả là những người ở thành thị hơn là ở nông thôn. Hơn thế, không chỉ âm hưởng mà ngay cả ngôn ngữ của những tình ca của chú cũng đòi hỏi người nghe ở một trình độ cảm nhận (hoặc kinh nghiệm sống) nào đó chứ không là quảng đại, bình dân. Chú nghĩ sao về nhận xét này? Phải chăng nhạc của chú cần có đối tượng thích hợp?

Thật ra những sáng tác của tôi viết ra không hẳn cho một đối tượng thính giả nào, mà chỉ dành cho những người có thể chia sẻ những tình cảm, tâm tư riêng với mình mà thôi. Nhưng có lẽ đây là một sự tình cờ của định mệnh. Tôi sinh trưởng tại 2 thành phố lớn Hải Phòng, và Sài Gòn. Chịu ảnh hưởng của nền âm nhạc, cũng như sách báo, phim ảnh tây phương. Đọc nhiều thơ văn viết về Sài Gòn, Hà Nội, Paris…Chỉ một dịp duy nhất được bước chân về miền quê yêu dấu của mình trong lần đi vượt biên dưới Cà Mâu! Cho nên dù muốn cũng không thể dối mình để viết những bài tình ca Quê Hương. May mắn là trong bao năm qua, đã có nhiều nhạc sĩ để lại cho chúng ta những ca khúc với chủ đề Quê Hương thật tuyệt vời.

9. Khi mang tình yêu vào âm nhạc, đơn thuần chỉ là bày tỏ cảm xúc của chính mình hay chú còn nhắn gởi thông điệp nào khác về tình yêu?

Ở cái tuổi bắt đầu sáng tác, cho đến bây giờ tôi vẫn nghĩ là tất cả những hận thù, đố kỵ, bon chen, lừa lọc đều sẽ qua đi, chỉ còn tình yêu là sẽ ở lại mãi với chúng ta. Tình yêu giữa người và người, giữa người và cuộc sống, cũng như thiên nhiên. Đối với tôi âm nhạc cũng chính là tình yêu. Xin hãy để âm nhạc ngự trị trên khắp quả địa cầu khô khan, nơi chúng ta đang tạm trú đây.

10. Tình yêu có lúc làm cho trái tim con người đi qua, hoặc cưu mang khổ hạnh. Trong tình ca của chú nỗi khổ hạnh của tình yêu được chú trình bày có nét riêng biệt – không sến – không quy lụy. Xin chú cho biết thêm về điều này?

Tình yêu đối với tôi dù sung sướng hay khổ đau cũng là một điều rất thiêng liêng. Yêu không có nghĩa là phải chiếm hữu cho riêng mình, yêu là cho tận cùng, là chấp nhận hết những buồn vui, khổ hận để mang lại hạnh phúc cho người yêu. Yêu cũng là tha thứ cho những vấp ngã của người và của chính mình. Đó chính là cái nét riêng biệt của tình ca NTM.

11. Có phải chăng càng đau khổ, càng ma sát với đời, người sáng tác càng có nhiều tác phẩm hơn và tác phẩm càng sâu sắc hơn? Hay nói cách khác, khi trọn vẹn hạnh phúc, dường như sáng tác ít đi ? Chú có bị trường hợp này không? Chú nghĩ gì về điều này từ kinh nghiệm sáng tác của chính chú?

Có lẽ đây là một nhận định, một quan điểm chung của mọi người, là càng đau khổ, càng hận sầu thì viết văn, làm thơ, họa tranh, hay sáng tác nhạc càng hay hơn? Người nghệ sĩ càng sống bệ rạc, phóng túng thì sáng tác càng sâu sắc hơn? Tôi nghĩ không hẳn là như vậy. Bằng chứng là vào thế kỷ 19, nhạc sĩ Mendelssohn là một người sung sướng từ đầu đến cuối, không bị một đau khổ nào trong cuộc sống, ngoại trừ lúc ông ra đi vào cái tuổi rất trẻ, nhưng ông đã viết, đã để lại rất nhiều tác phẩm bất hủ cho đời.
Riêng tôi có lẽ được may mắn sinh trưởng trong một gia đình tương đối ổn định về cả 2 mặt vật chất cũng như tinh thần, nên những sáng tác của tôi từ trước cho đến nay vẫn là một đời nhạc NTM, chỉ có khác biệt là những tình khúc viết trước 75 là của tuổi trẻ mộng mơ, tươi mát, tràn đầy hy vọng, còn sau 75 thì mang nỗi khổ đau, xót xa, mất mát của cuộc sống tạm dung nơi đây. Những đau khổ, mất mát này đã xẩy ra hàng ngày quanh tôi từ những kinh nghiệm sống của chính mình, của bạn bè, gia đình và những người thân của một thời.

12. Khi tạo ra một tác phẩm, thường so sánh như một đứa con tinh thần vừa chào đời, chú có mong muốn gì ở nó và mong muốn gì từ những người chung quanh?

Nói chung, những người làm công việc sáng tạo, khi cho ra đời một đứa con tinh thần thì điều đầu tiên là họ mong muốn tác phẩm của mình được phổ biến rộng rãi, và được người thưởng ngoạn yêu thích (dĩ nhiên điều này không đúng với những người chỉ viết cho riêng mình). Với những người sáng tác có tinh thần trách nhiệm thì ngoài điều mong muốn trên, còn hy vọng là tác phẩm của mình đã nói lên được những điều mình muốn nói.

13. Có thể nói rằng tất cả các sáng tác của chú đều rất giá trị vì không phải chỉ qua ngôn ngữ, âm điệu mà còn vì chú viết từ rung động chân thật (điều này người nghe có thể cảm nhận được). Chú không chạy theo thị hiếu và thời đại. Vậy chú có nghĩ sẽ gặp khó khăn từ phía thính giả trẻ không? Chú nghĩ thế nào về việc sáng tác cần hoặc nên thích hợp với thời đại khác nhau?

Cám ơn VK. Một lần nào đó tôi cũng đã có nói là “Tôi không viết nhạc để sống, mà sống để viết nhạc”. Tôi yêu âm nhạc từ bao nhiêu năm nay, và vẫn tiếp tục sáng tác cho mình, cho bạn bè, cho người thân, và cho tất cả những ai đã có thể chia sẻ những tâm tình của tôi thể hiện qua tình ca NTM.
Tôi không có nhu cầu chạy theo thị hiếu của thời đại. Giòng nhạc thính phòng nói chung, giòng nhạc NTM nói riêng, hiện nay vẫn được rất nhiều bạn trẻ chú ý, theo dõi và ủng hộ. Qua những lần tham dự các chương trình nhạc chủ đề tại nhiều nơi, tôi đã có dịp gặp gỡ những người trẻ này, và tôi vẫn nhận được khá nhiều email của các bạn trẻ yêu nhạc khắp nơi từ những làng xóm, thành phố ở Việt Nam, cho đến những tỉnh thành khắp nơi trên thế giới. Email từ các em, các cháu sinh ra, và lớn lên tại hải ngoại thì cũng có, nhưng không nhiều lắm. Tôi vẫn nghĩ nền tân nhạc Việt Nam dù mới có mặt trên dưới 70 năm, nhưng đã trải qua rất nhiều giai đoạn, thời kỳ, mà mỗi một giai đoạn, thời kỳ, chúng ta đều có những giòng nhạc đáp ứng được những bước đi thăng trầm của lịch sử quê hương dân tộc. Hiện nay ở hải ngoại, dù vẫn có nhiều người sáng tác, nhưng nếu muốn tiếp tục duy trì nền tân nhạc (đây chỉ nói đến nhạc phổ thông) các tác giả phải viết nhiều hơn nữa những ca khúc nhằm đáp ứng nhu cầu thưởng ngoạn của lớp trẻ ngày hôm nay. Tuy cần những tiết điệu mới, nhưng vẫn phải không mất đi cái đặc thù của nhạc Việt chúng ta.

14. Những ca khúc sau này của chú (từ thập niên 80 trở đi) giòng giai điệu thay đổi hẳn so với thập niên 70. Thưa chú, nhận xét này có đúng không? Và nếu đúng thì có nguyên do nào không? Không những vậy, nét trau chuốc trong ngôn ngữ cũng thay đổi. Chú nghĩ sao?

Tôi vẫn nghĩ thời gian ở quê hương (trước 75) với những thân yêu quanh mình, với những lụa là, mưa nắng Sàigòn, những quán hàng, con đường quen thuộc từng dấu chân, từng buổi sáng, buổi chiều…đã cho tôi những cảm xúc để viết lên những tình khúc với ý nhạc nhẹ nhàng, trong sáng, những lời ca dịu dàng, đầy thơ tính. Còn bây giờ, ở đây, người ta thật vội vàng, xa lạ, bận rộn…Những thành phố, nhà cửa thật huy hoàng, thật to lớn, nhưng cũng thật lạnh lẽo, cô đơn. Ngày tháng bên này đã để lại trong tôi những nét nhạc muộn phiền, ghi lại những lời ca mệt mỏi, buồn bã của cuộc sống tạm dung, của một phần đời tỵ nạn.

15. Chú có những ca khúc viết cho Sài Gòn (Hát Cho Người Ra Đi, Nắng Paris – Nắng Sài Gòn, Sài Gòn Còn Đó Nỗi Buồn, Thu Sài Gòn) Qua những lời chú viết cho thấy nỗi gắn bó giữa chú và Sài gòn rất tha thiết. Xin chú có thể cho biết cảm xúc của chú khi rời Sài Gòn và khi viết những bài nhạc trên.

Tôi sinh ra ở Hải Phòng miền Bắc Việt Nam, nhưng đã lớn lên tại Sàigòn, đã được nuôi dưỡng bởi cái tánh khí bình dị, cái tinh thần mộc mạc của miền Nam, đã có cả một thời mơ mộng, cả một tuổi trẻ với bao mộng ước đầu đời, khát khao…
Hỏi nếu vì lý do nào đó phải rời xa nơi chốn ấy thì làm sao không khỏi đau lòng, không khỏi xót xa cho được. Trong nỗi nhớ thương tận cùng, tôi đã viết một số ca khúc cho Sàigòn, và sáng tác gần đây nhất có tựa đề Biết Bao Giờ Trở Lại, đã được nữ danh ca Khánh Ly trình bầy lần đầu tiên trong 2 đêm nhạc NTM tại Sydney, và Melbourne, Australia. Một bài hát đã một lần nữa nói lên nỗi gắn bó của tôi với Sàigòn sẽ là mãi mãi.

16. Xưa nay, “thi-ca” thường đi chung với nhau và chú là một nhạc sĩ có rất nhiều tác phẩm phổ thơ rất thành công. Nhưng phổ nhạc một bài thơ là một việc không dễ, vì nó không chỉ đòi hỏi ở kỹ thuật mà còn cả ở sự cảm nhận. Chú có thể chia xẻ một vài kinh nghiệm về việc phổ thơ thành nhạc không? Đối với chú, đâu là điều quan trọng nhất của bài thơ có thể phổ nhạc (vì không phải bài thơ nào cũng có thể phổ nhạc được).

Thực ra thì tôi phổ thơ đâu có nhiều, chỉ trên dưới 10 bài thôi, thì kinh nghiệm làm gì mà có chứ! Tôi chỉ biết phổ thơ là một việc không khó, nhưng phổ để có được một bài nhạc hay, tồn tại được với thử thách của thời gian thì không phải là chuyện dễ. Tôi vẫn nghĩ bản nhạc với những niêm luật gò bó, nhất định, sẽ không bao giờ có thể nói lên hết được ý thơ của tác giả (đó là cảm nghĩ của tôi khi phổ thơ Nguyên Sa).
Điều quan trọng nhất của bài thơ có thể phổ nhạc, không nằm ở bài thơ, mà nằm trong lòng người muốn phổ bài thơ đó, có cảm xúc khi đọc bài thơ? có chia sẻ, cảm nhận được những gì nhà thơ muốn nói? có đặt được mình vào cương vị của nhà thơ khi sáng tác bài thơ? có đủ khả năng dùng nốt nhạc để trình bầy ý thơ của tác giả… Khó như vậy, nên tôi không còn phổ thơ nhiều như trước nữa.

 17. Thơ ngay tự nó cũng đã có vần điệu. Có những bài thơ mà khi đọc lên đã nghe như một nhạc khúc. Thưa chú, vậy đối với kinh nghiệm sáng tác của chú, khi một bài thơ được phổ nhạc, có nên không tạo ra sự khác biệt giữa vần điệu của thơ và âm giai của nhạc?

Người ta vẫn thường nói trong thơ đã có nhạc. Tôi nghĩ là không những nhạc, thơ còn chất chứa cả hội họa, và vượt thoát được những gò bó, giới hạn của quy luật, văn phạm trong ngôn ngữ thông thường nữa. Tuy nhiên vần điệu của thơ dễ bị lập đi lập lại (tùy theo thể loại), và như vậy dễ trở nên nhàm chán, nhạt nhẽo…Người phổ nên đem những âm giai của nhạc vào thơ, sáng tạo những thang âm khác lạ, làm mới câu thơ hơn, và hy vọng người nghe sẽ có thể chia sẻ những cảm nhận chung với mình.

18. Thơ có nhiều thể loại khác nhau như lục bát, đường luật, tự do . và số chữ, cũng như cách gieo vần tùy vào thể lọai thơ mà khác nhau. Khi đem thơ phổ nhạc, chú có gặp sự hạn chế trong sáng tác về những luật thơ, và vần thơ không? Đối với kinh nghiệm của chú, thể thơ nào là dễ phổ nhạc nhất (nhận thấy lọai 5 chữ là được đi vào nhạc nhiều nhất có phải chăng vì nó dễ dàng hơn các lọai khác?)

Như đã nói bản nhạc với những niêm luật gò bó, nhất định, sẽ không bao giờ có thể nói lên hết được ý thơ. Dĩ nhiên thơ cũng có những niêm luật, những cách gieo vần riêng…Như vậy khi phổ thơ thì phải biết dung hoà 2 vấn đề này, nghĩa là có khi phải du di, thay đổi nốt nhạc để họa vần thơ, hay đôi khi phải thay đổi lời thơ để nhập với ý nhạc. Tôi thường phổ thơ 5 chữ, hay 7, 8 chữ… cũng có 1, 2 bài theo thể tự do. Thể thơ nào dễ phổ nhất? Thì tùy người phổ thôi. Thông thường những bài thơ có vần điệu dễ phổ hơn thơ tự do.

19. Khi một người ca sĩ trình bày ca khúc của chú, những điều gì chú mong mỏi ở ca sĩ đó? Có những ca khúc được hát qua nhiều giọng ca khác nhau, qua nhiều thời đại khác nhau. Mỗi cái khác nhau đó là một diễn đạt khác (kỹ thuật cũng như cảm xúc) Đối với một nhạc sĩ như chú, chú có thể chia sẻ một nhạc phẩm nào đó mà khi nghe qua nhiều cách trình bày, đã tạo cho chú sự thích thú, khám phá khác cho chính tác phẩm của mình, hoặc một cảm xúc mới?

Dĩ nhiên mong người ca sĩ đó có thể diễn tả được lời ca ý nhạc, chuyên chở được nhưng tình cảm tâm tư mà mình muốn gửi đến người nghe… Điều này không phải là dễ! Lý tưởng nhất là có điều kiện tập cho ca sĩ như khi tôi thực hiện cuốn băng tình ca NTM đầu tiên tại Sàigòn năm 1974.
Một ca khúc muốn được tồn tại với thời gian thì phải được trình bầy bởi những giọng ca của nhiều thế hệ khác nhau, qua nhiều thời đại khác nhau. Trong 4 thập niên vừa qua tôi đã được nghe Áo Lụa Hà Đông qua rất nhiều tiếng hát như Duy Trác, Sĩ Phú, Tuấn Ngọc, Vũ Khanh, Hoàng Nam… Mỗi giọng hát đều có một lối diễn tả khác, một kỹ thuật trình bầy riêng, từ mượt mà, sâu lắng, đến ngọt ngào, trầm ấm, từ tiếng hát trẻ trung, mới mẻ, cho đến nồng nàn, sống động của các ca sĩ, đã cho tôi nhiều nỗi xúc động khi nghe một sáng tác của mình được trình bầy bởi nhiều tiếng hát, mà tiếng hát nào cũng để lại trong tôi một nỗi thích thú, một nỗi sung sướng nhẹ nhàng,dù không bao giờ có thể tìm lại được cái cảm giác hôm nào khi nghe anh Duy Trác hát bài này lần đầu tiên.

20. Nếu có thể điều khiển (thay đổi) được thời gian và không gian, chú sẽ làm gì?

À, nếu có thể thay đổi được thời gian, thì tôi muốn trở lại cái thưở tuổi trẻ, mộng mơ ngày nào, để sẽ viết nhiều hơn, và yêu nhiều hơn nữa. Dĩ nhiên muốn là mình sẽ được ở mãi trên đất nước thân yêu, và sẽ dành thật nhiều thì giờ để đi thăm khắp nẻo đường quê hương.

21. Giai đọan sáng tác (hay cũng là cuộc đời) nào tạo cho chú nhiều gắn bó nhất?

Trước 75, là vì giai đoạn này là quãng thời gian đẹp nhất trong cuộc đời tôi. Vẫn là một thanh niên trẻ tuổi, sống giữa lòng quê hương với đầy nhiệt tình,hy vọng, và lạc quan trước tương lai, nhưng không còn quá trẻ để ngu ngơ trước cuộc đời, cũng như chưa già hẳn để học được, để nhìn thấy những lọc lừa, những xấu xa, hiện thực đầy chua xót của đời sống. Và đó cũng chính là giai đoạn sáng tác gắn bó nhất trong đời tôi.

22. Chú có theo dõi các sáng tác của các nhạc sĩ trẻ tại hải ngọai và tại Việt nam không? Nếu có, xin chú cho vài nhận xét về giòng nhạc trẻ tại hải ngọai cũng như tại Việt nam.

Trong những năm tháng vừa qua, tại hải ngoại, cũng như trong nước đều có những tác giả trẻ với những tác phẩm có giá trị. Nhưng chủ yếu các tác phẩm được giới thiệu và phổ biến rộng rãi vẫn chỉ là những ca khúc. Chúng ta không thể phủ nhận sự đóng góp quan trọng của ca khúc phổ thông vào vườn hoa âm nhạc Việt Nam, nhưng tôi vẫn kỳ vọng nhiều hơn nơi các nhạc sĩ trẻ bây giờ, vì tôi nghĩ rằng họ đã có một cơ hội thật đầy đủ, thật tốt đẹp để nghiên cứu, trau dồi, cũng như học hỏi những giòng nhạc mới lạ trên khắp thế giới qua những phương tiện như CDs, Internet, concerts, books… mà những người viết nhạc chúng tôi 30, 40 năm trước không thể có. Họ là những người có thể làm mới lạ hơn cho âm nhạc Việt của chúng ta với những kiến thức tổng hợp của cả 2 nền âm nhạc Đông Tây. Dĩ nhiên khi viết những tác phẩm này, họ cần phải có một cơ hội để phổ biến. Tôi hy vọng các trung tâm video sẽ dành ít nhất một tiết mục trong chương trình để giới thiệu, cũng như đưa giới thưởng ngoạn đến một cuộc hành trình mới vào âm nhạc Việt Nam của chúng ta ở thể kỷ thứ 21 này.

23. Chú nhận thấy ra sao về ngôn ngữ trong âm nhạc Việt nam hiện nay? Có nhiều ý kiến cho rằng đã không còn sự đậm đà, sâu sắc, giàu hình ảnh tượng hình như xưa mà hầu hết là đơn giản, không trau chuốt. Theo chú thì điều này đúng không và sự quan trọng (cần thiết) của ngôn ngữ trong âm nhạc như thế nào?

Hiện nay chúng ta đang ở một thời kỳ mà nền âm nhạc Việt Nam đang cố gắng tìm cho mình một vị trí, tìm cho mình một lối đi riêng để thoát khỏi những ảnh hưởng của các luồng nhạc thổi đến từ các nước bạn. Cho đến khi chúng ta có được một định nghĩa chính đáng của nhạc Việt bây giờ, thì khó có thể tránh được ảnh hưởng từ những điệu nhạc vay mượn, ảnh hưởng từ những phương cách trang phục, và lối trình diễn của nước ngoài! cũng như ca từ của chúng ta sẽ không thể sâu sắc, giầu tượng hình như trước kia được nữa! Nhưng điều đó có quan trọng không khi hiện nay người ta đi xem nhạc nhiều hơn là nghe nhạc, khi ca sĩ không chỉ còn là người hát, mà còn phải là người trình diễn nữa?
Những ca khúc Việt Nam tồn tại đến ngày hôm nay là nhờ một phần rất lớn vào ca từ. Nhạc hay, cấu trúc đẹp, thì rất khó bàn, nhưng khi hát lên một câu, thì chỉ vài lời ca đơn giản thôi cũng đã có thể đem lại sự xúc động tột cùng cho người nghe, cũng có thể gợi nhớ lại cả một cuộc hành trình trong đời người. Ca từ trong nhạc Việt Nam quan trọng là như thế đó.

24. Cũng có nhiều bạn trẻ cho rằng họ không được sự lưu ý đúng mức của thế hệ đi trước. Không có sự dìu dắt, nâng đỡ hoặc tận tình chỉ bảo, san sẻ kinh nghiệm. Đặc biệt là trong âm nhạc. Những nhạc sĩ sáng tác trẻ hầu như bị bế tắt trong vấn đề phổ biến sáng tác. Chú nghĩ sao về điều này? Chú có những điều gì san sẻ cho những nhạc sĩ trẻ không?

Thực sự tôi không nghĩ là những bạn trẻ bây giờ cần có sự dìu dắt, nâng đỡ, hay tận tình chỉ bảo của những người đi trước. Họ có đầy đủ khả năng, điều kiện để viết những tác phẩm có giá trị. Cái mà họ cần là được giúp đỡ phổ biến những sáng tác mới của họ, và đây đúng như VK đã nói là một vấn đề bế tắc từ căn bản. Trong nước thì tôi không rõ lắm về những phương tiện truyền thông, điều kiện phổ biến, cũng như phát hành sáng tác của những người viết mới? Ở hải ngoại, chúng ta chỉ có 2, 3 trung tâm video đang hoạt động mạnh, các trung tâm băng nhạc nhỏ thì cũng có khá nhiều, nhưng hoạt động rời rạc, hạn hẹp! Như vậy thì lấy đâu ra chỗ cho các người viết mới chen chân vào thị trường âm nhạc? Chưa kể đất nước người quá rộng lớn, vấn đề phát hành cũng là một trở ngại không nhỏ. Hiện nay trên mạng lưới Internet đã có khá nhiều diễn đàn văn học, nghệ thuật. Ở đây các bạn có thể gặp gỡ trao đổi kinh nghiệm, học hỏi cùng nhau để có thể tiến bộ hơn trong lãnh vực sáng tác. Nhưng dù sao tất cả vẫn còn trong một hoàn cảnh, một môi trường hạn hẹp.
Nếu có lời gì muốn nói với những bạn trẻ muốn lập sự nghiệp âm nhạc? một điều rất quan trọng, đó là cho dù gặp bao nhiêu khó khăn trước mặt thì các bạn đừng nản lòng, phải tiếp tục sáng tác, tiếp tục cố gắng học hỏi trau dồi để những sáng tác của mình mỗi ngày một đặc sắc hơn. Có những chuyện các bạn có thể làm thử: Trước hết gửi một vài bài mà bạn vừa ý nhất đến một vài trung tâm. Nếu họ không trả lời! thì bạn phải tự thực hiện CD với những tiếng hát và hòa âm thích hợp với giòng nhạc của mình, rồi gửi đến các trung tâm video, băng nhạc, nhờ họ phổ biến hay phát hành dùm. Nếu các trung tâm không thể giúp đỡ, thì phải tìm cách giới thiệu trên internet, và nhờ đến bạn bè, anh em, để tổ chức những đêm hát, những chương trình ra mắt những sáng tác mới của mình… Nhiều khi phải hy sinh, và chấp nhận nhiều thiệt thòi, mới có cơ hội tạo dựng tên tuổi.

25. Có nhiều nhạc sĩ vẫn chạy theo thị hiếu hoặc danh vọng mà có những sáng tác “vay mượn” từ người khác. Xưa nay, chữ đức vẫn luôn quan trọng trong mọi ngành nghề nói chung và nghệ sĩ nói riêng. Thưa chú, xin chú nói vài lời (quan điểm) về “đức” của người nghệ sĩ được không?

Từ trước tới nay tôi vẫn nghĩ người nghệ sĩ phải thẳng với mình, và thật với người. Một lần nào đó tôi đã có nói “Là một người viết nhạc, có 2 điều mà tôi không thích là giả dối và vay mượn”. Người nghệ sĩ nói chung, người nhạc sĩ nói riêng cần phải có một tấm lòng độ lượng, chân thành yêu đời, một trái tim chan chứa, nồng nàn yêu người, và nên tìm cho mình một hướng đi riêng, một con đường mới để phục vụ nhân sinh.

26. Đối với chú, trong sáng tác âm nhạc, kỹ thuật và nội dung điều nào quan trọng hơn? Có những tác giả chú trọng khai thác kỹ thuật viết nhưng lại thiếu cân bằng trong ngôn ngữ hay nội dung bài nhạc.

Mặc dù trong việc sáng tác ca khúc, cả 2 phương diện kỹ thuật, và nội dung đều rất quan trọng, nhưng căn bản của ca khúc là những bài hát ngắn gọn, dễ nghe, dễ hát, và bản chất của người Việt chúng ta hiền hòa, giản dị, thích nghe những điệu nhạc êm tai, những câu hát dễ nhớ. Do đó nếu quá chú ý đến kỹ thuật thì bản nhạc sẽ trở nên cầu kỳ, khô khan khó hát. Vì vậy nói tới ca khúc (tấu khúc là một đề tài khác) nội dung, ngôn ngữ trở thành quan trọng hơn.

27. Thông thường, tính đa cảm, lãng mạn, giàu mơ mộng là những yếu tố chính đối với một nghệ sĩ. Nhưng ngòai đời, họ có thể lại là một con người khác. Vậy, Thưa chú, giữa một Ngô Thụy Miên trong âm nhạc và một Ngô Thụy Miên ngoài đời có điều gì khác nhau không?

Khi còn trẻ, còn độc thân thì chẳng khác gì đâu. Bây giờ đã có gia đình, thì ở ngoài đời tôi xử sự cân nhắc hơn với trái tim đầy tình cảm, cũng như tính lãng mạn, mơ mộng của mình. Sống trong đời, mình có nhiều trách nhiệm với những người xung quanh, cần phải làm sao dung hòa được cả 2 phần, trái tim và lý trí.

28. Âm nhạc là một bộ môn nghệ thuật như một phương tiện để nói về cuộc sống và con người, cũng như về chân thiện mỹ. Chú là một nhạc sĩ có tài, xin chú cho biết quan niệm của chú về thế nào là “chân thiện mỹ”?

Là một người viết nhạc, thì đối với tôi, âm nhạc là một phương tiện biểu hiện được tất cả những tình cảm giao hòa giữa con người và con người, giữa con người và cuộc sống, giữa con người và thiên nhiên. Nghe nhạc, hòa mình trong nhạc vẫn là nỗi sung sướng, niềm hạnh phúc nhất sau tình yêu. Như vậy có thể nói âm nhạc chính là tình yêu vậy.

29. Đối với chú thế nào là một sáng tác thành công? Được số đông khán thính giả yêu thích? Đạt được kỹ thuật viết nhạc cao? Hay chuyển đạt, bộc bạch được những điều mà mình muốn gởi gắm (cho dù có thể không cần kỹ thuật hoặc số đông người yêu mộ)?

Tất cả những gì VK đề cập tới đều có thể coi như là những câu trả lời đúng. Tuy nhiên giản dị mà nói, với tôi thì sự thành công của một ca khúc chính là sự tồn tại của ca khúc đó sau những tháng năm, những thử thách của thời gian và không gian.  Hiện nay những tác phẩm của 2 thập niên 40, 50, và vẫn đang còn được trình bầy, được yêu thích bởi mọi từng lớp khán thính giả là những tác phẩm được coi là thực sự thành công.

30. Trải qua một thời gian dài miệt mài với âm nhạc và có nhiều đóng góp giá trị cho nền âm nhạc Việt nam, nếu chính chú là người nhìn lại tất cả những sáng tác của mình, chú có suy nghĩ gì hay nhận xét gì về chính các tác phẩm của chú?

Cám ơn VK. Tôi đóng góp không được bao nhiêu, nhưng rất hãnh diện về những gì mình đã viết, những gì mình đã chia sẻ được với người, với đời. Đôi khi tôi nghĩ là mình viết đã đủ rồi; đời đã nghe, người đã hiểu, nhưng khi ý nhạc tới thì lại ngồi xuống phím đàn, để mong tiếp tục gửi tới khách tri âm những tình ca của một đời nhạc NTM.

[footer]

Mùa Thu Đông Kinh (Hoàng Thi Thơ)

Mùa thu là niềm cảm hứng bất tận trong âm nhạc. Trong một chuyến lưu diễn ở xứ Phù Tang vào thập niên 1960, nhạc sỹ Hoàng Thi Thơ đã cho ra đời một nhạc phẩm có giai điệu và lời ca đậm chất Nhật Bản nhưng vẫn mang bản sắc ngũ cung của nhạc Việt. Tiếp nối dòng nhạc về mùa thu, [dongnhacxua.com] trân trọng giới thiệu bản “Mùa thu Đông Kinh” của nhạc sỹ Hoàng Thi Thơ.

Mùa thu Đông Kinh (Hoàng Thi Thơ). Ảnh: AmNhacMienNam.blogspot.com
Mùa thu Đông Kinh (Hoàng Thi Thơ). Ảnh: AmNhacMienNam.blogspot.com

mua-thu-dong-kinh--1--hoang-thi-tho--amnhacmiennam.blogspot.com--dongnhacxua.com mua-thu-dong-kinh--2--hoang-thi-tho--amnhacmiennam.blogspot.com--dongnhacxua.com

MÙA THU ĐÔNG KINH 
(Nguồn: trích trong tập truyện “Michiko” của Trương Duy Cường)

kimono

1-

Mùa thu vừa trở lại thành phố Đông Kinh. Buổi sáng sương mù phủ kín mọi nơi. Ngọn núi “Fuji-san” (Phú-sĩ-sơn) cao 776 m (12,390 ft) là một núi lửa đã tắt từ năm 1707 và đến năm 1807, một trăm năm sau vùng đất thiêng này mới bắt đầu đón những bước chân dọ dẫm của những tu sĩ cùng những nam du khách hành hương.

Mãi đến năm 1872, phái nữ mới được phép trèo lên nơi này.

Ngọn núi cao nhất vùng mọi ngày rất dễ nhìn từ xa, hôm nay cũng chưa ló dạng.

Mặt trời từ hướng đông đang cố gắng đưa sức nóng làm tan sương mù để chào cư dân trong vùng một ngày mới vui tươi hạnh phúc ” Ohayo!”.

Michiko và Nguyễn đang dạo chơi trong “cung đình hoa viên Hama”, tọa lạc về hướng nam của vùng trung tâm Đông Kinh gần con sông Sumida và vịnh Tokyo.

Hai người bạn trẻ tay trong tay đi dạo trong những con đường hẹp trải sỏi dưới những hàng cây phong lá vàng lá đỏ chen nhau rất thơ mộng. Chân giẫm lên những đống lá vàng khô nghe tiếng lá phát ra một âm thanh nát vụn dưới chân người. Rồi một trận gió thu mang chút hơi lạnh thổi qua làm những chiếc lá phong vàng rơi lả tả trên vai người, trên lối đi.

Nguyễn chợt nghĩ đến những câu thơ của thi sĩ Lưu Trọng Lư ” Con nai vàng ngơ ngác đạp trên lá vàng khô” trong khi Michiko cũng nhớ lại một đoạn Haiku (hài cú) cổ của một thi sĩ nổi tiếng Nhật Bản Matsuo Basho.

Đây là một trong những hoa viên đẹp và nổi tiếng của Đông Kinh và cũng của cả xứ Phù Tang. Nổi tiếng vì tại hoa viên này rộng hai mươi lăm hec-ta (62 – acre) thành lập từ năm 1654 là một khu vườn đặc biệt mang tên “cung đình hoa viên” (Palace Garden) làm nơi hưu trí của gia đình một vị lãnh chúa dùng nơi săn bắn vịt trời trong những khu hồ nước rộng có những hàng liễu rủ xuống bờ đá ven hồ có nhiều đàn vịt trời lội, đẻ trứng và sinh sống.

Nơi đây trong chuyến thăm viếng ngoại giao của Tổng Thống Hoa Kỳ Ulysses S. Grant năm 1879 đã ở trong dinh thự tọa lạc tại khu cung đình hoa viên này và thưởng thức trà xanh với Nhật Hoàng Minh Trị nơi Trà thất Nakajima.

Trong thời chiến tranh thế giới lần thứ hai, phi cơ đồng minh đã bỏ bom ngày 29 tháng 11 năm 1944 thiêu rụi Trà thất Nakajima và những cảnh vật chung quanh. Trà thất đươc gia đình vị lãnh chúa xây cất lại đẹp hơn, nới rộng vườn hoa, trồng những cây trà xanh, những cây ăn quả và tu bổ ao hồ thiên nhiên trước kia để vịt trời tiếp tục đến sinh sống.

Michiko hỏi Nguyễn:

“Lần đầu tiên anh đến Tokyo vào mùa thu, anh thấy như thế nào?”

Nguyễn trả lời vị hôn thê không bằng cảm tưởng của chính chàng mà chàng rào đón:

” Ngày xưa khi còn sống bên Việt Nam, anh rất thích bài hát “Mùa Thu Đông Kinh” của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ, bài hát này không những nói lên được cảm nghĩ của một người Việt mà điệu nhạc tấu lên những âm hưởng Nhật bản cổ truyền thật tuyệt diệu. Nếu một thính giả ngoại quốc, không phải người Nhật, khi nghe dàn nhạc hòa tấu nhạc khúc này thì ngỡ là tác phẩm của một người Nhật chính hiệu, không ai có thể ngờ nhạc khúc của một nhạc sĩ Việt Nam có nhiều dịp đến biểu diễn nghệ thuật tại Tokyo mà viết hay như vậy”

“Bài hát như thế nào, anh có thể dịch sang tiếng Pháp để em thưởng thức được không?” Michiko thích thú đề nghị với người yêu.”

“Được lắm chứ, Michiko! Bài hát này sẽ thay anh bày tỏ cảm tưởng… chân thật và tuyệt vời…với Đông Kinh và với Em:

” Michiko, chérie! Cette chanson racontait …( Này Michiko thân yêu, ca khúc này thỏ thẻ…}

 “Lạc trong Đông Kinh.
Vừa khi mùa Thu gieo thương nhớ.
Làm tôi ngẩn ngơ nhìn qua hồn thơ.
Chiếc áo buồn kimono .
Đôi thiên nga trong hồ.
Cô Geisha trên bờ.
Thiết tha trong mong chờ.

Chờ ai xa xăm
Từ muôn nẻo đêm mà chẳng thấy.
Người đâu với cung đàn đang dở dang.
Nhớ thương hoài theo thời gian.
Tiếng cô đơn khơi buồn.
Samisen não nề.
Khi gió thu về.

Mùa Thu Đông Kinh
Buồn như tình em trong cơn gió.
Đìu hiu liễu bên đàng ru lòng ai.
Lá thu vàng trên bờ vai.
Như bao nhiêu thu tình.
Mang theo bao nỗi lòng.
Tiếng gió thu lạnh lùng.

Mùa Thu Đông Kinh.
Gọi đôi hình bóng trong giây phút.
Chờ trông bước đi tìm tâm tình nhau.
Bước đi tìm duyên ngày sau.
Trong tiếng hát mơ màn,
trong ánh nắng ngỡ ngàng.
Xao xuyến lá thu vàng.”

“Merci beaucoup! ( cám ơn Anh rất nhiều!) Nghe tuyệt quá, anh ạ! Em là người Nhật mà cảm nhận càng thấm thía hơn giống như thưởng thức những câu thơ cổ Haiku của thi sĩ Nhật Bản viết với 17 vần (5-7- 5). của thế kỷ XVII.”

Michiko thổ lộ với người yêu.

Nguyễn nói:

“Michiko, em chỉ mới nghe lời ca không thôi, mà đã cảm nghĩ như thế, anh sẽ gửi cho em dĩa nhạc hòa tấu để em có dịp thưởng thức những âm thanh tuyệt vời của nhà viết nhạc họ Hoàng, em sẽ cảm nhận tâm tình của một nhạc sĩ tài hoa người Việt Nam.”

2-

Đứng trên bờ sông, Michiko trỏ vào chiếc du thuyền nhỏ hai tầng sơn mầu vàng nhạt đang bỏ neo tại bến tàu, nàng nói với Nguyễn:

“Mình sẽ đáp chuyến tàu này?”

“Vâng. Cưng cẩn thận khi bước ra cầu tàu và lên tàu.”

Hành khách xếp hàng rất dài chờ lên tàu theo lời hướng dẫn tour “Sumida River Trip” của cô gái Nhật bằng hai ngôn ngữ Anh ngữ và Nhật bản ngữ.

Tokyo là thành phố nằm hai bên bờ một con sông lớn Sumida và những nhánh kênh đào đẹp trước khi ra vịnh Đông Kinh.

Nguyễn rất thích những thành phố được thiên nhiên ưu đãi như vậy.

Khi còn ở quê nhà chàng đã nhìn thấy những thành phố lớn nhỏ nằm bên bờ sông như Huế thơ mộng bên dòng Hương Giang lững lờ trôi, Đà nẵng rộn rịp bên bến cảng Hàn Giang, Hội An cổ kính tựa mình soi nước Sài Giang, Sài Gòn tấp nập tàu bè trên cảng sông Sài gòn, Cần Thơ thơ mộng ngắm bến Ninh Kiều tựa vào Hậu Giang…

Thời gian vừa qua Nguyễn cùng người yêu Michiko khi du lịch bên châu Âu nhìn dòng sông Seine soi bóng nhà thờ Notre Dame tại Paris, du lịch Thái Lan thấy sông Chao Phraya lượn quanh thành phố Bangkok, sông Ping ôm ấp thành phố Chiang Mai.

*

Lần lượt đến Michiko và Nguyễn bước lên tàu. Michiko rủ Nguyễn lên tầng cao nhất không có mái che để nhìn rõ quang cảnh hai bên bờ sông Sumida.

Những khu phố Đông Kinh với những buildings cao ngất , tháp hình vuông, tháp hình tròn chen nhau như muốn phô diễn vẻ đẹp và kiến trúc tân kỳ hiện đại của mình.

Khởi hành từ Odaiba, tàu quành lên hướng bắc của thành phố Tokyo đi đến Akakusa .

Tàu rúc qua hơn 12 cây cầu xây mỹ thuật và đa dạng sơn những màu sắc khác nhau như Azuma, Komagata, Umaya, Kuramae, Ryogoku, Shinohashi, Kiyoshu, Sumidagawa-ohashi, Eitai, Chuo-ohashi, Tsukuda-ohashi, Kachdoki, Azuma, Kiyoshu, Kachdoki…

Michiko thích chụp ảnh phong cảnh, nên nàng đã chụp những cây cầu này, như nàng nhận xét không thấy hai cây cầu giống nhau. Mỗi cầu mỗi kiểu kiến trúc riêng biệt.

Về ban đêm những cây cầu Azuma, EItai, Kiyos và Kachidoki sáng rực ánh đèn điện trộng rất ngoạn mục trên cầu cũng như phần phản chiếu trên mặt nước sông. Phong cảnh nên thơ và lãng mạn. Du khách có thể nhìn thấy dãy cao ốc của khu xưởng máy chế tạo rượu bia của công ty sản xuất rượu bia nổi tiếng của Nhật Asahi.

Tàu chạy qua hải cảng Đông Kinh nhộn nhịp tàu bè ra vào, đi lại. Những thương thuyền khổng lồ hiện đại rúc lên những hồi còi nghe như tiếng kèn trầm bổng trong một dàn quân nhạc đang trình tấu. Đẹp nhất là khúc tàu từ từ lách vào vùng giữa nơi nước sông Sumida gặp nước mặn của vịnh Đông Kinh.

Muốn đi xem nhiều nơi khác du khách phải đáp những chuyến du thuyền lớn của “Sumida River Cruise Day Tour” ăn uống trên tàu và ngồi xem phong cảnh vịnh Tokyo hơn tám tiếng rưỡi đồng hồ. Nhưng nếu muốn đi xem ít giờ hơn, du khách cũng có thể đi bằng “suijo-bus” do các công ty du lịch bằng tàu trên sông Sumida cho thuê theo sự thương lượng và thỏa thuận riêng. Tàu sẽ đi theo nơi mình thích xem trên sông Sumida và vịnh Tokyo. Tại địa điểm cầu tàu Hinode Pier cũng bán vé cho nhiều chuyến tàu đi xem nhiều lộ trình khác nữa. Dịch vụ khai thác và phục vụ du lịch trên sông Sumida rất chuyên nghiệp, sáng kiến, đa dạng… nhờ vậy có thể thu nhiều ngân khoản mà du khách đem lại hàng năm.

Một trong những cách làm hấp dẫn hàng trăm ngàn đến một triệu du khách trong mùa hè là đốt pháo bông về ban đêm trên sông Sumida tổ chức mỗi năm vào tháng 8 dương lịch.

3-

Chỉ còn hai ngày nữa Nguyễn trở về lại Hoa Kỳ sau những ngày đi rong chơi Thái Lan và Nhật Bản với vị hôn thê.

Sáng nay, hai người bạn trẻ tay trong tay dạo chơi Tokyo ngày chót. Đi ngang qua khu các tiệm kim hoàn, Nguyễn rủ Michiko vào xem.

Nguyễn biết trong các tiệm kim hoàn tại đây, tất cả kim cương, đá quý đều phải nhập cảng. Trừ một mặt hàng là Ngọc Trai nổi tiếng là do Nhật bản nuôi cấy và sản xuất tại địa phương.

Ngọc Trai của Nhật Bản là một trong những mặt hàng trang sức nổi tiếng trên thế giới.

Nên Nguyễn nghĩ trong đầu ” đến Nhật mà mua tặng cho người yêu một món trang sức bằng Ngọc Trai để làm kỷ niệm thì còn gì bằng!”, chàng quay sang vị hôn thê và nói:

“Michiko, em hãy chọn hộ anh một bộ trang sức bằng Ngọc Trai gồm một đôi hoa tai ngọc trai, một chuỗi ngọc trai đeo cổ, một dây đeo tay kết bằng ba chuỗi ngọc trai ngắn và một nhẫn ngọc trai mà anh sẽ tặng em làm quà lưu niệm chuyến chúng mình đi du lịch này.”

4-

Những học sinh , sinh viên, người trẻ tuổi và trung niên sống tại Nhật bản rất thích các quán Karaoke.

Theo Nhật Bản Ngữ Karaoke có nghĩa “không có dàn nhạc”.

Dân địa phương đến hát karaoke rất hãnh diện về phát minh này của các kỹ sư Nhật vào thập niên 1960. Ngày nay, không những chỉ dân Nhật đủ mọi lứa tuổi chọn là môn giải trí mà là một hiện tượng lan tràn khắp mọi nơi trên địa cầu.

Michiko rủ Nguyễn tham dự môn giải trí phổ thông và hấp dẩn này để biết một sinh hoạt văn hóa của Tokyo.

Michiko đưa Nguyên đến “Big Echo Karaoke”. Đây là một trong những thương hiệu của nhiều cửa hàng tổ chức Karaoke có chỗ cho khách ngồi ăn uống để vui chơi.

Các nhà kinh doanh Karaoke, luôn luôn đáp ứng được thị hiếu của khách hàng nên đầy đủ bài bản , nhạc classics, jazz, pop tây phương, những enka tiếng Nhật, những chansons tiếng Pháp , pop songs tiếng Mỹ… trong những phòng trang bị dàn âm thanh tuyệt vời.

Những phòng ăn rộng có thể tổ chức tiệc tùng, mừng sinh nhật vừa ăn uống vừa hát tặng nhau, hát giúp vui, hát thi đua…đủ kiểu.

Michiko ghi tên hát một chanson tiếng Pháp “Tous les garcons et les filles de mon âge..” để tặng Nguyễn.

Từ ngày quen nhau, chưa bao giờ Nguyễn nghe giọng hát của vị hôn thê của chàng mà Nguyễn chỉ độc tấu dương cầm theo lời yêu cầu của Michiko để nàng thưởng thức.

Hôm nay nghe giọng Michiko ca một ca khúc Pháp, chàng rất ngạc nhiên và thích thú. Đến khi giọng ca của Michiko chấm dứt , các khách thưởng thức đều đứng lên vỗ tay nồng nhiệt tán thưởng.

“Giọng nàng hát hay, phát âm rất chuẩn, diễn tả tươi vui… như một ca sĩ chính hiệu.”

một vị khách trung niên ngồi bàn bên cạnh nói với bạn bè.

Michiko về lại chỗ ngồi bên Nguyễn. Nguyễn cầm tay nàng và đặt một nụ hôn vào đấy, chàng nói nhỏ vào tai nàng:

“Em có giọng hát tuyệt vời như vậy mà từ lâu em dấu kín. Lúc nghe em hát, anh cảm động lắm. Sau này, em học xong về lại Mỹ anh sẽ đệm nhạc cho em luyện giọng “ca vàng này ” hàng ngày, để hát trong ngày lễ thành hôn của chúng ta, em đừng từ chối nhé.”

5-

Hôm nay trời Đông Kinh bỗng trở lạnh vì những cơn gió thổi từ phía bắc bên Tây Bá Lợi Á tràn xuống.

Michiko đưa Nguyễn ra phi trường Narita mà mọi du khách thường gọi Tokyo New International Airport trên chuyến free shuttle bus của hãng Japan Airlines JAL.để trở lại Hoa Kỳ.

Những ngày vui bên nhau đã trôi qua rất nhanh, bây giờ chỉ đọng lại những hoài niệm.

Michiko cảm thấy buồn buồn như mùa thu Đông Kinh đang bao quanh bên nàng.

Nguyễn dặn vị hôn thê cố gắng học hành để quên nhung nhớ và giữ gìn sức khỏe. Hẹn ngày vui trùng phùng tại San José…khi nàng tốt nghiệp và trở về với Nguyễn.

“Sayonara!”(Tạm biệt!)

“Yoi goryoko o!” (Chúc thượng lộ bình an!”

[footer]

Trưng Vương – Khung Cửa Mùa Thu

Từ rất lâu rồi, “Trưng Vương – Khung cửa mùa thu” với ca từ lãng mạn và giai điệu đẹp đã làm lay động nhiều con tim. Thế nhưng người yêu nhạc có khi chưa biết đó là một bản nhạc ngoại đã được nhạc sỹ Nam Lộc soạn lời Việt một cách tài tình. Nằm trong chủ đề mùa thu, xin trân trọng giới thiệu “Tell Laura I love her” và “Trưng Vương – Khung cửa mùa thu”.

Trưng Vương - Khung cửa mùa thu. Ảnh: HatHayKhongBangHayHat.org
Trưng Vương – Khung cửa mùa thu. Ảnh: HatHayKhongBangHayHat.org

‘TELL LAURA I LOVE HER’ & ‘TRƯNG VƯƠNG – KHUNG CỬA MÙA THU’ 
(Nguồn: bác sỹ Lê Trung Ngân)

Ngày nay, âm nhạc chiếm một phần quan trọng trong lĩnh vực giải trí. Nó không chỉ là 1 phương tiện giải trí, qua đó, con người có thể diễn đạt cảm xúc, tình cảm của mình, hay gửi gắm những suy nghĩ, những thông điệp cũng như kể lại những câu truyện thú vị, cảm động bắt gặp trong cuộc sống, hoặc những triết lý, những bài học đạo đức một cách uyển chuyển, không khô khan, cứng nhắc như sách giáo khoa. Xin giới thiệu một bài hát rất hay cả về ca từ, nội dung cũng như giai điệu.

đọc thêm

Áo lụa Hà Đông (Ngô Thụy Miên – Nguyên Sa)

Sài Gòn đúng là chỉ có hai mùa mưa – nắng. Thế nhưng với những tâm hồn lãng mạn, Sài Gòn vẫn có mùa thu, dù không có lá vàng rơi, không có những làn gió mát lạnh làm xao động mặt hồ. Thu Sài Gòn có thể chỉ là một cơn gió heo mây hay là một buổi sớm mai trời còn hơi sương và cũng có thể là một tà áo dài thướt tra trong một chiều lộng gió. Trong niềm cảm ấy, [dongnhacxua.com] xin giới thiệu bản “Áo lụa Hà Đông” của nhạc sỹ Ngô Thụy Miên, lấy ý thơ từ bài thơ của thi sỹ Nguyên Sa.

Áo lụa Hà Đông (Ngô Thụy Miên - Nguyên Sa). Ảnh: vietstamp.net
Áo lụa Hà Đông (Ngô Thụy Miên – Nguyên Sa). Ảnh: vietstamp.net

ao-lua-ha-dong--1--ngo-thuy-mien--nguyen-sa--vietstamp.net--dongnhacxua.com ao-lua-ha-dong--2--ngo-thuy-mien--nguyen-sa--vietstamp.net--dongnhacxua.com ao-lua-ha-dong--3--ngo-thuy-mien--nguyen-sa--vietstamp.net--dongnhacxua.com

SỰ TÍCH ‘ÁO LỤA HÀ ĐÔNG’  (Nguồn: bài viết đăng trên vtv.vn ngày 10.11.2013)

Những giai điệu trữ tình, mượt mà của ca khúc Áo lụa Hà Đông làm lay động tâm hồn của người yêu nhạc bao thập kỉ nay nhưng ít ai biết về hoàn cảnh ra đời khá độc đáo của nó.

Ảnh: vtv.vn
Ảnh: vtv.vn

Chuyện kể rằng, vào năm 1930, xứ Bắc kỳ tổ chức cuộc thi hoa hậu ở Hà Nội mà không giới hạn đối tượng tham dự, chỉ có duy nhất một điều kiện khi đi thi phải mặc áo lụa Hà Đông. Điều bất ngờ của cuộc thi, người đăng quang là Lý Lệ Hằng- một cô thôn nữ xuất thân từ một gia đình nông dân nghèo ở Thái Bình, vì mưu sinh phải trôi nổi lên Hà Nội kiếm sống và làm nghề hát cho các quán rượu. Sau khi đổi đời, cô trở nên nổi tiếng và là niềm ước mơ của bao chàng công tử nhà giàu. Tuy nhiên người đẹp chân lấm, tay bùn Lý Lệ Hằng đã nhanh chóng lọt vào mắt xanh của quốc vương Bảo Đại và trở thành người tình của ông. Vậy, câu chuyện này có liên quan gì đến ca khúc Áo lụa Hà Đông?

Ảnh: thethao60s.com
Ảnh: thethao60s.com

Như bao chàng trai si mê cái đẹp, dù đã hơn 20 năm sau khi Lý Lệ Hằng đoạt vương miện hoa hậu, nhà thơ Nguyên Sa vẫn mơ tưởng đến nụ cười, ánh mắt khuynh đảo của nàng. Ông đã viết bài thơ Áo lụa Hà Đông trong đó có bóng dáng yêu kiều của người đẹp mặc áo lụa. Đến năm 1969, câu chuyện về hoa hậu thuần nông phút chốc trở thành người yêu của ông vua cuối cùng Việt Nam, đã khiến Ngô Thụy Miên động lòng trắc ẩn viết nên ca khúc nổi tiếng Áo lụa Hà Đông khi mới 21 tuổi.

Trên thực tế, thi ca luôn được coi là mũi nhọn và mở đường cho những thử nghiệm nghệ thuật mới mẻ. Thi ca chính là điểm gặp gỡ, tạo thi hứng mạnh mẽ nhất cho âm nhạc phát khởi. Và từ những vần thơ tình nổi tiếng của cố thi sĩ Nguyên Sa, nhạc sỹ Ngô Thụy Miên đã biến nó trở thành những giai điệu tình ca bất hủ, sống mãi cùng năm tháng. Thơ và nhạc đã cùng hòa quyện, thăng hoa để làm đắm say bao thế hệ yêu nghệ thuật.

Nhạc sỹ Ngô Thụy Miên. Ảnh: vtv.vn
Nhạc sỹ Ngô Thụy Miên. Ảnh: vtv.vn

Nói về cái duyên của sự gặp gỡ này, Ngô Thụy Miên đã chia sẻ với báo chí là giữa ông và thi sĩ không có liên hệ gì ngoài sự cảm thông của hai con người cùng yêu nghệ thuật. Ông đến với thơ Nguyên Sa không từ một chọn lựa, mà vì ông đã nhìn thấy mình trong thơ Nguyên Sa, đã nghe những rung động thầm kín nhất của tuổi trẻ qua những lời thơ ngọt ngào, tình tứ, tươi mát.

Bởi thế, khi gieo nhạc bài thơ này, Ngô Thụy Miên đã biến nó trở thành một giai điệu bất hủ, sống mãi cùng thời gian: “Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng… … Anh vẫn nhớ em ngồi đây tóc ngắn Mà mùa Thu dài lắm ở chung quanh…”

Hình ảnh thiếu nữ mặc áo lụa Hà Đông quá ư dịu dàng, như đem đến cả một trời thu Hà Nội làm xua đi cái nắng của phương Nam. Người thiếu nữ ấy đã gieo một nỗi buồn da diết: “Em chợt đến, chợt đi anh vẫn biết Trời chợt mưa, chợt nắng chẳng vì đâu Nhưng sao đi mà không bảo gì nhau Để anh gọi, tiếng thơ buồn vọng lại…”

Áo lụa Hà Đông từng được sử dụng trong chương trình Duyên dáng Việt Nam. Bài hát cũng được nhiều ca sĩ nổi tiếng trình diễn thành công, nằm trong danh sách những bài hát được cho là thành công nhất của Thái Thanh, Tuấn Ngọc, Duy Trác… Cũng vì sức lan tỏa của ca khúc này mà ít ai không biết tới làng lụa Vạn Phúc- Hà Đông !

[footer]

Nhớ mùa thu Hà Nội (Trịnh Công Sơn)

Hà Nội vốn dĩ được ưu ái rất nhiều trong thi ca Việt Nam, mà đặc biệt là một Hà Nội khi vào thu. [dongnhacxua.com] xin tiếp tục dòng nhạc mùa thu với bản “Nhớ mùa thu Hà Nội” của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn.

nho-mua-thu-ha-noi--trinh-cong-son--trinh-cong-son.com--dongnhacxua.com
Nhớ mùa thu Hà Nội (Trịnh Công Sơn). Ảnh: trinh-cong-son.com

NỖI NHỚ MÙA THU HÀ NỘI CỦA NGƯỜI PHƯƠNG NAM
(Nguồn: bài viết của tác giả Hoài Hương đăng trên vov.vn)

Đối với một người phương Nam như tôi, mùa thu Hà Nội, mùa đẹp nhất trong năm, thơ mộng nhất trong năm, mùa phương Nam không bao giờ có được.

Trời xanh cao vời vợi màu hồ thủy, nắng như tơ, từng sợi một thả xuống óng ánh. Hà Nội dịu dàng, hồi hộp đón mùa cốm mới thơm mùi sữa lúa, hương sen thoang thoảng sót lại, những quả hồng đỏ mọng mời gọi như môi thiếu nữ, đây đó thấp thoáng bóng áo nâu quẩy đôi gánh chung chiêng, bên trong lấp ló những quả thị vàng mượt, những quả ổi chín hồng tỏa mùi thơm thôn dã, bình dị, xưa xưa cổ tích…Trên những hàng cây loáng thoáng vài chiếc lá vàng… Mùa thu Hà Nội rón rén, ngập ngừng, ngấp nghé đổi chỗ mùa hạ nồng nàn cháy bỏng.

Tôi ở phương Nam, một năm chỉ có hai mùa mưa nắng. Nắng đổ xuống như chảo lửa cứ hừng hực đốt cháy cả lòng người. Mưa thì như nghiêng trời lệch đất, nước cuồn cuộn trôi, trôi tuột mọi thứ, con người cũng muốn tan theo nước mà trôi đi. Người phương Nam như tôi đã được tặng một món quà tuyệt đẹp của phương Bắc, của Hà Nội, mà không phải lúc nào cũng có thể có. Vâng! Quà tặng – Mùa thu Hà Nội, mùa đẹp nhất trong năm, thơ mộng nhất trong năm, mùa phương Nam không bao giờ có được. Khẽ khàng, mỏng manh trong hơi sương sớm, se se trong cơn gió nhẹ đem hương mùa bãng lãng qua các con phố… Mùa thu Hà Nội như một thứ men ngọt ngào, nhấp từng giọt, từng giọt để say hồi nào không biết và cứ muốn say mãi.

Một sớm thu Hà Nội. Ảnh: Hà Thành
Một sớm thu Hà Nội. Ảnh: Hà Thành

Cốm Làng Vòng – hương vị thu Hà Nội, nét lạ đầy ấn tượng. Những hạt cốm xanh ngọc mang hương trời khí đất, cả hồn quê và huyền thoại làng, được bọc bằng chiếc lá sen phảng phất hương thơm thoát tục, bên ngoài buộc thêm một vài sợi rơm không quá chặt, không quá lỏng, như gói những nét tinh tế lên hàng nghệ thuật một món quà dân dã của người Tràng An- người Hà Nội.

Ngay cả đến cách ăn, cũng là một nghệ thuật thưởng thức ẩm thực tuyệt vời. Không phải xúc từng muỗng (thìa) lớn như ở phương Nam khi ăn cốm dẹp trộn dừa, cứ cho hết muổng này tới muổng khác, ào ào một lúc là hết. Cốm Vòng, đựng trong lá sen, chụm mấy ngón tay nhúm vài hạt cốm, bỏ vào miệng, nhẩn nha để vị cốm dẻo, ngọt, thơm tan ra từ đầu lưỡi thấm vào… cảm hết hương vị trời, đất, đồng quê, nắng gió trong hạt cốm.

Ở Hà Nội, hình như mùa thu mới là lúc trái quả phô diễn hết sắc vị được tích tụ, chắt lọc bằng nắng gió, tinh túy đất trời. Hồng đỏ mọng môi ngọt lịm, na xanh biếc mắt ngọt thanh tao, bưởi vàng mơ ngọt mát the the đầu lưỡi, nhãn nâu đất ngọt đậm đà…, đặc biệt một loại quả chỉ có ở Hà Nội – quả sấu, vàng ươm, chua ngọt, một loại quả không phải để bày biện cho đẹp cho sang, nhưng len lỏi khắp nơi… Từ nhà hàng đặc sản đến bữa cơm đạm bạc bình dân, từ quí cô, quí bà sang trọng đài các đến em bé bán báo dạo trên phố.

Những hàng sấu thẳng tắp trên phố phường Hà Nội. Ảnh: vov.vn
Những hàng sấu thẳng tắp trên phố phường Hà Nội. Ảnh: vov.vn

Những quả sấu chín vàng đựng đầy trong rổ hay chất một mẹt trên hè phố, ở góc chợ… nhìn ngồ ngộ, quê mùa, xấu xí, nhưng sao hấp dẫn đến kỳ lạ. Tôi đã đứng thật lâu quan sát, thấy thứ quả bình dị mà có sức mê hoặc đến hết thảy mọi người không phân biệt sang hèn. Thảo nào, mà trong văn trong thơ viết về Hà Nội, nhiều người nhắc đến quả sấu như một nỗi nhớ, một mối tình vấn vương, một kỷ niệm ấu thơ rất riêng của Hà Nội, không lẫn vào đâu được.

Một trưa nắng nhẹ, lang thang phố cổ vắng tiếng xe, trong bóng cây sẫm màu lốm đốm nắng, bóng dáng áo nâu, tóc bạc quẩy một gánh quả có mùi thơm là lạ, thong dong ngược lại, đi qua tôi, như bất chợt vấp phải một cái gì đó mơ hồ, tôi quay lại níu lấy bà… Ôi quả thị, quả thị của nàng Tấm trong cổ tích. Tròn đầy, xinh xắn, vàng mướt màu nắng, và mùi thơm là tổng hòa mùi lúa chín, mùi rơm mới, mùi bếp lửa, mùi làng quê…

Bà cười hiền hậu (không biết có phải là bà lão bán quán nước đã rước quả thị nàng Tấm về nhà trong cổ tích), tặng tôi một quả thị thật đẹp cùng câu chúc rất cổ tích: Cô sẽ gặp được người tri âm tri kỷ. Và đêm ấy, trong giấc mơ của tôi, bước ra từ quả thị là một chàng trai, như hoàng tử trong truyện thần thoại, đến với tôi… Tỉnh dậy, nhìn ra ngoài cửa sổ, sương lễnh loãng trong ánh trăng non mờ ảo và mùi thơm quả quả thị sực nức căn phòng…

Gánh hàng rong mang theo những "hương sắc" của mùa thu Hà Nội. Ảnh: vov.vn
Gánh hàng rong mang theo những “hương sắc” của mùa thu Hà Nội. Ảnh: vov.vn

Mùa thu Hà Nội, không chỉ là cái nắng vàng tơ mơn man, ấm áp, là bầu trời thăm thẳm trong vắt không gợn mây giữa trưa, là hương quả đầy mời gọi, mà còn là nét quyến rũ đến ngọt say người phương Nam từ những đêm trăng và hoa sữa. Đêm và hoa mùa thu Hà Nội đẹp lạ lắm. Đêm tĩnh lặng, nhẹ lâng lâng, trong veo. Những ồn ào, vất vả của ngày hình như ngủ theo mặt trời, chỉ nghe có tiếng ri rỉ của dế, tiếng sột soạt của chiếc lá rơi, xa xôi đâu đó tiếng cá quẫy nước giỡn trăng trong hồ… Ánh trăng gần rằm phủ xuống vầng sáng mát lạnh như ướp đá, bóng hàng cây hoa sữa sẫm màu, để nổi bật những chấm trắng lấm tấm của từng chùm hoa, như một vệt ngân hà lạc xuống. Đêm đẹp như mộng. Đêm sóng sánh, hoa sữa ngọt say tung thả mùi hương theo gió lan tỏa cả mặt hồ loáng ánh bạc của trăng.

Trăng, hoa lẫn vào sương giăng mỏng mờ, lãng đãng, chồng nhòe cảnh vật ẩn hiện, bí ẩn. Bầu trời lấp lánh các vì sao như bức tranh cẩn vụn kim cương của nghệ sĩ thần tiên dành riêng ban tặng cho những ai thức cùng đêm. Tôi đã đi như thế, cảm nhận vẻ đẹp liêu trai của đêm thu Hà Nội mãi đến khi sương tụ lại từng giọt đọng trên lá cỏ, như giọt nước mắt đêm, và xa xa dội lại nhịp thở của một ngày mới sắp bắt đầu.

Để trọn vẹn sắc thu Hà Nội, ôm trọn mùa thu Hà Nội làm quà cho các bạn ở phương Nam, tôi đã làm một cuộc thăm viếng những “địa chỉ đỏ” danh tiếng ở Hà Nội gắn liền với mùa thu: Bắc Bộ Phủ, Quảng trường Ba Đình, Nhà Viễn Đông Bác Cổ… Nhìn màu đỏ của sắc cờ, hoa những nơi này, nghe vang vọng lời ca oai hùng “Đoàn quân Việt Nam đi…”, như sống ngược thời gian một mùa thu xưa, âm vang lời Tuyên Ngôn Độc Lập khai sinh tên nước Việt Nam và một mùa thu của những đoàn quân” Trùng trùng say trong câu hát…” tiến về giải phóng Thủ Đô…

Ngày trở về phương Nam, tôi xao xuyến chia tay thu Hà Nội, quyến luyến như mối tình đầu. Mùa thu – món quà tặng của Hà Nội cho người phương Nam như tôi, giống vị ngon, vị ngọt, hương say của môi hôn tình đầu, để rồi nhớ… thầm hẹn./.

[footer]

Nha Trang, mùa thu lại về (Văn Ký)

[dongnhacxua.com] vừa có dịp về thăm lại quê hương Nha Trang và tham gia vài hoạt động âm nhạc cùng bạn bè thân hữu. Chúng tôi rất vui khi thấy Nha Trang ngày một đẹp hơn và văn minh hơn. Những ngày giữa cuối tháng 8 này, trời Nha Trang đã chớm bước vào mùa thu. Dạo bước trên đường Trần Phú lộng gió và mặn mòi vị biển hay rảo bước trên những con đường vắng ngập tràn hương hoa mang lại cho chúng tôi một cảm giác thật thú vị về một mùa thu Nha Trang. Trong niềm cảm xúc ấp, hôm nay [dongnhacxua.com] xin mời quý vị yêu nhạc nghe lại bản ‘Nha Trang, mùa thu lại về’ của nhạc sỹ Văn Ký.
Theo tư liệu chúng tôi có được thì nhạc sỹ Văn Ký lần đầu tiên ghé thăm thành phố biển Nha Trang vào tháng 08/1975, tức chỉ vài tháng sau khi tiếng súng không còn vang trên dải đất hình chữ S chúng ta. Nhưng phải đợi đến hai năm sau, 1977, thì bản nhạc này mới ra đời. Nhạc sỹ Văn Ký vốn trưởng thành trong nền nhạc miền Bắc và bài này ra đời vào thời điểm ngay sau chấm dứt chiến tranh nên tất nhiên là sáng tác của ông không tránh khỏi đôi chút ‘ý thức hệ’ ví dụ như ‘con đường cách mạng’, ‘đoàn quân chiến thắng’, … Tuy nhiên vượt lên trên hết, ‘Nha Trang, mùa thu lại về’ là một bản nhạc đẹp cả về lời ca lẫn giai điệu, thể hiện niềm vui, niềm tự hào về một trong những thành phố biển đẹp trên thế giới mang tên NHA TRANG.

nha-trang-mua-thu-lai-ve--2--van-ky--baicadicungnamthang.net--dongnhacxua.com
Nha Trang, mùa thu lại về (Văn Ký). Ảnh: BaiCaDiCungNamThang.net

[footer]

Mùa thu không trở lại (Phạm Trọng Cầu)

Trong dòng nhạc xưa, “Mùa thu không trở lại” của nhạc sỹ Phạm Trọng Cầu (1935-1998) chắc chắn sẽ được xưng tụng là một trong những bản nhạc hay nhất về mùa thu.  [dongnhacxua.com] xin giới thiệu đôi nét về tác giả và hoàn cảnh ra đời của nhạc phẩm này đến quý vị yêu nhạc.

Nhạc sỹ Phạm Trọng Cầu (1935 - 1998).
Nhạc sỹ Phạm Trọng Cầu (1935 – 1998).

TỪ ‘TRƯỜNG LÀNG TÔI’ ĐẾN ‘MÙA THU KHÔNG TRỞ LẠI’
(Nguồn: nhà báo Hà Đình Nguyên viết trên Thanh Niên ngày 01/07/2011)

Hẳn trong ký ức nhiều người vẫn còn nhớ nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu – “Quả chôm chôm biết hát” ngoại hình râu tóc lởm chởm của ông, và nhất là yêu thích những bài hát của ông: Trường làng tôi, Mùa thu không trở lại…

Từ Trường làng tôi…

Năm 1998, người viết được tháp tùng một đoàn gồm: các cô chú trong Ban Liên lạc cựu tù chính trị Côn Đảo, nhà thơ Kiên Giang, nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu, nhà văn Đoàn Thạch Biền, nhà thơ Nguyễn Bạch Dương, nghệ sĩ Ngô Đình Long… đi thăm gia đình nhà thơ Truy Phong (tác giả trường ca Một thế kỷ, mấy vần thơ) đang sống ở cù lao Quới Thiện (Vĩnh Long).

Từ TP.HCM đi xe về đến Bến đò Vũng Liêm rồi bỏ xe lại, xuống ghe bầu vượt sông Cổ Chiên vào cù lao. Lượt về, vừa bước chân lên bến đò, nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu đã kéo tay tôi và anh Đoàn Thạch Biền: “Đến coi chỗ này, chính là ngôi trường trong bài hát Trường làng tôi của tao!”. Đó là trường Tiểu học Vũng Liêm nằm cách bến đò khoảng trăm mét. Chỉ xa có chừng đó nhưng nhìn anh Phạm Trọng Cầu chống gậy đi khá khó khăn (anh có một chân giả), chúng tôi thật ái ngại… Đến cổng trường, anh đứng làm mẫu để chúng tôi chụp vài tấm hình. Ngôi trường trước mắt chúng tôi trông khang trang, bề thế chứ không như trong bài hát của anh Cầu, nhưng chúng tôi vẫn đồng thanh hát vang: “Trường làng tôi cây xanh lá vây quanh, muôn chim hót vang lên êm đềm. Trường làng tôi con đê bé xinh xinh, len qua đám cây xanh nhẹ lướt… Trường làng tôi hai gian lá đơn sơ, che trên miếng sân vuông mơ màng. Trường làng tôi không giây phút tôi quên nơi sống bao kỷ niệm ngày xanh…”.

Trong nhạc Việt, có khá nhiều bài ca nhắc đến ngôi trường cũ nhưng hầu như chỉ duy nhất bài hát này, nhạc sĩ đã dùng trọn tác phẩm để nói về ngôi trường thời thơ ấu của mình. Một bài hát tuyệt vời.

đến Mùa thu không trở lại

Dịp ấy, Phạm Trọng Cầu còn tiết lộ anh là tác giả ca khúc Mùa thu không trở lại. Tôi cãi, bởi vì trước năm 1975, tôi có tập nhạc 12 bài ca quen thuộc trên đất Pháp (trong đó có ca khúc Mùa thu không trở lại) của tác giả Phạm Trọng. Anh cười xác nhận, sau ngày giải phóng miền Nam, anh mới thêm vào chữ “Cầu” cho tên anh được đầy đủ như trong giấy khai sinh.

Ảnh bìa minh họa cho bản 'Mùa thu không trở lại'.
Ảnh bìa minh họa cho bản ‘Mùa thu không trở lại’.

Nhạc sĩ cho biết: anh sinh đúng vào ngày Noel (25.12.1935) tại Phnom Penh (Campuchia). Cha anh là trắc địa sư Phạm Văn Lạng, vốn gốc Hà Nội, nhưng đang làm việc tại đây (thời Pháp thuộc, những công chức có thể được điều chuyển khắp Đông Dương: Việt Nam, Campuchia, Lào) nên năm 1943, đã đưa gia đình về Sài Gòn và mẹ của anh (bà Đào Thị Ngọc Thư) mở một nhà hàng ca nhạc mang tên Aristo. Tại đây, Phạm Trọng Cầu được tiếp xúc với những ban nhạc Philippines và một số nhạc sĩ, ca sĩ nổi tiếng trong nước. Anh cũng bắt đầu học chơi đàn mandoline… Tuy nhiên, thời gian này khá ngắn ngủi – chưa tới 2 năm thì chiến cuộc lan tràn, gia đình anh phải tản cư lên Biên Hòa. Sau khi Nhật đầu hàng quân đồng minh, gia đình anh trở về Sài Gòn, rồi chuyển dần xuống miền Tây Nam Bộ.

Ở Vĩnh Long, anh theo học trường Tiểu học Vũng Liêm và tham gia vào Đội tuyên truyền xung phong huyện. Năm 1948, Phạm Trọng Cầu trở lại Sài Gòn, tham gia phong trào xuống đường đấu tranh của sinh viên, học sinh. Một thời gian sau, ông thoát ly và vào bộ đội Tiểu đoàn 308, rồi Trung đoàn Cửu Long. Sau đó, ông bị thương phải cưa chân, mẹ ông đã tìm cách đưa ông vào Sài Gòn cứu chữa. Năm 1953, Phạm Trọng Cầu thi vào trường Quốc gia âm nhạc và kịch nghệ Sài Gòn, và chàng trai 18 tuổi, nhớ về thời thơ ấu cắp sách đã sáng tác ca khúc Trường làng tôi… Tốt nghiệp xong, đến năm 1962 Phạm Trọng Cầu lại thi vào Nhạc viện Paris (Pháp).

Tại Paris, anh đã viết 12 bài ca quen thuộc trên đất Pháp, trong đó có Mùa thu không trở lại… Với ca khúc này, Phạm Trọng Cầu tâm sự: “Dạo ở Paris, mình gặp và yêu một cô gái Việt Nam có mái tóc đen dài, đôi mắt buồn vời vợi. Tình yêu đang độ trăng rằm thì nàng phải về nước và không bao giờ trở lại Paris nữa. Chúng tôi chia tay vào mùa thu – khung cảnh mùa thu ở châu u rất đẹp, nhưng nếu phải chia ly trong một cái nền như vậy thì nó lại trở nên thật tê tái:Em ra đi mùa thu, mùa thu không trở lại. Em ra đi mùa thu, sương mờ giăng âm u. Ngày em đi, nghe chơi vơi não nề. Qua vườn Luxembourg. Sương rơi che phố mờ, buồn này ai có mua? Từ chia ly, nghe rơi bao lá vàng, ngập dòng nước sông Seine. Mưa rơi trên phím đàn, chừng nào cho tôi quên?… Em ra đi mùa thu, mùa thu không còn nữa. Đếm lá úa mùa thu, đo sầu ngập tim tôi’ …”.

Tôi hỏi anh có phải cô ấy tên Thu không mà anh cứ lặp lại câu điệp khúc “Em ra đi mùa thu, mùa thu không trở lại”? Anh trầm ngâm: “Đối với tôi… là một mối tình xa xưa thời còn trai trẻ. Gặp nàng vào mùa xuân, mùa hạ tình nồng cháy và mùa thu nàng ra đi. Hôm tiễn nàng ra sân bay, tôi trở về nhà phải đi ngang qua khu vườn Luxembourg. Khu vườn đó, khi đi ngang, tôi chợt nhận ra mùa thu, vì chân mình đá rất nhiều lá vàng, trong tôi tự nhiên vang một giai điệu ‘Em ra đi mùa thu, mùa thu không trở lại…’ Dù là mùa thu ở Paris rất đẹp, nhưng mà từ mùa thu đó, với tôi, mùa thu không bao giờ trở lại nữa, chỉ có thế thôi”.

Sau chuyến đi cù lao Quới Thiện về được khoảng 2 tháng thì anh Phạm Trọng Cầu đột ngột qua đời… 

Hà Đình Nguyên

[footer]

‘Hà Nội niềm tin và hy vọng’ và câu chuyện Phan Nhân trước lễ cưới Triều Dâng

[dongnhacxua.com] xin mạn phép giới  thiệu một bài viết của nhà báo Nguyên Minh để người yêu nhạc xưa hiểu rõ thêm về nhạc sỹ Phan Nhân và “Hà Nội, niềm tin và hy vọng”

‘HÀ NỘI, NIỀM TIN VÀ HY VỌNG’ VÀ CÂU CHUYỆN PHAN NHÂN TRƯỚC LỄ CƯỚI TRIỀU DÂNG 
(Nguồn: nhà báo Nguyên Minh đăng trên TheThaoVanHoa.vn)

(Thethaovanhoa.vn) – Nhạc sĩ Phan Nhân đến với âm nhạc từ năm 19 tuổi với nhiều sáng tác về cách mạng nhưng phải đến năm 1967, khi 36 tuổi, như lời tự bạch, “mới được chính thức thừa nhận là một nhạc sĩ sáng tác chuyên nghiệp”, khi 2 tác phẩm của ông, Chú ếch con và Chú cừu Mộc Châu đoạt giải A cuộc thi sáng tác thiếu nhi trung ương. Và 5 năm sau, sự nghiệp của ông đã đạt mốc son chói lọi khi ca khúc Hà Nội niềm tin và hy vọng ra đời.

Đây là một trong những ca khúc hay nhất viết về Hà Nội và người sáng tác ra nó đã không sợ hãi, chấp nhận hy sinh để có thể tận mắt chứng kiến sự khốc liệt của chiến tranh.

Sáng đi hỏi vợ, tối rền tiếng bom

Còn đúng một tuần lễ nữa là đến Noel 1972, Giáng sinh thời chiến. Hà Nội rét ngọt và ngọt ngào hương hoa sữa. Hôm đó, ngày 18/12, nhạc sĩ Phan Nhân đi hỏi vợ. Lúc ấy ông đã 41 tuổi và ai trong cuộc cũng quá biết, ông đã cưới bà Phi Điểu từ năm 1957. Hóa ra không phải, sáng hôm ấy ông đi hỏi vợ cho ông bạn nhạc sĩ thương binh, Triều Dâng. Họ nhà trai ủy quyền và phía nhà gái vui vẻ chấp nhận, đám cưới được định sẽ diễn vào đầu năm sau.

Như mọi bữa, cơm chiều xong xuôi, thành phố cũng vừa lên đèn, nhạc sĩ Phan Nhân ung dung đạp xe 4 cây số từ nhà ở khu lao động Mai Hương, chợ Mơ lên chơi với anh bạn Triều Dâng cư ngụ ngay trong khuôn viên Đài Tiếng nói Việt Nam, 58 Quán Sứ. Một lát sau, thể nào nhạc sĩ Cao Việt Bách cũng sẽ từ tập thể Đại La, Bạch Mai lọc cọc đạp xe đến, như mọi khi.

Nhạc sỹ Phan Nhân thời trẻ. Ảnh: TheThaoVanHoa.vn
Nhạc sỹ Phan Nhân thời trẻ. Ảnh: TheThaoVanHoa.vn

Nơi ở của ông bạn Triều Dâng cũng có thể xem là một câu lạc bộ âm nhạc mini. Chỉ có mấy mét vuông được ngăn ra bằng phên tre liếp nứa từ căn phòng làm việc của Ban biên tập đài, vừa đủ chỗ cho một chiếc giường, một cái bàn và một cây đàn.

Nhạc sĩ Phan Nhân nhớ lại: “Ở đấy tha hồ mà đàn hát, chuyện trò, bàn luận về âm nhạc, cho nhau nghe tác phẩm mới sáng tác hoặc ý đồ về dàn dựng các tiết mục thu thanh đã lên chương trình. Ngoài ra có thể nghe được cả nhạc băng, đĩa cổ điển phương Tây, nhạc nhảy, nhạc nhẹ đủ các thứ trên đời… Chỉ bằng ấy thôi cũng đã đủ hết rồi”.

Mỗi lần họp nhau như vậy là dậy xóm làng, rộn ràng tiếng đàn, tiếng hát, om sòm tiếng nói tiếng cười. Tối hôm ấy chú rể tương lai Triều Dâng nổi hứng kể chuyện tiếu lâm Nam Bộ, còn nhạc sĩ Phan Nhân hát một bài ca dao hơi tục vừa được phổ nhạc và như mọi khi, cả nhóm lại cười lăn lóc, la hét ầm ĩ. Căn buồng chật ních tiếng đàn, tiếng hét, tiếng giậm chân rầm rầm muốn sụm cả giường. Nhưng hôm ấy, đúng lúc ấy, những ánh chớp chói lòa cả vùng trời Hà Nội.

Nhạc sĩ Phan Nhân ghi lại khoảnh khắc khó quên đó: “Rền rền ầm vang những tiếng nổ liên hồi. Rực hồng như đám cháy xăng dầu. Còi hụ. Đèn vụt tắt. Tiếng hát, tiếng đàn cũng đột nhiên im bặt. Có tiếng máy bay rền rĩ nặng nề. Hàng bầy máy bay Mỹ. Các cỗ pháo đan chéo như thoi đưa trên nền trời Hà Nội. Chớp lóe ùng oàng. Mịt mùng lửa khói. Hàng loạt tiếng bom rền dậy đất. Đích thị là B.52. Hà Nội đang kiên cường giáng trả. Tôi nhìn đồng hồ: 19h10. Lần đầu tiên đụng độ với B.52 quả cũng ớn”.

Nhưng bấy nhiêu chỉ càng làm tăng tinh thần cho ông. Ông muốn chứng kiến tận mắt sự khốc liệt của chiến tranh.

Hà Nội mến yêu của ta

Bất chấp sự ngăn cản của tự vệ cơ quan, nhạc sĩ Phan Nhân chụp vội lên đầu chiếc mũ sắt vẫn mang theo bên mình, vọt ra khỏi hầm trú ẩn, chạy vụt lên sân thượng lầu 4, lòng đầy xúc động trước cuộc chiến quyết liệt và hào hùng.

Ông ghi lại: “Hà Nội đỏ trời bom đạn. Miểng đạn đan vèo vèo. Bất chấp! Tôi phải tận mắt nhìn Hà Nội chiến đấu từ trên cao. Hầm trú ẩn thì an toàn nhưng quá ngột ngạt đối với tôi. Tôi thích có mặt nơi đầu sóng ngọn gió. Từ trước tới nay tôi vẫn thế, bao phen suýt “hy sinh” nhưng tôi cóc sợ.

Tôi là người trong cuộc, tôi phải tận mắt nghe nhìn để viết. Không phải để coi chơi. Hà Nội mến yêu của tôi!

Những mảnh B.52 cháy rực, lả tả rơi như mời như gọi tôi. Tôi muốn tụt ngay xuống đất cũng nhanh nhẹn như lúc lên và băng ra đường. Nhưng rồi lại tiếc, sợ xuống rồi không nhìn được rộng, được xa cuộc chiến đêm nay. Cơ hội nghìn năm có một. Và rồi một cảnh hùng tráng hiện lên: cột anten truyền hình cao 50m hiện rõ trên nền một máy bay Mỹ đang cháy rồi rơi giữa trời Hà Nội”.

Tiếp tục bám trên cao để “quay phim” bằng mắt, ghi âm bằng tai và bất giác nhạc sĩ Phan Nhân nghĩ về mặt nước Hồ Gươm ban chiều vẫn còn lung linh, yên ả. Ông nhủ thầm trong lòng, nếu còn nguyên vẹn đến sáng mai nhất định sẽ đạp xe một vòng quanh hồ”.

Và đêm hôm ấy những giai điệu đầu tiên bật ra, nhạc trước lời sau, điệp khúc trước, đoạn đầu sau. “Ơi Đông Đô hùng thiêng dấu xưa còn in nơi đây. Ơi Thăng Long ngày nay chiến công rạng danh non sông. Hà Nội mến yêu của ta. Thủ đô mến yêu của ta là ngôi sao mai rực rỡ…”.

Cứ thế, suốt 12 đêm liên tiếp, nhạc sĩ Phan Nhân vẫn leo lên tầng 4 trong tiếng bom đạn gào rú. Ông chỉ chui xuống hầm trú ẩn chỉ khi nào sáng tác và nghỉ ngơi.

Và khi những tiếng bom ngừng rơi, Hà Nội vào ngày mới, ông viết đoạn mở đầu: “Mặt hồ Gươm vẫn lung linh mây trời, càng tỏa ngát hương thơm hoa Thủ đô. Đường lộng gió thênh thang năm cửa ô. Nghe tiếng cười không quên niềm thương đau…”. Để có được câu: “Nghe tiếng cười không quên niềm thương đau” ông đã phải tìm chữ rất kỹ. “Không” hay là “chưa” cũng phải trằn trọc suốt đêm.

Sau 12 ngày đêm, Hà nội niềm tin và hy vọng ra đời, thực sự “dệt nên tiếng ca át tiếng bom rền”. Chất trữ tình quyện với chất hùng ca tạo nên cho cả bài hát một không gian truyền cảm sâu lắng, như thể tác giả đã rút toàn bộ ruột gan để viết nên những giai điệu và ca từ đi thẳng vào lòng công chúng.

Cuối năm 1972, Hà Nội niềm tin và hy vọng đã lần đầu xuất hiện trước công chúng qua làn sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam với giọng hát vàng Trần Khánh. Năm 1973, bài hát này cũng đã đoạt giải A cuộc thi sáng tác về Hà Nội chiến đấu chống B.52.

Nhạc sĩ Phan Nhân sinh ngày 25/5/1930 tại Bình Đức, Long Xuyên, An Giang. Ông nổi tiếng với các ca khúc: Hà Nội niềm tin và hy vọng, Tình ca đất nước, Cây đàn ghi-ta của Victor Hara, Thành phố của tôi, Chú ếch con… Ông vừa qua đời hôm 29/6/2015 tại TP.HCM do bệnh tật và tuổi cao sức yếu.

Nguyên Minh

[footer]

Vĩnh biệt nhạc sỹ Phan Nhân (1930-2015)

Người yêu nhạc chưa khỏi ngậm ngùi về sự ra đi của giáo sư Trần Văn Khê thì lại đón nhận thêm tin buồn khi phải vĩnh biệt hai nhạc sỹ lão thành Phan Huỳnh Điểu và Phan Nhân ngay trong ngày 29.06.2015. Chúng tôi đã có bài vĩnh biệt nhạc sỹ Phan Huỳnh Điểu trong một bài viết trước. Hôm nay [dongnhacxua.com] xin được phép gởi lời chia buồn sâu sắc đến gia quyến của nhạc sỹ Phan Nhân và cầu mong linh hồn ông mau an nghĩ chốn cực lạc.

Nói đến nhạc sỹ Phan Nhân, chắc hẳn người yêu nhạc xưa sẽ nghĩ ngay đến bản “Hà Nội, niềm tin và hy vọng”, một trong những sáng tác bất hủ về Hà Nội. 

Nhạc sỹ Phan Nhân (1930 - 2015). Ảnh: wikipedia.com
Nhạc sỹ Phan Nhân (1930 – 2015). Ảnh: wikipedia.com

Theo wikipedia.com, nhạc sỹ Phan Nhân tên thật là LiêuNguyễn Phan Nhân. Ông sinh ngày 15.05.1930 tại thành phố Long Xuyên, tỉnh An  Giang. Năm 1954, sau hiệp định Geneve, ông tập kết ra Bắc và tham gia sinh hoạt âm nhạc ở miền Bắc. Như vậy khác với “một Hà Nội trong hoài niệm” của rất nhiều nhạc sỹ gốc Bắc di cư vào miền Nam như Phạm Duy, Nguyễn Hiền, Vũ Thành, Anh Bằng, v.v., nhạc sỹ Phan Nhân viết  về “một Hà Nội thực tại” đang phải gánh chịu nhiều khó khăn, mất mác của chiến tranh.

Dù không có nhiều cơ hội trực tiếp nói chuyện với nhạc sỹ Phan Nhân nhưng qua vài dịp tham gia sinh hoạt tại Sài Gòn, [dongnhacxua.com] dễ nhận ra nét mộc mạc, dung dị vốn có của một người miền sông nước An Giang nơi nhà nhạc sỹ.

Theo thiển ý của chúng tôi, một trong những yếu tố góp phần làm cho “Hà Nội, niềm tin và hy vọng” sống mãi trong lòng công chúng là tính chân thực. Theo chúng tôi tìm hiểu, nhạc sỹ Phan Nhân viết bản này cuối năm 1972, sau khi tận mắt chứng kiến máy bay Mỹ đánh bom miền Bắc mà đỉnh điểm là “Hà Nội 12 ngày đêm”. Khác với nhiều sáng tác ra đời ở miền Bắc vào thời kỳ này, “Hà Nội, niềm tin và hy vọng” không lên gân về chủ trương, chính sách hay ca ngợi chế độ một cách quá đáng mà chỉ diễn tả chân thực một Hà Nội vừa phải oằn mình chống chọi với bom đạn, vừa phải tìm ra “niềm tin và hy vọng” để vượt qua sự tàn khốc của chiến tranh, để mong một ngày quê hương Việt Nam hòa bình và tự do đúng nghĩa!

[footer]

Đi Chùa Hương (Trần Văn Khê)

Hầu hết chúng ta biết đến nhạc sỹ Trần Văn Khê qua âm nhạc dân tộc. Trong bài viết này, để người yêu nhạc xưa có cái nhìn đa diện hơn về nhà nhạc sỹ tài hoa , [dongnhacxua.com] xin giới thiệu một trong những bản tân nhạc hiếm hoi (có lẽ là sáng tác đầu tay) của nhà nhạc sỹ tài hoa: bản “Em đi chùa Hương” theo ý thơ Nguyễn Nhược Pháp.

Đi chùa Hương. Ảnh: asobi.vn
Đi chùa Hương. Ảnh: asobi.vn

‘ĐI CHÙA HƯƠNG’ CỦA TRẦN VĂN KHÊ
(Nguồn: website của nhạc sỹ Trần Quqng Hải, con trai của nhạc sỹ Trần Văn Khê)

Nhật Hoa Khanh phỏng vấn, Úc Châu, trang Thơ Nhạc đầu tháng 1-3-2011

(17/2/2011)
Suốt gần 60 năm nay, bài thơ Chùa Hương (tác giả Nguyễn Nhược Pháp) sau khi được nhạc sĩ Trần Văn Khê phổ nhạc toàn bài, ngày càng nổi lên trên văn đàn và trên sân khấu. Bài thơ Chùa Hương của Nguyễn Nhược Pháp được Trần Văn Khê phổ nhạc toàn bài và lấy tên là Đi Chùa Hương.

** Thưa GS nhạc sĩ, ông đã từng gặp nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp lần nào chưa?

– Tôi chưa bao giờ gặp nhà thơ nổi tiếng Nguyễn Nhược Pháp mà chỉ đọc những bài thơ của ông trong cuốn Thi nhân Việt Nam của Hoài Thanh, Hoài Chân mà thôi.

** Vì sao ông lại phổ nhạc toàn bộ bài thơ Chùa Hương của Nguyễn Nhược Pháp?

– Đó là năm 1946, khi đang lánh nạn ở Lộc Ninh, ban đầu tôi chưa hề có ý định, nhưng vì rất thích nên tôi đã đọc bài thơ đó nhiều lần. Tôi thường hay ngâm thơ nên ban đầu có ý ngâm bài thơ, nhưng vì là thể thơ ngũ ngôn, có rất nhiều đoạn khó. Vì thế tôi thấy rằng làm như vậy không hấp dẫn bằng có nhiều đoạn mình ngâm “theo kiểu mới”. Một hôm, khi chuyển qua ngâm thơ theo điệu mới, một vài nét nhạc thoáng qua đầu, trong 10 ngày, tôi ghi lại những đoạn tâm đắc, lúc đó mới nghĩ đến việc ký âm lại cho dễ nhớ và từ đó bắt đầu phổ nhạc.

** Xin GS kể chi tiết một số đoạn xử lý với bài thơ độc đáo này?

– Tôi không phải là nhạc sĩ sáng tác, nhưng lúc đàn piano phụ họa theo tiếng ngâm của mình, tôi bắt đầu bằng gam Pha trưởng, rồi nhiều đoạn chuyển sang gam Rê thứ, chỉ có lúc cuối cùng, do tình cảm nhớ thương da diết nên tôi chuyển sang ngâm theo phong cách Sa mạc, nhưng cũng dựa theo gam Rê thứ. Lúc đó, tôi cũng định ghi nhạc để hát chơi cho các bạn nghe chớ không định phổ nhạc một bài thơ.

** Hành trình tiếp theo của cuộc đời bài hát, thưa GS?

– Người đầu tiên tôi đưa bài phổ nhạc là nhạc sĩ Lê Thương, bạn rất thích. Khi tôi chuẩn bị sang Pháp thì Lê Thương gởi thư nói rằng nến không giới thiệu với công chúng thì rất uổng. Lê Thương đã nhờ ca sĩ Mộc Lan học thuộc lời và giới thiệu trong một buổi hoà nhạc có nhiều bạn bè của ông, lúc đó tôi đang ở Pháp.

Sau đó, NXB Tinh Hoa, qua giới thiệu của Lê Thương, đã viết thư yêu cầu tôi cho phép xuất bản bài Đi Chùa Hương. Lúc đó tôi đang bịnh, đang nhập viện nên rất cần tiền. NXB bằng lòng trả tiền tác giả để in lần đầu khoảng 2000 bản và không lâu sau, báo tin đã bán hết và xin tái bản lần hai, đồng thời gửi đầy đủ tiền tác quyền sang Pháp cho tôi. Lúc đó, đồng VN bằng 17 franc cũ. Nhờ tiền tác quyền, tôi sống bình yên 4 tháng trời tại Paris! Lê Thương còn cho biết, Mộc Lan cũng trình bày bài đó trên Đài phát thanh Pháp á. Rồi bên nhà báo sang là Thái Thanh cũng hát. Nhưng tôi không nhận được bản ghi âm nào. Sau này, tôi biết bên Mỹ cũng có vài ca sĩ giới thiệu bài Đi Chùa Hương, trong đó có ý Lan – con gái Thái Thanh – đã thu được nhiều kết quả. Khi về nước làm việc, tôi được Thanh Lan tặng một cuốn băng video ghi lại bản nhạc Đi Chùa Hương rất đầy đủ. Trong các nghệ sĩ hát bài này, có Hồng Vân là thuộc hết bản nhưng chỉ thường giới thiệu trích đoạn chứ không hát cả bài.

** Những năm 50, 60 ở VN, những năm 90 ở hải ngoại, nhiều nữ danh ca đã thể hiện Đi Chùa Hương với những giọng truyền cảm sâu sắc. GS thích nhất giọng nào?

– Tiếc rằng tôi không được diễm phúc nghe tận tai tất cả các ca sĩ hát bài này. Đến nay tôi chỉ còn nhớ giọng của ý Lan mà tôi được một người bạn bên Mỹ cho nghe qua điện thoại. Giọng của Thanh Lan, tôi cũng còn nhớ rõ vì có cuộn băng. Hồng Vân thì đã rất nhiều lần hát tặng tôi ở những buổi họp mà tôi có mặt…

* Nhạc sĩ Lê Thương, tại TpHCM, đã nói với tôi: Chùa Hương là bai thơ dài thấm đẫm hồn dân tộc trong thể thơ và nội dung, trong lời thơ. Nhạc sĩ Trần Văn Khê đã phổ nhạc thành công bài thơ dài và độc đáo đó. GS suy nghĩ thế nào về nhận định này?

– Bạn tôi vì quá ưu ái mà có lời khen tặng như vậy. Về mặt nhạc học, lẽ tất nhiên là Lê Thương rất sành sỏi nên lời nhận xét đó không xa với thực tế. Nhưng tôi vẫn không dám nhận tất cả những lời khen của bạn, vì tôi không phải là nhạc sĩ sáng tác chuyên môn để có được những quan điểm sâu sắc về cách phổ nhạc.

** GS có nhớ lần đầu tiên ra Hà Nội và lần đầu tiên thăm chùa Hương?

– Tôi đi chùa Hương lần đầu lúc đang học trường Y tại Hà Nội năm 1942. Về sau được đọc bài thơ Chùa Hương của Nguyễn Nhược Pháp thì bao nhiêu cảnh đẹp chùa Hương mà tôi đã được thấy, như hiện rõ trong câu thơ và nhờ đó mà bản phổ nhạc được nhiều bạn yêu thích

Năm 1976, nhạc sĩ Đỗ Nhuận tổ chức cho tôi đi viếng chùa Hương cùng GS Nguyễn Hoán và phu nhân, Võ Thị Tri Túc, và con trai của hai bạn là cháu Cảnh. Tôi thật bồi hồi! Không gian cũ hiện lên, cùng với những cảm xúc vẫn nguyên vẹn trong lòng, tất cả như còn tươi mới!

** Chân thành cảm ơn GS nhạc sĩ Trần Văn Khê

[footer]