Lang thang trên mạng, [dongnhacxua.com] gặp được một bộ ảnh đẹp về nhà thờ Đức Bà Sài Gòn, ngôi giáo đường với tên chính thức là Vương cung thánh đường Chính tòa Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội. Xuôi theo dòng nhạc xưa, chúng tôi tìm được bản nhạc lấy bối cảnh một Vương cung thánh đường mà theo thiển ý của chúng tôi là nhà thờ Đức Bà, một biểu tượng của Sài Gòn ‘Hòn Ngọc Viễn Đông’. [dongnhacxua.com] xin hân hạnh giới thiệu bản “Xóa Tên Người Tình” của nhạc sỹ Vinh Sử, một chuyện tình buồn của chàng trai ngoại đạo với một người con gái có đạo.
LỜI NHẠC ‘XÓA TÊN NGƯỜI TÌNH’ (VINH SỬ)
Em còn nhớ không em Chúa nhật của hôm nào
Ngang nhà Thánh Vương Cung vô tình biết quen nhau
Em ngày đó thơ ngây hay mặc áo hoa hòe
Đi dự lễ Misa trong buổi sáng tinh sương.
Anh ngày mới yêu em tuy đời sống không đạo
Nhưng thường thích theo em đi nhà thánh xem kinh.
Trong buổi lễ Misa anh nào biết kinh cầu
Anh chỉ biết theo em khi làm dấu Amen.
Ân tình mới hôm qua bây giờ bỗng chia xa
Em tự muốn phong ba cho tình anh gục chết
Khăn hồng với thư xanh bây giờ xóa tên anh
Em làm sóng vây quanh xô lầu cát tim anh.
Đông về sáng hôm nay chúa nhật phố mưa buồn
Anh từng bước lang thang qua nhà thánh vương cung.
Vô tình biết tin vui em làm lễ tơ hồng
Anh hàng ghế sau lưng nghe mặn ướt trên môi.
Đưa người bước sang sông nghe ngập sóng trong lòng
Con nguyện Chúa thương con cho họ sống trăm năm.
Con tự thú ngôi cao yêu nàng mới tin đạo
Nay nàng đã quên con, con còn thiết tha chi.
BỐN VƯƠNG CUNG THÁNH ĐƯỜNG Ở VIỆT NAM (Nguồn: vnExpress.net)
Trong khoảng 6.000 nhà thờ trên cả nước, Việt Nam vinh dự sở hữu 4 vương cung tháng đường thuộc 4 tỉnh: Hà Nam, Nam Định, Quảng Trị và TP HCM.
Nhà thờ Thiên chúa giáo luôn có sức hấp dẫn đặc biệt với bất kỳ ai. Bởi vậy mà không ít tour du lịch, nhà thờ là điểm dừng chân không thể bỏ qua trong hành trình khám phá điểm đến. Trong đó phải kể đến các vương cung thánh đường, danh hiệu được Giáo hoàng tôn vinh đặc biệt dành cho những nhà thờ có kiến trúc to lớn, cổ kính, mang ý nghĩa lịch sử và tâm linh quan trọng.
1. Nhà thờ Kẻ Sở
Vương cung thánh đường Sở Kiện hay nhà thờ Kẻ Sở tọa lạc ở thị trấn Kiện Khê, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam. Dù là một tiểu vương cung thánh đường mới được sắc phong năm 2010, nhưng nhà thờ Kẻ Sở thật sự là điểm đến thú vị với kiến trúc đồ sộ và phong cách Đông – Tây hội tụ.
Nhà thờ được xây dựng theo kiến trúc vòm cao vút cổ điển phương Tây từ trần đến cửa. Trên tường có các ô cửa kính màu vẽ tranh các vị thánh hoặc các sự kiện trong Kinh Thánh. Tuy nhiên, khu vực cung thánh và bàn thờ được làm bằng gỗ chạm trổ tinh vi, sơn son thiếp vàng theo phong cách truyền thống Việt Nam. Do xây dựng trên một cái đầm nên toàn bộ nền cũng được lót gỗ lim chống sụt lún.
Nhiều du khách đến đây tỏ ra thích thú với ngọn tháp cao treo 4 quả chuông mang các sắc âm đố – mi – son – đồ. Quả nặng nhất gần 2,5 tấn được người dân ở đây gọi là chuông “Bồng”. Vào ngày lễ, nơi đây phải huy động đến cả chục thanh niên trai tráng đến kéo chuông. Tiếng chuông vang lên như một bản đàn vang vọng từng thôn làng, ngõ xóm nơi đây.
2. Nhà thờ Phú Nhai
Nhà thờ Phú Nhai là vương cung thánh đường Đức Mẹ Vô nhiễm Phú Nhai thuộc Giáo phận Bùi Chu, xã Xuân Phương, huyện Xuân Trường, Nam Định.
Khi mới xây dựng nhà thờ có phong cách kiến trúc Gothic đậm dấu ấn Tây Ban Nha. Đến nay nhà thờ được xây lại theo phong cách kiến trúc Gothic Pháp. Điều đặc biệt là nhà thờ Phú Nhai có hai tháp chuông. Bốn quả chuông đặt ở đây đều được đúc từ Pháp chuyển sang với trọng lượng từ 100 kg đến 2 tấn. Xung quanh nhà thờ có các phù điêu thể hiện 14 Đàng Thánh Giá.
Sau khi tham quan nhà thờ được mệnh danh lớn nhất Đông Dương, du khách chiêm ngưỡng được toàn cảnh của huyện Xuân Trường khi đứng trên ngọn tháp cao của nhà thờ Phú Nhai.
3. Nhà thờ La Vang
Nhà thờ La Vang nằm ở xã Hải Phú, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Năm 1961, nhà thờ được tôn phong là vương cung thánh đường. Ban đầu đây là một ngôi nhà thờ bằng ngói, được thiết kế theo kiến trúc cổ Việt Nam nhưng mặt tiền vẫn mang hơi thở châu Âu hiện đại với hai tầng mái và hai cánh thánh giá. Tháp chuông hình vuông hai tầng nổi bật lên giữa cảnh đồi.
Nhà thờ La Vang đã được nhiều lần trùng tu và xây mới, nhưng khi đến đây du khách vẫn được chiêm ngưỡng vẻ đẹp cổ kính của phong cách kiến trúc Việt qua hình dáng những mái ngói thân quen, kiểu dáng ngôi nhà ở, ngôi đình Việt. Thêm vào đó, du khách cũng sẽ bị lôi cuốn bởi quần thể tượng gồm 15 pho tượng diễn tả 15 điều màu nhiệm.
4. Nhà thờ chính tòa Đức Bà Sài Gòn
Nhà thờ chính tòa Đức Bà Sài Gòn đã không còn xa lạ với mỗi người dân TP HCM và khách du lịch trên cả nước. Nhưng ít ai biết rằng, đây là một trong 4 vương cung thánh đường của cả nước.
Điểm nhấn của nhà thờ là bức tường được xây bằng gạch xuất xứ từ Marseille (Pháp) từ cuối thế kỷ 19 nhưng đến nay vẫn giữ nguyên màu sắc hồng tươi, không bám bụi rêu. Bởi vậy dù không hiểu hết ý nghĩa văn hóa và lịch sử của nhà thờ Đức Bà nhưng khi đến Sài Gòn, ai cũng muốn có một bức hình với công trình độc đáo ấy.
Ngay trước mái vòm nhà thờ là chiếc đồng hồ Thụy Sĩ. Trải qua hơn 130 năm nhưng chiếc đồng hồ vẫn hoạt động khá chính xác và được lên giây mỗi tuần. Trong 6 quả chuông mang âm đô – rê – mi – son – la – si, chuông Son nặng gần 8,8 tấn là một trong những quả chuông lớn nhất thế giới. Nằm giữa trung tâm thành phố năng động nhất cả nước, nhà thờ Đức Bà mang đến một nốt trầm xao xuyến níu chân du khách bốn phương.
Kim Anh
DẤU ẤN 138 NĂM NHÀ THỜ ĐỨC BÀ VỚI SÀI GÒN (Nguồn: vnExpress.net)
Tiếp nối chủ đề về một thời áo trắng, xin mạn phép đăng lại bài viết của nhà báo Lê Văn Nghĩa để qua đó thế hệ trẻ có thể hình dung phần nào về một thời cắp sách trước 1975.
Thoạt đầu, tôi định đặt tựa bài này là “Thiên đàng mơ mộng”, vì thấy thật đúng tâm trạng của những thằng học sinh Petrus Ký chúng tôi thời đó. Thời chúng tôi có rất nhiều thiên đàng mơ mộng: “Em theo trường về… áo dài tà áo vờn bay” (1).
1. “Thiên đàng” của những thằng tóc hớt ngắn, quần xanh áo trắng là nơi các nữ thiên thần áo dài trắng túa ra như lũ chim bồ câu sau giờ tan học của Trường Gia Long. Thằng học sinh Petrus Ký nào chẳng mơ được “mần quen” cùng một em áo dài.
Phía bên hông cổng Trường Gia Long, trước cổng chùa Xá Lợi, “cạnh tranh” với những chiếc xe bán bò bía, gỏi đu đủ là những chàng áo trắng Petrus Ký đang gửi hồn qua cánh cổng thâm nghiêm có từ năm 1915 với cái tên thơ mộng “Trường nữ sinh Áo Tím”.
Nghe kể lại, trường được thành lập do đề nghị của nghị viên Hội đồng quản hạt Nam kỳ Lê Văn Trung cùng vợ của tổng đốc Phương và một số trí thức người Việt. Khóa đầu tiên (1915) trường tuyển 45 nữ sinh với đồng phục là áo dài tím. Những đời hiệu trưởng đầu toàn là người Pháp.
Năm 1949, nữ sinh Trường Áo Tím cùng nam sinh Trường Petrus Ký tổ chức bãi khóa kỷ niệm ngày Nam kỳ khởi nghĩa nên chính quyền đã đóng cửa trường. Năm 1950, sau một cuộc đấu tranh, biểu tình dài ngày với sự ủng hộ của phong trào học sinh lúc ấy, trường được mở cửa lại.
Đánh dấu sự kiện quan trọng này, sau bảy đời hiệu trưởng trường là người Pháp, lần đầu tiên trường có nữ hiệu trưởng là người Việt: bà Nguyễn Thị Châu. Năm 1953, Trường Áo Tím đổi tên thành Trường nữ trung học Gia Long. Áo dài tím được thay bằng áo dài trắng với phù hiệu là bông mai vàng. Chương trình giáo dục bằng tiếng Pháp được chuyển sang quốc ngữ.
Biết đâu chính “mối tình” gắn kết tranh đấu của Áo Tím và sau đó Gia Long trong những năm về sau đã gắn kết “trai Petrus Ký, gái Gia Long” trong những mối tình thật và ảo của lứa tuổi học trò. Hãy mơ đi những chàng trai Petrus về “thiên đường” tuổi nhỏ dại của mình!
2. Khoảng giữa thập niên 1970, bài hát Con đường tình ta đi của nhạc sĩ Phạm Duy làm xáo động những trái tim mới lớn với những lời ca mộng mị: “…Lá đổ để đưa đường/Hỡi người tình Trưng Vương”.
Tôi không biết đó là lời cảm thán của chàng trai nào. Nhưng có lẽ thích hợp hơn xin hãy cho chàng trai ấy là người của Trường Chu Văn An. Như một mặc định, “trai Petrus Ký, gái Gia Long” thì nữ sinh Trường Trưng Vương lại là “của riêng” của những học sinh Chu Văn An mặc dầu hai trường cách trở về mặt địa lý một quãng đường khá dài.
Trường chàng thì ở tận nhà thờ ngã sáu, đường Minh Mạng, còn “thiên đường” của nàng thì ở đối diện Sở thú – Thảo cầm viên, số 3 Nguyễn Bỉnh Khiêm. Tội nghiệp cho nam sinh Trường Võ Trường Toản cùng ăn chung xe gỏi bò với các nàng nhưng chỉ đứng xa ngắm những chàng trường Chu đón nàng mà hát câu cảm thán: “Trưng Vương hôm nay mưa vẫn giăng đầy trời/ Bóng người thì mịt mùng/ Từng hàng me rung rung” (2).
Có lẽ “nhân duyên tiền định” của hai trường này đều xuất phát từ “người phương Bắc”. Học sinh Chu Văn An đa số là người miền Bắc và Trường Trưng Vương cũng vậy. Điều này cũng dễ hiểu vì Trường Trưng Vương là ngôi trường có gốc gác từ Hà Nội.
Theo “gia phả”, trường được thành lập từ năm 1925, trên con đường Đồng Khánh, phía nam hồ Gươm mang tên Trường Nữ trung học (College de Jeunes Filles), ngôi trường nữ trung học đầu tiên và duy nhất của nữ giới miền Bắc. Vì nằm ở đường Đồng Khánh nên còn được gọi là Trường Đồng Khánh. Đến năm 1948 trường được chuyển đến đường Hai Bà Trưng (Hà Nội) và đổi tên là Trường Trưng Vương. Năm 1954, một số giáo sư và học sinh di cư vào Sài Gòn và thành lập lại Trường Trưng Vương.
Năm học đầu tiên phải học nhờ cơ sở của Trường nữ trung học Gia Long. Mãi cho đến năm 1957, Trường Trưng Vương dời về số 3 Nguyễn Bỉnh Khiêm (nguyên trước đó là Quân y viện Coste của quân đội Pháp).
Bởi vậy ta không lấy làm lạ khi đây là một trong những ngôi trường mang đậm dấu ấn kiến trúc Pháp và được bình chọn là ngôi trường có kiến trúc đẹp nhất Sài Gòn. Nhờ là học sinh Trưng Vương nên mỗi lần làm lễ kỷ niệm Hai Bà, nữ sinh Trưng Vương được ưu tiên tuyển chọn làm Trưng Trắc, Trưng Nhị cưỡi voi trong lễ diễu hành.
Có lần đi xem lễ diễu hành trên đường Thống Nhất (nay là đường Lê Duẩn), khi hai nàng học trò Trưng Vương ngồi trên voi “phất ngọn cờ vàng” đi ngang, tôi thấy thằng bạn có vẻ phấn khích. Tôi hỏi: “Mầy thích “ghệ” áo vàng hả?”. Nó trả lời buồn xo: “Không, tao thích con voi. Bây giờ tao ước gì mình được làm con voi”.
Rồi nó cảm thán nhại theo thơ của Nguyễn Công Trứ: “Kiếp sau xin chớ làm người/ làm voi nàng cưỡi, cái vòi đung đưa”. Sau này tôi mới biết cô gái đóng vai Trưng Trắc – áo vàng đó đã cho chàng leo cây, “Trưng Vương vắng xa anh dần. Mùa thu đã qua một lần. Còn đây bâng khuâng”. Ôi, tội nghiệp một thời mê gái!
3. “Áo dài trắng em mang mà anh nhớ…” đâu chỉ ở Sài Gòn. Ở một vùng trời tỉnh Gia Định, những chiếc tà áo của nữ sinh Trường nữ trung học Lê Văn Duyệt vờn bay thật nhẹ nhàng, thanh khiết. Tôi khoái chữ “vờn bay” của nhà thơ Phạm Thiên Thư hơn chữ “tung bay” của nhạc sĩ Từ Huy khi nói về chiếc áo dài của nữ sinh trung học. Chữ “tung” có vẻ gì đó mạnh bạo quá khi nói về chiếc áo dài vốn dĩ đằm thắm.
Thật thiệt thòi khi ngôi trường này không được nhắc đến trong âm nhạc hoặc thơ ca, có lẽ những chàng thi sĩ, nhạc sĩ chỉ thích tụ tập ở Sài Gòn mà bỏ quên một ngôi trường nữ làm đẹp và trắng khung trời Gia Định.
Từ Sài Gòn, xuôi theo đường ĐinhTiên Hoàng, quẹo tay mặt, qua cầu Bông một đoạn, nhìn sang tay trái là một ngôi trường kiến trúc kiểu hiện đại hơn trường Gia Long và Trưng Vương. Chuyện cũng dễ hiểu vì năm 1960, tòa tỉnh trưởng Gia Định đã dùng một khu đất trước kia là ao rau muống để xây dựng trường trên đường Lê Văn, gần Lăng Ông thuộc xã Bình Hòa (tỉnh Gia Định). Trước kia trường mang tên Trương Tấn Bửu, thành lập năm 1957, có hai lớp đệ thất một nam và một nữ, học nhờ tại trường nam tỉnh lỵ (nay là Trường THCS Lê Văn Tám).
Năm 1959, lớp nam sinh chuyển về Trường Hồ Ngọc Cẩn (nay là Trường Nguyễn Đình Chiểu). Khi xây dựng xong, trường được đặt tên là Trường nữ trung học Lê Văn Duyệt và chương trình học bắt đầu từ lớp đệ thất đến lớp đệ nhị. Học sinh nào đậu tú tài I sẽ chuyển sang học Trường Trưng Vương. Khoảng năm 1965-1966 trường mới có lớp đệ nhất. So với hai trường nữ đàn chị thì nữ sinh Lê Văn Duyệt nào có kém cạnh chi, cũng làm những chàng trai thốt lên: “Ơi em, bắt hồn tôi về đâu?”…
Có những chàng trai lãng mạn thì cũng có những chàng trai rất thực tế. Hiệp mập, thằng bạn của tôi, phát biểu: “Tao không lấy vợ là “ghệ” Gia Long, yểu điệu thục nữ quá cỡ, tao chỉ muốn vợ tao là nữ sinh Trường Sương Nguyệt Anh”. Tôi sửng sốt vì Trường nữ trung học tổng hợp Sương Nguyệt Anh mới vừa thành lập năm 1971.
Sau Mậu Thân 1968, một góc đường Minh Mạng, Sư Vạn Hạnh gần chùa Ấn Quang bị cháy rụi. Vài năm sau đó, chung cư Minh Mạng ra đời, phía bắc của chung cư, ngay góc đường Hòa Hảo, Minh Mạng (nay là đường Nguyễn Chí Thanh), Trường nữ trung học tổng hợp Sương Nguyệt Anh cùng được xây dựng.
Không phải thằng Hiệp mập không có lý của nó, vì nữ sinh trường này được học một chương trình giáo dục hoàn toàn mới. Đây là ngôi trường nữ đầu tiên tại VN với lối giáo dục theo phương pháp tổng hợp theo mô hình của các nước tiên tiến thời ấy. Song song với việc giảng dạy như các trường công lập khác, trường còn dạy thêm kinh tế gia đình (tức nữ công gia chánh, may vá nấu ăn), môn doanh thương (tức kế toán đánh máy), âm nhạc (đàn tranh, piano), hội họa, nghệ thuật cắm hoa, và cả môn võ aikido, vovinam.
Ngay từ năm lớp 6, nữ sinh Trường Sương Nguyệt Anh đã được học cả hai sinh ngữ Anh và Pháp khi mà học sinh công lập các trường khác chỉ được học một sinh ngữ. Trường được trang bị một phòng thính thị máy móc rất tối tân để luyện giọng chính xác với giáo sư ngoại quốc, một phòng thí nghiệm đầy đủ dụng cụ.
Với lối giáo dục mới mẻ này, sau bảy năm trung học, nữ sinh trường có cơ hội thành một thiếu nữ VN văn võ song toàn. Còn theo thằng bạn tôi, giúp ích xã hội được hay không thì chưa biết, nhưng chắc chắn là một bà xã biết dạy chồng bằng võ vovinam và tài nội trợ.
Sài Gòn, cùng với những trường nữ trung học công lập Gia Long, Trưng Vương, Lê Văn Duyệt, Sương Nguyệt Anh cũng còn trắng trời áo dài với những trường nữ trung học tư khác như Thánh Linh, Hồng Đức… đã nhốt hồn những chàng trai mặt bắt đầu nổi mụn trứng cá và vỡ giọng với những thổn thức “áo ai trắng quá nhìn không ra”…
Những cô nữ sinh với những ngôi trường ấy đã là một phần hồn của chúng tôi, một phần hồn của Sài Gòn đã đào tạo những nữ lưu anh kiệt về các mặt chính trị, văn hóa, khoa học, và tiếp tục những nữ lưu anh kiệt lại là những anh kiệt nữ lưu khác.
Cảm ơn Sài Gòn đã có những ngôi trường ấy cho tôi nhớ. Cảm ơn Sài Gòn có những ngôi trường thiên đàng tuổi nhỏ dành riêng cho chàng trai mơ về những mái tóc, những chiếc áo dài trắng vờn bay… vờn bay!
(1): Ngày xưa Hoàng Thị – thơ Phạm Thiên Thư, nhạc Phạm Duy. Ngày ấy, trên toàn miền Nam, đồng phục cho nữ học sinh là áo dài trắng, quần trắng (hoặc đen), nam học sinh là quần xanh, áo trắng và đeo phù hiệu mang tên trường trên áo. Không có đồng phục cho riêng từng trường như bây giờ. Lúc ấy chỉ có Trường trung học công lập Mạc Đĩnh Chi nam sinh và nữ sinh học chung.
(2): Trưng Vương khung cửa mùa thu – nhạc và lời Nam Lộc.
(*): Trường Gia Long nay là Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai. Trường Petrus Trương Vĩnh Ký nay là Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong. Trường Lê Văn Duyệt nay là Trường THPT Võ Thị Sáu. Trường Sương Nguyệt Anh nay là Trường THPT Sương Nguyệt Anh.
Tiếp nối dòng nhạc xuân, [dongnhacxua.com] xin trân trọng giới thiệu một bài hát rất phổ biến thời “bao cấp”, những năm 1980: bản “Mùa xuân, làng lúa, làng hoa” của nhạc sỹ Ngọc Khuê, một nhạc sỹ sinh ra và lớn lên ở miền Bắc. Không gian chúng ta sống có thể khác nhau, chính kiến chúng ta có thể khác nhau nhưng cảm nhận về mùa Xuân thì ngàn đời vẫn vậy. Đó là thời khắc giao mùa, là lúc muôn hoa đua sắc, đất trời thay đổi để cho lòng mình cũng thay rộn rã giao hòa với cảnh vật và con người xung quanh!
(HNM) – Ở phía bắc Thủ đô, làng lúa giờ không còn và làng hoa bị thu hẹp nhưng mỗi khi Tết đến, ca khúc “Mùa xuân, làng lúa làng hoa” của nhạc sỹ Ngọc Khuê lại vang lên, nó gợi lại những gì mượt mà, đẹp đẽ của một thời. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với nhạc sỹ Ngọc Khuê, tác giả của ca khúc này.
– Thưa nhạc sỹ Ngọc Khuê, nhiều người đã nghe ca khúc “Mùa xuân, làng lúa làng hoa” của ông, nhưng vẫn biết rất ít về ông?
– Quả đúng như vậy. Dù trước và sau khi viết “Mùa xuân, làng lúa làng hoa” tôi cũng đã sáng tác tới gần 300 bài hát, trong đó có ca khúc “Hạt nắng hạt mưa” từng đoạt giải thưởng… nhưng nhiều người khi cứ nhắc tới Ngọc Khuê là nhớ tới “Mùa xuân, làng lúa làng hoa”. Có người còn gọi tôi là “ông làng lúa làng hoa” nữa (cười). Tôi sinh năm 1947, là con thứ 5 trong một gia đình có 6 anh chị em ở Hoài Đức (nay là Hà Nội). 18 tuổi, tôi bắt đầu rời quê hương, gia đình để bước vào cuộc đời quân ngũ, sau đó trở thành một trong những người lính pháo cao xạ bảo vệ cầu Hàm Rồng. Rồi tới năm 1974 thì được chuyển về Đoàn Văn công Phòng không – Không quân, làm diễn viên hát. Rồi gắn bó với Quân chủng Phòng không – Không quân đến lúc nghỉ hưu.
– Ca khúc “Mùa xuân, làng lúa làng hoa” được ông viết trong hoàn cảnh nào?
– Như nhiều nhạc sỹ khác, từ lâu tôi muốn viết một ca khúc về Hà Nội, đặc biệt là về mùa xuân Hà Nội, nhưng viết mãi mà chưa thành. Tôi muốn ca khúc ấy sao cho nó là của riêng nhưng mọi người vẫn có thể thấy mình trong đó. Cho tới một chiều mùa đông năm 1981, khi đạp xe đi thăm người bạn ở gần hồ Tây, tôi mới phát hiện ra rằng hồ Tây không chỉ có hoa. Phía bên Xuân La, Xuân Đỉnh còn là “làng lúa”. Lâu nay người ta thường gọi đó là những cánh đồng lúa xanh mướt hay chín vàng. Nhưng tôi muốn ví đó là những “làng lúa”. Sự “phát hiện” đó cộng với hình ảnh những “làng hoa” ấp ủ viết bấy lâu đã giúp tôi bật ra câu hát: “Lúa ơi thơm ngát cho em hát cùng người/Bởi lúa yêu cuộc đời nên xanh thắm ruộng đồng…”. Câu hát đầu tiên ấy đã xuất hiện và nhờ đó, về nhà tôi đã viết xong bài hát.
– Ông có thể nói kỹ hơn?
– Cảm xúc của buổi chiều cuối năm 1981 ngay giữa thiên nhiên đó đã giúp tôi hoàn thành đoạn chính của bài hát trước. Đến khi về nhà tôi mới ngồi viết phần đầu và phần kết của bài hát. Tôi viết hai phần này thật khó khăn, nhất là đoạn mở đầu: “Bên lúa, anh bên lúa/Cánh đồng làng ven đê/Hồ Tây xanh mênh mông, trong tươi thắm nắng chiều/Làng em làng hoa, hoa thơm ngát bốn mùa…”. Tôi đã thử bằng nhiều cách khác nhau để bắt đầu bài hát, cuối cùng thấy hợp lý khi lấy âm hưởng của một điệu hò để thể hiện sự lấp lánh của mặt gương hồ Tây, sự dào dạt êm ả của sóng nước, sóng lúa. Đó là một sự giao duyên tình tứ rất mộc mạc nhưng lại vô cùng đằm thắm của những đôi trai gái mà tôi nghĩ rằng chỉ có những làng mạc lâu đời, trù phú mà thanh lịch ven hồ Tây Hà Nội mới có. Rồi đến đoạn kết của bài hát, vừa là cao trào của âm nhạc vừa là một tình cảm như đột ngột bừng dậy của tình yêu đôi lứa. Đến đây thì hồ Tây chỉ còn lại như cái cớ, như điểm tựa để nhường chỗ cho tình ca, cho tình yêu và hạnh phúc của con người. Với tôi, lúa và hoa như một biểu tượng đẹp đẽ nhất của cuộc sống. Làng lúa – làng hoa, cả mùa xuân nữa dường như mới chỉ bắt đầu.
– Nghe nói bài hát này còn “nhắm” tới một cô gái?
– Quãng những năm 1978 hay 1979 gì đó, tôi có quen một cô gái và thú thật cũng rất muốn viết ca khúc để tặng. Đôi khi chúng tôi chở nhau trên chiếc xe đạp lòng vòng trên những con đường ven Hồ Tây. Tôi nảy ra ý định “mượn” những làng hoa ven hồ để làm cái cớ. Định như vậy rồi nhưng khi viết thì vẫn thấy khó, thấy không ổn. Tôi đành “gác” kế hoạch viết bài hát ấy lại.
Hồi đó, chúng tôi thường hay đặt “bí danh” cho nhau bằng những con số. Cái tên của tôi được “dịch” sang con số 12, còn tên cô ấy là số 13. Nhưng tôi biết cái “ngưỡng” để dừng lại, vì lúc đó tôi là thượng úy, đồng thời là đội trưởng đội hát và tôi đã lập gia đình được 7 năm. Vì thế, giữa tôi và “13” chỉ là những tình cảm trong sáng. Đến bây giờ, “13” cũng đã chồng con đủ đầy, hiện làm ở một Đại sứ quán tại Hà Nội, thi thoảng chúng tôi vẫn thăm hỏi nhau và coi nhau như bạn bè thân thiết.
– Ban đầu ông đặt tên bài hát là gì? Và hẳn ông sẽ đề tặng người bạn gái đó?
– Lúc đầu tôi đặt tên cho bài hát là “Làng lúa, làng hoa” vì tôi nghĩ thế là đủ. Với lại tôi rất thích chữ “làng lúa”, “làng hoa” nên đã đặt luôn cho bài hát như vậy. Viết xong bài hát, tôi sướng lắm. Tôi nhớ khi ấy có hát cho “13” nghe, cô ấy vui lắm. Bên góc bản thảo, tôi cũng trân trọng đề dòng chữ: “Tặng bạn tôi: 13” kia mà.
– Lần đầu tiên bài hát chính thức xuất hiện trước công chúng là khi nào vậy, thưa ông?
– Đó là mùa xuân năm 1982. Lúc đó tôi mang tới Ban Văn nghệ Đài Tiếng nói Việt Nam. Tôi vẫn nhớ thời điểm đó, truyền hình còn mới mẻ, nhà ai giàu thì mới có chiếc tivi đen trắng, mà thời lượng phát sóng còn hạn chế nên Đài Tiếng nói Việt Nam là nhất. Khi đó, nhạc sỹ Thế Song đang là biên tập viên chuyên mục ca nhạc của đài, nghe xong bài hát, ông khuyên tôi thêm 2 chữ “Mùa xuân” vào tên bài hát. Sau đó, ca sỹ Thanh Hoa là người đầu tiên thể hiện bài hát này. Đến bây giờ, bài hát còn gắn liền với nhiều ca sỹ khác như Trung Anh, Mỹ Lệ…
Nhân ngày giỗ đầu của ca sỹ Hà Thanh, được sự cho phép của ban quản trị trang CaSiHaThanh.wordpress.com, [dongnhacxua.com] xin trích đăng bài viết của học giả Nguyễn Đắc Xuân về người ca sỹ đã được ái mộ qua nhiều thế hệ. Tựa bài viết “đêm đêm khua ánh trăng vàng mà than” là một câu trong bản “Tiếng Sông Hương” của nhạc sỹ Phạm Đình Chương.
Đầu năm 1966, nhạc sĩ Phạm Duy ra Huế với tập Mười bài Tâm ca do Lá Bối xuất bản. Phạm Duy được tiến sĩ Lê mời về ở lại gian hộ của ông tại 2 Lê Lợi, Huế. Tôi kể lại chuyện được ca sĩ Hà Thanh hát cho nghe lần đầu bài Tâm ca số 5 Để lại cho em. Nhạc sĩ Phạm Duy đề nghị tiến sĩ Lê mời Hà Thanh qua 2 Lê Lợi hát chơi. Thế là buổi hát Tâm ca đầu tiên diễn ra ở Huế. Mỗi bài Tâm ca Hà Thanh chỉ đọc qua là có thể hát được ngay. Trong không khí bức xúc không được thể hiện khát vọng hòa bình, không được phản đối chiến tranh của Mỹ, bài Tâm ca số 1 Tôi ước mơ phổ thơ của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, qua giọng Hà Thanh lần đầu tiên oà vỡ mất sự sợ hãi trong tâm trí chúng tôi.
“Tôi vẫn sống, tôi vẫn ăn và tôi vẫn thở… Nhưng đến bao giờ tôi mới nói được điều tôi ước mơ… Tôi ước mơ?”
Tiếng hát hay, nội dung câu hát kích vào nỗi khát vọng của mọi người gây nên một hiệu ứng cảm thụ lạ lùng. Ước mơ của Thiền sư Nhất Hạnh cũng là ước mơ của dân tộc lúc ấy.
“Ông Hoàng âm nhạc” Phạm Duy hết lời ca ngợi tài năng của Hà Thanh. Lần đầu tiên ca sĩ Hà Thanh biết đến Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Chị ngỏ ý muốn tìm đọc cả tập thơ Chắp tay nguyện cầu cho bồ câu trắng hiện của nhà sư vừa ở Hoa Kỳ về. Tiến sĩ Lê không giấu được sự cảm phục, say đắm của mình. Ông gọi xe chạy qua phố mua về tặng ngay cho Hà Thanh một chiếc ghi ta của Ý. Thùng đàn của Ý to hơn thùng đàn sản xuất ở Việt Nam, tiếng đàn rất ấm, hợp với giọng Hà Thanh vô cùng. Tiến sĩ Lê tỏ tình với ca sĩ Hà Thanh qua món quà văn nghệ ấy. Và, cũng từ ấy tiến sĩ Lê và tôi có nhiều dịp qua lại gặp gỡ chuyện trò với ca sĩ Hà Thanh…..
Sau chín năm băng rừng, lội suối, xuôi ngược Trường Sơn, suýt chết nhiều lần tôi may mắn được sống sót chứng kiến được ngày đất nước thống nhất. Tôi tìm bà con, bạn bè chia sẻ hạnh phúc hòa bình. Vào Sài Gòn, tôi đi tìm ca sĩ Hà Thanh. Phải khó nhọc lắm mới tìm ra được nơi ở của chị trong tòa nhà tại ngã tư Nam Kỳ Khởi Nghĩa và Võ Thị Sáu ngày nay. Tôi không hiểu tòa nhà đó của ai và do đâu chị được ở đó. Tòa nhà lớn và toàn người lạ nên hỏi mãi mới đến được chỗ chị đang ở. Tôi thật không thể nào hiểu nổi: Ca sĩ Hà Thanh với đứa con gái ba bốn tuổi ở dưới gầm cầu thang trong tòa nhà lớn ấy. Ca sĩ Hà Thanh ngồi trên một chiếc chiếu éc bên cạnh dựng cây đàn ghi ta, một cái va li, một chiếc lò sô và một thau đựng vài cái chén dĩa. Chị ngước nhìn tôi miệng cười với đôi hàm tăng trắng muốt. Hai dòng lệ rơi xuống chiếu, chị nhoài người ra đứng dậy bắt tay tôi. “Ôi Xuân! Xuân… mà!”. Tôi hiểu chị muốn nói Xuân chết rồi mà! Nhiều người cũng đã tưởng như vậy nên tôi hiểu ý chị ngay. “Đáng lẽ chết rồi nhưng bom đạn và sốt rét chê nên còn sống đây”. Tôi định hỏi vì sao chị lại rơi vào hoàn cảnh như thế nầy nhưng tôi sợ ảnh hưởng đến niềm vui chị đang gặp lại bạn cũ sau gần chục năm chiến tranh, lời đã ra đến môi tôi ngậm lại. Hà Thanh kéo tôi ngồi xuống chiếu chị cho biết chồng chị là Trung tá thiết giáp Bùi Thế Dung đang đi học tập, chỗ ở cũ bị giao cho chủ mới, chị đang chờ tìm chỗ ở khác nên mẹ con tạm thời ở đây. Chị nói với giọng rất tự nhiên, không một chút bối rối xúc động. Tôi đọc được sự vui mừng đất nước được hòa bình trong giọng nói của chị. Sự “đổi đời” của gia đình chị như một lẽ tự nhiên. Nói chuyện một lúc, chị như sực nhớ ra điều gì và bảo tôi:
– Tối rồi, còn chén cơm mình chiên lên cùng ăn nghe!
Lời mời của Hà Thanh dưới gầm cầu thang cũng hồn nhiên không khác nào lời mời những bữa tiệc diễn ra ở nhà chị 18 Huyền Trân Công Chúa mười năm trước ở Huế. Một chén cơm nguội chia cho ba người mà sao tôi ăn thấy ngon làm sao. Ăn xong, chị quay lại lấy cây đàn và bảo tôi:
– Mừng chiến tranh chấm dứt, mừng Xuân bình yên trở về Hà hát tặng Xuân bài Tiếng sông Hương của Phạm Đình Chương nhé!
Tôi chưa kịp cám ơn thì bị cháu Kim Huyên dùng dằng tỏ ra khó chịu. Tôi hơi ngượng với cháu. Chị biết thế nên bảo con:
– Cậu Xuân là bạn của mẹ và của mấy dì, cậu đi xa mới về, mẹ hát mừng cậu. Con ngoan mẹ thương!
Kim Huyên không vùng vằng nữa nhưng mặt không vui. Hà Thanh so dây rồi cất giọng hát: “Miền Trung vọng tiếng, em xinh em bé tên là Hương Giang…” Tiếng hát chị vút lên “vọng tiếng”và hạ dần xuống “em xinh em bé” êm ái lạ thường. Tiếng hát như một làn gió mát dịu xuyên qua đầu óc đang đan xen những vui buồn của tôi. Tôi lặng người đi và tự nhiên tôi cảm thấy sợ không dám nhìn sự hồn nhiên của chị. Bỗng nhiên chị nhìn tôi và nở một nụ cười khi bắt đầu hát đến mấy câu: “Hò ơi, bao giờ máu xương hết tuôn tràn/ Quê miền Trung thôi kiếp điêu tàn/ Cho em vang khúc ca nồng nàn/ Ngày vui tan đao binh/ Mẹ bồng con sơ sinh/ Chiều đầu xóm/ xôn xao đón người hùng binh/ Ngậm ngùi hân hoan tiếng cười đoàn viên”.
Nếu người khác tặng tôi câu hát nầy giữa lúc này thì tôi sẽ nghĩ họ trêu tôi. Nhưng đối với Hà Thanh thì không phải thế. Nội dung bài hát mâu thuẫn với hoàn cảnh bi đát hiện tại của chị nhưng nó lại lô-gíc với tình bạn của chị với tôi. Một cảm tưởng được và mất trong tôi. Được nhiều nhưng mất cũng không nhỏ. Tôi lặng người và chỉ nói được một câu:
– Thấm thía quá chịu Hà ơi!.
Bỗng nhiên cháu Kim Huyên khóc ré lên, chị lại dỗ cháu. Chị hát cho tôi nghe những bài mới ra đời từ sau ngày tôi thoát ly theo kháng chiến. Chị tự đệm đàn cho chị hát. Chị hát say sưa. Hát toàn bài vui. Chị hát đến khuya. Kết thúc bằng bài Hoa xuân. Đến lúc nầy tôi mới ngộ ra rằng chị hát không những để tặng tôi mà tôi cũng là một cơ hội để chị hát. Hát để vượt qua sự thử thách quá lớn chị đang cố gắng vượt qua. Biết thế nên tôi không dám chia tay chị dù trời đã khuya. Trong đời tôi chưa bao giờ được thưởng thức một “sô” diễn tân nhạc sâu thắm và da diệt đến thế.
Rồi từ đó tôi lo việc lập gia đình, đi “học Huế” để làm người cầm bút của xứ Huế không mấy khi được gặp lại Hà Thanh. Đột nhiên đến năm 1982, không rõ ai đã mách cho chị biết chỗ ở của tôi, (vì đến năm đó tôi đã chuyển đến bốn năm địa chỉ) chị ghé lại nhà tôi – một gian phòng hẹp của nhà hộ sinh Kim Cúc cũ tại 16 Lý Thường Kiệt – mời tôi lên 18 Huyền Trân Công Chúa (đã đổi thành 18 Bùi Thị Xuân) ăn cơm chia tay để chị đi “đoàn tụ” ở Hoa Kỳ. Sau bữa cơm chia tay đó tôi nghĩ không bao giờ tôi còn có dịp gặp lại Hà Thanh nữa.
…. …. Năm 2006, tôi sang Boston ở miền Đông bắc Hoa Kỳ chuẩn bị thực hiện đề tài “Phong trào Thơ văn âm nhạc vận động hòa bình những năm 1964 – 1966 ở miền Nam Việt Nam” cho Trung tâm William Joiner, không ngờ tôi lại được liên lạc với Hà Thanh.
Một cuộc hàn huyên hào hứng. Tình người xóa đi hết những khoảng cách, những dị biệt. Gặp lại Hà Thanh trên đất Mỹ không tiện nhắc lại những chuyện cũ. Chị biết tôi nguyên là một sinh viên Phật tử, lại là người đi theo khuynh hướng hòa bình, hòa giải dân tộc của Thầy Nhất Hạnh từ hồi nửa thế kỷ trước nên chị kể chuyện chị quy y lại với Thầy và chị dành nhiều thời gian tu chánh niệm, niệm Phật, hát nhạc Thiền và tọa Thiền theo pháp môn Làng Mai. Chị tặng tôi một CD chị niệm A Di Đà Phật rất thanh thoát. Cho đến bây giờ, mỗi lần thấy đầu óc căng thẳng tôi lại nghe chị niệm Phật thay cho những bài hát êm dịu mà trước đây tôi rất thích. Qua điện thoại nhiều hôm tôi ngỏ ý mời chị về sống cuối đời ở Huế. Chị bảo tôi:
– Cái nhà ở Huế đã cho đứa cháu rồi. Hà về Huế ở mô?
Tình thiệt tôi đáp:
– Trời ơi, chị về vô lẽ cháu chị không dành lại cho chị một phòng để chị sống và ca hát sao?
Chị lại bảo:
– Ở đây Hà ít giao du với cộng đồng người Viêt, nhiều khi cũng buồn và nhớ Huế lắm. Hà cũng muốn về. Nhưng có lẽ Hà phải giúp nuôi con của con gái Kim Huyên lớn lớn một chút rồi sẽ về!
Tôi biết chị từ chối khéo lời mời của tôi nhưng tôi vẫn hy vọng và có ý chờ…
Nhưng… rồi, đúng vào ngày đầu năm 2014, chị đã qua đời ở Boston miền Đông Hoa Kỳ.
Tôi không còn cơ hội gặp lại chị, nhưng Huế tôi luôn có ca sĩ Hà Thanh, cũng như luôn có nhạc sĩ Trịnh Công Sơn – người cùng thời với chị.
Trong quá trình tìm tài liệu về nhạc sỹ Hoàng Nguyên, tác giả của “Ai lên xứ hoa đào” nổi tiếng, [dongnhacxua.com] bắt gặp một thông tin thú vị: ông chính là người anh và cũng là người thầy đã dìu dắt nhạc sỹ Nguyễn Ánh 9 bước vào con đường âm nhạc. Chúng tôi xin mạn phép đăng lại bài viết của nhạc sỹ Nguyễn Ánh 9.
Hoàng Nguyên vĩnh viễn ra đi đã gần phần tư thế kỷ, gửi lại cho đời không ít những tác phẩm đáng trân trọng, bởi nét nhạc tài hoa và ca từ thấm đậm, buồn man mác. Có lẽ trong long những người yêu nhạc sẽ mái mái vang vọng những giai điệu đầy kỷ niệm của thời kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp … “Nếu hiểu rằng anh đi vì lũ giặc tham tàn, thì em ơi, em chớ sầu thương chi ! Em thấy chăng khói súng của giặc thù còn mịt mùng và còn che khuất mờ …”. Nhạc sĩ Hoàng Nguyên đã viết ca khúc ‘Anh Đi Mai Về‘ này ở tuổi 20 tràn đầy nhiệt huyết trong bối cảnh cả dân tộc đang trường kỳ kháng chiến. Bài hát tức khắc được đón nhận nồng nhiệt và phổ biến rộng khắp. Hiếm có những nhạc sĩ trẻ xưa nay tìm được thành công dứt khoát ngay tác phẩm đầu tay của mình và nhanh chóng thành danh như anh.
Với tôi, Hoàng Nguyên như vẫn còn ở đâu đó quanh đây và những kỷ niệm với anh còn như mới hôm qua… Anh Hoàng Nguyên – Cao Cự Phúc của tôi. Tôi gặp anh lần đầu tiên cách nay hơn 40 năm, khi đang học Trường Yersin ở Đà Lạt, thành phố thơ mộng sau này đã đi vào các tác phẩm vượt thời gian của anh. Dạo đó, biết tôi là một chú học trò mê âm nhạc có chút năng khiếu, Hoàng Nguyên đã để tâm chăm sóc. Chủ Nhật hàng tuần, anh vào trường nội trú đón tôi ra ”nhà” anh chơi và ân cần truyền đạt cho tôi những kiến thức ban đầu về âm nhạc. “Nhà” anh ở thật ra chỉ là một căn phòng đơn sơ, trong khuôn viên Trường Bồ Đề Đà Lạt, nơi anh đang dạy Anh văn cho các lớp trung học. Một chiếc giường đơn, một bàn viết bằng gỗ thông và một cây đàn guitar treo trên vách. Thời gian đó, Hoàng Nguyên còn phụ trách các buổi phát thanh của Hội Phật giáo trên làn sóng Đà Lạt. Một hôm, tôi rất bất ngờ và hạnh phúc được anh “mời” tham gia ban nhạc phát thanh của anh. Đó là lần đầu tiên tôi bước vào “nghề ca nhạc”, năm 1956.
Năm đó, Hoàng Nguyên đang phác thảo ca khúc Bài Thơ Hoa Đào:
“Chiều nào dừng chân phiêu lãng, Khách đến đây thấy hoa đào vương lối đi…”
Tôi hân hạnh là người ái mộ đầu tiên được anh đàn và hát cho “nghe thử” những âm điệu lời ca lãng đãng sương khói núi đồi của Bài Thơ Hoa Đào. Tôi vẫn nhớ như vừa ra khỏi giấc mơ còn tươi rói: chúng tôi ngồi co ro trong căn phòng nhỏ của anh; bên ngoài trời cao nguyên xam xám và mưa nhỏ. Đằng kia, những cánh hoa đào vừa lìa cành theo cơn gió bất chợt … Hỏi “Chắc anh đã chọn Đà Lạt làm quê hương ?”. Đôi mắt u hoài sau cặp kính trắng của anh hình như chợt xa khuất hơn: “Không, anh chỉ ghé chân để tạm mưu sinh và tìm cảm hứng …”.
Vâng, Hoàng Nguyên chỉ “ghé chân” – như anh viết “dừng chân phiêu lãng” nơi phố núi mù sương này một quãng thời gian ngắn nhưng cũng đủ để anh viết nên hai ca khúc tiêu biểu về một vùng đất thơ mộng dễ yêu: Bài Thơ Hoa Đào và Ai Lên Xứ Hoa Đào, hai ca khúc bất hủ đã làm rung động trái tim nhiều thế hệ người yêu nhạc, mãi mãi gắn chặt nghệ danh của anh với địa danh nổi tiếng này.
“Ai lên xứ hoa đào, dừng chân bên hồ nghe chiều rơi. Nghe hơi giá len vào hồn người, chiều Xuân mây êm trôi. Thông reo bên suối vắng, lời dìu dặt như tiếng tơ …”
Bẵng đi một thời gian, chúng tôi gặp lại nhau ở Sài Gòn khảng đầu thập niên 70. Lúc ấy, tôi đã đi vào lĩnh vực ca diễn và Hoàng Nguyên đã bị động viên vào binh chủng Quân cụ chế độ cũ. Như một số các nghệ sĩ khác cùng thời, buổi sáng anh thường đến uống cà phê ở nhà Thanh Thế, đường Nguyễn Trung Trực. Nghe nói dạo đó tình cảm gia đình anh gặp chuyện không vui. Anh trở nên u uất hẳn và có lẽ vì thế anh đã rất thích bài hát Summertime có âm sắc blues-jazz trầm mặc đang thịnh hành và được phát thường xuyên ở nhà hàng Thanh Thế. Tác phẩm Cho Người Tình Lỡ của anh ra đời khoảng thời gian đó, chịu phần nào âm hưởng khắc khoải của Summertime.
“Nhớ mà chi, đau thương qua rồi Thương mà chi, xót xa cũng đắng cay…”
Năm 70, bài Không của tôi được Khánh Ly thu vào đĩa 45 vòng do Hàng đĩa Tình Ca Quê Hương sản xuất, mặt sau có bài Cho Người Tình Lỡ do Thanh Lan hát. Ngày hãng đĩa trao tặng đĩa hát nói trên cho chúng tôi, Hoàng Nguyên thân mật vỗ vai tôi, thì thầm:”Mau quá Ánh hỉ ? Mới ngày nào ở Đà Lạt, anh em mình nói chuyện âm nhạc nhập môn, bây giờ Ánh đã có bài thu đĩa với anh…”. Vẫn là ngôn phong của một người anh ân cần, trìu mến ! Hoàng Nguyên còn để lại một tác phẩm khác, được yêu mến không kém các ca khúc đã có của anh, mà anh viết về xứ Huế, quê anh: Tà Áo Tím.
“Một chiều lang thang bên dòng Hương Giang Tôi đã gặp một tà áotím, nhẹ thấp thoáng trong nắng vương Mầu áo tím sao luyến thương…”
Hoàng Nguyên đột ngột chia tay với không gian âm nhạc của chúng ta một buổi sáng năm 1973 trong một tai nạn giao thông khi anh từ Vũng tàu trở về Sài Gòn. Ở độ tuổi 50 chín muồi rung động và từng trải cuộc đời. Tôi thầm nghĩ, nếu Hoàng Nguyên chưa vội ra đi chắc chắn ca mục của anh sẽ còn nối tiếp bằng những ca khúc dịu dàng, thanh thoát trong đó nỗi u hoài được nâng lên thành những vần thơ trong vắt…
Đà Lạt có lẽ là một trong những địa danh được ưu ái nhất trong dòng nhạc xưa. Nổi bật trong số rất nhiều tác phẩm về thành phố cao nguyên là bản “Ai lên xứ hoa đào” của nhạc sỹ Hoàng Nguyên. Nhạc sỹ Hoàng Nguyên sinh năm 1932 tại Quảng Trị và mất năm 1973 tại Vũng Tàu trong một tai nạn xe hơi. Chúng tôi không có thông tin về hoàn cảnh sáng tác của bản “Ai lên xứ hoa đào” nhưng chắc rằng những năm tháng dạy học tại Đà Lạt vào thập niên 1950 đã tạo niềm càm hứng cho nhạc sỹ Hoàng Nguyên cho ra đời tác phẩm này.
Đà Lạt, cũng giống một vài đô thị ở Việt Nam, là một trong những vùng đất được rất nhiều nhạc sỹ yêu mến và bởi vậy, rất nhiều ca khúc hay viết về nơi này. Một trong những nhạc sỹ viết về Đà Lạt hay nhất, ấn tượng nhất là Hoàng Nguyên, người nhạc sỹ tài hoa đoản mệnh.
Những ca khúc tuyệt vời ông viết về Đà Lạt được sinh ra chính trong thời gian nhạc sỹ gắn bó với thành phố mù sương, trong tuổi hoa niên tươi đẹp, lãng mạn của chàng thanh niên Hoàng Nguyên.
Nhạc sỹ Hoàng Nguyên tên thật là Cao Cự Phúc, sinh ra ở Quảng Trị vào năm 1932. Theo nhiều thăng trầm của cuộc sống, đầu những năm 1950 ông lên Đà Lạt dạy học ở trường Bồ Đề. Chính những năm gắn bó với nghề gõ đầu trẻ, ông đã có thời gian thỏa mãn thú đam mê âm nhạc của mình. Ca khúc đầu tiên của ông viết về Đà Lạt là ca khúc Bài thơ hoa đào. Có lẽ bởi tới từ vùng đất khô nóng, lần đầu tiên chạm mặt vào hơi sương lạnh, ngắm nhìn màu hoa đào mơ màng, rực rỡ, Hoàng Nguyên đã bật ra xúc cảm để viết những ca từ ca ngợi loài hoa đặc trưng nhất của phố sương: hoa đào.
Chiều nào dừng chân phiêu lãng Khách đến đây thấy hoa đào vương lối đi
Nhưng dù cảm hứng được nảy sinh từ hoa hay sương, nó vẫn không khỏi gắn với tuổi xuân, với tình yêu, với những dáng thiếu nữ áo dài xinh đẹp của phố núi.
Màu hoa in dáng trời Tình hoa in dáng người
Sau một vài năm sống và dạy học ở Đà Lạt, Hoàng Nguyên đã tích đủ tình yêu, sự gắn bó và cảm hứng để viết lên một trong những ca khúc tuyệt vời nhất, ca khúc mà dường như ai cũng biết về Đà Lạt: Ai lên xứ hoa đào. Chắc hẳn rằng, trái tim đôi mươi dâng tràn nhựa sống, tình yêu của chàng trai trẻ mang tâm hồn nhạc sỹ đã vang lên những lời thúc giục, đòi hỏi thốt lên những lời tình nồng nàn. Ngay từ những lời đầu tiên, những nốt nhạc đầu tiên được cất lên, một Đà Lạt mơ huyền, lãng mạn, một Đà Lạt mang đậm “chất Đà Lạt” đã hiện ra trong lòng người nghe.
Ai lên xứ hoa đào dừng chân bên hồ nghe chiều rơi Nghe hơi giá len vào hồn người, chiều xuân mây êm trôi Thông reo bên suối vắng lời dìu dặt như tiếng tơ
Ca từ tuyệt đẹp, giai điệu nhẹ nhàng, ngọt ngào đã mang lại cho “Ai lên xứ hoa đào” một vị trí đặc biệt trong lòng người Đà Lạt, người yêu Đà Lạt và làng âm nhạc Việt. Và dù bài hát đã ra đời quá nửa thế kỷ, mỗi khi nhắc tới Đà Lạt, không ai có thể không nhớ tới ca khúc tuyệt vời ấy.
Không chỉ có “Ai lên xứ hoa đào” và “Bài thơ hoa đào” viết cho Đà Lạt, Hoàng Nguyên còn “Đà Lạt mưa bay” dành cho phố núi. “Đà Lạt mưa bay” vẫn mang dáng dấp một Hoàng Nguyên tài hoa, đa tình với những dáng hình thiếu nữ dịu dàng “Sương mù chiều vương trên làn tóc rối”.
Đà Lạt trong ca khúc Hoàng Nguyên quen mà lạ. Quen bởi những gì ông nhắc tới đều là những điều đặc trưng nhất của phố núi, là sương, là hoa, là thông, là tà áo dài thấp thoáng trong sương. Lạ bởi những hình ảnh thân quen ấy được nhìn qua lăng kính một tâm hồn lãng mạn, một “người phiêu lãng” như ông tự nhận về mình. Ca từ lãng mạn, âm nhạc của ông cũng không khác, nhẹ nhàng, ngọt ngào, tha thiết như một lời tự sự. Giữa tuổi hoa niên cháy bỏng, ông đã trao hết tài năng thiên phú vào những ca khúc dâng tặng thành phố mù sương, nơi ông neo bước trên đường lữ hành xa tít.
Năm 1956, bởi những biến cố bất ngờ Hoàng Nguyên rời Đà Lạt và dường như, theo lời nhạc sỹ Nguyễn Ánh 9, người em và là học trò thân thiết của ông, người được ông dìu dắt trong thời gian dạy học ở trường Bồ Đề, ông ít có dịp quay lại phố núi. Nhưng tình yêu trong ông dành cho thành phố mù sương, nơi lưu giữ những kỷ niệm đẹp nhất thuở hoa niên thì không bao giờ phai nhạt. Vẫn thoảng đâu đó trong những ca khúc ông viết trong hoàn cảnh khác, tâm trạng khác chút mơ màng của phố núi. Ông ra đi rất sớm trong một tai nạn, khi tuổi chưa chớm 50, dừng lại quãng đời phiêu du trong cuộc đời và trong âm nhạc. Năm 2013 là tròn 40 năm ngày Hoàng Nguyên lìa xa cõi thế nhưng những ca khúc của ông còn mãi. Và nhất là, khi dâng lên câu hát “Ai lên xứ hoa đào”, người Đà Lạt không quên Hoàng Nguyên cũng như hàng triệu trái tim yêu âm nhạc không quên ông, người nhạc sỹ đã dành cho Đà Lạt những ca khúc tuyệt vời.
[dongnhacxua.com] đã nhận nhiều hồi âm của người yêu dòng nhạc xưa về bản “Thành phố buồn” của Lam Phương. Đúng là Đà Lạt có nhiều tên gọi khác và một trong số đó là “thành phố sương mù”, như tên của một sáng tác rất hay của nhạc sỹ Huỳnh Anh (1932-2013). Nhạc sỹ Huỳnh Anh thì không xa lạ với người yêu nhạc nhưng có một điều chắc ít ai biết được là trong gần 40 năm ở hải ngoại, ông chỉ cho phổ biến đến công chúng vài tác phẩm: một trong số đó là bản “Rừng chưa thay lá” phổ từ thơ Hoàng Ngọc Ân mà chúng tôi đã giới thiệu trước đây và nhạc phẩm thứ hai là “Thành phố sương mù” mà [dongnhacxua.com] giới thiệu hôm nay.
Những ngày cuối tháng 12/2014, DòngNhạcXưa có dịp trở lại Đà Lạt để tham gia đêm nhạc của vài anh chị thân hữu. Đã đến và đi nhiều lần nhưng cá nhân chúng tôi lần nào cũng lưu luyến Đà Lạt, thành phố với nhiều tên gọi: “thành phố mộng mơ”, “thành phố ngàn hoa”, … Với những ai yêu nhạc xưa thì nhắc đến Đà Lạt không thể không nói đến một cái tên khác: “thành phố buồn”. Đó cũng chính là tên của bản nhạc bất hủ của nhạc sỹ Lam Phương.
Trong chuyến thăm Mỹ vào tháng 7 vừa qua, người viết đã có dịp nghe bạn bè nhạc sĩ Lam Phương kể về cuộc sống của ông tại miền nam California – Mỹ. Sức khỏe người nhạc sĩ tài hoa này giờ không được tốt nữa và cả giọng nói của ông cũng không còn rõ như xưa nên người viết đành gửi lại ông câu hỏi. Sau khi sức khỏe ổn định, ông đã trả lời qua email.
Nghe nói ông đã trải qua đợt tai biến, hiện tại sức khỏe của ông thế nào?
Ở cái tuổi hơn bảy bó rưỡi rồi, lại bị ảnh hưởng tai biến, nên sức khỏe của tôi cũng không thể nào như người bình thường được. Hiện nay, nhờ trời thương cùng bà con quan tâm, nên sức khỏe của tôi vẫn ở tình trạng… lúc mưa lúc nắng, đi đứng khập khễnh, nói năng vấp váp vậy thôi.
Nhạc sĩ Lam Phương có rất nhiều bài hát được yêu mến. Nhưng có lẽ với ông, bài viết năm 15 và 17 tuổi (Chiều thu ấy, Kiếp nghèo) hẳn đã để lại nhiều dấu ấn nhất. Vì đâu một người trẻ như ông lúc đó lại có thể viết nên những nỗi niềm sâu sắc như vậy?
Lớn lên giữa tình trạng đất nước chiến tranh đã tạo cho tâm hồn con người những rung động bi quan. Do đó, những sáng tác đầu đời của tôi cũng phản ánh tâm trạng thua thiệt. Và dĩ nhiên, đã để lại dấu ấn khá sâu đậm trong cuộc đời sáng tác của mình.
Rất nhiều người đã yêu say đắm bài Thành phố buồn. Phải chăng ông viết cho một người ‘đặc biệt’?
Không hẳn như vậy. Năm 1970, tôi theo Ban văn nghệ Hoa tình thương lên Đà Lạt trình diễn. Trước vẻ trầm lặng của một thành phố chập chùng đồi núi, sương mù bao quanh những con đường dốc quanh co, cùng nỗi cô đơn tràn ngập tâm hồn, tôi đã viết nên Thành phố buồn. Đây là một trong những ca khúc có số lượng xuất bản rất cao.
Được biết ngày xưa ông rất nghèo. Đến lúc nào thì ông vượt qua được cảnh túng thiếu? Có phải nhờ âm nhạc mà ông thoát nghèo và lạc quan hơn?
Cuộc đời tôi nhiều buồn hơn vui, thời gian nghèo khó cũng không phải là ít. Do đó, sáng tác của tôi có thể cũng chỉ là cái bóng của thân phận mình. Đứng về phương diện vật chất thì tôi đã tạm dễ thở được 5 năm từ năm 1970 – 1975. Nhưng sau đó lại tiếp tục với kiếp nghèo.
Có một thời gian nhạc của ông không buồn mà lại vui với Bài tango cho em, Cỏ úa, Ngày hạnh phúc… Đó có phải là thời điểm ông… yêu lại lần nữa nên thấy đời vui?
Như tôi trình bày ở trên, sáng tác của tôi thường thể hiện những tình cảm chân thành trong tình yêu và trước hoàn cảnh đời sống. Các ca khúc như bạn nói cũng chỉ là những bông hoa màu sắc đính trên tấm thảm tâm hồn của người nghệ sĩ sáng tác ở thời điểm đó mà thôi. Hơn nữa, những sáng tác âm nhạc của tôi luôn thể hiện tuần tự theo những khúc quanh trên đời sống của tôi như vừa lớn lên, mới biết yêu thì có: Chiều thu ấy, Chờ người, Kiếp nghèo; Tình cảnh an bình, hạnh phúc thì có: Trăng thanh bình, Khúc ca ngày mùa, Nắng đẹp miền nam… Đến khi tình cảm bị rụng rơi thì có: Cỏ úa, Thu sầu, Tình chết theo mùa đông…
Được biết ông từ Mỹ sang Pháp định cư rồi lại trở về Mỹ. Trong 10 năm qua ông có hạnh phúc không?
Di chuyển nơi ăn chốn ở, dù là của người nghệ sĩ, cũng bình thường mà thôi. Mặc dù không gian có đổi thay, thời gian có biến chuyển, nhưng tình yêu nghệ thuật vẫn âm ỉ trong tôi. Và nơi trái tim tôi, luôn tồn tại những nhịp đập yêu thương. Hạnh phúc nhất mà lúc nào tôi cũng cảm thấy là luôn được nhiều người thương cảm mình và yêu thích tác phẩm của Lam Phương.
Nghe nói Bến Thành Audio -Video đang dự định mời ông về làm live show đầu tiên tại Việt Nam vào cuối năm. Ông có dự định trở về?
Tháng 12 vừa qua, tôi có đi Úc trình diễn, nhưng đó là chuyện về trước. Giờ, tôi đã lớn tuổi rồi, không bao lâu nữa đã bát thập niên, lại thêm đi đứng khó khăn, ngồi xe lăn thường trực, nói năng chậm chạp, có lẽ sẽ khó tham dự được live show do Bến Thành Audio-Video tổ chức. Về hay không về thì lòng tôi lúc nào cũng không nguôi nghĩ về quê cha đất tổ, đến những người thân thương, những khán thính giả, bạn bè bằng hữu quý mến mình. Tôi cầu mong an lành và hạnh phúc thường trực ở với mọi người.
Những ngày đầu tháng 12, trời Hà Nội trở lạnh. Chúng tôi có dịp lang thang trên những con phố Hà Nội. Những cảm xúc về một “Em ơi, Hà Nội phố” như ùa về. [dongnhacxua.com] xin giới thiệu đến người yêu nhạc xưa bài thơ nổi tiếng của Phan Vũ, cũng như bản phổ tuyệt vời của nhạc sỹ Phú Quang.
TTCT – Ngày 25-9 tại Hà Nội, Em ơi, Hà Nội phố – sau “gần nửa thế kỷ ra đời nhưng vẫn chưa trở về Hà Nội” như lời tác giả, đã được nhà thơ Phan Vũ đọc lần đầu tiên trong đêm thơ tổ chức cho riêng ông ở Thư viện Hà Nội. TTCT giới thiệu bài viết của nhà thơ về cuộc hành trình gần 50 năm của Em ơi, Hà Nội phố và trích đăng một số khổ của bài thơ.
Tôi viết Em ơi, Hà Nội phố từ năm 1972 nhưng trong một thời gian dài, vì những lý do riêng, bài thơ chưa đến với độc giả. Cho đến năm 2009, nguyên tác bài thơ mới in trong tập Thơ Phan Vũ. Ở Huế, tôi đã đọc bài thơ dưới ánh sáng của một ngọn nến, trong một căn nhà cổ cho một số bạn Huế yêu thơ. Ở Sài Gòn, tôi đã đọc tại quán Guitare Gỗ do nhạc sĩ Châu Đăng Khoa đệm đàn và viết một ca khúc phụ họa.
Như vậy là gần nửa thế kỷ bài thơ viết về Hà Nội, tại Hà Nội vẫn chưa trở về Hà Nội. Và tôi vẫn mong đợi một dịp được lần đầu đọc Em ơi, Hà Nội phố giữa thủ đô.
***
Tháng chạp năm 1972, khi B-52 của Mỹ bắn phá thủ đô với lời hăm he “đưa Hà Nội trở lại thời kỳ đồ đá!”, tôi khởi viết những câu đầu tiên: Em ơi, Hà Nội phố… Ta còn em, mùi hoàng lan, ta còn em mùi hoa sữa… Điệp từ Ta còn em, ta còn em… được lặp lại trong từng đoạn của bài thơ. Có người nghĩ điệp từ này có ý nghĩa thách thức với lời hăm dọa của ông Nixon. Tôi không có ý đó, chỉ thấy lòng mình chùng xuống vì âu lo trước cảnh tượng đất đai Hà Nội bị bom đạn cày xới và máu người Hà Nội đổ trên phố phường nên đọc một câu “niệm chú” để tự trấn an. Ta còn em… là còn những hoài niệm yêu thương của tôi về Hà Nội mà đôi lần khi trong trạng thái cần nương tựa, an ủi, tôi lại tìm về.
Nhưng Em ơi, Hà Nội phố không phải là một lời thủ thỉ tự tình, đó là một tiếng kêu thương tha thiết… Tháng chạp bi tráng năm ấy, những sự việc hằng ngày đã khắc ghi những đường rãnh trong ký ức, giữ lại cho con người một nỗi nhớ xót xa, sâu đậm. Chỉ một đêm xuống phố Khâm Thiên sau trận bom, nghe tiếng than khóc của dân phố, nhìn những vành khăn tang trắng xóa trong đêm và ngửi mùi hương cúng đã hình thành ngay hoài niệm để một đời không thể nào quên.
Tôi cũng phải nói thêm điệp từ Ta còn em… còn có nghĩa “ta mất em…”. Đó là sự tiếc nuối về những gì “thật Hà Nội” không còn nữa! Không chỉ do chiến tranh mà có thể vì những sai lầm, những vô ý, vô tình của người đời, không ngoại trừ sự quên lãng của thời gian, đã gây ra những đổ vỡ không thể hàn gắn được. Chỉ cần mấy câu thơ của người xưa Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo, nền cũ lâu đài bóng tịch dương… cũng làm chúng ta rung động huống hồ những xót đau, mất mát thuộc về tâm linh, một thứ để thờ phụng, khiến con người có thể thí mạng để bảo vệ, gìn giữ. Và tinh thần của người Hà Nội trong tháng chạp năm ấy đã chứng tỏ rõ ràng.
Tôi đã sống một mình trên căn gác suốt 12 ngày đêm khốc liệt của Hà Nội. Bao hoài niệm thật đẹp mà tôi đã có trong quãng thời gian được gọi là “chàng trai Hà Nội” đã trở về trên căn gác, tại một khu trắng triệt để sơ tán vì gần Nhà máy điện Yên Phụ, một mục tiêu oanh kích. Những hình ảnh, những ngôn từ dồn dập kéo đến, đan xen, chồng chéo, không theo một thứ tự thời gian, không gian.
Tôi như đang trong một giấc mơ giữa ban ngày với đôi mắt mở! Em ơi, Hà Nội phố với 25 khổ thơ đã ra đời trong khoảng cách những hồi còi hụ trên nóc Nhà hát Lớn, với giọng Hà Nội thật chuẩn của cô phát thanh viên báo tin những đợt B-52 vào thành phố. Tôi ghi lại một cách vội vàng, theo sự tình cờ, bất chợt, không xếp đặt. Tất nhiên, trong một quá trình dài dặc nửa thế kỷ, bài thơ không thể nằm yên trong ngăn kéo mà luôn cựa quậy, bắt tôi phải chỉnh sửa nhiều lần. Nhiều khi có vài ly rượu ngà ngà lại chợt nhớ, chợt thương một nỗi niềm, chợt tìm thấy một dáng, một hình, một con chữ cần thêm, cần bớt.
Tôi cũng thường bỏ công chép cả bài thơ dài dặc để tặng ai đó, nhưng khi khách ra về lại hí hoáy sửa lại vì trong lúc chép tặng chợt phát hiện một câu, một chữ chưa vừa ý. Do đó Em ơi, Hà Nội phố đã thành tam sao thất bản, đến mức tác giả cũng không sao phân biệt được!
Cho đến năm 1985, một lần gặp Phú Quang, một đoạn thơ đã được phổ nhạc. Khi ca khúc Em ơi, Hà Nội phố đã nổi tiếng với nhiều khen tặng, có người đến nói về giá trị phần ca từ của tôi, nhưng tôi vẫn nghĩ sự xứng đáng thuộc về Phú Quang với những giai điệu mượt mà, du dương quen thuộc của anh; cả về công lao của Phú Quang với ca khúc ấy đã giới thiệu một bài thơ còn lận đận, chưa ra đời! Mấy câu thơ của tôi, một tâm tư mang tính cá nhân, là nỗi đau thầm lặng, nỗi buồn da diết riêng mang không có tính cộng đồng.
Ngày ấy, có một nhà thơ lớn khi đọc bài thơ này đã thật lòng khuyên tôi không nên phổ biến vì có thể chuốc vạ vào thân. Tôi cũng mệt mỏi vì nhiều sự phiền hà văn chương của giai đoạn ấy nên cũng nghe lời bỏ xó.
***
Tôi hi vọng lần đọc đầu tiên bài thơ ở Hà Nội cũng là đọc bản chính thức cuối cùng của Em ơi, Hà Nội phố. Bởi với tuổi 85, hành trình đi qua trần gian, hay nói theo Trịnh Công Sơn là quãng đời “ở trọ trần gian” của tôi cũng đã quá dài so với bao nhiêu bè bạn. Giữa Hà Nội hôm nay bỗng nhiên tôi nghĩ đến những nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, họa sĩ cùng đứng với tôi trong ban chấp hành đầu tiên của Chi hội Văn nghệ Nam bộ thành lập từ năm 1952 giữa rừng U Minh, như các anh Diệp Minh Châu, Hà Mậu Nhai, Đoàn Giỏi, Quách Vũ, Dương Tử Giang, Huỳnh Văn Gấm, Chi Lăng, Ngọc Cung, Trương Bỉnh Tòng…
Trong số đó, có người tập kết ra Hà Nội đã nằm lại trong lòng đất thủ đô, những người ở lại miền Nam bị bắt bớ, tù đày cũng đã qua đời. Các anh ấy chỉ biết Hà Nội trong tưởng tượng, càng không thể hình dung có một Hà Nội của thơ như hôm nay với người cuối cùng còn sót lại của ban chấp hành xa xưa trở về Hà Nội đọc thơ!
Tôi cũng nghĩ tới những người bạn đã kết thân khi tôi từ miền Nam trở về Hà Nội năm 1956, đó là các anh Tử Phác, Đặng Đình Hưng, Trần Dần, Lê Đạt, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng, Dương Bích Liên, Phùng Quán, Phùng Cung, Hoàng Cầm, Hữu Loan… tất cả các anh ấy đều có một số phận không may và đã lần lượt kéo nhau ra đi về “Bến lạ” (tên một tập thơ của Đặng Đình Hưng). Và tôi lại trở thành một trong những kẻ sống sót để thụ hưởng những gì mà đáng lẽ các anh ấy đều được hưởng!
“Những năm đầu tiên tôi mới vào Sài Gòn, một buổi ngồi nói chuyện với nhà thơ Phan Vũ ở sân Nhà văn hóa quận 3, được anh đọc cho nghe một bài thơ. Nghe xong tôi nói với anh rằng tôi cảm giác bài thơ này có thể phổ nhạc được nhưng lúc ấy chưa định là sẽ phổ ra sao. Ngay tối hôm đó tôi đã viết “Em ơi, Hà Nội phố” trong nỗi nhớ của những ngày xa Hà Nội. Viết xong, hát cho anh Phan Vũ nghe, anh bảo âm nhạc đã làm cho bài thơ lung linh lên.
Lần đầu tiên bài hát được lên sóng phát thanh là năm 1987 với giọng hát của ca sĩ Lệ Thu. Cũng rất lạ, trước đấy Lệ Thu hát khá nhiều bài hát của tôi trên sân khấu kịch, có một lần cô ấy nói: “Sao anh chẳng cho em hát bài nào trên đài nhỉ”. Tôi đưa bài hát ấy cho Thu, nó vừa vặn và hợp với giọng hát cô ấy đến độ tưởng như bài hát ấy tôi “đo ni đóng giày” cho Thu. Sau này có nhiều người hát hay và thành công ca khúc này nhưng khán giả nói không ai hát hay hơn Lệ Thu lần đầu tiên ấy.
Tuy nhiên, bài hát cũng có số phận khá đặc biệt, đó là suýt nữa thì không được phát hành, và khi Nhà xuất bản Dihavina phát hành lần đầu thì bài Em ơi, Hà Nội phố đứng khiêm tốn ở mặt B trong danh mục ca khúc. Nhưng thật may là khán giả đã ưu ái và bài hát vẫn được nhiều người biết đến. Hơn nữa, bài hát này cũng mang đến cho tôi giải thưởng đầu tiên trong đời về âm nhạc”.
NGUYÊN VĂN BÀI THƠ “EM ƠI, HÀ NỘI PHỐ” CỦA PHAN VŨ
Em ơi! Hà – Nội – phố… Ta còn em mùi hoàng lan Ta còn em mùi hoa sữa. Tiếng giày ai gõ nhịp đường khuya? Cọt kẹt bước chân quen Thang gác Thời gian Mòn thân gỗ Ngôi sao lẻ lạc vào căn xép nhỏ…
Ta còn em chấm lửa Xập xòe Kỷ niệm… Một con đường Một ngôi nhà Khuôn mặt ai Dừng trong khung cửa… Những phong thư bỏ quên trong hộc tủ Không tên người, Không tên phố. Người gửi không tên. Ta còn em chút vang động lặng im, Âm âm tiếng gọi Trong lòng phố…
Em ơi! Hà – Nội – phố… Ta còn em một gốc cây, Một cột đèn Ai đó chờ ai? Tóc cắt ngang Xõa xõa bờ vai, Khung trời gió Con đường như bỏ ngỏ…
Ta còn em khăn choàng màu tím đỏ Thoáng qua Khuôn mặt chưa quen Bỗng xôn xao nỗi khổ Mỗi góc phố một trang tình sử.
Em ơi! Hà – Nội – phố… Ta còn em chuỗi cười vừa dứt Chút nắng còn le lói vườn hoang, Vàng ngọn cỏ. Cô gái khẽ buông rèm cửa, Anh chàng lệch mũ đi qua, Lời tỏ tình đêm qua dang dở… Ta còn em ngày vui cũ, Tàn theo mùa hạ. Tiếng ghita bập bùng tự sự, Đêm kinh kỳ thuở ấy xanh lơ…
Em ơi! Hà – Nội – phố… Ta còn em vầng trăng nửa Người phu xe đợi khách bến đầu ô. Tiếng rao đêm lạc giọng Ơ hờ… Căn gác trọ đường vào bằng cửa sổ Lão Mozart hàng xóm Bảy nốt cù cưa. Từng đêm quên giấc ngủ…
Ta còn em cây dương cầm Trong khung nhà đổ Lả tả trên thềm Bettho và sonate Ánh Trăng. Nốt nhạc thiên tài lẫn trong mảnh vỡ… Cô gái áo đỏ Venise Xa Hà Nội, Vẽ clavecin, Tập đàn Trên phản gỗ…
Ta còn em, một đêm lộng lẫy, Những tràng pháo tay vang dậy Cô gái dương cầm đứng giữa rừng hoa, Nước mắt lã chã trên tà áo đỏ Rồi một ngày tả tơi, Loạn gió Vườn Ngọc Hà Mất một mùa hoa. Đường Quan Thánh Bản giao hưởng ”Lặng Câm” Trong một ngôi nhà…
Ta còn em một đam mê, Một vật vã, Một dang dở, Một trống không, Một kiếp người, Những phím đàn long…
Em ơi! Hà – Nội – phố… Ta còn em ráng đỏ chiều hôm. Đôi chim khuyên gọi nhau trong bụi cỏ. Đôi guốc bỏ quên bên ghế đá Gã đầu trần thơ thẩn đường mưa…
Ta còn em một tên thật cũ Cổ Ngư Chiều phai nắng Cành phượng vĩ la đà Bông hoa muộn in hình ngọn lửa. Chiếc lá rụng Khỏi đầu nguồn gió Lao xao sóng biếc Tây Hồ Hoàng hôn xa đến tự bao giờ? Những bước chân tìm nhau Vội vội. Cuộc tình hờ bỗng chốc nghiêm trang…
Em ơi! Hà – Nội – phố… Ta còn em ngọn gió Nghi Tàm Thoáng mùi sen nở muộn. Nhớ Nhật Tân Mùa hoa năm ấy Cánh đào phai. Người dẫu ra đi vạn dặm dài. Gió ngọn vẫn vương hương phố cũ…
Em ơi! Hà – Nội – phố… Ta còn em cơn mưa rào qua nhanh Ướt bậc thềm Chiếc lá bàng đầu tiên nhuộm đỏ. Cô gái vội sang đường Chợt hồng đôi má. Một chút xanh hơn Trời Hà Nội Hôm qua… Ta còn em cô hàng hoa Gánh mùa thu qua cổng chợ Những chùm hoa tím Ngát Mùa thu…
Em ơi! Hà – Nội – phố… Ta còn em con đê lộng gió Dòng sông chảy mang hình phố. Cô gái dựa lưng bên gốc me già Ngọn đèn đường lặng thinh Soi bờ đá…
Ta còn em mùa nước đổ Mất tăm bãi Giữa Dòng sông Hồng Bè nứa xuôi nhanh, Con tàu nhổ neo, về bến. Hồi còi vọng Như một tiếng than dài: “Mùa này trăng vỡ trên sông”…
Ta còn em hàng cây khô, Buồn như dãy phố. Người bỏ xứ Quay nhìn lần cuối Đôi mắt nhòe với hạt sương tan “Người đi, ừ nhỉ, người đi thực!”… (1) Ly khách khẽ ngâm câu tống biệt Đành đoạn một lần dứt áo xanh.
Em ơi! Hà – Nội – phố… Ta còn em một Hàng Đào. Không bán đào. Một Hàng Bạc Không còn thợ bạc. Đường Trường Thi Không chõng, không lều Không ông nghè bái tổ vinh quy.
Ta còn em ngày đi Một nỗi mang tên nhớ. Ngày về phố cũ bỗng quên tên. Quên bậc đá, Quên mái hiên. Quên cây táo trồng ngay trước cửa. Thuở ấu thơ thỏa thích leo trèo… Ngày về ra rả tiếng ve Võng trưa hè kẽo kẹt “À ơi! Tùng tùng trống đánh ngũ liên Bước chân xuống thuyền Nước mắt như mưa…” Bài tập đọc Quốc văn giáo khoa thư Bà ru cháu ngủ Người về sững sờ bên cánh cửa, Tiếng ơi à… Gợi lại mảnh đời quên.
Em ơi! Hà – Nội – phố… Ta còn em chiếc xe hoa Qua hàng liễu rủ Cánh tay trần trên gác cao Mở cửa. Mùa xuân trong khung Đường phố dài Chi chít chồi sinh Màu ước vọng in hình xanh nõn lá Giò phong lan. Điệp vàng rực rỡ. Những gót son dập dìu đại lộ Bờ môi ai đậm đỏ bích đào?
Ta còn em tiếng trống tan trường. Màu thanh thiên lẫn trong liễu rủ Đêm hoa đăng tà áo nhung huyết dụ. Đất nghìn năm còn mãi dáng kiêu sa. Phường cũ lưu danh người đẹp lụa. Bậc thềm nào in dấu hài hoa?
Em ơi! Hà – Nội – phố… Ta còn em đường lượn mái cong Ngôi chùa cổ Năm tháng buồn xô lệch ngói âm dương. Ai còn ngồi bên gốc đại già? Chợt quên vườn hồng đã ra hoa. Chợt quên bên đường ai đứng đợi… Cuộc đời có lẽ nào Là một thoáng bâng quơ!
Có rất nhiều tác phẩm của nền nhạc xưa diễn tả về sự chia ly. Thế nhưng, theo thiển ý của DòngNhạcXưa, có thể nói không ngoa rằng “Biệt ly” của Dzoãn Mẫn là tác phẩm tiêu biểu nhất viết về sự ly biệt trong nền tân nhạc Việt.
“Biệt ly/ Nhớ nhung từ đây/ Chiếc lá rơi theo heo may/ Người về có hay…” – hơn bảy mươi năm nay, những ca từ đẹp như thơ và giai điệu mượt như nhung ấy đã chiếm lĩnh tâm hồn bao thế hệ. Khi viết “Biệt ly”, tác giả còn rất trẻ, chưa tới hai mươi tuổi, vậy nhưng nỗi nhớ thương, sầu tủi ẩn chứa trong lời ca thì vô cùng thấm thía. Chính “Biệt ly” chứ không phải tác phẩm nào khác sẽ đưa tên tuổi của tác giả – nhạc sĩ Doãn Mẫn – mãi mãi neo lại với thế gian.
Cùng với các nhạc sĩ: Nguyễn Xuân Khoát, Văn Chung, Đặng Thế Phong, Thẩm Oánh, Dương Thiệu Tước…; Doãn Mẫn còn được ghi nhận là một trong những người “khai sơn phá thạch” mở đường cho nền tân nhạc Việt Nam…
Nhạc sĩ Doãn Mẫn sinh năm 1919 tại làng Hoàng Mai, Hà Nội. Cụ thân sinh ra ông là một viên chức làm việc ở ga Hàng Cỏ. Mặc dù không theo nghề nhạc song cụ rất đam mê nhạc dân tộc, đặc biệt là “món” đàn bầu. Được cha hướng dẫn, từ nhỏ Doãn Mẫn đã biết chơi một số nhạc cụ truyền thống. Song ông không lấy đó làm ngón nghề mưu sinh. Sau khi tốt nghiệp trường Sư phạm, Doãn Mẫn vào làm một chân thư ký tại Bệnh viện Bạch Mai.
Không được học hành bài bản về âm nhạc nhưng với niềm khao khát bản năng, Doãn Mẫn tự mày mò trang bị kiến thức nhạc lý cho mình qua sách báo, mà chủ yếu là sách báo Pháp. Khi “vốn liếng” đã hòm hòm, ông chuyển sang việc đàn hát – thoạt đầu với tư cách một nhạc công, tiếp đó, ông bắt chước soạn lời (ta) cho các điệu nhạc Tây.
Sau này, nhạc sĩ Doãn Mẫn đã hồi cố lại cái thuở chập chững đến với âm nhạc của mình: “Vào khoảng năm 1936 -1937, khi phong trào âm nhạc cải cách phát triển, những ca khúc do người Việt Nam sáng tác xuất hiện thì tôi gặp lại Lê Yên, cũng không nhớ rõ trong hoàn cảnh nào. Chúng tôi rất vui được gặp lại nhau, cùng chung chí hướng trên con đường nghệ thuật mới mẻ… Yên và tôi thường bổ sung cho nhau về kiến thức âm nhạc và kinh nghiệm sáng tác, trao đổi tác phẩm, vì lúc đó chúng tôi đều là những người tự học, hoàn toàn sáng tác theo bản năng.…Cũng trong thời gian này (1936-1939), chúng tôi có thêm một người bạn chí cốt: Văn Chung. Là công nhân một nhà in tư nhân phố Hàng Điếu, cạnh rạp chiếu phim Olympia (rạp Hồng Hà ngày nay), Văn Chung là một con người tháo vát, có nhiều sáng kiến trong tổ chức biểu diễn và xuất bản, in ấn”.
Cũng theo hồi ức của Doãn Mẫn thì năm 1938, sau khi xuất hiện bản nhạc in đầu tiên được bán trên thị trường là bài “Hồ xưa” của Thẩm Oánh, nhạc sĩ Văn Chung đã chủ trương in các bài hát của mấy anh em (gồm Văn Chung, Lê Lôi và Doãn Mẫn) đứng tên nhà xuất bản Tricea (từ đó, giới âm nhạc thường gọi nhóm ba nhạc sĩ này là nhóm Tricea). Số lượng các bản nhạc được in ra mỗi lần vào khoảng 1.500 đến 2.000 bản, bán hết veo, vốn thu hồi nhanh.
Đến nay, có thể xem “Tiếng hát đêm thu” là ca khúc đầu tay của Doãn Mẫn. Nó ra đời năm 1937, với sự hỗ trợ phần lời của nhạc sĩ Văn Chung. Cùng năm đó, Doãn Mẫn còn có “Gió thu”. Tới năm 1939, người nhạc sĩ trẻ đã nhanh chóng bứt lên, trở thành một trong những tên tuổi sáng giá trong làng tân nhạc Việt Nam với ca khúc “Biệt ly” hiện vẫn là “bài ca đi cùng năm tháng”.
Cũng giống như nhà thơ Tế Hanh, kỷ niệm từ những lần thơ thẩn dạo chơi ngoài sân ga, chứng kiến bao sự biệt ly của những người vì nhiều lý do phải dứt áo chia tay nhau, đã viết nên những vần thơ đầy chua xót (bài “Ga”), Doãn Mẫn do có người cha làm ở Ga Hàng Cỏ, là nơi chứng kiến nhiều cuộc chia ly đầy bi lụy của bao gia đình, bao cặp tình nhân, đã xúc động viết nên ca khúc “Biệt ly”, nhạc phẩm để đời của ông.
Đây là nguyên văn ca từ của bài hát:
Biệt ly nhớ nhung từ đây Chiếc lá rơi theo heo may Người về có hay
Biệt ly sóng trên dòng sông Ôi còi tàu như xé đôi lòng Và mây trôi nước trôi Ngày tháng trôi cùng lướt trôi
Mấy phút bên nhau rồi thôi Đến nay bóng em mờ khuất Người về u buồn khắp trời Người ra đi với ngàn nhớ thương
Mấy phút bên em rồi thôi Dáng em sống trong hồn tôi Xa cách ta còn tìm đâu ngày vui
Biệt ly ước bao đường tơ Réo rắt trong muôn hương mơ Thành sầu tiễn đưa
Biệt ly ước mong hoàng hôn Êm đềm về ru ấm tâm hồn Người yêu đương cách xa Đành sống vui cùng gió sương.
Với một số nghệ sĩ, sau khi tác phẩm của họ được phổ biến rộng rãi, trở thành một thứ “huyền thoại” trong lòng công chúng, họ thường hay thêm thắt ít nhiều, như vẽ ra mối tình này mối tình nọ nhằm tô điểm thêm cho sự lãng mạn của đời mình. Doãn Mẫn không vậy. Khi được hỏi về các hình mẫu phụ nữ trong một số nhạc phẩm tiêu biểu của mình, ông thật thà: “Tôi bịa ra đấy. Tất cả chỉ là chuyện…bịa”. Nhân vật “em” trong “Biệt ly” cũng là trường hợp như vậy. Doãn Mẫn từng kể: “Tôi viết Biệt ly năm tôi vừa 20 tuổi. Hồi đó, cha tôi làm việc ở ga Hàng Cỏ, Hà Nội. Nhà ở gần ga nên tôi thường hay ra ga chơi, chứng kiến nhiều cuộc chia tay đầy nước mắt trên sân ga, nhất là những đôi trai gái yêu nhau nhưng vì hoàn cảnh phải ly biệt. Điều đó khơi dậy trong lòng tôi nhiều cảm xúc và tôi có ý định sáng tác một bài hát về đề tài chia ly. Tôi nghĩ rằng tôi sáng tác bài Biệt ly với rất nhiều kỷ niệm. Qua những cuộc chia ly mà tôi được chứng kiến ở sân ga Hà Nội, ở bến cảng Hải Phòng đã cho tôi rất nhiều xúc động. Tôi đã dự kiến làm bài Biệt ly này từ năm 1937, tức là năm tôi bắt đầu sáng tác. Nhưng mà rồi có nhiều trường hợp khác cho nên tôi lại viết về chủ đề khác, cho đến năm 39, có mấy việc dồn dập đến, tôi trở lại đề tài này”.
Nếu như nhiều ca khúc mới của nhóm Tricea thường được “thâm nhập cuộc sống” bằng cách, hoặc được tổ chức hát tại các gia đình, hoặc trong các dịp diễn kết hợp với các buổi chiếu phim lấy tiền giúp các hội từ thiện thì quá trình phổ biến của “biệt ly” cũng tương tự vậy. Theo như nhạc sĩ Doãn Mẫn thổ lộ thì lần đầu tiên ca khúc “Biệt ly” được công bố là vào năm 1940 ở Hà Nội. Người đầu tiên hát bài này là một giọng ca được yêu mến lúc bấy giờ, có tên là Phụng (tác giả không nhớ nghệ danh), nhà ở ngõ chợ Khâm Thiên. Cũng nhờ những buổi biểu diễn ở các rạp chiếu phim, phần nữa “do anh em ở trường Bưởi làm ca cảnh, cho nên Biệt ly mới được phổ biến”.
Khi được hỏi, đến nay, ai là người thể hiện ca khúc “Biệt ly” hay nhất, nhạc sĩ Doãn Mẫn tỏ ra khá thận trọng. Ông cho biết, có một thời gian dài, “Biệt ly” không được lên sân khấu. Nó chỉ được công diễn trở lại kể từ năm 1988. Và trong số các ca sĩ thể hiện bài hát mà ông trực tiếp “thẩm định” thì “có lẽ Lan Ngọc ở trong Nam và Thùy Dung ở ngoài Bắc là thể hiện được cái ý tình mà tôi muốn gửi gắm” (theo một bài viết in trên Báo Thanh niên). Doãn Mẫn cũng than phiền là nhiều người rủ nhau đi hát nhạc tiền chiến như một thứ “mốt”, song không mấy quan tâm tới việc hát thế nào cho đúng nhạc. Và ông than thở: “Nhiều bài của tôi được phối khí lại mà tôi còn chẳng nhận ra. Làm mới, không có nghĩa là làm khác đi”.
Sinh thời, nhạc sĩ Doãn Mẫn từng có tới 20 năm giữ chức Trưởng phòng Giáo vụ của Nhạc viện Hà Nội. Đó là thời gian ông “phải đi lo cả việc học viên có con nhỏ không ăn được thì phải làm thế nào, chỗ ăn, ở, nhà vệ sinh bẩn thỉu thì làm sao”. Nói chung, đó là quãng thời gian ông chỉ thuần túy với công việc hành chính, sự vụ chứ không sáng tác được gì. Và người từng được xem là một trong những nhạc sĩ có công khai mở nền tân nhạc Việt Nam chỉ sáng tác trở lại khi đã ở tuổi ngoại bảy mươi.
Trong sự nghiệp âm nhạc của mình, nhạc sĩ Doãn Mẫn chỉ sáng tác chừng 50 bài, trong đó, những ca khúc như “Biệt ly”, “Hương cố nhân” được xem là những nhạc phẩm xuất sắc nhất.
Nhạc sĩ Doãn Mẫn qua đời ngày 13 tháng 4 năm 2007. Rất nhiều người hay tin đã xếp hàng dài đến tiễn đưa ông về nơi an nghỉ cuối cùng. Điều này vừa là thể hiện sự mến mộ của người đời đối với những nhạc phẩm bất hủ của ông, vừa là thể hiện sự trân trọng của họ với một con người có nhiều phẩm chất đáng yêu, đáng mến. Không phải ngẫu nhiên mà nhạc sĩ Hoàng Giác (tác giả “Mơ hoa”) đã có lần phải thốt lên: “Người mà tôi quý nhất là anh Doãn Mẫn”