Nhong nhong nhong … Cha làm con ngựa (Thế Hiển)

Tiếp nối chủ đề “Ngựa trong âm nhạc Việt” [dongnhacxua.com] xin giới thiệu tiếp một sáng tác vui và nhiều ý nghĩa của nhạc sỹ Thế Hiển, bản “Nhong nhong nhong”. Hình ảnh người cha làm ngựa để vui đùa với con cái chắn hẳn là một kỷ niệm khó phai đối với tất cả chúng ta, dù ở bất kỳ độ tuổi nào, mỗi khi nhớ về một thời tuổi thơ, để thấy yêu thương các bậc sinh thành nhiều hơn.

CHA LÀM CON NGỰA
(Nguồn: tác giả Thụy Bình đăng trên BaoPhuYen.com.vn)

“Nhông nhông nhông cha làm con ngựa, để cho con, con cưỡi con chơi…” để cho con, cho con thật nhiều, nhiều như lá, như cây, như thác nước đại ngàn, như núi Thái Sơn bao la hùng vĩ…

 cha-lam-con-ngua--baophuyen.com.vn--dongnhacxua.com

Bây giờ con đã lớn khôn nhưng tuổi thơ con mang nặng tình yêu thương của ba còn mãi vẹn nguyên, tình yêu thương của ba dành cho con, tiếp cho con sức mạnh cứ mãi tròn đầy… Thế sao bây giờ ba không còn đủ sức chỉ để tự trở mình, chỉ để hé mắt nhìn đứa con gái thân yêu nơi xa về khi nghe tin “ ba bệnh nặng”?

…Con tròn 5 tuổi, vì nhiều lý do ba phải nghỉ “ hưu non” để mẹ con “đương chức”. Tháng hai lần, mẹ gồng gánh lương thực, thực phẩm thời bao cấp từ cơ quan cách hàng chục cây số về với bốn cha con, cả gia đình có được ngày Chủ nhật sum vầy. Những ngày còn lại trong tuần, bốn cha con “ nhông nhông” với nhau, ngựa con, ngựa bố sớm tối vui vầy. Ba nóng tính như lửa rơm, chóng cháy chóng tàn, trực tính, tầm phào và tốt bụng. Ba gánh vác nắng mưa, gánh vác nỗi niềm cho con trẻ, cho con sức mạnh, cho con niềm tin vững chãi bước đi trong cuộc đời. Con dần lớn khôn, giống mẹ-con yếu mềm, con hay tủi thân, hay khóc, hay mủi lòng… Ba vực con dậy trong nhiều lần vấp ngã, non nớt nào đâu con biết, ba cho con sức mạnh nhưng ba lại quay lưng giấu đi gương mặt méo xệch vìø cảm xúc…

Con nhớ, khi lên lớp 5, ba cho con lên trường huyện theo học lớp bồi dưỡng văn dự thi cấp tỉnh. Con bé nhỏ trên chiếc xe đạp quá khổ tuổi lên mười, với con, ba mạnh mẽ đi kèm sát bên cạnh như một sự che chở khôn cùng… thế mà con vụng về yếu đuối để chiếc xe thồ va quệt suýt té. Không yên lòng, ba cố công dỗ dành để con đồng ý không theo học nữa. Nhưng con tiếc, con buồn, con khóc và thầm giận ba suốt tháng dài… Vẫn cương quyết vô cùng nhưng ba lại thao thức, trăn trở thương con hiếu học! Ngày con dự thi tốt nghiệp cấp II, rồi cấp III, ba bỏ công việc, lo lắng, bồi hồi ngồi chờ con suốt buổi trước cổng trường, nhen thêm cho con ngọn lửa của sức mạnh, của niềm tin cho đến ngày tên con có trên “ bảng vàng”, ánh mắt ba bừng sáng mừng vui… Ngày con vào đại học, ba đưa con ra bến xe, lần đầu tiên con cảm nhận nhiều lắm về cuộc đời vì lần đầu tiên con đi bên cạnh người cha đang khóc, nước mắt ba mềm nhũn lòng con suốt quãng đường đưa tiễn, để 4 năm dài chốn giảng đường và mãi sau này con luôn mang theo hình bóng của ba ngày đó, nhớ về những giọt nước mắt của ba để con có thêm sức mạnh, để con hiểu rằng: buồn vui, hờn giận cũng phải biết nén lòng…

… Con đủ lông, đủ cánh bay đi, con cứng cỏi lên nhiều cũng là lúc con không được cùng ba nữa trong tuổi xế, tuổi chiều…. Ba cho chúng con trong hành trang mang theo cuộc đời mình có sự mạnh mẽ, tính nóng như lửa rơm, chóng cháy chóng tàn, trực tính, tầm phào và tốt bụng, tình yêu thương khôn cùng như  núi Thái Sơn bao la hùng vĩ…

THỤY BÌNH

[footer]

Ngựa phi đường xa (Lê Yên)

Tiếp nối hình ảnh ngựa trong dòng nhạc xưa, hôm nay chúng tôi mời quý vị trở lại với thời kỳ đầu của nền tân nhạc Việt Nam qua nhạc phẩm ‘Ngựa phi đường xa’ của nhạc sỹ Lê Yên. Theo nhiều nguồn thông tin mà chúng tôi sưu tập được thì bản này được nhạc sỹ Lê Yên cho phổ biến vào năm 1945. Có thể nói đây là bản nhạc đầu tiên đưa hình ảnh NGỰA vào âm nhạc.

Trước năm 1975, ‘Ngựa phi đường xa’ đã gắn liền với Ban Hợp Ca Thăng Long với khả năng giả tiếng ngựa hý độc đáo của ca sỹ Hoài Trung (tức Phạm Đình Viêm, người anh cùng cha khác mẹ với nhạc sỹ Phạm Đình Chương).

ĐÔI NÉT VỀ NHẠC SỸ LÊ YÊN
(Nguồn: Wikipedia)

Lê Yên tên thật Lê Đình Yên (1917 – 1998) là một nhạc sĩ tiền chiến nổi tiếng, thuộc thế hệ tiên phong của tân nhạc Việt Nam. Ông là tác giả của những ca khúc Bẽ bàngXuân nghệ sĩ hành khúcNgựa phi đường xa

Lê Yên sinh ngày 30 tháng 7 năm 1917 tại Đông Yên, Quốc OaiSơn Tây (nay thuộc Hà Nội). Ông tự học nhạc từ khi 14, 15 tuổi và biết kéo violonvioloncelle để tham gia vào các ban nhạc tài tử lúc đó, trình tấu nhạc cổ điển.

Lê Yên thuộc nhóm Tricéa cùng với Văn Chung và Doãn Mẫn. Họ cùng nhau chơi nhạc và bắt đầu sáng tác khi tân nhạc chưa chính thức hình thành. Lê Yên viết những ca khúc đầu tay Vườn xuânMột ngày vui khi 18 tuổi, vào năm 1935.

Năm 1935 ông viết bản Bẽ bàng, năm 1937 viết Xuân nghệ sĩ hành khúc và 1945 bài Ngựa phi đường xa. Những nhạc phẩm này vẫn được các ca sĩ của Sài Gòn trước 1975 trình diễn. Ngựa phi đường xa là một trong những ca khúc ban Thăng Long trình bày được khán giả yêu thích nhất.

ĐÔI NÉT VỀ NHẠC PHẨM ‘NGỰA PHI ĐƯỜNG XA
(Nguồn: tác giả Trầm Thiên Thu đăng trên ThanhLinh.net)

Trải qua hơn nửa thế kỷ, ca khúc “Ngựa Phi Đường Xa” vẫn căng đầy sức sống trong lòng người Việt ở mọi nơi.

Với tiết tấu nhanh và giản dị của nhịp 2/2, ca khúc này được viết ở âm thể Fa Trưởng, một dạng âm thể phổ biến, vẫn thể hiện được tiếng vó ngựa phi dứt khoát và oai hùng. Ca từ bình dị nhưng vẫn sâu sắc, đầy hình tượng và có vần điệu như thơ.

Mở đầu, NS Lê yên viết: “Ngựa phi, ngựa phi đường xa, tiến trên đường cát trắng trắng xóa, tiến trên đường nắng chói chói lóa, trên đồng lúa theo cánh chim trời bay trên cao, cánh đồng lúa in sắc chân trời mây lan xa”. Những hình ảnh rất quen thuộc và bình thường: cát trắng, nắng chói, đồng lúa, nhưng vẫn có gì đó “độc đáo” khiến người ta hình dung bóng ngựa lao nhanh đi xa…

Từ những hình ảnh quen thuộc đó, tác giả dẫn đưa người nghe vào một thế giới khác thuộc tinh thần:“Ngựa phi ngoài xa thật mau, lúc nguy nàn ta yêu thương nhau, lúc bên đời quyết sức phấn đấu, giống Tiên Rồng hết sức phấn đấu, cùng mây nước ta hát vang lừng trong nắng vàng, nhìn mây nước ta hát vang lừng trong nắng đào”. Hình ảnh Việt Nam nổi lên khi tác giả dùng cụm từ “giống Tiên Rồng”. Dân Việt được mệnh danh là con của Rồng, cháu của Tiên, dù gian khó nhưng luôn hăng say và nỗ lực phấn đấu vì Nước Việt mến yêu.

 Điều khiển ngựa không phải là dễ, phải luyện tập phi ngựa, phải có nghệ thuật và phải khéo léo cầm cương mới khả dĩ điều khiển ngựa theo ý mình, nhất là đối với những con ngựa chứng. Giai điệu đoạn nhạc này trầm xuống, thể hiện sự chú ý và nỗ lực của nài ngựa: “Ghìm từ từ ngọn đồi dốc, trèo từ từ, suối chân đèo nước chảy lừ đừ, sát bên dòng suối chảy lừ đừ, cờ tung gió bay ngựa bay phất phới, bờm tung gió bay đùa bay phất phới. Ghìm từ từ dừng trong gió ngàn vù vù, bước qua dồn cát bụi dạt dào, đường xa tắp bao bầy chim đón chờ”.

 Cả một cánh đồng mênh mông hiện ra như một bức họa, một kiệt tác: Ngựa phi khiến cát bụi mịt mù dọc theo dòng suối chảy êm đềm, trong khi gió vi vu lay ngàn cây xanh lá. Một bức họa đồng quê rất trữ tình và thơ mộng, đậm nét quê hương!

 Đoạn tiếp theo có giai điệu cao như lúc ngựa hí vang và chồm lên, rồi phi nước đại: “Ngựa phi trên con đường, hung hăng trên cánh đồng mênh mông, cất tiếng ca, chúng ta cười vang! Ngựa phi trên con đường, phi mau trong sương mờ đêm thâu, lao mình trong nắng mưa dãi dầu”. Ngựa vẫn dai sức phi ở mọi nơi, trong mọi thời tiết, dù ngày hoặc đêm, bất kể không gian và thời gian. Sức ngựa bền bỉ như vậy phải là ngựa giỏi lắm. Và nài ngựa cũng cảm thấy sảng khoái và hạnh phúc.

 Câu kết lặp đi lặp lại 4 chữ “ngựa phi đường xa” diễn tả vó ngựa tiến xa dần: “Ngựa phi, ngựa phi đường xa. Ngựa phi, ngựa phi đường xa. Ngựa phi, ngựa phi đường xa. Ngựa phi đường xa”. Ngựa cứ phi nhanh, phi xa,… không hề biết mệt mỏi.

 Mỗi chúng ta cũng như ngựa vẫn hí vang và chồm lên để vượt qua mọi nghịch cảnh.

Vết thù trên lưng ngựa hoang

Nhân dịp đầu xuân Giáp Ngọ 2014, [dongnhacxua.com] giới thiệu một bản nhạc nổi tiếng có liên quan đến “ngựa”: nhạc phẩm ‘Vết thù trên lưng ngựa hoang’, một sáng tác chung của nhạc sỹ Ngọc Chánh và Phạm Duy.

Trước hết, xin mời quý vị thưởng thức ‘Vết thù trên lưng ngựa hoang’ qua tiếng hát của Elvis Phương. Theo sự nhân định chủ quan của chúng tôi là chưa có ai hát bản này đạt như anh.

Để hiểu rõ hơn về bản nhạc này, chúng ta hãy quay về nửa cuối thập niên 1960, khi cuộc chiến Việt Nam ngày càng trở nên khốc liệt. Ngày ấy có một thành phần không nhỏ trong giới trẻ lớn lên theo cách tự phát, mất phương hướng và gần như đi bên lề của xã hội. Điều này đã được thể hiện rõ nét trong các tiểu thuyết về thế giới ngầm như ‘Loan mắt nhung’ của Nguyễn Thụy Long (viết năm 1967), ‘Điệu ru nước mắt’ của Duyên Anh (một bút hiệu của nhà văn Vũ Mộng Long, xuất bản năm 1965) hay ‘Vết thù hằn trên lưng con ngựa hoang’ (cũng của Duyên Anh, 1967).

‘Loan mắt nhung’ sau này được dựng thành phim rất ăn khách, trong đó bản nhạc nền ‘Loan mắt nhung’ do Huỳnh Anh sáng tác và Thái Châu ca cũng trở nên nổi tiếng. Trước đây [dongnhacxua.com] cũng đã có một bài viết giới thiệu ‘Loan mắt nhung’.

Còn trong ‘Điệu ru nước mắt’, Duyên Anh đã ‘thi vị hóa’ chuyện đời của đệ nhất giang hồ Sài Gòn – Đại ‘Cathay’ – để Đại trở nên phong trần hơn, lãng tử hơn. Có lẽ những ai theo dõi chuyện ‘bụi đời’ ngày trước sẽ không xa lạ với tứ đại giang hồ Đại-Tỳ- Cái -Thế: Đại ‘Cathay’, Huỳnh Tỳ, Ngô Văn Cái và Nguyễn Kế Thế. Trong đó, băng nhóm do Đại cầm đầu được cho là băng đảng có tổ chức tốt nhất. Để có được điều này, Đại đã khôn ngoan thâu nạp dưới trướng nhiều đàn em thuộc đủ mọi thành phần, có thực tài, biết dùng cái đầu chứ không phải chỉ biết đâm chém. Một trong số đó là Hoàng ‘guitar’, một tay giang hồ lãng tử với biệt tài chơi guitar.

Vết thù hằn trên lưng ngựa hoang (Duyên Anh). Ảnh: http://sachxua.net/forum/index.php?topic=8287.45
Vết thù hằn trên lưng ngựa hoang (Duyên Anh). Ảnh: SachXua.net

Sau sự thành công vang dội của ‘Điệu ru nước mắt’, từ tiểu thuyết cho đến phim cho đến nhạc (bản ‘Bao giờ biết tương tư’ cũng của Ngọc Chánh & Phạm Duy), đạo diễn Lê Hoàng Hoa dựng tiếp ‘Vết thù hằn trên lưng con ngựa hoang’ năm 1971 với diễn viên Trần Quang vào vai chính Hoàng ‘guitar’.

Trần Quang và Thanh Nga trong phim Vết thù trên lưng ngựa hoang, SX 1971, đạo diễn Lê Hoàng Hoa. Ảnh: ChutLuuLai.net
Trần Quang và Thanh Nga trong phim Vết thù trên lưng ngựa hoang, SX 1971, đạo diễn Lê Hoàng Hoa. Ảnh: ChutLuuLai.net

Sau những năm lăn lộn giang hồ, Hoàng ‘guitar’ gác kiếm, mai danh ẩn tích. Thế nhưng để giải quyết một hoàn cảnh túng thiếu ngặt nghèo, Hoàng quay trở lại giới giang hồ và nhận lời làm một phi vụ. Số phận đầy oan nghiệt, Hoàng đã bị bắn gục bằng những vết đạn hằn trên lưng.

Góp phần vào thành công của bộ phim không thể không kể đến nhạc phẩm “Vết thù trên lưng ngựa hoang” do nhạc sỹ Ngọc Chánh và Phạm Duy cùng sáng tác.

vet-thu-tren-lung-ngua-hoang--0--pham-duy--ngoc-chanh--amnhacmiennam--dongnhacxua.com

Vết thù trên lưng ngựa hoang (Phạm Duy - Ngọc Chánh). Ảnh: AmNhacMienNam.blogspot.com
Vết thù trên lưng ngựa hoang (Phạm Duy – Ngọc Chánh). Ảnh: AmNhacMienNam.blogspot.com

[footer]

Hòn Vọng Phu 3: Người Chinh Phu Trở Về

Phần 3 và cũng là phần cuối của trường ca Hòn Vọng Phu là sự trở về của người chinh phu. Với nét nhạc tài hoa và lời ca chắt lọc, nhạc sỹ Lê Thương đã lột tả được hết nỗi đau xót của người chồng, người cha khi biết tin vợ đã không còn nữa. Cũng đâu đó tiếng vó ngựa nhưng trong phần 3 không phải là sự bịn rịn và lòng quyết tâm lúc ra đi trong phần 1 mà là sự nô nức muốn đoàn tụ với gia đình của những người lính trận. Thế nhưng sự nghiệt ngã luôn là một phần không thể thiếu của bất kỳ cuộc chiến nào, từ cổ chí kim!

Hòn Vọng Phu 2: Ai Xuôi Vạn Lý

Phần 2 của trường ca Hòn Vọng Phu là nỗi mong chồng đến tuyệt vọng của người cô phụ. Tạo hóa chắc cũng cảm động trước sự hy sinh của người phụ nữ trong thời phong kiến xa xưa nên đã ban tặng cho non sông Việt Nam chúng ta nhiều tuyệt tác thiên nhiên mang tính biểu tượng cho nỗi niềm “vọng phu”. Xem thêm Wikipedia

Ở đây nhạc sỹ Lê Thương đã lồng ghép hình ảnh hòn vọng phu với dãy Trường Sơn chạy dọc đất nước và chín nhánh sông Cửu Long, vẽ nên một bức tranh hùng vỹ, gợi nhớ về một thời cha ông chúng ta đã đổ máu để gìn giữ và mở mang bờ cõi.

Hòn Vọng Phu 1: Đoàn Người Ra Đi

Nối tiếp chủ đề “Trường ca”, hôm nay chúng tôi trân trọng giới thiệu đến quý vị yêu nhạc xưa bản thứ nhất trong chuỗi ba bản “Hòn Vọng Phu” của cố nhạc sỹ Lê Thương (1914-1996), một trong những cây đại thụ có công khai sáng nền tân nhạc Việt Nam. Mượn hình ảnh “hòn vọng phu”, Lê Thương đã tài tình kết hợp âm nhạc ngũ cung của dân tộc với giai điệu hiện đại của tân nhạc để cho ra đời bản trường ca đầu tiên và cũng được xưng tụng là hay nhất trong nền nhạc Việt.

Trong phần 1, còn có tên “Đoàn người ra đi”, qua nét nhạc hào hùng và lời ca bi tráng, chúng ta nhưng thấy hết được hồn thiêng sông núi qua buổi xuất quân của các bậc tiền nhân.