Cũng viết về xuân xưa, những mùa xuân khi đất nước còn vương khói lửa chiến tranh nhưng “Mùa xuân trên đỉnh bình yên” là một bức tranh với sắc màu hoàn toàn khác mà trong đó chúng ta như bước vào một thế giới thoát tục để tâm hồn thật sự tĩnh lặng mà đón một mùa Xuân bình an. Hòa trong không khí Xuân Bính Thân 2016, [dongnhacxua.com] xin trân trọng giới thiệu sáng tác đặc sắc này của nhạc sỹ Từ Công Phụng.
Nguyễn Phước Nguyên: Trong bài “”Mùa Xuân Trên Đỉnh Bình Yên”” có đoạn: “Xin đỉnh yên bình, một mùa xuân ôm kín chân trời của tuổi thơ thôi rã, thôi rời. Xin đừng làm bão tuổi đôi mươi, một vòng tay khắc khoải buông xuôi. Từng niềm vui bay theo biển gió. Hãy ôm trọn, ôm trọn tuổi Xuân…” Nhạc của Từ Công Phụng chuyên chở rất nhiều những tiếc nuối, những xót xa vời vợi như thế. Từ những nỗi buồn xa xưa của “Bây Giờ Tháng Mấy” cho đến trong CD mới nhất – “Mưa Trên Ngày Tháng Đó”, xin cho biết Từ Công Phụng nhìn và nói về nỗi buồn của mình trong âm nhạc ngày xưa và ngày nay ra sao? Giống nhau chỗ nào, khác nhau chỗ nào?
Từ Công Phụng: Ở cái tuổi quá 50 của tôi hiện nay, không còn là cái tuổi mộng mơ của thuở hồng hoang, mà cũng chưa phải là cái tuổi nhìn thấy bóng hoàng hôn dưới chân đồi. Chúng tôi lớn lên và sống trong hoàn cảnh của đất nước đã trải qua quá nhiều biến động vì chiến tranh. Không phải đợi đến lúc xế chiều chúng tôi mới nhận thức được những mất mát lớn lao của tuổi trẻ trong thời ấy, mà ngay từ lúc bấy giờ chúng tôi đã nhìn thấy những mong manh, những ngơ ngác, những mất mát đớn đau theo dòng đời mà chúng tôi đã bị cuốn hút vào trong ấỵ. Từ đó tôi mới có một niềm mơ ước thật nhỏ nhoi dành riêng cho những đôi tình nhân trong thời tao loạn thể hiện qua bản “Mùa Xuân Trên Đỉnh Bình Yên”. Tôi mơ ước có một nơi chốn thật bình yên cho đôi tình nhân dung thân, không còn những muộn phiền vây quanh, ở đó họ sẽ tận hưởng một mùa Xuân thật nồng ấm để tiếp nối dòng đời tự ngàn xưa. Và qua bài này tôi cũng có ý nhắn nhủ những đôi tình nhân hãy nâng niu cái hạnh phúc của tuổi trẻ, vì cuộc đời không là bao mà hạnh phúc thật mong manh như một giọt nắng tan. Dường như những người bạn cùng viết nhạc một thời với tôi đều có man mác một nỗi buồn như nhau, vì chúng tôi cùng sống trong cùng một bối cảnh quê hương mang nhiều vết hằn chiến tranh. Cho nên bài hát nào trong thời ấy cũng len lén những nỗi buồn mà nhịp độ tùy theo ấn tượng của mỗi người. Trong khoảng hơn 30 năm chiều dài sáng tác, dĩ nhiên những nỗi buồn trong các ca khúc của tôi có những sự khác biệt. Ở thập niên 60, là những giòng nhạc lãng mạn thời mới lớn, mới chớm biết yêu, hàm chứa những nỗi buồn man mác nhẹ nhàng như Bây Giờ Tháng Mấy, như Mùa Thu Mây Ngàn, như Bài Cho Em, như Tuổi Xa Người, Đêm Độc Thoại, Lời Cuối, Trời Về Đêm Mưa hay Còn Một Buổi Chiều… “
Nhạc xuân của Việt Nam chúng ta thật đa dạng cả về giai điệu và phong cách. Nhiều bài có giai điệu dễ nghe và ca từ bình dị, đi sâu vào đại chúng như “Câu chuyện đầu năm” của Hoài An hay “Xuân này con không về” của Nhật Ngân. Hôm nay DòngNhạcXưa xin giới thiệu đến người yêu nhạc xưa một bản nhạc đầy tính “bác học”, viết theo thể điệu valse bay bổng của cố nhạc sỹ Dương Thiệu Tước: bản “Bến xuân xanh”, sáng tác năm 1949 .
” Một bậc sư trong nghệ thuật dung hợp cái rất Tây và rất Ðông trong tân nhạc là Dương Thiệu Tước. Ông vua của tiết điệu bán cổ điển Tây phương trong nhạc Việt đã cống hiến cho chúng ta bản luân vũ được coi là hay nhất của Việt Nam, ca khúc “Bến Xuân Xanh”.
Dương Thiệu Tước sáng tác “Bến Xuân Xanh” rất công phu. Tác phẩm dài tổng cộng 180 trường canh (gấp ba một bài luân vũ trung bình có 64 trường canh, như “Thu Vàng” của Cung Tiến) và được viết bằng âm giai “Do trưởng”, loại âm giai được coi là “sáng”. (Xin có đôi lời về nhạc thuật ở đây: giới sáng tác nhạc cho âm giai “Ré giáng trưởng” và “La giáng trưởng” là âm giai “dịu” nhất. Âm giai “Sol thứ” và “Si thứ” là âm giai “buồn” nhất. Âm giai “Do trưởng” và “Fa trưởng” là âm giai “sáng” nhất)
Vì thế, “Bến Xuân Xanh” đòi hòi ca sĩ phải trình bày đúng âm giai nguyên thủy. Khi nghe một người trình bày không đúng “ton” (thí dụ người hát không lên được những nốt cao nhất của bài hát, phải hạ xuống một hay hai “cung”) thì ông hơi hơi buồn. Ðoạn biến khúc của “Bến Xuân Xanh” được Dương Thiệu Tước chuyển sang âm giai “La giáng trưởng” trở nên êm dịu lạ thường trước khi về lại cung “Do trưởng” trong sáng.
Nhạc sĩ Dương Thiệu Tước còn soạn phần nhạc mở đầu (introduction) và kết thúc (Coda) thật vi vút, du dương. Lời ca trong “Bến Xuân Xanh” tràn đầy thơ, nhạc, hoa, nắng, gió và sóng nước: toàn những biểu tượng lung linh rực rỡ của Mùa Xuân. Khi Dương Thiệu Tước vừa tạ thế ở trong nước, trong dịp tưởng niệm ông ở hải ngoại, 12 năm về trước, nhạc sĩ Nghiêm Phú Phi đã nhắc tới bản luân vũ này với lòng khâm phục. Không thua kém gì các nhạc khúc về sông nước nổi tiếng của Tây phương!
Ngoài “Bến Xuân Xanh” độc đáo nói trên, Dương Thiệu Tước có soạn ba bài khác về Mùa Xuân, là “Vui Xuân”, “Vườn Xuân Thắm Tươi”, và “Tìm Xuân”. Nhưng chỉ cần viết một “Bến Xuân Xanh” thôi, Dương Thiệu Tước đã xứng đáng với một chỗ đứng sáng chói trong nền tân nhạc Việt Nam …”
Trong không khí Xuân Bính Thân 2016, [dongnhacxua.com] xin trân trọng giới thiệu một nhạc phẩm nổi tiếng của nhạc sỹ lão thành Nguyễn Văn Đông: “Phiên Gác Đêm Xuân”. Ra đời trong bối cảnh chiến trang nên chắc chắn “Phiên Gác Đêm Xuân” có vương màu khói lửa. Thế nhưng nếu nghe kỹ, người yêu nhạc dễ nhận ra tâm sự của người lính thời chiến cũng không khác gì mấy so với tâm trạng của những đứa con xa nhà thời bình vào mỗi dịp xuân về. Nhân dịp đầu xuân, [dongnhacxua.com] xin kính chúc nhạc sỹ Nguyễn Văn Đông dồi dào sức khỏe và vui hưởng tuổi già cùng con cháu và hàng triệu người mến mộ các sáng tác của ông qua nhiều thế hệ!
Vào năm 1956, đơn vị tôi đóng quân ở Chiến khu Đồng Tháp Mười, được xem là mặt trận tiền tiêu nóng bỏng vào thời bấy giờ. Khi ấy, tôi mang cấp bực Trung úy, mới 24 tuổi đời, còn bạch diện thư sinh. Tuy hồn vẫn còn xanh nhưng tâm tình đã nung trong lửa chín ở quân trường. Chính tại Đồng Tháp Mười, vùng đất địa linh nhân kiệt, đã gợi hứng cho tôi sáng tác những bản hùng ca như Súng Đàn, Vui Ra Đi, một thuở được hát vang trong Chiến dịch Thoại Ngọc Hầu. Rồi tiếp sau đó là các bản nhạc Phiên Gác Đêm Xuân, Chiều Mưa Biên Giới, Sắc Hoa Màu Nhớ được ra đời cũng tại vùng đất thiêng này. Khi đi vào vùng hỏa tuyến, là chàng trai trẻ độc thân, với một mối tình nho nhỏ thời học sinh mang theo trong ba-lô, tôi bước nhẹ tênh vào cuộc chiến đầu đời.
Ngày đó Đồng Tháp Mười còn là đồng không mông quạnh, lau sậy ngút ngàn, dân cư thưa thớt, sống co cụm trên những gò đất cao giữa vùng đồng lầy nước nổi quanh năm. Người ở hậu phương lúc bấy giờ nhìn về Đồng Tháp Mười như là vùng đất bí hiểm với những huyền thoại Lúa Ma nuôi quân đánh giặc, về Tổng Đốc Binh Kiều, Thiên Hộ Vương thời chống Pháp qua những trận đánh lẫy lừng ở Gãy Cờ Đen, Gò Tháp mà chiến tích được tạc vào bia đá ở Tháp Mười Tầng còn lưu lại đến ngày nay. Mùa xuân năm đó, đơn vị tôi đóng trên Gò Bắc Chiêng, có tên là Mộc Hoá, nằm sát biên giới Việt Nam-Campuchia, sau này là Tỉnh lỵ Kiến Tường. Đơn vị cũa tôi đã có những cuộc giao tranh đẫm máu vào những ngày giáp tết trên những địa danh Ấp Bắc, Kinh 12 và tuyến lửa Thông Bình, Cái Cái, Tân Thành. Dù vậy, mùa xuân vẫn có cánh én bay về trên trận địa và hoa sen Tháp Mười vẫn đua nở trong đầm dù bị quần thảo bởi những trận đánh ác liệt. Cứ mỗi độ xuân về, sông Vàm Cỏ lại mang về từng đàn tôm cá từ biển hồ Tông Lê Sáp, vượt vũ môn theo đám lục bình trôi về vùng Tam Giác Sắt, như nhắc nhở Bộ Tư Lệnh Tiền Phương Đồng Tháp Mười lập danh sách cho những người được về quê ăn Tết. Vì còn độc thân nên tên tôi được ưu tiên ghi vào Sổ Nhật Ký Hành Quân và ở lại đơn vị trong những ngày Tết. Dù không ai nghĩ có đánh nhau ngày đầu năm nhưng quân lệnh phãi được tuân hành nghiêm chỉnh. Trước ba ngày Tết, tôi được lệnh lên chốt tiền tiêu, tăng cường cho cứ điểm, mang theo chiếc ba-lô với chút hành trang lương khô, cùng tấm ảnh cũa người em gái hậu phương, cũng là cơ duyên sau đó để tôi viết nên bài tình ca Sắc Hoa Màu Nhớ.
Tiền đồn cuối năm, đêm 30 Tết, trời tối đen như mực, phút giao thừa lạnh lẽo hắt hiu, không bánh chưng xanh, không hương khói gia đình. Tôi ngồi trên tháp canh quan sát qua đêm tối, chỉ thấy những bóng tháp canh mờ nhạt bao quanh khu yếu điểm như những mái nhà tranh, chập chờn dưới đóm sáng hỏa châu mà mơ màng về mái ấm gia đình đoàn tụ lúc xuân sang. Thay cho lời chúc Tết là tiếng kẻng đánh cầm canh và tiếng hô mật khẩu lên phiên gác. Vào đúng thời điểm giao thừa, ngọn đèn bão dưới chiến hào thắp sáng lên như đón chào năm mới thì cũng là lúc những tràng súng liên thanh nổ rền từ chốt tiền tiêu. Khi ấy vào buổi tinh mơ của trời đất giao hòa, vạn vật như hòa quyện vào trong tôi, có hồn thiêng của sông núi, có khí phách của tiền nhân. Tôi nghe tâm hồn nghệ sĩ của mình rộn lên những xúc cảm lạ thường, làm nảy lên những cung bậc đầu tiên của bài Phiên Gác Đêm Xuân:
“Đón giao thừa một phiên gác đêm chào Xuân đến súng xa vang rền. Xác hoa tàn rơi trên báng súng ngỡ rằng pháo tung bay ngờ đâu hoa lá rơi…”
Rồi mơ ước rất đời thường:
“Ngồi ngắm mấy nóc chòi canh mơ rằng đây máinhà tranh mà ước chiếc bánh ngày xuân cùng hương khói vương niềm thương…”
Bài Phiên Gác Đêm Xuân được ra đời trong hoàn cảnh như thế, cách đây nửa thế kỷ, đánh dấu một chuỗi sáng tác của tôi về đời lính như Chiều Mưa Biên Giới, Mấy Dặm Sơn Khê, Sắc Hoa Màu Nhớ, Khúc Tình Ca Hàng Hàng Lớp Lớp, Xin Đừng Trách Anh, Lá Thư Người Lính Chiến, Anh Trước Tôi Sau, Lời Giã Biệt… vân vân. Sau ngày 30 tháng Tư năm 75, các bản nhạc này cùng chung số phận tan tác như cuộc đời chìm nổi của tôi.
[dongnhacxua.com] xin được tiếp nối dòng nhạc xuân bằng bản “Nhánh lan rừng” của nhạc sỹ Thế Hiển. Ra đời cách đây đúng 40 năm, ca khúc này như một nhành lan âm thầm góp chút hương sắc cho vườn nhạc Xuân nhiều màu sắc của tân nhạc Việt Nam.
Ở tuổi ngoài 50, NSƯT Thế Hiển vẫn còn hăm hở mang lời ca, tiếng hát đi khắp nơi để xoa dịu nỗi đau cho những mảnh đời bất hạnh, trở thành nhịp cầu kết nối những số phận không may.
Ra đời gần tròn 26 năm, ca khúc Nhánh lan rừng của nhạc sĩ Thế Hiển không chỉ là một hồi ức đẹp về một loài hoa, một bài hát sinh ra trong thời hoa lửa mà đã trở thành một thương hiệu của những hành trình từ thiện đầy ắp tình người. Ở tuổi ngoài 50, Thế Hiển vẫn còn hăm hở mang lời ca, tiếng hát đi khắp nơi để xoa dịu nỗi đau cho những mảnh đời bất hạnh.
Một hình tượng đẹp
Năm 1986, Thế Hiển cùng nhóm xung kích Đoàn Ca múa nhạc Bông Sen đi biểu diễn phục vụ bộ đội tình nguyện Việt Nam tại mặt trận 479 ở Campuchia. Tuy chỉ có 10 ngày cùng sống và hát biểu diễn với anh em chiến sĩ nhưng cũng chính tại đây, Thế Hiển nhận ra tinh thần lạc quan, yêu đời và những mơ ước đơn sơ, giản dị của người lính chiến đấu xa quê hương.
Thời ấy, ở rừng Siem Reap, hoa lan đua nhau nở, nhất là giữa những vách núi chênh vênh 2 bên bờ suối. Sau những giờ hành quân, chiến sĩ rủ nhau đi tìm nhánh lan rừng đẹp nhất về treo quanh lán trại. Anh vẫn nhớ như in có một chiến sĩ quê ở TPHCM khoe: “Anh Hiển ơi! Em sắp được về phép rồi. Lúc đó, em sẽ mang nhánh lan rừng về tặng cho người yêu. Em ước mơ và chờ mong được trở về TP vào mùa xuân này”.
Hình ảnh nhánh lan rừng vẫn sống, vẫn ra hoa giữa rừng cây chết cháy vì bom đạn và câu chuyện xúc động của người lính trẻ đó đã khiến Thế Hiển xúc động, những giai điệu của Nhánh lan rừng từ đó ùa về trong nguồn cảm hứng dạt dào: “Về thăm thành phố náo nức mùa xuân. Ba lô trên lưng đơn sơ nhánh lan rừng. Có người chiến sĩ áo vương bụi đường xa, đi giữa dòng người trên phố phường đông vui”.
Hình ảnh chiến sĩ mang ba lô cài nhánh lan rừng náo nức đi về TP giữa mùa xuân thật đẹp và ý nghĩa. Nó tượng trưng cho niềm tin yêu, sự lạc quan vào một ngày mai sum họp. Thế nhưng, chiến tranh ác liệt, có được bao người lính mang nhánh lan rừng về sum họp với gia đình, với người yêu? Có những người đã nằm xuống, mãi lỡ hẹn với mùa xuân, với mối tình đẹp như nhánh lan rừng. Song Thế Hiển không đưa hình ảnh này vào bài hát vì muốn giữ một tinh thần yêu đời, lạc quan để làm món quà động viên cho người lính: “Gửi muôn lời hát trong tâm tư người lính trẻ, vẫn hẹn ngày trở về trọn vẹn bao ước mơ…”.
Những hành trình không mỏi
Người ta gọi Thế Hiển là nhạc sĩ của lính và hè phố khi có hàng loạt sáng tác về đời lính gian khổ cũng như những mảnh đời bất hạnh trong cuộc sống. Để có được những ca khúc đầy sức sống ấy, trái tim Thế Hiển đã bao lần trăn trở trước những phận đời mà mình bắt gặp trên mỗi chặng đường đi qua.
Năm 1991, Thế Hiển ra Hà Nội gặp những đứa trẻ lang thang, cơ nhỡ sống bằng nghề đánh giày, bán vé số, những em bé nằm co ro bên vỉa hè, góc phố giữa đêm mưa giá rét… và ca khúc Dấu chấm hỏi đã ra đời. Một lần đến thăm thương binh ở Quân y viện 175, bài hát Những giọt nước mắt từ đôi mắt không còn được viết dành tặng cho những người thương binh không còn đôi mắt lành lặn.
Không chỉ có những sáng tác đồng cảm với số phận con người, Thế Hiển còn ôm đàn hát với những mảnh đời bất hạnh trên khắp đất nước. Còn nhớ live show xuyên Việt mang tên Nhánh lan rừng qua các tỉnh – thành của anh, diễn ra khoảng năm 2004 – 2005 đã giúp đỡ cho rất nhiều bà mẹ Việt Nam anh hùng, học sinh, sinh viên, trẻ em nghèo khó…
Sau thành công của Nhánh lan rừng, hành trình xoa dịu nỗi đau của Thế Hiển được tiếp tục bằng chương trình Những khúc tâm ca đường phố. Chương trình không nằm ngoài mong muốn đóng góp vào quỹ từ thiện của các tỉnh – thành nơi chương trình đi qua.
Người ta gọi Thế Hiển là “Nhánh lan rừng nở mãi” bởi hôm nay đã bước qua tuổi 50 nhưng người nhạc sĩ – ca sĩ này vẫn còn sung sức, đầy đam mê, nhiệt huyết để tiếp tục những hành trình nhân văn của mình. Là ủy viên ban chấp hành Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật TPHCM từ năm 1998 đến nay, Thế Hiển đều đặn tham gia các chương trình từ thiện, đến các mái ấm, trường học, ôm đàn ngồi ca hát vô tư, hồn nhiên với mọi người. Những cuộc hành trình không mệt mỏi là vậy nhưng Thế Hiển vẫn khiêm tốn cho rằng âm nhạc của mình chỉ là một chiếc cầu nhỏ, nối nhịp giữa lòng hảo tâm và những số phận không may mắn cần được hỗ trợ và đáp đền trong xã hội.
Nói về hành trình từ thiện, Thế Hiển chưa bao giờ nghĩ mình sẽ dừng lại lúc nào, không biết khi nào kết thúc. Bởi “Nhánh lan rừng” Thế Hiển vẫn còn khát khao cất vang lời ca, tiếng hát; bởi những tấm lòng nhân ái vẫn luôn đồng hành ủng hộ những việc làm của anh để mang đến cho đời những niềm vui. Vì thế, dấu chân người nhạc sĩ của những phận đời lam lũ sẽ còn in ở rất nhiều nơi anh đi qua.
Tiếp nối dòng nhạc ngày xuân, [dongnhacxua.com] trân trọng giới thiệu một bản tình ca lãng mạn ra đời trong thời bao cấp đầy khó khăn: “Mùa xuân bên cửa sổ” của nhạc sỹ Xuân Hồng. Cũng là về chiến tranh, về người lính nhưng trong ca khúc của nhạc sỹ Xuân Hồng, phỏng theo ý thơ của Song Hảo, chúng ta chì thấy toát lên tình yêu đôi lứa, hòa trong bức tranh đầm ấm ngày xuân.
NỤ HÔN TRONG CA KHÚC CỦA NHẠC SỸ XUÂN HỒNG (Nguồn: chieulang.com.vn)
Ở phương Tây, nam nữ yêu nhau có thể hôn nhau ở bất cứ đâu mà họ muốn. Ở Việt Nam thì không như vậy. Họ hôn nhau, trao cho nhau tình cảm yêu đương ở một không gian riêng, thầm kín, tế nhị chứ không phải tự nhiên như người phương Tây. Nếu như một cô gái nào đó được hôn trước mặt mọi người họ sẽ thấy thẹn thùng, mắc cỡ. Chính vì thế việc đưa hình ảnh nam nữ hôn nhau vào trong tác phẩm làm cho các nghệ sĩ phải cân nhắc. Trong văn học, điện ảnh, các tác giả thường đưa “nụ hôn” vào trong tác phẩm của mình nhưng chắc chắn mỗi tác giả đều phải cân nhắc, chắt lọc hình ảnh sao cho hợp lí. Vì nụ hôn là một trong những biểu hiện tình cảm cao nhất của con người. Trong ca khúc âm nhạc của nước ta từ xưa tới nay ( tính tới năm 1985- thời điểm mà ca khúc Mùa xuân bên cửa sổ của nhạc sĩ Xuân Hồng ra đời) nếu nhắc đến nụ hôn thì cũng nói xa xa gần gần: yêu em mặn nồng, đôi môi ngọt ngào, nụ hôn nồng ấm…chứ ít người mạnh dạn đưa “nụ hôn”vào trong tác phẩm như trong Mùa xuân bên cửa sổ của nhạc sĩ Xuân Hồng: “Cao cao bên cửa sổ có hai người hôn nhau.“
Có thể có nhiều người trước đó sáng tác ca khúc có đề cập đến nụ hôn, nhưng vì ít phổ biến rộng rãi ít được chú ý như cái cách của nhạc sĩ Xuân Hồng.Vì vậy, một giai điệu đẹp kết hợp với hình ảnh nam nữ hôn nhau trong ca khúc này được khơi gợi như một bức tranh đẹp- bên cửa sổ có đôi trai gái yêu nhau, trao cho nhau nụ hôn cháy bỏng, tình yêu của một anh lính và một cô công nhân trẻ, trong niềm vui, niềm hạnh phúc của mùa xuân đất nước. Mọi người hát và ca ngợi tình yêu đẹp, trong sáng của người lính theo cách riêng của nhạc sĩ Xuân Hồng. Vì thế nên mọi người chú ý. Vì được chú ý nên không tránh khỏi việc mọi người khen chê, bình phẩm. Cũng nhắc đến nụ hôn trong bài Cây đàn ghi ta của đại đội ba của ông: “Khi chia tay nhau lên đường chiến đấu/ Bao người yêu dấu tiễn bước chân/ Nhớ bao tấm lòng, chiếc hôn thắm nồng./ Để lại bao nỗi nhớ mênh mông…” nhưng cũng không được chú ý, bàn luận nhiều như nụ hôn trong ca khúc Mùa xuân bên cửa sổ của nhạc sĩ Xuân Hồng-thơ Song Hảo.
Nhạc sĩ Xuân Hồng tên thật là Nguyễn Xuân Hồng sinh ngày 12 tháng 12 năm 1928 ở Tây Ninh. Những người biết nhạc của ông, yêu nhạc của ông gọi ông là Nhạc sĩ của mùa xuân. Ông có 3 tác phẩm viết về xuân: Xuân chiến khu, Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh và Mùa xuân bên cửa sổ.Với ba ca khúc về mùa xuân ra đời trong ba hoàn cảnh, không gian khác nhau nhưng đều toát lên một điểm chung là tinh thần lãng mạn, lạc quan cách mạng của ông.
Ca khúc Mùa xuân bên cửa sổ được sáng tác năm 1985. Đất nước ta vẫn trong thời bao cấp. Những năm đầu của thập niên 80, việc đưa từ Nụ hôn vào trong tác phẩm thơ, tác phẩm Âm nhạc là điều hiếm thấy, không hề đơn giản tí nào, việc cho nhân vật của mình hôn nhau, dù là ở trong nhà của họ, bên cửa sổ của họ và dù ở đâu chăng nữa cũng vẫn là một việc làm khá… táo bạo trong tình hình nước ta vẫn còn nặng tư tưởng phong kiến, một hai “gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc”.Việc hôn nhau bình thường trước mặt mọi người đã không xảy ra thì trong ca khúc cũng rất khó thể hiện. Thế mà tác giả nữ Song Hảo mạnh dạn đưa vào thơ Nụ hôn cháy bỏng của một mối tình có thật vào trong thơ thật tự nhiên và lãng mạn. Để rồi Nụ hôn ấy bắt nhịp cùng với Âm nhạc của nhạc sĩ Xuân Hồng làm nên một ca khúc để đời: Mùa xuân bên cửa sổ -Bài hát đến nay ( gần 30 năm )vẫn được nhiều người yêu mến, nhiều thí sinh chọn ca khúc này để dự thi trong các cuộc thi hát..
Từ Nụ hôn đã từng làm cho tác giả thơ bị phê bình còn nhạc sĩ Xuân Hồng bị chê là …thô thiển, kém tế nhị trong sáng tác. Trong quán cà phê, nếu chủ quán mở bài hát này, có người nghe bụm miệng cười, đỏ mặt ( không biết đang mắc cỡ hay nghĩ gì đó ), hoặc nói …nhạc gì kì vậy…Có người còn mỉa mai tác giả : “Ai thích hôn thì cứ hôn, việc đó mà cứ bô bô cái mồm, chẳng ra thể thống gì nữa, hắn là cái thá gì mà khi hôn bắt người khác phải… im lặng. ”
Mặc dù có một thời, một số người nào đó chê bài hát, hay ngượng khi hát, khi nghe ca khúc này nhưng quả thực những chê bai đó thật thiển cận. Ca khúc Mùa xuân bên cửa sổ đã góp phần làm nên tên tuổi nhạc sĩ Xuân Hồng. Đánh dấu một giai đoạn sáng tác mới của ông trong thời kì đất nước đổi mới , góc nhìn của văn nghệ sĩ cũng thoáng hơn, mới mẻ hơn. Hầu hết những người có chuyên môn cao về Âm nhạc đều khâm phục tài phổ thơ của nhạc sĩ Xuân Hồng. Thực ra, với Mùa xuân bên của sổ không thể nói là phổ thơ mà phỏng thơ mới đúng. Câu chữ trong bài thơ khác với câu chữ trong ca khúc nhưng vẫn giữ được ý của bài thơ, chấp cánh cho thơ của Song Hảo đến gần với khán giả hơn.
Như trên đã nói, nhạc sĩ Xuân Hồng chỉ mượn hai câu thơ đầu và ý thơ để làm nên tác phẩm. Cái tài của ông trong việc chắt lọc ý thơ, sáng tác các ca từ theo cảm xúc thật của mình mà không làm mất cái tinh thần chính của bài thơ. Ngược lại, cách dùng từ của ông, âm nhạc của ông đã làm cho bài thơ bay lên, đẹp như một đóa hoa tỏa hương ngan ngát. Đây là đoạn thơ trong bài thơ Bên cửa sổ của nữ thi sĩ Song Hảo mà nhạc sĩ Xuân Hồng mượn để chấp cánh cho cảm hứng sáng tác đoạn mở đầu ca khúc này:
“Cao cao bên cửa sổ Có hai người hôn nhau Hai người rất trẻ Hãy im nghe Rì rầm đường phố Bên cửa sổ có hai người hôn nhau Đêm chín rồi Rất khẽ
Trăng ơi ghen nhé Có hai người yêu nhau Hoa dạ lý Dâng hương Đêm nay Hoa tinh tường hơn cả Nhớ nghe hoa Mùi hương thật khẽ…”.
Và đây là đoạn ca từ trong ca khúc:
“Cao cao bên cửa sổ Có hai người hôn nhau Đường phố ơi hãy yên lặng Để hai người hôn nhau Chim ơi đừng bay nhé Hoa ơi hãy tỏa hương Và cây ơi lay thật khẽ Cho đôi bạn trẻ đón xuân về”.
Đối chiếu hai đoạn thơ và nhạc, ta thấy phần nhạc gọn ghẽ hơn, khi đọc lên ta thấy vẫn giữ cấu tứ của thơ, đủ sức khái quát những gì mà tác giả thơ muốn đặt ra nhưng chắc chắn giàu nhạc cảm hơn nhiều.
Từ bài thơ Bên cửa sổ của nữ thi sĩ Song Hảo, nhạc sĩ Xuân Hồng đã viết nên một bản tình khúc chan chứa tình đời. ” Mùa xuân đâu chỉ có hoa thơm và nắng hồng. Cuộc đời còn có cả những nụ hôn” Bài hát có hai đoạn đơn, viết bởi nhịp 2/4 giọng rê thứ hòa thanh có biến âm.
Giai điệu của bài hát được viết với tốc độ chậm rãi, tha thiết, nhẹ nhàng và rất duyên dáng. Người hát thường thể hiện bài này với điệu slowrock sâu lắng vì có nốt đen kết hợp với chùm ba đơn. Giai điệu của ca khúc còn hay ở chỗ tác giả dùng nhiều dấu hóa bất thường, nhiều dấu luyến láy …tạo nên giai điệu mềm mại, uyên chuyển để thể hiện tình yêu cháy bỏng của lứa đôi. Ở đoạn 1, tác giả dung âm hình chủ đạo rất đơn giản,với cách thể hiện tình cảm nhẹ nhàng, tự sự, sâu lắng. Sang đoạn 2 – đoạn phát triển-giai điệu đột nhiên nhảy lên một quãng 8 với một nốt trắng kéo dài sang nốt móc đơn ( 2 phách rưỡi) tạo cho người nghe một cảm giác khác thường, thoải mái, gây sự chú ý đặc biệt: Khi mặt trận bình yên anh lính về thăm phố, cô gái vừa tan ca/ Họ hẹn nhau và chờ nhau, cùng khát khao hạnh phúc/ Họ đón nhau và mùa xuân cũng theo về….Giai điệu tiếp tục phát triển thành cao trào rồi giải quyết cao trào một cách tinh tế và kết thúc ở âm chủ của điệu thức. Ôi hạnh phúc đâu chỉ có cơm ngon và áo đẹp, mùa xuân đâu chỉ có hoa thơm và nắng hồng, cuộc đời còn có cả những nụ hôn…
Tôi sinh ra và lớn lên ở thời bình. Chiến tranh như một huyền thoại, một truyền thuyết đối với tôi nhưng được biết về một mối tình của môt anh lính và cô công nhân qua ca khúc của cố nhạc sĩ Xuân Hồng đối với tôi là một niềm hạnh phúc lớn. Là một trong những thế hệ đi sau ông trong lĩnh vực sáng tác luôn khâm phục tài năng phổ thơ của ông, tinh thần lạc quan, lãng nạn của ông. Đặt biệt học tập ông cách dùng từ sao cho tự nhiên, giàu hình ảnh và nhạc cảm. Nhạc sĩ Xuân Hồng viết ca khúc này trong một hoàn cảnh đất nước đã yên bình, ông đã mở rộng tầm nhìn, bắt nhịp cho nguồn cảm hứng mới để viết nên ca khúc lãng mạn làm say đắm lòng người. Ông là người đầu tiên mạnh dạn đưa từ “nụ hôn” vào trong ca khúc của mình một cách tự nhiên, ngọt ngào và quyến rũ.
Vào khoảng những năm 1980, khi Việt Nam còn trong thời bao cấp và cuộc sống còn rất nhiều khó khăn, những cậu bé như chúng tôi vẫn còn rất vô tư và mong đợi Xuân về để chỉ được đi lượm pháo và “ăn thịt heo cho thật đã”. Ngày đó, những món bánh kẹo mà bây giờ con cái chúng tôi cho là quá bình thường cũng trở thành những món đặc sản. Dẫu rằng mỗi thời mỗi khác, chúng ta khó mà kéo lùi bánh xe lịch sử, tuy nhiên qua [dongnhacxua.com] chúng tôi muốn thế hệ trẻ phần nào cảm nhận được những gì gọi là lịch sử để qua đó tiếp tục kế thừa và phát huy truyền thống dân tộc Việt Nam chúng ta.
NHẠC SỸ TRẦN CHUNG VÀ BÀI HÁT “EM ƠI, MÙA XUÂN ĐẾN RỒI ĐÓ” (Nguồn: BaoBinhDinh.com)
Năm 1976, nhạc sĩ Trần Chung đi công tác ở các tỉnh phía Nam và có dịp tiếp xúc với các bạn trẻ là thanh niên xung phong. Tiếp xúc với đối tượng ấy, Trần Chung cảm thấy ở họ một sức sống sôi nổi và mãnh liệt, hồn nhiên, yêu đời. Họ rất thích ca hát. Những bài hát hay viết về họ mà họ ưa thích chưa nhiều.
Trần Chung nghĩ ngay đến một bài hát không hẳn viết riêng cho các bạn thanh niên xung phong mà là viết về sức sống, tuổi trẻ của họ. Anh mong muốn bài ca ấy sẽ được họ yêu thích.
Lần gặp gỡ ấy qua đi. Chẳng mấy chốc mà năm mới sắp đến. Thiên nhiên rậm rịch một sức sống mới. Trần Chung lại nghĩ đến những bạn trẻ ngày nào, với nhiều kỷ niệm. Bỗng nhiên trong anh tuôn trào ra mạch âm nhạc:
Em ơi mùa xuân đến rồi đó
Thắm đỏ ngàn hoa sắc mặt trời
Dưới hình thức người con trai nói với người con gái, bài hát “Mùa xuân đến rồi đó” ra đời như một bản tình ca. Chàng trai nói với cô gái nhiều điều về cuộc đời, đất nước, về những chuyện rộng lớn tưởng như ít liên quan đến họ mà thực ra lại rất thiết thực với cuộc sống, với hạnh phúc, công việc của họ. Cuộc đời riêng gắn với cuộc đời chung:
Nghe không gian mênh mông trong lời ca yêu thương đến với muôn đời, xuân ước vọng ngàn năm lại tới
Rồi:
Qua bao nhiêu đau thương thấy mùa vui theo chim én lướt bay về
Ríu rít ngang trời, chim hót chào bàn tay dựng xây trên tầng cao
Mùa xuân đến rồi đó không có ý nói nhiều đến một mùa xuân cụ thể. Tác giả không dừng lại miêu tả những cảnh sắc mùa xuân như trong truyện Kiều:
Cỏ non xanh tận chân trời
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa
Trong bài hát, những “ngàn hoa thắm đỏ”, những “chim én lướt bay về” chỉ cốt tạo không khí, gợi một chút ít xuân, điều cốt yếu là tác giả nói đến sức sống mãnh liệt, dồi dào, tiềm tàng của tuổi trẻ, nói đến mùa xuân với ý nghĩa khái quát tượng trưng. Mùa xuân là biểu tượng của sự sống, của sức vươn lên, trỗi dậy.
Chủ đề âm nhạc của bài hát xuất hiện bằng những âm hình khá đơn giản, chủ yếu là những nốt đen kế tiếp trong nhịp 2/2 nhưng khi hát lại ngắt chứ không liền mạch tạo nên một hiệu quả rậm rịch, rạo rực, biểu hiện mùa xuân thiên nhiên đang đến, sức sống của tuổi trẻ đang dồi dào.
Phần sau, tiết tấu có nhanh, theo nhịp đến hối hả, mùa xuân và tuổi trẻ đang sung mãn.
…Nghe không gian mênh mông trong lời ca yêu thương đến với muôn đời…
Mùa xuân 1978, tác giả giới thiệu bài hát trên làn sóng phát thanh. Bài hát Mùa xuân đến rồi đó đã nhanh chóng đến với quần chúng. Rạo rực, sôi nổi, không ồn ào, không lên gân. Ngắn gọn, giản dị nhưng vẫn sâu sắc, dễ hát mà đường nét giai điệu lại mới mẻ.
Và Mùa xuân đến rồi đó lại vang lên mỗi dịp xuân về một cách rạo rực, xốn xang…
Ra đời vào thập niên 1990, “Hoa cỏ mùa xuân” của nhạc sỹ Bảo Chấn đã góp thêm vào vườn nhạc xuân một bông hoa riêng, lung linh sắc màu. Giai điệu nhanh, vui tươi và lời ca dung dị, nhạc sỹ Bảo Chấn đã thổi một làn gió mát vào “hơi thở mùa Xuân”. Nhân dịp Xuân Bính Thân 2016, [dongnhacxua.com] xin trân trọng giới thiệu “Hoa cỏ mùa xuân” và kính chúc quý vị xa gần một mùa Xuân an khang, thịnh vượng.
“Này là cỏ non rất mềm/Này mùa xuân rất hiền/Này là hoa rất thơm…”.
Không rõ người khác có cảm nhận như thế nào khi nghe ca khúc “Hoa cỏ mùa xuân” của nhạc sĩ Bảo Chấn, riêng tôi, mỗi khi lời của ca khúc ấy cất lên, tôi có cảm giác như mình đang thong dong giữa mảnh đất quê nhà, khi mùa xuân về đầy sắc màu của cỏ hoa, đầy hương vị ngọt ngào của hương đồng gió nội.
Quê tôi, một vùng quê của miền Trung chập chùng với những ngọn đồi nối tiếp nhau, ngọn cao, ngọn thấp. Đó là vùng quê nghèo, đất cằn cỗi, mùa hạ nắng như lửa đốt, đông về gió lạnh từ núi thổi ra tê tái thịt da. Ấy thế mà xuân về, những loại cây cỏ xanh mượt cùng biết bao loài hoa đủ màu, trắng, vàng, hồng, tím ngoài cánh đồng mênh mông gió cứ đua nhau nở như có lời hẹn trước. Trên những con đường, những bờ ruộng chỉ mấy tháng trước còn đầy bùn do lũ lụt, thế mà vào đầu tháng Chạp, từ trong lòng đất, bao nhiêu mầm non đã nhú lên. Những lùm hoa cỏ qua mùa rét giờ cũng thay áo, phủ lên mình bộ cánh mới, nõn nà.
Tôi dám đoán chắc rằng, trên thế giới này, không có nhà khoa học nào thống kê được ở những cánh đồng, ở những bờ bụi của các làng quê có bao nhiêu loài hoa nở vào mùa xuân. Khó, khó lắm, vì quá nhiều! Có những loài hoa mà một cánh có đến ba hoặc bốn màu, trông lộng lẫy, đó là hoa giằng xay. Có những loài hoa đêm về tỏa hương thơm ngát cả lối đi như hoa dủ dẻ đang vừa hé nụ. Có loài hoa nở trắng trên những mảnh đất dọc lối đi như hoa xuyến chi hay nở vàng thành đám bên triền sông như hoa cúc dại, thành rừng như hoa lau hoặc hoa đuôi chồn…
Đi giữa rừng hoa cỏ của mùa xuân ở làng quê là đi giữa muôn sắc màu và giữa muôn mùi hương lạ hòa quyện vào nhau, mộc mạc, thanh khiết. Chưa kể mỗi loài hoa còn mang trong mình một câu chuyện cổ tích hay một truyền thuyết đậm màu sắc dân gian. Này đây, một chàng trai nhà nghèo yêu một cô gái nhà giàu, nhưng duyên không thành vì nhà gái đòi lễ cưới quá lớn để rồi khi bi kịch diễn ra, đôi trai gái qua đời đã biến thành hoa xuyến chi. Này đây, có tiên nữ trên thượng giới một lần đánh rơi chén ngọc, bị đày xuống trần gian, biến thành hoa trân châu kiêu sa…
Tuổi thơ tôi đi qua những mùa hoa cỏ đậm màu cổ tích ấy. Thú vị biết bao, những buổi chiều chạy nhảy bên những sườn đồi hay những thửa ruộng ngan ngát hương thơm. Trên kia là trời xanh vời vợi với những cánh én đã qua mùa trú đông, bay về chao liệng, và chung quanh là muôn trùng những loài hoa cỏ của mùa xuân.
Dù rằng chốn đô thành ngày nay, mỗi độ Tết về, các loại hoa quý hiếm được bày bán khắp các đường phố nhưng mấy ai từng sống ở các làng quê lại không nhớ về những mùa hoa cỏ, những mùa hoa chốn hương đồng gió nội như nhà thơ Quang Sang từng viết:
… Có bao loài hoa chúng mình chưa thuộc tên nhưng mãi hiện lên khi mùa xuân tới ơi, những loài hoa của nhớ nhung vời vợi của thời tuổi thơ chân đất bên đồng của những chiều chạy nhảy ở bến sông nghe bờ bên kia tiếng trống thập thùng vào mùa lễ hội…
Lấy cảm hứng từ hai câu ca dao: “Mẹ già như cưới chín cây, Gió lay mẹ rụng, con rày mồ côi”, nhạc sỹ Trần Long Ẩn đã bổ sung vào dòng nhạc Việt một sáng tác có giá trị về tình mẫu tử. Đây cũng là nhạc phẩm được hát rất nhiều vào mỗi dịp Xuân về. Hôm nay 23 tháng chạp Ất Mùi (01.02.2016), trước thềm năm mới, [dongnhacxua.com] xin trân trọng giới thiệu bản “Mừng tuổi Mẹ” của nhạc sỹ Trần Long Ẩn.
“Lên non mới biết non cao, Có con mới biết công lao mẹ già!”. Tình yêu của người mẹ hiền dành cho mỗi chúng ta, không thể nói hết bằng lời.
Tình mẹ, một tình cảm thiêng liêng, cao quý luôn hiện hữu trong mỗi người con dành cho đấng sinh thành của mình. “Lên non mới biết non cao, Có con mới biết công lao mẹ già!”. Tình yêu của người mẹ hiền dành cho mỗi chúng ta, không thể nói hết bằng lời. Và cho dù có đi, ở đâu thì đúng thật, không ai tốt, chăm sóc, lo lắng cho chúng ta bằng chính cha mẹ…
Mọi người chúng ta ai cũng được sinh ra và lớn lên trong vòng tay âu yếm của mẹ hiền. Vẫn biết bên mình có biếtt bao nhiêu người thân yêu – đến trường ta có bạn bè thân thương, có ngôi trường thương mến, có thầy cô kính yêu hằng ngày vỗ về, dạy dỗ … nhưng chắc chẵn có ai không cảm nhận được tình yêu thương đầy ắp, nồng ấm của người mẹ hiền đi theo ta đến suốt cuộc đời là cao cả nhất.
Tình yêu đó cứ lớn dần theo năm tháng, đến bây giờ khi bước chân vào trường trung học phổ thông ta mới phần nào hiểu được tình yêu thiêng liêng của mẹ.
Một sớm mai thức dậy, ta đã cảm nhận được bàn tay mẹ hiền ôm ấp đêm qua, giờ đây lại chuẩn bị nắm cơm buổi sáng trước lúc ta đến trường. Khi ta vào lớp, bàn tay mẹ lại tần tảo nắng mưa ngoài nương rẫy lo cho ta buổi cơm thường nhật, từng manh áo ấm trong những tiết trời lập đông. Cứ thế, tình mẫu tử luôn hiện hữu, cứ mãi che chở, mơn trớn, vỗ về, yêu thương, trìu mến trên mỗi nẻo đường con đến lớp.
Tình mẹ tràn đầy như mặt nước hồ thu buổi sớm mà vẫn chân chất, mộc mạc, gần gũi tinh tươm tựa trang giấy học trò. Có lẽ khi con người còn chưa biết mặt chữ thì tình mẫu tử đã thể hiện đủ đầy, lung linh như ánh trăng rằm trong những câu ca dân gian xưa. Nay trên tất cả các phương tiện trao đổi thông tin, nghệ thuật, hình ảnh người mẹ lại càng được tôn vinh hơn nhưng chắc vẫn chưa bao giờ đủ để nói lên sự hy sinh và tình yêu người mẹ dành cho ta.
Từ tấm bé, khi biết cảm nhận cuộc đời, tình mẹ luôn dần lớn lên bên con theo năm tháng…
“ Ầu ơ … ví dầu cầu ván đóng đinh, Cầu tre lắc lẻo gập ghềnh khó đi, Khó đi mẹ dắt con đi…”
Câu hát ru con bất ngờ của nhà ai hàng xóm trong đêm sâu quạnh quẽ của miền quê có lẽ cũng đủ đưa ta theo nguồn yêu thương của tình mẹ bao la! Tình mẹ thể hiện mọi nơi trên trái đất này với bất kỳ không gian nào. Một sớm mai trong bài giảng của Thầy ở lớp, vẫn còn nhớ như in câu hò đầm ấm, du dương mà mênh mông tình mẫu tử:
“Hò ơ! Mẹ già như chuối chín cây, Gió lay mẹ rụng… gió lay mẹ rụng … con phải mồ côi!”
Buổi chiều về, đem cảm xúc này thổ lộ với Ba, con lại nghe Ba sụt sùi tiếc thương đã một lần lầm lỡ khi vô tình để mẹ buồn lúc tuổi thời cắp sách. Ba rất sợ mồ côi chăng? Có lẽ thế! Mồ côi với tình yêu thiêng liêng bất tận! mồ côi bàn tay chăm bẵm tự buổi sơ sinh! Mồ côi sự chở che từ tấm bé! Mồ côi ngay cả lúc đã là người lớn như Ba! Mồ côi sự nuông chiều trong thời thơ dại! Mồ côi cả trong buổi xế chiều!… Ba chỉ ngậm ngùi đọc câu ca dao xưa cũ:
“Công cha như núi Thái sơn. Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”.
Ta chợt rùng mình sợ hãi thật sự nếu trên đời này, ta hay bất kỳ ai lỡ thiếu vắng đi một tình yêu thương của mẹ hiền!
Một đêm sốt xoàng thôi ta đủ biết mẹ chẳng bao giờ yên giấc, bàn tay mẹ nhẹ nhàng sờ trán thăm khám nhiệt độ, đắp chăn, tất tả lo thuốc men, rồi mẹ nấu lá xông mà khi nhỏ ta cứ ngỡ nồi lá xông là thuốc thần để con hết bệnh!
“Con ho lòng mẹ tan tành, Con sốt lòng mẹ như bình nước sôi”.
Cơn sốt của con đã là cơn lửa đốt lòng mẹ! Cơn ho của con chắc đã làm khuôn mặt mẹ thêm hằn những vết chân chim!
Hình ảnh người mẹ luôn bên đời ấm áp, mãi hy sinh, chở che! Cất tiếng khóc đầu tiên chào đời là ta đã nằm trọn trong tình yêu thương đó. Từng bước đi chập chững trước tiên của đời người, ai đã cầm tay ta dắt đi từng bước một? Khi lỡ ngã đau, ai lên tiếng xít xoa? Cảm nhận được nổi đau lúc này là ai ngoài mẹ? Ai mừng vui nhất khi ta cất tiếng nói bi bô? Khi bước chân vào trường, đằng sau ta không bao giờ thiếu vắng cặp mắt dõi theo đầy lo lắng của mẹ hiền! Và có ai tả được ánh mắt mừng vui của mẹ mỗi khi ta được điểm mười ?
Giờ đây, khi ngồi trên ghế nhà trường với những trang sách mới thơm tho như còn phảng phất mùi hương lúa mới đồng quê và những giọt mồ hôi tảo tần của mẹ, với bộ trang phục màu xanh hôm nay đây chắc không thiếu đi niềm hy vọng cho con nên người tự miền quê xa lắc! Khi phố lên đèn ta chắc mẹ mới rời công việc đồng áng, thoăn thoắt bước chân về nhà dưới làn sương đêm mà mẹ chưa một lần ta thán!
Còn nhớ như in những lúc học bài khuya, mẹ vẫn thức cùng con và ngồi bên may vá, khâu lại từng chiếc khuy, đắp bạ từng mãnh vai áo đã sờn. Ngồi bên con, chắc mẹ sợ con thức khuya không đủ sức mai dậy sớm đến trường, mẹ lại tất tả lo cho con từng ly nước cam ngọt lịm tình yêu thương. Đến khi con chim nhạn lạc bầy kêu sương đâu đó giữa không gian miên mang của đêm miền quê xứ Quảng, con lại lo rằng để mẹ cùng thức quá khuya làm sao ngày mai mẹ tiếp tục ra đồng dưới nắng?
Cũng đã có nhiều lần phạm lỗi, sau cái nhìn nghiêm khắc của mẹ, ta vẫn nhận được sự vỗ về bằng những lời khuyên mộc mạc, chân tình nhưng lắng sâu nỗi bao dung. Mỗi lần như vậy, con như lớn thêm lên, cứng cáp hơn lên và tự hứa với lòng sẽ không bao giờ phạm lỗi. Ta có biết đâu tuổi thơ vẫn cứ êm đềm trôi đi trong lúc lưng mẹ ngày thêm còng xuống theo dấu ấn nghiệt ngã của tháng năm, lỗi lầm xưa con e rằng chưa có dịp nào chuộc lại, tóc mẹ lại trắng thêm khi ta chưa kịp nên người!
Ngày tựu trường phổ thông trung học chuyên, hai mẹ con rụt rè trên phố như không khí “ngày tựu trường đầu tiên” của Thanh Tịnh. Trong trang phục của quê nghèo lạ lẩm tại góc phố phồn hoa nhưng con vẫn cảm nhận được sự rắn rỏi, cứng cáp của mẹ để con vững tin mà tiếp xúc môi trường mới mẻ. Có ai đó thì thầm xót xa, ái ngại nhưng có gì đâu? Người ta có thể có nhiều thứ hơn nhưng con vẫn tin rằng con đã có một gia sản quí nhất trên đời chưa chắc ai sánh kịp đó là tình mẹ của con!
Hôm nay trên chiếc xe đạp mẹ mua cho con vẫn còn thơm mùi sơn mới, con đến trường trong niềm hân hoan như đang trong vòng tay mẹ, con đã tiếp cận môi trường mới, thầy cô mới, bạn bè mới trong veo tuổi thơ học trò, con chắc vẫn không bao giờ thiếu sự lo lắng, nhớ thương của người mẹ hiền tần tảo.
Cuộc đời mẹ là cả một đời mãi hy sinh cho con, tình yêu của mẹ dành cho con mênh mông như trời biển vẫn như câu ca dao xưa đó thôi: “Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”, và nước trong nguồn vẫn luôn chảy mãi như để tình mẹ luôn tồn tại vĩnh hằng!
Giờ đây, khi còn ngồi trên ghế nhà trường, tưởng như báo đáp công ơn trời biển của mẹ bằng cả sự quyết tâm học hành của con! Con hứa với mẹ con sẽ giữ mãi màu xanh đồng phục của con bên cạnh bạn bè con, của trường con luôn trong sáng như niềm tự hào của chính con, như niềm hy vọng ngọt ngào vô tư của mẹ hiền dành cho con.
Mẹ ơi! Tình mẹ thật bao la! Con chỉ là đứa bé thích luôn được nằm trong vòng tay âu yếm, trìu mến của mẹ, của gia đình! Con nguyện sẽ gắng học thật tốt để rèn luyện bản thân con nên người, góp một phần nhỏ bé cho xã hội, đem lại nguồn vui, niềm hy vọng cho mẹ, cho gia đình thương yêu của mình.
Tác giả : Cô học trò nhỏ, con gái của độc giả Trần Thị Sương, đang học lớp 10 chuyên Hóa Trường THPT chuyên Lê Quí Đôn (Đà Nẵng)
Tiếp nối dòng nhạc xuân, [dongnhacxua.com] xin trân trọng giới thiệu một bài hát rất phổ biến thời “bao cấp”, những năm 1980: bản “Mùa xuân, làng lúa, làng hoa” của nhạc sỹ Ngọc Khuê, một nhạc sỹ sinh ra và lớn lên ở miền Bắc. Không gian chúng ta sống có thể khác nhau, chính kiến chúng ta có thể khác nhau nhưng cảm nhận về mùa Xuân thì ngàn đời vẫn vậy. Đó là thời khắc giao mùa, là lúc muôn hoa đua sắc, đất trời thay đổi để cho lòng mình cũng thay rộn rã giao hòa với cảnh vật và con người xung quanh!
(HNM) – Ở phía bắc Thủ đô, làng lúa giờ không còn và làng hoa bị thu hẹp nhưng mỗi khi Tết đến, ca khúc “Mùa xuân, làng lúa làng hoa” của nhạc sỹ Ngọc Khuê lại vang lên, nó gợi lại những gì mượt mà, đẹp đẽ của một thời. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với nhạc sỹ Ngọc Khuê, tác giả của ca khúc này.
– Thưa nhạc sỹ Ngọc Khuê, nhiều người đã nghe ca khúc “Mùa xuân, làng lúa làng hoa” của ông, nhưng vẫn biết rất ít về ông?
– Quả đúng như vậy. Dù trước và sau khi viết “Mùa xuân, làng lúa làng hoa” tôi cũng đã sáng tác tới gần 300 bài hát, trong đó có ca khúc “Hạt nắng hạt mưa” từng đoạt giải thưởng… nhưng nhiều người khi cứ nhắc tới Ngọc Khuê là nhớ tới “Mùa xuân, làng lúa làng hoa”. Có người còn gọi tôi là “ông làng lúa làng hoa” nữa (cười). Tôi sinh năm 1947, là con thứ 5 trong một gia đình có 6 anh chị em ở Hoài Đức (nay là Hà Nội). 18 tuổi, tôi bắt đầu rời quê hương, gia đình để bước vào cuộc đời quân ngũ, sau đó trở thành một trong những người lính pháo cao xạ bảo vệ cầu Hàm Rồng. Rồi tới năm 1974 thì được chuyển về Đoàn Văn công Phòng không – Không quân, làm diễn viên hát. Rồi gắn bó với Quân chủng Phòng không – Không quân đến lúc nghỉ hưu.
– Ca khúc “Mùa xuân, làng lúa làng hoa” được ông viết trong hoàn cảnh nào?
– Như nhiều nhạc sỹ khác, từ lâu tôi muốn viết một ca khúc về Hà Nội, đặc biệt là về mùa xuân Hà Nội, nhưng viết mãi mà chưa thành. Tôi muốn ca khúc ấy sao cho nó là của riêng nhưng mọi người vẫn có thể thấy mình trong đó. Cho tới một chiều mùa đông năm 1981, khi đạp xe đi thăm người bạn ở gần hồ Tây, tôi mới phát hiện ra rằng hồ Tây không chỉ có hoa. Phía bên Xuân La, Xuân Đỉnh còn là “làng lúa”. Lâu nay người ta thường gọi đó là những cánh đồng lúa xanh mướt hay chín vàng. Nhưng tôi muốn ví đó là những “làng lúa”. Sự “phát hiện” đó cộng với hình ảnh những “làng hoa” ấp ủ viết bấy lâu đã giúp tôi bật ra câu hát: “Lúa ơi thơm ngát cho em hát cùng người/Bởi lúa yêu cuộc đời nên xanh thắm ruộng đồng…”. Câu hát đầu tiên ấy đã xuất hiện và nhờ đó, về nhà tôi đã viết xong bài hát.
– Ông có thể nói kỹ hơn?
– Cảm xúc của buổi chiều cuối năm 1981 ngay giữa thiên nhiên đó đã giúp tôi hoàn thành đoạn chính của bài hát trước. Đến khi về nhà tôi mới ngồi viết phần đầu và phần kết của bài hát. Tôi viết hai phần này thật khó khăn, nhất là đoạn mở đầu: “Bên lúa, anh bên lúa/Cánh đồng làng ven đê/Hồ Tây xanh mênh mông, trong tươi thắm nắng chiều/Làng em làng hoa, hoa thơm ngát bốn mùa…”. Tôi đã thử bằng nhiều cách khác nhau để bắt đầu bài hát, cuối cùng thấy hợp lý khi lấy âm hưởng của một điệu hò để thể hiện sự lấp lánh của mặt gương hồ Tây, sự dào dạt êm ả của sóng nước, sóng lúa. Đó là một sự giao duyên tình tứ rất mộc mạc nhưng lại vô cùng đằm thắm của những đôi trai gái mà tôi nghĩ rằng chỉ có những làng mạc lâu đời, trù phú mà thanh lịch ven hồ Tây Hà Nội mới có. Rồi đến đoạn kết của bài hát, vừa là cao trào của âm nhạc vừa là một tình cảm như đột ngột bừng dậy của tình yêu đôi lứa. Đến đây thì hồ Tây chỉ còn lại như cái cớ, như điểm tựa để nhường chỗ cho tình ca, cho tình yêu và hạnh phúc của con người. Với tôi, lúa và hoa như một biểu tượng đẹp đẽ nhất của cuộc sống. Làng lúa – làng hoa, cả mùa xuân nữa dường như mới chỉ bắt đầu.
– Nghe nói bài hát này còn “nhắm” tới một cô gái?
– Quãng những năm 1978 hay 1979 gì đó, tôi có quen một cô gái và thú thật cũng rất muốn viết ca khúc để tặng. Đôi khi chúng tôi chở nhau trên chiếc xe đạp lòng vòng trên những con đường ven Hồ Tây. Tôi nảy ra ý định “mượn” những làng hoa ven hồ để làm cái cớ. Định như vậy rồi nhưng khi viết thì vẫn thấy khó, thấy không ổn. Tôi đành “gác” kế hoạch viết bài hát ấy lại.
Hồi đó, chúng tôi thường hay đặt “bí danh” cho nhau bằng những con số. Cái tên của tôi được “dịch” sang con số 12, còn tên cô ấy là số 13. Nhưng tôi biết cái “ngưỡng” để dừng lại, vì lúc đó tôi là thượng úy, đồng thời là đội trưởng đội hát và tôi đã lập gia đình được 7 năm. Vì thế, giữa tôi và “13” chỉ là những tình cảm trong sáng. Đến bây giờ, “13” cũng đã chồng con đủ đầy, hiện làm ở một Đại sứ quán tại Hà Nội, thi thoảng chúng tôi vẫn thăm hỏi nhau và coi nhau như bạn bè thân thiết.
– Ban đầu ông đặt tên bài hát là gì? Và hẳn ông sẽ đề tặng người bạn gái đó?
– Lúc đầu tôi đặt tên cho bài hát là “Làng lúa, làng hoa” vì tôi nghĩ thế là đủ. Với lại tôi rất thích chữ “làng lúa”, “làng hoa” nên đã đặt luôn cho bài hát như vậy. Viết xong bài hát, tôi sướng lắm. Tôi nhớ khi ấy có hát cho “13” nghe, cô ấy vui lắm. Bên góc bản thảo, tôi cũng trân trọng đề dòng chữ: “Tặng bạn tôi: 13” kia mà.
– Lần đầu tiên bài hát chính thức xuất hiện trước công chúng là khi nào vậy, thưa ông?
– Đó là mùa xuân năm 1982. Lúc đó tôi mang tới Ban Văn nghệ Đài Tiếng nói Việt Nam. Tôi vẫn nhớ thời điểm đó, truyền hình còn mới mẻ, nhà ai giàu thì mới có chiếc tivi đen trắng, mà thời lượng phát sóng còn hạn chế nên Đài Tiếng nói Việt Nam là nhất. Khi đó, nhạc sỹ Thế Song đang là biên tập viên chuyên mục ca nhạc của đài, nghe xong bài hát, ông khuyên tôi thêm 2 chữ “Mùa xuân” vào tên bài hát. Sau đó, ca sỹ Thanh Hoa là người đầu tiên thể hiện bài hát này. Đến bây giờ, bài hát còn gắn liền với nhiều ca sỹ khác như Trung Anh, Mỹ Lệ…
Cùng với “Ngày Tết Quê Em” của nhạc sỹ Từ Huy, bản “Mùa Xuân Ơi” của Nguyễn Ngọc Thiện có thể nói là một sáng tác tiêu biểu cho dòng nhạc xuân sau 1975. Nhân dịp Xuân Ất Mùi 2015, [dongnhacxua.com] xin trân trọng giới thiệu ca khúc này.
(NLĐO) – Cứ mỗi độ Xuân về, đi đến đâu chúng ta cũng nghe những giai điệu quen thuộc “Tết Tết Tết Tết đến rồi” của cố nhạc sĩ Từ Huy, “Xuân xuân ơi xuân đã về…” của nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện cùng nhiều ca khúc xuân bất hủ khác. Thế nhưng, không phải ai cũng biết rõ những ca khúc tuyệt vời báo hiệu năm mới này ra đời thế nào, câu chuyện của chúng ra sao…
Nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện kể rằng bài Mùa xuân ơi được sáng tác năm 1995. Thật ra, trước đó, ông viết 2 ca khúc Xuân khác, trong đó bài Mùa xuân lộc mới được viết theo văn phong và phong cách miền Trung rất thịnh hành và “nổi” vào khoảng năm 1994. Nhưng năm đó, khoảng tối 28 Tết, khi đang làm biên tập phim cho hãng Phương Nam Phim, ông được một người bạn rất thân là nhạc sĩ Từ Huy rủ đi dạo đường phố tìm mua quà tặng cho bạn gái.
“Bọn tôi đi dọc đường Lê Thánh Tôn, Lê Lợi … thấy các shop bán hàng đều phát bài hát của bạn tôi, đó là bài Ngày Tết quê em – “Tết Tết Tết Tết đến rồi…” do Tam ca Áo trắng hát. Tôi thấy rất bất ngờ và thú vị vì băng cassette đó chúng tôi vừa làm xong và phát hành 1 tháng sau Noel, 28 Tết đã nghe rồi. Tôi biết là băng bán được và bài hát của bạn tôi thành công” – nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện nhớ lại.
Khi đó, bỗng nhiên trong lòng ông nảy lên khát khao cũng phải viết được một bài hát thật thành công. Đến năm 1995, ông viết bài Mùa xuân ơi. Nếu nhạc sĩ Từ Huy viết “Tết Tết Tết…” thì ông viết “Xuân xuân xuân…”. Ông không dám dùng chữ Tết, không thì bạn lại càu nhàu bảo “chú mày lấy ý tưởng của tao”. Ông viết xong Mùa xuân ơi, cũng gọi Tam ca Áo trắng đến thu nhưng chưa quay video vì chưa biết bài hát “có ăn” hay không.
Sau đó, khi ông gặp nhạc sĩ Từ Huy đề nghị dùng bài Ngày Tết quê em quay video Xuân 1995 thì nhạc sĩ này không đồng ý về vấn đề giá cả. Cuối cùng, giám đốc hãng quyết định quay video bài Mùa Xuân ơi để thế chỗ và cũng mời nhóm Tam ca Áo trắng thực hiện.
Bài hát rất thành công vì Tam ca Áo trắng diễn rất dễ thương, hát tốt. Những năm sau đó, người ta hát bài này rất nhiều, Tam ca Áo trắng được mời đi diễn ở đâu cũng hát bài đó. Còn bài Ngày Tết quê em, một thời gian sau ông mới thuyết phục được bạn dựng video.
“Tôi viết bài Mùa xuân ơi nhanh lắm, vì thật ra, năm đó tôi cũng không định viết vì bài Mùa xuân lộc mới vẫn đang rất thịnh hành. Tôi nhớ trước nữa có bài Hoa Xuân Ca của Trịnh Công Sơn cũng rất hay, sau đó đến bài Lời tỏ tình mùa Xuân của Thanh Tùng cũng rất nóng rồi mới đến bài của tôi. Ít có người nào hát đơn bài Mùa Xuân ơi mà thường nhiều người hát, vì nguyên bản tôi đã dựng ca khúc này để hát nhóm và do Tam ca Áo trắng thể hiện đầu tiên. Sau này, cũng có nhiều ca sĩ hát lại, tôi thích thú vì anh em sau này phối nhạc hay hơn thời trước. Những nhạc sĩ phối nhạc bây giờ giỏi vi tính và phần mềm, phối không thua gì Hàn Quốc” – nhạc sĩ Ngọc Thiện nói.
Nói về hoàn cảnh sáng tác nhạc xuân ngày đó, nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện hồi tưởng: “Hồi nhỏ trong xóm lao động, cuộc sống của gia đình tôi rất tiết kiệm, ăn để cho no chứ không phải cho ngon, chỉ có Tết thì ăn ngon. Có những hình ảnh bây giờ bạn thấy bình thường nhưng thời đó bọn tôi thấy dưa hấu hay mứt là thích lắm, vì hồi xưa ngày Tết mới có những món đó”.
“Lúc nhỏ tôi rất mê Tết, khi lớn lên làm biên tập thì ca khúc Xuân thiếu thốn bộn bề vì thời đó chưa cho phép nhạc Xuân trước 1975 lưu hành, có những bài kháng chiến như Xuân chiến khu năm nào cũng dựng, sau đó may là cóHoa Xuân ca của Trịnh Công Sơn và Lời tỏ tình mùa Xuân. Tôi động viên mọi người cứ viết ca khúc dù không biết ca khúc có “đứng” được hay không vì một năm có một lần thôi”.
Theo nhạc sĩ Ngọc Thiện, đặc thù của mùa Tết Việt Nam là Tết đoàn tụ. Dù có đi đâu xa, đến ngày Tết tất cả đều trở về, dù nghèo, giàu hay bận rộn ở phương trời nào đó. Đó cũng là một cái tứ để anh em viết ca khúc. Ông thích viết về nhận thức đường phố thế nào, lòng người ra sao, có những người lúc nào cũng suy tư, bi ai nhưng đến ngày Tết tạm gác bỏ mọi thứ để tận hưởng niềm vui. Không riêng ông mà các nghệ sĩ viết nhạc Xuân ngày xưa đều viết về đề tài xã hội.
Ông thấy những ca khúc Xuân thành công là những ca khúc đi vào đề tài xã hội, còn chuyện tình yêu đôi khi chỉ là cái cớ thôi. Những nhạc sĩ thành công về nhạc Xuân như Lê Dinh hay Văn Phụng cũng viết về đề tài xã hội như trong ca khúc Xuân họp mặt – một bài hát ý nghĩa rất truyền thống của Tết Việt Nam.