Từ bài thơ “Nhà tôi” của thi sỹ Yên Thao sáng tác năm 1949 cho đến bản nhạc “Chuyện giàn thiên lý” do nhạc sỹ Anh Bằng phổ nhạc độ đầu thập niên 1990 là một khoảng thời gian dài gần nửa thế kỷ với bao biến động của thời cuộc. Trên tinh thần lưu lại tư liệu, [dongnhacxua.com] xin trích dẫn thêm vài thông tin cho quý vị xa gần tham khảo.
Danh mục: Thơ trong nhạc
Thơ xuất hiện khá nhiều trong tân nhạc Việt Nam.
Năm Cụm Núi Quê Hương (Minh Kỳ – Tường Linh)
Tiếp tục dòng nhạc về các vùng miền quê hương, [dongnhacxua.com] xin giới thiệu hình ảnh năm cụm núi Ngũ Hành Sơn ở xứ Quảng Nam – Đà Nẵng qua bản nhạc “Năm cụm núi quê hương” của Minh Kỳ, theo ý thơ của nhà thơ Tường Linh.
“LƯỚT QUA” THƠ TƯỜNG LINH
(Nguồn: BaoQuangNam.com.vn)
Không hiểu sao, mỗi khi nghĩ về thơ Tường Linh, tôi thường nhớ bài thơ “Nhớ hai miền Huế – Quảng” trong mấy câu thơ: Quê hương tôi bên ni đèo Hải/ Nhấp nhô bóng thuyền Cửa Đại/ Già nua nếp phố Hội An…/ Đêm Đà Nẵng vọng về cơn sóng biển/ Bún Chợ Chùa thương nước mắm Nam Ô. Và. lại nhớ. Khổ thơ cuối của bài “Ngọn đèn”: Còn nguyên vẹn những đêm dài thao thức/ tựa bao lơn, anh ngắm chấm đèn xưa/ đóm sáng nhỏ hay mắt sầu rưng rức/ không gian buồn như có rắc tơ mưa. Cả hai bài thơ đều được viết vào năm 1958, khi mà quê nhà Quảng Nam đã trở thành niềm thương dằng dặc của nỗi “không về”.
Tình Yêu Bên Dòng Sông Quan Họ (Phan Lạc Hoa – Đỗ Trung Lai)
Cùng với “Tàu anh qua núi”, bản “Tình yêu bên dòng sông quan họ” là sáng tác để lại nhiều ấn tượng cho công chúng nhất của nhạc sỹ Phan Lạc Hoa. Ca khúc thì đã quá quen với người yêu nhạc nhưng ít người biết được nhạc sỹ Phan Lạc Hoa đã lấy ý thơ từ bài “Đêm sông Cầu” của Đỗ Trung Lai. [dongnhacxua.com] xin trân trọng giới thiệu đến quý vị bài thơ & bài hát.
Khúc ‘Thụy’ Bí Ẩn Của Một Cựu Phóng Viên Chiến Trường
Trong một bài viết về bản “Khúc Thụy Du” (thơ Du Tử Lê, nhạc Anh Bằng), [dongnhacxua.com] có đề cập đến hình mẫu thật của người con gái có chữ lót “Thụy”. Để người yêu nhạc có thêm thông tin, chúng tôi xin phép đăng lại một bài viết của nhà báo Tùng Duy qua chuyến trở về Hà Nội của Du Tử Lê năm 2014.
KHÚC ‘THỤY’ BÍ ẨN CỦA MỘT CỰU PHÓNG VIÊN CHIẾN TRƯỜNG (CHUYỆN ÍT NGƯỜI BIẾT VỀ THI SỸ DU TỬ LÊ)
(Nguồn: vanvn.net)
Trở lại Hà Nội từ viễn xứ Cali, lần đầu tiên thi sỹ Du Tử Lê kể về khúc đoạn bí ẩn chôn giấu hàng chục năm đã cài sâu trong tuyệt phẩm nổi tiếng “Khúc Thụy du”.
Du Tử Lê chỉ kịp xách túi đồ nghề của một phóng viên lao về phía cảng. Tiếng súng vọng vào thành phố đến từ khắp hướng. Sài Gòn đã náo loạn lắm rồi. Ngày 29.4.1975 những bước chân và mặt người lên cơn cuồng vội. Đám đông bị cản lại bởi một hàng rào thép có lính cộng hoà ngăn án cả dãy dài ở sân cảng. Còi tàu hú lên sắp rời bến. Tấm vé lên tầu được tính bằng nhãn hiệu vương giả của những gia đình tướng tá và hàng xấp đô la trao tay từ đêm trước. Điểm đến là trại tị nạn ở đảo Guam.
Chỉ là bản năng tác nghiệp của một phóng viên chiến trường, Du Tử Lê không định lên con tầu đó, anh chen được vào sát hàng rào và bắt đầu tốc ký với cuốn sổ nhỏ.
“Chú Lê! Chú Lê! Chú Lê ơi!”. Tiếng gọi như gào lên của một người phụ nữ giữa đám đông náo loạn đang chao đảo, chật cứng. Chị dâu và anh trai của Du Tử Lê dắt theo 6 đứa con đang áp chặt vì bị xô đẩy ở chân rào. Họ không có tấm vé đặc biệt để lên con tàu có thành mạn đen ngòm đó. Người sỹ quan chỉ huy nhận ra nhà báo đẹp trai Du Tử Lê thường hay lên truyền hình phỏng vấn sỹ quan, lính tráng. Và khoảng khắc định mệnh đã đến. Cả gia đình anh trai được lên tàu chỉ sau vài câu nói của chàng phóng viên kiêm thi sỹ nổi danh đất Sài Gòn với vị sỹ quan có khẩu súng ngắn đã mở sẵn nắp bao bên hông. Con tàu hú thét lên gấp gáp lần cuối. Đầu gối trầy xước máu tứa ra khi anh gắng kéo các cháu lên bậc cầu tàu. Vài giây lưỡng lự để nhảy xuống trở lại sân bến đã không kịp nữa. Chị dâu khóc oà víu kéo rất chặt cái túi máy ảnh của anh. “Chú không đi cùng anh chị thì ai sẽ lo cho các cháu! Chú không được quay lại thành phố! Súng nổ khắp nơi kia kìa. Lỡ mệnh hệ nào thì chị biết nói sao với mẹ đây?”. Tàu nhổ neo. Và nó cõng theo Du Tử Lê.
Thuỵ C., vợ anh và nhất là hai đứa con đang ra sao. Lúc anh ra khỏi nhà thì những con người thương nhất ấy vẫn ổn. Hình như cậu con trai lớn loáng thoáng vẫy tay như mọi ngày. Và như mọi ngày anh vẫn mau lẹ và bất chợt ra khỏi nhà như thế. Quen thế rồi. Vợ con của nhà báo cũng đã quen với cái cách chồng bật dậy ra khỏi nhà lúc nào không rõ.
Sài Gòn là nhà. Tổ quốc sẽ bình an thôi, và Thuỵ C. cùng hai con sẽ nhất định được bình an. Mình sẽ sớm trở về. Dọc hải lộ khắc nghiệt đói khát với những đứa cháu nheo nhóc đang say lịm trên sàn tàu lắc lư ướt bẩn chả nhớ là bao ngày cho đến chân đảo Guam, Du Tử Lê quặn lòng nghĩ về vợ con ruột thịt mà xa xót âu lo.
***
Cô sinh viên trường dược Sài Gòn bĩu cái môi xinh như thách đố Du Tử Lê xem tài nào tán đổ. Đấy là Thuỵ C. Một lần gặp gỡ giữa chàng phóng viên từng có thơ tình đăng trên mấy tờ báo ở Sài thành ngày ấy với Thuỵ C. chiều xuân 1968, đã bén lửa duyên đời. Dáng vẻ du tử của chàng trai họ Lê đủ lời thừa chữ lọt tai con gái mà tán tỉnh. Hai người yêu nhau và hứa rằng nên duyên vợ chồng nếu sinh con dù trai dù gái sẽ đặt tên là Thuỵ Du. Con trai Thuỵ Du ra đời có khuôn mặt đẹp như trăng rằm. Con trai đâu biết cái vẫy tay chào bố buổi sáng hôm ấy trước lúc bố lao ra bến tầu năm 1975, đã gửi theo Du Tử Lê một trời ly biệt đến mãi nhiều năm sau… Chiến tranh và số phận đã sắp xếp lại từng gia đình, con người trên mảnh đất quê hương Việt.
Biến cố Mậu Thân khiến cả Sài Gòn giới nghiêm từng cen ti mét. Tờ nguyệt san Tiền Phong (một tờ báo ra đời từ thời Ngô Đình Diệm chuyên viết về giới sỹ quan Cộng hoà, còn tờ Chiến sỹ Cộng hoà thì viết về lính) chỉ định Du Tử Lê đi thực hiện một phóng sự về cuộc giải toả của lính cộng hoà ở Ngã tư Bảy Hiền. Chạy xe dọc đường vắng tanh từ Cục tâm lý chiến đến Ngã tư đã thấy những xác người không toàn thây rải rác, có cẳng tay rời và da thịt tanh lọm còn mắc trên dây điện thật ghê rợn. Khu chợ Bảy Hiền đang giằng co giao chiến giành từng mét phố, từng gian hàng. Một chút thẫn người giữa cảnh hoang tàn chiến tranh, Du Tử Lê đau lòng và ghê tởm cuộc chiến, anh bất giác nhớ đến Thuỵ C.
Tạp chí Văn hồi ấy (Du Tử Lê cộng tác) muốn có một bài của anh về chiến tranh. Du Tử Lê nghĩ mình không thể gửi đến toà báo này một bài thơ tình. Vậy là tối ấy anh ngồi viết ứa một mạch “Khúc Thuỵ Du” – những ám ảnh chấn động và kinh hoàng mà anh rùng mình nhớ lại ở con phố gần Ngã tư Bảy Hiền. Quạ rỉa xác người, những cánh tay chó gặm, ai đi tìm gì đó còn ý nghĩa đã lẫn tan cùng vỏ đạn, hận vì súng nổ mà thấy tim buốt lại như bị dao đâm lút cán. Bài thơ chỉ một tý tẹo gợn về tình yêu. Nó là chiến tranh và phận người.
Chàng phóng viên kiêm thư ký toà soạn cuối cùng của nguyệt san Tiền Phong cộng hoà (tờ báo cũng chấm dứt sứ mệnh của nó khi Du Tử Lê lên tầu đi viễn xứ) nói Khúc Thuỵ Du có cả trăm câu nhưng đã bị tờ Văn gút lại chỉ còn một phần ba. Du Tử Lê lấy tên lót của người yêu và tên mình xếp lại thành nhan đề. Và, mười bảy năm sau, nhạc sỹ Anh Bằng đã chuốt lên từ những vần thơ ấy thành bài hát thấm đẫm tình yêu. Nói như Du Tử Lê, rằng nhạc phẩm ấy chỉ có chút ngầm nói về chiến tranh như một “background mờ nhạt”. Nhưng ông đã cảm ơn Anh Bằng và muôn vàn khán giả, độc giả qua nó mà Khúc Thuỵ Du càng nổi tiếng, Du Tử Lê cũng càng nổi tiếng.
Chữ “Khúc” nhuốm tràn thơ Du Tử Lê. Giờ đã vượt tuổi thất thập ông vẫn ám ảnh với “Khúc”. Ông nói nó là khúc sông, đoạn đời, khúc đường, đoạn người đi qua bao nhiêu là khúc. Khúc hạnh tuyền núi sông, Đoản khúc ngựa hoang, Khúc tháng hai (và tháng nào trong năm cũng có bài về khúc), Thu khúc, Biệt khúc… Và, “Khúc” lẩn vào thơ ông cả những bài chả có chữ khúc nào.
Lại nói về Thuỵ C. Năm 1976 lá thư đầu tiên Du Tử Lê từ Mỹ gửi về đã đến tay Thuỵ C. Nước mắt người vợ tưởng đã cạn khô vì ngỡ chồng đã chết nay lại trào ra. Mãi đến năm 1978 Du Tử Lê mới đón được vợ con sang Mỹ, khi ấy Thuỵ C. đã kịp đưa hai con sang Pháp – quốc tịch gia đình cô sẵn có trước lúc ra đi . Nhưng…
Sống ở Califonia, nhà thơ, nhà báo Du Tử Lê đã vướng vào một cuộc tình khác dưới anh đèn của làng showbiz đô thị. Một nữ nghệ sỹ đã đốt cháy trái tim loang lổ toàn thơ gắn “Khúc” của Du Tử Lê. Thuỵ C. như muốn lên cơn. Cô viết đơn ly dị. Thi sỹ có tội đã chết lặng không ký. Nhưng cuối cùng nó đã kết thúc bằng văn bản ly hôn do một luật sư soạn ra mà chính Du Tử Lê đưa về nhà. Cả hai người sau đó đã ruổi theo hai con đường có những cuộc hôn nhân mới. Giờ Thuỵ C. vẫn sống ở Cali. Có lẽ câu nói của cô, rằng “không bao giờ được nhắc đến tên tôi nữa” mà Du Tử Lê muốn tác giả bài viết này ém lại bằng một chữ tắt khi muốn nhắc tên cô vào một sáng mùa hạ có ly cà phê vỉa hè Hà Nội tháng 6.2014.
Hà Nội dễ thương. Ly cà phê (ông có thể uống… suốt ngày) ông cảm nhận thật khoái khi nói vậy bên vỉa phố Ấu Triệu. Quần soóc áo phông vàng và dép lê cứ dễ dãi kỳ lạ. Ông vẫn hút thuốc. Ngày 21.6 là Ngày Nhà báo Việt Nam, ông cũng biết. Tôn vinh nghề viết là đúng rồi, ông tâm sự là sau này “về núi” sẽ đắm mình ở TP Hồ Chí Minh. Thành phố đã khác quá rồi. Ngã tư Bảy Hiền cũng khác quá rồi. Nhưng dân tộc thật tuyệt. Ông mong một lần đi thăm Tây Bắc để được đắm mình vào văn hoá đặc biệt qua làn xoè của người Thái hay tiếng khèn gợi tình của người Mông, hay trở lại Plâyku thăm bằng hữu xưa… Giỏ hoa thời mới lớn – tập thơ tặng độc giả Việt đêm giao lưu ở nhà hoạ sỹ Lê Thiết Cương, người phác hoạ tranh bìa của tập thơ, tại Hà Nội mới đây tựa như dòng nhật ký chưa đủ lẽ thôi nôi để lai dắt một “Khúc” Du Tử Lê vẫn còn những bí ẩn…
Hà Nội, tháng 6.2014
Du Tử Lê tên thật là Lê Cự Phách, sau đổi là Lê Tử Du, sinh năm 1942 tại Kim Bảng, Hà Nam, sau theo anh trai lên học ở Hà Nội và vào sinh sống ở Sài Gòn. Thơ Du Tử Lê từng được đăng trên hai nhật báo Los Angeles Times và New York Times, được sử dụng làm tài liệu giảng dạy ở nhiều trường đại học Mỹ, được dịch ra trng nhiều cuốn sách nổi tiếng, và đặc biệt có tới hơn 300 được các nhạc sỹ phổ nhạc.
[footer]
Tình Khúc Thứ Nhất (Vũ Thành An – Nguyễn Đình Toàn)
Trong một bài viết trước đây về nhạc sỹ Vũ Thành An, [dongnhacxua.com] có nhắc đến sáng tác đầu tiên đưa nhà nhạc sỹ đến với công chúng: bản “Tình khúc thứ nhất”. Hôm nay, chúng tôi mạn phép đăng lại bài viết của nhạc sỹ Tuấn Khanh về nhạc phẩm nổi tiếng này.
GHI CHÉP DĂM PHÚT VUI TRẦN THẾ
(Nguồn: nhacsituankhanh.wordpress.com)
Trong tất cả những tác phẩm mà nhạc sĩ Vũ Thành An đã cống hiến cho đời, có lẽ Tình khúc thứ nhất là một tuyệt phẩm lạ thường nhất. Mọi người vẫn nói vậy, khi ngồi với nhau và hát, nhân khi nghe tin nhạc sĩ Vũ Thành An rồi sẽ được chấp nhận xuất hiện ở quê nhà.
Nhà thơ Trần Tiến Dũng thường rất ít khi hát, nhưng trong dăm phút vui trên cõi đời cứ dần cạn, mỗi khi nói về cuộc đời và tình yêu, ông hay xin được hát bài này thay cho ngôn từ của mình. Ông không phải là một giọng hát hay, nhưng khi cất lên giai điệu của Tình khúc thứ nhất, thường thì ai có mặt cũng đều xúc động như lặng nhìn một bức tranh tuyệt đẹp của đời người, đầy những gam màu của bầu trời và vực thẳm.
“Nhiều năm nữa, người ta có thể viết nên những bài thơ hay hơn, nhưng khó mà thương đau cao vút như lời của Nguyễn Đình Toàn và nhạc của Vũ Thanh An”, nhà thơ Trần Tiến Dũng vẫn nói như vậy, trong sự xúc động mỗi khi nghe lại. Nhà thơ có ngôn ngữ hiện đại hiếm hoi của Việt Nam được nhà xuất bản Norton (Mỹ – 2007)* chọn dịch để giới thiệu 100 gương mặt thi ca đương đại Châu Á này, luôn nói ông cứ bị chấn động khi nghe phần ngôn xướng của Tình khúc thứ nhất, như được uống phần suối nguồn tinh hoa của một quá khứ văn nghệ vàng son miền Nam Việt Nam.
Có cái gì đó thật lay động khi người ta lắng nghe ca từ của Tình khúc thứ nhất. Bài hát được viết vào năm 1963, nhân công việc ở Đài Phát Thanh Sài Gòn mà ông gặp được nhà văn Nguyễn Đình Toàn để có được cơ duyên cho ra đời bài hát này. Từ năm 1954, khi đặt chân vào miền Nam, nhạc sĩ Vũ Thành An trãi qua nhiều khó khăn để vào đời, cũng như không dễ dàng thành đạt trong đời sống âm nhạc ở Sài Gòn lúc ấy đang có quá nhiều tên tuổi văn nghệ áp đảo. Nhưng khi nổi lên với Tình khúc thứ nhất, Vũ Thành An lập tức trở thành một cái tên lớn và được ghi nhớ mãi về sau, bất chấp có những nghịch cảnh của thời thế khiến ông phải cắt đứt với âm nhạc bình thường trong một giai đoạn dài.
Trong những cuộc tán gẫu bất tận về sự diệu vợi của nền âm nhạc miền Nam giữa cuối thế kỷ 20, Vũ Thành An vẫn được nhắc đến với nét nhạc luôn buồn bã loay hoay. Ngay cả trong lời hy vọng của ông, nghe như cũng vang lên từ huyệt mộ sâu thẳm. Đôi lúc người nghe phải tự hỏi rằng thương đau nào mà ông đã trãi qua, tận cùng đến mức trong ý nhạc đó, luôn là sự cào cấu của hối tiếc, nghẹn ngào. Lạ lùng, những điều đó làm nên tên tuổi của ông. Không biết liệu hôm nay, đứng trên một sân khấu những người nghe đã rất khác, một cuộc sống rất khác, liệu ông có tìm thấy một chút nắng vàng đẹp đẽ ngày cũ của mình?
“Lời nào em không nói em ơi. Tình nào không gian dối. Xin yêu nhau như thời gian làm giông bão mê say…” câu hát được đẩy đến những thanh âm cao ngất, như một lời oán thán trong đêm. Vọng âm như một đoạn thánh thi về tình yêu mà tuyệt vọng là cảm giác chiếm hữu duy nhất. Có rất nhiều nhạc sĩ đã viết về nỗi buồn, mỗi người một vẻ, mà thế giới của Vũ Thành An là một điều rất lạ, dường như vẫn sẽ day dứt, giày vò sẽ còn đuổi theo ông suốt hết kiếp người.
Non nửa thế kỷ đã trôi qua, kể từ khi Việt Nam dừng tiếng súng. Nhiều bài hát tưởng chừng khó khăn lắm mới trở lại đời thường, rồi cũng đã dần dần xuất hiện trên sân khấu, truyền hình. Đã nhiều chục năm, nhưng nhiều bài hát nghe đâu như vẫn còn rất tươi mới những nỗi lòng người Việt. Câu chuyện tình yêu đơn sơ ở quê nhà bị lạc mất trên những nẻo đường đô thị đầy cám dỗ, vang vọng sự hối tiếc – như Tình khúc thứ nhất – cũng không phải xa lạ gì trong cuộc sống hôm nay. Những người con trai, con gái Việt Nam giờ đây trong đất nước có tên gọi thanh bình vẫn phải rời bỏ làng quê để đi tìm một cơ hội trong đời, rồi không còn quay lại. Dù ở thế hệ nào, vẫn có thể nao nao như tìm thấy phận mình trong tiếng ca muôn thuở.
Không phải ngẫu nhiên mà Tình khúc thứ nhất hay vô vàn những bài tình ca, những lời hát về cuộc đời… mà hàng ngàn bài hát của nền văn hoá miền Nam trước năm 1975 vẫn sống và lay động lòng người bất chấp rêu phong thời cuộc. Những bài hát đó vẫn góp tiếng vào thị trường thương mãi âm nhạc, nhưng được viết ra bằng sự chia sẻ, bằng cách kết nối sự cảm thông của thành thị và thôn quê, của con người biết đau từng nỗi đau của nhân thế. Khác với mua bán và giải khuây, những bài hát đó là lịch sử và văn hoá của một thời kỳ, nó giảng giải một cách đơn giản về chiến tranh và mất mát, chia sớt nỗi buồn của thân phận và nghịch cảnh quê hương mà không có chương trình lịch sử nào có thể sánh bằng. Vi vậy, dù đã nghe biết bao lần, trái tim ta vẫn diệu vợi khi thưởng thức, như chỉ mới vừa biết một tình khúc nào đó, lần thứ nhất trong đời.
Cuộc đời khép mở bất tận. Hôm qua, có những bài hát bị giày xéo và nguyền rủa, thì hôm nay chúng lại được trang hoàng lộng lẫy, gọi mời trở lại. Không ai có thể tự giày xéo mình đau thương bằng chính mình, cũng như chỉ có chế độ kiểm duyệt mới có thể cắt ứa máu linh hồn và trí tuệ của chính dân tộc mình.
Có người nói rằng dẫu muộn, thì việc chấp nhận phần văn hoá miền Nam Việt Nam đó vẫn còn hơn không. Nhưng ai biết được, rằng cuộc quay lại đó, là huy hoàng đón nhận hay chỉ là lời chào kết thúc.
Nhà thơ Vũ Ngọc Giao cũng viết trong một cuộc rượu, rằng:
Về đâu khi ngày đã tắt
Ngồi đây ta uống rượu chơi
Cuộc đời nằm trong con mắt
Một lần khép mở mà thôi
Ôi… trong một lần khép mở ấy, vô tận ấy biết bao đổi thay, chứa khôn cùng buồn vui trần thế.
[footer]
Khúc Thụy Du (Anh Bằng – Du Tử Lê)
“Khúc Thụy Du” không phải là một bản nhạc xưa nhưng rất được đón nhận bởi hầu hết ca sỹ cũng như công chúng yêu dòng nhạc này. Đó là một nhạc phẩm mà nhạc sỹ Anh Bằng viết tại hải ngoại sau 1975, lấy ý thơ từ bài thơ cùng tên sáng tác năm 1968 của nhà thơ Du Tử Lê. [dongnhacxua.com] còn nhớ lần đầu nghe bản này là vào đầu thập niên 1990 qua tiếng hát đầy cảm xúc của ca sỹ Tuấn Ngọc.
Bản nhạc nổi tiếng thế nào thì chắc có lẽ chúng ta không cần nói thêm. Thế nhưng rất ít người yêu nhạc biết rằng tựa bài thơ là sự kết hợp giữa chữ lót của người yêu nhà thơ (bà Thụy Châu) và chữ đầu trong bút danh Du Tử Lê.
VỀ BÀI THƠ “KHÚC THỤY DU”
(Nguồn: DuTuLe.com)
Khi biến cố Tết Mậu Thân, 1968 xẩy ra, đó cũng là lúc cuộc tình của tôi và một nữ sinh viên trường Dược, ở Saigòn cũng khởi đầu.
Đầu tháng 3-1968, tôi bị chỉ định đi làm phóng sự một tiểu đoàn TQLC đang giải toả khu Ngã tư Bảy Hiền.
Lúc đó, cả thành phố Saigòn vẫn còn giới nghiêm. Trên đường đi, từ cục TLC ở đầu đường Hồng Thập Tự, gần cầu Thị Nghè tới khu Ngã tư Bảy Hiền, đường xá vắng tanh. Khi gần tới ngã tư Bảy Hiền, ngoại ô Saigòn, tôi thấy trên đường đi còn khá nhiều xác chết. Đó là những xác chết không toàn thây, bị cháy nám; rất khó nhận biết những xác chết là dân chúng, binh sĩ hay bộ đội CS.
Khi tới gần khu ngã tư Bảy Hiền, dù không muốn nhìn, tôi vẫn thấy rất nhiều mảnh thịt người vương vãi hai bên đường. Có cả những cánh tay văng, vướng trên giây điện…Rất nhiều căn nhà trúng bị bom, đạn. Đổ nát. Tôi cũng thấy những con chó vô chủ gậm chân, tay xương người bên lề đường… Tất cả những hình ảnh ghê rợn này đập vào mắt tôi, cùng mùi hôi thối tẩm, loang trong không khí.
Khi tới vùng giao tranh, tôi gặp người trách nhiệm cuộc hành quân giải toả khu chợ Bảy Hiền. Đó là thiếu tá Nguyễn Kim Tiền. Anh vốn là một bạn học thời trung học của tôi. Tiền cho biết, đơn vị của anh đang ở giai đoạn cực kỳ nguy hiểm. hai bên rình rập nhau, như trò cút bắt, để tranh giành từng gian hàng, từng ngôi nhà… Anh nói tôi phải rời khỏi khu chợ, lập tức. Vì anh không thể bảo đảm sinh mạng cho tôi, dù là bạn cũ….
Trên đường về, cái khung cảnh hoang tàn, đổ nát với xương thịt người vung vãi khắp nơi, cùng với mùi người chết sình thối…khiến tôi muốn nôn oẹ, một lần nữa lại gây chấn động dữ dội trong tôi…
Giữa tháng 3 – 1968, nhà văn Trần Phong Giao, Thư ký toà soạn Tạp chí Văn, gọi điện thoại vào phòng Báo Chí, cục TLC, hỏi tôi có thể viết cái gì đó, cho Văn số tục bản.
Gọi là “tục bản” bởi vì sau số Xuân, khi biến cố mồng 1 Tết xẩy ra, báo Văn ngưng xuất bản. Lý do, các nhà phát hành không hoạt động. Đường về miền tây cũng như đường ra miền Trung bị gián đoạn. Saigòn giới nghiêm. Tuy nhiên, ông nói, hy vọng ít ngày nữa, giao thông sẽ trở lại – – Thêm nữa, không thể để Văn đình bản quá lâu.
Sau khi nhận lời đưa bài cho Trần Phong Giao, tôi mới giật mình, hốt hoảng.
Tôi nghĩ, giữa tình cảnh ấy, tôi không thể đưa ông một bài thơ tình, hay một chuyện tình. Mặc dù thơ tình hay chuyện tình là lãnh vực của tôi thuở ấy. Nhưng, tôi thấy, nếu tiếp tục con đường quen thuộc kia, tôi sẽ không chỉ không phải với người đọc mà, tôi còn không phải với hàng ngàn, hàng vạn linh hồn đồng bào, những người chết tức tưởi, oan khiên vì chiến tranh nữa…
Cuối cùng, gần hạn kỳ phải đưa bài, nhớ lại những giờ phút ở ngã tư Bảy Hiền, tôi ngồi xuống viết bài thơ ghi lại những gì mục kích trên đường đi.
Viết xong, tôi không tìm được một nhan đề gần, sát với nội dung!
Bài thơ dài trên 100 câu. Nhưng khi Văn đem đi kiểm duyệt, bộ Thông Tin đục bỏ của tôi gần 1/ 3 nửa bài thơ.
Thời đó, tôi viết tay, không có bản phụ, nên, sau này khi gom lại để in thành sách, tôi không có một bản nào khác, ngoài bản in trên báo Văn (đã kiểm duyệt.)
Tuy còn mấy chục câu thôi, nhưng nội dung bài thơ, từ đầu đến cuối, vẫn là một bài thơ nói về thảm cảnh chiến tranh. Người phụ trách phần kiểm duyệt vẫn để lại cho bài thở của tôi những câu cực kỳ “phản chiến” như: “…Ngước lên nhìn huyệt lộ – bày quả rỉa xác người – (của tươi đời nhượng lại) – bữa ăn nào ngon hơn – làm sao tôi nói được…” Hoặc: “…Trên xác người chưa rữa – trên thịt người chưa tan – trên cánh tay chó gậm – trên chiếc đầu lợn tha…” vân vân…
Nói cách khác, tình yêu chỉ là phần phụ; với những câu hỏi được đặt ra cho những người yêu nhau, giữa khung cảnh chết chóc kia, là gì? Nếu không phải là những tuyệt vọng cùng, tất cả sự vô nghĩa chói gắt của kiếp người?
Như đã nói, thời gian ra đời của bài thơ cũng là khởi đầu của cuộc tình giữa tôi và một sinh viên đại học Dược…Tôi lấy một chữ lót trong tên gọi của người con gái này, cộng với chữ đầu, bút hiệu của tôi, làm thành nhan đề bài thơ. Nó như một cộng nghiệp hay chung một tai hoạ, một tuyệt lộ.
Bài thơ ấy, sau đó tôi cho in trong tuyển tập “Thơ Du Tử Lê (1967-1972).
Cuối năm, tập thơ được trao giải thưởng Văn Chương Toàn Quốc, bộ môn thi ca, 973.
Năm 1983, tôi cho tái bản cuốn thơ này sau khi được một độc giả du học tại Mỹ trước năm 1975, cho lại. Cô nói, tôi phải hứa in lại và dành bản đầu tiên cho cô…
Sau đấy, một buổi tối, nhạc sĩ Anh Bằng đến tìm tôi ở quán Café Tay Trái (toạ lạc ngay ngã tư đường Trask và Fairview.) Ông nói, ông mới phổ nhạc bài “Khúc Thuỵ Du.” Ông cho tôi quyền chọn người hát. Ông nhấn mạnh: “Tôi có thể chỉ cho người đó hát…”
Thời gian đó, trong số bằng hữu giúp tôi điều hành Café Tay Trái, có nhạc sĩ Việt Dzũng. Lúc nhạc sĩ Anh Bằng đến tìm tôi, cũng là lúc Việt Dzũng có mặt; đang chuẩn bị cho chương trình ca nhạc buổi tối. Tôi giới thiệu hai người với nhau.
Khi ca khúc “Khúc Thuỵ Du” ra đời dạng casette, với tiếng hát của Việt Dzũng, tôi mới biết, nhạc sĩ Anh Bằng chỉ lọc, lựa một số câu thơ liên quan tới tình yêu mà, không lấy một câu thơ nào nói một cách cụ thể về chiến tranh, chết chóc… Chết chóc hay chiến tranh được hiểu ngầm, như một thứ background mờ nhạt.
Từ đó đến nay, thỉnh thoảng vẫn còn có người lên tiếng phản đối sự giản lược nội dung bài thơ của tôi vào một khía cạnh rất phụ: Khía cạnh tình yêu trong ca khúc “Khúc Thuỵ Du”…
Nhưng, hôm nay, sau mấy chục năm, nhìn lại, tôi thấy, ông cũng có cái lý của ông…
(1-30-2010.)
NGUYÊN VĂN BÀI THƠ “KHÚC THỤY DU”
(Nguồn: DuTuLe.com)
1.
như con chim bói cá
trên cọc nhọn trăm năm
tôi tìm đời đánh mất
trong vụng nước cuộc đời
như con chim bói cá
tôi thường ngừng cánh bay
ngước nhìn lên huyệt lộ
bầy quạ rỉa xác người
(của tươi đời nhượng lại)
bữa ăn nào ngon hơn
làm sao tôi nói được
như con chim bói cá
tôi lặn sâu trong bùn
hoài công tìm ý nghĩa
cho cảnh tình hôm nay
trên xác người chưa rữa
trên thịt người chưa tan
trên cánh tay chó gặm
trên chiếc đầu lợn tha
tôi sống như người mù
tôi sống như người điên
tôi làm chim bói cá
lặn tìm vuông đời mình
trên mặt đất nhiên lặng
không tăm nào sủi lên
đời sống như thân nấm
mỗi ngày một lùn đi
tâm hồn ta cọc lại
ai làm người như tôi ?
2.
mịn màng như nỗi chết
hoang đường như tuổi thơ
chưa một lần hé nở
trên ngọn cờ không bay
đôi mắt nàng không khép
bàn tay nàng không thưa
lọn tóc nàng đêm tối
khư khư ôm tình dài
ngực tôi đầy nắng lửa
hãy nói về cuộc đời
tôi còn gì để sống
hãy nói về cuộc đời
khi tôi không còn nữa
sẽ mang được những gì
về bên kia thế giới
thụy ơi và thụy ơi
tôi làm ma không đầu
tôi làm ma không bụng
tôi chỉ còn đôi chân
hay chỉ còn đôi tay
sờ soạng tìm thi thể
quờ quạng tìm trái tim
lẫn tan cùng vỏ đạn
dính văng cùng mảnh bom
thụy ơi và thụy ơi
đừng bao giờ em hỏi
vì sao mình yêu nhau
vì sao môi anh nóng
vì sao tay anh lạnh
vì sao thân anh rung
vì sao chân không vững
vì sao anh van em
hãy cho anh được thở
bằng ngực em rũ buồn
hãy cho anh được ôm
em, ngang bằng sự chết
tình yêu như ngọn dao
anh đâm mình, lút cán
thụy ơi và thụy ơi
không còn gì có nghĩa
ngoài tình anh tình em
đã ướt đầm thân thể
anh ru anh ngủ mùi
đợi một giờ linh hiển
(3-68)
[footer]
Em đến thăm anh đêm 30 (Vũ Thành An – Nguyễn Đình Toàn)
Theo ý thơ của thi sỹ Nguyễn Đình Toàn, nhạc sỹ Vũ Thành An đã góp một nhạc phẩm bất hủ vào kho tàng nhạc Xuân. [dongnhacxua.com] muốn trân trọng nhắc đến “Em đến thăm anh đêm 30”. Một điểm khá lý thú là nhạc phẩm này không dùng một chữ “xuân” như nhiều ca khúc khác mà thay vào đó chúng ta chỉ thấy “tết”.
EM ĐẾN THĂM ANH ĐÊM 30
(Nguồn: yume.vn)
Những ngày cuối năm.
Khuya. Khi còn lại một mình trên mạng, tôi hay treo blast : Trời sắp Tết hay lòng mình đang Tết?
Một bạn tình cờ ghé lại, hỏi : Có niềm vui rồi à? Chúc mừng nhé !
Bạn chúc mừng, sao lòng bỗng ngổn ngang trăm mối. Tết đang đến rất gần, chắc chắn rồi mùa cũng sẽ rộn ràng những thời khắc chuyển giao. Nhưng ta, ta có còn những đêm ba mươi đầy háo hức?
Khi nghe và yêu thích một ca khúc nào đấy, thì bạn đã thực sự gắn hồn mình vào trong giai điệu và ca từ của bài hát. Chỉ vì tiếng guitar solo nồng nàn, một đoạn piano gõ thánh thót hay đôi khi, chỉ là một thoáng ngẫu hứng saxophone đầy phiêu lãng… Nhưng chắc chắn vẫn phải là ca từ, ca từ êm ái và mượt mà như thơ ấy. Chúng là những lời nhắc nhớ chân thành, cứ thủ thỉ bên ta mãi…
Em đến thăm anh đêm ba mươi
Còn đêm nào vui bằng đêm ba mươi ?
Anh nói với người phu quét đường
Xin chiếc lá vàng làm bằng chứng yêu em…
Xưa, khi nhạc sĩ Vũ Thành An bắt đầu phổ nhạc những câu thơ này từ thi sĩ Nguyễn Đình Toàn, chắc có lẽ, ông đã không dụng công lắm để trao chuốt chúng thành những giai điệu ấm áp và tình cảm thế. Bởi tôi, bạn và tất cả những người đã từng yêu đều có thể dễ dàng bật lên thành câu hát. Khi khắc khoải về một vùng kí ức đẹp. Khi tiếc nuối mơ hồ về một kỉ niệm tình đã cắt cớ ngủ yên.
Có thể ta không có những đêm ba mươi cùng em vô ưu, lang thang trên những con phố mòn mỏi bước. Là con đường Duy Tân, là con đường Gia Long, là con đường Tú Xương… xa lắc trong nỗi nhớ. Và có lẽ, chúng chỉ còn là giấc mơ u hoài, lê thê kéo từ thế kỉ trước. Nơi có những đêm ba mươi, vào thời khắc giao mùa thiêng liêng vẫn còn những người phu quét lá bên đường. Miệt mài và cần mẫn. Và ta , ta có dừng lại xin một chiếc lá vàng, để làm bằng chứng yêu em?
Người phu quét đường…
Chiếc lá vàng…
Khung cảnh im lắng. Đẹp một cách mộc mạc, đơn sơ. Một bức tranh huyền thoại về tình yêu, lồng hờ hững vào trong phố. Yên bình, trong vắt. Nhưng tình yêu có thực sự cần những nhân chứng và vật chứng ấy không? Ta đã ngô nghê đặt lại câu hỏi ấy, có nghĩa là ta cũng đang dần quên đi một thời yêu đương phóng khoáng, cuồng say…
Tay em lạnh để cho tình mình ấm
Môi em mềm cho giấc ngủ em thơm
Sao Giao Thừa xanh trong đôi mắt ngoan
Trời sắp Tết hay lòng mình đang Tết?
Thì là Tết đấy. Những con đường đang nhộn nhịp quá những người qua. Phố xá dần đông vui lên, rộn ràng những sắc màu nghênh tiếp năm mới. Với lòng người, có quá nhiều điều để háo hức, chờ mong…
Trời sắp Tết hay lòng mình đang Tết?
Mà có phải khi ai vu vơ thốt lên câu hát bất chợt ấy, cũng là đang thực sự có niềm vui đâu…
Tháng ngày đã trôi qua
Tình đã phôi pha
Người khuất xa
Chỉ còn chút hương xưa
Rồi cũng phong ba
Rụng cùng mùa…
Tác phẩm đầu tay nổi tiếng của nhạc sĩ Vũ Thành An, “Tình khúc thứ nhất”, cũng là một bài hát phổ từ thơ của thi sĩ Nguyễn Đình Toàn : “Có yêu nhau xin ngày thơ ngây Lúc mắt chưa nhạt phai Lúc tóc chưa đổi thay Lúc môi chưa biết dối cho lời…”. Đấy là những câu thơ rưng rức đầy tiếc nuối. Mờ. Phai.
Nỗi buồn ở đây dường như đã đi đến cùng tận. Khi “chỉ còn chút hương xưa” rồi cũng đã “phong ba”, và cuối cùng, “rụng cùng mùa” ?
Không. Với kỉ niệm đẹp, nỗi buồn ấy như là một thú vui tao nhã. Những khi thấy lòng mình chùn xuống, ta thong thả mang ra gặm, nhắm…
Dòng sông đêm hồn đen sâu thao thức
Ngàn vì sao mọc hay lệ khóc nhau?
Đá buồn chết theo sau
Ngày vực sâu
Rớt hoài xuống hư không
Cuộc tình đau…
Đã có rất nhiều ca sĩ trình bày ca khúc này. Nhưng được yêu thích nhất có lẽ là Khánh Ly và Nguyên Khang. Nếu Khánh Ly với giọng hát nữ tính, đầy chất ma mị của mình đã tình tự khôn nguôi về một thời yêu thương say đắm, thì Nguyên Khang bằng sự ấm áp cố hữu, lại đem đến một hoài niệm buồn. Một nỗi buồn sang trọng và cần thiết.
Giao thừa đang sắp đến. Gần, đã gần lắm rồi…
Và trong cái thời khắc mong manh ấy, khi trời đất đang bắt đầu trở mình cho một cuộc chuyển giao, thế nào tôi cũng để cho cái ngày xưa của mình quay lại. Rằng :
Em đến thăm anh đêm ba mươi Còn đêm nào vui bằng đêm ba mươi ?
Anh nói với người phu quét đường Xin chiếc lá vàng, làm bằng chứng yêu em…
.
(*) Nhạc Vũ Thành An, thơ Nguyễn Đình Toàn.
Anh Còn Nợ Em: Cố Thi Sỹ Phạm Thành Tài & Nhạc Sỹ Anh Bằng
“Anh còn nợ em” là một trong những sáng tác cuối cùng của nhạc sỹ Anh Bằng. Bản này lần đầu tiên được giới thiệu ở hải ngoại vài năm trước và đã tạo ra một tiếng vang lớn. Sau đó hầu hết các ca sỹ theo đuổi dòng nhạc xưa đều ít nhất một lần thử giọng và giới thiệu “Anh còn nợ em” đến với rộng rãi công chúng yêu nhạc. Thế nhưng không phải người yêu nhạc nào cũng biết đằng sau giai điệu mượt mà là một bài thơ rất mộc mạc và giàu cảm xúc của cố thi sỹ Phạm Thành Tài, một nhà thơ xứ Trầm Hương (Khánh Hòa – Phú Yên). [dongnhacxua.com] xin mạn phép đăng lại bài viết của nhà thơ Mai Quang để quý vị xa gần có thêm tư liệu.
ĐÔI NÉT VỀ NHÀ THƠ QUÁ CỐ PHẠM THÀNH TÀI & TẬP THƠ ‘TÌNH EM CÒN ĐÓ’
(Nguồn: thi sỹ Mai Quang đăng trên TranThiNguyetMai.wordpress.com)
Phạm Thành Tài (1932-1997), quê hương ông, Quận Ninh Hòa thuộc miền Trung Việt, thùy dương cát trắng, xứ Trầm Hương (tỉnh Khánh Hòa). Ông từng là giảng sư đại học tại Đalat. Định cư tại Hoa kỳ 1991. Tốt nghiệp Bác sĩ Đông y/Hoa kỳ OMD 1995.
Làm thơ viết văn từ 1955.
Ngoài các tác phẩm Y học, về Văn học, ông đã để lại 3 tác phẩm: Tình Yêu Em Còn Đó (Thơ); Hương Gây Mùi Nhớ (Thơ); Hoa Đào Năm Ngoái (Tập truyện).
Ông mất tại Nam California ngày 06 tháng 7 năm 1997.
Như tác giả minh định ở trang trong thi tập, đây là: Tập Thơ Tình.
Tình yêu đôi lứa. Tình yêu quê hương. Rải rác có những bài thơ, cảnh vật bên ngoài được phóng rọi (hay qui chiếu?) cảnh lứa đôi (nhân cách hóa) quấn quít dĩ định bên nhau. Ở đó là dòng sông khuya, là cung thuyền, là tiếng khua của nhịp chèo. Là biển, sóng, cánh buồm. Là linh khí Đất Trời – Núi Sông nuôi lớn Giọt Tình.
Người viết đang có trên tay tập Tình Em Còn Đó (một trong hai ấn bản hiếm hoi do gia đình còn lưu giữ, quí tặng). Nhân đây cũng xin phép được gởi lời cám ơn bà quả phụ Phạm Thành Tài (nhũ danh Lê Bảo Chánh) và bà Thúy Liễu (em họ của nhà thơ), đã giúp cho người viết có được một số tư liệu liên quan. Đọc thơ Ông, có vài cảm nhận, nhận xét sau:
-Thi Tập tập trung những bài thơ cực ngắn, 4 câu là đa phần. Mỗi câu cũng thường cũng cực ngắn, 4 chữ, 5 chữ:
Biển giận ai, sóng dữ
Sóng hờn ai, nước đầy
Gió về ru mộng cũ
Chiều nay em ngủ say.
(Giận Hờn/T.E.C.Đ tr.13)
Và v.v…
Đa số bài thơ trong tập ngắn gọn và cô đọng như vậy.
Người viết có cảm giác, ông rất sở trường về lối thơ dùng ít câu, ít chữ để chuyên chở cảm hứng của mình. Từng cái dấu phẩy (,) dấu chấm (.) ( như những ký âm lặng)… đều đóng một vai trò trong diễn dạt, biểu cảm. Ông rất khéo gói chữ, nêm ý, neo vần một cách tự nhiên (không đẽo gọt). Đó là những câu, những chữ, những dấu đã được cô, chắt tinh tuyền. Bút pháp này gợi lên sự liên tưởng đến nội lực, nội tâm, phong thái và cá tánh của tác giả lúc sinh thời.
– Thể hiện tự nhiên và tài tình trong tổng hợp những mặt chừng như là mâu thuẫn nhau:
.Phóng túng/Chừng mực (hòa lẫn):
Hai đứa bên nhau trong rừng vắng
Gió lá rì rào vây quanh…
Anh nhặt giùm em bên suối vắng
Những sợi thông vàng vương tóc xanh…
…
Em ơi, cho dẫu tình cách mặt
Chớ có trông hình để bóng xa
Giữa thư yêu, anh tặng em kỷ vật
Một sợi thông vàng vương tóc xanh!…
(Kỷ Vật/T.E.C.Đ.tr.75)
.Cổ kính/ Cách tân (dung hợp):
Mai bỏ anh em về. Sao
Hoa thôi nở. Và áo nữa
Thôi bay. Nắng thôi đỏ… Lửa
Tàn thôi cháy bước xôn xao.
(Em Bỏ Anh/T.E.C.Đ. tr.55)
Vẫn một mình một mình thôi. Em chỉ
Một cánh hoa cô đơn. Một cánh chim
Lìa tổ. Một con đường trăng soi. Bóng lẻ
Một mình mình thôi. Anh hiểu em…
(Anh Hiểu/T.E.C.Đ tr.57)
.Thực/ Ảo (đan xen):
Ngang vườn chợt vắng áo em phơi
Nhớ xao xác lá ngóng mây trời
Mong như dây thép trơ ngoài nắng
Chim sẻ giăng chờ chẳng muốn bay…
(Áo Trắng/T.E.C.Đ. tr.50)
Hoặc:
Em về rồi anh đợi
Hẳn em đâu quên chờ
Xin tóc em một sợi
Thay mây trời, se tơ…
(Xin Em Sợi Tóc//T.E.C.Đ.tr.42)
Và v.v…
-Tuyệt đại đa số những bài thơ trong thi tập, đều có 2 từ “anh” và “em” (Nam và Nữ):
Chiều nay mây mơ mộng
Trôi về phía biển xa
Ước gì anh là sóng
Soi em mấy biển xa…
(Mây/T.E.C.Đ. trang 12)
Còn nhiều, nhiều nữa như vậy!
-Tình Yêu đôi lứa, hình như đâu dâu cũng thấm đẫm và sung mãn trong thơ ông. Ông đã phóng chiếu Tình Yêu ra vạn vật, ra ngoại cảnh, nhân cách hóa như đôi Nam –Nữ đang âu yếm, quấn quít nhau (một ràng buộc dĩ định?) Ví dụ đơn cử ở đây, cảnh Tháp Bà (Ponagar), soi bóng trên dòng Sông Cái, có Cầu Bóng nối qua đôi bờ. Đó là nơi có lẽ đã bao lần ông qua lại, trên quê hương “thùy dương cát trắng” thân thương của mình:
Anh là Tháp, anh nhìn em ngủ
Em là sông, em nằm gối chân anh
Gió Tháp, sông trôi đôi bờ thủ thỉ
Em là Sông Cái, anh Tháp Chàm…
Cầu Bóng đón em- Cánh tay anh đó
Sóng eo thon- vòng nối dôi bờ
Kìa nụ hôn anh hay mặt trời chói đỏ
Nụ hôn thật dài trên dòng chảy như mơ…
(Phát Cảnh/T.E.C.Đ. tr.96).
Phần Kết:
Trích lời Tựa của nhà văn Sơn Nam, mượn làm phần kết:
…
“Người khó tánh có thể yên tâm: Tình yêu lứa đôi trong “Tình Em Còn Đó” đã chan hòa hữu cơ trong tình đất nước, quê hương. Phải chăng đó là tâm sự lớn của một nhà thơ đầy sinh lực….”
Người viết mong được bạn đọc lưu tâm, đón nhận phần Giới thiệu này. Thơ Phạm Thành Tài sẽ góp vài nét đan thanh vào nền thi ca Việt chăng? Mong thay!
[footer]
Hà Nội mùa vắng những cơn mưa (Trương Quý Hải – Bùi Thanh Tuấn)
Mới đó mà đã 20 năm. Những năm 1995. [dongnhacxua.com] còn nhớ như in cái rét đầu đông Hà Nội. Chúng tôi cùng một số anh em nghệ sỹ lang thang trên đường Cổ Ngư (nay là đường Thanh Niên), rồi kéo về Hồ Tây và cuối cùng là kết thúc ở một quán cóc gần bờ hồ. Với một người sinh ra và lớn lên ở miền Nam nắng ấm như chúng tôi, cảm giác được trải nghiệm cái lạnh của xứ Bắc quả thật là tuyệt vời. Lại càng hạnh phúc hơn khi được cùng các bạn văn nghệ nhâm nhi rượu Làng Vân, đọc bài thơ “Chia tay người Hà Nội” của Bùi Thanh Tuấn và đàn hát say sưa những nhạc phẩm thịnh hành về Hà Nội lúc đó như “Hà Nội đêm trở gió”, “Hoa sữa, v.v. Hôm nay, trong cái lạnh muộn của Sài Gòn, [dongnhacxua.com] xin giới thiệu bản “Hà Nội mùa vắng những cơn mưa”.
BÀI THƠ “CHIA TAY NGƯỜI HÀ NỘI” CỦA BÙI THANH TUẤN
(Nguồn: thivien.net)
Tặng anh Trần Quang Dũng
Hà Nội mùa này vắng những cơn mưa,
Cái rét đầu đông giật mình bật khóc.
Hoa sữa thôi rơi những chiều tan học,
Cổ Ngư xưa lặng lẽ dấu chân buồn.
Trúc Bạch giận hờn phía cuối hoàng hôn,
Để con nước thả trôi câu lục bát.
Quán cóc liêu xiêu dăm ba tiếng nhạc,
Phía Hồ Tây vọng lại một câu Kiều.
Hà Nội trời buồn nhớ mắt người yêu,
Nhớ góc phố nhớ hàng me kỷ niệm.
Nhớ buổi chia tay mắt đầy hoa tím,
Ngõ hoa giờ hút dấu gót hài xưa.
Hà Nội mùa này nhớ những cơn mưa…
Đêm Hội quán – Đông 1992
Bài thơ này được đăng trên tạp chí Tuổi xanh năm 1992, sau đó đã được nhạc sĩ Trương Quý Hải phổ nhạc thành bài hát ‘Hà Nội mùa vắng những cơn mưa’.
ĐÔI NÉT VỀ SỰ RA ĐỜI CỦA “HÀ NỘI MÙA VẮNG NHỮNG CƠN MƯA”
(Nguồn: đăng trên chungta.vn ngày 16/06/2014)
Nhà thơ Bùi Thanh Tuấn có cuộc trò chuyện với Chúng ta về nhạc sĩ Trương Quý Hải và những sáng tác của anh.
– “Hà Nội mùa vắng những cơn mưa”, ca khúc gắn với tên tuổi của anh và nhạc sĩ Trương Quý Hải, đã có tuổi đời 22 năm. Lúc đó, hai người gặp nhau như thế nào?
– Chúng tôi gặp nhau tình cờ vào buổi giao lưu sinh viên giữa hai miền Nam – Bắc diễn ra tại Hội quán sinh viên của trường Đại học Tổng hợp TP HCM. Lúc đó, đoàn nào có tiết mục gì thì góp vui cái nấy. Tôi là dân Văn nên nghĩ chỉ có làm thơ mới được… lên sân khấu. Tôi bèn lân la làm quen với những người bạn mới, tò mò hỏi họ về Hà Nội và từng người kể tôi nghe. Ngay hôm đó, chỉ trong vòng 15 phút tôi viết liền một mạch bài thơ ngắn bằng các chất liệu góp lại từ lời kể của bạn bè và những hiểu biết ít ỏi về Hà Nội. Tôi lồng ghép vào trong bài thơ một câu chuyện tình lãng mạn hoàn toàn tưởng tượng để gọi tên một Hà Nội mơ hồ mà tôi không dám chắc là nó có giống thủ đô mà tôi chưa bao giờ đến hay không.
Sau khi đọc giao lưu trên sân khấu, nhạc sĩ Trương Quý Hải đến chỗ tôi xin tờ giấy chép bài thơ. Lúc đó tôi chưa biết anh là ai. Ai xin thơ thì tôi thích lắm, thế là tặng luôn. Tối đó mọi người hẹn nhau liên hoan ở nhà nghỉ công đoàn, nơi đoàn Hà Nội trú ngụ. Anh Hải bước vào phòng và tuyên bố vừa sáng tác xong một ca khúc mới lấy câu thơ đầu làm tựa: “Hà Nội mùa vắng những cơn mưa”. Hải tung guitar lên, rải hợp âm chủ mi-thứ và hát. Tôi rất cảm động và sau đó chúng tôi thân nhau.
– Nhiều ý kiến cho rằng “Hà Nội mùa vắng những cơn mưa” là một bài thơ rất hay. Nhưng nếu không có Trương Quý Hải phổ nhạc, đó chỉ là những câu thơ nằm yên trên trang giấy. Anh bình luận sao về ý kiến này?
– Thơ thì phải nằm trên giấy chứ! Chỉ có nhạc mới cất nên âm vang. Câu hỏi này mang tính “khích tướng”, nhưng tôi thích. Nếu không có anh Hải, bài thơ vẫn có đời sống của một bài thơ, tôi nào sợ gì! Ngược lại, nếu không có duyên may gặp gỡ, anh Hải sẽ không có bài nhạc phổ thơ tôi thì vẫn sẽ có những ca khúc rất hay khác (được biết anh Hải là nhạc sĩ rất chịu khó làm lời, ít phổ thơ). Với lại hai anh em chúng tôi không bao giờ tranh luận về điều đó, chỉ cảm thấy hạnh phúc vì hai người đã “ăn ở” và “đẻ” ra được một đứa con chung xinh đẹp. Năm nay nó vừa tròn 22 tuổi rồi.
[footer]
Tâm sự Mộng Cầm
Ngay sau khi đăng bài viết về chuyện tình Mộng Cầm & Hàn Mặc Tử, [dongnhacxua.com] nhận được nhiều phản hồi của quý vị yêu nhạc xưa nói về một bản nhạc khác của nhạc sỹ Trần Thiện Thanh có tựa “Tâm sự Mộng Cầm”. Theo thông tin này, chúng tôi đã tìm ra bản nhạc tưởng chừng đã thất lạc từ rất lâu. Cảm ơn quý ân nhân đã cung cấp thông tin và giới thiệu với bạn yêu nhạc xa gần.
GIẢI MÃ “BÍ ẨN” CUỘC TÌNH HÀN MẶC TỬ & MỘNG CẦM
(Nguồn: bài viết của tác giả Lê Văn sâm đăng trên nguoiduatin.vn ngày 27.12.2012)
Trong một lần may mắn được gặp nữ sĩ Mộng Cầm, tác giả bài báo đã được nghe bộc bạch những gì mà bà giấu kín trong lòng gần 60 năm.
Từng ngâm nga thơ Hàn Mặc Tử, từng nghe chuyện tình của Hàn thi sĩ với Mộng Cầm, rồi từng nghe đi nghe lại ca khúc “Hàn Mặc Tử”của Trần Thiện Thanh, bất ngờ vào mùa hè năm 1997, tôi lại có dịp ngồi cạnh “người đẹp của thi nhân”, nơi một quán cà phê sân vườn, mang tên Mộng Cầm. Quán là một căn nhà lợp tranh, cạnh đại lộ Nguyễn Văn Linh, khu Nam Sài Gòn, xung quanh có nhiều ao bèo thả cá để khách có thể vừa câu cá vừa nhâm nhi cà phê. Chủ quán là đôi vợ chồng bác sỹ Mộng Đào và Phạm Thiên Bê, con gái và con rể của bà Mộng Cầm.
Đây thôn Vĩ Dạ, một vết cứa đâm tim
Người ta chỉ mới được biết về mối tình lãng mạn của Mộng Cầm – Hàn Mặc Tử qua sách báo. Nhưng bên cạnh mối tình đẹp như mơ ấy, còn có một đời thường với rất nhiều bí ẩn. Mộng Cầm- Huỳnh Thị Nghệ, người thiếu nữ trong mộng ngày xưa ấy của Hàn Mặc Tử, trước mặt tôi bây giờ là một cụ bà ở tuổi tám mươi. Tuy vậy, trên gương mặt bà vẫn còn phảng phất nét kiêu sa. Thốt nhiên bà mở lời: “Vào tuổi này rồi chẳng còn gì để giấu”. Rồi bà kể như từng phân đoạn hồi tưởng, qua hơi thở có khi hụt hẫng, đứt quãng, dường như là những lời sám hối, tiếc thương.
Quê Mộng Cầm ở Phan Thiết, gần lầu Ông Hoàng nhưng thân sinh bà lại ra làm việc tận Nghệ An. Và ngày 17/7/1917, bà được sinh ra ở đó nên mới có tên “cúng cơm” là Huỳnh Thị Nghệ. Thì ra, tên Nghệ là do sinh ở Nghệ An. Sau đó bà được gửi về trọ ở nhà ông cậu ở Phan Thiết học trường Pline Exercices. Mộng Cầm là cháu gọi nhà thơ Bích Khê bằng cậu nên bà cũng có “máu thơ văn”. Tên Mộng Cầm xuất hiện từ khi bà làm thơ gửi đăng báo. Qua những vần thơ trên báo, Hàn Mặc Tử đã tìm đến làm quen, bày tỏ tình cảm với bà qua bài Muôn năm sầu thảm, với câu mở đầu “Nghệ hỡi Nghệ”…Bài thơ ấy, bà Mộng Cầm vẫn thuộc nằm lòng từ đó đến nay. Hàn Mặc Tử là tình yêu đầu đời của bà.
Bà nhìn ra bầu trời tím hoàng hôn ngoại ô Sài Gòn hồi tưởng… Một mùa hè, năm xưa, Hàn Mặc Tử từ Quy Nhơn vào Phan Thiết thăm Mộng Cầm. Hàn hỏi ở đâu có cảnh đẹp thì đưa anh đi thăm cho biết. Mộng Cầm đã đưa Hàn Mặc Tử lên lầu Ông Hoàng. Đó là một ngọn đồi thấp, nhưng lên đó vào những đêm trăng tỏ, có thể nhìn thấy Mũi Né và thị xã Phan Thiết mờ ảo, lấp lánh đèn hiệu hay đèn ghe chài như những viên kim cương khổng lồ. Nào ngờ, đây lại là lần đi chơi sau cùng của hai người. Hàn Mặc Tử ra Huế, sau đó vào Quy Nhơn, điều trị bệnh phong ở bệnh viện phong Quy Hòa, và mất ở đó .
Tại sao Hàn Mặc Tử lại ra Huế? Bây giờ thì Mộng Cầm nói hết những gì mà bà giấu kín trong lòng gần 60 năm. Đó là Hàn Mặc Tử có mối tình đầu với một cô gái Huế tên là Hoàng Cúc. Thân sinh của Hoàng Cúc làm quan chức trong Sở Đạc điền ở Quy Nhơn. Sau khi biết Hàn Mặc Tử theo đuổi con gái mình, do không thích văn nhân, thi sĩ nên ông đã tìm cách đưa Hoàng Cúc về Huế. Thế là Hàn Mặc Tử ra Huế tìm và sau đó có bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ. Bài thơ này tuyệt hay nhưng Mộng Cầm lại ghét cay, ghét đắng…
Bà trải các câu thơ ra và dằn từng tiếng, khác với các nghệ sĩ ngâm thơ ngọt ngào. Và dằn cho đến câu cuối.
“Sao anh không về chơi thôn Vĩ.
Nhìn nắng hàng cau, nắng mới lên.
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc.
Lá trúc che ngang mặt chữ điền…”
Không biết lần này ra Huế, Hàn có tìm đến thăm cụ Phan Bội Châu như lần trước, hồi cuối năm 1931, khi còn là Phong Trần hay không? Bấy giờ thi sĩ mới 19 tuổi, tìm đến thăm cụ Phan Bội Châu ở Bến Ngự, giữa vòng vây của mật thám Pháp. Do trước đó, từ năm 1930-1931, Hàn đã nổi tiếng với bút hiệu Phong Trần là nhờ lời giới thiệu của cụ Phan. Lúc bấy giờ cụ Phan bị Pháp bắt an trí ở Huế. Cụ lập Mộng Du thi xã với mục đích quy tụ những nhà thơ yêu nước, Hàn Mặc Tử gửi đến thi xã 3 bài thơ yêu nước là Thức khuya, Chùa Hoang và Gái ở chùa (sau in lại trong “Lệ Thanh thi tập”). Mở đầu bài “Thức khuya” có câu: “Non sông bốn mặt ngủ mơ màng/Thức chỉ mình ta dạ chẳng an…” và được cụ Phan rất tán thưởng “…Từ ngày về nước đến nay, được xem nhiều thơ văn quốc âm, song chưa gặp được bài nào hay đến thế…Ước ao có ngày gặp gỡ”. Cụ đã họa lại và cho đăng báo. Bài họa bài “Thức khuya” mở đầu: “Chợ lợi trường danh tí chẳng màng/Sao ăn không đặng ngủ không an…”
Ngoài Hoàng Cúc và Mộng Cầm ra, Hàn Mặc Tử còn có hai người tình nữa là Mai Đình nữ sĩ và Ngọc Sương, chị gái của thi sĩ Bích Khê. Mối tình của Mai Đình nữ sĩ không sâu đậm, chỉ là “tình văn chương”, còn với Ngọc Sương thì như ngọn gió mát thoảng qua đời Hàn mà thôi (theo Quách Tấn, một người bạn thân thiết của thi sĩ).
“Lầu Ông Hoàng đây, anh ở đâu”
Mối tình của Hàn Mặc Tử và Mộng Cầm chẳng đi đến đâu. Mộng Cầm bộc bạch: Với hai lẽ, một là bà là con nhà phong kiến, cha mẹ luôn cản trở bà lấy một người Công giáo, lại là văn nhân, thi sĩ. Nhưng quan trọng hơn là lúc ấy bà quá thương Hàn Mặc Tử. Theo bà hiểu thì người bị bệnh phong gần đàn bà sẽ rất mau chết. Vì vậy, bà cố tránh để Hàn Mặc Tử mau chóng bình phục, sau đó sẽ liệu lần với cha mẹ. Nhưng tiếc là Hàn không qua khỏi… Bây giờ người đọc thấy những vần thơ hai người viết cho nhau rất thắm thiết, nhưng thật sự cho đến lúc Hàn Mặc Tử mất, giữa Mộng Cầm và Hàn Mặc Tử không hề có chuyện gần gũi. Thời ấy, mới cầm tay nhau là đã run lắm rồi. Sau này nhớ lại những kỷ niệm với cố nhân, Mộng Cầm có bài thơ “Kỷ niệm Hàn Mặc Tử ở lầu Ông Hoàng”, một bài thơ chưa bao giờ phổ biến, được bà chép tay, nét chữ đã phai màu, trao cho tôi.:
Sương sa trong lúc hoàng hôn
Đường lên dốc đá sáng dần bể xanh
Triều dâng con nước mênh mông
Chuông chùa văng vẳng tiếng lòng xôn xao
Lầu Ông Hoàng đây, anh ở đâu?
Hồn xưa anh mất cảnh gieo sầu
Mây mù phủ kín vòng bình địa
Căm hờn tháp cũ cuộc bể dâu
Thật cảm động, như một chiều tình cờ được nghe thơ nhạc giao duyên, vì khi bà Mộng Cầm ngâm nga: “Lầu Ông Hoàng đây, anh ở đâu” thì cô con gái, bác sỹ Mộng Đào mở lớn nhạc bài “Hàn Mặc Tử“.
Sau khi Hàn Mặc Tử mất, Mộng Cầm lập gia đình và sinh được 7 người con. Người bạn đời của bà cũng biết rõ mối quan hệ của bà với Hàn Mặc Tử nhưng vẫn tôn trọng nhà thơ quá cố. Con gái lớn của bà là Mộng Đào, là bác sĩ, đang công tác tại thành phố Hồ Chí Minh. Mười lăm năm trước, Thành phố mới Nam Sài Gòn được khai hoang trên đồng phèn, Cảnh chiều buồn vắng vẻ, khi tiễn chân tôi ra cổng, bà níu tay tôi dặn dò: “Anh coi có bạn bè nhạc sỹ, nhờ phổ bài thơ này ra bài hát dùm tôi”. Ngày 23/7/2007, bà Mộng Cầm qua đời tại số nhà số 300, Trần Hưng Đạo, Phan Thiết. Theo lời trăng trối của bà Mộng Cầm, cô con gái Hồ Mộng Đức đã mai táng bà trên lưng đồi lầu Ông Hoàng. Và lầu Ông Hoàng từ lâu đã đi vào tâm thức bao thế hệ khi nghe những bài hát về mối tình lãng mạn này, như Hàn Mặc Tử, Mộng Cầm Ca… và cả bài ca vọng cổ Tâm sự Mộng Cầm… Thế mà đến nay tôi vẫn chưa nhờ ai phổ nhạc bài thơ “Lầu Ông Hoàng đây, anh ở đâu?” của bà được.
Lê Văn Sâm
[footer]