Em ơi, Hà Nội Phố (Phú Quang – Phan Vũ)

Những ngày đầu tháng 12, trời Hà Nội trở lạnh. Chúng tôi có dịp lang thang trên những con phố Hà Nội. Những cảm xúc về một “Em ơi, Hà Nội phố” như ùa về. [dongnhacxua.com] xin giới thiệu đến người yêu nhạc xưa bài thơ nổi tiếng của Phan Vũ, cũng như bản phổ tuyệt vời của nhạc sỹ Phú Quang.

TÔI VIẾT BÀI THƠ “EM ƠI, HÀ NỘI PHỐ”
(Nguồn: nhà thơ Phan Vũ viết trên Tuổi Trẻ Cuối Tuần ngày 04/10/2010)

TTCT – Ngày 25-9 tại Hà Nội, Em ơi, Hà Nội phố – sau “gần nửa thế kỷ ra đời nhưng vẫn chưa trở về Hà Nội” như lời tác giả, đã được nhà thơ Phan Vũ đọc lần đầu tiên trong đêm thơ tổ chức cho riêng ông ở Thư viện Hà Nội. TTCT giới thiệu bài viết của nhà thơ về cuộc hành trình gần 50 năm của Em ơi, Hà Nội phố và trích đăng một số khổ của bài thơ.

Nhà thơ Phan Vũ đọc Em ơi, Hà Nội phố trong đêm thơ của riêng ông vào tối 25-9 tại Thư viện Hà Nội - Ảnh: Nguyễn Đình Toán
Nhà thơ Phan Vũ đọc Em ơi, Hà Nội phố trong đêm thơ của riêng ông vào tối 25-9 tại Thư viện Hà Nội – Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Tôi viết Em ơi, Hà Nội phố từ năm 1972 nhưng trong một thời gian dài, vì những lý do riêng, bài thơ chưa đến với độc giả. Cho đến năm 2009, nguyên tác bài thơ mới in trong tập Thơ Phan Vũ. Ở Huế, tôi đã đọc bài thơ dưới ánh sáng của một ngọn nến, trong một căn nhà cổ cho một số bạn Huế yêu thơ. Ở Sài Gòn, tôi đã đọc tại quán Guitare Gỗ do nhạc sĩ Châu Đăng Khoa đệm đàn và viết một ca khúc phụ họa.

Như vậy là gần nửa thế kỷ bài thơ viết về Hà Nội, tại Hà Nội vẫn chưa trở về Hà Nội. Và tôi vẫn mong đợi một dịp được lần đầu đọc Em ơi, Hà Nội phố giữa thủ đô.

***

Tháng chạp năm 1972, khi B-52 của Mỹ bắn phá thủ đô với lời hăm he “đưa Hà Nội trở lại thời kỳ đồ đá!”, tôi khởi viết những câu đầu tiên: Em ơi, Hà Nội phố… Ta còn em, mùi hoàng lan, ta còn em mùi hoa sữa… Điệp từ Ta còn em, ta còn em… được lặp lại trong từng đoạn của bài thơ. Có người nghĩ điệp từ này có ý nghĩa thách thức với lời hăm dọa của ông Nixon. Tôi không có ý đó, chỉ thấy lòng mình chùng xuống vì âu lo trước cảnh tượng đất đai Hà Nội bị bom đạn cày xới và máu người Hà Nội đổ trên phố phường nên đọc một câu “niệm chú” để tự trấn an. Ta còn em… là còn những hoài niệm yêu thương của tôi về Hà Nội mà đôi lần khi trong trạng thái cần nương tựa, an ủi, tôi lại tìm về.

Nhưng Em ơi, Hà Nội phố không phải là một lời thủ thỉ tự tình, đó là một tiếng kêu thương tha thiết… Tháng chạp bi tráng năm ấy, những sự việc hằng ngày đã khắc ghi những đường rãnh trong ký ức, giữ lại cho con người một nỗi nhớ xót xa, sâu đậm. Chỉ một đêm xuống phố Khâm Thiên sau trận bom, nghe tiếng than khóc của dân phố, nhìn những vành khăn tang trắng xóa trong đêm và ngửi mùi hương cúng đã hình thành ngay hoài niệm để một đời không thể nào quên.

Tôi cũng phải nói thêm điệp từ Ta còn em… còn có nghĩa “ta mất em…”. Đó là sự tiếc nuối về những gì “thật Hà Nội” không còn nữa! Không chỉ do chiến tranh mà có thể vì những sai lầm, những vô ý, vô tình của người đời, không ngoại trừ sự quên lãng của thời gian, đã gây ra những đổ vỡ không thể hàn gắn được. Chỉ cần mấy câu thơ của người xưa Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo, nền cũ lâu đài bóng tịch dương… cũng làm chúng ta rung động huống hồ những xót đau, mất mát thuộc về tâm linh, một thứ để thờ phụng, khiến con người có thể thí mạng để bảo vệ, gìn giữ. Và tinh thần của người Hà Nội trong tháng chạp năm ấy đã chứng tỏ rõ ràng.

Tôi đã sống một mình trên căn gác suốt 12 ngày đêm khốc liệt của Hà Nội. Bao hoài niệm thật đẹp mà tôi đã có trong quãng thời gian được gọi là “chàng trai Hà Nội” đã trở về trên căn gác, tại một khu trắng triệt để sơ tán vì gần Nhà máy điện Yên Phụ, một mục tiêu oanh kích. Những hình ảnh, những ngôn từ dồn dập kéo đến, đan xen, chồng chéo, không theo một thứ tự thời gian, không gian.

Tôi như đang trong một giấc mơ giữa ban ngày với đôi mắt mở! Em ơi, Hà Nội phố với 25 khổ thơ đã ra đời trong khoảng cách những hồi còi hụ trên nóc Nhà hát Lớn, với giọng Hà Nội thật chuẩn của cô phát thanh viên báo tin những đợt B-52 vào thành phố. Tôi ghi lại một cách vội vàng, theo sự tình cờ, bất chợt, không xếp đặt. Tất nhiên, trong một quá trình dài dặc nửa thế kỷ, bài thơ không thể nằm yên trong ngăn kéo mà luôn cựa quậy, bắt tôi phải chỉnh sửa nhiều lần. Nhiều khi có vài ly rượu ngà ngà lại chợt nhớ, chợt thương một nỗi niềm, chợt tìm thấy một dáng, một hình, một con chữ cần thêm, cần bớt.

Tôi cũng thường bỏ công chép cả bài thơ dài dặc để tặng ai đó, nhưng khi khách ra về lại hí hoáy sửa lại vì trong lúc chép tặng chợt phát hiện một câu, một chữ chưa vừa ý. Do đó Em ơi, Hà Nội phố đã thành tam sao thất bản, đến mức tác giả cũng không sao phân biệt được!

Tranh Phan Vũ. Ảnh: tuoitre.vn
Tranh Phan Vũ. Ảnh: tuoitre.vn

Cho đến năm 1985, một lần gặp Phú Quang, một đoạn thơ đã được phổ nhạc. Khi ca khúc Em ơi, Hà Nội phố đã nổi tiếng với nhiều khen tặng, có người đến nói về giá trị phần ca từ của tôi, nhưng tôi vẫn nghĩ sự xứng đáng thuộc về Phú Quang với những giai điệu mượt mà, du dương quen thuộc của anh; cả về công lao của Phú Quang với ca khúc ấy đã giới thiệu một bài thơ còn lận đận, chưa ra đời! Mấy câu thơ của tôi, một tâm tư mang tính cá nhân, là nỗi đau thầm lặng, nỗi buồn da diết riêng mang không có tính cộng đồng.

Ngày ấy, có một nhà thơ lớn khi đọc bài thơ này đã thật lòng khuyên tôi không nên phổ biến vì có thể chuốc vạ vào thân. Tôi cũng mệt mỏi vì nhiều sự phiền hà văn chương của giai đoạn ấy nên cũng nghe lời bỏ xó.

***

Tôi hi vọng lần đọc đầu tiên bài thơ ở Hà Nội cũng là đọc bản chính thức cuối cùng của Em ơi, Hà Nội phố. Bởi với tuổi 85, hành trình đi qua trần gian, hay nói theo Trịnh Công Sơn là quãng đời “ở trọ trần gian” của tôi cũng đã quá dài so với bao nhiêu bè bạn. Giữa Hà Nội hôm nay bỗng nhiên tôi nghĩ đến những nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, họa sĩ cùng đứng với tôi trong ban chấp hành đầu tiên của Chi hội Văn nghệ Nam bộ thành lập từ năm 1952 giữa rừng U Minh, như các anh Diệp Minh Châu, Hà Mậu Nhai, Đoàn Giỏi, Quách Vũ, Dương Tử Giang, Huỳnh Văn Gấm, Chi Lăng, Ngọc Cung, Trương Bỉnh Tòng…

Trong số đó, có người tập kết ra Hà Nội đã nằm lại trong lòng đất thủ đô, những người ở lại miền Nam bị bắt bớ, tù đày cũng đã qua đời. Các anh ấy chỉ biết Hà Nội trong tưởng tượng, càng không thể hình dung có một Hà Nội của thơ như hôm nay với người cuối cùng còn sót lại của ban chấp hành xa xưa trở về Hà Nội đọc thơ!

Tôi cũng nghĩ tới những người bạn đã kết thân khi tôi từ miền Nam trở về Hà Nội năm 1956, đó là các anh Tử Phác, Đặng Đình Hưng, Trần Dần, Lê Đạt, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng, Dương Bích Liên, Phùng Quán, Phùng Cung, Hoàng Cầm, Hữu Loan… tất cả các anh ấy đều có một số phận không may và đã lần lượt kéo nhau ra đi về “Bến lạ” (tên một tập thơ của Đặng Đình Hưng). Và tôi lại trở thành một trong những kẻ sống sót để thụ hưởng những gì mà đáng lẽ các anh ấy đều được hưởng!

Nhạc sĩ Phú Quang - Ảnh: Hoàng Điệp
Nhạc sĩ Phú Quang – Ảnh: Hoàng Điệp

“Những năm đầu tiên tôi mới vào Sài Gòn, một buổi ngồi nói chuyện với nhà thơ Phan Vũ ở sân Nhà văn hóa quận 3, được anh đọc cho nghe một bài thơ. Nghe xong tôi nói với anh rằng tôi cảm giác bài thơ này có thể phổ nhạc được nhưng lúc ấy chưa định là sẽ phổ ra sao. Ngay tối hôm đó tôi đã viết “Em ơi, Hà Nội phố” trong nỗi nhớ của những ngày xa Hà Nội. Viết xong, hát cho anh Phan Vũ nghe, anh bảo âm nhạc đã làm cho bài thơ lung linh lên.

Lần đầu tiên bài hát được lên sóng phát thanh là năm 1987 với giọng hát của ca sĩ Lệ Thu. Cũng rất lạ, trước đấy Lệ Thu hát khá nhiều bài hát của tôi trên sân khấu kịch, có một lần cô ấy nói: “Sao anh chẳng cho em hát bài nào trên đài nhỉ”. Tôi đưa bài hát ấy cho Thu, nó vừa vặn và hợp với giọng hát cô ấy đến độ tưởng như bài hát ấy tôi “đo ni đóng giày” cho Thu. Sau này có nhiều người hát hay và thành công ca khúc này nhưng khán giả nói không ai hát hay hơn Lệ Thu lần đầu tiên ấy.

Tuy nhiên, bài hát cũng có số phận khá đặc biệt, đó là suýt nữa thì không được phát hành, và khi Nhà xuất bản Dihavina phát hành lần đầu thì bài Em ơi, Hà Nội phố đứng khiêm tốn ở mặt B trong danh mục ca khúc. Nhưng thật may là khán giả đã ưu ái và bài hát vẫn được nhiều người biết đến. Hơn nữa, bài hát này cũng mang đến cho tôi giải thưởng đầu tiên trong đời về âm nhạc”.

NGUYÊN VĂN BÀI THƠ “EM ƠI, HÀ NỘI PHỐ” CỦA PHAN VŨ

Em ơi! Hà – Nội – phố…
Ta còn em mùi hoàng lan
Ta còn em mùi hoa sữa.
Tiếng giày ai gõ nhịp đường khuya?
Cọt kẹt bước chân quen
Thang gác
Thời gian
Mòn thân gỗ
Ngôi sao lẻ lạc vào căn xép nhỏ…

Ta còn em chấm lửa
Xập xòe
Kỷ niệm…
Một con đường
Một ngôi nhà
Khuôn mặt ai
Dừng trong khung cửa…
Những phong thư bỏ quên trong hộc tủ
Không tên người,
Không tên phố.
Người gửi không tên.
Ta còn em chút vang động lặng im,
Âm âm tiếng gọi
Trong lòng phố…

Em ơi! Hà – Nội – phố…
Ta còn em một gốc cây,
Một cột đèn
Ai đó chờ ai?
Tóc cắt ngang
Xõa xõa bờ vai,
Khung trời gió
Con đường như bỏ ngỏ…

Ta còn em khăn choàng màu tím đỏ
Thoáng qua
Khuôn mặt chưa quen
Bỗng xôn xao nỗi khổ
Mỗi góc phố một trang tình sử.

Em ơi! Hà – Nội – phố…
Ta còn em chuỗi cười vừa dứt
Chút nắng còn le lói vườn hoang,
Vàng ngọn cỏ.
Cô gái khẽ buông rèm cửa,
Anh chàng lệch mũ đi qua,
Lời tỏ tình đêm qua dang dở…
Ta còn em ngày vui cũ,
Tàn theo mùa hạ.
Tiếng ghita bập bùng tự sự,
Đêm kinh kỳ thuở ấy xanh lơ…

Em ơi! Hà – Nội – phố…
Ta còn em vầng trăng nửa
Người phu xe đợi khách bến đầu ô.
Tiếng rao đêm lạc giọng
Ơ hờ…
Căn gác trọ đường vào bằng cửa sổ
Lão Mozart hàng xóm
Bảy nốt cù cưa.
Từng đêm quên giấc ngủ…

Ta còn em cây dương cầm
Trong khung nhà đổ
Lả tả trên thềm
Bettho và sonate Ánh Trăng.
Nốt nhạc thiên tài lẫn trong mảnh vỡ…
Cô gái áo đỏ Venise
Xa Hà Nội,
Vẽ clavecin,
Tập đàn
Trên phản gỗ…

Ta còn em, một đêm lộng lẫy,
Những tràng pháo tay vang dậy
Cô gái dương cầm đứng giữa rừng hoa,
Nước mắt lã chã trên tà áo đỏ
Rồi một ngày tả tơi,
Loạn gió
Vườn Ngọc Hà
Mất một mùa hoa.
Đường Quan Thánh
Bản giao hưởng ”Lặng Câm”
Trong một ngôi nhà…

Ta còn em một đam mê,
Một vật vã,
Một dang dở,
Một trống không,
Một kiếp người,
Những phím đàn long…

Em ơi! Hà – Nội – phố…
Ta còn em ráng đỏ chiều hôm.
Đôi chim khuyên gọi nhau trong bụi cỏ.
Đôi guốc bỏ quên bên ghế đá
Gã đầu trần thơ thẩn đường mưa…

Ta còn em một tên thật cũ
Cổ Ngư
Chiều phai nắng
Cành phượng vĩ la đà
Bông hoa muộn in hình ngọn lửa.
Chiếc lá rụng
Khỏi đầu nguồn gió
Lao xao sóng biếc Tây Hồ
Hoàng hôn xa đến tự bao giờ?
Những bước chân tìm nhau
Vội vội.
Cuộc tình hờ bỗng chốc nghiêm trang…

Em ơi! Hà – Nội – phố…
Ta còn em ngọn gió Nghi Tàm
Thoáng mùi sen nở muộn.
Nhớ Nhật Tân
Mùa hoa năm ấy
Cánh đào phai.
Người dẫu ra đi vạn dặm dài.
Gió ngọn vẫn vương hương phố cũ…

Em ơi! Hà – Nội – phố…
Ta còn em cơn mưa rào qua nhanh
Ướt bậc thềm
Chiếc lá bàng đầu tiên nhuộm đỏ.
Cô gái vội sang đường
Chợt hồng đôi má.
Một chút xanh hơn
Trời Hà Nội
Hôm qua…
Ta còn em cô hàng hoa
Gánh mùa thu qua cổng chợ
Những chùm hoa tím
Ngát
Mùa thu…

Em ơi! Hà – Nội – phố…
Ta còn em con đê lộng gió
Dòng sông chảy mang hình phố.
Cô gái dựa lưng bên gốc me già
Ngọn đèn đường lặng thinh
Soi bờ đá…

Ta còn em mùa nước đổ
Mất tăm bãi Giữa
Dòng sông Hồng
Bè nứa xuôi nhanh,
Con tàu nhổ neo, về bến.
Hồi còi vọng
Như một tiếng than dài:
“Mùa này trăng vỡ trên sông”…

Ta còn em hàng cây khô,
Buồn như dãy phố.
Người bỏ xứ
Quay nhìn lần cuối
Đôi mắt nhòe với hạt sương tan
“Người đi, ừ nhỉ, người đi thực!”… (1)
Ly khách khẽ ngâm câu tống biệt
Đành đoạn một lần dứt áo xanh.

Em ơi! Hà – Nội – phố…
Ta còn em một Hàng Đào.
Không bán đào.
Một Hàng Bạc
Không còn thợ bạc.
Đường Trường Thi
Không chõng, không lều
Không ông nghè bái tổ vinh quy.

Ta còn em ngày đi
Một nỗi mang tên nhớ.
Ngày về phố cũ bỗng quên tên.
Quên bậc đá,
Quên mái hiên.
Quên cây táo trồng ngay trước cửa.
Thuở ấu thơ thỏa thích leo trèo…
Ngày về ra rả tiếng ve
Võng trưa hè kẽo kẹt
“À ơi! Tùng tùng trống đánh ngũ liên
Bước chân xuống thuyền
Nước mắt như mưa…”
Bài tập đọc
Quốc văn giáo khoa thư
Bà ru cháu ngủ
Người về sững sờ bên cánh cửa,
Tiếng ơi à…
Gợi lại mảnh đời quên.

Em ơi! Hà – Nội – phố…
Ta còn em chiếc xe hoa
Qua hàng liễu rủ
Cánh tay trần trên gác cao
Mở cửa.
Mùa xuân trong khung
Đường phố dài
Chi chít chồi sinh
Màu ước vọng in hình xanh nõn lá
Giò phong lan.
Điệp vàng rực rỡ.
Những gót son dập dìu đại lộ
Bờ môi ai đậm đỏ bích đào?

Ta còn em tiếng trống tan trường.
Màu thanh thiên lẫn trong liễu rủ
Đêm hoa đăng tà áo nhung huyết dụ.
Đất nghìn năm còn mãi dáng kiêu sa.
Phường cũ lưu danh người đẹp lụa.
Bậc thềm nào in dấu hài hoa?

Em ơi! Hà – Nội – phố…
Ta còn em đường lượn mái cong
Ngôi chùa cổ
Năm tháng buồn xô lệch ngói âm dương.
Ai còn ngồi bên gốc đại già?
Chợt quên vườn hồng đã ra hoa.
Chợt quên bên đường ai đứng đợi…
Cuộc đời có lẽ nào
Là một thoáng bâng quơ!

[footer]

Ngày Xưa Hoàng Thị (Phạm Duy – Phạm Thiên Thư)

Trong dòng nhạc xưa, chúng ta đôi khi bắt gặp những hình mẫu có thật ngoài đời được các nhạc sỹ hay thi sỹ đưa vào trong các sáng tác. Đó có thể là Diễm trong “Diễm Xưa” hay  Duyên trong “Thà Như Giọt Mưa”. Hôm nay, [dongnhacxua.com] xin giới thiệu thêm Ngọ trong “Ngày Xưa Hoàng Thị”, thơ Phạm Thiên Thư qua nét nhạc Phạm Duy.

Ngày Xưa Hoàng Thị (Thơ: Phạm Thiên Thư. Nhạc: Phạm Duy. Ảnh: amnhacmiennam.blogspot.com
Ngày Xưa Hoàng Thị (Thơ: Phạm Thiên Thư. Nhạc: Phạm Duy. Ảnh: amnhacmiennam.blogspot.com

ngay-xua-hoang-thi--1--pham-duy--pham-thien-thu--amnhacmiennam.blogspot.com--dongnhacxua.com

NHỮNG BÓNG HỒNG TRONG THƠ NHẠC: NGÀY XƯA HOÀNG THỊ …
(Nguồn: bài viết của Hà Đình Nguyên đăng trên Thanh Niên)

 Đầu thập niên 70 của thế kỷ trước, ca khúc Ngày xưa Hoàng Thị (thơ Phạm Thiên Thư, Phạm Duy phổ nhạc) đã từng gây xôn xao trong đời sống âm nhạc miền Nam. Cả thơ lẫn nhạc đều rất tuyệt vời…

Từ tiếng hát cao vút của Thái Thanh, những ca từ của Ngày xưa Hoàng Thị chấp chới đi vào hồn người: “Em tan trường về,  đường mưa nho nhỏ. Chim non lề đường, nằm im giấu mỏ. Anh theo Ngọ về, gót giày lặng lẽ đường quê…”. Phải nói rằng, dạo đó thơ Phạm Thiên Thư là hiện tượng, bởi sau thành công của Ngày xưa Hoàng Thị, nhạc sĩ Phạm Duy phổ thêm liên tiếp những ca khúc từ thơ Phạm Thiên Thư: Đưa em tìm động hoa vàng, Em lễ chùa này, Gọi em là đóa hoa sầu… Người ta đua nhau tìm đọc thơ Phạm Thiên Thư – một tu sĩ Phật giáo – bởi hơi hướm thơ vừa nhuốm mùi thiền vừa vương tình trần. Thơ lục bát của Phạm Thiên Thư quá hay mà thơ 4 chữ (như bài Ngày xưa Hoàng Thị) lại cũng tuyệt… Chẳng thế mà tập thơ Đoạn trường vô thanh (hậu Kiều) của ông được trao Giải nhất văn chương – thể loại trường ca (Sài Gòn – năm 1973)… Rồi người ta đoán già, đoán non cô Hoàng Thị Ngọ là ai mà có sức hấp dẫn đến thế, khiến cho người thơ đã nương cửa Phật vẫn phải vướng mùi tục lụy?

Thái Thanh ngày xưa và Phạm Thiên Thư ngày nay. Ảnh: Hà Đình Nguyên
Thái Thanh ngày xưa và Phạm Thiên Thư ngày nay. Ảnh: Hà Đình Nguyên

“Anh tìm theo Ngọ…”

Phải đến 40 năm sau tôi mới có dịp diện kiến nhà thơ Phạm Thiên Thư, khác với những gì tôi mường tượng: tác giả Ngày xưa Hoàng Thị không mang dáng dấp thư sinh, nho nhã mà đẹp như một… “lão ngoan đồng”. Ông hiện là chủ quán cà phê Hoa Vàng ở cư xá Bắc Hải (Q.10, TP.HCM), tên quán chắc là để nhắc nhớ đến ca khúc ‘Đưa em tìm động hoa vàng’ nổi tiếng một thời?

Câu đầu tiên ông “chào” tôi là một câu lục bát: “Dễ gì được một vần thơ/Mà nghe nghiệp chướng, lại ngờ tiền oan”. 

Rồi ông kể về Ngọ: “Rất đơn giản, tôi tuổi Thìn (1940), còn cô ấy tuổi Ngọ (1942) cho nên được bố mẹ đặt luôn tên là Ngọ. Cách nhau 2 tuổi nhưng học cùng lớp đệ tam (lớp 10 bây giờ) ở trường Trung học Văn Lang (khu Tân Định). Ngọ có dáng người thanh mảnh với mái tóc dài thả ngang vai. Mỗi khi xếp hàng vào lớp, cô ấy đứng đầu hàng bên nữ, tôi đứng cuối hàng bên nam, tha hồ ngắm… Vào lớp, cô ấy ngồi bàn đầu, tôi bàn cuối. Ngọ học rất giỏi, còn tôi chỉ giỏi… đánh lộn (gia đình tôi vốn có truyền thống võ thuật). Có lần thầy giáo gọi tôi lên trả bài, tôi không thuộc nhưng thay vì lên tận bàn thầy giáo trên bục giảng, tôi chỉ đi đến ngang chỗ Ngọ ngồi thì dừng lại. Ngọ biết ý, mở cuốn tập ra cho tôi… liếc, đọc vanh vách!

Nhà tôi ở đường Trần Khát Chân, nhà Ngọ ở Trần Quang Khải, cũng cùng khu Tân Định nên đi về chung đường. Mỗi lần tan trường, cô ấy ôm cặp đi trước, tôi lẽo đẽo theo sau. Tóc Ngọ bay bay trên đôi vai gầy nhỏ nhắn. Có những hôm trời mưa lất phất, cô ấy đưa cặp lên che ngang đầu. Tôi thấy thương quá, muốn làm một cử chỉ gì đó như là để chở che nhưng… thở mạnh còn không dám, nói chi là…

Đậu tú tài xong tôi vào Đại học Vạn Hạnh”…

“Tại sao ông lại trở thành tu sĩ Phật giáo?”.

“À, như đã nói, gia đình tôi vốn có truyền thống con nhà võ, từng lập “Học hội Hồ Quý Ly” quy tụ cả trăm người, khiến chính quyền miền Nam lúc ấy nghi ngờ, phải giải tán. Năm 1964 tôi “trôi dạt” vào “ăn cơm chay” ở các chùa: Vạn Thọ (Q.1), Kỳ Quang, Bà Đầm (Q.Phú Nhuận), rồi Đại học Vạn Hạnh… Cho dù đã nương thân vào cửa chùa nhưng mỗi lần đi ngang qua con đường cũ, hình ảnh cô học trò ôm cặp, tóc dài bay bay trong gió vẫn thấp thoáng đâu đây… Và rồi những tứ thơ tràn về: “Em tan trường về/Đường mưa nho nhỏ/Chim non giấu mỏ/Dưới cội hoa vàng/Bước em thênh thang/Áo tà nguyệt bạch/Ôm nghiêng cặp sách/Vai nhỏ tóc dài… Em tan trường về/Cuối đường mây đỏ/Anh tìm theo Ngọ/Dáng lau lách buồn… Em tan trường về/Đường mưa nho nhỏ/Trao vội chùm hoa/Ép vào cuối vở/Thương ơi vạn thuở… Ôi mối tình đầu/Như đi trên cát/Bước nhẹ mà sâu… Mười năm rồi Ngọ/Tình cờ qua đây/Cây xưa vẫn gầy/Phơi nghiêng dáng đỏ/Áo em ngày nọ/Phai nhạt mấy màu/Chân theo tìm nhau/Còn là vang vọng… Dáng ai nho nhỏ/Trong cõi xa vời/Tình ơi… Tình ơi!”…

“Tại sao nhạc sĩ Phạm Duy biết thơ ông để phổ nhạc?”.

“Là thế này, năm 1968, tôi có ra tập thơ đượm mùi thiền Phật giáo, in rất ít, chỉ để tặng bạn bè. Cụ Nguyễn Đức Quỳnh (nhà văn) đọc thấy thích mới giới thiệu với nhạc sĩ Phạm Duy, và nhạc sĩ đã phổ 10 bài đạo ca của tôi. Đó là cái duyên để đến năm 1971, nhạc sĩ Phạm Duy lại phổ nhạc bài Ngày xưa Hoàng Thị. Lạ một điều là bà xã tôi bây giờ lại rất giống Ngọ, có thể nói là một chín, một mười”.

Người viết tuy ngồi trong (động) Hoa Vàng nhưng tiếc ngẩn ngơ vì không được may mắn diện kiến nữ chủ nhân để ít ra cũng có thể hình dung được một nhan sắc thuở nào…

Hà Đình Nguyên

[footer]

Hương thầm (Phan Thị Thanh Nhàn – Vũ Hoàng)

Có một dạo, không phải là quá xưa, khoảng giữa thập niên 1980, giai điệu chậm và đẹp của bản “Hương thầm” rất phổ biến trong những người trẻ như chúng tôi. Khi đó [dongnhacxua.com] cứ ngỡ đây là một bài hát sáng tác để kêu gọi các bạn trẻ góp sức bảo vệ Tổ Quốc trong cuộc chiến với Trung Quốc những năm 1978, 1979 và 1988. Thế nhưng sau này, khi có nhiều thông tin hơn, chúng tôi mới biết được bản “Hương thầm” là nhạc sỹ Vũ Hoàng phổ từ một bài thơ của nhà thơ nữ Phan Thị Thanh Nhàn viết  cách đó khá lâu, năm 1969. Hôm nay, để thế hệ sau hiểu thêm về nhạc xưa, [dongnhacxua.com] xin trân trọng giới thiệu đôi nét về “Hương Thầm”.

BÀI THƠ “HƯƠNG THẦM”
(Nguồn: tkaraoke.com)

Khung cửa sổ hai nhà cuối phố
Không hiểu vì sao không khép bao giờ .
Đôi bạn ngày xưa học cùng một lớp
Cây bưởi sau nhà ngan ngát hương đưa .

Giấu một chùm hoa sau chiếc khăn tay ,
Cô gái ngập ngừng sang nhà hàng xóm ,
Bên ấy có người ngày mai ra trận

Họ ngồi im không biết nói năng chi
Mắt chợt tìm nhau rồi lại quay đi ,
nào ai đã một lần dám nói ?

Hoa bưởi thơm cho lòng bối rối
Anh không dám xin ,
Cô gái chẳng dám trao
Chỉ mùi hương đầm ấm thanh tao
Không dấu được cứ bay dịu nhẹ .

Cô gái như chùm hoa lặng lẽ
Nhờ hương thơm nói hộ tình yêu .

( Anh vô tình anh chẳng biết điều
Tôi đã đến với anh rồi đấy …)

Rồi theo từng hơi thở của anh
Hương thơm ấy thấm sâu vào lồng ngực
Anh lên đường
Hương thơm sẽ theo đi khắp

Họ chia tay
Vẫn chẳng nói điều gì
Mà hương thầm thơm mãi bước người đi

“HƯƠNG THẦM” – KÝ ỨC VỀ MÙA HOA BƯỞI NĂM ẤY
(Nguồn: vnExpress.net)

Bài hát được phổ nhạc từ thơ của Phan Thị Thanh Nhàn đã trải qua 30 năm tồn tại nhưng vẫn tỏa hương bền bỉ như một trái tim mang khát vọng hòa bình và yêu thương.

Có những loài hoa trở nên bất tử vì một bài thơ hay một bài ca. Đó là “hoa sữa” của nhạc sĩ Hồng Đăng, “màu tím hoa sim” trong thơ của Hữu Loan, “hoa sứ nhà nàng” trong nhạc của Hồng Phương… Tất nhiên khi điểm danh sách ấy, không thể quên “hoa bưởi” trong Hương thầm của nhạc sĩ Vũ Hoàng, phổ thơ Phan Thị Thanh Nhàn.

Bưởi là một thứ cây phổ biến ở nhà quê. Cây dễ trồng, dễ chăm sóc, quả lại rất lành. Đến tháng ba, khi “mưa xuân phơi phới bay”, cũng là lúc bưởi ra hoa. Đầu làng, cuối xóm, bỗng đâu ngào ngạt hương thơm. Đó là thứ hoa âm thầm đến lạ, chưa thấy hình đã thấy hương, còn chưa kịp thấy bóng hoa, người đã ngây ngất vì mùi thơm thanh khiết.

Hoa bưởi luôn tỏa hương thơm ngào ngạt. Photo: vnExpress.net
Hoa bưởi luôn tỏa hương thơm ngào ngạt. Photo: vnExpress.net

Người xưa chơi hoa thường chuộng hương hơn chuộng sắc. Bởi thế những thứ hoa rực rỡ như mẫu đơn, hải đường, phù dung, thược dược… vẫn thường bị các cụ chê là “hữu sắc vô hương”, giống như người đàn bà đẹp mà không có duyên. Hoa bưởi thì ngược lại, “hữu hương vô sắc”: hương thơm thì vô cùng nhưng dáng hình lại mộc mạc.

Hoa có năm cánh đầy đặn, trắng muốt; uốn cong cong về phía cuống, khoe nhụy vàng thơm phức. Hoa bưởi một khi đã nở, ít khi nở vài bông hay vài chùm, mà thường nở một loạt, nở cả cây. Khắp những vòm lá xanh tươi là những chùm bông trắng tinh ẩn hiện. Hoa bưởi giản dị lắm nhưng lại quyến rũ như người thôn nữ có duyên ngầm.

Trước Phan Thị Thanh Nhàn, hoa bưởi đã xuất hiện trong ca dao và nhiều nhất là trong thơ Nguyễn Bính. Nhiều người vẫn thuộc câu ca “Trèo lên cây bưởi hái hoa” hay những dòng tươi thắm tả cảnh mùa xuân “Đầy vườn hoa bưởi hoa cam rụng – Ngào ngạt hương bay, bướm vẽ vòng” (Nguyễn Bính). Nhưng phải đến Phan Thị Thanh Nhàn, hoa bưởi mới trở thành nhân vật chính trong một bài thơ.

Bài thơ ấy mang tên Hương thầm, tác giả sáng tác để tặng người em ruột tên là Phan Hữu Khải. Hồi ấy nhà bà ở Yên Phụ, trong sân có cây bưởi, cứ độ tháng ba về là hương thơm ngào ngạt. Em trai bà thường nhặt hoa rụng và hái hoa tươi cho vào túi để chị xách đi làm.

Ở lớp, có một bạn gái có vẻ rất gắn bó gần gũi với Khải nhưng anh không hay biết, chỉ có người chị đa cảm là để ý. Rồi anh lên đường đi bộ đội, ở chiến trường có lần được nghe Đài tiếng nói Việt Nam ngâm bài thơ, anh viết thư về kể cho chị. Phan Thị Thanh Nhàn chưa kịp hồi âm bà sáng tác bài thơ ấy từ chuyện của anh thì anh đã hy sinh. Anh ngã xuống mà không hề biết rằng mình đã được chị gái tặng riêng cho một bài thơ.

Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn từng chia sẻ trên báo: “Hương thầm cứ lặng lẽ, đến người đưa tiễn cũng không hay biết, ngay cả khi nằm xuống đất lạnh rồi vẫn không hay biết”.

Hương thầm sau đó được giải nhì cuộc thi thơ của tuần báo Văn nghệ năm 1969. Đến năm 1984, bài thơ được nhạc sĩ Vũ Hoàng phổ nhạc, như được chắp thêm đôi cánh để càng vươn xa hơn đến mọi miền của tổ quốc.

Hương thầm bắt đầu bằng hình ảnh những khung cửa để ngỏ. Hai người bạn “thanh mai trúc mã” lớn lên bên nhau với cây bưởi là chứng nhân lặng lẽ:

“… Khung cửa sổ hai nhà cuối phố
Chẳng hiểu vì sao không khép bao giờ,
Đôi bạn ngày xưa học chung một lớp
Cây bưởi sau nhà ngan ngát hương đưa…”

Nhà phải có cây bưởi mới biết hoa bưởi hữu dụng đến mức nào. Hoa bưởi được người ông đem ướp với trà để đãi khách những mùa sau. Người bà tần tảo đem hoa bưởi ướp với mía lùi làm quà ngon cho các cháu. Những ngày nóng nực, người mẹ đem hoa bưởi rắc lên bát chè đậu đen ngọt lành. Người chị để hoa trong vuông khăn giắt trong túi áo hoặc cài lên mái tóc để làm điệu.

Trẻ con dùng chỉ xâu qua những đóa hoa để kết thành vòng tay, vòng cổ xinh xắn. Lại có khi hoa được giắt lên mái đầu khi các em chơi trò cô dâu chú rể. Chàng trai và cô gái nhà bên có lẽ đã lớn lên với những kỷ niệm dịu ngọt từ những mùa hoa bưởi đi qua như thế.

“… Giấu một chùm hoa trong chiếc khăn tay
Cô bé ngập ngừng sang nhà hàng xóm
Bên ấy có người ngày mai ra trận
Bên ấy có người ngày mai đi xa…”

Những rung động đầu đời chưa kịp gửi trao thì chàng trai đã phải ra trận, “xếp bút nghiên theo nghiệp binh đao”. Ở một mùa hoa bưởi khác trong thơ của Tô Hùng một cuộc biệt ly như thế cũng đã diễn ra:

“Mỗi mùa xuân thơm lừng hoa bưởi
Rắc trắng vườn nhà những cánh hoa vương
Em lại nhớ ngày xưa anh ra trận
Cũng giữa mùa hoa bưởi ngát hương”

“Của tin gọi một chút này làm ghi”, cô bé hái một chùm hoa bưởi, giấu trong khăn tay định tặng người ra trận. Chỉ một từ “ngập ngừng” thôi mà như diễn tả được bao nét ngại ngùng, bẽn lẽn của người thiếu nữ dịu dàng.

“Nào ai đã một lần dám nói
Hương bưởi thơm cho lòng bối rối
Cô bé như chùm hoa lặng lẽ.
Nhờ hương thơm nói hộ tình yêu”.

Thời ấy, tình yêu trong sáng lắm. “Tình trong như đã, mặt ngoài còn e”. Người thiếu nữ đoan trang e thẹn chẳng dám mở lời. Chàng trai, đứng trước cuộc sinh ly tử biệt, dù trong lòng có tình cảm cũng phải kìm nén, sợ nói ra nhỡ có bề gì, trở thành gánh nặng cho người ở lại.

Trong thơ của Phan Thị Thanh Nhàn, sự bối rối ấy được diễn tả rõ hơn: “Họ ngồi im không biết nói năng chi – Mặt chợt tìm nhau rồi lại quay đi”; “Hoa bưởi thơm cho lòng bối rối – Anh không dám xin – Cô gái chẳng dám trao”.

Tình yêu thời chiến là thế: kín đáo, âm thầm nhưng không kém phần nồng nàn lãng mạn. Vì lý tưởng, họ sẵn sàng lên đường, ấp trong tim một khối tình chẳng bao giờ dám ngỏ. Có những người lính ngã xuống vẫn chưa từng một lần được yêu, chưa từng được nếm vị ngọt ngào của bờ môi thiếu nữ:

“Em ơi rất có thể
Anh chết trong chiến tranh
Đôi mươi tươi đạn xé
Chưa bao giờ được hôn”
(Hôn – Phùng Quán)

Hoa bưởi còn có thể làm thành vòng tay cho người thiếu nữ. Photo: vnExpress.net
Hoa bưởi còn có thể làm thành vòng tay cho người thiếu nữ. Photo: vnExpress.net

Nếu mùi hương hoa bưởi đã nói hộ tấm lòng người thiếu nữ, thì Hương thầmcó thể coi là thay lời muốn nói của cả một thế hệ đã trải qua tuổi thanh xuân đẹp nhất của mình nơi chiến trường:

“… Hai người chia tay nhưng chẳng nói điều chi
Mà hương thầm theo mãi bước người đi
Hai người chia tay sao chẳng nói điều gì?
Mà hương thầm vương vấn mãi người đi…”

Không một lời yêu nào được ngỏ, không một lời hứa hẹn nào được trao. Chỉ có những câu hỏi không lời đáp để lại bao xao xuyến trong lòng người nghe.

Tròn 30 năm Hương thầm được phổ nhạc, có rất nhiều ca sĩ đã thử sức với bài hát này. Nhưng có lẽ Bảo Yến là người thể hiện thành công hơn cả. Giọng hát của chị chân phương, mộc mạc, không luyến láy điệu đà như nhiều ca sĩ sau này, cũng giống như hoa bưởi không phô trương mà vẫn nồng nàn.

Người ta vẫn thương hoa bưởi vì để lại mùi hương rất lâu. Hoa đã tàn rồi mà trên tay, trong nếp áo, mái đầu của người hái hoa vẫn còn thoang thoảng mùi hương. Hương thầm cũng vậy, 45 năm thành hình dưới dạng bài thơ, 30 dưới dạng nhạc, vẫn tỏa hương bền bỉ như khát vọng tình yêu và hòa bình vẫn chẳng bao giờ thôi trăn trở trong tim người Việt.

[footer]

“Mối tình thơ nhạc 10 năm” của Phạm Duy – Lệ Lan

[dongnhacxua.com] xin gởi đến những người yêu dòng nhạc xưa một bài viết của nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân về một trong những bóng hồng đi qua trong đời của nhạc sỹ Phạm Duy: cô Lệ Lan. Và cũng nhờ đó mà chúng ta có được hai bản “Ngày đó chúng mình” và “Tôi đang mơ giấc mộng dài”.

Tôi đang mơ giấc mộng dài (Phạm Duy - Lê Lan). Ảnh: AmNhacMienNam.blogspot.com
Tôi đang mơ giấc mộng dài (Phạm Duy – Lê Lan). Ảnh: AmNhacMienNam.blogspot.com

toi-dang-mo-giac-mong-dai--2--pham-duy--le-lan--amnhacmiennam.blogspot.com--dongnhacxua.com

“MỐI TÌNH THƠ NHẠC 10 NĂM” CỦA PHẠM DUY – LÊ LAN
(Nguồn: nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân viết trên Kiến Thức Ngày Nay số 804)

Chuyện này đã đến với tôi rất sớm và từ nhiều mối. Có thể từ những năm cuối của thập niên 50 của thế kỷ trước. Thông tin về chuyện tình này tôi ghi lại từ nhạc sĩ Phạm Duy trong những trường hợp rất tình cờ. Rồi thỉnh thoảng tôi hỏi ông một câu để check lại một sự việc đã đến với tôi từ các nguồn đáng tin cậy khác.

Tôi biết rõ chuyện tình ấy nên sau khi đọc Hồi ký của ông, từ Pháp (1996), qua điện thoại vệ tinh, tôi hỏi ông: “Chuyện tình thơ nhạc của anh với Lệ Lan sâu đậm và ảnh hưởng đến nhiều nhạc phẩm của anh như thế, đã in ấn, tái bản nhiều lần “nhạc Phạm Duy-thơ Lệ Lan” như thế, sao không thấy anh viết gì trong Hồi ký của anh cả vậy?”. Phạm Duy trả lời: “Bà ấy bây giờ sống rất hạnh phúc với một ông chồng biết thương yêu vợ và mấy đứa con ngoan.Tôi không nhắc lại mối tình thơ nhạc với bà làm gì, sợ ảnh hưởng đến hạnh phúc của người mình từng yêu mến suốt mười năm”. Tôi hơi bị sốc nên nói ngay: “Một chuyện có ảnh hưởng đến âm nhạc của anh như thế mà anh không viết thì em sẽ viết”. Phạm Duy biết tính tôi “nói là làm” nên bảo tôi: “Em là người cầm bút ở trong nước, tùy em!”.     
 
Vào khoảng cuối những năm 50 của thế kỷ 20, trên báo Công Dân ở Huế có đăng chuyện một người đi tắm biển Thuận An vô tình nhặt được một tập thơ viết tay, nét chữ con gái mềm mại ký tên Hàn Lệ Lan hay Lâm Lệ Lan gì đó mà tôi không còn nhớ rõ. Bài báo trích đăng mấy bài thơ mới, nói lên một mối tình thơ kín đáo nhưng cũng cháy bỏng. Bài báo làm xôn xao dư luận những người làm thơ ở Huế lúc ấy. Phải chăng vừa xuất hiện thêm một nàng T.T.Kh. nữa? Sau đó một thời gian, tôi mua được mấy nhạc phẩm của Phạm Duy, trong đó có bài ghi: nhạc Phạm Duy – thơ Lệ Lan. Tôi lại nghĩ: Chắc nhạc sĩ Phạm Duy đọc báo thấy thích thơ của Lệ Lan nên phổ nhạc thế thôi. Không ngờ, đây là một “chiêu” để hợp thức hóa chuyện quan hệ tình cảm giữa nhạc sĩ Phạm Duy và nàng thơ bé nhỏ Lệ Lan, mở đầu cho một câu chuyện tình thơ nhạc kéo dài đến 10 năm.
 
pham-duy--le-lan--dongnhacxua.com
Khoảng cuối tháng 7.1965, sau buổi hội thảo “Bắc tiến” do chính phủ Thiệu – Kỳ tổ chức ở Nhà hát Thành phố Sài Gòn, tôi bị nhiều phe phái ủng hộ chính phủ Thiệu – Kỳ rượt đánh. Phạm Duy định đưa tôi về ẩn náu tại nhà một người yêu của anh ở Lái Thiêu. Tôi hỏi người ấy là ai? Anh đáp: “Lệ Lan”. “Trời ơi, Lệ Lan? Người có thơ được anh phổ nhạc lâu nay phải không?”. “Đúng rồi!”. Ngay lúc đó, ông N.T.A. – Bộ trưởng Giao thông vận tải, là bạn Phật tử với tôi – cho người đến Nhà hát tìm và đưa tôi về ẩn náu trong nhà ông trên đường Đoàn Thị Điểm. Tôi chưa kịp về Lái Thiêu, bỏ mất một cơ hội nói chuyện thơ nhạc với Lệ Lan. Gần một năm sau, trong một buổi hát Tâm Ca tại một cơ sở Phật giáo, tôi gặp Lệ Lan. Một người con gái trên hai mươi tuổi, không phấn son mà đẹp như một tài tử xi-nê. Cô có đôi mắt thăm thẳm, đôi môi mọng như lúc nào cũng có thể khóc được. Nhưng gặp người đẹp giữa mùa tranh đấu mất còn nên tôi không chuyện trò gì được ngoài mấy câu thăm hỏi.
 
Sau đó không lâu, tôi về Huế rồi đi kháng chiến. Chuyện tình của Phạm Duy và Lệ Lan nhạt dần trong tâm trí tôi. Mãi đến cuối năm 1987, nhân có nhà báo Lê Quý Biên về nước, Phạm Duy viết thư nhờ tôi “lấy dùm anh một bó thư tình và 3 cuốn thơ tình anh gửi nơi anh Lê Ngộ Châu. Về già, ai cũng muốn ngó vào dĩ vãng. Em giúp cho Biên trả lại cho César nhé!” (Thư tay viết ngày 14.12.1987). Nhưng than ôi, tôi vào TP.HCM gặp ông Lê Ngộ Châu tại nhà riêng ở số 160 Nguyễn Đình Chiểu (Q.3) thì được biết hồi cuối những năm 70, có một họa sĩ thế hệ đàn anh của nhạc sĩ Phạm Duy đến thăm và bảo đã được sự đồng ý của Phạm Duy, hãy cho ông ta mượn đọc “bó thư tình và 3 cuốn thơ tình” nặng đến 5 ký của Phạm Duy. Lê Ngộ Châu là một người rất tin người, nhất là các bậc trưởng thượng từ Hà Nội vào. Tưởng thật, ông mở tủ lấy bó kỷ vật của Phạm Duy – Lệ Lan đưa cho người họa sĩ già. Và từ đó không còn biết người đó ở đâu để đòi lại nữa. Khi nhận được tin Phạm Duy xin nhận lại bó ảnh màu-thư-thơ tình, Lê Ngộ Châu ân hận vô cùng. Phạm Duy biết Lê Ngộ Châu đã bị lừa, nên chỉ trách ông nhẹ dạ chứ không giận.
 
Nhiều lần ông nhờ tôi ra Hà Nội tìm giúp cho ông. Nhưng tôi cũng bó tay. Từ đó, mỗi lần ghé thăm ông Lê Ngộ Châu, hai chúng tôi lại nói chuyện về mối tình 10 năm của Phạm Duy với Lệ Lan. Lê Ngộ Châu đã đọc hết bó thư và thơ của Phạm Duy và Lệ Lan. Ông kể cho tôi nghe và bảo tôi: “Nếu có dịp, có thể viết thành một cuốn tiểu thuyết. Người yêu âm nhạc Việt Nam sẽ rất thú vị khi biết được từ những động thái tình cảm nào giữa đôi tình nhân này mà Phạm Duy phổ thơ hay sáng tác nên những bản nhạc tình trong vòng 10 năm (1959-1969) ấy.”
Tác giả Nguyễn Đắc Xuân (trái) và ông Lê Ngộ Châu.
Tác giả Nguyễn Đắc Xuân (trái) và ông Lê Ngộ Châu.
Rất tiếc, bó thư chưa tìm được và Lê Ngộ Châu cũng đã từ giã cõi trần vào ngày 24.9.2006. Tôi viết bài “Mối tình thơ nhạc…” này một phần để ghi lại chuyện tình hiếm có trong đời sống văn học nghệ thuật Việt Nam, một phần để hiểu sâu sắc hơn âm nhạc của Phạm Duy và một phần cũng để chia sẻ bớt nỗi bận tâm vì làm mất kỷ vật của bạn ông chủ báo Bách Khoa Lê Ngộ Châu – người mà thế hệ của tôi ở miền Nam rất quý trọng.
 
Tình mẹ từ chối lại rơi vào…
 
Sống ở Hà Nội trong độ tuổi đôi mươi, chàng nhạc sĩ “hát rong” Phạm Duy có yêu một người con gái Hà thành. Người đẹp, lại xuất thân trong một gia đình khá giả, nên Phạm Duy chỉ được yêu thôi chứ chẳng được gì. Về sau, người đẹp lập gia đình, có con, hạnh phúc. Đến sau năm 1954, Phạm Duy được biết người đẹp đã di cư vào Sài Gòn; vắng bóng chồng, người đẹp chỉ sống với con. Nhớ người xưa, Phạm Duy tìm đến thăm rồi đàn hát thổ lộ tâm sự về những điều ngày xưa không bày tỏ với nhau được. Người đẹp rất quý trọng người bạn có chút tình cũ, nhưng luôn luôn giữ một khoảng cách. Nhiều lần Phạm Duy muốn lấp cái khoảng cách đó bằng âm nhạc, bằng tâm sự, bằng những lá thư tình, nhưng vô hiệu.
 
Không ngờ, tất cả những tình cảm của Phạm Duy dành cho người đẹp đã làm rung động trái tim của cô con gái còn rất nhỏ của nàng. Không ai ngờ tình yêu dành cho mẹ, bị mẹ từ chối lại rơi vào con – cô bé Lan. Lan đang tập tễnh làm thơ, bắt được nguồn cảm hứng yêu người bạn của mẹ, cảm thấy hạnh phúc vô cùng. Lan thể hiện sự khát khao yêu thương vào thơ và kín đáo gởi đến người bạn của mẹ. Nhận được tình yêu của cô bé – con gái của bạn mình – qua thơ, Phạm Duy vô cùng xúc động và bất ngờ.
 
Cho đến năm 1959, đã có hàng chục người đẹp “lao tới” và không bao giờ quên nhau, nhưng chưa từng có người nào trẻ và xuất hiện trong một hoàn cảnh “trớ trêu” đến như thế. Phạm Duy rất đắn đo, nhưng rồi ông bị cô bé “tấn công” bằng thơ liên tục. Dần dần, hình ảnh cô bé – con của người yêu cũ mờ dần và hiện lên trong tâm trí ông hình ảnh tác giả của những bài thơ tình. Yêu Lệ Lan làm cho tâm hồn ông trẻ lại, thăng hoa; ông được sống với một mối tình thơ nhạc vô cùng lý tưởng như ông viết trong Hồi ký tập 3, tr. 247: “… cuối tuần lái xe đi đón người tình rồi chúng tôi ngồi trong xe hơi hay trên một bãi cỏ hoang ở vùng ngoại ô, nói với nhau những chuyện cao xa, thơ mộng”. Ông ghi lại sự trong sáng, hạnh phúc êm đềm đó trong bài Ngày đó chúng mình:     
 
Ngày đó có em đi nhẹ vào đời
Và mang theo trăng sao đến với lời thơ nuối
Ngày đó có anh mơ lại mộng ngời
Và xe tơ kết tóc – giam em vào lòng thôi
Ngày đôi ta ca vui tiếng hát với đường dài
Ngâm khẽ tiếng thơ, khơi mạch sầu lơi
Ngày đôi môi đôi môi đã quyết trói đời người
Ôi những cánh tay đan vòng tình ái
Ngày đó có ta mơ được trọn đời
Tình vươn vai lên khơi – tới chín trời mây khói
Ngày đó có say duyên vượt biển ngoài
Trùng dương ơi! Giữ kín cho lâu đài tình đôi […]
 
Được Phạm Duy yêu, được trân quý, Lệ Lan vô cùng hạnh phúc. Lệ Lan là nguồn cảm hứng cho âm nhạc Phạm Duy. Ngược lại, tình yêu của Phạm Duy cũng là nguồn cảm hứng cho thơ Lệ Lan. Lệ Lan năn nỉ cuộc đời đừng có “lay” động cô, đừng làm gián đoạn giấc mơ hạnh phúc tuyệt vời mà cô đang trải qua:
 
Tôi đang mơ giấc mộng dài
Đừng lay tôi nhé cuộc đời chung quanh
Tôi đang nhìn thấy màu xanh
Ở trên cây cỏ rất lành rất thơm
Tôi đang nhìn thấy màu hồng
Của tôi thay đổi luôn luôn theo trời
Hoàng hôn màu đỏ mây tươi
Bình minh nắng trắng ấm trôi vào lòng
Những vì sao tím rất trong
Mảnh trăng vàng rỡ chờ mong tôi nhìn
Tôi đang nhìn thấy trong tim
Tình yêu bay những con chim tuyệt vời
Đừng lay tôi nhé cuộc đời
Tôi còn trẻ lắm cho tôi mơ mòng.
 
Nhận được bài Năn nỉ, Phạm Duy phổ nhạc ngay, lấy câu thơ mở đầu làm tựa đề ca khúc Tôi đang mơ giấc mộng dài. Lời thơ rất đẹp, Phạm Duy chỉ sửa và thêm bớt một vài từ, âm nhạc dạt dào, thanh thoát, mê ly. Thật là một bài ca hạnh phúc! Đây là ca khúc phổ thơ Lệ Lan được nhạc sĩ Phạm Duy ưng ý nhất.
[…]
Tôi đang mơ giấc mộng dài
Đừng lay tôi nhé, cuộc đời chung quanh
Tôi đang nhìn thấy màu xanh ở trên cây cành trôi xuống thân mình
Tôi đang nhìn thấy màu hồng ở khắp nẻo đường nhẹ thấm vào hồn
Từ bình minh tươi mát, về hoàng hôn thơm ngát
Làn gió đưa hương đời vào chứa chan lòng tôi
Tôi nghe từ cõi đời vui vượt qua đêm dài lên tới sao trời
Tôi nghe từ cõi lòng người lời nói bồi hồi tìm kiếm ngọt bùi
Và nhìn thấy trong tim, tình yêu nở những con chim
Nở những con chim tuyệt vời
Đừng lay tôi nhé cuộc đời
Tôi còn trẻ dại cho tôi mơ mòng.
 
Bài thơ của Lệ Lan rất dễ thương, thơ ngây, hồn nhiên. Được Phạm Duy phổ nhạc, biến nó thành một tác phẩm hay, thoang thoảng một chút triết lý của một chuyện tình đẹp. Một cô bé mới tập tễnh làm thơ bỗng dưng trở thành một tác giả đứng ngang hàng với một nhạc sĩ hàng đầu trong xã hội lúc đó, Lệ Lan không khỏi mê mẩn tinh thần. Lệ Lan mê nhạc Phạm Duy, mê chuyện tình giữa bà mẹ và người nhạc sĩ tài hoa và mê Phạm Duy là người đã thực sự tung Lệ Lan bay bổng lên giữa “chín trời mây khói”. Với một tâm hồn lãng mạn, yêu thơ và được yêu như thế, Lệ Lan có thể hy sinh tất cả, bất chấp tuổi tác, bất chấp chuyện san sẻ tình cảm của mẹ để lấy cuộc tình này. Và mối tình thơ nhạc ấy tiếp tục như thế nào và có bao nhiêu tác phẩm âm nhạc nữa ra đời?
 
Nguyễn Đắc Xuân (KTNN số 804)

[footer]

Tình Cầm (Phạm Duy – Hoàng Cầm)

Người yêu nhạc Phạm Duy chắc hản không xa lạ với một bản tình ca nhẹ nhàng lãng mạn viết cho những người yêu nhau ‘không còn trẻ’. Thế nhưng ít ai biết nhạc phẩm này Phạm Duy lấy cảm hứng từ bài thơ ‘Nếu anh còn trẻ’ mà thi sỹ Hoàng Cầm viết năm 1941 khi mới 17 tuổi.  Nhạc sỹ Phạm Duy có một tình bạn thân thiết với thi sỹ Hoàng Cầm khi cả hai tham gia kháng chiến chống Pháp vào khoảng năm 1947. Mãi 40 năm sau, độ năm 1984-1985 ở lứa tuổi ‘không còn trẻ’, nhà nhạc sỹ của chúng ta mới cho ra đời bản ‘Tình cầm’ mà  [dongnhacxua.com] hân hạnh giới thiệu hôm nay.

NẾU ANH CÒN TRẺ
(Nguồn: facebook của nhạc sỹ / bác sỹ Phạm Anh Dũng)

Nếu anh còn trẻ như năm ấy
Quyết đón em về sống với anh
Những khoảng chiều buồn phơ phất lại
Anh đàn em hát níu xuân xanh

Nhưng thuyền em buộc sai duyên phận
Anh lụy đời quên bến khói sương
Năm tháng… năm cung mờ cách biệt
Bao giờ em hết nợ Tầm Dương?

Nếu có ngày mai anh trở gót
Quay về lãng đãng bến sông xa
Thì em còn đấy hay đâu mất?
Cuối xóm buồn teo một tiếng gà…”

(Nếu Anh Còn Trẻ/thơ Hoàng Cầm)

Trên đời này có biết bao nhiêu người gặp nhau, hay gặp lại nhau, yêu nhau muộn màng lúc đã… già? Muộn màng!
Bài thơ lãng mạn do thi sĩ Hoàng Cầm viết năm 1941, diễn tả nỗi buồn vì một cuộc tình dở dang của người không còn… trẻ nữa.
Có nhiều chữ, nhiều câu thật tuyệt vờị Lấy vài thí dụ giản dị trong bài, để xem tài làm thơ của Hoàng Cầm.

Mở đầu bài thơ, chữ “Nếu” cho thấy đây một chuyện mong ước, giả dụ. Đọc tiếp cho hết câu đầu, “anh còn trẻ như năm ấy”, sẽ thấy rõ đó chỉ là một chuyện không thể có thực.
Nhưng, chữ “Quyết” ở đầu câu thứ hai cho thấy dù chỉ là chuyện giả tưởng, ý tưởng người đàn ông vẫn mạnh mẽ, khi có ý “đón em về sống”.
Có một chữ hơi lạ là “khoảng” của câu thứ ba. Thường người ta sẽ viết là “buổi”. Nhưng đọc “khoảng chiều” nghe thấm thía hơn là “buổi chiều”. Cái cảm giác khi đọc “khoảng chiều” sẽ là những lúc hoàng hôn về, không được trọn vẹn được thành cả buổi chiều, mà chỉ có những khoảng thời gian của những buổi chiều mà thôi. Kết quả làm cả câu thơ buồn hơn, hay hơn.
Chữ “níu” ở trong “níu xuân xanh” phải nói là rất hay, cho thấy tình trạng gần như là tuyệt vọng của mối tình… già, dù đây vẫn chỉ là nói chuyện giả tưởng. Mặc dù chuyện đón người yêu về chỉ là chuyện không có thực, mà tình yêu đã mong manh như vậy rồi!

Đoạn cuối của bài thơ, câu đầu cũng bắt đầu bằng “Nếu”, do đó cũng chỉ là chuyện giả dụ. Tuy vậy, khi đọc tiếp có “ngày mai anh trở gót” thì thấy câu chuyện lại có thể xẩy ra trong tương lai và không phải là chuyện không thật như ở đoạn đầu bài thơ.
Nhưng, lúc đó người “lãng đãng” có thể hiểu là người đàn ông đã mất hồn vì mất… tình đi lang thang khắp nơi, rồi tìm về “bến sông xa” vắng với cái buồn cô đơn.

Câu áp chót của bài thơ là một câu hỏi, “em còn đấy hay đâu mất?”. Và, chữ “Thì” đặt khéo léo ở đầu câu làm cả câu mạnh hẳn lên với ý nghĩa thậm xưng hơn nhiều. Câu thơ, câu hỏi nhưng có vẻ đã biết câu trả lời rồi, gần như thành một nỗi niềm trách móc, ai oán.

Câu cuối cùng của bài thơ, thật hay, đã làm bật ra được cái cảm giác buồn cô độc của thi sĩ. Hai chữ “buồn teo” là buồn hoang vắng. “Cuối xóm buồn teo một tiếng gà” nhấn mạnh đến sự vắng vẻ và buồn. Hoàng Cầm viết “một tiếng gà”, một tiếng động chứ không phải tiếng gáy của gà. Chỉ có một tiếng động nhỏ của một con gà, không có tiếng thứ haị Thi sĩ Hoàng Cầm không viết là một đàn gà, không viết là hai con gà. Đọc câu thơ sẽ có cảm giác chỉ có một con gà mà thôị Tiếng động nhỏ của một con gà từ cuối xóm còn vọng lên nghe thấy được cho thấy xóm buồn vắng vẻ như thế nào!

Mãi đến năm 1985, tức là 44 năm sau, nhạc sĩ Phạm Duy mới phổ nhạc bài thơ. Chắc lúc đó, tuổi đã về chiều, Phạm Duy mới cảm được bài thơ? Ông cho biết bài thơ không có tựa đề và đặt tên bài hát là Tình Cầm. Thật ra, bài thơ có tên Nếu Anh Còn Trẻ (99 Tình Khúc – Thơ Hoàng Cầm, trang 175). Có lẽ, đề tựa bài thơ chỉ được đặt về sau này và Phạm Duy đã không hề biết đến.

Bài thơ tình Nếu Anh Còn Trẻ đã trở thành bài nhạc Tình Cầm.
Sau khi được phổ nhạc, âm giai chính là Sol Trưởng, lời bài hát trở thành như sau:

Nếu anh còn trẻ như năm cũ…
Quyết đón em về sống với anh!
Những khi chiều vàng phơ phất đến…
Anh đàn em hát níu xuân xanh…”

Bốn câu khá hay trong đoạn thứ hai của bài hát, không có trong bài thơ, do chính Phạm Duy “liều lĩnh phang” (chữ của Phạm Duy dùng khi viết về bài hát này) thêm vào:

Có mây bàng bạc gây thương nhớ
Có ánh trăng vàng soi giấc mơ…
Có anh ngồi lại so phím cũ
Mong chờ em hát khúc xuân xưa!!!

Đoạn thứ ba, điệp khúc, lời khác hẳn bài thơ và nhạc chuyển trùng hẳn xuống, buồn hơn vì đổi qua âm giai Sol Thứ:

Nhưng thuyền em buộc trên sông hận…
Anh chẳng quay về với trúc tơ!
Ngày tháng tỳ bà vương ánh nguyệt
Mộng héo bên song vẫn đợi chờ!

Đoạn kết, nhạc trở về với Sol Trưởng, lại rộng rãi hơn nhưng có lời hát với ý tưởng khác đoạn thơ nguyên thủy:

Nếu có ngày nào em quay gót
Lui về thăm lại bến thu xa
Thì đôi mái tóc không còn xanh nữẳ
Mây bạc trăng vàng vẫn thướt tha”

(Tình Cầm/thơ Hoàng Cầm, nhạc Phạm Duy)

Có nhạc điệu uyển chuyển, thật hay, bài tình ca Tình Cầm là một trong những bài nhạc được gọi là Hoàng Cầm Ca của Phạm Duy.

Đó là chuyện bài thơ nhạc Nếu Anh Còn Trẻ-Tình Cầm.
Để kết thúc, lại nói thêm một chút chuyện già trẻ ở ngoài đờị Thế nào là già? Như thế nào là trẻ? Vấn đề này chỉ tương đối thôi và tùy theo cảm quan của con người mà thôi.
Thật ra có nhiều người nhiều người trông qua có vẻ trẻ nhưng tình cảm, bên trong lại không trẻ chút nào hết và có những người khác, bên ngoài nhìn thấy là già, mà tâm hồn vẫn trẻ trung.
Những “người thơ” có đầu óc, được tâm hồn như Hoàng Cầm hay Phạm Duy, có thể nói không có tuổi và vẫn trẻ mãi mãi…

Phạm Anh Dũng
Santa Maria, California USA

CHÚ THÍCH:

Tầm Dương và tỳ bà.
Tỳ bà tuy là nhạc cụ cổ truyền của VN nhưng có nguồn gốc từ đàn pipa của Trung Hoa.
Tầm Dương là tên một con sông bên Trung Hoa.
Câu thơ của Hoàng Cầm có chữ “Tầm Dương” và do đó câu của Phạm Duy có chữ “tỳ bà” là do câu chuyện sau:
Tầm Dương là một con sông thuộc tỉnh Giang Tây, Trung Quốc chảy qua huyện Cửu Giang.
Vào đời Đường, nhà thơ Bạch Cư Dị đang làm quan ở kinh đô, bị giáng chức về làm Tư Mã quận Cửu Giang (tức quận Giang Châu).
Ở đây, trong một lần tiễn bạn ở bến sông Tầm Dương, nhà thơ gặp một cô gái giang hồ trên sông, cô gái vốn là một tay đánh đàn tỳ bà nổi tiếng ở kinh đô Tràng An lưu lạc về.
Nghe đàn tỳ bà, lại nghe cô gái kể lể về cảnh ngộ rũi ro, nhà thơ cảm khái làm bài “Tỳ Bà Hành” nổi tiếng được truyền tụng đến ngày nay và đã được Phan Huy ích dịch ra tiếng Việt.
Trong Chinh Phụ Ngâm (nguyên tác Hán Văn của Đặng Trần Côn dịch sang tiếng Việt do Phan Huy Ích hay Đoàn Thị Điểm, đến nay vẫn không biết chắc chắn là người nào) có câu: Bến Tầm Dương chàng còn ngoảnh lại. Chốn Tiêu Tương thiếp hãy trông theo…
Bài thơ Tỳ Bà Hành của Phan Huy Ích dịch thơ Bạch Cư Dị cũng được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc thành một bài nhạc (khác).

TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Nếu Anh Còn Trẻ (Tập thơ 99 Tình Khúc-Hoàng Cầm, trang 175-Văn Học xuất bản năm 1996 tại Việt Nam)
2. Tình Cầm (Tập nhạc Thấm Thoát Mười Năm-Phạm Duy, trang 75-Hội Văn Hóa Việt Nam tại Bắc Mỹ, Tủ Sách Cành Nam và Tạp Chí Xác Định xuất bản năm 1985 tại Hoa Kỳ)
3. Về Những Bài Gọi Là Hoàng Cầm Ca (bài Phạm Duy viết trong Tập San Hợp Lưu số 8 tháng Chạp, 1992 và tháng Giêng, 1993

Áo anh sút chỉ đường tà (Phạm Duy – Hữu Loan)

Trong dòng thi ca Việt Nam, có lẽ bài thơ “Màu tím hoa sim” của Hữu Loan là bài thơ được phổ nhạc nhiều nhất. Theo ý kiến cá nhân của chúng tôi, thành công nhất và cũng  giữ được tính bi tráng của bài thơ nhiều nhất là bản “Áo anh sút chỉ đường tà” của nhạc sỹ Phạm Duy. 

Áo anh sút chỉ đường tà (Phạm Duy – Hữu Loan) .Ảnh: hcmutrans.edu.vn

TAO NGỘ HOA SIM
(Cập nhật 18.08.2014 | Nguồn: ThanhNien.com.vn)

Màu tím hoa sim – một kiệt tác của nhà thơ Hữu Loan đã làm lay động biết bao tâm hồn. Được Phạm Duy phổ nhạc, bài thơ mang tên mới Áo anh sứt chỉ đường tà, và trở thành một trong những ca khúc bi hùng nhất về người lính.

 Nhà thơ Hữu Loan (trái) và nhạc sĩ Phạm Duy - Ảnh: nhân vật cung cấp

Nhà thơ Hữu Loan (trái) và nhạc sĩ Phạm Duy – Ảnh: nhân vật cung cấp

Nhạc sĩ Phạm Duy lúc vui vẫn kể rằng, sinh thời bố ông – nhà văn Phạm Duy Tốn thường viết truyện cười châm biếm các thi sĩ nửa mùa. Cũng vì có người bố như vậy mà “đời tôi, có những khi nổi hứng định làm thi sĩ thì tôi vội vàng bỏ ý định đó ngay. Chỉ sợ ông bố đội mồ sống dậy đưa mình vào truyện tiếu lâm!”. Phạm Duy chia sẻ, học tập bố mình, ông cũng có thể gọi là khắt khe trong việc nhận thức cái hay cái đẹp, đặc biệt là đối với thơ ca.

Bởi vì cái sự không dễ dãi ấy nên nếu có lần rung động, thì đó chắc chắn phải là sự rung động tuyệt đối. Mỗi bài thơ Phạm Duy tâm đắc, ông đều muốn phổ thành nhạc. Trong số những đóng góp to lớn cho nền âm nhạc dân tộc, có khoảng hơn 300 tác phẩm được ông phổ từ thơ. Nói nhạc khúc nâng cao lời thơ ý thơ để diễn tả tài năng thiên phú của Phạm Duy quả thật chẳng ngoa. Một số ca khúc phổ thơ rất thành công của ông như: Ngậm ngùi, Tiếng sáo thiên thai, Áo anh sứt chỉ đường tà, Đưa em tìm động hoa vàng, Em lễ chùa này, Bên kia sông Đuống, Còn chút gì để nhớ… tự thân chúng vốn dĩ đã là những bài thơ nổi tiếng, nhưng khi đặt lên khuông nhạc của Phạm Duy thì càng thêm phần thăng hoa.

Phạm Duy yêu họ. Họ, Hoàng Cầm, Lưu Trọng Lư, Quang Dũng, Phạm Thiên Thư, Hữu Loan… lần lượt ghi dấu vào những cột mốc cuộc đời lẫn âm nhạc của Phạm Duy một cách hiển nhiên và gần gũi

Vậy, bên cạnh khả năng lĩnh hội và kỹ thuật điêu luyện, điều gì tạo ra sự giao thoa nghệ thuật ấy? Theo lời Phạm Duy, trừ những người đã khuất từ rất lâu: đại thi hào Nguyễn Du, Hàn Mặc Tử, Bích Khê…, giữa ông và hầu hết cha đẻ của các bài thơ ông phổ nhạc đều nảy sinh mối duyên nào đó, rồi trở thành tri kỷ. Có người gặp gỡ trong kháng chiến, có người qua sinh hoạt nghệ thuật mà quen biết, có người lại tìm nhau vì cảm mến lời thơ tiếng nhạc… Phạm Duy yêu họ. Họ, Hoàng Cầm, Lưu Trọng Lư, Quang Dũng, Phạm Thiên Thư, Hữu Loan… lần lượt ghi dấu vào những cột mốc cuộc đời lẫn âm nhạc của Phạm Duy một cách hiển nhiên và gần gũi.

Năm 2005, nhạc sĩ Phạm Duy trở về quê hương sau ba mươi năm xa cách…

Vào một ngày mưa gió năm 2006, nhân chuyến du lịch trên đường cái quan, Phạm Duy đi ngang qua tỉnh Thanh Hóa. Hỏi thăm mới biết, nhà thơ Hữu Loan còn sống tại làng nhỏ Vân Hoàn, xã Nga Lĩnh, huyện Nga Sơn. Ông liền đi xe ôm tìm đến. Trước mặt Phạm Duy, anh cán bộ trong ủy ban kháng chiến ngày ngày cưỡi ngựa đi công tác khắp nơi hôm nào giờ đã là cụ già tóc bạc. Hồi đó ở chiến khu, hai người vẫn hay hàn huyên chuyện văn chương non nước. Một nửa thế kỷ trôi đi, cả hai gặp lại nhau trong hoàn cảnh gần đất xa trời (lúc ấy Hữu Loan đã hơn 90 tuổi), chỉ kịp ôn lại dăm ba câu chuyện cũ rồi chia tay… Cảm xúc về buổi gặp gỡ cuối cùng với nhà thơ Màu tím hoa sim vẫn đọng mãi nơi tiềm thức người nhạc sĩ: “Lúc đó tôi thấy anh Hữu Loan đã hơn 90 tuổi mà hãy còn khỏe mạnh thì mừng lắm”.

Phạm Duy nhớ lại: “Cuối năm 1947, tôi từ Việt Bắc (Cao-Bắc-Lạng) xuống Khu 3 (Chợ Đại, Cống Thần) rồi có ý định đi theo Trần Văn Giàu vào Nam chiến đấu. Nhưng khi vào tới Thanh Hóa (Khu 4 – làng Quần Tín) thì tôi gặp tướng Nguyễn Sơn và ở lại đó, gia nhập Ban Văn nghệ của Trung đoàn 304. Tại đây tôi gặp Hữu Loan…

Đầu húi cua, tiếng nói lớn, và khi ngủ thì ngáy như sấm, vậy mà khi làm thơ thì toàn thơ buồn. Anh vừa góa vợ và có một bài thơ rất buồn thương là bài Màu tím hoa sim mà nhiều người đã phổ nhạc, trong đó có tôi (có hai người khác phổ nhạc nữa là: Dzũng Chinh với tên Những đồi hoa sim và Anh Bằng thì lấy tên là Chuyện hoa sim). Nhưng đến khi tôi phổ nhạc xong bài thơ thì chính quyền hồi đó (1948) cho rằng bài thơ tiêu cực quá, nên tôi không muốn phổ biến bài hát đó. Sau này, khi tôi vào Sài Gòn sinh sống, tới năm 1971 tôi mới chính thức tung ra bài hát. Khi đó, tôi đặt tên cho bài hát là Áo anh sứt chỉ đường tà.

Theo tôi, bài Áo anh sứt chỉ đường tà tuy có vẻ buồn thương, nhưng không bi lụy mà bi hùng! Tôi nghĩ, bổn phận của người nghệ sĩ trong thời chiến phải biến cái bi thành cái hùng. Bài thơ của anh Hữu Loan có cả hai yếu tố đó và trong bản nhạc người nghe cũng nghe được cả hai tiếng: tiếng hùng và tiếng bi. Tôi soạn thành một “ca khúc” dài tới 7 đoạn gồm khoảng 80 khuông.

Vì là một truyện ca dài, bài hát được chia ra 6 đoạn, nói tới chuyện một anh chiến binh từ mặt trận trở về, cưới xong người con gái anh yêu, rồi lại phải trở về quân ngũ. Ở chiến trường, nhiều khi nhớ vợ, lo lắng cho vợ. Ở quê nhà, bỗng không may người vợ trẻ bị chết đuối, anh không được gặp mặt vợ. Lòng anh rất buồn nhưng vẫn hăng hái theo đoàn chiến sĩ ra đi. Trên đường hành quân, qua những đồi sim, anh nghe thấy có tiếng văng vẳng ru: À ơi, Áo anh sứt chỉ đường tà, vợ anh chết sớm, mẹ già chưa khâu…”.

Trích Vang vọng một thời – Mùa hè, 2012
Hiếu Dũng – Ngân Vi

[footer]

Dzũng Chinh & Những Đồi Hoa Sim

ĐÔI NÉT VỀ NHẠC SỸ DZŨNG CHINH
(Cập nhật 17.08.2014, nguồn: http://cafevannghe.wordpress.com, facebook.com/dongnhacxua)

Nhạc sĩ Dzũng Chinh tác giả 2 nhạc phẩm bất hủ “Những đồi hoa sim” và “Tha la xóm đạo” được giới yêu âm nhạc yêu thích nhất.

Dzũng Chinh chỉ là bút danh còn tên thật là Nguyễn Bá Chính. Đi quân dịch vào năm 1965. Vài năm sau khi ra trường, có lẽ chán nản với cấp bực trung sĩ, anh xin học khóa sĩ quan nhưng rồi nghe tin Dzũng Chinh chết tại Qui Nhơn (Có tài liệu ghi, khi vào đời lính, anh được điều xuống miền Tây, và trong một chuyến công tác, xe anh bị trúng mìn trên QL 4, lúc đó Dzũng Chinh mang cấp bậc chuẩn úy, được đưa về nghĩa trang quân đội Gò Vấp với bia ký là “Cố Thiếu úy Nguyễn Bá Chinh”). Nên tài liệu về người nhạc sĩ vắn số này rất ít, anh chỉ để lại đời nhạc phẩm “Những đồi hoa sim” và “Tha La xóm đạo” cùng một số nhạc phẩm khác không được nổi cho lắm.

Lời ca : “…mấy lúc xông pha ngoài trận tuyến không hẹn được ngày về, và đường về… thênh thang… màu hoa tím loang dài trong bóng tối…” đã giống như định mệnh của người nhạc sĩ tài hoa không may mắn với đời. Trên những đồi cát chập chùng nắng gió Qui Nhơn, màu hoa sim của Hữu Loan miền Bắc đã thấm vào hồn của Dzũng Chinh miền Nam để sống mãi trong lòng mọi người. Khi người ta yêu, cũng giống như khi người ta chết, có một thời họ ủ đau thương trên dòng mực của mình.

Ngày Dzũng Chinh phổ biến bản nhạc này, lúc đó anh đang còn là sinh viên ĐH Luật khoa Saigon, khoảng 1961-62 qua tiếng hát của “con nhạn trắng Gò Công” Phương Dung. Ngoài bản nhạc “Những đồi hoa sim”, anh còn phổ một số bài khác như “Tha La xóm đạo” (thơ Vũ Anh Khanh), “Các anh đi” (tác giả Hoàng Trung Thông), v..v…

Theo wikipedia: 

Dzũng Chinh tên thật là Nguyễn Bá Chính (một số tài liệu ghi là Nguyễn Văn Chính).

Khi sáng tác bản nhạc Những đồi hoa sim, ông còn đang là sinh viên Luật khoa Sài Gòn. Sau khi bài này nổi tiếng với tiếng hátPhương Dung (1961-1962), Dzũng Chinh được động viên vào lính và đi quân dịch vào năm 1965.

Khi được điều động về Trà Vinh, nhạc sĩ Trúc Phương viết bài Để trả lời một câu hỏi tặng ông.

Dzũng Chinh tử trận ngày 1/3/1969 với cấp bậc cuối cùng là Thiếu úy và được đưa về nghĩa trang Quân đội Gò Vấp chôn cất. Người bạn của ông là nhạc sĩ Thanh Sơn nghe tin bạn mình mất có viết bài hát Đọc tin trên báo, thâu vào đĩa nhựa Thiên Thai 45 do Trúc Ly ca.

NHỮNG ĐỒI HOA SIM

07.05.2012, [dongnhacxua.com]: Trong một bài viết trước về bản “Áo anh sút chỉ đường tà“, chúng tôi đã giới thiệu bài hát phổ từ bài thơ “Màu tím hoa sim” thành công nhất. Hôm nay, chúng tôi hân hạnh giới thiệu một bản nhạc cũng phổ từ bài thơ này: bản “Những đồi hoa sim” của Dzũng Chinh. Có thể nói không quá lời rằng “Những đồi hoa sim” là tiêu biểu của dòng nhạc bolero trữ tình, một đặc sản văn hóa của miền Nam ngày trước.

Những đồi hoa sim (Dzũng Chinh – Hữu Loan). Ảnh: dotchuoinon.wordpress.com

“Con nhạn trắng Gò Công” Phương Dung, ca sỹ được cho là thành công nhất với “Những đồi hoa sim”

ĐÔI CHUYỆN BÊN LỀ
Nguồn: http://my.opera.com/diemxuacafe/blog/dzung-chinh

Ngày Dzũng Chinh phổ biến bản nhạc này, lúc đó ông đang còn là sinh viên Luật khoa Saigon, với cái tên cha sinh mẹ đẻ là Nguyễn Bá Chinh. Sau khi bản nhạc nổi tiếng qua tiếng hát của ca sĩ Phương Dung (khoảng 1961-62), ông phải vào lính, khóa mấy Thủ Đức thì tại hạ không nhớ….Tốt nghiệp, ông được điều xuống miền Tây, và trong một chuyến công tác, xe ông bị trúng mìn trên QL 4, chuẩn úy Nguyễn Bá Chinh chết, được đưa về nghĩa trang quân đội Gò Vấp với bia ký là “Cố Thiếu úy Nguyễn Bá Chinh”. Ngoài bản nhạc “Những đồi hoa sim”, ông còn nổi tiếng với bản “Tha La xóm đạo” (thơ Vũ Anh Khanh).

Sau khi tàu hỏa Thống Nhất chạy được vài chuyến (1976), thì Hữu Loan đã vào Nam thăm thân nhân trên chuyến tàu này. Khi xuống ga Saigon, ông tình cờ nghe một giọng hát những lời có phần….quen quen. Tìm, thì thấy một người ăn mày….cụt chân (khiếm cước cái bang) đang ôm cây Ghi-ta cũ mèm ngồi ở góc sân ga, đang dạo và hát rất đúng nhịp bài hát của Dzũng Chinh. Hữu Loan ngồi nghe hết bản nhạc, rồi mới gợi chuyện, hỏi người hát rong ấy về bản nhạc và nguyên nhân nào làm anh cụt chân, người kia trả lời “…bị thương ở trận Bình Long anh dũng….”

Hữu Loan ái ngại, và yêu cầu anh kia hát lại, ông ngồi nghe hết bản nhạc rồi đứng dậy, móc hết tiền còn trong túi đưa cho “người nghệ sĩ nghèo”, kèm theo lời cảm ơn và nói cho anh nghe “…Tôi là tác giả bài thơ đó !”

Ông bỏ đi trong sự ngẩn ngơ của người ăn xin……. 

DongNhacXua.com mong nhận được hồi âm của bạn yêu nhạc.

Lời tình buồn (Chu Trầm Nguyên Minh – Vũ Thành An)

Trong niềm tiếc thương nhà thơ Chu Trầm Nguyên Minh, tác giả của bài thơ ‘Lời tình buồn’ (sáng tác năm 1967) mà sau đó nhạc sỹ Vũ Thành An đã phổ thành bản nhạc nổi tiếng mãi hơn 40 năm qua. Một lần nữa  [dongnhacxua.com] cầu chúc linh hồn ông mau hưởng niềm vui bất tận nơi miền miên viễn.

LỜI TÌNH BUỒN
(Nguồn: tác giả Trương Văn Dân đăng trên bbqt.com)

Lời ngỏ

Bài này viết vào đầu tháng 1/2014, lúc anh Tâm (CTNM) nhập viện. Lúc đó đã có 2 bản dịch ra tiếng Pháp và tiếng Ý của Elena. Dù rất mệt nhưng anh Tâm cũng cố gắng viết và gửi cho tôi bài viết về nguồn gốc và những liên quan về “lời tình buồn” để làm tư liệu.

Vừa rồi khi đến thăm anh ở bệnh viện Triều An anh Tâm nói còn thiếu bản dịch sang tiếng Anh. Tôi có nhờ HKO nhưng lúc này chị rất bận. Anh nhờ tôi thay anh viết mail nhờ nhà thơ Đặng Lệ Khánh.Mới đầu chị Khánh cũng hơi ngại việc dịch thơ nhưng khi biết tình hình sức khỏe của anh Tâm đang chuyển biến xấu … thì ngay chiều hôm đó tôi nhận được bản dịch qua mail. Mừng quá, tôi copy vào bài viết và gửi cho anh. Nhưng lúc này anh đã phải thở oxy và không mở mail được.

Hôm 18/2/2014 tôi gọi điện thăm anh nhưng mãi đến chiều mới liên lạc được. Chị Tùng Vân cho hay là lúc đó anh đang ngủ. Chị cho biết là lúc sáng chị có mở mail và đọc lại bài viết này cho anh nghe. Anh rất vui và xúc động.. 16h ngày 19/2 thì nghe tin anh đã từ giã bạn bè…

Tôi xin gửi bài viết này như thắp một nén nhang không màu khói để tiễn anh về cõi vô thường. Và tưởng nhớ những ngày chung sống cùng anh và các bạn văn ở nhà bs Thiện tại Paris.

Ảnh: luanhoan.net
Ảnh: luanhoan.net

Gần 50 năm trước bài thơ Lời Tình Buồn của Chu Trầm Nguyên Minh xuất hiện như một lời chia tay trong tâm trạng bấp bênh, mang đầy nuối tiếc của kẻ ra đi mà chẳng biết ngày về… “Anh đi rồi” vang lên như lời than thở của kẻ đang giã từ đời sống bình yên để bước vào cõi đạn bom. Cuộc ra đi đó là dấu chấm hết của đời thư sinh, xếp bút nghiên để cầm lấy súng. Bản tính hiền hòa, CTNM mang súng mà có lẽ chắc chẳng biết phải dùng súng để làm gì. Trong lòng anh chỉ mang nặng những âu lo, trước mắt anh chỉ có một bầu trời đầy sa mù nên lời thơ của anh âm thầm vang lên như một nỗi buồn thân phận. Cá nhân. Nhưng cũng là tập thể, của những trai tráng cùng thời…

Chỉ với câu thơ đầu : “ Anh đi rồi còn ai vuốt tóc”…. Bài thơ đã ngân lên như một khúc nhạc nhẹ nhàng, nhưng cũng đầy day dứt, xót xa khi phải xa cách trong tình yêu.

Chỉ một từ “đi” thôi nhưng sao nó làm nỗi buồn như kéo dài đến vô tận! Từ “đi ” ở đây không hẳn là chuyển động… mà còn là sự chia ly, là kéo dài khoảng cách không gian giữa hai kẻ yêu nhau, sẽ không còn thấy, không còn gặp, không còn được tình tự, âu yếm nhau nữa.

Một cảm giác cô quạnh khi hai người không được sống bên nhau. Sự chia ly làm kẻ ra đi buồn da diết và tình yêu sâu sắc của anh dành cho người ở lại lúc này đang lớn lên như biển như trời. Những câu hỏi kế tiếp chính là nỗi băn khoăn của kẻ ra đi: “đêm xuống rồi em buồn không hỡ?” Trời sa mù tầm tay với âu lo…

Chắc chắn là chỉ trước lúc xa nhau con người mới cảm nhận hết tình yêu thương, sự mất mát và nỗi cô đơn. Ý tưởng không mới, cũng chẳng lạ… thế nhưng người đọc thơ anh cứ nghe lòng buồn da diết – Có lẽ nó giải bày niềm khát khao hạnh phúc và nỗi đớn đau lúc chia ly trong tình yêu bằng cảm xúc rất thật, rồi ngôn ngữ và nhạc điệu đã làm cho cảm xúc thăng hoa? Đọc thơ anh, không khó nhận ra là lời thơ tự nhiên tuôn chảy, hoàn toàn không cường điệu hay cố gắng tạo ra những tiếng kêu thê thiết… mà âm vang vẫn man mác, trầm buồn.

Anh đi rồi còn ai đưa đón…

Nỗi lo lắng đơn giản mà xúc động. Những câu hỏi sau đó còn được anh liên tiếp, phóng bút đưa ra, dồn dập… như sự hốt hoảng này chính là nỗi buồn/nhớ đang giăng ngập hồn mình. Nó chiếm lĩnh trọn tâm hồn kẻ ra đi.

Bởi ra đi trong thời khói lửa chiến tranh là sự ra đi một đi không trở lại.

Quá khứ không quay về… Có còn lại chỉ là những kỉ niệm về ngày xưa. Những hoài niệm làm người đi day dứt… nên “đi rồi” mà như vẫn đứng đó, ngẩng nhìn về phía sau, vì, chỉ một chút nữa thôi là không còn chi nữa. Không còn mái tóc xanh “trùng dương sóng lượn” không còn cả ngôn ngữ để “ nói hết yêu thương”.

Đi, mà lòng vẫn ao ước được ở bên em… ở đâu cũng được, dưới thấp hay trên cao, thậm chí lơ lửng giữa bầu trời như một đóm sao…miễn là được nhìn thấy em, chiêm ngưỡng em… chăm lo cho em mọi thứ. Nhưng đi rồi…thì không gian xa khuất… nên lòng “..chợt buồn đứng ngóng bâng khuâng”

Bâng khuâng. Và lo sợ. Vì ngày mai biết đâu anh sẽ không còn sống, hay sống sót trở về mà một phần xương thịt đã gửi lại núi rừng.

Bài thơ chỉ có vỏn vẹn 112 chữ nhưng chứa đựng bao điều muốn nói. Ngắn, nhưng cô đọng những tâm tình, những âu lo, mất mát, của tuổi thanh xuân chìm sâu hun hút theo dòng lịch sử của một thời chinh chiến.

Bài thơ khi đọc lên, tự nó đã thấy buồn. Rồi qua lời hát nó còn da diết hơn. Thê thiết hơn. Ngôn ngữ trữ tình thanh thoát còn được bay lượn trên làn sóng âm thanh làm lòng người nghe cảm nhận một cảm giác chơi vơi. Đó có phải là ký ức về một thời trai trẻ, về mối tình đầu… mà ai ai trong chúng ta cũng sẽ giữ mãi? Cho dù ngày sau có ra sao đi nữa…có chết đi…thì vẫn hạnh phúc vì đã có được một tình yêu nồng thắm… “Phúc yêu em dấu lần quá khứ ”…Âm thanh du dương cao vút rồi khép lại bằng “ Nụ hôn đầu rụng xuống hư vô” …

Rồi tất cả chìm vào hư không… Còn lại chăng chỉ là một nỗi buồn, tiếc, nhớ… mênh mang…

&

Thơ là một dòng suối mà ngôn ngữ là con thuyền chuyên chở cảm xúc, nhờ thứ ngôn ngữ cô đọng đó nên “cái bên trong” của nhà thơ… lan ra bên ngoài…tưới mát tâm hồn và chạm đến trái tim người đọc. Thế nhưng xưa nay hiếm có những bài thơ mà âm vang dừng lại thật lâu, đọng lại trong tâm người thưởng thức..

Phần lớn những vần thơ đến với chúng ta chỉ trong một thoáng, nó như bức tranh mây đa sắc xuất hiện giữa bầu trời…và hình như chỉ khi nào có một họa sĩ tài hoa bằng nghệ thuật độc đáo của mình, nắm bắt được hình ảnh bất chợt, vẽ lên tranh thì hình tượng ấy mới trở nên cụ thể, hư ảo và sắc màu cùng hiện thì cảm xúc của nhà thơ mới được hình tượng hóa : và người yêu thơ mới có thể cảm nhận hết sự cộng hưởng của giai điệu và lời ca.

Bài thơ Lời Tình Buồn của CTNM nhẹ nhàng và ngôn ngữ tự nó có mang theo âm tiết như một bài ca. Nhưng phải nói thêm là tiếng vang của nó sẽ vụt tắt nếu không bắt gặp bàn tay tài hoa của Vũ Thành An. Chính có sự gặp gỡ này thì ngôn ngữ và âm thanh mới giao thoa và những cung bậc cảm xúc được vang lên bằng một thứ âm thanh len lỏi vào trái tim người nghe, ngân vang và được lưu giữ mãi.

Bài hát đã chắp cánh cho những vần thơ ngọt ngào, da diết … bay cao, lay động lòng người.

Nhiều năm sau nghe lại Khánh Ly (*)…giọng hát có lúc trầm buồn, có khi cao vút, khơi dậy trong lòng người nghe những nỗi nhớ của một thời yêu thương, lòng vấn vương bao kỷ niệm của hương xưa, của thuở chiến chinh, của trời mây non nước… Lời Tình Buồn cuốn hút, mang tâm hồn tôi bay ngược về quá khứ, hất tung những hình ảnh bị che mất dưới lớp bụi mịt mờ của thời gian…

Trương Văn Dân
Sài Gòn 1/2014

Trong cảm xúc ấy, xin ghi lại ở đây bài thơ Lời Tình Buồn của Chu Trầm Nguyên Minh:

LỜI TÌNH BUỒN

Anh đi rồi còn ai vuốt tóc
Lời tình thơm sách vở học trò
Đêm xuống rồi em buồn không hở
Trời xa mù tầm tay với âu lo

Anh đi rồi còn ai đưa đón
Áo em bay khuất mất thiên đường
Tuổi hai mươi vòng tay chờ đợi
Ngôn ngữ nào anh nói hết yêu thương

Anh đi rồi còn ai chiêm ngưỡng
Cổ em cao tay mười ngón thiên thần
Tóc em xanh trùng dương sóng lượn
Anh chợt buồn đứng ngóng bâng khuâng

Anh đi rồi còn ai tình tự
Đêm đầy trời ru tiếng nhớ bơ vơ
Phúc yêu em dấu lần quá khứ
Nụ hôn đầu rụng xuống hư vô.

Chu Trầm Nguyên Minh

…và bản dịch sang tiếng Anh của Đặng Lệ Khánh :

Love Blue

Once I am away, no one will softly touch your hair
Loving words – sweet as school years – no longer murmured to your ears
Night is falling now, are you feeling heartbroken
Misty fog is dripping down filling your arms with worriment

Once I am away, no one will pick you up and see you off
Paradise becomes unreal, so is your fluttering dress
Being twenty something, we are waiting for embraces
No word, nor language can describe my love enough

Once I am away, no one will adore your graceful neck
And your fingers so heavenly delicate
Your long hair flows like soft waves in the ocean
Standing here, in sudden sadness, I am longing for none

Once I am away, there will be no one to share your love
The night sky is filled with songs of remembrance and sorrow
The joy of loving you will soon be flowing into the past
And our first kiss will be falling into emptiness

và hai bản dịch sang tiếng Pháp và tiếng Ý của Elena Pucilo Truong

Les paroles tristes pour un amour
Je suis parti ….Qui te caressera les cheveux ?
Les mots d’amour parfument encore les cahiers
Tu seras triste quand tombera la nuit

Et le ciel brumeux te remplira de souci
Je suis parti…Qui t’accompagnera ?
Vole la bande de l’ao dai , en voilant le paradis
A vingt-ans , les bras sont ouverts en attendant un amour

Par quels mots je pourrais exprimer tout mon sentiment?
Je suis parti….Qui adorera
Ton long cou et tes doigts d’ange
Tes cheveux, fluctuants comme une vague de l’océan?

Et le regard se perd dans la tristesse…avec émotion
Je suis parti….à qui tu t’es confieras ?
Le ciel nocturne murmure la nostalgie mélancolique
La chance de t’avoir aimée , maintenant me fait oublier notre passé

Et le premier baiser sombre déjà dans le rien…

Bản dịch sang tiếng Ý :

Le parole tristi per un amore
Sono partito, chi ti accarezzera’ i capelli ?
Le parole d’amore profumano ancora i quaderni
Sarai triste quando calera’ la notte

E il cielo nebbioso ti riempira’ di preoccupazione.
Sono partito..chi ti accompagnera’?
Il lembo di ao dai vola, velando il paradiso
a vent’anni , le braccia sono aperte in attesa di un amore

Con quali parole potrei esprimere tutto il mio sentimento?
Sono partito… chi adorera’
Il tuo lungo collo e le dieci dita d’angelo
I tuoi capelli, fluttuanti come l’onda dell’oceano?

E lo sguardo si perde nella tristezza…con emozione
Sono partito… con chi ti confiderai ?
Il cielo notturno sussurra la malinconica nostalgia
La fortuna d’averti amato ora mi fa dimenticare il nostro passato

Ed il primo bacio già sprofonda nel nulla…

[footer]

Giàn mướp quê

Sáng nay, trong giây phút thư thả cafe sáng thứ bảy, [dongnhacxua.com] chúng tôi bất chợt gặp lại hình ảnh giàn mướp quê nhà qua tạp văn của tác giả Nguyễn Hiệp đăng trên Tuổi Trẻ Cuối Tuần. Hình ảnh người mẹ quê tần tảo lại hiện ra thấp thoáng bên giàn mướp sau vườn. Ngày đó, thập niên 1980, bản ‘Một sáng con về’ (nhạc sỹ Miên Đức Thắng phổ thơ Tường Linh) do Bảo Yến hát rất nổi tiếng, trong đó chúng tôi nhớ vài câu:

… Mẹ già ta đó 
Hái mướp bên rào
Nắng mưa đã nhiều
Tóc chiều đã xuống …

Thời gian mới đó mà đã hơn 30 năm. Giờ đây giàn mướp ở quê không còn nữa, mẹ cũng không còn khỏe để hái mướp như ngày nào. Thế nhưng mỗi chiều mẹ vẫn ra khu vườn cũ, lặng yên nhìn về một phương xa để mong những đứa con tha phương như chúng tôi một lần quay về ngồi bên mẹ bên giàn mướp như ngày xưa.

 

GIÀN MƯỚP CỦA MÁ
(Nguồn: tác giả Nguyễn Hiệp đăng trên Tuổi Trẻ Cuối Tuần)

TTCT – … “Từ độ người đi biết trưa quê
Thương giàn mướp nhỏ hoa chưa về
Vàng hoa trưa ấy còn bay phấn
Thơm đến trưa này trưa mướp quê”.

(Trưa quê – Sao Mai)

Thời thơ ấu của tôi quanh quẩn với lẫm lúa, gốc chùm ruột và giàn mướp trước sân nhà. Tôi còn nhớ mồn một những ô tre với rất nhiều bông mướp vàng ươm lấm tấm phấn lấp ló như là có sự sắp xếp tài tình. Từng chiếc lá giông giống bàn tay cứng cáp, từng cái ngọn cong cong vươn ra sởn sơ mềm mại, từng xoắn móc neo giữ cẩn trọng… được thiên nhiên tạo bằng tất cả sự tinh xảo, âu yếm.

Và cái “tuyệt tác” giàn mướp ấy không thể thiếu những chú ong bầu tròn tròn đen đen như hòn bi ve biết bay. Tôi mê mẩn tiếng ong bầu trong ống tre, loại nhạc kỳ diệu của thời tuổi nhỏ.

Khi đã nhiều tuổi, để nhớ về má, tôi tạo lại giàn, dây mướp đã phủ đều bốn góc nhưng loay hoay mãi tôi vẫn chưa tìm được tre, lại chỉ đan bằng những cọng kẽm lớn, nhìn có vẻ chắp vá, thiếu đi cái hồn vía “thương giàn mướp nhỏ hoa chưa về”. Dù là gì tôi vẫn xem đó là “giàn mướp của má tôi”, tôi thường ngồi hàng giờ với nó, cố giữ gìn, vun vén những rung động của chính mình và của tâm hồn thế giới xung quanh.

Cảm giác vậy nên mỗi lần ngồi dưới bóng râm mát của những bông vàng lấp ló ấy, tôi như thấy mình đang sống lại cái thuở thần tiên của đời người và hình như đâu đây thôi, má tôi đang bận rộn liền tay liền chân, năm tao bảy tiết chống chọi với gió mưa cuộc đời. Giàn mướp cảm giác, “giàn mướp của má tôi”, đã nhiều lần tôi gọi tên nó như vậy.

Giàn mướp sau nhà. Ảnh: soloha.vn
Giàn mướp sau nhà. Ảnh: soloha.vn

Bông mướp rụng nhiều là điềm chẳng lành. Bông mướp dày nhưng không đậu trái cũng không là điềm tốt đẹp. Cái búp như chiếc bông tai của người con gái mới được nhà trai đến dạm ngõ. Đôi bông ấy không đính hai hạt cẩm thạch lạnh lùng rào giậu mà nó mang, nó gợi cái tính, cái hồn của người con gái: vừa mơn mởn căng tràn sức sống lại vừa khuôn phép, rụt rè, vừa khao khát hiến dâng lại vừa e lệ, khép nép.

Mỏng mảnh yếu đuối vậy mà bông mướp đã trở thành hình ảnh khó phai, là chút gì đó hiền hòa, vương vấn, mến yêu không thể thiếu trước hiên nhà, sân nhà của miệt quê yên tĩnh. Hồi nhỏ, bọn trẻ xóm tôi thường ngắt ruột cọng mì từng đoạn, giữ lớp vỏ ngoài lại để tạo thành sợi dây chuyền, thắt lá dừa thành nhẫn, thành đồng hồ và bông mướp làm đôi bông tai, rồi len lén đeo tặng cho nhau, rụt rè nhìn trước ngó sau dúi vào tay nhau rồi ù chạy mà nhịp tim như nhịp trống.

Ôi! Những ngây thơ, ngây ngô, “ngố rừng” nhưng không kém phần da diết của một thời vụng dại. Dưới giàn mướp râm mát ấy, trò chơi đám cưới của những đứa bé quê chúng tôi đã thành những ký ức lung linh, quý giá hơn của cải vàng bạc châu báu. Chúng tôi mang theo như một phần hành trang trong suốt đời mình.

Nơi chân núi Tà Cú, tôi thường có khách văn ghé thăm. Dưới giàn mướp ấy, tôi để bộ bàn ghế đá uống trà, không hiểu sao câu chuyện của chúng tôi cứ thường quay về đề tài cảm giác. Chúng tôi đang ngồi uống trà, chợt tất cả ngoái nhìn ra vườn: bầu trời phủ đầy những chấm đen di động, thì ra đó là bầy ong mật đang chia đàn chuyển tổ.

Khi bầy ong tụ hết lại thành khối nơi góc giàn mướp, một nhà văn bạn đã nói: bầu trời giờ như chiếc tủ kính trong veo. Mọi người ồ lên xác nhận cái cảm giác ấy. Cảm giác đã tạo nên thái độ nhìn và cả thời tiết đời sống… Những lúc như vậy, tôi biết do cái khung cảnh dưới giàn mướp đã tác động đến chúng tôi nên cách nhìn, cách nghĩ của mọi người, của tôi trở nên lãng mạn như vậy.

Tạo hóa là một đấng sáng tạo điềm tĩnh, lạnh lùng, có phương pháp nhưng xét cho cùng cái mục đích thì lại để mở cho con người. Bầu trời cảm lạnh hay bầu trời trong veo là do cảm giác. Giàn mướp thơm tho hay không mùi vị cũng là cảm giác. Phàm những gì tinh tế chỉ có nơi những tâm hồn biết tĩnh lặng, biết lùi khỏi ồn ào, hào nhoáng, phù hoa.

Nhà thơ Sao Mai viết những câu thơ đã trở thành cổ điển về cái “trưa mướp quê” như có như không. Ấy vậy mà mỗi lần tôi nhớ lại, lẩm nhẩm đọc cứ rờn rợn trong người. Giàn mướp của má tôi, câu hỏi như không hỏi của nhà thơ Sao Mai: Vàng hoa trưa ấy còn bay phấn đã tạo ra những dấu lặng trong đời sống tinh thần của tôi, mãi mãi là như thế.

NGUYỄN HIỆP

BÀI THƠ ‘MỘT SỚM MAI VỀ’ CỦA TƯỜNG LINH
(Nguồn: ThiCa.net)

Một sớm mai về
Ngày vui thứ nhất
Ta đi chân đất
Mặc áo vải thô
Dẫm lá tre khô
Rụng đầy lối sỏi
Ta cười ta nói
Ta hát nghêu ngao
Bước thấp bước cao
Qua bờ ruộng nhỏ
Mẹ già ta đó
Hái mướp bên rào
Áo nâu thủa nào
Thêm nhiều mụn vá
Cần chi Mẹ à

Một sớm mai về
Thằng bé nhà quê
Thoát tầm lửa đạn
Đầu ngày nắng sáng
Nhà ai chung vườn
Khói bếp mến thương
Thơm xôi nếp mới
Chia xa vời vợi

Một sớm mai về
Tắm nước sông quê
Ngàn đời chẳng đục
Ta buông cần trúc
Bờ cỏ êm ngồi
Con giếc thả mồi
Con rô đớp bóng
Đài sen sương đọng
Hồ lộng màu thu
Trên ngọn mù u
Có đôi chim gáy
Trong chòm lau sậy
Tiếng quốc u oa
Dưới bóng đa già
Cút côi quán nước
Nằm trên cỏ mượt
Ta nhẩm vần thơ
Giấc mơ choàng tỉnh
Ngày ấy… bao giờ? 

(Nghe ‘Một sớm mai về’ qua nét nhạc Trầm Tử Thiêng và tiếng hát Khánh Ly)

[footer]

Hoa trắng thôi cài trên áo tím (Kiên Giang – Huỳnh Anh)

Tiếp nối dòng nhạc Huỳnh Anh, [dongnhacxua.com] xin trân trọng gởi đến quý vị nhạc phẩm ‘Hoa trắng thôi cài trên áo tím’, phổ từ bài thơ cùng tên của thi sỹ Kiên Giang.

hoa-trang-thoi-cai-tren-ao-tim--0--kien-giang--huynh-anh
Hoa trắng thôi cài trên áo tím (Huỳnh Anh – Kiên Giang). Ảnh: AmNhacMienNam.blogspot.com

hoa-trang-thoi-cai-tren-ao-tim--1--kien-giang--huynh-anh hoa-trang-thoi-cai-tren-ao-tim--2--kien-giang--huynh-anh hoa-trang-thoi-cai-tren-ao-tim--3--kien-giang--huynh-anh

NHỮNG BÓNG HỒNG TRONG THƠ VÀ NHẠC: HOA TRẮNG THÔI CÀI TRÊN ÁO TÍM
(Nguồn: nhà báo Hà Đình Nguyên đăng trên Thanh Niên 14/11/2011)

Nhà thơ Kiên Giang - Ảnh: Đào Trung Phụng
Nhà thơ Kiên Giang – Ảnh: Đào Trung Phụng

Hơn nửa thế kỷ trước, bài thơ Hoa trắng thôi cài trên áo tím của nhà thơ Kiên Giang ra đời (1958) đã làm xôn xao dư luận một thời. Bài thơ còn được biết đến nhiều hơn khi được nhạc sĩ Huỳnh Anh phổ thành ca khúc. 

Kiên Giang là nhà thơ, soạn giả cải lương (tác giả các vở tuồng Áo cưới trước cổng chùa, Sơn nữ Phà Ca…), nhà báo – chứng nhân còn sót lại của sự kiện “Ngày ký giả đi ăn mày” (xảy ra vào năm 1974, báo giới miền Nam xuống đường với nón lá, bị, gậy của dân “cái bang” để chống đối chính quyền Thiệu ra sắc luật đàn áp báo chí)… Người viết chơi thân với ông đã gần hai mươi năm nhưng muốn gặp ông thật khó bởi ông luôn dịch chuyển (rất giống với ông bạn thân cùng lứa, cùng làng là nhà văn Sơn Nam).

Năm nay 84 tuổi, mái tóc đã gội tuyết sương đến bạc trắng nhưng nếu có ai hỏi về thời niên thiếu, về Sơn Nam, về Nguyễn Bính (người thầy dạy Kiên Giang làm thơ khi ông mới 17 tuổi) và nhất là về người con gái trong bài thơ Hoa trắng thôi cài trên áo tím là ông kể một mạch bằng một giọng bùi ngùi, không hề đứt đoạn, làm như những chuyện đó đã thấm vào máu thịt của ông…

“Thuở ấy anh hiền và nhát quá …”

17 tuổi, anh học trò Trương Khương Trinh (tên thật của Kiên Giang) rời vùng quê Rạch Giá lên Cần Thơ học lớp đệ nhị (lớp 11 bây giờ) ở Trường trung học tư thục Nam Hưng. Vốn là người có hoa tay: vẽ vời và viết chữ rất đẹp (đến bây giờ chữ của ông vẫn rất lả lướt) nên ông được các thầy cô giáo cho thực hiện một tờ báo (chép tay vào cuốn vở học trò) lấy tên là Ngày xanh. Tờ báo này là đối trọng, giao lưu với tờ Thắm của Trường trung học Ba Sắc, cũng nằm trên địa bàn. Cứ vào chủ nhật mỗi tuần, các cô cậu “nhà báo – học trò” lại quây quần trong một vườn xoài xanh um bóng mát để thực hiện tờ báo. Kiên Giang biên tập bài vở và trình bày (vẽ, trang trí…), còn cô bạn Nguyễn Thị Nhiều thì chép bài vở (có lẽ chữ cô này đẹp hơn chữ của Kiên Giang!).

Tuy mang cái tên rất dân dã nhưng Nhiều rất đẹp với mái tóc dài ôm xõa bờ vai, thỉnh thoảng vờn bay trong gió. Mái tóc ấy, khuôn mặt ấy đã khiến tâm hồn non trẻ nhưng rất lãng mạn của chàng trai sau này trở thành nhà thơ… tơ vương. Gia đình nàng theo đạo Thiên Chúa nên mỗi sáng chủ nhật nàng thường đi lễ nhà thờ Cần Thơ. Kiên Giang không theo đạo nhưng sáng chủ nhật nào cũng “rình” trước cổng nhà thờ để được “tháp tùng” nàng trên đường đi lễ về. “Yêu nhau” chỉ có vậy: ngoài những cái liếc mắt và những nụ cười thẹn thùng, e ấp thì hai người chẳng còn thứ gì để “trao đổi” nữa cả. Tuy thế, cả hai đều cảm nhận được những tình cảm sâu kín mà họ dành cho nhau. Rồi cuộc kháng chiến chống Pháp nổ ra, kéo dài suốt 9 năm (1945-1954), việc học hành bị gián đoạn, trường lớp tan tác… Kiên Giang và bạn bè thân thiết (Nguyễn Bính, Sơn Nam…) vào Khu 8 tham gia kháng chiến, và rồi ông lập gia đình trong thời gian này.

Bài thơ và thủ bút của nhà thơ Kiên Giang tặng người viết
Bài thơ và thủ bút của nhà thơ Kiên Giang tặng người viết

“Để nghe khe khẽ lời em nguyện”

Sau này, nhiều lần Kiên Giang tâm sự với người viết: “Điều xót xa (sau này mới biết) là trong những tháng ngày loạn lạc đó, Nhiều vẫn âm thầm chờ đợi tôi. Năm 1955, nàng quyết gặp mặt tôi một lần rồi mới lấy chồng. Tình cảm cứ ám ảnh tôi khôn nguôi. Tôi đưa hình ảnh và tâm sự của hai đứa vào bài thơ Hoa trắng thôi cài trên áo tím, làm tại Bến Tre năm 1958. Ở đoạn kết có những câu: “Ba năm sau, chiếc xe hoa cũ/Chở áo tím về giữa áo quan/Chuông đạo ngân vang hồi tiễn biệt/Khi anh ngồi kết vòng hoa tang…”, tôi đã “cho” người mình thầm yêu phải chết đi, để mối tình kia còn nguyên vẹn là của riêng mình. Tuy nhiên, một thời gian sau tôi có dịp gặp lại cố nhân ở Sóc Trăng (lúc này nàng đã có chồng). Sau cuộc gặp gỡ đó, không hiểu sao tôi lại muốn mình (người bạn trai trong bài thơ) chết để bảo vệ quê hương, để không còn vương vấn mối tình thuở học trò. Tôi đã sửa lại đoạn kết như thế ở Hàng Xanh (Gia Định), nhưng hầu như bạn đọc chỉ thích giữ nguyên tác, nhất là khi nó được nhạc sĩ Huỳnh Anh phổ thành ca khúc thì bài thơ lại càng nổi tiếng, lan tỏa. Có lần tôi thú thực với bà xã về cái ấn tượng “sắc hoa trắng – màu áo tím”. Từ đó không có màu tím trong tủ áo nhà tôi nữa…”.

Trong thơ là thế nhưng sự thật ngoài đời chẳng có ai chết cả. Năm 1977 họ lại có dịp gặp nhau. 33 năm đã trôi qua kể từ “Thuở ấy anh hiền và nhát quá/Nép mình bên gác thánh lầu chuông/Để nghe khe khẽ lời em nguyện/Thơ thẩn chờ em trước thánh đường…”, bây giờ gặp lại, hai mái đầu đã bạc. Cả hai cố tránh không nhắc nhớ về cái thời cùng học dưới mái trường Nam Hưng, nhưng tự trong sâu thẳm tâm hồn họ vẫn trân trọng “cái thuở ban đầu lưu luyến ấy”.

Kiên Giang kể lại, đầu năm 1999 Hãng phim truyền hình TP.HCM (TFS) thực hiện một bộ phim tài liệu về ông mang tên Chiếc giỏ đời người (Kiên Giang đi đâu cũng kè kè một chiếc giỏ, mặt ngoài vẽ chi chít chữ – NV), trong kịch bản có một cảnh quay tại Cần Thơ. Khi ông và ê kíp làm phim đến nhà “người xưa” mời bà Nhiều ra quay cảnh ở nhà thờ chính tòa thì thấy ngôi nhà đóng cửa, lạnh ngắt. Người hàng xóm cho biết bà Nhiều đã qua đời năm 1998. Ông thật xót xa… Hôm sau ông trở lại, cô con gái của bà Nhiều kể rằng lúc bà mất, tang gia có gửi thiệp báo tin cho ông nhưng tiếc là ông đã không nhận được để tiễn biệt người xưa lần cuối thực sự chứ không phải tiễn biệt như trong thơ. Rồi ông cùng người con gái của bà ra nghĩa trang viếng mộ. “Người xưa” bây giờ chỉ còn là di ảnh trên bia mộ, nhưng người con gái đứng bên ông thì lại giống cô Nhiều ngày trước lạ lùng…

Cũng cần nói thêm, năm 2002 người viết đã có giới thiệu (và đăng) bài thơ Hoa trắng thôi cài trên áo tím trên Báo Thanh Niên. Hôm đó, các sạp báo ở Sài Gòn không còn tờ Thanh Niên nào sót lại, rất nhiều người (có cả những anh chạy xe ôm, xích lô…) đã đến tận tòa soạn để hỏi mua. Ở Cần Thơ cũng “cháy báo”, không còn đủ số lượng cung cấp cho bạn đọc (hồi đó ở Cần Thơ Báo Thanh Niên chưa được in cùng lúc với nhiều chỗ như bây giờ), tòa soạn ở TP.HCM phải in thêm, đưa xuống tặng bạn đọc. Kể như thế để thấy rằng bài thơ Hoa trắng thôi cài trên áo tím được công chúng miền Nam yêu thích như thế nào.

Hà Đình Nguyên

HOA TRẮNG THÔI CÀI TRÊN ÁO TÍM: MỘT BÀI THƠ, HAI ĐOẠN KẾT
(Nguồn: CauLacBoTinhNgheSi.net)

HOA TRẮNG THÔI CÀI TRÊN ÁO TÍM của thi sĩ Kiên Giang là một bài thơ rất quen thuộc với người Việt Nam và đã được phổ nhạc; gần đây nhất là bài Chuyện Tình Hoa Trắng do ca sĩ Như Quỳnh trình bày. Gọi là một bài thơ nhưng thật sự có đến hai bài Hoa Trắng Thôi Cài Trên Áo Tím hay đúng hơn, một bài thơ với hai đoạn kết hoàn toàn trái ngược nhau. Cả hai bài đều hiện hữu song song và cùng nổi tiếng, tuy ít có người để ý đến sự việc bất ngờ này. Ngày nay, xem phim trong các dĩa DVD ta thường thấy có thêm phần “Alternate Ending”, một kết cục khác của phim mà vì lý do nào đó nhà đạo diễn đã phải bỏ đi, không sử dụng khi đưa cuốn phim ra phát hành chính thức.

 Nghi vấn chính của bài viết là tại sao ông Kiên Giang đã làm như vậy và trên một khía cạnh, đã đi trước các đạo diễn Hollywood bao nhiêu năm trời. Nhiều người vẫn thắc mắc và gần đây, một nhóm bạn trong chương trình Cây Mùa Xuân đã gặp gỡ và ủy lạo các nghệ sĩ cổ nhạc nghèo khó… Trong chương trình đó, một người trong nhóm ở Việt Nam đã gặp ông Kiên Giang hỏi về nghi vấn này và được bác cho biết như sau:

… Hồi đó, có một anh chàng học sinh nọ, tên Trinh, quê ở tận miền Rạch Giá lên trọ học tại Sài Gòn, học cùng lớp với cô nữ sinh tên là Nguyễn Thị Thúy Nhiều, người ở Sóc Trăng. Thuở đó, chàng là học sinh khá giỏi về Văn nhưng lại yếu về môn Toán, tình bạn của họ rất trong sáng, có xen lẫn tình yêu thơ mộng, những khi chàng bí Toán thì hay nhìn sang để “copier” nàng. Lúc là sinh viên, chàng là cây bút của một tờ báo, còn nàng, tuy gia đình có hoàn cảnh khó khăn nhưng không thể làm gì thêm. Thế là chàng dùng tiền nhuận bút chia sẻ cho nàng. Tình yêu, tình bạn thơ mộng đó kéo dài suốt quãng đời sinh viên của hai người tại đất Sài Gòn. Hai người còn có lời hứa sống chết có nhau.

Sau khi chia tay tại Sài Gòn, chàng ở lại làm nhà văn, nhà báo, soạn giả… Nàng về quê đi dạy học và đợi chờ ngày sum họp. Thời gian thấm thoát trôi qua, hoàn cảnh đổi thay nên chàng đã thất hứa, đi lấy vợ… Được tin, nàng buồn khổ vô cùng và sau đó rất lâu nàng mới chịu lấy chồng. Nghịch cảnh chăng (?) hay vì nàng quyết định chọn mà chồng của nàng cũng tên Trinh.

Một thời gian sau, anh chàng Trinh thất hứa, nay là trưởng toán của một đoàn nghệ thuật lớn, lưu diễn và gặp lại nàng. Chàng có đến thăm cô Thúy Nhiều và đã viết bài thơ Hoa Trắng Thôi Cài Trên Áo Tím thứ nhất để gọi là “tạ lỗi” vì đã thất hứa trong tình yêu. Trong bài này, người con gái mất đi để lại trong lòng người trai một nỗi buồn khôn nguôi như lòng của anh Trinh sinh viên với mối tình cũ. Ngoài ra chàng còn gởi hai vé hát mời vợ chồng cô Thúy Nhiều đi xem. Tuy nhiên, người chồng của cô rất ghen nên hai người đã không đến xem buổi trình diễn của đoàn hát của chàng sinh viên xưa.

Vì hận lòng hay hận đời, Trinh đã sửa lại đoạn kết bài thơ Hoa Trắng Thôi Cài Trên Áo Tím. Lần này Trinh cho chàng trai trong bài thơ bị chết và người con gái suốt đời ôm mối hận tình, khóc người yêu cũ… để trả thù việc vợ chồng cô đã từ chối lời mời xem hát của anh. Đến đây chắc các bạn cũng đã biết anh chàng Trinh sinh viên kia chính là ông Kiên Giang (tên thật là Trương Khương Trinh, bút hiệu khác Hà Huy Hà, sinh ngày 17-2-1929 tại Rạch Giá).

Nhà thơ Kiên Giang công bố ảnh người yêu xóm đạo. Ảnh: cand.com.vn
Nhà thơ Kiên Giang công bố ảnh người yêu xóm đạo. Ảnh: cand.com.vn

Còn cô Nguyễn Thị Thúy Nhiều đã mất. Những người con của cô đều rất thành danh trong nghề nghiệp và cuộc sống, có người là giáo sư. Riêng về người chồng của cô Thúy Nhiều, ông này là người rất ghen nhưng lại có vợ lẽ. Ông vẫn còn sống với người vợ sau. Thời gian sau này, lúc cô Thúy Nhiều còn sống, ông chồng vì ân hận mình phụ bạc vợ, đã có đến nhà thờ đi bằng đầu gối để xin lỗi vợ mình.

Hoa trắng thôi cài trên áo tím
(Tâm tình của người trai ngoại đạo đối với cô gái có đạo – Bến Tre, 14-11-1957)

Lâu quá không về thăm xóm đạo
Từ ngày binh lửa cháy không gian
Khói bom che lấp chân trời cũ
Che cả người thương, nóc giáo đường

Mười năm trước, em còn đi học
Áo tím điểm tô đời nữ sinh
Hoa trắng cài duyên trên áo tím
Em là cô gái tuổi băng trinh

Trường anh ngó mặt giáo đường
Gác chuông thương nhớ lầu chuông
U buồn thay! Chuông nhạc đạo
Rộn rã thay! Chuông nhà trường

Lần lữa anh ghiền nghe tiếng chuông
Làm thơ sầu mộng dệt tình thương
Để nghe khe khẻ lời em nguyện
Thơ thẩn chờ em trước thánh đường

Mỗi lần tan lễ, chuông ngừng đổ
Hai bóng cùng đi một lối về
E lệ, em cầu kinh nho nhnhỏ
Thẹn thuồng, anh đứng lại không đi

***

Sau mười năm lẻ, anh thôi học
Nức nở chuông trường buổi biệt ly
Rộn rã từng hồi chuông xóm đạo
Tiễn nàng áo tím bước vu quy

Anh nhìn áo cưới mà anh ngỡ
Chiếc áo tang liệm một khối sầu
Hoa trắng thôi cài trên áo tím
Thôi còn đâu nữa tuổi băng trinh

Em lên xe cưới về quê chồng
Dù cách đò ngang cách mấy sông
Anh vẫn yêu người em áo tím
Nên tình thơ ủ kín trong lòng

***

Từ lúc giặc ruồng vô xóm đạo
Anh làm chiến sĩ giữ quê hương
Giữ màu áo tím, người yêu cũ
Giữ cả lầu chuông, nóc giáo đường

Mặc dù em chẳng còn xem lễ
Ở giáo đường u tịch chốn xưa
Anh vẫn giữ lầu chuông gác thánh
Nghe chuông truy niệm mối tình thơ

Màu gạch nhà thờ còn đỏ thắm
Như tình nồng thắm thuở ban đầu
Nhưng rồi sau chuyến vu quy ấy
Áo tím nàng thơ đã nhạt màu

***

Ba năm sau chiếc xe hoa cũ
Chở áo tím về trong áo quan
Chuông đạo ngân vang hồi vĩnh biệt
Khi anh ngồi kết vòng hoa tang

Anh kết vòng hoa màu trắng lạnh
Từng cài trên áo tím ngây thơ
Hôm nay vẫn đóa hoa màu trắng
Anh kết tình tang gởi xuống mồ

Lâu quá không về thăm xóm đạo
Không còn đứng nép ở lầu chuông
Nhưng khi chuông đổ anh liên tưởng
Người cũ cầu kinh giữa giáo đường

Lạy Chúa! Con là người ngoại đạo
Nhưng tin có Chúa ngự trên trời
Trong lòng con, giữa màu hoa trắng
Cứu rỗi linh hồn con Chúa ơi!!!

Bài 2:

Hoa trắng thôi cài trên áo tím
(Gia Định, 28-05-1958)

Lâu quá không về thăm xóm đạo
Từ ngày binh lửa cháy quê hương
Khói bom che lấp chân trời cũ
Che cả người thương, nóc giáo đường

Mười năm trước, em còn đi học
Áo tím điểm tô đời nữ sinh
Hoa trắng cài duyên trên áo tím
Em là cô gái tuổi băng trinh

Quen biết nhau qua tình lối xóm
Cổng trường đối diện ngó lầu chuông
Mỗi lần Chúa Nhật em xem lễ
Anh học bài ôn trước cổng trường

Thuở ấy anh hiền và nhát quá
Nép mình bên gác thánh lầu chuông
Để nghe khe khẽ lời em nguyện
Thơ tthẩn chờ em trước thánh đường

Mỗi lần tan lễ, chuông ngừng đổ
Hai bóng cùng đi một lối về
E lệ, em cầu kinh nho nhỏ
Thẹn thuồng, anh đứng lại không đi

***

Sau mười năm lẻ, anh thôi học
Nức nở chuông trường buổi biệt ly
Rộn rã từng hồi chuông xóm đạo
Tiễn nàng áo tím bước vu quy

Anh nhìn áo cưới mà anh ngỡ
Chiếc áo tang liệm một khối sầu
Hoa trắng thôi cài trên áo tím
Giữ làm chi kỷ vật ban đầu

Em lên xe cưới về quê chồng
Dù cách đò ngang cách mấy sông
Vẫn nhớ bóng vang thời áo tím
Nên tình thơ ủ kín trong lòng

***

Từ lúc giặc ruồng vô xóm đạo
Anh làm chiến sĩ giữ quê hương
Giữ tà áo tím màu hoa trắng
Giữ cả trường xưa nóc giáo đường

Giặc chiếm lầu chuông xây gác súng
Súng gầm rung đổ gạch nhà thờ
Anh gom gạch đổ xây tường lũy
Chiếm lại lầu chuông giết kẻ thù

Nhưng rồi người bạn cùng trang lứa
Đã chết hiên ngang dưới bóng cờ
Chuông đổ ban chiều, em nức nở
Tiễn anh ra khỏi cổng nhà thờ

Hoa trắng thôi cài trên áo tím
Mà cài trên nắp cỗ quan tài
Điểm tô công trận bằng hoa trắng
Hoa tuổi học trò mãi thắm tươi

***

Xe tang đã khuất nẻo đời
Chuông nhà thờ khóc… tiễn người ngàn thu
Từ đây, tóc rũ khăn sô
Em cài hoa trắng trên mồ người xưa!!!

[footer]