Nói đến Mạnh Phát, chúng ta không thể nào không nhắc đến người bạn đời của ông: ca sỹ Minh Diệu. Tuy nhiên thông tin chúng tôi có được về người nữ ca sỹ có chất giọng trong trẻ này rất ít. Qua bài viết này Dòng Nhạc Xưa xin giới thiệu đôi nét về cô Minh Diệu và rất mong bạn đọc xa gần bổ sung thêm tư liệu để thế hệ sau có cái nhìn rõ hơn về những giọng ca tiền bối.
Theo Hồ Trường An, tác giả của “Theo chân những tiếng hát” (nguồn):
Minh Diệu hơi thấp người, mặt dịu hiền nhưng không đẹp lắm. Chị là vợ của Mạnh Phát, dáng dấp hơi cục mịch, ăn mặc nhã đạm, không ra dáng dấp nghệ sĩ chút nào. Giọng chị êm dịu trong trẻo, nói theo Thế Lữ là “Tiếng hát trong như nước Ngọc Tuyền / Êm như hơi gió thoảng cung tiên”. Đã vậy, giọng lại còn non mướt và nói theo Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều trong Cung Oán Ngâm Khúc: “Hoa xuân nọ còn phong nộn nhụy / Nguyệt thu kia chưa hé hàn quang”. Đó là tiếng hát tài tử hơn là tiếng hát chuyên nghiệp gợi nên cái vẻ non mềm của búp lá nụ hoa. Tuy nhiên gần cuối thập niên 40 và bước qua ba năm đầu của thập niên 50, đây là tiếng hát ăn khách nhất. Giới học sinh say mê tiếng hát của chị. Các cô nữ sinh tập hát theo chị, nhái giọng chị, cố ém tiếng mình vào trong sâu cuống họng để được trong trẻo và ngời sáng như tiếng chị. Nhưng than ôi, một trăm cô ém như vậy thì tiếng chỉ có chát chát chua chua đi thèm theo cái âm sắc trong trẻo kia, chứ đâu được vừa trong trẻo, vừa ngọt ngào như giọng của Minh Diệu. Nhạc sĩ Dương Minh Ninh sở dĩ nổi tiếng ở bản “Gấm Vàng” cũng nhờ giọng Minh Diệu. Hoàng Giác nổi tiếng ở bản “Ngày Về” cũng nhờ chị. Bản “Hoa Thủy Tiên” mà phổ biến sâu rộng trong các trường học nếu không nhờ chị thì nhờ ai? Cho nên Minh Diệu là người đã gây một hiện tượng sôi nổi trong ca trường nhạc giới nước nhà đang độ vươn cao. Tiếng hát của chị thật chân phương, biểu dương một tình tình giản dị, một tâm hồn chất phác.