Vĩnh biệt nhạc sỹ Nguyễn Đức (1929-2015)

Được tin nhạc sỹ Nguyễn Đức vừa ra đi mãi mãi ở tuổi 86, [dongnhacxua.com] xin mượn bài viết này để tri ân một người thầy, một nhạc sỹ lão thành đã âm thầm đào tạo nhiều thế hệ ca sỹ trẻ cho nền tân nhạc Việt Nam một thời. Cầu mong linh hồn ông mau về an nghỉ chốn cực lạc!

Ảnh: https://www.facebook.com/dongnhacvang
Ảnh: https://www.facebook.com/dongnhacvang

VĨNH BIỆT ANH HAI NGUYỄN ĐỨC
(Nguồn: CafeVanNghe)

phan-uu--cafevannghe--dongnhacxua.comSáng 27/5 một tin từ hải ngoại gọi đến, báo tin “mày có biết tin nhạc sĩ Nguyễn Đức vừa qua đời ở Sài Gòn ?”, tôi thật bàng hoàng, vì mỗi lần về nước NS Nguyễn Đức đều gọi cho tôi, và 2 anh em chở nhau đi đây đi đó. Nhưng lần này thì không nghe tin – cũng đã hơn 2 năm !!

Tôi xem anh như người anh văn nghệ, dù không phải là học trò trong lò đào tạo ca sĩ Nguyễn Đức, nhưng tôi vẫn gọi nhạc sĩ Nguyễn Đức là Anh Hai như các cô học trò từ Hoàng Oanh cho đến Cẩm Hồng, tức những cô ca sĩ họ Phương.

Tôi nhớ, tôi biết anh khi tôi làm tờ Sân Khấu của ông Lê Văn Vũ Bắc Tiến, lúc đó 2 ông thầy dẫn dắt tôi vào nghề báo là Hoàng Sơn và Ký Ninh chủ trương biên tập, mà NS Nguyễn Đức là người thân quen với ký giả Hoàng Sơn từ thời Pháp, khi anh còn là Hiến Binh cho Tây.

nguyen-duc--cafevannghe--dongnhacxua.comTình cảm anh em giữa tôi và NS Nguyễn Đức càng thêm sâu, khi tôi phụ trách trang trong tờ Hòa Bình của Linh mục Trần Du, tôi dành 1/3 trang báo cho trang Họa Mi với tên người phụ trách là nữ ca sĩ Phương Hồng Hạnh, rồi mục thiếu nhi bên báo Chuông Mai của ông Huỳnh Hoài Lạc với tên người phụ trách là Cẩm Hồng (tức Phương Hồng Ngọc). Khi tôi qua tờ Trắng Đen mục thiếu nhi mang tên Vườn Hồng là tên của Phương Hồng Quế. Chuyện này đều được NS Nguyễn Đức gợi ý, nhằm “lăng xê” học trò của anh trong lò đào tạo ca sĩ Nguyễn Đức. nằm trên đường Vĩnh Viễn Q10 thời đó.

Ảnh: CafeVanNghe
Ảnh: CafeVanNghe

Nay anh đã qua đời từ ngày 25/5/2015, người Sài Gòn ít ai hay, chỉ sáng 27/5 khi tôi nghe xong cú điện thoại trên và vội vàng đi xác minh, sau đó lên tiếng báo tin cho mọi ngườii, một nhạc sĩ có tiếng tăm trước 1975 nay đã qua đời !!! 

Xin vĩnh biệt Anh hai Nguyễn Đức, cầu chúc hương linh anh mau về cõi Niết Bàn.

VĨNH BIỆT NHẠC SỸ NGUYỄN ĐỨC
(Nguồn: Người Lao Động đăng ngày 28.05.2015)

(NLĐO) – Sáng 28-5, linh cữu của nhạc sĩ Nguyễn Đức đã được đưa đi hỏa táng tại Bình Hưng Hòa, TP HCM. Ông mất ngày 25-5 do bệnh già, hưởng thọ 86 tuổi.

Nhạc sĩ Nguyễn Đức là thầy của nhiều ca sĩ hiện đang định cư tại Mỹ. Họ được ông đào tạo từ khi còn rất trẻ. Ông cũng là người đứng ra thành lập Ban Việt Nhi và Rạng Đông, chuyên sáng tác những ca khúc tuổi cắp sách đến trường để các học trò trình diễn.

Các học trò của nhạc sĩ Nguyễn Đức trong chương trình Nhớ ơn thầy. Ảnh: nld.com.vn
Các học trò của nhạc sĩ Nguyễn Đức trong chương trình Nhớ ơn thầy. Ảnh: nld.com.vn

Nghệ sĩ Tú Trinh, người đến viếng đám tang của nhạc sĩ Nguyễn Đức đã cho biết các ca sĩ là học trò của ông gồm: Hoàng Oanh, Phương Hoài Tâm, Phương Hồng Hạnh, Thanh Lan, Kim Loan, Thanh Phong, Bích Thủy, Hồng Điệp, Phương Hồng Quế, Phương Hồng Ngọc, Quốc Dũng, Xuân Kiều,… Cho đến ngày nay, một số học trò của ông vẫn còn được khán giả yêu mến. 

Nhạc sĩ Nguyễn Đức và các học trò. Ảnh: nld.com.vn
Nhạc sĩ Nguyễn Đức và các học trò. Ảnh: nld.com.vn

Tang lễ của nhạc sĩ Nguyễn Đức tổ chức tại chùa Long Hoa (số 44 đường Trần Minh Quyền, Quận 10, TP HCM). Trong những ngày qua, đông đảo khán giả mộ điệu và các đồng nghiệp, học trò, đến thắp hương tiễn biệt người nhạc sĩ tài hoa có công góp phần đào tạo nguồn nhân lực cho làng nhạc Việt và nhiều người trong số họ không phụ lòng thầy, tỏa sáng trên con đường nghệ thuật.

Ca sĩ Phương Hồng Ngọc, Phương Hồng Quế, Phương Hoài Tâm trong chương trình Nhớ ơn thầy. Ảnh: nld.com.vn
Ca sĩ Phương Hồng Ngọc, Phương Hồng Quế, Phương Hoài Tâm trong chương trình Nhớ ơn thầy. Ảnh: nld.com.vn

[footer]

Hoa Sứ Nhà Nàng (Hoàng Phương)

[dongnhacxua.com] cũng như người yêu nhạc xưa, đặc biệt là những ai yêu thích dòng nhạc belero không thể không biết đến bản ‘Hoa sứ nhà nàng’. Thế nhưng, có mấy ai trong chúng ta biết được về cuộc đời cũng như hoàn cảnh éo le cuối đời của tác giả: nhạc sỹ Hoàng Phương.

Hoa sứ nhà em (tức Hoa sứ nhà nàng) của Hoàng Phương. Ảnh: AmNhacMienNam.blogspot.com

hoa-su-nha-nang--1--hoang-phuong--amnhacmiennam.blogspot.com--dongnhacxua.com hoa-su-nha-nang--2--hoang-phuong--amnhacmiennam.blogspot.com--dongnhacxua.com hoa-su-nha-nang--3--hoang-phuong--amnhacmiennam.blogspot.com--dongnhacxua.com

TÁC GIẢ ‘HOA SỨ NHÀ NÀNG’ CHẾT TRONG TẬN CÙNG NGHÈO KHỔ
(Nguồn: tác giả Tư Hoàng đăng trên laodong.com.vn)

Nhắc đến nhạc sĩ Hoàng Phương, nhiều người yêu thích âm nhạc đều biết đó chính là tác giả của nhạc phẩm “vàng” duy nhất được phép lưu hành sau ngày giải phóng, đó là bài hát “Hoa sứ nhà nàng”. Ông chính là tác giả của dòng nhạc Gò Công đã làm mưa làm gió từ Nam chí Bắc suốt thập niên 1980. 

Chị Vân và con trước căn nhà bên di ảnh nhạc sĩ Hoàng Phương. Ảnh: laodong.com.vn
Chị Vân và con trước căn nhà bên di ảnh nhạc sĩ Hoàng Phương. Ảnh: laodong.com.vn

Từng sở hữu 2 tiệm vàng, 1 tiệm mua bán đồng hồ, 3 căn nhà phố, nhưng về cuối đời ông sống nghèo khổ trong căn chòi rách nát…

Thành danh trên đất biển Gò Công

Hoàng Phương tên thật là Nguyễn Kim Hoàng, sinh năm 1943 trong một gia đình khá giả tại xóm Cầu Muống, xã Tân Thành, cách thị xã Gò Công (tỉnh Tiền Giang) khoảng 17km. Xóm Cầu Muống nằm cách bãi biển Tân Thành khoảng 2,5km, ngày ấy nơi đây nhà dân cư thưa thớt cất dọc theo hai bên trục lộ. Thuở nhỏ, ông học trường tiểu học sơ cấp Tân Thành, sau đó học ở trường Nam Tiểu học Gò Công. Trường Nam Tiểu học Gò Công lúc bấy giờ có một thầy dạy nhạc, đó là nhạc sĩ Lê Dinh.

Thi rớt vào đệ thất (lớp 6 bây giờ) trường công lập, ông theo học đệ thất trường Bán công Gò Công. Một năm sau, khi đang theo học lớp đệ lục (lớp 7 bây giờ) thì cũng là năm ông ghi danh học nhạc buổi tối với nhạc sĩ Lê Dinh. Sau khi học xong chương trình lớp đệ nhị (lớp 11 bây giờ), thi trượt tú tài 1, ông thôi học. Từ đây, ngoài cái nghiệp đam mê ca hát ra, ông đã chọn cho mình cái nghề để sinh sống sau này là học nghề sửa đồng hồ và học nghề thợ bạc.

Từ khi gặp được nhạc sĩ Lê Dinh, được nghe tiếng hát và phong cách biểu diễn của người nhạc sĩ tài ba này thì… âm nhạc như đã có sẵn từ trong máu ông được dịp trỗi dậy. Ông say mê nhạc hơn những bài toán. Một lần vào một đêm mùa thu, trên con đường từ trường về nhà sau buổi học thêm, ông đã nghe tiếng đàn violon thoát ra từ cửa sổ trên tầng hai của ngôi nhà bên cạnh đường, ai đó đã chơi bài “Con thuyền không bến” của Đặng Thế Phong. Đó là cái đêm định mệnh thôi thúc Nguyễn Kim Hoàng đến với nghiệp cầm ca. Ông quyết dành dụm tiền để mua cho kỳ được đàn violon và ghi danh học nhạc với nhạc sĩ Lê Dinh.

Một thời gian sau ông tìm đến với guitar, có lẽ đối với ông đàn guitar đa dạng, phong phú hơn, trong những buổi trình diễn trước công chúng, trong những lần cắm trại hay họp mặt bạn bè mà mang cây đàn guitar trễ một bên hông, nó có vẻ lãng mạn, tình tứ, mang dáng dấp của một gã du ca lãng tử. Việc gì đến phải đến, ông rời ghế nhà trường khi vừa học xong chương trình lớp đệ nhị (lớp 11 bây giờ). Từ đây ông bước vào một thế giới mới, không còn gò bó bởi thời gian như khi còn ngồi ở ghế nhà trường. Ông miệt mài hơn, vừa học đàn vừa sáng tác, sự say mê cộng với khả năng thiên phú sẵn có trong ông, để rồi sau bao tháng ngày bên cung bậc bổng trầm và kết quả mà ông đã đạt được hơn sự mong đợi rất nhiều. Năm 1968, nhạc phẩm đầu tay “Hoa sứ nhà nàng” của ông ra đời.

Sau này, Hoàng Phương tiếp tục làm sôi động đời sống âm nhạc miền Nam với dòng nhạc mang tên quê hương ông -“nhạc Gò Công”. Phải nói là Hoàng Phương đã góp một phần không nhỏ để quảng bá “Biển Gò Công” nổi danh khắp cả nước.

Bản “nhạc vàng” duy nhất được phép lưu hành sau ngày giải  phóng

Trước 30.4.1975 đất nước phân ly, chiến tranh mỗi lúc một thêm khốc liệt. Thanh niên lớn lên ở vùng do chính quyền Việt Nam Cộng hòa (VNCH) kiểm soát bị bắt buộc gia nhập vào quân đội VNCH. Thường những nhạc sĩ thời ấy chỉ “đi lính” cho có lệ, rồi lo lót để được ở Sài Gòn hoạt động âm nhạc.

Sau ngày giải phóng, tất cả những tác giả có tên trong quân đội cũ đều là những người phải đi học tập cải tạo và nhạc của họ không được phép lưu hành. Như Trần Thiện Thanh, ông là một hạ sĩ quan, nhưng hoạt động chính là một nhạc sĩ. Nhiều bản nhạc ông viết về người lính VNCH, như những bản “Người ở lại Charlie”, “Anh không chết đâu em”, “Mùa xuân lá khô”… và nhiều bài viết về tình yêu đôi lứa, tình yêu quê hương đều bị cấm sau 30.4.1975.

Cũng có những soạn giả không tham gia vào quân đội Sài Gòn nhưng có làm việc cho chính phủ cũ, nhạc của họ cũng bị cấm do có nhiều bản nhạc ca ngợi chế độ cũ như “Chuyến đò vĩ tuyến”, “Nắng đẹp miền Nam” của nhạc sĩ Lam Phương, “Đò chiều”, “Tàu đêm năm cũ” của Trúc Phương… Có những bản nhạc rất trong sáng, dễ thương, viết về những kỷ niệm của thời học sinh như “Nỗi buồn hoa phượng” của Thanh Sơn, “Niên học sau cùng” của Hàn Sinh cũng bị cấm. Nói chung các dòng nhạc được viết trước ngày 30.4.1975 hầu hết đều bị cấm vì không dính dáng đến thời cuộc thì cũng bị xếp vào loại nhạc ủy mị, “nhạc vàng”.

Chỉ có một tác giả duy nhất – Hoàng Phương – là không dính dáng đến quân đội Sài Gòn, không làm việc cho chế độ cũ, bởi vì ông bị tật – khập khiễng một bên chân. Nhạc của ông chỉ viết về tình yêu đôi lứa, tình yêu quê hương nên được phép lưu hành, trong đó có bản “Hoa sứ nhà nàng”.

Phải nói là trước ngày giải phóng, đời sống âm nhạc ở miền Nam cực kỳ phong phú, từ giới bình dân đến trí thức, ai cũng có thể chọn những bản nhạc thích hợp với “gu” của mình. Giới trí thức thì chọn nhạc của Phạm Duy, Ngô Thụy Miên, Dương Thiệu Tước…, ai thất tình triền miên thì kiếm nhạc của Đỗ Lễ, Vũ Thành An…, giới bình dân thì chọn dòng nhạc của Hoàng Phương, Trúc Phương, Lam Phương…, dễ dãi hơn nữa thì tìm nhạc của Vinh Sử, Cô Phượng…, còn người nào phản chiến, coi cuộc chiến là sự ô nhục, huynh đệ tương tàn thì tìm các “Ca khúc da vàng” của Trịnh Công Sơn.

Khi những bản nhạc ăn vào máu vào thịt của tầng lớp mê ca hát bị cấm nghe, cấm hát thì hỏi làm sao mà không buồn cho được. Đây là khoảng thời gian mà nhạc phẩm “Hoa sứ nhà nàng” lên ngôi “nhạc đế”, bản nhạc dễ học, dễ ca, những lời trong bài hát dễ nhớ. Hồi đó,  “Hoa sứ nhà nàng” là nhạc phẩm không thể thiếu trong những tiệc vui, đám cưới thôn quê và những lần họp mặt.

Về cõi vĩnh hằng trong cô đơn và nghèo túng

Trước năm 1975, Hoàng Phương vừa viết nhạc vừa trông coi tiệm buôn bán đồng hồ, về sau ông có mở hai tiệm vàng Kim Hoàng và Toàn Tân tại thị xã Gò Công. Gia đình ông lúc đó rất khá giả, nhưng vì nặng nợ với nghiệp cầm ca, ông chọn con đường sống xa gia đình.

Năm 1989, ông bỏ lại tất cả sự nghiệp, kể cả gia đình, vợ và 8 đứa con để bước thêm bước nữa với người yêu mới tên là Mộng Vân (nhỏ hơn ông hai con giáp). Ông cất một căn nhà tạm bợ bằng tre lá, khoảng 15m2 gần bãi biển Tân Thành, gọi là nhà chứ thật ra nó là một căn chòi, nghèo nàn, xơ xác. Càng về sau, cuộc đời ông như buông thả, suốt ngày ông vùi đầu bên ly rượu, có khi mới hừng đông mà người ta đã thấy ông ngà say, một mình lang thang trên bãi biển Tân Thành.

Trong căn lều bé nhỏ ông vẫn sáng tác, một bên là cây đàn guitar và một bên là chai rượu đế, để rồi một thời gian sau đó ông suy sụp hoàn toàn, càng buồn phiền ông càng phẫn chí, ông lại vùi đầu vào ly rượu để lãng quên đời, rượu chè thâu đêm suốt sáng, điếu thuốc lúc nào cũng lấp lóe trên môi… Như cái vòng luẩn quẩn, ngỡ chuốc rượu cho tiêu sầu nào ngờ nỗi buồn như thêm chồng chất… Ông chưa quên được đời nhưng đời đã muốn lãng quên ông… Sau bao ngày đắm chìm trong men rượu, một hôm ông phát hiện ra mình mang một chứng bệnh quái ác – bệnh ung thư gan, thời kỳ cuối.

Hoàng Phương mất ngày 19.10.2002 tại Gò Công. Đám tang được tổ chức đơn sơ trong căn nhà bé nhỏ nghèo nàn của vợ chồng ông trên bãi biển Tân Thành. Khi chết rồi ông vẫn còn nặng nợ với nghiệp cầm ca, ông còn để lại cho người, cho đời khoảng 10 ca khúc bằng bản thảo viết tay: “Biển khóc”, “Thuyền giấy chiều mưa”, “Hương bâng khuâng”, “Tình hạ buồn”, “Tìm em quán Phượng”, “Bươm bướm ngày thơ”, “Em vẫn chờ”, “Kiếp tơ tằm”, “Mộng tàn”, “Mùa nhạn trắng”… Có phải như một lời cảm ơn (?). Cảm ơn cuộc sống dù đau khổ muộn phiền này!…

CHÂN DUNG TÁC GIẢ ‘HOA SỨ NHÀ NÀNG’ QUA KÝ ỨC CON TRAI
(Nguồn: tác giả Hà Nguyễn – Ngọc Lài đăng trên NguoiDuaTin.vn)

Những năm 80-90 của thế kỷ trước, nhạc Gò Công tỏa sáng trên bầu trời âm nhạc Việt như một hiện tượng nghệ thuật mới lạ. Người khai phá và duy nhất tỏa sáng với dòng nhạc Gò Công là nhạc sĩ Hoàng Phương. Ông được giới nghệ sĩ, thính giả thời bấy giờ vinh danh “Ông hoàng nhạc Gò Công” với những bài hát ca ngợi quê hương Gò Công, cũng như chuyện tình đôi lứa bằng lời hát trong sáng và mặn mà…

Chân dung tác giả Hoa sứ nhà nàng

Thời cực thịnh của nhạc Gò Công, khắp trong Nam ngoài Bắc, người yêu nhạc đổ xô tìm mua băng cassette nhạc Gò Công của nhạc sĩ Hoàng Phương. Những ca khúc viết về tình yêu, về biển của ông trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của đại đa số người yêu nhạc. Những ca khúc: Chuyện tình hoa muống biển, Biển tím, Chuyến xe Tiền Giang, Tình em quán Phượng,… đặc biệt là tình khúc Hoa sứ nhà nàng trở nên phổ biến đến độ hầu như ai cũng thuộc. Cho đến nay, những ca khúc trên của cố nhạc sĩ Hoàng Phương, người được giới nghệ sĩ cùng thời mệnh danh “Ông hoàngnhạc Gò Công” vẫn chinh phục tình yêu âm nhạc của người đời.

Anh Nguyễn Hoàng Tùng, người con trai duy nhất được thừa hưởng những tinh hoa của nhạc sĩ Hoàng Phương cho biết: “Mặc dù, ca khúc Hoa sứ nhà nàng của cha tôi hết sức phổ biến và được nhiều ca sĩ thể hiện thành công nhưng ít ai biết đó là sáng tác của ông. Không như những nhạc sĩ khác, cha không chọn lĩnh vực âm nhạc làm nghề nuôi thân mà chỉ xem đó như một thú chơi tao nhã, thỏa niềm đam mê. Và ông đã biến niềm đam mê đó của mình thành niềm đam mê của người khác khi góp phần đưa nhạc Gò Công đến đỉnh của nó vào những năm 80-90 của thế kỷ trước”.

Theo lời anh, “ông hoàng” vốn xuất thân từ một gia đình có của ăn của để.Gia đình ông vốn không thích cậu con trai theo nghiệp cầm ca mà hướng cậu vào con đường thương nghiệp. Thế nhưng, những tháng năm ngồi trên ghế nhà trường, niềm đam mê âm nhạc dường đã lấn át con chữ trên những trang vở. Ông say đắm các nhạc khúc viết về quê hương vùng biển Gò Công. Cùng lúc ấy, như duyên trời đã định, khi còn đang theo học tại trường Nam Tiểu học Gò Công, cậu bé yêu nhạc đã vô tình được biết nhạc sĩ Lê Dinh. Để thỏa niềm đam mê âm nhạc, ông quyết định ghi danh học nhạc với vị nhạc sĩ tài ba nói trên. Từ đây, con đường đến với âm nhạc của cậu học trò trường làng đã tìm được lối dẫn.

Anh Hoàng Tùng giới thiệu những nhạc phẩm còn dở dang của nhạc sĩ Hoàng Phương (Ảnh: Hà Nguyễn)
Anh Hoàng Tùng giới thiệu những nhạc phẩm còn dở dang của nhạc sĩ Hoàng Phương (Ảnh: Hà Nguyễn)

Anh Hoàng Tùng kể lại: “Khi còn sống, cha tôi thường kể cho tôi nghe về những năm tháng đầu tiên ông đến với âm nhạc. Tôi còn nhớ ông kể rằng vào một mùa thu, trên con đường từ trường về nhà sau buổi học thêm, ông đã nghe tiếng đàn violon thoát ra từ cửa sổ trên tầng hai của ngôi nhà bên cạnh đường. Ai đó đang chơi bài Con thuyền không bến của Đặng Thế Phong. Những tiếng đàn, những nốt nhạc đó đã thôi thúc ông tiến đến gần hơn con đường âm nhạc”. Sau đêm định mệnh trên, anh thanh niên Hoàng Phương dốc tiền mua cây violon và ghi danh, nhận nhạc sĩ Lê Dinh làm thầy.

Tuy nhiên, có lẽ cảm thấy mình thích hợp hơn với chất lãng tử, phiêu du của một anh du ca, Hoàng Phương quyết định chuyển sang học guitar. Những tháng ngày đắm mình trong các buổi trình diễn trước công chúng, trong những lần cắm trại hay họp mặt bạn bè, nhạc sĩ Hoàng Phương luyện thêm chất giọng, chắt lọc thêm ca từ, điệu nhạc cho các ca khúc của mình. Đam mê, say đắm với âm nhạc một cách kỳ lạ nhưng người nhạc sĩ miệt vườn tài danh chưa một lần chọn con đường âm nhạc làm nghề nuôi thân. Anh Hoàng Tùng chia sẻ: “Cha tôi không lấy việc viết nhạc làm nghề nuôi thân. Thế nên, khi từ giã ghế nhà trường, ông về nhà mở tiệm sửa đồng hồ và sau này chuyển sang buôn bán ở hai tiệm vàng Kim Hoàng và Toàn Tân”.

Tuy nhiên, tình yêu dành cho âm nhạc của ông vẫn không một ngày nguôi ngoai. Từ những sáng tác đầu tay, các tình khúc chất chứa tình yêu đời, yêu người, yêu quê hương, yêu biển của ông lần lượt ra đời. Đặc biệt, rất nhiều tình khúc của ông được lấy cảm hứng từ chính những mối tình của tác giả.

Tình khúc từ những mối tình chân thật

Năm 1968 đánh dấu sự chuyển mình của anh du ca lãng tử khi Hoàng Phương lên Sài Gòn tham gia vào ban nhạc cùng Vinh Sử, Quốc Dũng, Lê Hựu Hà. Cũng chính năm này, ông sáng tác đứa con tinh thần đầu tiên và cũng là ánh sao thắp sáng mãi tên tuổi của người nhạc sĩ – nhạc phẩm Hoa sứ nhà nàng. Những ca từ, xúc cảm về một mối tình dở dang nhanh chóng chiếm được cảm tình thính giả. Anh Hoàng Tùng cho biết: “Nhạc của cha tôi đến từ những tình cảm chân thật, chân chất của một con tim yêu đời, yêu quê hương nồng cháy. Đặc biệt là tình khúc. Hầu như, những tình khúc của ông đều là những chuyện tình có thật của ông ngoài đời. Sinh thời, nhiều chú bác là những nhạc sĩ nổi tiếng cùng thời cho rằng ca khúc Hoa sứ nhà nàng xuất phát từ mối tình thật của ông. Tuy nhiên, về chuyện này, tôi không nghe ông khẳng định. Là phận con, tôi cũng không dám nhiều lời”.

Theo anh, một trong nhiều tình khúc khác cũng xuất phát từ các mối tình của ông là nhạc phẩm Chiếc cầu chiều mưa. “Nhạc khúc này tôi được biết là khi ông với người tình của mình đi cùng một chiếc cầu trong chiều mưa. Mưa, cầu trơn, hai người ngã nhào. Thế mà ông lại lấy cảm hứng từ kỷ niệm ấy viết nên ca khúc trên”, anh Tùng cho biết thêm. Ngoài những nhạc phẩm trên, theo anh Hoàng Tùng, rất nhiều ca khúc khác được ông sáng tác dựa trên những xúc cảm chân thật từ những mối tình của mình. Anh chia sẻ: “Sinh thời, cha tôi tính tình phóng khoáng lại hào hoa, lãng tử nên cũng rất đa tình. Và những mối tình ấy đã chắp thêm cánh cho những sáng tác trong mảng đề tài tình yêu đôi lứa của ông”.

Tuy nhiên, ngoài ngợi ca tình yêu lứa đôi trong sáng với những cung bậc rất riêng, nhạc sỹ Hoàng Phương còn có một tình yêu đặc biệt với quê hương Gò Công, với biển. Năm 1986 đánh dấu sự trở lại của Hoàng Phương, đưa ông lên ngai vàng ông hoàng nhạc Gò Công với những nhạc phẩm: Trưa hè trên bãi biển; Chung một dòng sông; Gò Công hồng trang sử; Biển thức; Về nông trường Phú Đông; Tiếng chim mùa xuân; Nhà em đó bên kia sông; Biển Gò Công khi em đến; Chiều xuân qua thị trấn Gò Công; Ánh mắt quê hương; Khung trời quê; Khúc Cachiusa hát ở bên sông Tiền; Mỹ Tho thành phố cội nguồn; Mẹ Gò Công; Biển tím; Khung trời quê…

Anh Hoàng Tùng chia sẻ: “Năm đó, bộ Văn hóa cho lưu hành bản Hoa sứ nhà nàng của cha tôi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nghe đứa con tinh thần của mình được phát công khai, ông sướng run người. Như dòng sông được khơi lòng, ông lao vào sáng tác, hồ hởi sáng tác, sáng tác ngợi ca tình yêu, ngợi ca quê hương Gò Công, ngợi ca biển nơi gắn liền với tuổi thơ ông. Thời điểm này nhạc Gò Công đang trên đà đi lên và những sáng tác của ông đã tiếp bước cho nó bay cao hơn, xa hơn”.

Để những sáng tác của mình đến gần hơi thở cuộc sống hơn, gần hơn với nhịp sống của quê hương, ông tìm người thể hiện những ca khúc của mình. “Khi ấy toàn là người không chuyên nên các buổi biểu diễn ca khúc của cha tôi không mấy thành công. Mình không biết cách phối khí, hòa âm nên nghe không ra gì. Thương yêu bà con yêu mến nhạc của mình, cha tôi gác công việc, gom tiền lên TP.HCM tìm nhạc sĩ Quốc Dũng và Lê Hựu Hà. Họ phối khí hòa âm xong, ca sĩ Bảo Yến (vợ Quốc Dũng) hát thử. Thấy hay thế là thu băng cassette. Vậy là người ta ùn ùn đi tìm băng nhạc Gò Công”. Sau này, ông còn bỏ tiền túi ra mời ca sỹ về quê hát cho bà con nghe miễn phí”, anh Hoàng Tùng kể lại.

 

[footer]

Vĩnh biệt nhạc sỹ Thanh Bình (1932-2014)

Thôi rồi còn chi đâu em ơi,
Có còn lại chăng dư âm thôi …

[dongnhacxua.com] chúng tôi xin mượn hai câu đầu trong bản ‘Tình lỡ‘ nổi tiếng của nhạc sỹ Thanh Bình để bắt đầu bài viết vĩnh biệt người nhạc sỹ tài hoa nhưng gặp nhiều bất hạnh trong cuộc sống. Ông đã mãi mãi rời xa “những nẻo đường Việt Nam” (tên một nhạc phẩm nổi tiếng khác của nhạc sỹ Thanh Bình) để về với các bận tiền nhân mà phiêu diêu miền cực lạc!

NHẠC SỸ THANH BÌNH: CUỘC ĐỜI KHÔNG NHƯ TÊN GỌI
(Nguồn: tác giả Minh Nga đăng trên báo Người Lao Động)

Ông về với đất trời khi ước nguyện gặp lại con chưa thành…. Ông đã ra đi tìm sự thanh bình, bỏ lại cuộc đời bể dâu, chất chứa đau buồn

Không biết có phải là điềm báo trước hay không, ca sĩ Ánh Tuyết, người đã đi tìm ông và gần gũi với ông nhất trong những năm tháng cuối đời của ông, cho biết cả đêm đó chị không ngủ được. “Tự dưng tôi thấy nóng ruột, nằm thao thức mãi. Đến khoảng hơn 4 giờ ngày 23-5, tôi nhận được cuộc điện thoại của chị Phượng – cháu ruột ông – nói trong nước mắt: “Cậu đã đi rồi!”.

Một cuộc đời sóng gió

Biết bao người đã chìm đắm trong cảm xúc mỗi khi những câu hát khắc khoải như rút tâm can trong bài Tình lỡ mà chẳng hay biết tác giả của nó là ai. Mãi cho đến khi ca sĩ Ánh Tuyết có bài viết về cuộc đời ông, trước lần tổ chức đêm nhạc quyên góp giúp đỡ ông vào đầu tháng 1 năm nay, nhiều người mới biết đến nhạc sĩ Thanh Bình. Cuộc đời ông không hề “thanh bình” như tên gọi. Cả một đời, ông phải chôn chặt và cất giấu quá nhiều nỗi buồn tủi khi không có được một cuộc sống đủ đầy, hạnh phúc riêng trọn vẹn.

Nhạc sĩ Thanh Bình và ca sĩ Ánh Tuyết (Ảnh do ca sĩ Ánh Tuyết cung cấp)
Nhạc sĩ Thanh Bình và ca sĩ Ánh Tuyết (Ảnh do ca sĩ Ánh Tuyết cung cấp)

Trong đêm nhạc đầu tiên cũng là cuối cùng của đời mình, ông xúc động nói với Ánh Tuyết: “Cả đời tôi chưa bao giờ được ngồi xem đêm nhạc của mình như thế. Bây giờ có chết tôi cũng mãn nguyện rồi!”.

Theo lời kể của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9, khi Thanh Bình đã là nhạc sĩ, ông chỉ là nhạc công đi đàn dạo. Một lần, ông được bạn bè giới thiệu gặp đàn anh trong nghề để học hỏi. Ấn tượng của ông về Thanh Bình là “một chàng trai đẹp, hào hoa, phong nhã”. Ông chỉ dám đứng xa xa nhìn chứ không dám lại gần. Mãi một thời gian sau, 2 người quen biết nhau, coi nhau như anh em. Thanh Bình đã dạy ông rất nhiều về nghề. Nguyễn Ánh 9 không biết nhiều về đời tư của nhạc sĩ Thanh Bình vì lúc đó, Thanh Bình sống rất khép kín, ít khi chia sẻ chuyện riêng: “Có lẽ anh ấy gặp quá nhiều chuyện buồn trong cuộc sống nên giữ cho riêng mình”. Thanh Bình sáng tác ít, nổi tiếng nhất là ca khúc Tình lỡ do được sử dụng trong phim Nàng. Nguyễn Ánh 9 kể: “Có lần tôi hỏi anh ấy tại sao lại viết nhạc ít vậy, anh ấy nói rằng viết nhạc đâu phải để kiếm tiền. Có cảm xúc thì mới viết được”.

Gặp lại nhạc sĩ Thanh Bình trong đêm nhạc do ca sĩ Ánh Tuyết tổ chức cho ông, sau 30 năm xa cách,nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 buồn thương khi nhìn thấy sự tàn tạ của đồng nghiệp đàn anh. “Thú thật là lúc gặp lại anh ấy, tôi không nhận ra. Thời gian trôi qua, anh ấy đổi thay nhiều nhưng chẳng ngờ từ một chàng trai hào hoa phong nhã ngày nào mà bây giờ anh ấy lại tiều tụy quá”.

Tình duyên bẽ bàng

Đúng như tên gọi ca khúc Tình lỡ nổi tiếng của ông, cuộc tình nào của ông cũng đầy nỗi buồn thăm thẳm. Đời ông không biết bao lần rơi vào cảnh chông chênh, không ít lần tưởng chừng đã chạm tay vào hạnh phúc nhưng rồi lại tan như bọt nước. Ca khúc Tình lỡ chính là câu chuyện tình mà ông viết cho mình, khi duyên tình với người con gái Hải Phòng quá ngắn ngủi. Cô gái bị gia đình ép lấy chồng, ông phải thốt lên bằng những lời ca da diết: “Thôi rồi, còn chi đâu em ơi! Có còn lại chăng dư âm thôi. Trong cơn thương đau men đắng môi…”.

Người đàn bà nên duyên chồng vợ với ông rất xinh đẹp và họ có với nhau một con gái. Đớn đau thay, vợ ông bỏ nhà đi khi con gái mới lên 3 tuổi, một mình ông nuôi con trong muôn vàn khó nhọc. Không ít lần ông tự hỏi: “Yêu nhau là thế, sao bỏ đi quá dễ dàng?”. Ông không muốn nhớ về những ký ức đã đi vào dĩ vãng nhưng ở đời lạ lắm! “Khi không muốn còn gì để nhớ. Là lúc lòng không thể nào quên” (thơ Phan Vũ). Thanh Bình cũng như vậy.

Ông bảo đời cứ ném ông vào khoảng trời cay đắng. Con gái lớn, có chồng nhưng cuộc hôn nhân không trọn vẹn, lại vướng vào vòng lao lý. Người già thường sống nương nhờ con nhưng có ai ngờ một ông già 80 tuổi như nhạc sĩ Thanh Bình lại bị con rể nhẫn tâm bỏ rơi ở bến xe, phải sống vất vưởng 18 ngày ở đó. Đó là một khoảng đời cay nghiệt nhất đối với ông. May nhờ đứa cháu gái gọi ông bằng cậu (chị Phượng) tìm được, đưa ông về và cưu mang đến cuối đời.

Nhắm mắt mà không được gặp con

Trong những năm tháng cuối đời, sống với các cháu trong gian nhà đơn sơ, ông ít khi nhắc lại quá khứ với ai, chỉ tâm sự với ca sĩ Ánh Tuyết mỗi lần chị đến thăm. Người nhạc sĩ tóc đã phai màu vẫn ôm nỗi cô đơn với một biển sầu hiu hắt. Bao nhiêu ngày đợi tháng chờ con mòn mỏi là bấy nhiêu đau buồn, lo lắng không yên. Có nhiều lần chị Phượng thấy ông ngồi khóc một mình, gặng hỏi mãi ông mới nói: “Cậu nhớ con Ngọc (con gái của ông – PV) quá! Không biết bao giờ mới được gặp lại nó đây? Chỉ sợ cậu ra đi mà chưa gặp lại con”. Chị Phượng kể những lá thư chị Ngọc gửi về, ông cất giữ cẩn thận và mang ra đọc đi đọc lại. Mỗi lần đọc là đỏ hoe mắt. “Nhiều lần ông đòi xuống trại giam ở lại với con gái nhưng tôi cứ động viên ông ráng khỏe sẽ đưa ông đi gặp con. Ông nghe vậy, ngày nào cũng chờ đợi, trông ngóng” – chị nói.

Ca sĩ Ánh Tuyết cũng không ít lần hứa sẽ dẫn ông đi thăm con gái nhưng đều lỗi hẹn. Chị đang liên lạc mọi cách để chị Ngọc về gặp cha lần cuối. Chị cũng hứa sẽ thực hiện cho ông một album kỷ niệm, tập hợp tất cả những sáng tác của ông nhưng tất cả giờ đều dang dở…

[footer]

Vĩnh biệt nhạc sỹ Tô Vũ – Hoàng Phú (1923-2014)

Ngày 13/05/2014, tân nhạc Việt Nam chứng kiến sự ra đi mãi mãi của một trong những bậc tiền bối, người đã đặt những viên gạch đầu tiên cho ngôi nhà nhạc Việt. [dongnhacxua.com] muốn nói đến sự ra đi của nhạc sỹ Tô Vũ, tức Hoàng Phú của nhóm Đồng Vọng ngày nào. Qua bài viết này, chúng tôi xin được phép gởi lời chia buồn đến gia quyến nhà nhạc sỹ và cầu chúc linh hồn ông an nghỉ miền miên viễn.

Em đến thăm anh một chiều mưa (Tô Vũ). Ảnh: AmNhacMienNam.blogspot.com
Em đến thăm anh một chiều mưa (Tô Vũ). Ảnh: AmNhacMienNam.blogspot.com

em-den-tham-anh-mot-chieu-mua--1--to-vu--amnhacmiennam.blogspot.com--dongnhacxua.com em-den-tham-anh-mot-chieu-mua--2--to-vu--amnhacmiennam.blogspot.com--dongnhacxua.com

ĐÔI NÉT VỀ NHẠC SỸ TÔ VŨ
(Nguồn: wikipedia.com)

Nhạc sỹ Tô Vũ. Ảnh: Hà Đình Nguyên (thanhnien.com.vn)
Nhạc sỹ Tô Vũ. Ảnh: Hà Đình Nguyên (thanhnien.com.vn)

Tô Vũ (tên thật: Hoàng Phú, 9 tháng 4 năm 1923 – 13 tháng 5 năm 2014) là một nhạc sĩgiáo sư, nhà nghiên cứu âm nhạcđương đại của Việt Nam. Ông cùng với người anh là nhạc sĩ Hoàng Quý đã có mặt từ những ngày đầu tiên của tân nhạc Việt Namđồng thời là những thành viên sáng lập ra nhóm Đồng Vọng, đại diện cho âm phái Hải Phòng. Hoạt động của nhóm trong làng âm nhạc Việt Nam thời tiền chiến từng tạo nên tiếng vang và để lại ảnh hưởng đáng kể đến sự phát triển của nền âm nhạc hiện đại Việt Nam. Nghệ danh Tô Vũ là do các bạn văn nghệ đặt cho ông, mượn tên của nhà ngoại giao Tô Vũ thời Hán Vũ Đế ở Trung Quốc.

Tô Vũ sinh ngày 9 tháng 4 năm 1923 tại phủ Lạng Thương, tỉnh Bắc Giang nhưng từ khi còn nhỏ ông đã chuyển về sống tại Hải Phòng cùng bốn người anh em ruột của mình. Hoàng Phú ít hơn người anh Hoàng Quý ba tuổi. Mẹ mất sớm, bố đi làm xa nên chủ yếu gửi tiền về nuôi các anh em ông. Trong số các anh em, Hoàng Quý và Hoàng Phú đặc biệt say mê âm nhạc. Hai anh em học được những kiến thức âm nhạc đầu tiên (violin) qua một phụ nữ người Pháp tên Leprêtre là chủ cửa hiệu Orphée, chuyên bán nhạc cụ và sách nhạc Tây ở Hải Phòng thời đó. Tuy nhiên, người tích cực khuyến khích hai anh em họ Hoàng đi theo “âm nhạc cải cách” (tân nhạc) là thầy dạy môn văn chương Pháp tên là Ngô Đình Hộ (tức nhạc sĩ Lê Thương), để cùng thầy biểu diễn trong các tiết mục văn nghệ của trường.

Năm 1939, Hoàng Quý và Hoàng Phú (Tô Vũ) quy tụ một số bạn bè trong đó có Phạm NgữCanh Thân và Văn Cao để lập ra nhóm nhạc Đồng Vọng. Nhóm Đồng Vọng sinh ra từ phong trào hướng đạo sinh do Hoàng Quý làm trưởng nhóm, lập ra với ý nghĩa như là tiếng gọi tập hợp thanh niên lại với nhau. Từ phương châm này, nhóm Đồng Vọng đã góp phần cổ suý cho nền tân nhạc Việt Nam. Nhóm sáng tác được khoảng 60 ca khúc mang nội dung ca ngợi đất nước, ca ngợi truyền thống anh hùng dân tộc. Ngoài ra, một số tình khúc của nhóm như Cô láng giềng của Hoàng Quý và Bến xuân của Văn Cao cho đến nay vẫn được coi như những tuyệt phẩm của nền tân nhạc Việt Nam.

Cũng như người anh Hoàng Quý, Hoàng Phú sớm tham gia Việt Minh. Kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ tại miền Bắc, Hoàng Phú gia nhập Ban Văn nghệ tuyên truyềnKiến An (Hải Phòng), còn Hoàng Quý cũng tích cực sáng tác và hoạt động cách mạng. Các ca khúc Cảm tử quânSa trường hành khúc của ông đã ra đời trong giai đoạn này. Nhưng vì mắc bệnh nan y nên Hoàng Quý đã qua đời giữa năm 1946 khi mới 26 tuổi. Khi đó Hoàng Phú vẫn hoạt động cách mạng trên địa bàn Hải Phòng. Ca khúc nổi tiếng nhất của ông là Em đến thăm anh một chiều mưa được sáng tác vào năm 1947, khi đơn vị của ông đang công tác tại huyện Tiên Lãng (Hải Phòng). Cũng trong thời kỳ này, nghệ danh Tô Vũ của Hoàng Phú đã được các bạn bè cùng hoạt động trong lĩnh vực văn nghệ đặt cho ông.

Dù nhận được học bổng du học Pháp nhưng do anh trai là nhạc sĩ Hoàng Quý mất sớm nên Hoàng Phú quyết định ở lại Hải Phòng để lo cho những người em còn lại. Ông xin vào dạy hợp đồng ở trường Bình Chuẩn (tiền thân là Trường Bonnal, nay là Trường Trung học phổ thông Ngô Quyền). Năm 1948, Hoàng Phú được chọn là đại biểu của Chiến khu 3 đi dự Đại hội Văn hóa Văn nghệ toàn quốc lần thứ nhất. Năm 1950, Viện Nghiên cứu Văn hoá Nghệ thuật được thành lập, Tô Vũ được mời tham gia trong ban nghiên cứu âm nhạc do nhạc sĩ Văn Cao làm trưởng ban.

Khác với nhiều tên tuổi của thời kỳ đầu tân nhạc Việt Nam (nhạc tiền chiến) không còn hoặc ít sáng tác về sau, Tô Vũ vẫn tiếp tục sáng tác trong giai đoạn chiến tranh sau này, nổi bật là các ca khúc như Cấy chiêmNhớ ơn Hồ Chí Minh và Như hoa hướng dương. Bên cạnh viết bài hát, ông còn sáng tác nhạc cho các loại hình sân khấu như tuồngchèo,cải lương, múa rối,… và cho điện ảnh. Ông có nhiều công trình nghiên cứu về chèo, cồng chiêngđàn đá, thang âm – điệu thức và âm nhạc dân gian Việt Nam.[1]

Ông cũng từng đảm nhiệm cương vị Viện trưởng Viện âm nhạc cơ sở II tại thành phố Hồ Chí Minh, Thư ký Đoàn Nhạc sĩ Khu III đầu kháng chiến chống thực dân Pháp và là một trong những người đầu tiên góp phần xây dựng Trường Âm nhạc Việt Nam (Nhạc viện Quốc gia sau này). Ông còn là một nhà nghiên cứu có thâm niên và uy tín trong lĩnh vực âm nhạc dân tộc (nhạc truyền thống) cũng như âm nhạc hiện đại. Bên cạnh đó, ông cũng có công lớn trong việc đào tạo nhiều tài năng thế hệ sáng tác nhạc sau này. Sau sự kiện 1975, ông chuyển vào thành phố Hồ Chí Minh và làm Viện phó Viện Nghiên cứu Âm nhạc, phụ trách bộ phận phía nam.[1] Ông được Nhà nước Việt Nam tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật đợt 1 (năm 2001).

Tô Vũ qua đời hồi 3 giờ 30 phút, ngày 13 tháng 5 năm 2014 tại nhà riêng ở thành phố Hồ Chí Minh, hưởng thọ 92 tuổi.[1]

TÔ VŨ VÀ NHỮNG KỶ NIỆM TỪ CHIỀU MƯA NĂM ẤY
(Nguồn: vnExpress.net)

Hơn nửa thế kỷ trước, ca khúc “Em đến thăm anh một chiều mưa” từng làm xao xuyến bao con tim đang yêu. Tác giả của ca khúc bất hủ này giờ đã bước vào tuổi 80 nhưng vẫn còn rất sung sức. Dưới đây là tâm sự của ông.

– Ông có thể nói đôi chút về hoàn cảnh ra đời của ca khúc “Em đến thăm anh một chiều mưa”, “Tiếng chuông chiều thu”, “Tạ từ”…?

– Mọi người nhớ nhiều đến những ca khúc này vì nó được phổ biến và lưu truyền ở miền Nam từ lúc ra đời (1947-1948) cho đến nay. Em đến thăm anh một chiều mưa tôi viết năm 1947, khi đơn vị tuyên truyền huyện An Lão chúng tôi tiếp nhận 3 nữ cứu thương của huyện Tiên Lãng, Hải Phòng, trên đường phục vụ chiến đấu bị lạc đơn vị. Được khoảng 2 tháng thì 3 cô gái ấy phải trở về đơn vị cũ cách chỗ chúng tôi khoảng 8 km đường bộ. Khi chia tay, chúng tôi hẹn sẽ sang thăm nhau vào chủ nhật mỗi tuần. Hôm ấy trời mưa, chúng tôi không thể sang thăm bên kia được. Buổi chiều, trời vẫn mưa, tôi đang ở nhà thì em một mình đội mưa đến thăm… Xúc động, tôi đã viết nên bài hát này. Tuy nhiên, theo thời gian, tôi không nhớ nổi người nào trong 3 cô gái đã hiện ra với tôi trong chiều mưa năm ấy. Còn bài Tạ từ là tôi viết giùm cho một người bạn vào năm 1947, anh ấy tên là Nguyễn Văn Huấn (hiện là bác sĩ, sống ở Pháp) đem lòng yêu tiểu thư người Hà Nội tên là Ánh Hà, theo gia đình sơ tán về Thái Bình, nhưng sau đó gia đình cô này không quay về Hà Nội.

– Anh trai Hoàng Quý của ông rất nổi tiếng với “Cô láng giềng”. Ông có biết gì về cô láng giềng này không?

– Hồi đó, chúng tôi chưa biết viết theo kiểu người thật, việc thật. Có thể có một phần sự thực cộng với ít nhiều hư cấu, bởi xung quanh nhà tôi ở Hải Phòng, chẳng thấy nhà ai có vườn, mà chẳng thấy nhà nào trồng hoa tường vi để đôi ta cùng đứng bên bờ tường vi cả.

– Là một nhạc sĩ xuất phát từ trào lưu tân nhạc, lại là người gốc Bắc, do đâu ông lĩnh hội một cách thấu đáo về cổ nhạc và cả đờn ca tài tử Nam Bộ?

– Tôi là người đầu tiên nghiên cứu về chèo cổ một cách hệ thống, bài bản. Nhưng rồi tôi nghĩ, chỉ biết âm nhạc cổ truyền của một nửa nước thì chưa được, bèn quyết tâm theo GS Lưu Hữu Phước vào Nam làm việc, nghiên cứu về các loại nhạc cụ còn mới mẻ như đàn đá, cồng chiêng Tây Nguyên.

(Theo Thanh Niên)

[footer]

60 Năm Hiệp Định Genève (1954-2014): Câu Hò Bên Bờ Hiền Lương

Nếu như trong ‘Tình lỡ’ (Thanh Bình) hay ‘Tình ca’ (Hoàng Việt) mà [dongnhacxua.com] đã giới thiệu trước đây đã gián tiếp nói đến sự chia cắt sau Hiệp định Genève thì trong ‘Câu hò bên cầu Hiền Lương’, nhạc sỹ Hoàng Hiệp đã đề cập cụ thể đến con sông Bến Hải và chiếc cầu Hiền Lương. Có thể nói nhạc phẩm sáng tác năm 1956 này là bản nhạc đầu tiên của tân nhạc Việt Nam viết đề đề tài “chia cắt hai miền – 1954”.

60 năm sau, tiếng súng đã chấm dứt gần 40 năm trên quê hương chúng ta, chiếc cầu chia cắt cũng đã nối liền hai bờ. [dongnhacxua.com] cầu mong hòa bình, ấm no và hạnh phúc cho nước Việt xinh tươi!

Cầu Hiền Lương bắc qua sông Bến Hải. Ành: wikipedia.com
Cầu Hiền Lương bắc qua sông Bến Hải. Ành: wikipedia.com

RƠI NƯỚC MẮT CÂU CHUYỆN ‘CÂU HÒ BÊN CẦU HIỀN LƯƠNG’
(Nguồn: VTC.vn)

(VTC News) – Ca khúc nổi tiếng rất xúc động Câu hò bên bờ Hiền Lương được chính nhạc sĩ Hoàng Hiệp tiết lộ cũng xúc động không kém khiến người đọc có thể rơi nước mắt.

Nhạc sỹ Hoàng Hiệp. Ảnh: vtc.vn
Nhạc sỹ Hoàng Hiệp. Ảnh: vtc.vn

Nhạc sĩ Hoàng Hiệp qua đời hôm qua (9/1) đã để lại thương tiếc trong lòng nghệ sĩ và người yêu nhạc nhưng những tác phẩm của ông còn sống mãi theo thời gian. 

Một trong những ca khúc nổi tiếng, xúc động nhất của nhạc sĩ Hoàng Hiệp là Câu hò bên bờ Hiền Lương (lời Hoàng Hiệp và Đằng Giao) nhưng ít ai biết hết về hoàn cảnh sáng tác của nó cũng rất xúc động. 

VTC News trích đăng lại bài viết về hoàn cảnh sáng tác ca khúc Câu hò bên bờ Hiền Lương do chính nhạc sĩ viết năm 1987, được in trong cuốn Nhạc và Đời (Lê Giang – Lưu Nhất Vũ chủ biên, NXB Tổng hợp Hậu Giang, 1989):

Đó là vào những ngày cuối năm 1956.

Ngồi trên xe đò từ Hà Nội và Vĩnh Linh, tôi lặng thinh, day dứt vì nỗi nhớ quê nhà.

Nhìn thời cuộc lúc này, tôi hiểu rằng sẽ không có hiệp thương tổng tuyển cử gì hết. Nhưng phải làm thế nào đây thì tôi không biết.

Tôi hồi tưởng lại quang cảnh ngày các má, các chị, các anh và các em thiếu nhi tiễn đưa chúng tôi xuống ghe để ra vàm sông Đốc, lên tàu tập kết mà không cầm được nước mắt.

Tôi ra đi cũng không gặp lại được ba má và các em tôi sau gần 9 năm xa cách. Gia đình tôi hiện giờ đang ở đâu?

Những ngày đầu ở phía Bắc bờ Bến Hải, tôi sống trong một đồn biên phòng nằm cách cầu Hiền Lương chừng trăm thước.

Ban ngày, tôi đội mưa đi dọc theo bờ sông, đôi mắt đăm đăm nhìn sang bờ Nam. Tôi bắt gặp nhiều em, nhiều chị từ bên ấy, hình như cũng nhìn thấy tôi nên giả đò ra song rửa chân tay để được nhìn lại tôi. Chắc họ muốn nhận coi tôi có phải là người thân hay người quen cùng làng đã đi tập kết hay không.

Phần tôi, tôi đâu có hi vọng gặp được người quen ở chốn này. Bởi quê tôi ở tận cùng phía Nam đất nước.

Xóm làng, chợ búa ở đây cũng không giống như ở quê tôi. Mặc dầu vậy, tôi vẫn cố nhìn, cố nhận dạng những hình vóc, những gương mặt mà tôi cảm thấy rất gần gũi, yêu thương. Và trong lòng thầm nhủ “biết đâu đấy!”.

Ban đêm, tôi hỏi chuyện các chiến sĩ biên phòng. Những người này cũng chỉ cho tôi biết những tin tức mà tôi đã nghe qua. Đồn này quá ít người. Họ lại thay phiên nhau đi làm nhiệm vụ luôn. Họ còn là những người rất ít lời. Hết nằm xuống, tôi lại ngồi dậy. Bởi giấc ngủ không chịu đến với tôi.

Tôi muốn viết một cái gì đó nhưng tâm trạng ngồn ngang nên cũng không viết được. Nhiều ý nghĩ cùng đến một lúc, không biết chọn cái nào và bắt đầu từ đâu.

Đã thế, lại còn tiếng nhạc và những lời xuyên tạc sự thật từ các loa phóng thanh bờ Nam dội sang. Nó tra tấn tôi không ít qua các đêm ở đây.

Một lần nữa, tôi lại bước ra hiên đồn, nhìn về phía cầu Hiền Lương, chiếc cầu ban chiều tôi đã đặt chân lên đó. Tuy nhiên, tôi chỉ được phép đi ở nửa cầu phía Bắc, vì nửa kia là thuộc về miền Nam rồi. Thuộc về cái chính quyền đang quyết tâm và ra sức chia đôi đất nước.

Cây cầu lúc này đang bị màn mưa che phủ. Nó như ẩn như hiện, như thực như hư. Dầu vậy, nó vẫn là vật biểu hiện cụ thể nhất của sự chia cắt.

Từ giã đồn biên phòng, tôi đi ra cửa Tùng và đến sống với những người chài lưới ở một tập đoàn đánh cá.

Khác với các chiến sĩ biên phòng, những người dân miền biển đều ăn to nói lớn. Họ đối với chúng tôi cởi mở hơn. Họ cũng thích bắt chuyện với tôi vì tôi là người từ xa đến, nhất là từ thủ đô Hà Nội.

Tuy vậy, có một anh trong số họ khiến tôi có phần e dè và đặc biệt để ý. Bởi anh rất ít nói. Anh cũng không hay cười, kể cả khi mọi người ngồi quanh chén rượu, kể cho nhau nghe những câu chuyện vui nhộn. Anh cũng là một xã viên của tập đoàn. Ngoài nhiệm vụ ra khơi đánh bắt, anh còn được giao một công việc nữa. (Được gia hay tự xung phong nhận lãnh tôi cũng không rõ). Đó là công việc của người gác đèn ở Cửa Tùng.

Một buổi chiều, thấy anh sửa soạn trèo lên nơi đặt đèn, tôi xin anh cho tôi theo lên và đã được anh đồng ý.

Nhạc sĩ Hoàng Hiệp (áo trắng, đứng giữa - Ảnh tư liệu) . Ảnh: vtc.vn
Nhạc sĩ Hoàng Hiệp (áo trắng, đứng giữa – Ảnh tư liệu) . Ảnh: vtc.vn

Và cũng như mọi khi, kể từ lúc chúng tôi trèo lên thang cho đến khi anh thắp sáng ngọn đèn, anh cũng không mở miệng nói với tôi một câu nào. Tôi cũng không gợi chuyện để nói bởi vẻ mặt của anh lúc này càng biểu lộ sự đau khổ hơn lúc nào hết. Tôi còn cảm thấy như đôi lúc anh quên rằng có tôi đang ở bên cạnh anh.

Buổi chiều, ở trên cao nên càng vắng lặng. Chúng tôi nhìn ra biển khơi sóng vỗ, nhìn đàn chim hải âu đang bay, nhìn những cánh buồm đang từ từ trôi dạt vào cửa sông. Bỗng nhiên anh nói:

– Đồng chí có biết không? Nhà tôi ở ngay chỗ chòm dương có những cây cao nhứt đó… Tôi cũng như đồng chí, tập kết ra Bắc từ hơn hai năm nay… Tôi sang đây để lại vợ con bên ấy… Vì vậy, tôi lên đây không phải để làm nhiệm vụ thôi mà còn để nhìn về quê tôi. Vài lần, tôi đã rông thấy ai như vợ con tôi đang từ trong nhà ra bãi để nhận cá mang ra chợ bán. Tôi muốn kêu to lên, nhưng kêu sao cho tới…

Một lần, vừa mới tang tảng sáng, tôi đang đứng ở đây thì nghe tiếng súng nổ bên ấy. Rồi thì tôi thấy khói bốc lên ở đúng ngay xóm tôi. Đồng chí thử tưởng tượng coi, ruột gan tôi lúc đó như thế nào! Tôi đã tìm đủ mọi cách để biết được nhà cửa, vợ con tôi bây giờ ra sao. 

Nhưng không có cách gì hết. Tôi muốn lén đi về bên ấy một lần. Chỉ một lần thôi rồi ra sao thì ra… Đồng chí có biết bao giờ thì mình được về bên ấy hay không? Trước đây tôi là du kích. Bây giờ tôi chỉ muốn cầm súng. Thà chết còn hơn sống hoài trong cảnh thế này…

Một lúc sau, chúng tôi lẳng lặng quay về tập đoàn.

Và bài hát Câu hò bên bờ Hiền Lương của tôi được bắt đầu ngay từ cái đêm hôm đó.

TP Hồ Chí Minh, 18/4/1987
Nhạc sĩ Hoàng Hiệp

[footer]

Lời tình buồn (Chu Trầm Nguyên Minh – Vũ Thành An)

Trong niềm tiếc thương nhà thơ Chu Trầm Nguyên Minh, tác giả của bài thơ ‘Lời tình buồn’ (sáng tác năm 1967) mà sau đó nhạc sỹ Vũ Thành An đã phổ thành bản nhạc nổi tiếng mãi hơn 40 năm qua. Một lần nữa  [dongnhacxua.com] cầu chúc linh hồn ông mau hưởng niềm vui bất tận nơi miền miên viễn.

LỜI TÌNH BUỒN
(Nguồn: tác giả Trương Văn Dân đăng trên bbqt.com)

Lời ngỏ

Bài này viết vào đầu tháng 1/2014, lúc anh Tâm (CTNM) nhập viện. Lúc đó đã có 2 bản dịch ra tiếng Pháp và tiếng Ý của Elena. Dù rất mệt nhưng anh Tâm cũng cố gắng viết và gửi cho tôi bài viết về nguồn gốc và những liên quan về “lời tình buồn” để làm tư liệu.

Vừa rồi khi đến thăm anh ở bệnh viện Triều An anh Tâm nói còn thiếu bản dịch sang tiếng Anh. Tôi có nhờ HKO nhưng lúc này chị rất bận. Anh nhờ tôi thay anh viết mail nhờ nhà thơ Đặng Lệ Khánh.Mới đầu chị Khánh cũng hơi ngại việc dịch thơ nhưng khi biết tình hình sức khỏe của anh Tâm đang chuyển biến xấu … thì ngay chiều hôm đó tôi nhận được bản dịch qua mail. Mừng quá, tôi copy vào bài viết và gửi cho anh. Nhưng lúc này anh đã phải thở oxy và không mở mail được.

Hôm 18/2/2014 tôi gọi điện thăm anh nhưng mãi đến chiều mới liên lạc được. Chị Tùng Vân cho hay là lúc đó anh đang ngủ. Chị cho biết là lúc sáng chị có mở mail và đọc lại bài viết này cho anh nghe. Anh rất vui và xúc động.. 16h ngày 19/2 thì nghe tin anh đã từ giã bạn bè…

Tôi xin gửi bài viết này như thắp một nén nhang không màu khói để tiễn anh về cõi vô thường. Và tưởng nhớ những ngày chung sống cùng anh và các bạn văn ở nhà bs Thiện tại Paris.

Ảnh: luanhoan.net
Ảnh: luanhoan.net

Gần 50 năm trước bài thơ Lời Tình Buồn của Chu Trầm Nguyên Minh xuất hiện như một lời chia tay trong tâm trạng bấp bênh, mang đầy nuối tiếc của kẻ ra đi mà chẳng biết ngày về… “Anh đi rồi” vang lên như lời than thở của kẻ đang giã từ đời sống bình yên để bước vào cõi đạn bom. Cuộc ra đi đó là dấu chấm hết của đời thư sinh, xếp bút nghiên để cầm lấy súng. Bản tính hiền hòa, CTNM mang súng mà có lẽ chắc chẳng biết phải dùng súng để làm gì. Trong lòng anh chỉ mang nặng những âu lo, trước mắt anh chỉ có một bầu trời đầy sa mù nên lời thơ của anh âm thầm vang lên như một nỗi buồn thân phận. Cá nhân. Nhưng cũng là tập thể, của những trai tráng cùng thời…

Chỉ với câu thơ đầu : “ Anh đi rồi còn ai vuốt tóc”…. Bài thơ đã ngân lên như một khúc nhạc nhẹ nhàng, nhưng cũng đầy day dứt, xót xa khi phải xa cách trong tình yêu.

Chỉ một từ “đi” thôi nhưng sao nó làm nỗi buồn như kéo dài đến vô tận! Từ “đi ” ở đây không hẳn là chuyển động… mà còn là sự chia ly, là kéo dài khoảng cách không gian giữa hai kẻ yêu nhau, sẽ không còn thấy, không còn gặp, không còn được tình tự, âu yếm nhau nữa.

Một cảm giác cô quạnh khi hai người không được sống bên nhau. Sự chia ly làm kẻ ra đi buồn da diết và tình yêu sâu sắc của anh dành cho người ở lại lúc này đang lớn lên như biển như trời. Những câu hỏi kế tiếp chính là nỗi băn khoăn của kẻ ra đi: “đêm xuống rồi em buồn không hỡ?” Trời sa mù tầm tay với âu lo…

Chắc chắn là chỉ trước lúc xa nhau con người mới cảm nhận hết tình yêu thương, sự mất mát và nỗi cô đơn. Ý tưởng không mới, cũng chẳng lạ… thế nhưng người đọc thơ anh cứ nghe lòng buồn da diết – Có lẽ nó giải bày niềm khát khao hạnh phúc và nỗi đớn đau lúc chia ly trong tình yêu bằng cảm xúc rất thật, rồi ngôn ngữ và nhạc điệu đã làm cho cảm xúc thăng hoa? Đọc thơ anh, không khó nhận ra là lời thơ tự nhiên tuôn chảy, hoàn toàn không cường điệu hay cố gắng tạo ra những tiếng kêu thê thiết… mà âm vang vẫn man mác, trầm buồn.

Anh đi rồi còn ai đưa đón…

Nỗi lo lắng đơn giản mà xúc động. Những câu hỏi sau đó còn được anh liên tiếp, phóng bút đưa ra, dồn dập… như sự hốt hoảng này chính là nỗi buồn/nhớ đang giăng ngập hồn mình. Nó chiếm lĩnh trọn tâm hồn kẻ ra đi.

Bởi ra đi trong thời khói lửa chiến tranh là sự ra đi một đi không trở lại.

Quá khứ không quay về… Có còn lại chỉ là những kỉ niệm về ngày xưa. Những hoài niệm làm người đi day dứt… nên “đi rồi” mà như vẫn đứng đó, ngẩng nhìn về phía sau, vì, chỉ một chút nữa thôi là không còn chi nữa. Không còn mái tóc xanh “trùng dương sóng lượn” không còn cả ngôn ngữ để “ nói hết yêu thương”.

Đi, mà lòng vẫn ao ước được ở bên em… ở đâu cũng được, dưới thấp hay trên cao, thậm chí lơ lửng giữa bầu trời như một đóm sao…miễn là được nhìn thấy em, chiêm ngưỡng em… chăm lo cho em mọi thứ. Nhưng đi rồi…thì không gian xa khuất… nên lòng “..chợt buồn đứng ngóng bâng khuâng”

Bâng khuâng. Và lo sợ. Vì ngày mai biết đâu anh sẽ không còn sống, hay sống sót trở về mà một phần xương thịt đã gửi lại núi rừng.

Bài thơ chỉ có vỏn vẹn 112 chữ nhưng chứa đựng bao điều muốn nói. Ngắn, nhưng cô đọng những tâm tình, những âu lo, mất mát, của tuổi thanh xuân chìm sâu hun hút theo dòng lịch sử của một thời chinh chiến.

Bài thơ khi đọc lên, tự nó đã thấy buồn. Rồi qua lời hát nó còn da diết hơn. Thê thiết hơn. Ngôn ngữ trữ tình thanh thoát còn được bay lượn trên làn sóng âm thanh làm lòng người nghe cảm nhận một cảm giác chơi vơi. Đó có phải là ký ức về một thời trai trẻ, về mối tình đầu… mà ai ai trong chúng ta cũng sẽ giữ mãi? Cho dù ngày sau có ra sao đi nữa…có chết đi…thì vẫn hạnh phúc vì đã có được một tình yêu nồng thắm… “Phúc yêu em dấu lần quá khứ ”…Âm thanh du dương cao vút rồi khép lại bằng “ Nụ hôn đầu rụng xuống hư vô” …

Rồi tất cả chìm vào hư không… Còn lại chăng chỉ là một nỗi buồn, tiếc, nhớ… mênh mang…

&

Thơ là một dòng suối mà ngôn ngữ là con thuyền chuyên chở cảm xúc, nhờ thứ ngôn ngữ cô đọng đó nên “cái bên trong” của nhà thơ… lan ra bên ngoài…tưới mát tâm hồn và chạm đến trái tim người đọc. Thế nhưng xưa nay hiếm có những bài thơ mà âm vang dừng lại thật lâu, đọng lại trong tâm người thưởng thức..

Phần lớn những vần thơ đến với chúng ta chỉ trong một thoáng, nó như bức tranh mây đa sắc xuất hiện giữa bầu trời…và hình như chỉ khi nào có một họa sĩ tài hoa bằng nghệ thuật độc đáo của mình, nắm bắt được hình ảnh bất chợt, vẽ lên tranh thì hình tượng ấy mới trở nên cụ thể, hư ảo và sắc màu cùng hiện thì cảm xúc của nhà thơ mới được hình tượng hóa : và người yêu thơ mới có thể cảm nhận hết sự cộng hưởng của giai điệu và lời ca.

Bài thơ Lời Tình Buồn của CTNM nhẹ nhàng và ngôn ngữ tự nó có mang theo âm tiết như một bài ca. Nhưng phải nói thêm là tiếng vang của nó sẽ vụt tắt nếu không bắt gặp bàn tay tài hoa của Vũ Thành An. Chính có sự gặp gỡ này thì ngôn ngữ và âm thanh mới giao thoa và những cung bậc cảm xúc được vang lên bằng một thứ âm thanh len lỏi vào trái tim người nghe, ngân vang và được lưu giữ mãi.

Bài hát đã chắp cánh cho những vần thơ ngọt ngào, da diết … bay cao, lay động lòng người.

Nhiều năm sau nghe lại Khánh Ly (*)…giọng hát có lúc trầm buồn, có khi cao vút, khơi dậy trong lòng người nghe những nỗi nhớ của một thời yêu thương, lòng vấn vương bao kỷ niệm của hương xưa, của thuở chiến chinh, của trời mây non nước… Lời Tình Buồn cuốn hút, mang tâm hồn tôi bay ngược về quá khứ, hất tung những hình ảnh bị che mất dưới lớp bụi mịt mờ của thời gian…

Trương Văn Dân
Sài Gòn 1/2014

Trong cảm xúc ấy, xin ghi lại ở đây bài thơ Lời Tình Buồn của Chu Trầm Nguyên Minh:

LỜI TÌNH BUỒN

Anh đi rồi còn ai vuốt tóc
Lời tình thơm sách vở học trò
Đêm xuống rồi em buồn không hở
Trời xa mù tầm tay với âu lo

Anh đi rồi còn ai đưa đón
Áo em bay khuất mất thiên đường
Tuổi hai mươi vòng tay chờ đợi
Ngôn ngữ nào anh nói hết yêu thương

Anh đi rồi còn ai chiêm ngưỡng
Cổ em cao tay mười ngón thiên thần
Tóc em xanh trùng dương sóng lượn
Anh chợt buồn đứng ngóng bâng khuâng

Anh đi rồi còn ai tình tự
Đêm đầy trời ru tiếng nhớ bơ vơ
Phúc yêu em dấu lần quá khứ
Nụ hôn đầu rụng xuống hư vô.

Chu Trầm Nguyên Minh

…và bản dịch sang tiếng Anh của Đặng Lệ Khánh :

Love Blue

Once I am away, no one will softly touch your hair
Loving words – sweet as school years – no longer murmured to your ears
Night is falling now, are you feeling heartbroken
Misty fog is dripping down filling your arms with worriment

Once I am away, no one will pick you up and see you off
Paradise becomes unreal, so is your fluttering dress
Being twenty something, we are waiting for embraces
No word, nor language can describe my love enough

Once I am away, no one will adore your graceful neck
And your fingers so heavenly delicate
Your long hair flows like soft waves in the ocean
Standing here, in sudden sadness, I am longing for none

Once I am away, there will be no one to share your love
The night sky is filled with songs of remembrance and sorrow
The joy of loving you will soon be flowing into the past
And our first kiss will be falling into emptiness

và hai bản dịch sang tiếng Pháp và tiếng Ý của Elena Pucilo Truong

Les paroles tristes pour un amour
Je suis parti ….Qui te caressera les cheveux ?
Les mots d’amour parfument encore les cahiers
Tu seras triste quand tombera la nuit

Et le ciel brumeux te remplira de souci
Je suis parti…Qui t’accompagnera ?
Vole la bande de l’ao dai , en voilant le paradis
A vingt-ans , les bras sont ouverts en attendant un amour

Par quels mots je pourrais exprimer tout mon sentiment?
Je suis parti….Qui adorera
Ton long cou et tes doigts d’ange
Tes cheveux, fluctuants comme une vague de l’océan?

Et le regard se perd dans la tristesse…avec émotion
Je suis parti….à qui tu t’es confieras ?
Le ciel nocturne murmure la nostalgie mélancolique
La chance de t’avoir aimée , maintenant me fait oublier notre passé

Et le premier baiser sombre déjà dans le rien…

Bản dịch sang tiếng Ý :

Le parole tristi per un amore
Sono partito, chi ti accarezzera’ i capelli ?
Le parole d’amore profumano ancora i quaderni
Sarai triste quando calera’ la notte

E il cielo nebbioso ti riempira’ di preoccupazione.
Sono partito..chi ti accompagnera’?
Il lembo di ao dai vola, velando il paradiso
a vent’anni , le braccia sono aperte in attesa di un amore

Con quali parole potrei esprimere tutto il mio sentimento?
Sono partito… chi adorera’
Il tuo lungo collo e le dieci dita d’angelo
I tuoi capelli, fluttuanti come l’onda dell’oceano?

E lo sguardo si perde nella tristezza…con emozione
Sono partito… con chi ti confiderai ?
Il cielo notturno sussurra la malinconica nostalgia
La fortuna d’averti amato ora mi fa dimenticare il nostro passato

Ed il primo bacio già sprofonda nel nulla…

[footer]

Vĩnh biệt nhạc sỹ Huỳnh Anh (1932 – 2013)

Thứ sáu, ngày 13/12/2013, nền tân nhạc Việt Nam lại chịu thêm một mất mát lớn khi chứng kiến sự ra đi mãi mãi của một trong những nhạc sỹ có dấu ấn khó phai mờ: nhạc sỹ Huỳnh Anh. Vậy là thêm một nhạc sỹ lão thành đi về miền cực lạc, cùng với Phạm Duy (01/2013), Văn Giảng (05/2013), Hoàng Hà (09/2013).

Nhạc sỹ Huỳnh Anh trong Paris By Night 74
Nhạc sỹ Huỳnh Anh trong Paris By Night 74

[dongnhacxua.com] xin chia buồn cùng gia quyến và cầu nguyện cho linh hồn ông mau về chốn vĩnh hằng!

Nhân dịp này chúng tôi xin gởi đến quý vị yêu nhạc sáng tác đầu tay của nhạc sỹ Huỳnh Anh: bản ‘Em gắng chờ’. Cũng giống như hầu hết các sáng tác cuối thập niên 1950 của Nguyễn Văn Đông hay Lam Phương, bản ‘Em gắng chờ’ phảng phất sự lãng mạn và giai điệu nhẹ nhàng đặc trưng của dòng nhạc tiền chiến. Nhân đây cũng cần nói thêm là nhạc sỹ Huỳnh Anh sinh ra trong một gia đình có truyền thống cổ nhạc (thân phụ là danh cầm Sáu Tửng) và bản thân ông biết chơi hầu hết các loại nhạc cụ, đặc biệt là bộ trống. Chính những yếu tố này, cùng với những năm tháng chơi nhạc cho các vũ trường đã tạo nên một Huỳnh Anh sáng tác rất đa dạng về giai điệu: thanh thoát đầy tính nghệ thuật trong ‘Em gắng chờ’, tango lả lướt trong ‘Kiếp cầm ca’, bolero dìu dặt trong ‘Mưa rừng’, ‘Lạnh trọn đêm mưa’ hay blues giàu cảm xúc trong ‘Thuở ấy có em’.

Em gắng chờ (Huỳnh Anh). Ảnh: AmNhacMienNam.blogspot.com
Em gắng chờ (Huỳnh Anh). Ảnh: AmNhacMienNam.blogspot.com

em-gang-cho--1--huynh-anh--amnhacmiennam--dongnhacxua.com em-gang-cho--2--huynh-anh--amnhacmiennam--dongnhacxua.com

[footer]

Tiếng còi trong sương đêm – Lê Trực (1928-1967)

Về với dòng nhạc xưa, chúng tôi rất vui khi mỗi ngày có thêm một phát hiện thú vị. Hôm nay, thật tình cờ, [dongnhacxua.com] biết được nhạc sỹ Lê Trực của bản ‘Tiếng còi trong sương đêm’ cũng chính là nhạc sỹ Hoàng Việt của những ‘Tình ca’ hay ‘Lên ngàn’.

Nhạc sỹ Lê Trực (hay Hoàng Việt sau này) sinh ngày 26/10/1928 tại Chợ Lớn. Ông tên thật là Lê Chí Trực. Ông là con trai út và cũng là người con trai duy nhất trong một gia đình có 6 người con. Quê cha ở Bà Rịa và quê mẹ ở Cái Bè, tỉnh Tiềng Giang. Trước khi theo Việt Minh đi kháng chiến năm 19 tuổi, ông chơi nhạc ở Sài Gòn và lấy nghệ danh Lê Trực. Và có lẽ bản ‘Tiếng còi trong sương đêm’ là bản nhạc duy nhất còn lưu truyền với bút danh Lê Trực, được nhà xuất bản An Phú phát hành cuối năm 1953 đầu năm 1954. 

Nhạc sỹ Lê Trực, tức Hoàng Việt. Ảnh: TheThaoVanHoa.vn
Nhạc sỹ Lê Trực, tức Hoàng Việt. Ảnh: TheThaoVanHoa.vn

Thời gian rồi sẽ làm xóa nhòa đi ranh giới của chính kiến và bất đồng trong nhận thức nhưng chân giá trị của những bản nhạc bất hủ còn mãi. Qua bài viết này, [dongnhacxua.com] xin gởi cầu chúc đến linh hồn của nhạc sỹ Lê Trực – Hoàng Việt được bình an nơi chốn vĩnh hằng

tieng-coi-trong-suong-dem--0--le-truc--amnhacmiennam.blogspot--dongnhacxua.com
Tiếng còi trong sương đêm (Lê Trực). Ảnh: AmNhacMienNam.blogspot.com

tieng-coi-trong-suong-dem--1--le-truc--amnhacmiennam.blogspot--dongnhacxua.com

[footer]

Khánh Băng (1935-2005): Mùa đông đã về

Nhớ về nhạc sỹ Khánh Băng, người yêu nhạc ngay lập tức nhớ đền nhạc phẩm “Sầu đông” bất hủ. Nhạc sỹ Khánh Băng tên thật là Phạm Văn Minh. Ông sinh năm 1935 tại Vũng Tàu và mất ngày 09/02/2005, nhằm ngày mùng một Tết Ất Dậu tại Sài Gòn. Nghệ danh Khánh Băng là ghép từ tên hai cô bạn từ thời tiểu học, một người tên Khanh, một người tên Băng và ông thêm dấu sắc vào thành Khánh Băng. Mấy hôm nay trời Sài Gòn trở lạnh, [dongnhacxua.com] xin được thắp một nén hương sưởi ấm linh hồn ông “nơi cuối trời” (lời trong bản “Sầu đông”).

sau-dong--0--khanh-bang--amnhac.fm--dongnhacxua.com
Ảnh bìa: amnhac.fm
sau-dong--1--khanh-bang--amnhac.fm--dongnhacxua.com
sau-dong--2--khanh-bang--amnhac.fm--dongnhacxua.com
Ban nhạc Thời Đại với Khánh Băng và Phùng Trọng. Ảnh: DiemXuaCafe
Ban nhạc Thời Đại. Ảnh: DiemXuaCafe

NHẠC SỸ KHÁNH BĂNG: “VỀ NƠI CUỐI TRỜI … NHỚ”
(Nguồn: nhà báo Hà Đình Nguyên, đăng trên Thanh Niên)

Trở về với công việc thường nhật sau những ngày nghỉ Tết, gặp nhau ở căn-tin Hội Âm nhạc TP.HCM, câu đầu tiên mà anh em văn nghệ hỏi nhau là: “Biết tin gì chưa ? Nhạc sĩ Khánh Băng đi rồi !”. “Khi nào ?”. “Ngay hôm mùng 1 Tết”. Rồi ca sĩ Ánh Tuyết gọi điện thoại báo tin… Chợt thấy lạnh cả hồn, ngày đầu xuân mà tự nhiên thấy xốn xang tê tái muốn bật lên câu hát: “Chiều nay gió đông về… Đành thôi nhớ mong, gởi cho gió đông, tình yêu giá băng vào nơi cuối trời… nhớ” (ca khúc Sầu đông của nhạc sĩ Khánh Băng) 

Tôi đến thắp nhang cho ông tại nhà riêng ở đường Chu Văn An (Q.Bình Thạnh), nhìn di ảnh cố nhạc sĩ trên bàn thờ mà chạnh nhớ ngày đầu tiên gặp ông cách đây hơn 3 năm. Dạo đó, sau rất nhiều lần dò hỏi tôi mới có được địa chỉ chính xác của ông, và… trước mắt tôi là người nhạc sĩ nổi tiếng một thời nay đã là một lão ông 67 tuổi, mái tóc bạc trắng còn đôi mắt thì hầu như đã mù hẳn. Tuy thế, giọng nói của ông vẫn sang sảng và trí nhớ rất minh mẫn. Chẳng thế mà khi tôi hỏi về ca khúc sáng tác đầu tay, ông trả lời: “Tôi không bao giờ quên được vào ngày thứ ba 15/3/1953, lần đầu tiên Đài Phát thanh Sài Gòn phát bài hát của tôi, đó là bài Nụ cười thơ ngây do Minh Trang và Anh Ngọc song ca”. Khi chia tay, tôi ngỏ ý xin ông một tấm ảnh thời còn trai trẻ và bản nhạc Sầu đông (gốc) để đăng báo, ông cười xin lỗi bảo là do đổi chỗ ở nhiều lần nên cả hình lẫn nhạc đều chẳng còn. Thế nhưng trưa hôm đó, dù trời nắng như đổ lửa ông vẫn đi xe ôm đến tòa soạn tìm tôi và trao bản nhạc mà ông vừa mượn lại của nhạc sĩ Tiến Luân. May sao, bìa sau của bản nhạc này có in hình đủ 4 người trong ban nhạc Thời Đại (Khánh Băng, Phùng Trọng, Dương Quang Định, Dương Quang Lê Minh) và tôi đã sử dụng tấm hình này trong bài viết. Đến bây giờ, hình ảnh một ông lão mù lòa đi xe ôm giữa một buổi trưa hực nắng vẫn còn xốn xang trong lòng tôi…

Nhạc sĩ Khánh Băng tên thật là Phạm Văn Minh, sinh năm 1935 tại Thắng Tam (Vũng Tàu). Nghệ danh Khánh Băng là tên của 2 cô bé bạn học từ bậc… tiểu học ghép lại (một người tên Khanh còn người kia tên Băng, cậu học trò Minh thêm vào một cái dấu sắc và mang tên này suốt đời). Được nhạc sĩ Võ Đức Thu hướng dẫn và nâng đỡ, Khánh Băng khởi đầu sự nghiệp ca nhạc với cây đàn mandoline và thi đậu vào làm nhạc công ở Đài Phát thanh Sài Gòn (1954), sau đó ông chơi đàn ở đoàn Sầm Giang của nghệ sĩ Trần Văn Trạch và ở Đài Pháp – Á. Khánh Băng được coi là người Việt Nam đầu tiên sử dụng đàn guitar điện trên sân khấu, trong thập niên 60 của thế kỷ trước. Ngoài biểu diễn, ông còn sáng tác rất nhiều ca khúc, tiêu biểu như: Vọng ngày xanh, Có nhớ đêm nào, Tiếng mưa rơi, Nếu một ngày, Đôi ngả chia ly, Nếu có nhớ đến… riêng bản Sầu đông ông còn đặt cả lời Pháp với tựa đề Johnny Mon Amour. Khoảng thời gian trước khi bị mù (từ 1991-1996), ông sáng tác được chừng 100 ca khúc, trong đó có những bài khá phổ biến như: Trên nhịp cầu tre, Chờ người, Chiều đồng quê… mang phong cách Nam Bộ.

Người nhà của cố nhạc sĩ kể lại: sáng mùng 1 Tết ông còn nói cười vui vẻ, ăn bánh mứt và nhận lời chúc Tết của con cháu. Đến trưa ông kêu mệt, đi nằm và rồi đi luôn vào cõi vĩnh hằng lúc 16 giờ 30 cùng ngày. Ngày Tết, hầu hết các cơ quan đều không làm việc nên việc thông tin về sự ra đi của ông có phần trở ngại. Đưa ông về an táng tại quê nhà Vũng Tàu (vào ngày mùng 4 Tết) cũng chỉ có gia đình và một vài văn nghệ sĩ thân thiết đã từng gắn bó với ông từ ngày xưa…

Hà Đình Nguyên

Những bước chân âm thầm (Y Vân – Kim Tuấn)

[dongnhacxua.com] thật ngạc nhiên khi vô tình biết thêm một chi tiết thú vị về phố núi Pleiku, nhạc sỹ Y Vân và nhà thơ Kim Tuấn: nhạc phẩm nổi tiếng “Những bước chân âm thầm” của Y Vân là phổ từ bài thơ “Kỷ niệm” của thi sỹ Kim Tuấn viết về thành phố Pleiku bụi mờ đầy kỷ niệm của những năm 1960.

Người hát nếu không để ý kỹ sẽ dễ hát sai thành “hoa bỗng dưng tuyết trắng“. Trong bài thơ thì Kim Tuấn viết “hoa vông rừng tuyết trắng“, còn trong bản nhạc mà chúng tôi sưu tầm được thì nhạc sỹ Y Vân viết “hoa vòng rừng tuyết trắng“. Theo chúng tôi thì “hoa vông rừng” là chính xác nhưng không biết có phải là Y Vân cố tình sửa thành “hoa vòng rừng” hay đó chỉ là lỗi xuất bản. Y Vân đã mất năm 1992, Kim Tuấn cũng đã vĩnh viễn giã từ “miền kỷ niệm” năm 2003. Thế là [dongnhacxua.com] và những người yêu dòng nhạc xưa vẫn  còn đó một câu hỏi thật dễ thương!

Hình minh họa cho cây gòn. Photo: WorldOfStock.com
Hình minh họa cho cây gòn. Photo: WorldOfStock.com

Qua bài viết này, [dongnhacxua.com] cầu nguyện cho linh hồn nhà thơ Kim Tuấn sẽ được thanh nhàn miền cực lạc!

 nhung-buoc-chan-am-tham--0--y-van--kim-tuan--amnhacmiennam.blogspot.com--dongnhacxua.com

 

nhung-buoc-chan-am-tham--1--y-van--kim-tuan--amnhacmiennam.blogspot.com--dongnhacxua.com

 

nhung-buoc-chan-am-tham--2--y-van--kim-tuan--amnhacmiennam.blogspot.com--dongnhacxua.com

 

nhung-buoc-chan-am-tham--3--y-van--kim-tuan--amnhacmiennam.blogspot.com--dongnhacxua.com

PLEIKU THÂN YÊU – TỪ ‘KỶ NIỆM’ ĐẾN ‘NHỮNG BƯỚC CHÂN ÂM THẦM’
(Nguồn: tác giả Xuân Trường  đăng trên  PleikuCafe.com)

Những năm 60 của thế kỷ trước, nhà thơ Kim Tuấn sống tại Pleiku và đã sáng tác nhiều bài thơ cho miền đất thơ mộng này. Sau đó, anh về Sài Gòn rồi mất năm 2003. Kỷ niệm là bài thơ anh viết cho Pleiku, được Y Vân phổ nhạc và trở nên nổi tiếng… 

Ngày ấy, nhà ở đường Phan Bội Châu, buổi chiều anh thường lang thang ra ngoại ô. Những khu vườn làng đồng bào dân tộc được trồng những cây vông rừng (cây gòn rừng), mỗi khi nó nứt trái thì bông bên trong màu trắng bay lả tả theo gió, rơi rơi nhẹ nhàng như từng miếng nhạc chạm vào cuối chiều xa nhớ đến tận cùng hoàng hôn, khiến anh nghĩ đến Pleiku có tuyết trắng:

Từng bước từng bước thầm
Hoa vông rừng tuyết trắng
Rặng thông già lặng câm
Hai đứa nhiều nuối tiếc

Tình yêu trong bài thơ dù có nguyên mẫu hay không, nhà thơ cũng đã tinh tế hòa nhịp cái tình trong cái cảnh, như một bức tranh Pleiku hoàng hôn, thanh thản nỗi buồn trong veo mà người ta dễ cảm nhận ở cái xứ sương mù và quanh năm mùa đông này.

Những năm tháng ấy, Pleiku còn nhiều cảnh chiến tranh và bắt lính. Có lẽ vì thế mà tuổi trẻ buồn cho thân phận, buồn cho tương lai như những hàng thông lặng câm, hay mây núi chụm đầu thủ thỉ. Tác giả đã điệp khúc nỗi buồn của tuổi trẻ ngày ấy nhiều lần:

Từng bước từng bước thầm
Cuối đầu in dấu mỏi
Tuổi trẻ buồn lặng câm
Núi nghiêng đầu thủ thỉ

Từ bài thơ Kỷ niệm của Kim Tuấn, nhạc sỹ Y Vân ở Sài Gòn đã phổ nhạc thành ca khúc Những bước chân âm thầm mà đến nay nhiều người Pleiku, Sài Gòn hoặc hải ngoại đã hát thuộc lòng, nhưng ít có người biết đó là bài hát liên quan đến Pleiku, được sáng tác tại Pleiku.

Từ những năm 90, người ta ồ ạt khai thác gỗ vườn để xẻ ván xuất khẩu, làm vắng bóng những cây gòn rừng, bay tuyết trắng chiều ngoại ô Pleiku. Biết bao giờ mới có lại cái không gian cây xanh ấy.

Kim Tuấn và Y Vân không còn nữa nhưng Kỷ niệm – Những bước chân âm thầm vẫn đang bềnh bồng khắp mọi nơi, không chỉ có ở Pleiku thân yêu. Thêm một lần nữa, chúng ta hãy cùng đọc lại bài thơ này:

Từng bước từng bước thầm
Hoa vông rừng tuyết trắng
Rặng thông già lặng câm
Hai đứa nhiều nuối tiếc

Sương mù giăng mấy đồi
Tay đan đầy kỷ niệm
Mưa giữa mùa tháng năm
Dật dờ cơn gió thổi

Một tháng không trăng rằm
Mây núi ôm trời thấp
Giá rét về căm căm
Cao nguyên mù đất đỏ

[footer]