Trong nỗ lực để làm sáng tỏ nhạc phẩm “Giã từ” liên quan đến hai nhạc sỹ Tô Thanh Tùng và Băn Vi mà [dongnhacxua.com] đã đề cập ở hai bài viết của Đinh Thu Hiền và Ngữ Yên, chúng tôi đã may mắn có được bản nhạc “Giã từ” do nhà Minh Phát xuất bản vào năm 1973 (trên trang AmNhacMienNam.blogspot.com). Theo đó, nhạc sỹ Tô Thanh Tùng đã cẩn thận ghi tên nhạc sỹ Băn Vi lên sáng tác chung này. Như vậy mọi nghi ngờ về việc nhạc sỹ Tô Thanh Tùng có tôn trọng nhạc sỹ quá cố Băn Vi hay không đã được sáng tỏ. Cũng giống như trường hợp bản Buồn của Y Vân, có lẽ sau năm 1975, việc xuất bản và lưu hàng nhạc không được quy củ như ngày xưa nên mới nảy sinh nhiều tình huống hiểu lầm đáng tiếc.
Cũng qua bài viết này này, [dongnhacxua.com] xin gởi lời cầu chúc mong linh hồn của nhạc sỹ Băn Vi – Huỳnh Văn Bi về nơi chốn yên bình và cũng gởi lời chúc sức khỏe đến nhạc sỹ Tô Thanh Tùng.
Đối với nhiều quý vị yêu nhạc xưa thì cái tên ‘nhạc sỹ Thăng Long’ có thể hãy còn xa lạ. Tuy nhiên riêng với những ai sinh ra và lớn lên trước năm 1975 ở miền Nam thì nhạc phẩm ‘Quen nhau trên đường về’ qua giọng ca của ca sỹ Minh Hiếu dưới đây sẽ gợi lại nhiều hoài niệm về dòng nhạc quen thuộc một thời. Đó chính là sáng tác nổi tiếng nhất của nhạc sỹ Thăng Long mà [dongnhacxua.com] muốn giới thiệu hôm nay.
Nhạc sỹ Thăng Long tên thật là Nguyễn Văn Thành. Ông sinh năm 1936 ở Hải Dương. Ông mồ côi mẹ ngay khi vừa chào đời và đến năm 15 tuổi thì ông lại mồ côi cha. Một mình lang bạt giang hồ. Cuộc đời đưa đẩy ông vào Sài Gòn với công việc mưu sinh bằng cây đàn guitar cùng một nghệ sỹ mù. Ông sáng tác ‘Quen nhau trên đường về’ cuối thập niên 1960 trong một lần lang thang ra chợ Bến Thành. Ngày ấy ga xe lửa ở chợ Bến Thành vẫn còn hoạt động (khác với ga Hoà Hưng). Ông tình cờ nhìn thấy một cô gái và một chàng trai (có lẽ là một quân nhân) ở bến ga. Cô gái với mái tóc dài làm nhạc sỹ liên tưởng đến một người con gái miền sông Hương núi Ngự. Rồi ngay lúc đo ông nghe văng vẳng đâu đó tiếng kèn của một đám ma vang lên một giai điệu buồn: tàng tang táng … Thế là cảm xúc và giai điệu ập đến với để ông cho ra đời ‘Quen nhau trên đường về’.
Sau năm 1975, số phận đẩy đưa nhà nhạc sỹ của chúng ta phải cơ cực để mưu sinh kiếm sống. Ông trôi dạt về tận Sóc Trăng và sống một cuộc đời đạm bạc, khó nghèo như trong một đoạn video clip về ông trong Paris By Night 91, thực hiện cuối năm 2007 đầu năm 2008.
Ông mất vào ngày 30/03/2008 tại Sóc Trăng. [dongnhacxua.com] xin mượn bài viết này như một lời tri ân với nhạc sỹ Thăng Long, ‘người nhạc sỹ giang hồ’ đã cống hiến cho đời nhiều giai điệu đẹp. Cầu chúc linh hồn ông mau về chốn vĩnh hằng!
Hôm qua DòngNhạcXưa tình cờ đọc một bài báo đăng trên tờ Lao Động viết về cuộc đời đầy nỗi truân chuyên của cô Cẩm Nhung, kỹ nữ nổi tiếng một thời của Sài Gòn xưa. Phần cuối bài viết, tác giả có nhắc đến bản nhạc ‘Bài hát cho người kỹ nữ’ của nhạc sỹ Nhật Ngân sáng tác chung với Duy Trung là cảm tác từ cảnh đời éo le của Cẩm Nhung. Thực hư chuyện này ra sao chúng tôi không có tư liệu? Rồi nhạc sỹ Duy Trung là ai? Cho đến giờ chúng tôi cũng không có bất kỳ thông tin gì. Nhạc sỹ Nhật Ngân cũng đã an giấc ngàn thu, bà Cẩm Nhung cũng vừa rời chốn gian trần.
Trên tinh thần gợi nhớ lại Sài Gòn hoa lệ một thời, nhắc nhớ đến dòng nhạc của Nhật Ngân và cầu mong linh hồn bà Cẩm Nhung mau siêu thoát, DòngNhạcXưa trân trọng giới thiệu nhạc phẩm ‘Bài hát cho người kỹ nữ’ (còn được biết qua tên khác ‘Bài ca cho người kỹ nữ’ hay ‘Tình kỹ nữ’).
BÀI BÁO ‘NỬA THẾ KỶ TỪ VỤ ĐÁNH GHEN RÙNG RỢN NHẤT SÀI GÒN’ (Nguồn: LaoDong.com.vn)
Cách đây đúng nửa thế kỷ, vào giữa năm 1963, tại Sài Gòn đã xảy ra một vụ đánh ghen được coi là rùng rợn nhất thành phố này. Đây cũng là lần đầu tiên ”Hoạn Thư” ở Sài Gòn biết sử dụng axít đậm đặc để thanh toán tình địch.
Nạn nhân là cô vũ nữ nổi tiếng nhất Sài Gòn lúc ấy tên là Cẩm Nhung, người được mệnh danh là “nữ hoàng vũ trường”. Người thủ ác là một mệnh phụ phu nhân, vợ của một trung tá Sài Gòn. Vụ tạt axit rùng rợn này đã biến cô vũ nữ giàu có, đẹp lộng lẫy thành cô gái mù lòa xấu xí, phải đi ăn mày. Khi còn là vũ nữ, Cẩm Nhung nổi tiếng nhất Sài Gòn, lúc đi ăn mày cô càng “nổi tiếng” hơn, khi luôn đeo trước ngực bức ảnh mình chụp với người tình trung tá thời trên đỉnh cao danh vọng.
Bà lão mù lòa từng là vũ nữ
Một ngày đầu năm 2013, tại một xóm trọ nghèo ở thị xã Hà Tiên (tỉnh Kiên Giang), nơi những người ăn xin, bán vé số, bốc vác tứ xứ đến thuê ở trọ, có một đám ma nghèo. Một bà lão bán vé số đã qua đời vì già yếu, bệnh tật. Không một người thân, bà lão được những người đồng cảnh ngộ lo cho một quan tài loại rẻ tiền, rồi đưa ra nghĩa địa… Sẽ không có chuyện gì đáng nói về đám ma nghèo của bà lão vô gia cư, nếu như người quá cố nói trên không phải là vũ nữ Cẩm Nhung lừng danh của nửa thế kỷ trước.
Trước ngày miền Nam giải phóng, người ăn mày mù lòa Cẩm Nhung với cây gậy dò đường và tấm ảnh chụp chung với người tình treo trước ngực, lê bước khắp nẻo Sài Gòn để xin lòng thương hại của mọi người. Về sau do bị săn đuổi, bà xuống ăn xin ở bến phà Mỹ Thuận trên đường về miền Tây. Sau ngày miền Nam giải phóng, người ta còn thấy bà ngồi ăn xin trên bến phà Mỹ Thuận một thời gian. Từ khoảng năm 1978, không ai thấy người ăn mày đeo tấm ảnh trước ngực đâu nữa.
Người đời bàn luận rằng có lẽ bà đã bệnh chết hoặc đã quyên sinh để chấm dứt kiếp hồng nhan bạc phận của mình. Mãi sau này người ta mới phát hiện bà vẫn còn sống, vừa bán vé số vừa ăn xin quanh các ngôi chùa ở thị xã Hà Tiên, mà thường nhất là ở chùa Tam Bảo. Người ta nhận ra bà bởi khuôn mặt gớm ghiếc và đôi mắt mù lòa, hậu quả của vụ tạt axít năm xưa. Và nay, người ăn mày đặc biệt đã vĩnh viễn từ giả cõi trần, chính thức khép lại một kiếp hồng nhan đa truân, sau đúng nửa thế kỷ từ vụ đánh ghen rùng rợn năm nào.
Nữ hoàng vũ trường
Vũ nữ Cẩm Nhung sinh năm 1940 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi, cô phải rời xa Hà Nội để theo gia đình di cư vào Nam. Vào Sài Gòn được ít năm, khi cuộc sống chưa ổn định, cha của Cẩm Nhung lâm bệnh rồi mất, bỏ lại 3 người phụ nữ: mẹ cô, bà vú Sọ và cô. Cẩm Nhung phải bỏ học, xin vào làm tiếp viên trong một nhà hàng, chuyên bưng bê món ăn cho khách. Nhờ đó cô đã lân la làm quen với những bản nhạc, những điệu nhảy trong quán bar của nhà hàng. Để rồi khi chưa tới 19 tuổi, cô đã trở thành gái nhảy chuyên nghiệp trong giai đoạn phong trào nhảy đầm phát triển rầm rộ ở Sài Gòn.
Cẩm Nhung có khuôn mặt đẹp và làn da trắng hồng đặc thù của con gái xứ Bắc. Tạo hóa ban thêm cho cô đôi mắt lẳng lơ, thân hình quyến rũ. Đặc biệt đôi chân điệu nghệ của cô trong các vũ điệu cuồng say tại vũ trường Kim Sơn đã làm bao khách làng chơi phải ngẩn ngơ. Lúc ấy Sài Gòn có hàng trăm vũ trường, gái nhảy không đủ đáp ứng, vì vậy mà Cẩm Nhung càng có giá, được các vũ trường săn đón như hàng độc, như của quý. Cô được dân chơi Sài Gòn phong là “Nữ hoàng vũ trường”.
Cô đi qua nhiều vũ trường, cuối cùng dừng lại với vũ trường Kim Sơn trên đường Tự Do (nay là Đồng Khởi, quận 1). Tại đây, cô đã trở thành người tình của tay trung tá công binh Trần Ngọc Thức. Cô vũ nữ 23 tuổi dù đã từng trải trong tình trường đã bị tay trung tá công binh lớn hơn cả chục tuổi “hớp hồn” ngay những lần gặp đầu tiên. Sự già dặn, từng trải, tiêu tiền như nước của gã, cùng với cái lon trung tá rất oai thời ấy đã làm cô vũ nữ sành điệu chấp nhận sa vòng tay bảo bọc của ông ta.
Thời ấy, “Thức công binh” (biệt danh của trung tá Trần Ngọc Thức) nổi lên như cồn trong giới ăn chơi ở Sài Gòn. Miền Nam bắt đầu tiếp nhận viện trợ ồ ạt của Mỹ, chủ yếu là vũ khí và đô-la để xây dựng các cơ sở hạ tầng phục vụ quân đội, phục vụ chiến tranh. Đó là cơ hội vàng để “Thức công binh” tham nhũng, trở nên giàu có, thừa tiền của để bao gái.
Vợ trung tá Trần Ngọc Thức tên thật là Lâm Thị Nguyệt, có biệt danh là Năm Rađô – một biệt danh giới giang hồ khu Cô Bắc đặt cho, do bà chuyên buôn mặt hàng đồng hồ Rado của Thụy Sỹ mới nhập cảng vào Sài Gòn. Bà Năm Rađô không lạ gì thói trăng hoa của chồng, nhưng lần này biết chồng say mê cô vũ nữ trẻ đẹp quên cả gia đình, bà như phát điên vì ghen. Bà đã vài lần đón đường hăm dọa, thậm chí tát tai dằn mặt vũ nữ Cẩm Nhung, nhưng bấy nhiêu đó không đủ làm cho cô gái trẻ rời xa chồng bà.
Vụ đánh ghen ghê rợn
Theo thú nhận của Cẩm Nhung với báo chí Sài Gòn sau khi xảy ra vụ đánh ghen ghê rợn, khi làm người tình của trung tá Thức, cô nghĩ rằng mình có thể trở thành vợ bé của ông ta, một việc khá bình thường trong xã hội Sài Gòn thời đó. Cô đâu biết rằng, trong lúc cô ngây ngất trong vòng tay của ông trung tá dìu dặt trong những điệu nhảy ở vũ trường Kim Sơn, thì ở khu gia binh Cô Bắc cách đó không xa có một người đàn bà đang âm thầm chuẩn bị một kế hoạch đánh ghen ghê rợn.
Bà Năm Rađô đã vạch kế hoạch tỉ mỉ tiêu diệt tình địch. Hai tên giang hồ có cỡ được bà Năm Rađô thuê với giá 2 lượng vàng để làm cái việc hủy diệt nhan sắc của cô vũ nữ. Bà Năm Rađô tin tưởng, khi Cẩm Nhung không còn nhan sắc, cô sẽ không thể quyến rũ chồng bà, Thức công binh sẽ trở về với vợ con.
Khoảng 22 giờ đêm ngày 17.7.1963, vũ nữ Cẩm Nhung rời khỏi nhà để đến vũ trường Kim Sơn. Hàng ngày cô đều rời khỏi nhà vào giờ này, hoặc đi taxi, hoặc có xe của đại gia đón rước, để cô đến vũ trường trước 23 giờ, nhảy nhót quay cuồng cho đến 3 – 4 giờ sáng. Khi Cẩm Nhung còn cách chiếc taxi khoảng 10 mét, bất ngờ từ bên kia đường một gã đàn ông băng nhanh qua đường, tiến về phía cô. Cẩm Nhung chưa kịp phản ứng thì gã đàn ông đã tạt mạnh ca axít vào mặt cô. Cẩm Nhung chỉ kịp kêu lên: “Chết tôi rồi, cứu tôi với” rồi ngã gục trên đường. Người đàn ông sau khi tạt axít đã băng qua bên kia đường, leo lên xe taxi mở cửa chờ sẵn, trên ấy có bà Năm Rađô.
Nghe tiếng kêu cứu, một số người đi đường đã chạy đến, họ thấy Cẩm Nhung nằm quằn quại dưới đường, mùi axít xông lên hôi nồng. Một người đàn ông đã ôm nạn nhân lên xe taxi, chở đến Bệnh viện Đô Thành (Bệnh viện Sài Gòn ngày nay). Do Bệnh viện Đô Thành không có khả năng trị bỏng, nhất là bỏng axít, nạn nhân sau đó đã được chuyển đến Bệnh viện Đồn Đất (Bệnh viện Nhi Đồng 2 ngày nay).
Những người bạn vũ nữ của Cẩm Nhung đến thăm, thấy cảnh sát hại dã man, đã hùn tiền lại mời luật sư bảo vệ cho Cẩm Nhung, đưa vụ việc ra pháp luật. Thế nhưng, thời ấy thế lực của “Thức công binh” và bà Năm Rađô rất mạnh ở Sài Gòn, nên tưởng như không ai làm được gì họ. Vụ việc đến tai bà Trần Lệ Xuân, vợ của Ngô Đình Nhu. Bà cố vấn vốn tính bốc đồng đã làm lớn vụ việc, làm cho cả Sài Gòn như sôi lên vì vụ đánh ghen này.
Sau vụ vũ nữ Cẩm Nhung bị đánh ghen bằng axít đến nỗi mù lòa, nhan sắc bị hủy hoại hoàn toàn, ở Sài Gòn bỗng nổi lên phong trào đánh ghen bằng axít. Suốt thời gian dài sau đó, người ta hay dọa những kẻ “giật chồng người khác” câu “muốn 1 ca axít lắm hả?”.
Trên thực tế, sau vụ vũ nữ Cẩm Nhung bị nạn, chỉ trong năm 1964 đã có hàng chục ca thanh toán nhau bằng axít được đưa đến các bệnh viện Sài Gòn, hầu hết là do đánh ghen. Dù vậy, các thế hệ sau đều thua cú ra tay dữ dội của bà Năm Rađô. Vụ tạt axít vũ nữ Cẩm Nhung mở màn cho “phong trào” đánh ghen bằng axít ở Sài Gòn, cũng là vụ đánh ghen tàn bạo nhất được ghi nhận ở đất Sài thành cho đến ngày nay.
Khi vụ tạt axít xảy ra, bà Trần Lệ Xuân đang ở nước ngoài, nhưng cũng biết được vụ việc qua báo chí. Một tuần lễ sau bà về tới Sài Gòn, việc đầu tiên là bà chỉ đạo Nha An ninh phải vào cuộc, xử thật nặng những kẻ gây ra tội ác.
Đích thân Trần Lệ Xuân cũng tới thăm Cẩm Nhung, rồi thu xếp đưa cô đi nước ngoài chữa trị, nhưng tất cả đều vô ích, không gì có thể cứu vớt cuộc đời cô vũ nữ. Cả Sài Gòn hồi hộp theo dõi
Không chỉ ra lệnh bắt xử những kẻ tạt axít, bà Lệ Xuân còn chỉ đạo cho ngừng hoạt động tất cả các vũ trường, vì theo bà đó là nguồn gốc của ăn chơi sa đọa, tan nát gia đình và tội ác.
Bà ra lệnh cho kiểm tra tất cả các tướng tá Sài Gòn xem ai có vợ nhỏ phải kỷ luật, hạ cấp hoặc loại khỏi quân đội. Sài Gòn vốn sôi động về đêm, những ngày sau đó trở nên đìu hiu khi mà hàng trăm vũ trường nhộn nhịp phải đóng cửa theo lệnh của bà cố vấn.
Các tướng tá Sài Gòn thì khỏi phải nói, chạy lo đủ kiểu để không bị phát hiện là có vợ nhỏ. Sau giờ làm việc, các đấng phu quân ở Sài Gòn chạy thẳng về nhà với vợ con, để cô vợ không nổi hứng tố cáo với bà cố vấn là chồng mình đã có vợ nhỏ thì sự nghiệp nhà binh coi như đổ sông đổ biển.
Con đường công danh, sự nghiệp của Thức “công binh” cũng bỗng chốc chấm hết, bao nhiêu bổng lộc trong ngành xây dựng công trình quân sự bỗng chốc mất trắng, ông bị buộc phải giải ngũ, trở về làm dân. Một phiên tòa xét xử vụ tạt axít đã được gấp rút mở sau đó gần 3 tháng. Bà Năm Ra đô và tên du đãng tạt axít bị tuyên phạt mỗi người 20 năm tù, một tên đồng bọn khác bị phạt 15 năm tù. Thế nhưng, chỉ vài tuần sau, khi vụ án còn đang bị kháng cáo, thì chế độ Ngô Đình Diệm đã bất ngờ sụp đổ với cái chết của 2 anh em nhà họ Ngô, bà Lệ Xuân phải sống lưu vong.
Chính trường Sài Gòn sau cái chết của anh em nhà họ Ngô đã rối ren suốt mấy năm trời, không ai quan tâm đến vụ tạt axít cô vũ nữ Cẩm Nhung. Không thấy nền “đệ nhị cộng hòa” của Nguyễn Văn Thiệu đưa ra xét xử. Sau đó vợ chồng Thức “công binh” đã chia tay nhau, người chồng về quê sống ẩn dật, còn bà Năm Ra đô thì gửi thân nơi cửa Phật, có lẽ bà muốn nhờ cửa Phật từ bi gột rửa tội lỗi khủng khiếp mà bà đã gây ra.
Lại nói về Cẩm Nhung, ca axít đậm đặc đã phá hủy toàn bộ khuôn mặt của cô vũ nữ, đôi mắt của nạn nhân cũng bị phỏng rất nặng. Các bệnh viện ở Sài Gòn đều bó tay, chỉ có thể cứu được mạng sống của Cẩm Nhung, còn đôi mắt, khuôn mặt thì không thể cứu chữa.
Bà Trần Lệ Xuân đã đích thân đến bệnh viện thăm nạn nhân, trực tiếp nghe các bác sĩ trình bày tình trạng thương tật. Sau đó, vợ chồng bà Trần Lệ Xuân đã chỉ đạo cho Đại sứ quán Việt Nam Cộng hòa ở Nhật Bản thu xếp đón Cẩm Nhung qua Nhật Bản chữa trị thương tật.
Một ngày cuối tháng 9.1963, Cẩm Nhung được đưa lên máy bay sang Nhật Bản. Thế nhưng, nền y học của Nhật Bản cũng phải chịu thua, không thể phục hồi dung nhan và đôi mắt cô vũ nữ. Hai tháng sau, Cẩm Nhung trở về nước, lúc Sài Gòn đã đổi chủ. Bà Trần Lệ Xuân từng hứa “bảo bọc trọn đời” cho Cẩm Nhung giờ đã sống lưu vong ở nước ngoài.
Trả thù đời
Từ đỉnh cao danh vọng bỗng chốc rơi xuống tận cùng địa ngục, Cẩm Nhung trong đau khổ tuyệt vọng, đã lao vào đập phá, uống rượu, hút thuốc… Để “trả thù đời”, Cẩm Nhung sẵn sàng ngã vào lòng của bất cứ người đàn ông nào, không cần tiền bạc hay điều kiện gì. Thế nhưng, với khuôn mặt cháy xám, thẹo lồi lõm như ác quỷ, cặp mắt mờ đục lồi ra ngoài như mắt ếch, không có người đàn ông tỉnh táo nào đủ can đảm làm tình nhân của cô.
Chán chường, tức giận, Cẩm Nhung càng lặn ngụp trong rượu chè. Mẹ của Cẩm Nhung vì buồn phiền mà sinh bệnh, rồi qua đời cuối năm 1964.
Cẩm Nhung càng lao sâu vào cuộc nghiện ngập cho quên đời, tài sản sau mấy năm kiếm được trong các vũ trường và cặp bồ với hàng tá nhân tình là sĩ quan, giờ cô tha hồ đập phá. Bao nhiêu món đồ quý giá của cô cứ lần lượt ra đi, ban đầu là chiếc xe máy loại mới nhập cảng của Nhật Bản, sau đến các loại nữ trang, hột xoàn, vòng vàng… Cuối cùng, Cẩm Nhung bán nốt căn nhà với giá gần 200 lượng vàng để có tiền tiêu xài, cô và bà vú Sọ phải thuê nhà ở trọ.
Số tiền bán nhà rồi cũng cạn dần, ngày cô không còn đủ tiền để trả tiền thuê nhà cũng là ngày bà vú Sọ trung thành đổ bệnh nặng, không tiền chạy chữa, nên đã qua đời. Còn lại một mình không nơi nương tựa, không nghề nghiệp, đôi mắt mù lòa, cô vũ nữ lừng danh một thời chỉ còn biết đi ăn mày.
Ban đầu, Cẩm Nhung đi ăn xin trước chợ Bến Thành vào dịp tết năm 1969. Cô ngồi bên vệ đường, trên ngực đeo bức ảnh cô chụp chung với trung tá Trần Ngọc Thức, tay chìa ra xin lòng thương hại của người đi đường. Ban đầu người ta kéo tới xem Cẩm Nhung rất đông, cho tiền cô cũng nhiều. Có tiền, Cẩm Nhung tiếp tục nghiện ngập, đập phá.
Càng về sau, người Sài Gòn càng bớt cảm động về chuyện ăn xin của cô vũ nữ, càng ít cho tiền. Không thể ngồi xin một chỗ, Cẩm Nhung cầm gậy dò đường đi xin dọc theo đại lộ Lê Lợi, đường Tự Do, những lối đi một thời in dấu chân cô từ nhà tới vũ trường Kim Sơn. Sau đó, Cẩm Nhung phải rời khỏi khu vực trung tâm Sài Gòn, đến chợ Bình Tây, chợ Bà Chiểu, cuối cùng là ngã tư Trần Quốc Thảo – Lý Chính Thắng, trước khi cô âm thầm rời Sài Gòn hoa lệ để về miền Tây xa xôi ăn xin trên bến phà Mỹ Thuận.
Ngày ấy, khi đã mù lòa, xấu xí, phải ra đường ăn xin kiếm sống, Cẩm Nhung nhờ người quen phóng to tấm ảnh cô chụp với người tình trung tá công binh Trần Ngọc Thức để đeo trước ngực, vừa để thiên hạ xót thương mà bố thí, vừa để “trả thù đời” đối với kẻ đã tệ bạc bỏ mặc cô đau đớn, bệnh tật, nghèo khó mà không một lời hỏi han, thăm viếng. Ban đầu, sau khi Cẩm Nhung mang tấm ảnh mình và tay trung tá rất đẹp đôi trước ngực, mấy ngày sau có người lạ tới năn nỉ cô đừng trương tấm hình ấy ra nữa, bù lại họ cho cô số tiền kha khá.
Cẩm Nhung không chịu, họ cũng giật đại tấm ảnh, xong để lại trong ca ăn xin của cô một số tiền. Không chịu thua, Cẩm Nhung lại nhờ người thân phóng tấm ảnh khác để đeo, và lại bị họ giật. Sau đó, không chỉ bị giật hình ảnh, mà cô còn bị đánh đập gây thương tích, chỉ vì chuyện ôm tấm hình chụp chung với người tình cũ đi ăn xin khắp Sài Gòn.
Không sống được ở Sài Gòn, Cẩm Nhung âm thầm tìm ra bến xe Miền Tây để lên xe đò về bến phà Mỹ Thuận kiếm sống, vẫn với cái cách ngồi bên lề đường ăn xin, ngực treo tấm ảnh năm nào.
Tại đây, cô cũng bị người lạ giật tấm ảnh. Không chỉ vậy, ai đó đã nhân lúc cô đi ăn xin đã lẻn vào chỗ ở trọ, lục tung đồ đạc của cô, lấy đi tất cả hình ảnh cô chụp chung với người tình trung tá công binh. Kể từ đó, Cẩm Nhung không còn ảnh chụp chung với Thức công binh, cô lấy tấm ảnh chân dung của riêng mình treo trước ngực để đi ăn xin, người đi đường cảm thương phận bạc của cô vũ nữ mà bố thí cho ít tiền giúp cô sống qua ngày trong mù lòa, cô độc.
Sau ngày miền Nam giải phóng, Cẩm Nhung tiếp tục ăn xin trên bến phà Mỹ Thuận. Nhưng sau đó chính quyền cách mạng dẹp nạn ăn xin để ổn định trật tự xã hội, Cẩm Nhung được đưa vào trung tâm nuôi người tàn tật. Không chịu được cuộc sống gò bó trong trung tâm, người phụ nữ mù đã lén bỏ trốn về Sài Gòn tiếp tục ăn xin.
Rồi cô lại bị “thu gom”, rồi lại trốn về tận Hà Tiên. Tại đây, Cẩm Nhung lúc thì đi ăn xin quanh quẩn các ngôi chùa, khi địa phương có chiến dịch “thu gom” người ăn xin, cô xin tá túc nhà chùa để được chén cơm, manh áo, vừa quét dọn sân chùa để khuây khỏa nỗi buồn trong cuộc đời bạc bẽo hơn vôi của cô. Kể từ đó, dù tá túc trong nhà chùa hay ăn xin đó đây, Cẩm Nhung không còn đeo tấm hình “nữ hoàng vũ trường” của mình trước ngực nữa.
Trong những năm tháng Cẩm Nhung sau khi bị nạn lang thang trên khắp nẻo Sài Gòn, cũng là lúc ở Sài Gòn xuất hiện bài hát “Bài ca cho người kỹ nữ”. Các tác giả viết bài hát này vì xót thương số phận của cô vũ nữ Cẩm Nhung. Bài hát có đoạn:
Ta tiếc cho em trong cuộc đời làm người Ta xót xa thay em là một cánh hoa rơi Loài người vô tình giẫm nát thân em Loài người vô tình giày xéo thân em Loài người vô tình giết chết đời em…
Rạng sáng nay 20/12/2012 (theo giờ Việt Nam) [dongnhacxua.com] hay tin ca nhạc sỹ Duy Quang vừa qua đời tại California, hưởng thọ 62 tuổi. Sự ra đi của một trong những giọng ca nam hàng đầu của tân nhạc Việt Nam trong hơn 40 năm qua đã để lại nhiều tiếc thương cho người yêu nhạc Phạm Duy nói riêng và dòng nhạc xưa nói chung. [dongnhacxua.com] cầu nguyện cho linh hồn anh mau chóng về chốn vĩnh hằng!
Đúng như lời bài hát nổi tiếng nhất anh sáng tác, anh đã sống “trọn một kiếp đam mê” cho âm nhạc và tình yêu.
Như một nén hương thắp cho linh hồn nhạc sỹ Trần Trịnh, [dongnhacxua.com] trân trọng gởi đến quý vị yêu nhạc xưa bài phỏng vấn của cố nhạc sỹ, ký giả Trường Kỳ thực hiện cho chuyên mục “Nghệ sỹ & Đời sống” của đài VOA Hoa Kỳ.
Không những là một nhạc sĩ sáng tác, Trần Trịnh còn là một trong những nhạc sĩ có nhiêu gắn bó nhất với lãnh vực phòng trà và vũ trường của Sài Gòn về đêm trước năm 75. Nhắc đến Trần Trịnh, không ai quên được nhạc phẩm Lệ Đá (do Hà Huyền Chi viết lời) đã dính liền với cuộc đời sáng tác của ông. Ngoài nhạc phẩm điển hình đó, Trần Trịnh còn là tác giả của nhiều nhạc phẩm đặc sắc khác, trong số có nhiều bài cùng với hai người bạn nghệ sĩ là Nhật Ngân và Lâm Đệ được ký dưới tên Trịnh Lâm Ngân trong những thập niên 60 và 70.
Tuy đã bước vào lớp tuổi 70, nhưng Trần Trịnh vẫn còn nhớ rành mạch rất nhiều chi tiết khi tâm sự với người viết về quá trình hoạt động âm nhạc lâu dài của ông cùng với cuộc sống tình cảm trong cuộc sống thăng trầm của một người nghệ sĩ chịu một ảnh hưởng lớn của nền văn hoá Tây Phương.
Với một giọng kể chuyện say mê, Trần Trịnh cho biết âm nhạc đã quyến rũ ông mãnh liệt khi theo học chương trình Pháp tại trường Taberd Sài Gòn trong suốt 10 năm, từ năm 1945 cho đến khi ra trường vào năm 1955 với mảnh bằng Bacc 2 (Tú Tài 2 Pháp).
Nhưng niềm đam mê nơi ông đã gặp một trở ngại lớn là sự không đồng ý của bố mẹ để chấp thuận cho ông theo ngành âm nhạc, ngoài những giờ học nhạc trong chương trình của trường.
Mặc dù là một nhân viên của tòa đại sứ Pháp theo tây học, nhưng thân phụ ông vẫn tỏ ra không mấy có cảm tình với cuộc đời nghệ sĩ. Và mẹ ông, một phụ nữ người Lào – vợ sau của thân phụ ông – cũng chẳng tỏ ra khuyến khích cậu con trai út trong số 3 người con của mình.
Tuy vậy, cậu học sinh tên thật là Trần Văn Lượng, sinh năm 1936 tại Hà Nội vẫn luôn ấp ủ giấc mơ đến với âm nhạc một ngày nào đó. Trong những năm học ở Taberd, Trần Trịnh đã rất khâm phục sư huynh Rémi mang họ Trịnh, trong những giờ học nhạc do ngài phụ trách. Sư huynh Rémi đã trở thành thần tượng của ông để ông ghép họ của mình với họ của sư huynh Rémi là Trịnh thành nghệ danh Trần Trịnh ngay từ khi sáng tác nhạc phẩm đầu tiên.
Thật ra Trần Trịnh đã mon men đến với lãnh vực sáng tác từ khi mới 14 tuổi nhờ có khả năng thiên phú cộng với một đầu óc nhận xét nhạy bén trong khi theo học những giờ nhạc do sư huynh Rémi hướng dẫn.
Sáng tác đầu tiên của ông là Cung Đàn Muôn Điệu, được viết vào năm 1950 là năm ông được 14 tuổi. Nhưng mãi đến năm 17 tuổi mới được phổ biến bởi nhà xuất bản An Phú. Ba năm sau, vào năm 1956, nhạc phẩm này lại đã được nhà xuất bản Diên Hồng tái bản.
Sau đó, nhạc phẩm này còn được dùng làm nhạc chuyển mục trong một chương trình tân nhạc cùng với bài Chuyến Xe Về Nam, do nhà xuất bản Tinh Hoa ấn hành vào năm 55. Cũng trong năm 1956, Trần Trịnh lại cho ra đời thêm một nhạc phẩm khác là Viết Trên Đường Nở Hoa.
Sau khi đậu bằng Bacc 2 vào năm 1955, Trần Trịnh được gia đình gửi lên vừa học vừa làm tại Nha Kiến Trúc Đà Lạt. Qua năm 1957, ông thi hành nghĩa vụ quân dịch khóa đầu tiên là khoá Ngô Đình Diệm tại Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung. Đánh dấu cho dịp này, ông đã viết bài Đôi Mươi, do Anh Ngọc trình bày lần đầu tiên.
Trần Trịnh đã phục vụ 2 tháng ở liên đoàn A và 2 tháng ở liên đoàn B và sau đó vào phục vụ trong ban văn nghệ Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung cho đến khi về. Trong thời gian đó, ông đã phổ nhạc cho bài thơ Hai Sắc Hoa Ti-Gôn.
Sau khi được trở về nguyên quán vào năm 58, Trần Trịnh thực hiện giấc mơ của mình khi ghi tên theo học với thần tượng âm nhạc của ông là sư huynh Rémi, tiến sĩ âm nhạc ở Rome và cũng là tác giả nhạc hiệu của Institution Taberd.
Khi học tại trường, khi học tại cư xá của các sư huynh dòng La San tại Thanh Đa, Trần Trịnh đã được huấn luyện về âm nhạc trong suốt 9 năm trời – từ năm 58 đên năm 67 – nên đã có được một căn bản vững vàng về nhạc pháp cũng như về nghệ thuật sử dụng piano.
Và tuy đã thi hành xong nghĩa vụ quân dịch, nhưng với lòng mê thích âm nhạc, Trần Trịnh vẫn tình nguyện tham gia vào những công tác văn nghệ của Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung trong mục đích ủy lạo các binh sĩ. Cũng với ban văn nghệ này, Trần Trịnh đã gặp Nhật Ngân 7 năm sau đó khi nhạc sĩ này thi hành quân dịch ở đây.
Vào những năm học nhạc cuối cùng với sư huynh Rémi, Trần Trịnh đã bắt đầu đi tìm việc làm tại các phòng trà trong vai trò nhạc công sử dụng piano. Sở dĩ ông chọn phòng trà là do ảnh hưởng từ khi còn nhỏ đã bị tiêm nhiễm nhạc dancing và thuộc rất nhiều nhạc khiêu vũ trong thời gian gia đình ông cư ngụ gần vũ trường Au Vieux Cambodge bên Khánh Hội.
Khởi đầu cuộc đời một nhạc công, Trần Trịnh cộng tác với một phòng trà nhỏ tên Lệ Liễu. Sau đó ông bước chân đến với phòng trà Bồng Lai. Và dần dần được mời cộng tác với tât cả những phòng trà và vũ trường khác tại Sài Gòn.
Nhận biết được khả năng âm nhạc của Trần Trịnh sau suốt một thời gian dài cộng tác với ban văn nghệ, đại úy Quốc Hùng, trưởng ban văn nghệ Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung đã vận động xin được cho ông một chương trình ca nhạc trên đài truyền hình Việt Nam vào năm 67, sau khi sư huynh Rémi qua đời.
Từ đó Trần Trịnh trở thành nhạc trưởng của ban văn nghệ Đống Đa, cùng với ban Vũ Thành và Tiếng Tơ Đồng là 3 ban văn nghệ truyền hình có giá trị nhất vào giai đoạn đó. Riêng ban Đống Đa của Trần Trịnh đã qui tụ được trên 50 nhạc sĩ và một ban hợp ca trên 100 thành viên.
Đến năm 68, nhạc sĩ Trần Trịnh được một người bạn là một nhạc sĩ sử dụng kèn giới thiệu với thi sĩ Hà Huyền Chi, lúc đó đang phục vụ ở phòng báo chí cục Tâm Lý Chiến trong giai đoạn cắm trại 100% sau biến cố Mậu Thân. Hai người nói chuyện với nhau suốt sáng. Và trong một lúc, Trần Trịnh đã lục trong số những bản nhạc do ông sáng tác ra một bản nhạc, sau này trở thành nổi tiếng là Lệ Đá do Hà Huyền Chi viết lời…
Được biết Trần Trịnh cũng đã nhập ngũ từ năm 65 và phục vụ tại đài phát thanh Quân Đội thuộc phòng Tâm Lý Chiến. Ông đã không gia nhập khóa sĩ quan để xin được phục vụ tại đây với điều kiện được chơi nhạc tại phòng trà và vũ trường vào buổi tối…
Trong một lần tham gia công tác văn nghệ tại Bình Long vào năm 1964, Trần Trịnh quen với Mai Lệ Huyền, lúc đó là thành viên trong ban văn nghệ của tỉnh do nhạc sĩ Bắc Sơn làm trưởng ban.
Thời kỳ này Mai Lệ Huyền theo thân phụ sống ở Bình Long vì gia đình chị sở hữu một số đồn điền ở đây ngoài ngôi nhà ở Sài Gòn. Sau khi trở về, hai người thư từ qua lại với nhau và đi dần đến những tình cảm đậm đà.
Trần Trịnh sau đó đề nghị Mai Lệ Huyền về Sài Gòn sống để được gần gũi nhau hơn. Mai Lê Huyền nhận lời. Và chỉ một thời gian ngắn sau tình yêu giữa hai tâm hồn nghệ sĩ đã chuyển thành tình vợ chồng cũng trong năm 1964. Họ có với nhau một con gái tên Lê Trinh, sinh năm 1965, hiện là một ca sĩ ở Sài Gòn.
Sau khi thành vợ chồng, Trần Trịnh đã giới thiệu Mai Lệ Huyền đi hát ở tất cả những phòng trà và vũ trường ông cộng tác, cũng khởi đầu với phòng trà Lệ Liễu. Nhận thấy giọng hát của Mai Lệ Huyền thích hợp với thể loại nhạc tươi vui nên sau đó ông đã cùng với nhạc sĩ Nhật Ngân sáng tác một thể loại nhạc kích động để vợ mình trình bầy cùng với Hùng Cường như Gặp Nhau Trên Phố, Vòng Hoa Yêu Thương, Hai Trái Tim Vàng, vv…
Và chính nhờ ở những nhạc phẩm Trần Trịnh vừa kể được ký dưới tên Trịnh Lâm Ngân, cặp song ca kích động nhạc Hùng Cường-Mai Lệ Huyền đã gặt hái được những thành công đáng kể để được mệnh danh là “Cặp Sóng Thần”, một thời làm mưa làm gió trên các sân khấu đại nhạc hội ở Sài Gòn.
Sau hơn 10 năm sống bên nhau, Mai Lệ Huyền đã từ giã chồng con ra đi vào tháng 4 năm 75, trong khi ông không thể đi cùng để bỏ lại song thân đã cao tuổi, cũng là hai người đã nuôi đứa cháu nội từ khi mới lọt lòng. Hai người coi như xa nhau từ đấy.
Hai năm sau khi rời khỏi Việt Nam, Mai Lệ Huyền viết thư về cho con gái, đại ý khuyên Trần Trịnh bước thêm một bước nữa trong khi chị cũng đã đi đến quyết định như vậy.
Vào năm 1977, Trần Trịnh lập gia đình lần thứ hai. Người vợ sau của ông đã cho ông 3 người con trai. Nhưng chả may người con đầu bị thiệt mạng trong một lần đi tắm sông với bạn bè khi mới được 17 tuổi.
Người con thứ nhì của vợ chồng nhạc sĩ Trần Trịnh năm nay 24 tuổi hiên đang phục vụ trong binh chủng hải quân Hoa Kỳ, có khả năng sử dụng kèn trumpet. Trong khi người con út năm nay 22 tuổi cũng rất thích nhạc nhưng không có khuynh hướng đi theo con đường của bố.
Sau biến cố tháng 4 năm 75, Trần Trịnh không còn mấy quan tâm đến công việc sáng tác. Ông chỉ chú trọng đến việc cộng tác với hết đoàn hát này đến đoàn cải lương hay gánh xiệc khác để mưu sinh.
Khởi đầu, ông cộng tác với đoàn cải lương Cửu Long cùng với tay trống Phùng Trọng và vài nhạc sĩ khác. Liên tiếp nhiều năm sau, ông đã đàn piano cho rất nhiều đoàn khác trong những chuyến lưu diễn liên miên tại khắp các tỉnh ở Việt Nam.
Mãi đến năm 1982, khi các phòng trà được phép hoạt động trở lại, ông mới quay về Sài Gòn làm nhạc trưởng tại phòng trà Đệ Nhất Khách Sạn là nơi ông đã từng giữ vai trò then chốt về chương trình từ khi mới khai trương vào đầu thập niên 70. Đây có thể coi như một ban nhạc có một thành phần đông đảo nhất với 11 nhạc sĩ.
Liên tục đóng đô tại phòng trà (sau là vũ trường) Đệ Nhất Khách Sạn suốt gần 10 năm, Trần Trịnh sang cộng tác với vũ trường Maxim’s vào năm 1991.
Nhưng sau hơn 3 năm, ông đã xin nghỉ khi bị tai nạn khi ông đang chạy trên một chiếc xe gắn máy khiến ông bị thương nặng ở chân. Do tai nạn đó, đến nay Trần Trịnh vẫn cần phải dùng gậy trong việc đi đứng.
Sau khi tĩnh dưỡng 6 tháng, vợ chồng Trần Trịnh cùng 2 con lên đuờng sang Mỹ theo diện ODP vào tháng 10 năm 1995 bằng sự bảo lãnh của người chị ruột ông là vợ của cố giáo sư Nguyễn Đình Hòa, được biết đến như một phụ nữ Việt Nam đầu tiên sinh con trên đất Mỹ vào năm 1952, từng được báo chí Mỹ thời đó đề cập tới.
Nhưng chỉ sau 3 tháng ở với gia đình người chị ở San Francisco, gia đình Trần Trịnh quyết định dời xuống Orange County. Một mặt không muốn là một gánh nặng cho vợ chồng người chị, lúc đó đã lớn tuổi cùng với tình trạng sức khoẻ không được khả quan.
Mặt khác, môi trường hoạt động âm nhạc của Trần Trịnh sẽ có cơ hội phát triển hơn ở nơi được coi là thủ đô của ca nhạc Việt Nam hải ngoại.
Nhưng thật sự hoạt động của ông chỉ duy trì được một tầm mức trung bình trong thời gian đầu, khi mà ông còn kiếm được lợi nhuận nhờ làm hoà âm cho một số trung tâm nhạc ở nam California.
Nhưng chỉ một thời gian sau, khi tình trạng băng đĩa từ Việt Nam càng ngày càng đổ qua ào ạt khiến nhiều trung tâm nhạc cũng như nghệ sĩ độc lập phải chùn bước trước trước sự cạnh tranh đáng ngại này. Bởi vậy, khả năng âm nhạc của ông cũng đã không còn được sử dụng.
Tài năng ấy bây giờ chỉ nhắm vào việc hoạt động trong một ban nhạc có tên là The Stars Band gồm một số nhạc sĩ lớn tuổi, hợp nhau lại để trình diễn trong những sinh hoạt có tính cách cộng đồng.
Ngoài Trần Trịnh, The Stars Band còn có các ca nhạc sĩ Quang Anh, Thanh Hùng, Phạm Gia Cổn (cũng là một vị võ sư!), vv… Không kể trước đó còn có nhạc sĩ Ngọc Bích cùng sự tham gia đặc biệt của nhạc sĩ Nguyễn Hiền, mà nay cả hai đã vĩnh viễn ra đi. Hiện nay Trần Trịnh chỉ chú tâm vào việc nghiên cứu nhạc để viết cho ban Stars Band trình diễn. Kết quả là nhạc phẩm mang tên Stars Band của ông đã được một trung tâm nhạc của Mỹ thu thanh trên một CD và mới tung ra thị trường vào tháng 11 năm 2006…
Gần đây, một nhạc phẩm hoà tấu do ông là tác giả cũng đã được trung tâm nhạc HillTops của Hoa Kỳ ở Hollywood thu vào CD đã được phát hành rộng rãi khắp nơi. Đó là nhạc phẩm mang tựa đề Forget Me Not.
Cuộc sống hiện nay của Trần Trịnh tương đối vất vả, nhất là vợ ông lại mang một căn bệnh hiểm nghèo, tưởng đã không qua khỏi sau khi giải phẫu vào tháng 6 năm 2006 vừa qua. Tuy vậy Trần Trịnh không tỏ ra bi quan, ngoài việc lo âu những điều không may xẩy ra với ông và gia đình…
Tuy không còn nhiều hứng thú trong việc sáng tác, nhưng gần đây Trần Trịnh đã bất chợt tìm lại được nguồn rung cảm khi được thưởng thức lại bài thơ ông từng học thời trung học là La Dernière Feuille của thi sĩ Théophile Gauthier do người con nuôi ông tình cờ tìm thấy. Liền sau đó, ông đã phổ thành ca khúc bài thơ bất hủ này…
Đối với Trần Trịnh, La Dernière Feuille tức Chiếc Lá Cuối Cùng cũng chính là nhạc phẩm cuối cùng trong cuộc đời sáng tác của ông. Nhưng dòng nhạc của riêng ông cũng như của Trịnh Lâm Ngân vẫn sẽ mãi được coi là một dòng nhạc đã có những đóng góp đáng kể cho nền tân nhạc Việt Nam.
Đó là chưa kể ngón đàn dương cầm của ông khó có thể phai mờ trong tâm hồn những khách quen thuộc trong thời kỳ vàng son của vũ truờng Sài Gòn ngày nào…
Như vậy là một trong những nhạc sỹ gạo cội của làng tân nhạc Việt Nam đã ra đi: nhạc sỹ Lữ Liên, linh hồn của tam ca trào phúng AVT, người đã có công rất lớn trong việc đưa hình ảnh chiếc đàn cò của Việt Nam giới thiệu với công chúng năm châu, người đặt lời cho nhiều ca khúc nước ngoài nổi tiếng đã trút hơi thở cuối cùng vào ngày 8/7 tại California, hưởng thọ 92 tuổi. DòngNhạcXưa xin chúc linh hồn ông mau về chốn vĩnh hằng.
Nhạc sỹ Lữ Liên cũng là thân phụ của các nghệ sỹ Tuấn Ngọc, Khánh Hà, Lưu Bích, Bích Chiêu, Lan Anh, Thúy Anh và cố ca sỹ Anh Tú. Mong các ca sỹ sớm vượt qua nỗi đau này!
Nhân đây mời các bạn xem lại lần xuất hiện trước công chúng sau cùng của nhạc sỹ Lữ Liên cùng với bạn diễn là nhạc sỹ Hoàng Thi Thao, cháu của cố nhạc sỹ Hoàng Thi Thơ trong chương trình Paris By Night 81 ‘Âm nhạc không biên giới’ tổ chức vào tháng 04/2006
Sáng nay, 09/04/2012, trong giai điệu quen thuộc của những ‘Nỗi buồn hoa phượng’ hay ‘Nhật ký đời tôi’, cùng với gia quyến, người thân, người yêu nhạc, DongNhacXua.comđã kính cẩn nghiêng mình tiễn đưa nhạc sỹ Thanh Sơn về nơi an nghỉ cuối cùng ở nghĩa ở trang Bình Dương.
Vẫn biết đời người không ai thoát ra khỏi quy luật “sinh, lão, bệnh, tử” – “đời ai không một lần” như chính lời của bản “Nhật ký đời tôi” bất hủ. Thế nhưng sự ra đi của nhạc sỹ Thanh Sơn đã để lại nhiều luyến tiếc cho công chúng yêu dòng nhạc trữ tình mà ông là một đại diện xuất sắc. Chúng tôi mong linh hồn ông mau về chốn vĩnh hằng!
Hôm nay, cùng với gia quyến, bạn bè và người yêu nhạc, DongNhacXua.com đã đưa linh cửu của nhạc sỹ Hoài An về nơi an nghỉ cuối cùng ở nghĩa trang Đa Phước, thành phố Sài Gòn. Nhạc sỹ Hoài An tên thật là Nguyễn Đắc Tịnh. Ông sinh năm 1929 ở miền bắc nhưng thành danh ở Sài Gòn trong giai đoạn nở rộ của nền tân nhạc Việt Nam. Trước khi được giới yêu nhạc biết đến qua nhạc phẩm xuân bất hủ “Câu chuyện đầu năm”, nhạc sỹ Hoài An đã có nhiều sáng tác mang đầy tình tự dân tộc như “Trăng về thôn dã”, “Tình lúa duyên trăng”, v.v.
Trong giai điệu của nhạc phẩm bất hủ “Câu chuyện đầu năm”, chúng tôi cầu chúc linh hồn ông mau về chốn vĩnh hằng!
Có thể nói không ngoa rằng vào cuối thập niên 1960, sau bản “Ly rượu mừng” của Phạm Đình Chương và trước khi có “Xuân này con không về” của nhóm Trịnh Lâm Ngân thì bản “Câu chuyện đầu năm” là nhạc phẩm về xuân được yêu chuộng nhất. Chính nhạc phẩm này đã đưa tên tuổi của nhà nhạc sỹ chúng ta trở thành một trong những nhạc sỹ thuộc dòng nhạc thời trang đại chúng được yêu thích nhất ở miền Nam thời đó.