Đà Lạt một thời hương xa (1): Người thổi hắc tiêu cho hoa lan

Đà Lạt luôn được các văn nghệ sỹ ưu ái nhờ vào khí hậu mát mẻ, dễ chịu và khung cảnh thiên nhiên quá thơ mộng. Dòng Nhạc Xưa xin trân trọng giới thiệu loạt bài của tác giả Nguyễn Vĩnh Nguyên viết về Đà Lạt xưa.

 

Đà Lạt một thời hương xa: Người thổi hắc tiêu cho hoa lan

(Nguồn: bài viết của tác giả Nguyễn Vĩnh Nguyên đăng trên Nguồn Nào Đó ngày 2016-10-17)

Nhất Linh những ngày ở suối Đa Mê
ẢNH: VŨ HÀ TUỆ SƯU TẦM

Đà Lạt, một thời hương xa là tựa đề cuốn sách du khảo văn hóa Đà Lạt của nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên, do NXB Trẻ ấn hành. Cuốn sách đưa người đọc trở về Đà Lạt giai đoạn 1954 – 1975 với những câu chuyện thú vị của một đô thị kiểu Pháp, gắn với tên tuổi các nghệ sĩ vang bóng một thời.

Năm 1955, sau những thất bại trên chính trường, nhà văn Nhất Linh (Nguyễn Tường Tam) suy sụp tinh thần. Ông nghiện rượu, mắc chứng đau bao tử và trầm cảm nặng. Đà Lạt được ông chọn làm chốn nương náu vì khí hậu tự nhiên hứa hẹn tốt cho sức khỏe, phần nào xa lánh thời cuộc đảo điên gây khổ não. Lúc mới đến Đà Lạt (1955), Nhất Linh cùng cậu con trai út – Nguyễn Tường Thiết – và con gái Nguyễn Kim Thoa thuê phòng ở tại số 12 đường Yersin (gần Hotel Du Parc)

Nhà văn Nguyễn Tường Thiết viết trong cuốn hồi ký Nhất Linh cha tôi: “Nhất Linh chơi lan công phu hơn những người khác vì ngoài việc tầm lan ông còn ra thư viện tra cứu hoặc đặt mua từ bên Pháp các sách ngoại quốc viết về hoa phong lan, rồi tỉ mỉ phân loại, so sánh với hoa ở địa phương. Ông lại vẽ từng đóa hoa một, đặt tên và ghi chú từng đặc tính, với dụng ý sau này làm tài liệu viết một cuốn sách. Chiều nào ông cũng thổi hắc tiêu, nói là thổi cho lan nghe. Ông thổi bản J’ai rêvé de vous. Vous đây chính là đám hoa quấn quýt xúm lấy ông, nào là Nhất điểm hồng, Huyết nhung lan, Bạch hạc, Tím đồi mồi, Hoa cô dâu, Bạch ngọc, Thanh ngọc, Văn bao… thứ treo trên vách, thứ cắm trong chậu, thứ bày trên bàn. 

Mỗi chiều thứ bảy, ông lại tổ chức hòa nhạc tại gia, ngoài tiếng hắc tiêu của ông, lại có sự phụ họa lục huyền cầm của Giáo sư Vĩnh Tường, khiến khách đi đường phải dừng chân trước khách sạn Du Parc, kẻ ngừng xe hơi, người ghếch xe đạp, để lắng nghe tiếng nhạc hòa tấu vẳng ra từ căn lầu nơi góc đường Yersin trong bầu không khí êm ả yên tĩnh của buổi chiều Đà Lạt”.

Nhất Linh bên hoa lan và cây hắc tiêu (Đà Lạt)
ẢNH: TƯ LIỆU TÁC GIẢ

Chỉ sau một thời gian ngắn, chỗ ở trên đường Yersin đã trở nên quá chật hẹp, không đủ thỏa mãn để mở rộng chỗ trồng lan, nơi phố xá cũng không tiện cho sự phát triển của loài địa lan (còn gọi thổ lan) cần lối chăm chút cầu kỳ, cha con Nhất Linh chuyển sang sống trong căn biệt thự số 19 đường Đặng Thái Thân – căn biệt thự của ông Lê Đình Gioãn – một chủ gara xe ở Sài Gòn và là bạn chơi lan rất thân của Nhất Linh để lại.

Những người bạn tìm thấy sự giao cảm với Nhất Linh qua thú chơi lan hoặc đến giao du chuyện trò với ông thời kỳ này có thể kể: ông Lê Đình Gioãn, bác sĩ Nguyễn Hữu Phiếm từ Sài Gòn lên, bác sĩ Nguyễn Sỹ Dinh và ông Lê Văn Kiểm – người rất mê chụp ảnh (hầu hết những hình ảnh về Nhất Linh trong giai đoạn này đều do ông Kiểm chụp và lưu giữ).

Thanh ngọc đình sụp đổ

Rất nhiều người trong giới văn bút, trí thức từ Sài Gòn cuối tuần lên Đà Lạt du hí tìm cách lai vãng đến căn biệt thự của Nhất Linh. Có cả những người tìm đến với biệt thự không chỉ vì lan. Nguyễn Tường Thiết kể trong hồi ký rằng, có hôm, tướng Dương Văn Minh đã đến gặp Nguyễn Tường Tam đàm đạo về lan, thực chất là thăm dò ý định chính trị. Bản thân Nguyễn Tường Tam thời kỳ này cũng không phải đã dứt hẳn những khắc khoải của một trí thức từng là chính khách.

Năm 1957 có thể nói là thời điểm Nhất Linh dấn xa nhất vào cuộc sống của một ẩn sĩ. Ông mua một lô đất nằm ở vùng suối Đa Mê (Phi Nôm, nay thuộc H.Đức Trọng), dựng căn nhà gỗ có tên Thanh ngọc đình – tên loài hoa lan mà ông yêu thích, và làm nông, viết trường thiên tiểu thuyết Xóm cầu mới. Hằng tuần, các con Nhất Linh từ Đà Lạt về đây mang theo những tập giấy trắng không kẻ hàng và mỗi lần trở lại, thấy đã phủ kín những dòng chữ nhỏ li ti. Nguyễn Tường Thiết gọi đây là thời kỳ hạnh phúc nhất trong cuộc đời đầy sóng gió của cha mình.

Một cơn bão lớn vào cuối 1958 thổi qua những cánh rừng Đa Mê, biến Thanh ngọc đình của tác giả Đoạn tuyệt sụp đổ hoàn toàn. “Một điềm xấu” – nhà văn đã nghĩ như vậy (hay sự chộn rộn với cuộc thế lúc bấy giờ đã khiến ông tìm cách kiến giải về cơn bão cuộc đời mình theo chiều hướng đó). Ông thẫn thờ nuối tiếc nhìn ngôi nhà chỉ còn trơ nền móng, gỗ đá ngổn ngang.

Nhất Linh đã không còn được tĩnh tại ngồi lại với văn chương lâu hơn. Ông rời Đà Lạt về Sài Gòn và ném mình vào thế cuộc chính trị, trở lại tư cách một trí thức dấn thân để rồi cuối cùng chủ động chọn một kết cục đầy bi thảm.

Nguyễn Vĩnh Nguyên
(Trích từ Đà Lạt, một thời hương xa – Du khảo văn hóa Đà Lạt 1954 – 1975, NXB Trẻ 2016)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *