Dòng Nhạc Xưa đã giới thiệu nhiều ca khúc về Đà Lạt cùng các giai thoại bên lề. Hôm nay xin mời quý vị yêu nhạc xưa lại lắng đọng lòng mình cùng những nhạc phẩm bất hủ về thành phố mộng mơ.
‘Cơn mưa phùn’ của ‘Thành phố buồn’
(Nguồn: bài viết của tác giả Nguyễn Vĩnh Nguyên đăng trên Thanh Niên ngày 2016-10-21)
Trước 1975 có đến hàng chục ca khúc nổi tiếng của các nhạc sĩ miền Nam viết về thành phố cao nguyên, kết quả của những cuộc dừng chân phiêu lãng ngắn ngủi của họ.
Từ đồi thông tình sử
Hồng Vân nổi tiếng trong giới nghe nhạc bình dân miền Nam với hàng trăm bản bolero. Ông tên thật là Trần Công Quý, quê nhà bên kia vĩ tuyến 17, chuyển vào nam định cư tại Đà Lạt từ năm 1954, sống bằng nghề dạy nhạc và sáng tác ca khúc.
Năm 1960, ông cùng gia đình chuyển về Sài Gòn. Hồng Vân tiếp tục viết nhạc, dạy nhạc kiếm sống. Trên một tờ nhạc Hồng Vân in năm 1958 có đề mẩu quảng cáo giới thiệu “lò luyện”: “Các bạn yêu ca nhạc muốn trở thành danh ca từ sân khấu, đại nhạc hội, phòng trà đến các đài phát thanh, vô tuyến truyền hình và trên mặt đĩa nhựa VN, mời các bạn ghi tên theo lớp ca nhạc Hồng Vân do chính nhạc sĩ Hồng Vân hướng dẫn với sự cộng tác của nhóm ca nhạc sĩ danh tiếng nhứt Thủ Đô – Sài Gòn (nhóm Nguyễn Văn Đông) phụ trách tập luyện. Kết quả bảo đảm sử dụng tài nghệ ngay”.
Hai lớp nhạc của Hồng Vân nằm ở địa chỉ 274 Đề Thám, Sài Gòn và 16/47 Trần Bình Trọng, Đồng Nai. Đây chính là hai trong số những “lò luyện” uy tín, nơi vào nghề của nhiều giọng ca thời bấy giờ. Hồng Vân có nhiều ca khúc nổi tiếng: Gió lạnh đêm hè, Như tượng đá, Chuyện người con gái hái sim… và cũng trả nghĩa cho Đà Lạt với chùm ca khúc về tình sử Đồi thông hai mộ (gồm: Đồi thông hai mộ phần 1 và Tiếng vọng đồi thông, tức Đồi thông hai mộ phần 2) hay Trăng sáng đồi thông, Vĩnh biệt đồi thông và Chuyện hồ Than Thở.
Nhưng nói tới những ca khúc Đà Lạt, không thể quên được Lam Phương với Thành phố buồn. Lam Phương tên thật là Lâm Đình Phùng, gốc Hoa, sinh năm 1937, quê Kiên Giang, xuất thân từ một gia đình nghèo, tuổi thơ bất hạnh. Vốn liếng âm nhạc có được là tự học. Bước qua tuổi 15, Lam Phương đã nổi tiếng như một hiện tượng trong làng nhạc vàng đô thị miền Nam, với một loạt ca khúc rất phổ biến từ sân khấu đến phòng trà: Khúc ca ngày mùa, Nắng đẹp miền Nam, Duyên kiếp, Kiếp nghèo, Chiều thu ấy, Trăng thanh bình…
“Năm 1970, tôi theo Ban văn nghệ Hoa Tình Thương lên Đà Lạt trình diễn. Trước vẻ trầm lặng của một thành phố trập trùng đồi núi, sương mù bao quanh những con đường dốc quanh co, cùng nỗi cô đơn tràn ngập tâm hồn, tôi đã viết nên Thành phố buồn. Đây là một trong những ca khúc có số lượng xuất bản rất cao” – Lam Phương kể về hoàn cảnh ra đời bài hát trong bài phỏng vấn của nhà báo Dạ Ly (Thanh Niên Chủ nhật, ngày 18.8.2013). Bản nhạc viết trên giọng thứ (minor), nhịp 4/4 ca từ đẹp như ôm hết cả khí trời, khói sương nơi xứ sở núi đồi vào trong tình cảnh của một cuộc chia ly. Có lẽ vì thế mà nhanh chóng đi vào lòng người.
Cũng như Hoàng Nguyên (tác giả Ai lên xứ hoa đào, Đà Lạt mưa bay, Hoa đào ngày xưa), cuộc đời Lam Phương trải qua nhiều trắc trở trong tình yêu khiến ông có những ca khúc với vốn từ đẹp, trau chuốt hiếm thấy.
Ngoài ra, thập niên 1960 tại Sài Gòn cũng xuất hiện nhiều sáng tác về Đà Lạt, những tác phẩm kiểu hương xa như: Đà Lạt xa nhau (Anh Bằng), Về thăm xứ lạnh (Hùng Cường), Trên đồi thông lạnh, Mimosa (Trường Hải), hay Hồ Than thở (Nguyễn Hiền, lời Hà Dzũng)…
Đến cõi thế nhân sầu
Đầu thập niên 1970, nhiều người còn yêu Đà Lạt qua hai ca khúc Đà Lạt hoàng hôn và Thương về miền đất lạnh, ký tên Minh Kỳ – Dạ Cầm (bút danh khác của nhóm Lê Minh Bằng gồi Lê Dinh, Minh Kỳ và Anh Bằng). Nhạc Minh Kỳ – Dạ Cầm thoáng chút u hoài, da diết. Không gắn bó lâu với Đà Lạt, nhưng nỗi u hoài của Đà Lạt đi vào nhạc của họ gợi nên nét sầu muộn của cõi nhân thế chìm trong sa mù.
Đặc biệt hơn, có lẽ là trường hợp Từ Công Phụng. Khoảng 1960, có cậu học trò 18 tuổi ở ngôi làng Chăm, Văn Lâm (Ninh Thuận ngày nay) đi ngược đèo Ngoạn Mục lên thành phố sương mù trọ học. Những ngày ở trọ, cậu học trò xứ nắng kết nối với nhiều bạn bè đồng trang lứa để thành lập một ban nhạc có tên Ngàn thông, hằng tuần hát trên Đài phát thanh TP.Đà Lạt.
Bây giờ tháng mấy – tình khúc đầu tay được Từ Công Phụng viết ra trong khoảng thời gian này, lập tức gây chú ý. Ca từ bềnh bồng như sương khói trên giọng trưởng (major), nhịp 3/4, thể hiện nỗi phập phồng bâng khuâng của tâm hồn kẻ khát yêu giữa chốn núi đồi mây phủ quanh năm.
Một bản tình ca khác có màu sắc Đà Lạt khá đặc biệt, cũng là ca khúc khởi đầu cho cuộc đời âm nhạc của một nhạc sĩ, đó chính là Cơn mưa phùn của Đức Huy. Trong một bài phỏng vấn, Đức Huy cho biết, ca khúc lấy hứng từ một cuộc đi chơi: “Giữa năm 1969 là thời gian tôi mới lên đại học và Đà Lạt thường mưa nhiều, trời u ám, lúc đó tôi lại tuổi mới lớn, thành ra rất nhiều mơ mộng”.
Bài hát đưa người nghe vào không gian những ngày mưa bay, rét mướt nơi thành phố núi đồi với giai điệu đầy chất dân ca, thi vị. Những lời ca buồn, sử dụng phép lặp (repetition) để ngân dài một âm hưởng sầu muộn ngọt ngào, khiến tâm hồn người nghe như được nâng vút lên cao cùng một cánh chim lẻ loi giữa vùng trời mây sương mù mịt.
Nguyễn Vĩnh Nguyên
(Trích từ Đà Lạt, một thời hương xa – Du khảo văn hóa Đà Lạt 1954 – 1975, NXB Trẻ, 2016)