Hoa trắng thôi cài trên áo tím (Kiên Giang – Huỳnh Anh)

Tiếp nối dòng nhạc Huỳnh Anh, [dongnhacxua.com] xin trân trọng gởi đến quý vị nhạc phẩm ‘Hoa trắng thôi cài trên áo tím’, phổ từ bài thơ cùng tên của thi sỹ Kiên Giang.

hoa-trang-thoi-cai-tren-ao-tim--0--kien-giang--huynh-anh
Hoa trắng thôi cài trên áo tím (Huỳnh Anh – Kiên Giang). Ảnh: AmNhacMienNam.blogspot.com

hoa-trang-thoi-cai-tren-ao-tim--1--kien-giang--huynh-anh hoa-trang-thoi-cai-tren-ao-tim--2--kien-giang--huynh-anh hoa-trang-thoi-cai-tren-ao-tim--3--kien-giang--huynh-anh

NHỮNG BÓNG HỒNG TRONG THƠ VÀ NHẠC: HOA TRẮNG THÔI CÀI TRÊN ÁO TÍM
(Nguồn: nhà báo Hà Đình Nguyên đăng trên Thanh Niên 14/11/2011)

Nhà thơ Kiên Giang - Ảnh: Đào Trung Phụng
Nhà thơ Kiên Giang – Ảnh: Đào Trung Phụng

Hơn nửa thế kỷ trước, bài thơ Hoa trắng thôi cài trên áo tím của nhà thơ Kiên Giang ra đời (1958) đã làm xôn xao dư luận một thời. Bài thơ còn được biết đến nhiều hơn khi được nhạc sĩ Huỳnh Anh phổ thành ca khúc. 

Kiên Giang là nhà thơ, soạn giả cải lương (tác giả các vở tuồng Áo cưới trước cổng chùa, Sơn nữ Phà Ca…), nhà báo – chứng nhân còn sót lại của sự kiện “Ngày ký giả đi ăn mày” (xảy ra vào năm 1974, báo giới miền Nam xuống đường với nón lá, bị, gậy của dân “cái bang” để chống đối chính quyền Thiệu ra sắc luật đàn áp báo chí)… Người viết chơi thân với ông đã gần hai mươi năm nhưng muốn gặp ông thật khó bởi ông luôn dịch chuyển (rất giống với ông bạn thân cùng lứa, cùng làng là nhà văn Sơn Nam).

Năm nay 84 tuổi, mái tóc đã gội tuyết sương đến bạc trắng nhưng nếu có ai hỏi về thời niên thiếu, về Sơn Nam, về Nguyễn Bính (người thầy dạy Kiên Giang làm thơ khi ông mới 17 tuổi) và nhất là về người con gái trong bài thơ Hoa trắng thôi cài trên áo tím là ông kể một mạch bằng một giọng bùi ngùi, không hề đứt đoạn, làm như những chuyện đó đã thấm vào máu thịt của ông…

“Thuở ấy anh hiền và nhát quá …”

17 tuổi, anh học trò Trương Khương Trinh (tên thật của Kiên Giang) rời vùng quê Rạch Giá lên Cần Thơ học lớp đệ nhị (lớp 11 bây giờ) ở Trường trung học tư thục Nam Hưng. Vốn là người có hoa tay: vẽ vời và viết chữ rất đẹp (đến bây giờ chữ của ông vẫn rất lả lướt) nên ông được các thầy cô giáo cho thực hiện một tờ báo (chép tay vào cuốn vở học trò) lấy tên là Ngày xanh. Tờ báo này là đối trọng, giao lưu với tờ Thắm của Trường trung học Ba Sắc, cũng nằm trên địa bàn. Cứ vào chủ nhật mỗi tuần, các cô cậu “nhà báo – học trò” lại quây quần trong một vườn xoài xanh um bóng mát để thực hiện tờ báo. Kiên Giang biên tập bài vở và trình bày (vẽ, trang trí…), còn cô bạn Nguyễn Thị Nhiều thì chép bài vở (có lẽ chữ cô này đẹp hơn chữ của Kiên Giang!).

Tuy mang cái tên rất dân dã nhưng Nhiều rất đẹp với mái tóc dài ôm xõa bờ vai, thỉnh thoảng vờn bay trong gió. Mái tóc ấy, khuôn mặt ấy đã khiến tâm hồn non trẻ nhưng rất lãng mạn của chàng trai sau này trở thành nhà thơ… tơ vương. Gia đình nàng theo đạo Thiên Chúa nên mỗi sáng chủ nhật nàng thường đi lễ nhà thờ Cần Thơ. Kiên Giang không theo đạo nhưng sáng chủ nhật nào cũng “rình” trước cổng nhà thờ để được “tháp tùng” nàng trên đường đi lễ về. “Yêu nhau” chỉ có vậy: ngoài những cái liếc mắt và những nụ cười thẹn thùng, e ấp thì hai người chẳng còn thứ gì để “trao đổi” nữa cả. Tuy thế, cả hai đều cảm nhận được những tình cảm sâu kín mà họ dành cho nhau. Rồi cuộc kháng chiến chống Pháp nổ ra, kéo dài suốt 9 năm (1945-1954), việc học hành bị gián đoạn, trường lớp tan tác… Kiên Giang và bạn bè thân thiết (Nguyễn Bính, Sơn Nam…) vào Khu 8 tham gia kháng chiến, và rồi ông lập gia đình trong thời gian này.

Bài thơ và thủ bút của nhà thơ Kiên Giang tặng người viết
Bài thơ và thủ bút của nhà thơ Kiên Giang tặng người viết

“Để nghe khe khẽ lời em nguyện”

Sau này, nhiều lần Kiên Giang tâm sự với người viết: “Điều xót xa (sau này mới biết) là trong những tháng ngày loạn lạc đó, Nhiều vẫn âm thầm chờ đợi tôi. Năm 1955, nàng quyết gặp mặt tôi một lần rồi mới lấy chồng. Tình cảm cứ ám ảnh tôi khôn nguôi. Tôi đưa hình ảnh và tâm sự của hai đứa vào bài thơ Hoa trắng thôi cài trên áo tím, làm tại Bến Tre năm 1958. Ở đoạn kết có những câu: “Ba năm sau, chiếc xe hoa cũ/Chở áo tím về giữa áo quan/Chuông đạo ngân vang hồi tiễn biệt/Khi anh ngồi kết vòng hoa tang…”, tôi đã “cho” người mình thầm yêu phải chết đi, để mối tình kia còn nguyên vẹn là của riêng mình. Tuy nhiên, một thời gian sau tôi có dịp gặp lại cố nhân ở Sóc Trăng (lúc này nàng đã có chồng). Sau cuộc gặp gỡ đó, không hiểu sao tôi lại muốn mình (người bạn trai trong bài thơ) chết để bảo vệ quê hương, để không còn vương vấn mối tình thuở học trò. Tôi đã sửa lại đoạn kết như thế ở Hàng Xanh (Gia Định), nhưng hầu như bạn đọc chỉ thích giữ nguyên tác, nhất là khi nó được nhạc sĩ Huỳnh Anh phổ thành ca khúc thì bài thơ lại càng nổi tiếng, lan tỏa. Có lần tôi thú thực với bà xã về cái ấn tượng “sắc hoa trắng – màu áo tím”. Từ đó không có màu tím trong tủ áo nhà tôi nữa…”.

Trong thơ là thế nhưng sự thật ngoài đời chẳng có ai chết cả. Năm 1977 họ lại có dịp gặp nhau. 33 năm đã trôi qua kể từ “Thuở ấy anh hiền và nhát quá/Nép mình bên gác thánh lầu chuông/Để nghe khe khẽ lời em nguyện/Thơ thẩn chờ em trước thánh đường…”, bây giờ gặp lại, hai mái đầu đã bạc. Cả hai cố tránh không nhắc nhớ về cái thời cùng học dưới mái trường Nam Hưng, nhưng tự trong sâu thẳm tâm hồn họ vẫn trân trọng “cái thuở ban đầu lưu luyến ấy”.

Kiên Giang kể lại, đầu năm 1999 Hãng phim truyền hình TP.HCM (TFS) thực hiện một bộ phim tài liệu về ông mang tên Chiếc giỏ đời người (Kiên Giang đi đâu cũng kè kè một chiếc giỏ, mặt ngoài vẽ chi chít chữ – NV), trong kịch bản có một cảnh quay tại Cần Thơ. Khi ông và ê kíp làm phim đến nhà “người xưa” mời bà Nhiều ra quay cảnh ở nhà thờ chính tòa thì thấy ngôi nhà đóng cửa, lạnh ngắt. Người hàng xóm cho biết bà Nhiều đã qua đời năm 1998. Ông thật xót xa… Hôm sau ông trở lại, cô con gái của bà Nhiều kể rằng lúc bà mất, tang gia có gửi thiệp báo tin cho ông nhưng tiếc là ông đã không nhận được để tiễn biệt người xưa lần cuối thực sự chứ không phải tiễn biệt như trong thơ. Rồi ông cùng người con gái của bà ra nghĩa trang viếng mộ. “Người xưa” bây giờ chỉ còn là di ảnh trên bia mộ, nhưng người con gái đứng bên ông thì lại giống cô Nhiều ngày trước lạ lùng…

Cũng cần nói thêm, năm 2002 người viết đã có giới thiệu (và đăng) bài thơ Hoa trắng thôi cài trên áo tím trên Báo Thanh Niên. Hôm đó, các sạp báo ở Sài Gòn không còn tờ Thanh Niên nào sót lại, rất nhiều người (có cả những anh chạy xe ôm, xích lô…) đã đến tận tòa soạn để hỏi mua. Ở Cần Thơ cũng “cháy báo”, không còn đủ số lượng cung cấp cho bạn đọc (hồi đó ở Cần Thơ Báo Thanh Niên chưa được in cùng lúc với nhiều chỗ như bây giờ), tòa soạn ở TP.HCM phải in thêm, đưa xuống tặng bạn đọc. Kể như thế để thấy rằng bài thơ Hoa trắng thôi cài trên áo tím được công chúng miền Nam yêu thích như thế nào.

Hà Đình Nguyên

HOA TRẮNG THÔI CÀI TRÊN ÁO TÍM: MỘT BÀI THƠ, HAI ĐOẠN KẾT
(Nguồn: CauLacBoTinhNgheSi.net)

HOA TRẮNG THÔI CÀI TRÊN ÁO TÍM của thi sĩ Kiên Giang là một bài thơ rất quen thuộc với người Việt Nam và đã được phổ nhạc; gần đây nhất là bài Chuyện Tình Hoa Trắng do ca sĩ Như Quỳnh trình bày. Gọi là một bài thơ nhưng thật sự có đến hai bài Hoa Trắng Thôi Cài Trên Áo Tím hay đúng hơn, một bài thơ với hai đoạn kết hoàn toàn trái ngược nhau. Cả hai bài đều hiện hữu song song và cùng nổi tiếng, tuy ít có người để ý đến sự việc bất ngờ này. Ngày nay, xem phim trong các dĩa DVD ta thường thấy có thêm phần “Alternate Ending”, một kết cục khác của phim mà vì lý do nào đó nhà đạo diễn đã phải bỏ đi, không sử dụng khi đưa cuốn phim ra phát hành chính thức.

 Nghi vấn chính của bài viết là tại sao ông Kiên Giang đã làm như vậy và trên một khía cạnh, đã đi trước các đạo diễn Hollywood bao nhiêu năm trời. Nhiều người vẫn thắc mắc và gần đây, một nhóm bạn trong chương trình Cây Mùa Xuân đã gặp gỡ và ủy lạo các nghệ sĩ cổ nhạc nghèo khó… Trong chương trình đó, một người trong nhóm ở Việt Nam đã gặp ông Kiên Giang hỏi về nghi vấn này và được bác cho biết như sau:

… Hồi đó, có một anh chàng học sinh nọ, tên Trinh, quê ở tận miền Rạch Giá lên trọ học tại Sài Gòn, học cùng lớp với cô nữ sinh tên là Nguyễn Thị Thúy Nhiều, người ở Sóc Trăng. Thuở đó, chàng là học sinh khá giỏi về Văn nhưng lại yếu về môn Toán, tình bạn của họ rất trong sáng, có xen lẫn tình yêu thơ mộng, những khi chàng bí Toán thì hay nhìn sang để “copier” nàng. Lúc là sinh viên, chàng là cây bút của một tờ báo, còn nàng, tuy gia đình có hoàn cảnh khó khăn nhưng không thể làm gì thêm. Thế là chàng dùng tiền nhuận bút chia sẻ cho nàng. Tình yêu, tình bạn thơ mộng đó kéo dài suốt quãng đời sinh viên của hai người tại đất Sài Gòn. Hai người còn có lời hứa sống chết có nhau.

Sau khi chia tay tại Sài Gòn, chàng ở lại làm nhà văn, nhà báo, soạn giả… Nàng về quê đi dạy học và đợi chờ ngày sum họp. Thời gian thấm thoát trôi qua, hoàn cảnh đổi thay nên chàng đã thất hứa, đi lấy vợ… Được tin, nàng buồn khổ vô cùng và sau đó rất lâu nàng mới chịu lấy chồng. Nghịch cảnh chăng (?) hay vì nàng quyết định chọn mà chồng của nàng cũng tên Trinh.

Một thời gian sau, anh chàng Trinh thất hứa, nay là trưởng toán của một đoàn nghệ thuật lớn, lưu diễn và gặp lại nàng. Chàng có đến thăm cô Thúy Nhiều và đã viết bài thơ Hoa Trắng Thôi Cài Trên Áo Tím thứ nhất để gọi là “tạ lỗi” vì đã thất hứa trong tình yêu. Trong bài này, người con gái mất đi để lại trong lòng người trai một nỗi buồn khôn nguôi như lòng của anh Trinh sinh viên với mối tình cũ. Ngoài ra chàng còn gởi hai vé hát mời vợ chồng cô Thúy Nhiều đi xem. Tuy nhiên, người chồng của cô rất ghen nên hai người đã không đến xem buổi trình diễn của đoàn hát của chàng sinh viên xưa.

Vì hận lòng hay hận đời, Trinh đã sửa lại đoạn kết bài thơ Hoa Trắng Thôi Cài Trên Áo Tím. Lần này Trinh cho chàng trai trong bài thơ bị chết và người con gái suốt đời ôm mối hận tình, khóc người yêu cũ… để trả thù việc vợ chồng cô đã từ chối lời mời xem hát của anh. Đến đây chắc các bạn cũng đã biết anh chàng Trinh sinh viên kia chính là ông Kiên Giang (tên thật là Trương Khương Trinh, bút hiệu khác Hà Huy Hà, sinh ngày 17-2-1929 tại Rạch Giá).

Nhà thơ Kiên Giang công bố ảnh người yêu xóm đạo. Ảnh: cand.com.vn
Nhà thơ Kiên Giang công bố ảnh người yêu xóm đạo. Ảnh: cand.com.vn

Còn cô Nguyễn Thị Thúy Nhiều đã mất. Những người con của cô đều rất thành danh trong nghề nghiệp và cuộc sống, có người là giáo sư. Riêng về người chồng của cô Thúy Nhiều, ông này là người rất ghen nhưng lại có vợ lẽ. Ông vẫn còn sống với người vợ sau. Thời gian sau này, lúc cô Thúy Nhiều còn sống, ông chồng vì ân hận mình phụ bạc vợ, đã có đến nhà thờ đi bằng đầu gối để xin lỗi vợ mình.

Hoa trắng thôi cài trên áo tím
(Tâm tình của người trai ngoại đạo đối với cô gái có đạo – Bến Tre, 14-11-1957)

Lâu quá không về thăm xóm đạo
Từ ngày binh lửa cháy không gian
Khói bom che lấp chân trời cũ
Che cả người thương, nóc giáo đường

Mười năm trước, em còn đi học
Áo tím điểm tô đời nữ sinh
Hoa trắng cài duyên trên áo tím
Em là cô gái tuổi băng trinh

Trường anh ngó mặt giáo đường
Gác chuông thương nhớ lầu chuông
U buồn thay! Chuông nhạc đạo
Rộn rã thay! Chuông nhà trường

Lần lữa anh ghiền nghe tiếng chuông
Làm thơ sầu mộng dệt tình thương
Để nghe khe khẻ lời em nguyện
Thơ thẩn chờ em trước thánh đường

Mỗi lần tan lễ, chuông ngừng đổ
Hai bóng cùng đi một lối về
E lệ, em cầu kinh nho nhnhỏ
Thẹn thuồng, anh đứng lại không đi

***

Sau mười năm lẻ, anh thôi học
Nức nở chuông trường buổi biệt ly
Rộn rã từng hồi chuông xóm đạo
Tiễn nàng áo tím bước vu quy

Anh nhìn áo cưới mà anh ngỡ
Chiếc áo tang liệm một khối sầu
Hoa trắng thôi cài trên áo tím
Thôi còn đâu nữa tuổi băng trinh

Em lên xe cưới về quê chồng
Dù cách đò ngang cách mấy sông
Anh vẫn yêu người em áo tím
Nên tình thơ ủ kín trong lòng

***

Từ lúc giặc ruồng vô xóm đạo
Anh làm chiến sĩ giữ quê hương
Giữ màu áo tím, người yêu cũ
Giữ cả lầu chuông, nóc giáo đường

Mặc dù em chẳng còn xem lễ
Ở giáo đường u tịch chốn xưa
Anh vẫn giữ lầu chuông gác thánh
Nghe chuông truy niệm mối tình thơ

Màu gạch nhà thờ còn đỏ thắm
Như tình nồng thắm thuở ban đầu
Nhưng rồi sau chuyến vu quy ấy
Áo tím nàng thơ đã nhạt màu

***

Ba năm sau chiếc xe hoa cũ
Chở áo tím về trong áo quan
Chuông đạo ngân vang hồi vĩnh biệt
Khi anh ngồi kết vòng hoa tang

Anh kết vòng hoa màu trắng lạnh
Từng cài trên áo tím ngây thơ
Hôm nay vẫn đóa hoa màu trắng
Anh kết tình tang gởi xuống mồ

Lâu quá không về thăm xóm đạo
Không còn đứng nép ở lầu chuông
Nhưng khi chuông đổ anh liên tưởng
Người cũ cầu kinh giữa giáo đường

Lạy Chúa! Con là người ngoại đạo
Nhưng tin có Chúa ngự trên trời
Trong lòng con, giữa màu hoa trắng
Cứu rỗi linh hồn con Chúa ơi!!!

Bài 2:

Hoa trắng thôi cài trên áo tím
(Gia Định, 28-05-1958)

Lâu quá không về thăm xóm đạo
Từ ngày binh lửa cháy quê hương
Khói bom che lấp chân trời cũ
Che cả người thương, nóc giáo đường

Mười năm trước, em còn đi học
Áo tím điểm tô đời nữ sinh
Hoa trắng cài duyên trên áo tím
Em là cô gái tuổi băng trinh

Quen biết nhau qua tình lối xóm
Cổng trường đối diện ngó lầu chuông
Mỗi lần Chúa Nhật em xem lễ
Anh học bài ôn trước cổng trường

Thuở ấy anh hiền và nhát quá
Nép mình bên gác thánh lầu chuông
Để nghe khe khẽ lời em nguyện
Thơ tthẩn chờ em trước thánh đường

Mỗi lần tan lễ, chuông ngừng đổ
Hai bóng cùng đi một lối về
E lệ, em cầu kinh nho nhỏ
Thẹn thuồng, anh đứng lại không đi

***

Sau mười năm lẻ, anh thôi học
Nức nở chuông trường buổi biệt ly
Rộn rã từng hồi chuông xóm đạo
Tiễn nàng áo tím bước vu quy

Anh nhìn áo cưới mà anh ngỡ
Chiếc áo tang liệm một khối sầu
Hoa trắng thôi cài trên áo tím
Giữ làm chi kỷ vật ban đầu

Em lên xe cưới về quê chồng
Dù cách đò ngang cách mấy sông
Vẫn nhớ bóng vang thời áo tím
Nên tình thơ ủ kín trong lòng

***

Từ lúc giặc ruồng vô xóm đạo
Anh làm chiến sĩ giữ quê hương
Giữ tà áo tím màu hoa trắng
Giữ cả trường xưa nóc giáo đường

Giặc chiếm lầu chuông xây gác súng
Súng gầm rung đổ gạch nhà thờ
Anh gom gạch đổ xây tường lũy
Chiếm lại lầu chuông giết kẻ thù

Nhưng rồi người bạn cùng trang lứa
Đã chết hiên ngang dưới bóng cờ
Chuông đổ ban chiều, em nức nở
Tiễn anh ra khỏi cổng nhà thờ

Hoa trắng thôi cài trên áo tím
Mà cài trên nắp cỗ quan tài
Điểm tô công trận bằng hoa trắng
Hoa tuổi học trò mãi thắm tươi

***

Xe tang đã khuất nẻo đời
Chuông nhà thờ khóc… tiễn người ngàn thu
Từ đây, tóc rũ khăn sô
Em cài hoa trắng trên mồ người xưa!!!

[footer]