Thành Phố Sương Mù (Huỳnh Anh)

[dongnhacxua.com] đã nhận nhiều hồi âm của người yêu dòng nhạc xưa về bản “Thành phố buồn” của Lam Phương. Đúng là Đà Lạt có nhiều tên gọi khác và một trong số đó là “thành phố sương mù”, như tên của một sáng tác rất hay của nhạc sỹ Huỳnh Anh (1932-2013). Nhạc sỹ Huỳnh Anh thì không xa lạ với người yêu nhạc nhưng có một điều chắc ít ai biết được là trong gần 40 năm ở hải ngoại, ông chỉ cho phổ biến đến công chúng vài tác phẩm: một trong số đó là bản “Rừng chưa thay lá” phổ từ thơ Hoàng Ngọc Ân mà chúng tôi đã giới thiệu trước đây và nhạc phẩm thứ hai là “Thành phố sương mù” mà [dongnhacxua.com] giới thiệu hôm nay.

Thành phố sương mù (Huỳnh Anh). Ảnh: SaigonGate.com
Thành phố sương mù (Huỳnh Anh). Ảnh: SaigonGate.com

[footer]

Thành Phố Buồn (Lam Phương)

Những ngày cuối tháng 12/2014, Dòng Nhạc Xưa có dịp trở lại Đà Lạt để tham gia đêm nhạc của vài anh chị thân hữu. Đã đến và đi nhiều lần nhưng cá nhân chúng tôi lần nào cũng lưu luyến Đà Lạt, thành phố với nhiều tên gọi: “thành phố mộng mơ”, “thành phố ngàn hoa”, … Với những ai yêu nhạc xưa thì nhắc đến Đà Lạt không thể không nói đến một cái tên khác: “thành phố buồn”. Đó cũng chính là tên của bản nhạc bất hủ của nhạc sỹ Lam Phương.

Thành phố buồn (Lam Phương). Ảnh: AmNhacMienNam.blogspot.com
Thành phố buồn (Lam Phương). Ảnh: AmNhacMienNam.blogspot.com
thanh-pho-buon--1--lam-phuong--amnhacmiennam.blogspot.com--dongnhacxua.com
thanh-pho-buon--2--lam-phuong--amnhacmiennam.blogspot.com--dongnhacxua.com
thanh-pho-buon--3--lam-phuong--amnhacmiennam.blogspot.com--dongnhacxua.com

NHẠC SỸ LAM PHƯƠNG: “TÔI KHÔNG NGUÔI NGHĨ VỀ QUÊ CHA ĐẤT TỔ”
(Nguồn: tác giả Dạ Ly viết trên ThanhNien.com.vn ngày 18/08/2013)

Nhạc sĩ Lam Phương - Ảnh: Bến Thành Audio-Video cung cấp.
Nhạc sĩ Lam Phương – Ảnh: Bến Thành Audio-Video cung cấp.

Trong chuyến thăm Mỹ vào tháng 7 vừa qua, người viết đã có dịp nghe bạn bè nhạc sĩ Lam Phương kể về cuộc sống của ông tại miền nam California – Mỹ. Sức khỏe người nhạc sĩ tài hoa này giờ không được tốt nữa và cả giọng nói của ông cũng không còn rõ như xưa nên người viết đành gửi lại ông câu hỏi. Sau khi sức khỏe ổn định, ông đã trả lời qua email.

Nghe nói ông đã trải qua đợt tai biến, hiện tại sức khỏe của ông thế nào?

Ở cái tuổi hơn bảy bó rưỡi rồi, lại bị ảnh hưởng tai biến, nên sức khỏe của tôi cũng không thể nào như người bình thường được. Hiện nay, nhờ trời thương cùng bà con quan tâm, nên sức khỏe của tôi vẫn ở tình trạng… lúc mưa lúc nắng, đi đứng khập khễnh, nói năng vấp váp vậy thôi.

Nhạc sĩ Lam Phương có rất nhiều bài hát được yêu mến. Nhưng có lẽ với ông, bài viết năm 15 và 17 tuổi (Chiều thu ấy, Kiếp nghèo) hẳn đã để lại nhiều dấu ấn nhất. Vì đâu một người trẻ như ông lúc đó lại có thể viết nên những nỗi niềm sâu sắc như vậy?

Lớn lên giữa tình trạng đất nước chiến tranh đã tạo cho tâm hồn con người những rung động bi quan. Do đó, những sáng tác đầu đời của tôi cũng phản ánh tâm trạng thua thiệt. Và dĩ nhiên, đã để lại dấu ấn khá sâu đậm trong cuộc đời sáng tác của mình.

Rất nhiều người đã yêu say đắm bài Thành phố buồn. Phải chăng ông viết cho một người ‘đặc biệt’?

Không hẳn như vậy. Năm 1970, tôi theo Ban văn nghệ Hoa tình thương lên Đà Lạt trình diễn. Trước vẻ trầm lặng của một thành phố chập chùng đồi núi, sương mù bao quanh những con đường dốc quanh co, cùng nỗi cô đơn tràn ngập tâm hồn, tôi đã viết nên Thành phố buồn. Đây là một trong những ca khúc có số lượng xuất bản rất cao.

Được biết ngày xưa ông rất nghèo. Đến lúc nào thì ông vượt qua được cảnh túng thiếu? Có phải nhờ âm nhạc mà ông thoát nghèo và lạc quan hơn?

Cuộc đời tôi nhiều buồn hơn vui, thời gian nghèo khó cũng không phải là ít. Do đó, sáng tác của tôi có thể cũng chỉ là cái bóng của thân phận mình. Đứng về phương diện vật chất thì tôi đã tạm dễ thở được 5 năm từ năm 1970 – 1975. Nhưng sau đó lại tiếp tục với kiếp nghèo.

Có một thời gian nhạc của ông không buồn mà lại vui với Bài tango cho em, Cỏ úa, Ngày hạnh phúc… Đó có phải là thời điểm ông… yêu lại lần nữa nên thấy đời vui?

Như tôi trình bày ở trên, sáng tác của tôi thường thể hiện những tình cảm chân thành trong tình yêu và trước hoàn cảnh đời sống. Các ca khúc như bạn nói cũng chỉ là những bông hoa màu sắc đính trên tấm thảm tâm hồn của người nghệ sĩ sáng tác ở thời điểm đó mà thôi. Hơn nữa, những sáng tác âm nhạc của tôi luôn thể hiện tuần tự theo những khúc quanh trên đời sống của tôi như vừa lớn lên, mới biết yêu thì có: Chiều thu ấy, Chờ người, Kiếp nghèo; Tình cảnh an bình, hạnh phúc thì có: Trăng thanh bình, Khúc ca ngày mùa, Nắng đẹp miền nam… Đến khi tình cảm bị rụng rơi thì có: Cỏ úa, Thu sầu, Tình chết theo mùa đông…

Được biết ông từ Mỹ sang Pháp định cư rồi lại trở về Mỹ. Trong 10 năm qua ông có hạnh phúc không?

Di chuyển nơi ăn chốn ở, dù là của người nghệ sĩ, cũng bình thường mà thôi. Mặc dù không gian có đổi thay, thời gian có biến chuyển, nhưng tình yêu nghệ thuật vẫn âm ỉ trong tôi. Và nơi trái tim tôi, luôn tồn tại những nhịp đập yêu thương. Hạnh phúc nhất mà lúc nào tôi cũng cảm thấy là luôn được nhiều người thương cảm mình và yêu thích tác phẩm của Lam Phương.

Nghe nói Bến Thành Audio -Video đang dự định mời ông về làm live show đầu tiên tại Việt Nam vào cuối năm. Ông có dự định trở về?

Tháng 12 vừa qua, tôi có đi Úc trình diễn, nhưng đó là chuyện về trước. Giờ, tôi đã lớn tuổi rồi, không bao lâu nữa đã bát thập niên, lại thêm đi đứng khó khăn, ngồi xe lăn thường trực, nói năng chậm chạp, có lẽ sẽ khó tham dự được live show do Bến Thành Audio-Video tổ chức. Về hay không về thì lòng tôi lúc nào cũng không nguôi nghĩ về quê cha đất tổ, đến những người thân thương, những khán thính giả, bạn bè bằng hữu quý mến mình. Tôi cầu mong an lành và hạnh phúc thường trực ở với mọi người.

Nhạc sĩ Lam Phương tên thật là Lâm Đình Phùng. Ông sinh ngày 20.3.1937 tại Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang.
Ông bắt đầu sáng tác từ năm 15 tuổi. Ngoài âm nhạc, ông còn cộng tác với Ban kịch Thẩm Thúy Hằng và Ban kịch Sống của kịch sĩ Túy Hồng. Trước khi bị tai biến mạch máu não ông sống tại Mỹ, sau đó ông sang Pháp và năm 1995 ông về sống tại Mỹ với sức khỏe có phần yếu đi. Ông có đến hơn 200 tác phẩm được khán giả yêu mến. Trong đó có nhiều bài được người yêu nhạc thuộc nằm lòng: Chiều thu ấy, Kiếp nghèo, Từ ngày có em về, Tình đẹp như mơ, Thao thức vì em (Em là tất cả), Thành phố buồn, Bài tango cho em, Biển tình, Chỉ có em, Cỏ úa, Đèn khuya, Duyên kiếp, Em đi rồi, Giọt lệ sầu, Khóc thầm, Lạy trời con được bình yên, Xin thời gian qua mau, Ngày hạnh phúc…

Khánh Ly & Trịnh Công Sơn: một kết hợp định mệnh

Trong nền tân nhạc Việt Nam, có nhiều kết hợp rất độc đáo như Đoàn Chuẩn – Từ Linh, Lê Uyên – Phương, v.v. Trong số đó, theo thiển ý của [dongnhacxua.com], sự kết hợp gần như là định mệnh giữa Khánh Ly và Trịnh Công Sơn là đặc biệt hơn cả và đó như một làn gió mới, thổi mát tâm hồn của biết bao thế hệ yêu nhạc xưa.

tuoi-da-buon--0--trinh-cong-son--amnhacmiennam--dongnhacxua.com
Tuổi đá buồn (Trịnh Công Sơn), một trong số những bản nhạc Khánh Ly hát lần đầu tiên ở Quán Văn. Ảnh: AmNhacMienNam.blogspot.com

tuoi-da-buon--1--trinh-cong-son--amnhacmiennam--dongnhacxua.com tuoi-da-buon--2--trinh-cong-son--amnhacmiennam--dongnhacxua.com tuoi-da-buon--3--trinh-cong-son--amnhacmiennam--dongnhacxua.com

KHÁNH LY CÔNG BỐ SỰ THẬT VỀ ‘MỐI TÌNH’ VỚI TRỊNH CÔNG SƠN
(Nguồn: bài viết của tác giả Vương Hà đăng trên NguoiDuaTin.vn)

Trong số những bóng hồng đi vào nhạc phẩm của Trịnh Công Sơn không có Khánh Ly người phụ nữ thân thiết, “một người bạn của định mệnh vĩnh viễn thương yêu nhau”. Nhưng Khánh Ly lại thấy trong tất cả các ca khúc của Trịnh đều có bóng dáng của mình. 

Có một thời, Trịnh sáng tác chỉ để Khánh Ly ca. Mười năm gắn bó “duyên tình âm nhạc” để làm nên một “nữ hoàng chân đất”, một Khánh Ly hát nhạc Trịnh mãi về sau khó có giọng ca nào vượt qua…

 Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và Khánh Ly thời trẻ. Ảnh: NguoiDuaTin.vn

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và Khánh Ly thời trẻ. Ảnh: NguoiDuaTin.vn

Giọng ca Đà Lạt thành… “nữ hoàng chân đất”

Nhớ về Trịnh, Khánh Ly tiết lộ, Trịnh Công Sơn gặp chị trong hộp đêm Tulipe Rouge tại Đà Lạt. Thời gian ấy, nhiều người nói, Trịnh Công Sơn đang đắm say với giọng hát Thanh Thúy “liêu trai” nhưng khi nghe giọng hát Khánh Ly, ông đã bị hút hồn và tìm cách gặp chị. Những bạn bè của Trịnh cũng từng xác nhận chuyện này, vào năm 1965 tại Đà Lạt mộng mơ, Trịnh Công Sơn tình cờ nghe được giọng hát Khánh Ly. Ông biết ngay giọng hát của cô ca sỹ này hợp với những bản nhạc của mình nên mời chị tham gia. Thời gian sau, Khánh Ly rời Đà Lạt xuống Sài Gòn và trở thành giọng ca chuyên hát nhạc Trịnh Công Sơn.

Khi Trịnh Công Sơn gặp Khánh Ly, chị chưa nổi tiếng, đến cuối năm 1965, họ có buổi ra mắt đầu tiên tại trường Đại học Văn khoa với hàng ngàn sinh viên và trí thức. Bằng chiếc đàn thùng đơn giản, Khánh Ly hát say xưa những bài tự tình quê hương và thân phận con người đã làm đắm say hàng ngàn khán giả cuồng nhiệt đêm đó. Cứ thế, những buổi biểu diễn liên tiếp tại các trường đại học, các tụ điểm ca nhạc công cộng khiến Trịnh Công Sơn và Khánh Ly trở thành hiện tượng âm nhạc, và trở thành thần tượng của giới trẻ khi ấy.

Trịnh Công Sơn và Khánh Ly thường đi hát không công, không thù lao chủ yếu cho khán giả trẻ nơi giảng đường của các trường đại học. Trịnh Công Sơn dáng người mảnh khảnh, cặp kính trắng, giọng nói nhỏ nhẹ xứ Huế với cuộc sống của một lãng tử. Khánh Ly khi hát đi chân đất, khiến khán giả quen, yêu quý mà gọi chị là “nữ hoàng chân đất”. Chị hát bằng cả tấm lòng người nghệ sỹ yêu hết mình những giai điệu của nhạc Trịnh. Nhiều văn nghệ sỹ khi ấy, coi họ là một hình ảnh lý tưởng cho nghệ thuật, nhất là nghệ thuật ca hát – mang lý tưởng nhân đạo và tình yêu thể hiện sự dấn thân.

Kể lại thời kỳ những năm 60 cơ cực, đói khổ nhưng đầy hạnh phúc ấy, Khánh Ly nói: “Thực sự tôi rất mê hát. Không mê hát thì tôi không có đủ can đảm để đi hát với anh Sơn mười năm mà không có đồng xu, cắc bạc nào. Thời ấy, tôi phải chịu đói, chịu khổ, chịu nghèo, không cần biết đến ngày mai, không cần biết đến ai cả, mà vẫn cảm thấy mình cực kỳ hạnh phúc, cảm thấy mình sống khi được hát những tình khúc của Trịnh Công Sơn”.

Hai người đi với nhau tạo thành hình ảnh “lứa đôi”, một đôi trai gái trong tình bạn trong sáng, hồn nhiên. Khánh Ly – Trịnh Công Sơn tạo thành một đôi bạn trẻ muốn phá vỡ quan niệm xưa cũ. Trong dư luận khi ấy, không ít người tò mò, định kiến, nhưng Trịnh là người tiếng tăm mà không tai tiếng, ngay từ thời đó, Trịnh khẳng định: “Tôi và Khánh Ly chỉ là hai người bạn. Thương nhau vô cùng, trên tình bạn”.

Bóng dáng ngập tràn nhưng không có… cuộc tình

Trong những tuyệt phẩm của Trịnh luôn có những bóng hồng, khi sâu sắc, lúc thoáng qua như hư ảo. Nhưng những bóng hồng ấy vẫn gọi được thành tên, gọi chung cho những cuộc tình đôi khi chỉ là chút tình nghệ sỹ đơn phương hay nhè nhẹ như chút nắng cuối thu. Riêng Khánh Ly không có cuộc tình với Trịnh Công Sơn, song định mệnh đã gắn kết hai người bằng tình yêu ca hát. Khánh Ly giã từ Đà Lạt theo Trịnh Công Sơn về Sài Gòn khi mới hơn 20 tuổi.

Khánh Ly hiện nay. Ảnh: NguoiDuaTin.vn
Khánh Ly hiện nay. Ảnh: NguoiDuaTin.vn

Nhiều người đã cho rằng trời sinh ra Khánh Ly để hát nhạc Trịnh Công Sơn. Chị yêu thương Trịnh như một người bạn, một người anh, một người thầy…. Đôi khi trước mặt những người khác, Trịnh vẫn la rầy Khánh Ly như một cô học trò nhỏ. Khánh Ly cũng chỉ biết cười buồn.

Không duyên tình lứa đôi, nhưng Khánh Ly và Trịnh Công Sơn gắn bó với nhau bằng định mệnh. Hơn 17 năm, sau ngày Khánh Ly rời Việt Nam, họ gặp lại nhau tại Canada. Đối diện với Trịnh, chị vẫn nhỏ bé như ngày xưa, luôn yêu thương và kính trọng…

Khánh Ly nhớ lại: “Chúng tôi ôm choàng lấy nhau, lúc này tôi mới cảm nhận chúng tôi thật sự có nhau, không phải trong một giấc mơ kéo dài 17 năm. Hình như chúng tôi có cách nói mà chỉ hai chúng tôi mới hiểu được. Một cách nói ở bốn con mắt im lặng… Tất cả những điều cần nói, chính là những điều không bao giờ nói bằng lời”.

Họ đi dạo, im lặng bên trời Tây xa lạ mà cảm thấy gần gũi nhau như thuở người từ Sài Gòn ra Huế thăm nhau. Khánh Ly đã chia sẻ về buổi gặp nhau ấy: “Bao nhiêu ngày tháng đi qua giữa chúng tôi. Anh vẫn không bao giờ thay đổi, tôi cũng thế. Cả hai không thắc mắc về đời sống của nhau bởi 30 năm trước không hỏi thì 30 năm sau cũng không hỏi… Tôi quý những giây phút ở bên anh và tôi nghĩ, anh sẽ nói với tôi điều cần nói, nếu có”.

Với Trịnh Công Sơn, một điều chắc chắn bất cứ một người con gái nào đến với ông, đem đến cho ông dù một chút tình vẫn được ông nâng niu đón nhận. Còn riêng với Khánh Ly, ông coi đó là cuộc gặp gỡ của định mệnh vĩnh viễn yêu thương nhau. Một người hát cho một thời vừa lãng mạn vừa đau thương trong chiến tranh – hay nhất. Cảm nhận điều ấy, Khánh Ly luôn khẳng định ở họ là “mối liên hệ cao hơn, đẹp đẽ hơn, thánh thiện hơn là những tình cảm đời thường”.

Mười năm bên cạnh Trịnh Công Sơn, Khánh Ly đã gắn với tên tuổi của Trịnh đến nỗi không thể tách rời. Khánh Ly vẫn nói: “Tuy không có một ca khúc nào của Trịnh Công Sơn viết riêng cho tôi, nhưng tôi vẫn có cảm tưởng hầu hết những ca khúc của Trịnh Công Sơn đều được viết cho Khánh Ly”. Cũng có lẽ vì thế, Khánh Ly là một trong số những người hiểu rất rõ ca từ, cũng như tâm ý phần lớn ca khúc của Trịnh.

Sau năm 1975, Khánh Ly ra hải ngoại, đi khắp thế giới với nghiệp cầm ca nhưng không bao giờ chị rời bỏ tên Trịnh Công Sơn bên cạnh cuộc đời của mình. Ngày 1/4/2001, khi Trịnh Công Sơn nằm xuống, Khánh Ly đã từng nói rằng: “Tôi đã chết nửa cuộc đời theo Trịnh Công Sơn!”.

Cuộc điện thoại nửa vòng trái đất nghe Khánh Ly mở lòng về sự “thành nhân” và “thành danh”

Khánh Ly tên thật là Nguyễn Thị Lệ Mai sinh năm 1945 tại Hà Nội. Từ nhỏ chị theo gia đình vào sinh sống tại Đà Lạt và hiện đang sống tại Mỹ. Cách nhau nửa vòng trái đất, tôi gọi điện cho Khánh Ly khi ấy ở Việt Nam đã gần trưa cũng là lúc gần khuya của giờ Mỹ ngày hôm trước. Giọng nói truyền cảm của Khánh Ly, qua điện thoại rõ ràng, không khác là bao khi chị cất giọng hát trên sân khấu. Tôi hỏi thăm sức khỏe, Khánh Ly cho biết, chị vẫn tham gia những chương trình ca nhạc ở hải ngoại. “Dù đã có tuổi, nhưng khán giả vẫn thương, mỗi tuần Khánh Ly vẫn nhận show và đi diễn khắp nơi như ở Mỹ, châu úc, châu Âu. Chương trình gần nhất, Khánh Ly sẽ đi hát cho kiều bào ở Thái Lan”, Khánh Ly cho biết. Khánh Ly cũng chia sẻ, trong những chương trình chị biểu diễn khán giả vẫn muốn được nghe những nhạc phẩm của Trịnh Công Sơn. Mỗi lần cất lên lời ca của nhạc Trịnh, cho dù ông đã đi xa, Khánh Ly thể hiện như một tấm lòng tri ân với người mà “từ ông tôi thành danh và quan trọng hơn cả là tôi được thành nhân”, chị nói.

Vương Hà

[footer]

Nguyễn Vũ & Bài thánh ca buồn: nhớ quá đi thôi giọng hát ai buồn

Cứ mỗi độ Giáng Sinh về, giai điệu quen thuộc của bản ‘Bài thánh ca buồn’ của Nguyễn Vũ lại vang lên qua giọng ca rất có chiều sâu của Elvis Phương. Và cứ mỗi lần nghe ‘Bài thánh ca buồn’ thì chúng tôi lại thắc mắc tại sao ‘bài thánh ca’ mà lại ‘buồn’!? Bởi lẽ, đã là Thánh ca thì không có bài nào buồn cả vì đó là những lời ca đem lại nhiều hồng ân Thiên Chúa cho toàn thể nhân loại, nhất là những bài Thánh ca mùa Noel. Thế rồi DongNhacXua.com chúng tôi hân hạnh được nghe tâm sự của chính tác giả, nhạc sỹ Nguyễn Vũ, trong một dịp ‘trà dư tửu hậu’ vào mùa Giáng Sinh năm 2004 khi ông trải lòng mình với chuyên mục Văn Nghệ của báo Công An Thành Phố Hồ Chí Minh. Thì ra, ‘bài thánh ca’ mà Nguyễn Vũ nói đến chính là bản ‘Đêm Thánh Vô Cùng’ bất hủ và ‘buồn’ là vì ‘Đêm Thánh Vô Cùng’ gắn với một kỷ niệm buồn và đẹp của tác giả với người bạn gái đầu đời!

Nhạc sỹ Nguyễn Vũ.

ĐÔI NÉT VỀ NHẠC SỸ NGUYỄN VŨ
Nhạc sĩ Nguyễn Vũ tên thật là Nguyễn Tuấn Khanh. Ông sinh năm 1944 tại Hà Nội nhưng suốt thời niên thiếu ông sống ở Đà Lạt. Chú ruột dạy vĩ cầm và bạn của bố ông cũng là nhạc sĩ, vì thế từ nhỏ Nguyễn Vũ đã hát cho Ban thiếu nhi Đài Phát thanh Đà Lạt. Năm 12 tuổi, cậu bé Khanh nhận được giải nhất đơn ca thiếu nhi của đài là một cây đàn mandolin – như là một định mệnh – cậu bé đã gắn bó với âm nhạc suốt gần nửa thế kỷ và trở thành nhạc sĩ Nguyễn Vũ sau này.

TÂM SỰ CỦA NHẠC SỸ NGUYỄN VŨ VỀ SỰ RA ĐỜI CỦA ‘BÀI THÁNH CA BUỒN’
“Thuở ấy tôi là một cậu bé 14 tuổi, ngày ngày đi lễ ở nhà thờ Con gà (Đà Lạt), sở dĩ tôi “chịu khó” đi lễ bởi vì phát hiện ra một cô gái rất xinh và ngoan đạo mỗi ngày vẫn ngang qua ngõ nhà tôi để đến nhà thờ. Trái tim vụng dại của thằng con trai mới lớn đập loạn nhịp trước bóng hình thiếu nữ tóc xõa vai mềm bềnh bồng trong gió cao nguyên. Ngày lại qua ngày suốt hơn ba tháng trời tôi âm thầm, lầm lũi làm “cái đuôi” cô ấy, kẻ trước người sau đi về mỗi bận trên 3 km đường đèo nhưng một lời bẻ đôi không dám thốt. “Lòng thành” của tôi chỉ được hưởng một “ân huệ” cỏn con: Tôi được biết cô ấy tên Th., lớn hơn tôi 2 tuổi…

Thế rồi một buổi chiều gần lễ Giáng sinh, tan lễ ra thì trời đổ mưa, “đối tượng” của tôi nép vội vào mái hiên trú mưa, tôi cũng… trú tạm bên cạnh, hai người chỉ cách nhau độ một gang tay. Hòa lẫn trong tiếng mưa là giai điệu quen thuộc của bản Thánh ca Đêm Thánh vô cùng (Silent night) vẳng ra từ ngôi nhà gần đấy: Đêm Thánh vô cùng, giây phút tưng bừng, đất với trời, se chữ đồng, đêm nay Chúa con thần thánh tôn thờ…. Th. đưa tay hứng lấy những giọt nước mưa và khẽ hát theo. Tôi lặng người. Giọng hát Th. sao mà buồn da diết. Tự dưng tôi cảm thấy hết… sợ quê, khẽ đưa tay vuốt nhẹ lên… những hạt mưa bụi li ti bám bên ngoài chiếc áo ấm của Th., bất chợt Th. quay sang tôi nhoẻn miệng cười: “Cảm ơn nghen!”. Mưa tạnh, “người trong mộng” đã khuất dạng tự bao giờ mà thằng con trai 14 tuổi vẫn còn đứng ngẩn ngơ như “một nửa hồn tôi mất”.

Ba ngày sau gia đình tôi chuyển vào Sài Gòn sinh sống, thế là hết. Tâm trạng tôi lúc đó y như người vừa đánh mất một vật quý giá. Từ đó mỗi khi chợt nghe bài Thánh ca Đêm Thánh vô cùng lòng tôi lại tái tê với ánh mắt, nụ cười hồn nhiên, thánh thiện tựa thiên thần của “người ấy”. Ôm hình bóng ấy cho đến mãi 14 năm sau, tình cờ nghe lại Đêm Thánh vô cùng từ chiếc máy đĩa bỗng dưng cảm xúc từ một mối tình thánh thiện, hồn nhiên như trẻ thơ – tưởng như đã vùi sâu dưới lớp bụi thời gian – chợt ùa về trong ký ức, thôi thúc tôi”.

LỜI BÀI HÁT (SÁNG TÁC 1972, HÃNG ĐĨA SƠN CA GHI ÂM LẦN ĐẦU TIÊN)
Bài thánh ca đó còn nhớ không em
Noel năm nào chúng mình có nhau
Long lanh sao trời đẹp thêm môi mắt
Áo trắng em bay như cánh thiên thần
Giọt môi hôn dưới tháp chuông ngân

Cùng nhau quỳ dưới tượng Chúa cao sang
Xin cho đôi mình suốt đời có nhau
Vang trong đêm lạnh bài ca Thiên Chúa
Khẽ hát theo câu đêm thánh vô cùng
Ôi giọng hát em mênh mang buồn…

Rồi mùa giá buốt cũng qua mau
Lời hẹn đầu ai nhớ dài lâu
Rồi một chiều áo trắng thay màu
Em qua cầu xác pháo bay sau

Lời nguyện mình Chúa có nghe không
Sao bây giờ mình hoài xa vắng
Bao nhiêu đêm Chúa xuống dương gian
 Bấy nhiêu lần anh nhớ người yêu

Rồi những đêm thánh đường đón Noel
Lang thang qua miền giáo đường dấu yêu
Tiếng thánh ca ngày xưa vang đêm tối
Nhớ quá đi thôi giọng hát ai buồn
Đêm thánh vô cùng lạnh giá hồn tôi …

[footer]