Tiếp nối dòng nhạc về mùa thu, sẽ là rất thiếu sót nếu chúng ta không nhắc đến nhạc sỹ Đoàn Chuẩn, người được xưng tụng là ‘nhạc sỹ của mùa thu’. Hôm nay [dongnhacxua.com] xin mạn phép giới thiệu bài viết của nhà báo – nhạc sỹ Nguyễn Thụy Kha để giới yêu nhạc có thêm thông tin về Đoàn Chuẩn.
ĐOÀN CHUẨN – LẦN CHUYỂN BẾN CUỐI CÙNG
(Nguồn: bài viết của nhà báo – nhạc sỹ Nguyễn Thụy Kha đăng trên DacTrung.net)
Nhìn ông nhỏ thó nằm trên chiếc giường có cảm giác như trên một con thuyền bồng bềnh trôi trên sóng nhạc của chính ông để lướt tới lần chuyển bến cuối cùng một đời người, một “tình nghệ sĩ” qua bao thăng trầm, buồn vui trên dương thế.
Không ít người nhầm tưởng những tình khúc mùa thu của Đoàn Chuẩn là “nhạc tiền chiến”. Nhưng thực sự đó là những tình khúc thời kháng chiến …
Hay nói cặn kẽ hơn, đó là những tình khúc kháng chiến nối mạch với nhạc tiền chiến.
Đoàn Chuẩn liền mạch về suy tưởng với nhạc tiền chiến nhưng lối đi giai điệu khác hơn, nhạc hơn, đỡ “hát thơ” hơn nhạc tiền chiến khá nhiều.
Lợi thế làm ra sự độc đáo ở giai điệu Đoàn Chuẩn là vì ông chính hiệu một nghệ sĩ biểu diễn guitar Hawaii “xịn”.
Chiếc đàn guitar Hawaii (thời ấy thường gọi là đàn Hạ – Uy – Di) với lối trình tấu vuốt, lướt thả sức trên những cung quãng rộng chính là một cánh cửa ân ái mở vào thế giới nhạc blue.
Nhiều ca sĩ hát nhạc jazz hiện nay chọn hát Đoàn Chuẩn không phải là vô căn cứ.
Đóng góp của Đoàn Chuẩn thật khiêm nhường nhưng vừa mộng mị, vừa chân thành. Vừa thân thuộc vừa lạ lẫm. Có lẽ nhờ cái riêng đó, cùng tính khiêm nhường, Đoàn Chuẩn có nhiều tri kỷ.
Ông nằm đấy mà khơi dậy bao kỷ niệm chia sẻ với Văn Cao. Khi thì là những chén “cuốc lủi” suông ở nhà Văn Cao 108 Yết Kiêu. Khi thì cùng đôi lát bít-tết nóng hôi hổi với vài mẩu bánh mì do bà Đoàn Chuẩn “sắp bữa” ở nhà ông số 9 Cao Bá Quát…
Đoàn Chuẩn rất giống Tô Hoài ở cái “đức” uống rượu. Chỉ ngửa cổ làm một hơi, một chai như không. Làm một hơi rượu “cuốc lủi” và hút thuốc lá Thăng Long không đầu lọc là cá tính riêng của Đoàn Chuẩn khi cơ hàn cũng như lúc xênh xang đều như vậy.
Ông nằm đấy mà chiều đầu đông ngoài kia “sao dâng nhanh màu tím”. Và mây nữa, cũng đang “bay theo nhau về bến”. Tay sào đã cắm tự cuối thu rồi !
Hình như thấp thoáng ở bờ bên kia, Văn Cao và Trịnh Công Sơn đang ngồi đối tửu chờ ông. Còn ở bờ bên này chiều nay, biết bao “cố nhân xa rồi” đang hát trong nước mắt những giai điệu của ông. Biết bao những Thanh Hằng, Khánh Ly, Cẩm Vân, ánh Tuyết… đang chín vàng trong thương tiếc khôn nguôi ngổn ngang những phương trời cách biệt.
Ông vẫn bồng bềnh “tìm hướng cho lòng tìm bến mơ”. Hình như có tiếng hát Lê Dung vọng từ bờ bên kia đẩy đưa lần “chuyển bến” cuối cùng này tới đích nhanh hơn. Và đầu đông đã se lạnh. Và “lá úa phải chăng là nước mắt người đi”?
Xin vĩnh biệt ông – người đồng hương Hải Phòng yêu mến !
Nguyễn Thụy Kha
[footer]