Duyên Tình (Xuân Tiên – Y Vân)

[dongnhacxua.com] vừa nhận được câu hỏi của vài quý độc giả hỏi bản “Duyên tình” là sáng tác của nhạc sỹ Xuân Tiên hay của Y Vân hay là sáng tác chung của hai người. Không có cơ duyên gặp gỡ hai nhạc sỹ để tìm hiểu nhưng qua những gì chúng tôi sưu tầm trên internet thì có thể tạm kết luận “Duyên tình” phần chính là được Xuân Tiên sáng tác, nhưng nhạc sỹ Y Vân cũng góp phần. Sinh thời hai nhà nhạc sỹ khả kính của chúng ta không câu nệ “ai chính – ai phụ” và vẫn vui vẻ đứng tên chung thì theo thiển ý của [dongnhacxua.com], thế hệ hậu sinh chúng ta cũng không nên tranh luận quá mức làm gì mà cái chính là những ai yêu nhạc xưa cứ mãi say sưa “Biết nhau giữa độ trăng tròn …” là Y Vân mỉm cười nơi chín suối còn Xuân Tiên chắc cũng thanh thản an hưởng tuổi già ở Úc Châu xa xôi!

Nhạc sỹ Xuân Tiên. Ảnh: SBS.com.au
Nhạc sỹ Xuân Tiên. Ảnh: SBS.com.au
Nhạc sỹ Y Vân. Ảnh: wikipedia
Nhạc sỹ Y Vân. Ảnh: wikipedia

DUYÊN TÌNH: NHẠC CỦA AI? LỜI CỦA AI?
(Nguồn: nhà báo Hà Đình Nguyên viết trên ThanhNien.com.vn ngày 20/02/2006)

Trước Tết Bính Tuất, ông Phạm Xuân Long (con trai đầu của nhạc sĩ Xuân Tiên) có đến gặp chúng tôi nhờ kiếm giùm bản gốc ca khúc Duyên tình nhằm chứng minh đó là tác phẩm của bố mình (hiện đang định cư ở Úc) và phàn nàn rằng các đơn vị sản xuất băng đĩa trong nước đã sử dụng ca khúc trên rất nhiều lần nhưng lại ghi tên tác giả là nhạc sĩ Y Vân (đã mất). Để chứng minh, ông Phạm Xuân Long đã đưa cho chúng tôi đĩa CD Dòng sông quê hương do Vafaco phát hành trong thập niên 1990, trong đó có ca khúc Duyên tình của tác giả Y Vân do Ái Xuân và Thanh Long trình bày. Ông Long còn cho chúng tôi mượn xem tập nhạc Duyên tình Xuân Tiên (tuyển tập nhạc Xuân Tiên do tác giả tự xuất bản năm 2000 tại Sydney – Úc), trong đó có ca khúc được lấy làm chủ đề (Duyên tình) chỉ ghi một tác giả duy nhất là Xuân Tiên.

Chúng tôi đã dò tìm trong các trang web như Google, dactrung… và thấy chỉ có tên nhạc sĩ Xuân Tiên là tác giả của các ca khúc Duyên tình, cũng như ca khúc Nhạt nắng chỉ có tên tác giả Xuân Lôi.

Trao đổi với nhạc sĩ Y Vũ (em trai nhạc sĩ Y Vân) về vấn đề này, ông khẳng khái xác nhận: “Duyên tình là tác phẩm do Xuân Tiên và Y Vân viết chung. Hai ông không chỉ là đồng tác giả của Duyên tình mà còn viết chung Về dưới mái nhà. Ngoài ra, anh tôi (Y Vân) còn viết chung ca khúc Nhạt nắng với nhạc sĩ Xuân Lôi (là anh ruột của nhạc sĩ Xuân Tiên). Riêng về ca khúc Duyên tình thì vợ nhạc sĩ Y Vân đang giữ bản gốc. Nếu bảo tìm trên mạng không thấy tên của anh Y Vân là đồng tác giả ca khúc Duyên tình thì ở trong nước các nhạc sĩ Thanh Sơn (biên tập cho Trung tâm Rạng Đông) hoặc Vinh Sử (biên tập cho Kim Lợi) chỉ biết có mỗi Y Vân là tác giả của Duyên tình…”.

Nghe nói bà Minh Lâm (vợ nhạc sĩ Y Vân) hiện đang có bản gốc, chúng tôi khấp khởi mừng nhưng “vật chứng” mà bà đem ra chỉ là một bản Duyên tình chép tay và bảo rằng đó là thủ bút của chồng mình. Với một bản gốc như thế thì quả thật chưa đủ sức thuyết phục, nhưng bà Minh Lâm khẳng định nhạc sĩ Y Vân còn để lại rất nhiều tài liệu chép tay và bà sẵn sàng mời các chuyên viên giám định tự dạng. Về ca khúc Duyên tình, bà phát biểu: “Trong gia đình tôi, ai cũng biết đó là nhạc phẩm của Y Vân. Sau khi nhà tôi mất, nhiều hãng băng đĩa đã phát hành bản nhạc này và họ cũng chỉ ghi một tên tác giả là Y Vân. Chúng tôi không có bản gốc nên cũng không biết bản nhạc này có 1 hoặc 2 tác giả nhưng trong lòng vẫn ngờ ngợ nên đã tìm đến hỏi nhạc sĩ Thanh Sơn và ca sĩ lão thành Ngọc Cẩm (mẹ của ca sĩ Hồng Hạnh) thì họ đều xác nhận bài này là của Y Vân. Chúng tôi cũng rất muốn hỏi chính nhạc sĩ Xuân Tiên nhưng không có địa chỉ để trao đổi. Tuy nhiên, với chúng tôi nếu Duyên tình là đồng tác giả của Y Vân – Xuân Tiên thì chúng tôi vẫn chấp nhận. Nhân đây chúng tôi cũng xin xác định quyền đồng tác giả trong các ca khúc viết chung của Y Vân: Về dưới mái nhà (viết chung với Xuân Tiên), Nhạt nắng, Gió hiền, Người em Cửu Long (viết chung với Xuân Lôi), Suối tóc (viết chung với Văn Phụng dưới bút danh Thy Vân là tên con gái của Y Vân)…”.

Quả thật chúng tôi nhận thấy bà Minh Lâm rất “tách bạch” khi cho chúng tôi tra cứu danh mục bản quyền tác phẩm Y Vân do Cục Bản quyền cấp tại Hà Nội ngày 30.9.1995 gồm 92 ca khúc. Ở số thứ tự 20. Duyên tình  (không ghi tên tác giả thứ 2)… số 45. Về dưới mái nhà (với Xuân Tiên), 46. Hát lên nào (với Vĩnh Căn), 62. Chiếc khăn tay (với Minh Kỳ), 75. Đường đi lối về (với Xuân Tiên), 81. Nếu anh về (với Huỳnh Anh), 83. Thuở ấy (với Minh Kỳ), 84. Hình ảnh quê xưa (với Hoàng Trọng), 85. Chiều về quê xưa (với Thanh Thoại)… Như vậy, trong bản danh mục bản quyền này đã “hiện diện” 2 ca khúc viết chung với Xuân Tiên (ở các số thứ tự 45 và 75) thì hà cớ gì lại không thêm tên Xuân Tiên vào số thứ tự 20 ?

Chúng tôi cũng đã dò hỏi nhiều người am hiểu về nhạc trước 1975 thì đa số đều cho rằng Duyên tình do hai tác giả trên viết chung nhưng do vào thời điểm thập niên 90 cơ chế quản lý văn hóa còn chưa “thoáng”, mà Duyên tình lại có một đồng tác giả đang ở nước ngoài, chưa rõ về nhân thân, quan điểm chính trị nên các vị biên tập chương trình ca nhạc (và băng đĩa) trong nước đành phải “cắt” ông Xuân Tiên đi, chừa ông Y Vân lại. Tương tự nhưng… ngược lại là ở nước ngoài: chừa ông X mà cắt ông Y (cả trên mạng, dù mạng cũng không đảm bảo tính xác thực. Thí dụ bản Kim của Y Vũ lại nằm trong danh mục của Y Vân).

Xem ra, nếu bên đại diện nhạc sĩ Xuân Tiên không chịu “sống chung… như cũ” thì chuyện “ly hôn” còn lắm rối rắm, chỉ khi tìm được bản gốc (in) thì mới… êm! (Có bạn đọc nào có bản gốc Duyên tình không ?!).

Hà Đình Nguyên

PHẢN HỒI LIÊN QUAN ĐẾN CA KHÚC “DUYÊN TÌNH”
(Nguồn: ThanhNien.com.vn ngày 28/02/2006)

Chúng tôi đã xin photo bản gốc và gửi tặng gia đình cố nhạc sĩ Y Vân. Bà Y Vân đã gửi cho chúng tôi một lá thư như sau (lược trích):

Kính gửi tòa soạn báo Thanh Niên.
Tôi là Trần Thị Minh Lâm – vợ của cố nhạc sĩ Y Vân, xin chân thành cám ơn ông Hà Đình Nguyên – tác giả bài báo Duyên tình đến lúc ly hôn. Sau đó, bạn đọc Lương Bỉnh Chi (qua tác giả Hà Đình Nguyên) đã gửi tặng gia đình chúng tôi bản nhạc gốc Duyên tình (nhạc Xuân Tiên, lời Y Vân). Có được bản nhạc gốc Duyên tình là món quà vô cùng quý giá đối với gia đình chúng tôi. Hơn thế nữa, đây cũng là một bằng chứng nhằm tránh những sự tranh chấp không đáng có của thế hệ kế thừa do không hiểu tường tận vấn đề (gia đình chúng tôi đã bị hăm dọa đưa ra tòa nếu không đưa ra được bằng chứng). Một lần nữa, gia đình chúng tôi xin chân thành cảm ơn bạn Lâm Bỉnh Chi đã hỗ trợ và giúp đỡ gia đình chúng tôi cũng như gia đình nhạc sĩ Xuân Tiên tìm ra được tác giả thực sự của ca khúc này. Nhân đây, tôi xin gửi lời chúc sức khỏe đến nhạc sĩ Xuân Tiên, hiện đang định cư ở Úc (nếu nhạc sĩ Xuân Tiên có mặt ở Việt Nam thì có lẽ việc tranh chấp không đáng có ca khúc này đã không xảy ra…).
Gia đình chúng tôi xin kính chúc sức khỏe quý báo và quý độc giả, chúc quý báo ngày càng thân thiết với bạn đọc.
Trần Thị Minh Lâm
(45/21 Trần Huy Liệu,
Q.Phú Nhuận, TP.HCM)

TÂM SỰ CỦA CHÍNH NHẠC SỸ XUÂN TIÊN VỀ “DUYÊN TÌNH”
(Nguồn: bài phỏng vấn nhạc sỹ Xuân Tiên do Saigon Times thực hiện năm 2007)

Saigon Times: Một trong những bản nhạc nổi tiếng của Cụ thể hiện cái mộc mạc, chất phác nhưng đằm thắm của tình yêu qua cái tinh tuý của dân ca Miền Bắc là bài Duyên Tình. Nhưng theo chúng tôi biết thì ở trong nước, nhiều hãng băng đĩa khi phát hành bản nhạc Duyên Tình lại ghi tác giả là nhạc sĩ Y Vân. Trong Danh Mục Bản Quyền do Cục Bản Quyền CSVN cấp cho bà Minh Lâm, vợ của nhạc sĩ Y Vân, cũng ghi Duyên Tình là nhạc phẩm của Y Vân. Trong khi đó thì dư luận lại cho rằng bài Duyên Tình do Cụ viết chung với Y Vân. Chúng tôi cũng được biết là Tết Bính Tuất vừa rồi, trưởng nam của Cụ là ông Phạm Xuân Long, có đưa vấn đề bản quyền nhạc phẩm Duyên Tình lên trên báo chí trong nước. Như vậy xin hỏi Cụ đầu đuôi vấn đề này như thế nào”

Cụ Xuân Tiên: Duyên Tình là bản nhạc của tôi. Cả nhạc lẫn lời đều hoàn toàn là của tôi 100%. Ai hiểu nhạc và nếu nghe quen nhạc của từng người thì có thể nhận ra được từ nét nhạc đến lời ca là của tôi, không thể lẫn lộn với ai được. Sự lẫn lộn như anh vừa nêu ra là vì nó có một chút lịch sử như thế này.

Y Vân với tôi là bạn rất thân dù Y Vân nhỏ hơn tôi nhiều tuổi, mà tuổi nghề thì lại càng nhỏ hơn. Đúng ra Y Vân vẫn trọng tôi như đàn anh nhưng tính tôi thì thoải mái không câu nệ, quý Y Vân như bạn bè bình đẳng và anh em làm chung mãi với nhau bao nhiêu năm ở các đài phát thanh trong những năm cuối của thập niên 50 qua đến những năm đầu thập niên 60.

Riêng tôi, ngoài các đài phát thanh Sài Gòn, Quân đội, Mẹ Việt Nam, tôi còn làm tại Trung tâm điện ảnh, chơi nhạc cho các hãng phát hành băng và đĩa hát, đêm đêm lại phải chơi nhạc tại các Dancing, phòng trà nên rất bận. Y Vân thì rảnh hơn tôi nhiều nên tôi thường nhờ Y Vân giúp chép nhạc cho tôi. Thời đó đâu có máy photocopy như bây giờ, nếu cần copy một bản nhạc từ sách ra thì phải bỏ công chép tay, mà tôi thì lại rất cần nhiều bản sao của nhạc Âu-Mỹ để chơi trong các Dancing. Y Vân chép nhạc rất cẩn thận và đẹp nên tôi ưng ý lắm. Ngay cả nhạc do tôi sáng tác cũng có bài phải nhờ Y Vân chép lại cho đẹp. Hiện giờ tôi vẫn còn đang giữ một tập nhạc Mỹ do Y Vân chép lại dùm cho tôi. Thời đó Y Vân cũng có sáng tác và thường đi lại với nhà xuất bản để bán bản quyền các bản nhạc, nhân tiện tôi nhờ Y Vân mang bán giùm một sáng tác mới của tôi lúc đó là bản nhạc Duyên Tình mà Y Vân vừa mới giúp chép xong.

Khi trao bài Duyên Tình cho nhà xuất bản để lấy tiền thì Y Vân cần phải để tên chung vào bản nhạc mới ký tên nhận tiền được. Y Vân có hỏi trước tôi chuyện đó và tôi đồng ý. Bạn bè thân thiết, có khi chỉ vì thích nhạc của nhau, vẫn có thể để tên chung như là đồng tác giả, cũng là kỷ niệm vui, đâu có sao! Thế là bản Duyên Tình khi in và phát hành có tên của cả hai chúng tôi.

Các con tôi thì vẫn biết bài hát Duyên tình là của tôi. Còn gia đình của Y Vân thì sau khi Y Vân qua đời, thấy có tên Y Vân trên bài nhạc cũ thì nhận là của Y Vân, vả lại trong nước thì người ta chưa hề nói chuyện tác quyền với tôi dù họ vẫn phổ biến nhạc của tôi. Ngay cả bên này, Thúy Nga cũng đã từng ra băng cassette có bài Duyên Tình đề tên tác giả là Phạm Duy, tôi cũng chẳng phản ứng gì. Có mấy bài nhạc khác nữa cũng bị trường hợp tương tự như vậy.

Tất cả câu chuyện là như thế. Đầu năm ngoái nhân dịp người con gái của Y Vân ở Perth có liên lạc với tôi thì tôi cũng đã giải thích rõ câu chuyện là như vậy.

[footer]

Một bình luận về “Duyên Tình (Xuân Tiên – Y Vân)”

  1. Ông nhạc sĩ Xuân Tiên này thật vĩ đại như vĩ nhân của nền âm nhạc vietnam thời xa xưa. Nhưng thường vĩ nhân sống rất khác người, trả lời phỏng vấn là một vơ một chồng nhưng tình bắc duyên nam với người đàn bà Vĩnh Long, có con rồi lặng bỏ con không nhà, không cửa ở Sài Gòn 35 năm phải sống kiếp nghèo khổ, thuê phòng trọ, không một sư giúp đỡ của người cha nổi tiếng giàu có với nhưng đại nhạc hội, bản quyền này nọ. Vĩ nhân không có tình cha con, không tình ruột thịt, không tình người đến nỗi từ thiện nhân đạo giúp cho thằng con có cơ hội vươn lên cũng không. Một lòng một dạ với người vợ chính thức bà Hoàng Thị Hương, má ghẻ của tôi, chỉ sợ tôi có tên để chia gia tài, nên cả cuộc đời bà tìm cách cùng ông vĩ nhân bỏ rơi tôi, không dám bảo lãnh cho tôi có cơ hội….

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *