Một mùa xuân nữa lại về trên quê hương Việt Nam. Trong không khí rộn rã của xuân Ất Mùi 2015, [dongnhacxua.com] xin gởi đến người yêu nhạc xưa bản “Gái Xuân” của nhạc sỹ Từ Vũ, phổ theo lời thơ của thi sỹ Nguyễn Bính.
NHẠC SỸ TỪ VŨ: ĐÃ TÌM THẤY MỘT MÙA XUÂN TUẦN HOÀN
(Nguồn: tác giả Kiến Lâm đăng trên HaNoiMoi.com.vn ngày 3012/2012)
Nhạc sĩ Từ Vũ (tên thật là Trần Đỗ Lộc), sinh năm 1932 tại Hà Tây, nay thuộc Hà Nội. Ông là tác giả của những giai điệu quen thuộc: “Em như cô gái hãy còn xuân. Trong trắng thân chưa lấm bụi trần”. Hơn nửa đời người từ bỏ bảy nốt nhạc, nay ông lại “hồi xuân” để viết tiếp những khúc ngợi ca tình yêu, mùa xuân.
Năm 1954 NXB Tinh Hoa cho ấn hành cuốn sách nhạc trong đó có tác phẩm “Gái xuân” của nhạc sĩ Từ Vũ. Điều đặc biệt “Gái xuân” là nhạc phẩm mang âm hưởng miền Bắc đã trở thành món ăn tinh thần được yêu quý ở miền Nam. Từ ca sĩ đến người dân miền Nam chưa một lần đặt chân đến đất Bắc nhưng vẫn hào hứng hát: “Xuân đến hoa mơ hoa mận nở/Gái xuân rũ lụa bên sông Vân”. Chính ca khúc này đưa nhạc sĩ Từ Vũ ngang hàng với các nhạc sĩ nổi tiếng ở thế hệ trước. 60 năm sau, ca khúc “Gái xuân” vẫn sống khỏe qua các thế hệ ca sĩ và trở thành một nhạc phẩm thân thuộc không thể thiếu trong dịp tết đến xuân về từ Nam ra Bắc.
Trong căn nhà nhỏ đường Nguyễn Cửu Đàm, quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh, nhạc sĩ Từ Vũ kể với chúng tôi về những nốt nhạc “định mệnh” đời mình: “Khi đọc đến “Gái xuân” của Nguyễn Bính, tự nhiên nỗi nhớ quê hương, nhớ thương người con gái đang ở một phương trời xa ập tới, nghẹn lại, tôi phổ nhạc cho bài thơ chỉ trong một giờ đồng hồ là xong. Viết xong, tức tốc đạp xe đến nhà ca sĩ Linh Sơn nhờ thể hiện để làm món quà tặng người bạn gái du học. Không ngờ ca khúc lại trở nên nổi tiếng”. Ông bảo, hãnh diện nhất là ca sĩ miền Nam, người miền Nam đã hát “Gái xuân”. Sở dĩ như vậy bởi năm 1950 nhạc sĩ Từ Vũ theo gia đình vào miền Nam sinh sống và thường bị bạn bè chê cười gọi là “cá gỗ”, “rau muống”. Mối tình đầu của nhạc sĩ Từ Vũ với một cô gái miền Nam tan vỡ vì bị gia đình cô gái cấm cản. Rồi mối tình thứ hai cũng chẳng thể an bài, người yêu lần này là cô bạn gái cùng lớp tên là Thanh Vân, hai người thương nhau suốt một kỳ học nhưng phải chia tay nhau vì Thanh Vân ra nước ngoài du học. Trong buổi chiều cô quạnh, chàng trai trẻ thương nhớ người yêu, thương nhớ mùa xuân đất Bắc tìm được tập thơ Nguyễn Bính và đọc đến bài thơ “Gái xuân” thì cảm xúc dâng trào..
Góa vợ từ năm 39 tuổi, một mình ở vậy nuôi 4 con trưởng thành, cuộc đời nhạc sĩ Từ Vũ gắn với sự cô độc và khó khăn. “Xa Hà Nội, xa mùa thu, xa buổi sáng đầu đông và xa nụ cười hoa đào chớm xuân, tôi mất cảm xúc không thể nào viết được, do đó không còn sáng tác được ca khúc xuân. Năm 1993, có dịp trở về thăm Hà Nội, không khí trong lành của ngày đầu chớm xuân, tôi chợt nghe lời hát “Gái xuân” và tự nhiên bồi hồi, xúc cảm!”. Nhạc sĩ Từ Vũ quyết định thay đổi. Ông dành thời gian để chăm sóc vườn hoa trên sân thượng, cùng bạn bè đi viếng mộ các thi nhân lớn của Việt Nam như Hàn Mặc Tử, nhà thơ Tương Phố. Ngoài ra, ông tiếp tục phổ nhạc bài thơ “Hai sắc hoa Ti gôn” của TTKH và bài “Giọt lệ thu” của nữ sĩ Tương Phố . Ông bắt mạch cảm xúc tìm về sáng tác các ca khúc xuân ở tuổi 80. Ông khoe với chúng tôi ca khúc “Ta tìm thấy nhau” bằng ánh mắt hân hoan về một mùa xuân tuần hoàn của cuộc đời.
[footer]