Trong ký ức của nhiều thế hệ người miền Bắc, đặc biệt là những người con của Hà Nội, phải lìa xa miền quê yêu dấu để di cư vào Nam sau hiệp định Genève 1954, bản ‘Giấc mơ hồi hương’ của nhạc sỹ Vũ Thành vẫn mãi là những khắc khoải khó phai mờ trong tâm trí. Không phải ai cũng có thể thuộc được bài này và không phải ca sỹ nào cũng có thể hát tròn trịa được hết các nốt nhạc, thế nhưng ‘Giấc mơ hồi hương’ như là một cái gì đó thật đặc biệt, thật lôi cuốn để cho tất cả những ai ‘lìa xa thành đô yêu dấu’ nuôi hoài một ‘giấc mơ hồi hương’.
Nhân bài viết này, [dongnhacxua.com] xin kính chúc linh hồn nhạc sỹ Vũ Thành thảnh thơi an nghĩ nơi chốn xa xăm!
ĐÔI NÉT VỀ NHẠC SỸ VŨ THÀNH
(Nguồn: wikipedia.com)
Nhạc sĩ Vũ Thành sinh năm 1926 tại Hà Nội. Vũ Thành vừa là nhạc trưởng vừa là một nhạc sĩ sáng tác. Trước năm 1954, nhạc sĩ Vũ Thành là công chức và là nhạc trưởng trong ban nhạc “Việt Nhạc” của đài phát thanh Hà Nội. Chính thời kỳ này nhạc của Vũ Thành được hát nhiều nhất. Âm hưởng thanh tao, óng ả của những dòng nhạc tuyệt vời của Vũ Thành đem đến một luồng không khí mới mẻ cho nhạc Việt, lúc đó còn nặng những âm điệu ủ ê, sướt mướt của cung Ré thứ trong hầu hết nhạc của Đặng Thế Phong, của Văn Chung và một số của Văn Cao. Sau năm 1954, Vũ Thành di cư vào Nam. Ông có thời gian làm chỉ huy trưởng ngành quân nhạc của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa và từng giữ chức vụ chủ sự phòng văn nghệ Đài phát thanh Quốc gia Sài Gòn. Sau năm 1975, ông định cư và mất tại Hoa Kỳ năm 1987.
Ngoài tài năng của một người viết “Giai điệu” ông còn là người soạn “hòa âm phối khí” có công nhất với tân nhạc Việt Nam. Công việc này trái với sáng tác ca khúc, ông làm rất nhiều. Có thể nói hầu hết các ca khúc của Phạm Duy, Dương Thiệu Tước, Thẩm Oánh, Cung Tiến được ông làm đẹp bằng những hoà âm công phu, tuyệt diệu. Ông đã nâng những ca khúc phổ thông lên hàng tác phẩm nghệ thuật.
Nhạc sĩ Phạm Duy viết về Vũ Thành (trong bài “Phòng Trà Đầu Tiên ở Hà Nội”):
“Tại phố Hàng Bông Thợ Nhuộm, có thêm Phòng Trà Tuyết Sơn với Vũ Thành thổi sáo tây và đánh guitare tay trái. Nói về nhạc sĩ Vũ Thành thì ông là một trong những người viết nhạc đầu tiên của Tân Nhạc.
Đầu thập niên 40, nhạc Việt còn nặng những âm điệu ủ ê, sướt mướt của cung Ré thứ trong hầu hết nhạc của Đặng Thế Phong, của Văn Chung và một số của Văn Cao. Ca khúc Vũ Thành có nét nhạc thanh tao, óng ả đem đến một luồng không khí mới mẻ cho Tân Nhạc. Lấy ví dụ bài Say Nhạc Canh Tàn:
- Gió xuân đưa mây chiều về
- Nắng Xuân đưa tin nhạn về
- Giờ này hương lúa thương gợi tình quê
- Lòng người tha hương khóc biệt ly
- Gió Xuân đưa hương ngập trời.
- Ý Xuân thiết tha nghẹn lời
- Giờ này ngân phím loan nặng tình phai
- Đàn buông lãng du hồn u hoài…
- Đêm tha hương lắng trong ly rượu ngát hương
- Giấc cô miên canh trường
- Hồn người chinh phụ cuốn theo mây nơi sa trường
- Âm thanh xưa lả lướt trên đường tô
- Nằm gieo mối cùng sầu lai láng mơ hồ
- Ôi quê hương thấu chăng bao niềm luyến thương
- Biết chăng bao đêm trường,
- Nhẹ lần đường tơ phím, quan sa tình hờ
- Ôi than chi còn nhắc chi tình xưa
- Hồn say tiếng đàn hòa thêm khúc đàn lắng mơ hồ…
Cũng vẫn là tình cảm chung của các nhạc sĩ thời đó, nói tới tình quê, tiếng tơ, mối sầu (không hiểu vì sao mà sầu?), ca tụng thiên nhiên… nhưng ca khúc Vũ Thành không nằm trong thể tango, rumba hay slow fox mà mang tính chất bán cổ điển Tây Phương, nghe rất sang trọng, quý phái. Tôi tin rằng ca sĩ thời đó như Minh Đỗ là phải chọn nhạc Vũ Thành để hát tại phòng trà…”
[footer]