Gửi em chiếc nón bài thơ (Lê Việt Hòa – Sơn Tùng)

Hình ảnh chiếc nón lá đơn sơ mộc mạc đã đi vào thơ văn như một biểu tượng đẹp cho nét thanh lịch, dung dị, và chịu thương chịu khó của người phụ nữ Việt Nam. Trong tâm tình đó Dòng Nhạc Xưa xin giới thiệu bản “Gủi em chiếc nón bài thơ” nổi tiếng của nhạc sỹ Lê Việt Hòa với ý thơ của nhà văn Sơn Tùng.

Đi tìm nguồn gốc chiếc “nón lá xứ Nghệ” nức danh một thời

(Nguồn: bài viết của tác giả Thùy Vinh đăng trên BaoNgheAn.vn ngày 2019-02-13)

Ít ai biết rằng, chiếc “nón lá bài thơ” gắn với hình ảnh xứ Huế lại có nguồn gốc bắt đầu từ mảnh đất Nghệ An nắng gió, đã từng được đi vào thi ca một thời.

Nhỏ xinh một bóng mát, chở che cho mẹ, cho chị ra ruộng, xuống chợ, lên rừng. Ảnh: Lê Thắng

Chiếc nón lá gắn với cuộc đời tảo tần của bà, của mẹ, của chị. Vừa mộc mạc, vừa mỏng manh, nhưng cũng đầy duyên dáng. Đâu chỉ để che bụi, che mưa, che nắng, nón còn mang cả tâm hồn, bao gửi trao tha thiết. Đi từ rừng xuống biển, đâu đâu chẳng thấy bóng nón? Làm từ lá cọ, hay lá gồi, lá buông được vuốt, hơ cho phẳng, cộng với những thanh tre, nứa chuốt làm khung, uốn làm vòng… Thế là nhỏ xinh một bóng mát, chở che cho mẹ, cho chị ra ruộng, xuống chợ, lên rừng. Những chiếc nón lấp lóa dưới ruộng muối che nắng chói, những chiếc nón chạm nhau trên bến cá ban mai mỗi lúc thuyền về, những chiếc nón lao xao câu chuyện chợ chiều đong những niềm vui bé nhỏ, những chiếc nón ngả xuống phe phẩy quạt khi nghỉ chân, những chiếc nón nghiêng nghiêng che nụ cười thôn nữ khi biết thẹn thùng…

Mỗi lần nghĩ về chiếc nón là lại nghĩ về bao sương nắng. Nón bạc màu đi theo tháng năm, trĩu nặng gió mưa mà thành nón mê. Nhưng mà nón đã từng đẹp đẽ lắm trong ngày theo cô dâu mới đội đầu, nón đẹp đẽ lắm ở trong thơ, trong nhạc. Yêu nón, yêu quê, không ai không biết tới bài hát “Gửi em chiếc nón bài thơ” của nhạc sỹ Lê Việt Hòa phổ thơ Sơn Tùng. Xung quanh bài hát cũng có bao nhiêu câu chuyện để kể. Hãy nghe nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo từng kể rằng, có nhiều bạn đọc thắc mắc với ông: Họ rất thích bài hát “Gửi em chiếc nón bài thơ” nhưng cái câu hát đầu tiên “Anh gửi cho em chiếc nón bài thơ xứ Nghệ” khiến họ suy nghĩ. Lâu nay mọi người chỉ nghe nói “Nón bài thơ xứ Huế”, hoặc “nón Huế” chứ chưa nghe ai nói “Nón bài thơ xứ Nghệ” cả. Vậy có phải tác giả đã nhầm lẫn không? Hay vì tác giả là người xứ Nghệ nên muốn “giành” về cho quê mình chiếc nón bài thơ?

Ảnh: Lê Thắng

Thế là, nhân có nhà thơ Lê Thái Sơn (Chủ tịch Hội Văn nghệ Nghệ An ngày trước) và nhà thơ Hoàng Cát tới chơi, nhà thơ – nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo đem thắc mắc kể trên ra để mạn đàm. Về sau, cả 3 nghệ sỹ cùng thống nhất tới nhà tác giả Sơn Tùng để thăm ông, đồng thời “hỏi cho ra nhẽ”.

“Ngồi trò chuyện với ông, chúng tôi mới được biết rằng thuở xưa, nón Nghệ rất nổi tiếng và được xếp vào hàng vật phẩm tiến vua, tất nhiên là để dùng cho cung tần mỹ nữ. Thuở ấy Huế là kinh đô, và chiếc “nón bài thơ xứ Nghệ” dần dà đã trở thành phổ biến ở Huế, rồi được gọi là nón Huế. Để chứng minh cho điều này, nhà văn Sơn Tùng đọc cho chúng tôi nghe mấy bài ca dao có liên quan đến nón Nghệ, ví dụ như bài thách cưới có câu: “Ba trăm nón Nghệ đội đầu – Một người một cái quạt Tàu thật xinh”. Nón Nghệ không chỉ đẹp và quý làm lễ vật trong đám cưới mà còn sánh với quạt Tàu là thứ hàng ngoại xa xỉ.

Tất nhiên nhà văn Sơn Tùng là người xứ Nghệ nên ông biết quý trọng và tự hào về những vật phẩm nổi tiếng của quê hương mình, nhưng không phải vì thế mà cái gì tốt của người cũng “vơ vào”. Ông sáng tác bài thơ này năm 1955 nhân dịp đi dự Đại hội Thanh niên Sinh viên thế giới lần thứ 5 tại Ba Lan. Bài thơ in lần đầu tiên trong tờ báo Sinh Viên, đến năm 1960 nó được in lại trên báo Thống Nhất, rồi được đưa vào tập thơ chọn lọc “Bàn tay yêu thương” của nhà xuất bản Lao Động. Năm 1975 thống nhất đất nước, nhạc sĩ Lê Việt Hòa đã phổ nhạc bài thơ này thành một bài hát nổi tiếng với lời ca và âm nhạc thật đẹp: “Em đội nón bài thơ – đi đón ngày hội mới – Nước non liền một dải – Vẹn tròn như chiếc nón bài thơ”.

Ảnh: Lê Thắng

Như vậy, bài hát mà bắt nguồn từ bài thơ đã cho ta một thông tin thật hay về chính quê hương xứ Nghệ. Song hay thì hay thật, mà cũng lắm ngậm ngùi. Bao nhiêu làng nghề của ta, với những nghệ nhân có đôi tay tinh xảo đã dần… biến mất? Bao nhiêu thức quà, đặc sản của quê hương… nổi tiếng là thế, rồi cũng nhòa nhạt vào muôn vạn thứ đời thường? May mà với nón, vẫn còn đó bài thơ, bài hát mà giữ lại một chút dư hương. May mà, với nón, vẫn còn đó những tảo tần hôm sớm của phụ nữ quê Nghệ khắp mọi miền.

Chợt nhớ bài ca dao xưa xa, bài ca thách cưới nhà văn Sơn Tùng đã nhắc:

“Em là con gái nhà giàu
Mẹ cha thách cưới ra mầu xinh sao
Cưới em trăm tấm gấm đào
Một ngàn viên ngọc,
hai mươi tám ông sao trên trời
Tráp vàng dẫn đủ trăm đôi
Ống thuốc bằng bạc, ống vôi bằng vàng
Sắm xe tứ mã đưa sang
Để quan viên họ nhà nàng đưa dâu
Ba trăm nón Nghệ đội đầu
Mỗi người một cái quạt Tàu thật xinh!”

Thùy Vinh

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *