Dù không sinh ra ở Hà Nội nhưng trải qua thời niên thiếu và cả một quãng đời tuổi trẻ ở đất Hà Thành, Phú Quang yêu và hiểu dải đất dọc sông Hồng như một đứa con tinh thần. Và vì thế, Hà Nội cũng là một chủ đề chiếm tỷ trọng đáng kể trong gia tài sáng tác đồ sộ của nhà nhạc sỹ. Dòng Nhạc Xưa xin giới thiệu một bài viết của của tác giả Cát Linh đăng trên rfa.org để người yêu nhạc có cái nhìn thêm về “Hà Nội trong dòng nhạc Phú Quang”.
Phú Quang: ‘Hà Nội là quê hương’
(Nguồn: bài viết của tác giả Cát Linh đăng trên rfa.org ngày 2015-10-11)
Chương trình âm nhạc tuần trước, Cát Linh đã giới thiệu các bài hát về mùa thu Hà Nội, cảm nhận thời khắc đẹp nhất của mùa thu Hà Nội qua những bản nhạc được sáng tác bởi nhiều nhạc sĩ. Trong đó, có Phú Quang, người nhạc sĩ đã thốt lên rằng ở Việt Nam, không có nơi nào có mùa thu đẹp như ở Hà Nội. Hôm nay, xin mời quí vị theo dõi những chia sẽ của Phú Quang về triết lý sáng tác của mình, và hiểu vì sao Hà Nội là người tình muôn thưở trong nhạc phẩm của ông.
Hà Nội là quê hương
“Chiều đông sương giăng phố vắng Hàng cây lặng câm, hát câu mặc trầm Ta còn chờ ai, nhạt phai sắc nắng Heo mây tan nhoà, bao giấc mơ xưa….” (Lãng đãng chiều đông Hà Nội)
Nhạc sĩ Phú Quang đến với âm nhạc rất sớm. Ông học nhạc từ năm 8 tuổi, và bắt đầu sáng tác từ năm 17 tuổi.
“Ngày xưa tôi rất thích thơ văn. Và tôi nghĩ là khi lớn lên tôi sẽ học chuyên về văn học, nhưng mình học nhạc năm 8 tuổi. Đó là cái nghiệp, nên sau này lớn lên thì mình làm nhạc sĩ. Hồi đó tôi cứ nói đùa với mọi người là cũng may là nhạc sĩ, chứ nếu là nhà văn thì bây giờ người ta cứ gọi là nhà văn trẻ.”
Có lẽ chính vì điều này mà khi nghe những ca khúc của Phú Quang, từ tên gọi cho đến ca từ, chúng ta có cảm giác như đang nghe những vần thơ nhảy múa trong giai điệu. Cả những hình ảnh ông nhắc đến trong nhạc phẩm, cũng đầy chất thơ, như cây bàng, mùi hoa sữa, như tiếng dương cầm, như góc phố đêm.
Thật ra, khi được hàn huyên với Phú Quang, mới hiểu được rằng, ông yêu Hà Nội đâu phải chỉ riêng vì mùa thu. Mà cái tình của ông dành cho Hà Nội là cái tình của một người dành cho quê hương của mình. Ông yêu Hà Nội, yêu cả 4 mùa mưa nắng, yêu mỗi “buổi chiều đông sương giăng phố vắng”, yêu “hàng cây lặng câm, hát câu mặc trầm.”
“Ngay từ đầu tiên khi sáng tác, tôi chủ trương nói về nhân văn, nói những vấn đề nhân văn thôi, về con người, về tình yêu thương. Nếu để ý thì các tác phẩm của tôi, kể cả nhạc không lời cũng đều xoay quanh chủ nghĩa nhân văn. Với tôi thì không có gì gần gũi hơn và không có gì là mới mẻ hơn là con người nữa, và tất cả những điều xảy ra trong cuộc đời.”
Có phải là chỉ có người Hà Nội mới yêu Hà Nội như thế và viết nhiều về Hà Nội như thế không? Câu trả lời của Phú Quang rằng ông không dám nói ông là người Hà Nội nếu xét theo quan điểm người Hà Nội phải được sinh ra tại Hà Nội.
“Viết nhiều về Hà Nội vì rất đơn giản thôi, tôi coi Hà Nội là quê hương của mình. Thì bao giờ, cả với tôi hay bất kỳ người nào viết về quê hương của mình đều rất triều mến và sâu sắc.”
Đối với ông, nếu đã là quê hương thì cho đến ngày cuối đời cũng vẫn nhớ, có thể là một dòng sông, một hàng dừa, một làng quê, một thành phố, cho dù có đi xa thì vẫn luôn nhớ về.
“Hà Nội ơi, mỗi khi lòng xác xơ Tôi vội vã trở về Lấy cho mình dù chỉ là chút bóng đêm trên đường phố quen Dù chỉ là một chiều hương giăng lối cũ…” (Hà Nội ngày trở về)
Hạnh phúc từ những điều nhỏ bé
Người ta có thể tìm thấy trong ca khúc của Phú Quang tất cả những hình ảnh đơn giản nhất trong một nhịp đời bình thường nhất. Từ mùi hương hoa sữa, đến cây hoàng lan trên con đường vắng. Từ những cơn mưa rả rích cho đến cây bàng đặc trưng của Hà Nội. Hình như với Phú Quang, có phải ông luôn chủ ý sắp đặt cuộc đời này bằng tất cả những chủ thể bình dị nhất trong cuộc sống hay không?
“Tôi nghĩ thật ra trong cuộc đời này, giống như người ta lọc mãi để lấy ra 1 thứ tinh chất, thì cái điều giản dị cũng như một thứ tinh chất người ta đã lọc ra đến tận cùng rồi. thì điều giản dị tưởng thế thôi nhưng rất khó. Tất cả mọi điều trong cuộc đời này đến tận cùng của nó đều rất giản dị. Ngay cả tình yêu, những điều tốt đẹp, sâu xa đến lúc nhận ra thì hoá ra nó rất đơn giản. Cuộc đời giản dị lắm, chỉ có đúng và sai.”
“Dịu dàng hạt nắng, đùa nhẹ trên áo, đôi môi em gợi bao khát khao, mắt em vời vợi thăm thẳm trời cao,em mong manh tựa rừng cây trút rơi lá, gió chiều bỗng chợt sao xuyến mãi không nguôi…” (Điều giản dị)
Phú Quang đã đưa một triết lý về hạnh phúc vào ca khúc của mình. Đối với ông, hạnh phúc chỉ đơn giản là những điều đơn giản nhất.
“Ngay từ rất nhỏ, tôi đã được va vấp để được hiểu rằng đau khổ và cái hạnh phúc là những cái luôn đồng hành với mọi người. Tất cả những gì lớn lao nhất, chính là những điều nhỏ bé nhất. Tôi nghĩ rằng nếu không có tình yêu và niềm tin thì con người sẽ không có gì cả. Tất cả mọi cái phải xuất xứ từ những điều rất nhỏ bé. Người ta cứ thích nói những điều lớn lao. Nhưng tôi thì nhận ra rằng sau những điều nhỏ bé ấy đủ để nói lên hết cuộc đời rồi.”
Trong nhạc của Phú Quang, người ta thấy hiện lên đâu đó không phải chỉ là một Hà Nội âm thầm cổ kính, mà ca khúc của ông còn là những cuộc tình lãng mạn, đôi khi buồn, nhưng không đau khổ. Ông nhìn thấy cây bàng mồ côi, mảnh trăng mồ côi, nóc phố mồ côi, nhưng bao trùm quanh đó vẫn là một màu xanh của thời gian. Ông nhìn thấy giai điệu lạc quan ngay cả trong hoang tàn, đổ nát.
Bắt đầu sự nghiệp sáng tác năm 1969. Đó là giai đoạn mà chiến tranh đang diễn ra khốc liệt. Phú Quang cũng không tránh được những ám ảnh đau thương mất mát của cuộc chiến. Nhưng nhạc của ông hiếm khi xuất hiện màu đen ấy. Ông nói rằng cảm nhận duy nhất của mình về chiến tranh là hình ảnh bà cụ 70 tuổi đứng nhìn người ta mang xác của 26 người con, cháu ra khỏi khu đài tưởng niệm ở phố Khâm Thiên. Nhưng cụ không thể khóc và cũng không kêu gào, chỉ lặng lẽ cầm 1 viên gạch. Đó chính là cảm xúc để ông viết lên ca khúc “Em ơi Hà Nội phố”.
“…Mùa đông năm ấy Tiếng dương cầm trong căn nhà đổ Tan lễ chiều sao còn vọng tiếng chuông ngân Ta còn em một màu xanh thời gian Một chiều phai tóc em bay Chợt nhòa, chợt hiện Người nghệ sĩ lang thang hoài trên phố Bỗng thấy mình chẳng nhớ nổi một con đường…” (Em ơi Hà Nội phố)
“Ngày mà tôi về biểu diển trở lại trên phố Khâm Thiên, khi tôi tự hát thì mọi người rất xúc động. Thú thật lúc tôi hát, lúc giới thiệu lên thì không biết có vì là mình quá suy nghĩ về những kỷ niệm xót xa mà tôi có cảm giác như có những linh hồn về, và tôi nghẹn lời không nói được. Tôi phải khấn thầm.”
Nhạc của Phú Quang là Hà Nội. Và Hà Nội là người tình trong nhạc của Phú Quang. “Người tình” ấy mãi mãi là những con đường vắng, những đêm dài im lặng, những cây bàng mồ côi nhưng không cô độc. Hà Nội của Phú Quang, của những người sinh ra hay không sinh ra ở Hà Nội mãi mãi là nơi chất chứa những hạnh phúc được gom góp từ những điều nhỏ bé nhất
Cát Linh