Dòng Nhạc Xưa đã có nhiều bài viết về nhạc sỹ Hoàng Trọng (1922 – 1998). Tuy nhiên sẽ là một điều thiếu sót khi không nói về các bản theo thể điệu tango lả lướt mà qua đó ông được người yêu nhạc xưng tụng là “vua tango của nền tân nhạc Việt Nam”. Trong bài viết mang tính chất tổng hợp này, chúng tôi dùng tư liệu từ nhiều nguồn khác nhau. Nếu có gì chưa hợp lý, xin quý vị gần xa cùng góp ý hay thảo luận (qua trang web này hoặc qua Facebook facebook.com/dongnhacxua) để tất cả chúng ta có được thông tin chính xác nhất về nhà nhạc sỹ tài hoa Hoàng Trọng.
Nhạc sĩ Hoàng Trọng: Ông Vua Tango của nền tân nhạc Việt Nam
(Nguồn: bài viết của tác giả Cung Mi đăng trên sbtn.tv ngày 2016-07-16)
Nhạc sĩ Hoàng Trọng được giới nghệ sĩ Miền Nam đặt cho danh hiệu là “Ông Vua Tango”. Thật là một vinh hạnh hiếm hoi, khi trong giới văn nghệ mà lại được công nhận như một vị vua không ngai như vậy. Lý do khá dễ hiểu: Hoàng Trọng là người có nhiều ca khúc viết ở điệu Tango nhất. Bài nào cũng đặc sắc, mỗi bài một vẻ: Lạnh Lùng, Đường Về, Mộng Lành, Tiễn Bước Sang Ngang… Một bản Tango tiêu biểu của Hoàng Trọng có thể chọn ra đó là bài Hai Phương Trời Cách Biệt. Trong tiết điệu Tango du dương, giai điệu của Hai Phương Trời Cách Biệt trầm bổng mà tha thiết, lời ca lãng mạng tình tứ:
“Ánh nắng chiều thoáng phai rồi
Hoàng hôn khơi thương nhớ tới xa xôi.
Nhớ mãi nhớ muôn đời
Một chiều em khóc trong hồn tôi.
Góp hết lại những câu thề
Trả lại cho nhau lúc chia ly.
Cố nuốt bao nhiêu lệ
Nhìn theo duyên kiếp đi không về .
Rồi hẹn đừng ước mơ
Mà tê tái cho người mong chờ
Một chiều nào cuối thu
Chợt xao xuyến thương tình xưa.
Dĩ vãng giờ đã xa rồi
Tình yêu qua như giấc mơ thôi.
Nhắn gió trao đôi lời
Vì đâu hai đứa hai phương trời”
Một bản tình ca Tango ngắn nhưng trọn vẹn, đặc sắc, rất đặc trưng cho dòng nhạc Hoàng Trọng.
Cung Mi / SBTN
Nhớ “vua tango” Hoàng Trọng
(Nguồn: bài viết của tác giả Hà Đình Nguyên đăng trên thanhnien.vn ngày 2013-07-08)
Nhạc sĩ Hoàng Trọng là một tên tuổi lớn của nền âm nhạc miền Nam trước năm 1975. Ông đã ra đi cách đây 15 năm, nhưng cái danh hiệu “vua tango” và những ca khúc để đời của ông vẫn còn mãi với thời gian
Thuở niên thiếu, hằng đêm chúng tôi vẫn ngồi quanh các anh lớn tuổi hơn, nghe họ “song tấu” bằng 2 cây đàn guitar: một cây chạy ngón (lead), một cây đệm hợp âm (accord). Bản nhạc mà các anh thường chơi nhất (và chơi hay nhất) là Dừng bước giang hồ. Dạo ấy chúng tôi cứ nghĩ đây là một bản nhạc nước ngoài, sau này mới biết là do nhạc sĩ Hoàng Trọng sáng tác. Một niềm tự hào tràn ngập.
Một vinh dự mà không phải nhạc sĩ đương thời nào cũng có được là ông được anh em trong giới đồng lòng tôn vinh là “vua tango”. Người viết đã từng gặp gỡ nữ danh ca một thời vang bóng Mộc Lan, bà cho biết tất cả những bản tango của Hoàng Trọng đều do bà hát đầu tiên… Tìm hiểu cuộc sống của nhạc sĩ Hoàng Trọng, chúng tôi biết rằng vì một lý do nào đó mà ông dắt 3 người con (Hoàng Nhạc Đô, Hoàng Cung Fa, Hoàng Bạch La) cùng một người em gái ruột từ miền Bắc vào Nam. Từ đó ông sống cảnh “gà trống nuôi con” cho đến lúc các con đã trưởng thành.
Được xưng tụng “vua tango” là một vinh dự lớn. Nhưng đừng tưởng Hoàng Trọng chỉ thành công với thể điệu này. Nếu thế lại là một bất công khác đối với tài năng, và những cống hiến giá trị khác của nhạc sĩ Hoàng Trọng, bởi bên cạnh những ca khúc được coi là tuyệt vời với điệu tango, nhạc sĩ Hoàng Trọng cũng có những ca khúc bất hủ lưu truyền tới hôm nay được viết bằng những thể điệu khác như Ngàn thu áo tím (điệu valse – nhạc Hoàng Trọng, lời Vĩnh Phúc), hoặc như bài Dừng bước giang hồ (điệu pasoble – nhạc Hoàng Trọng, lời Quang Khải).
Sẽ là thiếu sót, nếu nhắc đến Hoàng Trọng mà không nói đến ban Tiếng Tơ Đồng – một ban hợp xướng do nhạc sĩ Hoàng Trọng thành lập năm 1967 và đích thân chỉ huy. Ban nhạc quy tụ khoảng 40 ca nhạc sĩ rất “cứng cựa” chuyên biểu diễn trên đài phát thanh và băng tần 9 đài truyền hình miền Nam. Tiếng Tơ Đồng cũng đã góp phần tạo dựng nhiều giọng ca tên tuổi, đồng thời đưa nhiều sáng tác của các nhạc sĩ đương thời lên đỉnh cao nghệ thuật. Chính nhạc sĩ Thanh Sơn (tác giả Nỗi buồn hoa phượng), trước khi thành nhạc sĩ cũng đã đầu quân về hát trong ban Tiếng Tơ Đồng.
Hà Đình Nguyên
Tiểu sử nhạc sỹ Hoàng Trọng
(Nguồn: wikipedia.org)
Hoàng Trọng tên thật là Hoàng Trung Trọng, sinh năm 1922 tại Hải Dương. Năm 1927 gia đình ông chuyển về sống tại Nam Định.
Hoàng Trọng bắt đầu học nhạc từ năm 1933 qua người anh trai là Hoàng Trung Quý. Từ năm 1937, Hoàng Trọng học nhạc tại trường Thầy Dòng Saint Thomas Nam Định. Đến năm 1941, ông tiếp tục nghiên cứu âm nhạc qua sách vở và học hàm thụ từ một trường ở Paris. Cũng thời gian ở Nam Định, khoảng 1940 Hoàng Trọng có mở một lớp dạy nhạc.
Năm 15 tuổi, Hoàng Trọng cùng các anh em trong gia đình Hoàng Trung An, Hoàng Trung Vinh và một số bạn bè như Đan Thọ, Đặng Thế Phong, Bùi Công Kỳ… lập một ban nhạc. Ban đầu ban nhạc không có tên và gần như chỉ để giải trí. Năm 1945 Hoàng Trọng mở phòng trà Thiên Thai ở Thái Bình, và bạn nhạc từ ấy mang tên Thiên Thai. Thiên Thai trình diễn ở đó mỗi tối và hoạt động tới năm 1946, khi chiến tranh Việt – Pháp bùng nổ.
Cuối thập niên 1930, tân nhạc Việt Nam bắt đầu hình thành, Hoàng Trọng cũng có sáng tác đầu tay Đêm trăng được viết năm 1938, khi ông mới 16 tuổi. Một số bản nhạc tiếp theo của ông đã được Phạm Duy trình bày trên sân khấu của gánh hát Đức Huy, trong đó có Tiếng đàn tôi, một trong những bản Tango đầu tiên của Việt Nam. Một bản nhạc tiền chiến nổi tiếng khác của Hoàng Trọng thời gian đó là Một thuở yêu đàn.
Vì chiến tranh, ông di chuyển khỏi Nam Định, qua phủ Nho Quan, Phát Diệm và cuối cùng định cư tại Hà Nội năm 1947. Thời gian đó ông đã viết bản Phút chia ly, một nhạc phẩm tango giá trị, do Nguyễn Túc đặt lời. Cũng trong khoảng thời gian ở Hà Nội, Hoàng Trọng liên hệ với những nghệ sĩ của đài phát thanh như Mộc Lan, Minh Diệu, Mạnh Phát, Châu Kỳ… nhờ đó các nhạc phẩm của ông được phổ biến. Hoàng Trọng cũng viết cuốn Tự học Hạ Uy cầm, tích lũy từ những kinh nghiệm dạy đàn trước đó, và được nhà xuất bản Thế giới phát hành.
Năm 1950, nhạc sĩ Hoàng Trọng gia nhập quân đội. Ông là trưởng ban Quân nhạc Bảo Chính Đoàn trình diễn mỗi tuần tại một vườn hoa cạnh Bưu điện Hà Nội (vườn hoa Indra Gandi?) và trong chương trình Tiếng nói Bảo Chính Đoãn của đài phát thanh Hà Nội. Khoảng thời gian này, ông viết nhiều bài hát, trong đó có Gió mùa xuân tới. Năm 1953 tên tuổi Hoàng Trọng thực sự nổi tiếng với Nhạc sầu tương tư, ca khúc đó được trình diễn thường xuyên trên đài phát thanh khi ấy.
Năm 1954, Hoàng Trọng di cư vào miền Nam, sống trong hoàn cảnh gà trống nuôi ba con: Hoàng Nhạc Đô, Hoàng Cung Fa, Hoàng Bạch La. Tại Sài Gòn, ông thành lập những ban nhạc trình diễn trên đài phát thanh Sài Gòn, đài Quân đội, đài Tiếng Nói Tự Do và đài Truyền hình Việt Nam. Những ban nhạc của ông hoạt động đến tận 1975, từng mang nhiều tên khác nhau như Hoàng Trọng, Tây Hồ, Đất Nước Mến Yêu… đặc biệt từ năm 1967 với tên Tiếng Tơ Đồng. Ban hợp xướng Tiếng Tơ Đồng, với các ca sĩ, nhạc sĩ danh tiếng của Sài Gòn khi đó, đã trình bày nhiều ca khúc tiền chiến giá trị.
Khoảng thời gian ở Sài Gòn, Hoàng Trọng sáng tác rất mạnh mẽ, nhiều ca khúc nổi tiếng như Ngàn thu áo tím, Lạnh lùng, Bạn lòng, Mộng lành, Tiễn bước sang ngang, Ngỡ ngàng… Trong khoảng 200 nhạc phẩm của Hoàng Trọng, ông chỉ tự đặt lời khoảng 40 bài. Số còn lại được sự giúp đỡ của nhiều nhạc sĩ khác như Hồ Đình Phương, Hoàng Dương, Nguyễn Túc, Quách Đàm, Vĩnh Phúc… Trong giới nhạc sĩ Việt Nam, Hoàng Trọng viết tango nhiều và được xem như người thành công nhất với danh hiệu Vua Tango.
Ông cũng tham gia viết nhạc phim, một vài phim có tiếng như Xin nhận nơi này làm quê hương, Giã từ bóng tối, Người tình không chân dung, Sau giờ giới nghiêm, Bão tình. Với nhạc trong bộ phim Triệu phú bất đắc dĩ, Hoàng Trọng đã được giải thưởng Văn học Nghệ thuật của Việt Nam Cộng hòa trong năm 1972 – 1973.
Sau 1975, Hoàng Trọng chỉ sáng tác một vài ca khúc và không phổ biến. Bản cuối cùng của ông là Chiều rơi đó em. Năm 1992 Hoàng Trọng sang định cư tại Hoa Kỳ và qua đời ngày 16 tháng 7 năm 1998.
Nhắc đến Hoàng Trọng mà không nói đến tài viết hòa âm của ông là thiếu xót.
Những bài như Thiên Thai do Anh Ngọc và phụ họa là một hòa âm cực kỳ hay và rất tượng hình. Trong band Hòang Trọng và Tango, những bài tango do ông hòa âm cho đến nay tôi nghĩ không thấy ai qua mặt được.