Phòng trà ca nhạc Sài Gòn xưa (2): ‘Phù thủy’ Jo Marcel, Lệ Thu và phòng trà Ritz

Nói đến phòng trà ca nhạc đất Sài Gòn, người yêu nhạc xưa không thể không nhắc đến Jo Marcel, một nghệ sỹ đa tài. Vừa là một nhạc công, vừa là một ca sỹ có chất giọng trầm ấm nhưng ông cũng là một nhà tổ chức âm nhạc và quản lý phòng trà nổi tiếng bậc nhất của làng nhạc Việt. [dongnhacxua.com] xin tiếp nối chủ đề này qua bài viết của nhà báo Lê Văn Nghĩa.

Jo Marcel. Ảnh: hopampro.com
Jo Marcel. Ảnh: hopampro.com

PHÒNG TRÀ CA NHẠC SÀI GÒN XƯA: ‘PHÙ THỦY’ JO MARCEL, LỆ THU VÀ PHÒNG TRÀ RITZ
(Nguồn: bài viết của tác giả Lê Văn Nghĩa đăng trên ThanhNien.vn ngày 2016-10-25)

Đầu những năm 1970 tại Sài Gòn có 5 phòng trà nổi tiếng nhất được gọi là ‘ngũ đại phòng trà’. Đó là Tự Do, Đêm Màu Hồng, Queen Bee nằm trên hai trục đường lớn trung tâm Nguyễn Huệ và Tự Do (Đồng Khởi). Tuốt vào Trần Hưng Đạo, góc Phát Diệm là phòng trà Ritz và Baccara.

Lệ Thu và Anh Khoa, hai giọng ca chủ lực của phòng trà Ritz. Ảnh: ThanhNien.vn
Lệ Thu và Anh Khoa, hai giọng ca chủ lực của phòng trà Ritz. Ảnh: ThanhNien.vn

Ritz với Jo Marcel

Dân mê nhạc trẻ thập kỷ 1970 chắc không ai xa lạ về những cái tên như Trường Kỳ, Nam Lộc và đặc biệt Jo Marcel. Nhạc sĩ này ca hay, biết sử dụng âm thanh, ánh sáng hiện đại hơn nhiều phòng trà khác nên được coi là phù thủy của âm thanh ánh sáng sân khấu. Jo còn là một nhà sản xuất băng nhạc có hạng, đóng đô ở lầu 3 của Crystal Palace (Thương xá Tam Đa).

Trước khi dọn về Ritz, Jo Marcel tổ chức phòng trà tại Queen Bee vào năm 1969. Sau khi hết hợp đồng thuê Queen Bee, Jo thuê phòng trà Ritz của ông Nguyễn Văn Xướng (chủ rạp Hưng Đạo). Ngoài thành phần ca sĩ, Ritz còn nổi bật lên vì âm thanh và màu sắc mà Jo Marcel đã bỏ rất nhiều công sưu tầm để mang lại cho phòng trà của mình một sắc thái riêng biệt, khác lạ với những phòng trà khác. Jo Marcel còn sử dụng kỹ thuật điện ảnh để tăng phần hấp dẫn và có lẽ là mới lạ nhất thời gian đó. Trên sân khấu là một màn ảnh của rạp xi nê bỏ túi. Nào là phi thuyền Apolo với người phi công là ca sĩ Sỹ Phú đã du học tận Mỹ xa xôi. Những danh lam thắng cảnh của năm châu, của đại dương, của núi, của suối, hoa lá, chim chóc với diễn viên chính là các ca sĩ của Ba Con Mèo (cho phần trình diễn của ban tam ca này), ban hợp ca Bốn Phương (cho phần trình diễn của những đứa con Dương Thiệu Tước – Minh Trang)… Những cảnh này là do Jo Marcel vừa quay phim và đạo diễn. Sau này, Jo có tự tay làm một cuốn phim về nhạc trẻ dựa theo truyện dài Tuổi choai choai của Trường Kỳ.

Jo Marcel tên thật là Vũ Ngọc Tòng, sinh năm 1936 tại Hà Nội và là trưởng nam của kỹ sư Vũ Ngọc Thuyến – cũng là một nhạc sĩ và ca sĩ có biệt tài. Năm 1958, Tòng bắt đầu đi hát tại ca vũ trường Đại Nam với tên Ngọc Minh. Năm 1960, Tòng qua hát cho nhà hàng Caravelle. Trong thời gian hát tại đây, ông có dịp học hỏi rất nhiều vì được hát chung với một số ca sĩ nước ngoài. Năm 1963, Tòng ký giao kèo với nhà hàng Baccara. Là một ca sĩ nhưng lại hiểu biết về kỹ thuật âm thanh, nên mỗi khi hát ở một nhà hàng mới, Tòng được “đặc quyền” thay đổi hệ thống âm thanh cho phù hợp với giọng ca của mình. Tại Baccara, Tòng hợp ca cùng nữ ca sĩ Bạch Bích trong những bản nhạc nước ngoài nên đổi tên mới là Jo Marcel.

Mùa thu tráng lệ

Giọng hát chủ lực của phòng trà Ritz là Lệ Thu. Khán giả đến với Ritz trước nhất là vì Lệ Thu, như đến với Đêm Màu Hồng vì Thái Thanh, Queen Bee vì Khánh Ly. Vì tiếng hát Lệ Thu, những người ái mộ phải đi ngược vào đại lộ Trần Hưng Đạo, góc Phát Diệm (Trần Đình Xu) trong khi Tự Do, Maxim’s, Đêm Màu Hồng ở ngay trung tâm. Đến hát ở Ritz, Lệ Thu không cần trang điểm nhiều vì hệ thống ánh sáng ở phòng trà này đã nâng cao khuôn mặt của nàng.

Lệ Thu tên thật là Bùi Thị Oanh, sinh năm 1943 tại Hà Nội trong một gia đình công chức. Sau đó, gia đình chuyển xuống Hải Phòng cho đến năm 1954 vào nam. Tại Sài Gòn, cô học ở Trường Les Lauriers (Tân Định) cho tới lớp đệ tứ. Nhờ đã học nhạc lý tại Trường Sainte Marie Hải Phòng, thêm có khiếu về ca nhạc, Lệ Thu tự trau dồi ca hát bằng phương pháp nghe các danh ca hát trên đài phát thanh. Ngoài ra cô cũng được nhạc sĩ Đức Quỳnh chỉ dẫn thêm về ca nhạc. Trên Báo Sinh Hoạt Nghệ Thuật năm 1971, Lệ Thu đã giải thích: “Lệ Thu là mùa thu tráng lệ, mùa thu tuyệt vời. Thú thật tên Oanh cũng đẹp lắm chứ. Nhưng khi mới đi hát bị một ông khách hỏi tên bất ngờ, quýnh quá Oanh nói đại tên Thu. Thu không thì trơ quá nên về sau thêm chữ Lệ vào cho đẹp”.

Nhưng từ tháng 4.1970 Lệ Thu đã về với phòng trà Tự Do. Ông Ngô Văn Cường chủ Tự Do đã dùng giá cao để giựt Lệ Thu ra khỏi Ritz của Jo. Jo ký với Lệ Thu là 700.000 đồng hát một năm, cộng tiền cát sê khá cao, còn ông Cường kêu Lệ Thu trả hợp đồng 1 triệu và tiền hát hằng đêm gấp đôi.

Ngoài Lệ Thu, Ritz còn có Ba Con Mèo, ban hợp ca Bốn Phương và ban The Dreamers với những đứa con của bố già Phạm Duy như Duy Quang, Thái Hiền, Duy Cường, Julie Quang, Duy Minh. Hằng đêm, Phạm Duy cùng những đứa con chất nhau trên chiếc xe hơi cũ hát ở Embassy – một club Mỹ trên đường Nguyễn Trung Trực, sau đó là Queen Bee rồi về đây. Có một chuyện tếu táo là trong một cuộc nói chuyện, phóng viên Báo Khởi Hành hỏi: “Anh hát có mệt không?” thì nhạc sĩ này trả lời: “Hát như đi đái ấy mà”.

Người thủy chung với Jo Marcel nhất là Anh Khoa, hết Queen Bee rồi đến Ritz. Tiếng hát của Anh Khoa là tiếng hát của những rặng thùy dương hiền hòa của miền biển Phan Thiết. Ritz còn có Mỹ Thể, giọng hát của thế hệ cùng thời với Lệ Thanh, Thanh Thúy. Mỹ Thể có tiếng ca cao vút nhưng không thanh như Lệ Thu mà ngộp thở, mà say…

Lê Văn Nghĩa

[footer]

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *