Để người yêu nhạc hiểu rõ hơn về góc độ kỹ thuật cũng như lịch sử hình thành và phát triển của băng cassette, Dòng Nhạc Xưa xin giới thiệu một bài viết với nhiều thông tin hữu ích trên trang tinhte.vn.
Bạn có còn nhớ băng Cassette? Nó 50 tuổi rồi đấy
(Nguồn: bài viết của tác giả levuongthinh đăng trên tinh.vn ngày 2013-09-15)
Bạn có nhớ lần cuối mình nghe một bài nhạc được phát từ băng Cassette là khi nào không? Mình dám cá là những đứa trẻ chừng 10 tuổi chắc là chẳng có ấn tượng gì về nó nữa cả. Mà thậm chí nếu không nhắc lại thì chắc hẳn nhiều bạn cũng đã
không còn nhớ đến sự tồn tại của những chiếc băng Cassette, khởi đầu cho những tâm hồn yêu thích âm nhạc từ 20-30 năm về trước. Còn một điều khác nữa là chắc không nhiều người biết rằng, băng Cassette đã 50 năm tuổi.
Băng cassette được phát minh bởi Dale Wiggins, trưởng nhóm nghiên cứu của công ty điện tử Philips. Tháng 8 năm 1963, hãng Philips ở Hà Lan đã cho ra mắt băng Compact Cassette và máy nghe Cassette (được giới thiệu lần đầu tại Hội chợ Triển lãm Phát sóng Funkausstellung tại Berlin). Từ năm 1965, những băng nhạc Cassette thông dụng bắt đầu được bán ra thị trường, lúc đầu chỉ có thể phát bằng chất lượng âm thanh mono (âm thanh đơn kênh, đơn loa), nhưng từ năm 1966 đã có băng Cassette stereo (đa kênh).
Băng Cassette Còn được gọi đơn giản là băng nhạc. Một băng Cassette được cấu tạo từ một cuộn băng có mang từ trường trong một vỏ băng bằng nhựa, trong đó thường được ghi bằng 4 rãnh âm thanh cho 2 mặt. Cuộn băng từ trường này rộng 3,81 mm, còn độ dài của cuộn băng và độ dày của băng tùy thuộc vào thời gian có thể chạy của cả băng, như có nhiều chuẩn thông dụng C60 (30 phút âm thanh mỗi mặt, băng dài 90 m), C90 (45 phút mỗi mặt, băng dài khoảng 130 m)… Cuộn băng từ trường này lúc đầu được làm từ một hỗn hợp ferric oxide (Fe2O3), nhưng sau có loại tráng thêm chromium dioxide (CrO2), hoặc vài hỗn hợp khác để tăng cường chất lượng âm thanh.
Cho đến năm 1988, riêng hãng Philips, nhà sản xuất thiết bị điện tử khổng lồ của Hà Lan, bán được khoảng 3 tỷ băng Cassette. Những hãng sản xuất băng Cassette nổi tiếng khác có thể kể ra như TDK, Maxell, BASF, Sony, JVC, Nakamichi,… Những biến thể phát triển của băng Cassette sau này như Digital Audio Tape (DAT), Digital Compact Cassette (DCC) (phát triển trong những năm 1992-1996) … tuy nhiên với sự biến chuyển nhanh chóng của thị trường kỹ thuật số, những sản phẩm này không đủ sức cạnh tranh lâu dài với những sản phẩm khác và dần dần bị quên lãng.
Ngày nay, ở các thành phố lớn, băng Cassette gần như đã bị lãng quên khi các thiết bị kỹ thuật số khác đang phát triển quá nhanh. Tuy nhiên, sự thật là nó vẫn còn được dùng để ghi các thể loại nhạc đường phố hay dân gian của người dân ở những khu vực như Trung Đông, Ấn Độ, và châu Á, một chủ cửa hàng bán băng đĩa nói với CNN.
Ngoài ra thì vẫn còn những người lưu luyến với những ký ức đẹp về băng Cassette. Bằng chứng là có nhiều món phụ kiện được lấy cảm hứng từ hình ảnh chiếc băng từ này. Đơn cử như là những vỏ bảo vệ dành cho điện thoại di động có hình băng Cassette hay những món đồ tự chế được làm từ băng Cassette.
Kỳ thực mình vẫn còn nhớ như in cái cảm giác thích thú khi mà Ba mình tặng cho mình chiếc máy Cassette đầu tiên vào năm 1995, lúc đó mình mới 11 tuổi. Nó thực sự là một món quà ý nghĩa và mang tới cho mình nhiều niềm vui. Nhờ nó mình nghe được những bản nhạc phát qua sóng radio, rồi tìm mua các băng Cassette ở cửa hàng, hay là mượn của những thằng bạn. Lúc đó mình nghe đi nghe lại những bài hát của Michael Learns To Rock, Backstreet Boys hay The Moffats. Canh nghe từng bài hát trên sóng radio để thu lại vào băng. Một chiếc băng được thu đi thu lại nhiều lần cho đến khi nó nhão, hoặc là bị cấn và rối. Hồi đó thỉnh thoảng cũng có làm một vài cuốn băng Cassette với những bài hát hay và lãng mạn tặng cho mấy bạn cùng lớp. Thật là vui!
Giờ đây sau 50 năm tồn tại, băng Cassette đã dần dần biến mất, nhưng chắc chắn chúng ta sẽ còn nhớ đến nó rất lâu. Có thể những đứa con, cháu của chúng ta chỉ có thể tìm được băng Cassette trong bảo tàng nhưng hy vọng là qua những câu chuyện kể của các bậc cha ông, chúng có thể mường tượng ra được cái cách mà những thế hệ đi trước đã nghe nhạc và đã yêu âm nhạc như thế nào.
Một số cột mốc và sự kiện quan trọng liên quan đến băng Cassette:
Tháng 8 năm 1963, hãng Philips ở Hà Lan đã cho ra mắt băng Compact Cassette và máy nghe Cassette (được giới thiệu lần đầu tại Hội chợ Triển lãm Phát sóng Funkausstellung tại Berlin). Một băng Cassette được cấu tạo từ một cuộn băng có mang từ trường trong một vỏ băng bằng nhựa, trong đó thường được ghi bằng 4 rãnh âm thanh cho 2 mặt. Cuộn băng từ trường này rộng 3,81 mm, còn độ dài của cuộn băng và độ dày của băng tùy thuộc vào thời gian có thể chạy của cả băng, như có nhiều chuẩn thông dụng C60 (30 phút âm thanh mỗi mặt, băng dài 90 m), C90 (45 phút mỗi mặt, băng dài khoảng 130 m)
Một trong những người ủng hộ băng Cassette ngay từ thời gian đầu là tay guitar Keith Richards của nhóm Rolling Stones, người đã mua một chiếc máy ghi âm để thu lại những đoạn demo nghe không mất tiền. Anh rất yêu thích nó và đã dùng để ghi âm các đoạn guitar cho những bài hát như Street Fighting Man và Jack Flash vào năm 1968. Trong một cuốn hồi ký có tên “Life” của ông, Keith còn nhắc lại rằng “Tôi hy vọng là tôi có thể làm lại được việc đó, chỉ tiếc là họ không còn sản xuất những thiết bị như vậy nữa.”
Xe ô tô là một trong những nhân tố góp phần phổ biến băng Cassette. Một số xe đã tích hợp hệ thống máy hát đĩa, tuy nhiên khi xe đi qua ổ gà giằng xóc thì kim đọc lại bị giật. Băng Cassette nhỏ gọn và dễ sử dụng cho nên nó vẫn được ưu tiên hơn. Với sự xuất hiện của băng Cassette, các tài xế bỗng nhiên không còn phải liên tục nghe AM/FM, mà thay vào đó là có thể nghe được các bài hát yêu thích của mình.
Một trong những vấn đề của băng Cassette là tính trung thực – nó không có được chất lượng như băng LP hay băng cối (reel to reel). Nhưng khi công nghệ được cải thiện thì chất lượng của băng Cassette cũng tăng lên. Một trong những chiến dịch quảng cáo nổi tiếng nhất cho băng Cassette được thực hiện bởi công ty Memorex, một nhà sản xuất băng Cassette, họ đã sử dụng giọng ca Ella Fitzgerald để đặt ra câu hỏi là, “Is it live? Or is it Memorex?”
Maxell, một nhà sản xuất băng Cassette khác, đã quảng bá cho chất lượng băng của họ với hình ảnh một người đàn ông ngồi trên ghế, bị thổi tung bởi chất lượng (và có thể là âm lượng) từ chiếc băng nhạc mà anh ta nghe. Trong nhiều năm, các hãng sản xuất như Maxell, TDK và Denon đã quảng bá về chất lượng của loại băng Cassette họ sản xuất và lớp từ phủ trên băng của họ.
Có những hạn chế đối với băng Cassette. Nếu thiết bị của bạn gặp chút trục trặc thì cuốn băng có thể không được cuốn vào và bạn sẽ nhận được một đống bùi nhùi. Cách cổ điển nhất để cuốn băng lại là gỡ rối, sau đó dùng cây bút chì chọt vào lỗ trống giữa lõi cuộn băng và xoay để xếp dây băng trở lại ngay ngắn. Nếu dây băng bị đứt thì hơi buồn, tuy nhiên có thể dán lại bằng keo, hoặc theo một số bạn ở Việt Nam thì dùng nhựa lá mít. Tuy nhiên, đoạn âm thanh ở khúc băng bị đứt sẽ bị ngắt quãng.
Nhóm nhạc của Anh Bow Wow Wow, dẫn đầu bởi ca sĩ Annabella Lwin, 14 tuổi, đã tung ra bản single trên băng Cassette đầu tiên “C-30 C60 C-90 Go” vào năm 1980.
Năm 1979, Sony ra mắt chiếc máy nghe nhạc Walkman đã tạo nên một cuộc cách mạng trên thị trường âm nhạc. Không còn phải cắm tai nghe vào cả giàn máy to lớn, giờ đây bạn có thể nghe nhạc bằng băng từ ngay khi đang đi ngoài đường.
Trong khi đó, “Boombox” là thiết bị đối lập với Walkman, một chiếc radio to với hộc chơi băng Cassette và các loa to. Tất nhiên, bạn có thể dùng nó để nghe nhạc trong phòng, nhưng đa số mọi người vẫn thích mang nó ra nơi công cộng để tận hưởng và chia sẻ “không gian âm thanh” với thế giới. Đây cũng là một thứ gắn liền với văn hoá hip-hop.
Dần dần, một cách tự nhiên, băng Cassette trở thành một nét nổi bật trong văn hoá. Nó đóng vai trò quan trọng trong các bộ phim.
Với sự ra đời của đĩa CD từ năm 1982, băng Cassette bắt đầu mất đi vị thế của nó. Năm 1992, băng Cassette ghi sẵn chiếm hơn một nửa lượng âm nhạc bán ra; 4 năm sau đó, nó giảm xuống còn 1/4. Và khi đĩa ghi được xuất hiện, dường như là “ngày tận thế” của băng Cassette đã đến và khi người dùng đã có thể tải nhạc từ internet thì băng Cassette thực sự rơi vào quên lãng.
Vào ngày 07/09/2013 vừa qua, một nhà sản xuất đã tổ chức ngày Cassette Store Day quốc tế, nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày băng Cassette ra đời. Một số lượng giới hạn các album nhạc sẽ được phát hành ở chuẩn Cassette, và một số album nhạc cổ điển hiện đại sẽ phát hành lại trên định dạng từ rất được yêu thích này. Bạn có thể vào cửa hàng của Cassette Store Day để mua băng Cassette nếu thích.