Loan mắt nhung

Huỳnh Anh | Nguyễn Thụy Long || 12/04/2013 | [dongnhacxua.com] || [facebook] [googleplus]

Trong gia tài sáng tác không nhiều (trên dưới 20 bản) của nhạc sỹ Huỳnh Anh, có một nhạc phẩm gây chú ý cho [dongnhacxua.com] vì cái tựa rất khó hiểu: Loan mắt nhung. Sau này có dịp tìm hiểu kỹ hơn về cuộc đời của nhạc sỹ Huỳnh Anh cũng như sự ra đời của cái tên “Loan mắt nhung”, chúng tôi phát hiện ra nhiều điều thú vị để chia sẻ cùng quý vị yêu nhạc xưa: “Loan mắt nhung” là bản nhạc do nhạc sỹ Huỳnh Anh viết cho bộ phim cùng tên do đạo diễn Lê Dân thực hiện vào năm 1970, lấy cốt truyện từ tiểu thuyết cũng cùng tên của nhà văn Nguyễn Thụy Long. Tác phẩm này xuất bản năm 1967, nói về cuộc đời của một thanh niên bình thường có đôi mắt đen huyền đẹp như nhung, bị hoàn cảnh đưa đẩy trở thành một giang hồ và chịu nhiều bi kịch.

NGUYỄN THỤY LONG VÀ TIỂU THUYẾT “LOAN MẮT NHUNG”
(Nguồn: Báo Công An TPHCM)

Nhà văn Nguyễn Thụy Long đã ra đi vào sáng 3-9-2009, khi vừa bước qua ngưỡng cửa “thất thập”. Dĩ nhiên với ngần ấy năm sống giữa thế gian, anh đã nếm trải đủ mùi vị cay đắng, ngọt bùi của cuộc đời.

Sinh năm 1938 tại Hà Nội, anh là một trong số những nhà văn hàng đầu ở miền Nam trước 1975 còn ở lại và suốt đời gắn bó với quê nhà. Trong sự nghiệp văn chương của mình, Nguyễn Thụy Long đã viết hơn 30 tiểu thuyết, trong đó có 20 tác phẩm hiện đang được lưu trữ tại thư viện của Viện Đại học Cornell, New York. Vào đời sớm, có thể nói thủa thiếu thời và những ngày mới lớn, Nguyễn Thụy Long thật sự là người của hè phố. Anh lặn hụp kiếm sống với đủ thứ nghề như một kẻ bụi đời chính hiệu, nhưng trái tim anh lại thuộc về một thế giới khác: thế giới của cảm xúc, biến mọi nhọc nhằn thành chất liệu cho ước mơ và văn học. Từ đó người đọc có thể bắt gặp nhân vật tiểu thuyết của Nguyễn Thụy Long sự nhẫn nhục và chịu đựng mọi nghịch cảnh một cách nhân ái và độ lượng.

Một số tác phẩm tiêu biểu của Nguyễn Thụy Long: Chim trên ngọn khô, Vác ngà voi, Sầu đời, Vết thù… đặc biệt là Loan mắt nhung, tiểu thuyết được dàn dựng thành phim và đã đọng lại trong lòng người xem những cảm xúc lâu dài.

Ngoài viết văn ra, Nguyễn Thụy Long còn là một nhà báo, dưới thời cố Tổng Biên tập Huỳnh Bá Thành, anh là một trong những cộng tác viên đặc biệt của Báo Công An thành phố. Vào những năm tháng khó khăn nhất, Nguyễn Thụy Long được Huỳnh Bá Thành gởi gắm cho địa phương trông coi một ao cá nằm trong hẻm sâu trên đường Âu Cơ, quận Tân Bình. Anh cùng với vợ con sống lây lất nhiều năm tháng trong căn chòi lợp tạm bên cạnh ao cá với đủ thứ vật liệu phế thải mà anh gọi đó là “căn chòi của tình người”. Nguyễn Thụy Long cũng có một kỷ niệm khó quên với nhà văn, nhà báo Trần Tử Văn. Cách đây khoảng 18 năm, có lần nghe anh Huỳnh Bá Thành mô tả Nguyễn Thụy Long ở ao cá viết lách khó khăn, mắt anh rất yếu, lại chỉ quen viết trên máy đánh chữ, sẵn có chiếc máy đánh chữ xách tay mới mua được vài tuần lễ, Trần Tử Văn không nghĩ ngợi liền tặng cho người bạn văn. Nhận được chiếc máy đánh chữ, Nguyễn Thụy Long mừng lắm, nhưng chỉ sử dụng chừng hơn tháng lại thấy anh quay lại viết tay. Gặp nhau, Trần Tử Văn hỏi máy chữ đâu? Nguyễn Thụy Long ngập ngừng một lúc rồi nói: “Kẹt quá, đành phải mang đi bán lấy tiền mua sữa cho con rồi, mong ông đừng buồn”. Trần Tử Văn không nói năng gì, chỉ đứng lặng yên, siết bàn tay Nguyễn Thụy Long thật chặt. Văn không tiếc của mà anh có vẻ xót xa cho số phận của một người bạn cầm bút.

Kể ra thì giã từ cuộc đời ở tuổi 71 như Nguyễn Thụy Long cũng không quá sớm mà cũng không quá muộn và chưa hẳn người ra đi đã buồn bã bằng người ở lại khi bằng hữu ngày càng vơi dần theo từng tháng, từng ngày. Thôi thì cũng xin thắp một nén nhang tưởng nhớ với lời cầu chúc giấc ngủ bình yên, một giấc ngủ không bao giờ bị đánh thức và như thế anh đã trút hết mọi buồn vui, mọi âu lo, toan tính gởi lại hết cho đời. Vĩnh biệt Nguyễn Thụy Long, vĩnh biệt Loan mắt nhung!

ĐẠO DIỄN LÊ DÂN KỂ VỀ BỘ PHIM “LOAN MẮT NHUNG”
(Nguồn: Thanh Niên)

Sau phim đầu tiên Hồi chuông Thiên Mụ (1957-1958), vì những hoạt động chính trị, tôi ngưng làm phim một thời gian dài. Đến giữa năm 1969, bất ngờ tôi gặp lại Gilberte Lợi, người cùng quê Tây Ninh với tôi. Cô nhờ tôi chọn một cốt truyện để làm phim.

Lúc ấy cô là Giám đốc Hãng nhập khẩu Cosunam Films nổi tiếng, nay muốn sản xuất bộ phim Việt Nam đầu tiên của hãng. Tôi giới thiệu quyển tiểu thuyết Loan mắt nhung của Nguyễn Thụy Long viết về đời sống giang hồ du đãng khá hấp dẫn. Gilberte Lợi đồng ý, mời tôi chuyển thành truyện phim và làm đạo diễn. Thế là tôi trở lại ngành điện ảnh với một loạt ba phim liên tiếp về tuổi trẻ: Loan mắt nhung (1970), Trần Thị Diễm Châu (1971) và Sau giờ giới nghiêm (1972), với mục đích phê phán xã hội suy đồi trong vùng địch tạm chiếm.

Loan mắt nhung kể chuyện về cuộc đời của Loan (Huỳnh Thanh Trà), một thanh niên bình thường bị hoàn cảnh xã hội đưa đẩy trở thành du đãng nổi tiếng. Khi còn lương thiện, Loan đã có mối tình rất đẹp với cô gái tên Xuân (Thanh Nga). Khi vào giới giang hồ, Loan gặp Dung bụi đời (Kim Xuân), và quy tụ những tên đàn em sừng sỏ: Tài Woòng (Nguyên Hạnh), Hải Cụt (Tâm Phan), Thanh Italie (Ngọc Phu). Cùng bọn chúng, Loan thực hiện nhiều phi vụ, buôn lậu, ăn cướp… Nhưng Loan luôn cảm thấy cô đơn. Loan muốn đổi đời, tìm vùng đất sống mới, nhưng không thoát được chốn bùn nhơ, càng ngày càng đi sâu vào tội ác. Loan gặp lại Xuân trong tình cảnh éo le, khi Xuân bị bọn xấu hãm hại đến chết. Quá đau khổ, Loan nổi loạn giết hết bọn ác, rồi tự nộp mình cho cảnh sát, ân hận rằng mình đã lãng phí tuổi trẻ.

Người đẹp màn bạc Việt một thời - Kỳ 7: Thanh Nga tài sắc vẹn toàn
Thanh Nga trong phim Loan mắt nhung – Ảnh: Tác giả cung cấp

Dư luận báo chí khen ngợi rất nhiều phim này. Tuần lễ chiếu phim đầu tiên, khán giả đã nô nức đi xem, phim Loan mắt nhung phải tiếp tục tuần lễ thứ nhì tại nhiều rạp. Bên cạnh ngôi sao Thanh Nga, nam diễn viên chính Huỳnh Thanh Trà chỉ là một khuôn mặt mới, nhưng từ phim này đã nổi lên, sau đó được nhiều đoàn nghệ thuật liên tiếp mời biểu diễn với thù lao rất cao. Huỳnh Thanh Trà, một diễn viên sân khấu, được tôi chọn nhờ có vóc dáng thích hợp, nhất là có đôi mắt to, sắc sảo, dễ gây ấn tượng.

Vai nữ chính là Thanh Nga, một nghệ sĩ cải lương tài sắc vẹn toàn. Chính nhà sản xuất phim Gilberte Lợi đã giới thiệu với tôi cô em gái của mình. Hai người là chị em con một cha, ông hội đồng Nguyễn Văn Lợi, cùng quê Tây Ninh với tôi. Thanh Nga tên thật là Juliette Nguyễn Thị Nga, mẹ cô là bà Nguyễn Thị Thơ  tức bà bầu Thơ, Trưởng đoàn hát Thanh Minh – Thanh Nga nổi tiếng. Khi gặp mặt nhau lần đầu tại trụ sở của Hãng Cosunam Films, tôi khen xã giao, nhưng thật tình: “Thanh Nga có nét đẹp trong sáng, chân thật, không màu mè, dễ gây cảm tình với khán giả”.

Thanh Nga sinh ngày 31.7.1942, mới 28 tuổi đời mà đã trải qua nhiều sóng gió trong tình yêu. Năm 1958, khi Thanh Nga nhận được huy chương vàng giải Thanh Tâm (vai sơn nữ Phà Ca, vở Người vợ không bao giờ cưới), đúng lúc ấy, mối tình đầu đến với người nghệ sĩ trẻ. Có một chàng trai mỗi ngày đều âm thầm đến gửi tặng hoa hồng cho người mình ái mộ. Nhưng rồi do thời cuộc, duyên nợ không thành, nên mối tình này không đi đến cái kết có hậu.

Đối với tôi, qua những trải nghiệm đau khổ nhiều lần về tình yêu của người trong cuộc, tôi có niềm tin Thanh Nga sẽ lấy được nước mắt của khán giả xem phim trước hoàn cảnh bi đát của cô gái tên Xuân, người yêu của Loan mắt nhung. Niềm tin ấy không sai, vì bộ phim này đã là một thành công đáng nhớ.    

[footer]

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *