Mai này có còn băng cassette?

Đối với nhiều thế hệ người yêu nhạc xưa, chiếc máy và cuộn băng cassette đã trở thành một cái gì đó không thể nào quên được. [dongnhacxua.com] xin đăng bài viết vừa sưu tầm được trên Báo Khánh Hòa để chúng ta cùng trở về quá khứ mấy mươi năm về trước.

Xem thêm: Cassette: Hoài Niệm Một Thời

MAI NÀY CÓ CÒN BĂNG CASSETTE?
(Nguồn: tác giả Xuân Thành viết trên BaoKhanhHoa.com.vn ngày 2014-02-25)

Đã có một thời, chiếc máy cassette là vật dụng thân thuộc trong mọi gia đình, những băng nhạc cassette rất được nâng niu. Thế nhưng, với sự xuất hiện ồ ạt của các đĩa nhạc CD, VCD…, băng nhạc cassette nhanh chóng rơi vào quên lãng.

Hoài niệm một thời

Theo nhạc sĩ Kiên Thanh, thời kỳ hoàng kim của máy và băng cassette là giai đoạn 1985 – 1995. Ngày ấy, có những người đã bỏ ra mấy chỉ vàng để sở hữu những chiếc máy cassette của các thương hiệu nổi tiếng như: Sharp, Sony, JVC… Cùng với đó, nghề bán băng cassette làm ăn rất được. Ở TP. Nha Trang, các tiệm bán băng cassette được nhiều người biết đến như: Phú Sĩ (đường Yersin), Trí Thành (đường Lê Lợi), Quân (đường Bạch Đằng). Ngoài việc bán các băng nhạc cassette được phát hành mới, các tiệm này còn thu băng cassette từ các băng cối Akai, từ đĩa nhạc nước ngoài để bán cho khách, làm các băng nhạc tuyển theo yêu cầu của khách hàng. “Ngày ấy, tôi thường đến tiệm Phú Sĩ để mua, thu băng cassette về nghe. Tôi thường thu những bài hát của Abba, Boney M, Modern Talking, sau này còn có thêm Whitney Houston, Diana Ross, Celin Dion…”,  Nghệ sĩ Ưu tú Ngọc Liên nhớ lại.

Với những người lớn lên ở làng quê, chiếc băng cassette cũng lưu dấu rất nhiều kỷ niệm. Nhiều người biết đến nhạc của Boney M, Modern Talking là nhờ những chiếc băng cassette chuyền tay nhau. Hầu như đám cưới nào cũng mở nhạc của 2 nhóm này. Lần đầu tiên nhà tôi có máy casssette là khoảng năm 1989 – 1990. Nhờ có máy cassette, tôi biết đến giọng hát của Thu Hiền, Bảo Yến, Ngọc Sơn… và còn biết đến nhạc nước ngoài. Ngày ấy, do băng cassette khá hiếm hoi nên một chiếc băng được thu đi thu lại nhiều lần cho đến khi nhão, dây băng bị rối không còn gỡ được mới thôi. Mỗi khi băng bị đứt, không có keo để dán, tôi thường lấy mủ từ lá cây lekima, vú sữa để nối băng nhạc. Lớn lên chút nữa, tôi cùng bạn bè thường canh sóng radio nghe những bài hát của Michael Leans To Rock, Backstreet Boy, The Moffats, các bài hát trong chương trình Làn Sóng Xanh… để thu lại vào băng. Cho đến khi trở thành sinh viên, tôi vẫn thường lên list những bài hát mà mình yêu thích rồi đến các tiệm để thu băng về nghe, tặng cho bạn bè. Thế nhưng, từ năm 2000, với sự phổ cập rất nhanh của đĩa CD, VCD, DVD, những băng cassette không đủ sức cạnh tranh và dần dần rơi vào quên lãng.

Máy cassette và băng nhạc hiếm hoi mà tiệm băng đĩa Thu Hương còn giữ lại. Ảnh: BaoKhanhHoa.com.vn
Máy cassette và băng nhạc hiếm hoi mà tiệm băng đĩa Thu Hương còn giữ lại. Ảnh: BaoKhanhHoa.com.vn

Còn ai nhớ đến băng nhạc cassette?

Mới đây, tôi đã đến nhiều tiệm bán băng đĩa trên địa bàn TP. Nha Trang để hỏi mua băng cassette, nhưng tất cả đều lắc đầu. Hầu hết các tiệm cho biết, đã dừng bán băng nhạc cassette từ 7 – 8 năm nay. Duy chỉ có tiệm băng đĩa Thu Hương (92 Thống Nhất, TP. Nha Trang) còn có một chiếc máy cassette hiệu National và 1 băng cassette nhạc Đan Trường. “Tôi giữ máy và băng này để cho khách thử phone, chứ không thì cũng bỏ lâu rồi” – bà chủ tiệm nói. Hiện nay, các hãng thu âm trong nước đã ngừng phát hành băng nhạc cassette; những người làm nghề thu băng nhạc cassette cũng dần bỏ nghề. “Bây giờ là thời đại công nghệ số, đến đĩa nhạc bán còn khó thì nghề thu âm băng cassette làm sao có đất sống”, nhạc sĩ Kiên Thanh lý giải.

Hiện nay, các tiệm điện tử chỉ bán máy tích hợp vừa có băng cassette vừa có đĩa CD. Khách mua về chủ yếu để dùng cho việc mở băng tụng kinh, học tiếng Anh… chứ không phải dùng để nghe nhạc. Một số nhà sách còn bán băng cassette (giá khoảng 20.000 đồng/băng) cho những người có nhu cầu thu băng. Nhà văn Xuân Tuynh cho biết, hiện nay, ông vẫn còn sở hữu khoảng gần 100 cuộn băng cassette. “Tôi vẫn thường mua băng cassette về ghi âm lại các truyện ngắn, thơ của bạn bè được đọc trên đài để tặng lại cho họ”, nhà văn cho biết. 

Theo nhạc sĩ Kiên Thanh, một số người ưa hoài cổ vẫn đang săn các băng cassette cũ, nhưng đó chỉ là thú chơi; còn trong đời sống, băng nhạc cassette đã “chết”. “Trước đây, băng cassette giết chết băng cối Akai. Đến lượt, đĩa CD, VCD giết chết băng nhạc cassette. Bây giờ, nhạc số cũng đang đe dọa sự tồn vong của đĩa CD. Đó là một quy luật của cuộc sống”, nhạc sĩ Kiên Thanh bày tỏ.

XUÂN THÀNH

[footer]

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *