Phòng trà ca nhạc Sài Gòn xưa (4): Mặt trăng và mặt trời ở phòng trà Tự Do

Dòng Nhạc Xưa xin mời quý vị yêu nhạc trở về với phòng trà Tự Do tọa lạc tại số 80 đường Tự Do (nay là đường Đồng Khởi) qua bài 4 trong loạt bài của ký giả Lê Văn Nghĩa.

Phòng trà ca nhạc Sài Gòn xưa: Mặt trăng và mặt trời ở phòng trà Tự Do

(Nguồn: bài viết của tác giả Lê Văn Nghĩa đăng trên ThanhNien.vn ngày 2016-10-27)

Với một lực lượng ca sĩ, ban nhạc hùng hậu và nổi tiếng, cộng với lợi điểm nằm giữa trung tâm thành phố, phòng trà Tự Do của ông Ngô Văn Cường xuất hiện đều trên các mặt báo lúc đó.

Một poster quảng cáo ca sỹ Carol và Uyên Phương của phòng trà Tự Do. Ảnh: NamRom64
Một poster quảng cáo ca sỹ Carol và Uyên Phương của phòng trà Tự Do. Ảnh: NamRom64

Lực lượng hùng hậu

Phòng trà Tự Do nằm ở số 80 đường Tự Do (nay là đường Đồng Khởi). Với một lực lượng ca sĩ, ban nhạc hùng hậu và nổi tiếng, cộng với lợi điểm nằm giữa trung tâm thành phố, phòng trà Tự Do của ông Ngô Văn Cường xuất hiện đều trên các mặt báo lúc đó.

Chương trình ca nhạc ở phòng trà Tự Do được phối hợp giữa những bản nhạc kích động và những bài hát trữ tình VN. Và với khoảng thời gian nào cũng vậy, nhạc tiền chiến VN vẫn là một đòi hỏi của dân mê nhạc. Dám đầu tư lớn, ông Cường đã đưa một số thiết kế mà ông thích từ Expo’70 vào phòng trà, tạo nên một không khí lai nửa Âu, nửa Á. Sân khấu “tân kỳ” với một cây cầu gỗ bắc ngang đưa người ca sĩ lại gần với khán giả. Báo chí nhận xét ở phòng trà này đẹp nhất là ánh sáng. Nhưng dù không khí có sinh động vì thiết kế, ánh sáng, âm thanh nhưng nếu thiếu những ca sĩ “vơ đét” thì kể như chào thua những Đêm Màu Hồng, Queen Bee, Maxim’ gần đó, nên ông Cường đầu tư mạnh vào những giọng ca chiếm lĩnh thị trường ca nhạc.

Trước nhất là những nữ ca sĩ nhạc trẻ của ban The Revolution. Ngọc Anh với đôi chân thật đẹp và gương mặt hao hao giống Khánh Ly vì nàng là em của Khánh Ly. Ngọc Anh hát nhạc với lời Pháp thì hay hơn nhạc lời Anh. Vi Vân, từ ngày rời xa Ba Trái Táo, cô hát độc quyền cho phòng trà này và chuyên hát nhạc soul. Cô có giọng mạnh, cao, nghe ngộp thở vì cái dáng bé nhỏ đó mà tiếng hát thì mênh mông. Carol là một gương mặt lạ của phòng trà Tự Do. Nàng hát với môi, với mắt, với chân tay và cả thân hình nữa.

Bên cạnh đó còn có ba giọng ca “họ Tuyết”: Tuyết Loan, Tuyết Dung, Tuyết Hương của Ba Trái Táo (Tuyết Dung hát thay Vi Vân). Đây là một ban hợp ca với những ca sĩ có vóc dáng gầy, đẹp và lối diễn xuất nóng bỏng không kém gì một ban hợp ca nước ngoài. Tất cả những lời nhận định về các giọng ca trên đây là từ một ký giả của báo Kịch Ảnh.

Sau cùng là nhóm các người con của nhạc sĩ Lữ Liên: Anh Tú, Khánh Hà, Bé Thúy, Bích Chiêu. Bích Chiêu tên thật là Lã Thị Chiêu, từng xuất ngoại nhảy múa và ca hát trên một số sân khấu Âu châu trong bảy năm với nghệ danh Bee Tchou. Khi về nước, Bích Chiêu được ông Cường mời về hát tại Tự Do. Từ khi chị em Bích Chiêu hát ở đây thì phòng trà này càng đông khách hơn nữa. “Ông Cường lo o bế dàn âm thanh, tiếp khách và đặc biệt là nhanh tay lẹ mắt vồ được những ca sĩ vừa có tiếng, vừa thơm như múi mít” (tuần báo Sinh Hoạt Nghệ Thuật).

Ngay từ khi chưa xuất ngoại, Bích Chiêu đã có lối trình diễn có khuynh hướng “man dại”. Với kinh nghiệm thu thập được từ nước ngoài, khi về nước Bích Chiêu trình diễn còn “man dại” hơn xưa, nhưng thật mãnh liệt và nhà nghề: đó là một thứ “man dại” của màn ảnh, của hộp đêm, của phòng trà

Giọng ngân vang huyền hoặc của Khánh Hà với đôi mắt thủy tinh cùng tiếng hát cao và điêu luyện của Bé Thúy với gương mặt non nớt trẻ con hát cùng Bích Chiêu thật hợp. Bộ ba chị em này có những bộ y phục lạ mắt, mốt nhất thường là do Bích Chiêu đặt từ nước ngoài về.

Hai nữ hoàng chung một phòng trà

"<yoastmark

Ngoài những giọng ca “thơm như múi mít” như Phương Hồng Hạnh, Ngọc Minh, Mai Hương còn có những giọng ca thơm như “sầu riêng”, không ai dám đụng vào trừ ông Cường. Đó là “mặt trời Khánh Ly” và “mặt trăng Lệ Thu” (chữ của Thương Sinh – Duyên Anh trên tuần báo Người). Theo báo chí thời ấy, phòng trà nào có Khánh Ly thì không có Lệ Thu và ngược lại. Nhưng với nhiều tờ tiền mệnh giá 500 đồng thì ông Cường đã chiêu dụ được Lệ Thu bỏ Ritz để về với Tự Do.

Năm 1971 sau khi đi Mỹ về, Khánh Ly cũng về đầu quân cho ông Cường để lãnh cát sê được cho là cao nhất giới ca sĩ phòng trà lúc ấy. Từ chân đất khi hát cho sinh viên, nàng ca sĩ “có giọng ca lừng khừng nhất nước” đã mang hài sen khi hát phòng trà.

Nếu Đêm Màu Hồng có vụ lùm xùm giữa Thái Thanh – Lê Quỳnh và nhà văn có tên thật là Mai Văn Sĩ thì Tự Do lại có chuyện liên quan đến tình duyên của ca sĩ Khánh Ly. Sau khi về Tự Do không lâu, ngày 6.3.1971 Khánh Ly đã tổ chức sinh nhật lần thứ 26 tại phòng trà này. Theo một tờ báo cho biết buổi lễ mừng sinh nhật chính là để dọn đường cho việc hợp thức hóa cuộc tình của nữ ca sĩ này với đại úy Mai Bá Trác. Hai người sau đó đã kết hôn. Nhưng đáng buồn, cũng tại trước cửa phòng trà này ba năm sau (thời kỳ phòng trà được mở cửa lại) có một cuộc ẩu đả giữa ông Trác (người chồng đang bị Khánh Ly đâm đơn ly dị) và thiếu tá Đỗ Hữu Tùng, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 147 thủy quân lục chiến. Dư luận cho là vụ đánh ghen, còn Khánh Ly hoàn toàn phủ nhận điều này.

Lê Văn Nghĩa

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *