Nói đến Hoàng Giác, người yêu nhạc xưa sẽ nghĩ ngay đến hai bản nổi tiếng: “Mơ hoa” và “Ngày về”. Trong bài viết này [dongnhacxua.com] xin mời quý vị thưởng thức sáng tác đầu tay của nhà nhạc sỹ tiền bối.
Theo nhà báo Hà Đình Nguyên trong bài viết về hai nhạc phẩm “Mơ hoa” và “Ngày về” đăng trên báo Thanh Niên ngày 17.02.2012:
Số tác phẩm của nhạc sĩ Hoàng Giác chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nhưng trong số đó đã có 2 tuyệt phẩm là Mơ hoa và Ngày về. Đó là niềm hạnh phúc và cũng là “tai ương” cho tác giả.
Định mệnh đã đưa đến cho nhạc sĩ Hoàng Giác một người vợ “trên cả tuyệt vời” để đồng cam cộng khổ, để là điểm tựa tinh thần cho chồng trong giai đoạn lao đao nhất của đời mình. Nói về sắc đẹp, bà Kim Châu (vợ nhạc sĩ) được tôn vào hàng “giai nhân đất Hà thành”. Biết bao chàng công tử phong lưu cầu cạnh được kề cận bên người đẹp, thế nhưng bà Kim Châu đã rũ bỏ tất cả để về “nâng khăn sửa túi” cho chàng nhạc sĩ tuy nghèo nhưng rất mực tài hoa, đúng như ước nguyện của mình.
Hoàng Giác sinh năm 1924, gốc làng Chèm (xã Thụy Phương, Từ Liêm, Hà Nội). Làng Chèm có nghề làm chả giò truyền thống trong câu thành ngữ “giò Chèm, nem Vẽ”. Cha của ông là một nghệ nhân chơi đàn bầu rất hay đồng thời cũng là một võ sĩ quyền anh, từng giữ chức Chủ tịch Liên đoàn Quyền anh Bắc kỳ. Hoàng Giác được theo học ở Trường Bưởi – một ngôi trường rất nổi tiếng thời đó. Bạn học cùng lớp với ông nhiều người sau này trở thành những nhạc sĩ nổi tiếng như Dzoãn Mẫn (tác giả Biệt ly), Ngọc Bích (tác giả Mộng chiều xuân), Đoàn Chuẩn (tác giả Thu quyến rũ)… Hoàng Giác được học nhạc trong nhà trường nhưng cũng giống bạn bè đồng lứa, còn mày mò tự học thêm. Những sáng tác đầu tay của thế hệ ấy đa phần ra đời trong giai đoạn này.
Nhưng bản nhạc đầu tay của Hoàng Giác không phải làm tặng cho… người đẹp Kim Châu. Ông kể: “Lúc bấy giờ, chúng tôi phần nhiều ở lứa tuổi 18, 19, cho nên rất mơ ước có những bài hát của người Việt làm với lời Việt. Lứa tuổi chúng tôi lúc đó hầu hết là học sinh, đều say sưa viết. Mơ hoa cũng là một trong những bài tôi viết thời đó. Đấy là năm 1945, tôi vừa tốt nghiệp Trường Bưởi, ở gần nhà tôi có một thiếu nữ trong Hà Đông ra, cô mới tuổi 16 thôi. Dáng người cô thon nhẹ, tóc dài. Chúng tôi gặp gỡ, trao đổi và có những tình cảm quyến luyến như những chàng trai, cô gái tuổi mới lớn khác. Nhìn cô, tôi liên tưởng ngay đến các cô ở làng hoa Ngọc Hà mà sáng sáng tôi hay gặp trên đường đi học. Thế là tôi mơ ước viết một bài để tặng cô ấy, tức nhiên trong lòng đã mang một giấc mơ. Và đấy là bản nhạc đầu tay trong cuộc đời sáng tác của tôi”.
[footer]
Một bình luận về “Mơ Hoa (Hoàng Giác)”