Một bài viết có giá trị nhạc thuật của tác giả Đức Long về ca sỹ Ngọc Lan (1956 – 2001), cánh hồng bạc mệnh của làng nhạc Việt. Chúng tôi chưa có cơ hội tiếp xúc với Đức Long và những phân tích là ý riêng của chính người viết. Xin cảm ơn tác giả và trân trọng gởi đến người yêu nhạc xa gần. Nhân dịp này Dòng Nhạc Xưa xin cầu chúc linh hồn nữ ca sỹ khả ái an nhàn nơi miền cực lạc.
Ngọc Lan – Nữ hoàng nhạc trữ tình Việt Nam
(Nguồn: bài viết của tác giả Đức Long đăng trên nhathanhdl.blogspot.com.au ngày 2014-03-06)
Người nghe nhạc Việt có lẽ không ai là không biết đến Ngọc Lan, nàng ca sĩ hồng nhan mà đoản mệnh, đã từng đốn gục biết bao trái tim si tình bằng nhan sắc và giọng hát diễm lệ của mình. Xuất hiện và nổi tiếng trên sân khấu ca nhạc ngay từ những năm đầu thập niên 80, đi qua suốt hai mươi năm chặng đường ca hát, với một gia tài đồ sộ chừng 800 ca khúc thu âm, Ngọc Lan đã thực sự ghi dấu ấn sâu đậm lên nền nhạc trữ tình đương đại Việt Nam. Không màu mè, không khoa trương, cô giống như một bóng hồng lướt qua lâu đài âm nhạc, tặng lại cho đời một thanh sắc khó phai, cái mà nhạc sĩ Trần Thiện Thanh đã từng nói: “Ngọc Lan đã tạo ra một trường phái mang tên Ngọc Lan”, ảnh hưởng tới nhiều thế hệ ca sĩ sau này.
Ngọc Lan dường như được sinh ra để hát nhạc trữ tình, cô sở hữu chất giọng lirico soprano (nữ cao trữ tình) rất sáng và ngọt ngào. Loại giọng này không hiếm, nhưng lại rất phù hợp với tai nghe của người châu Á nói chung và người Việt nói riêng, vì nó đánh vào khoảng âm dễ nghe nhất của con người, đặc biệt là với bản chất tính cách cũng như thị hiếu thưởng thức thẩm mỹ của người Á Đông vốn ưa những thứ nhẹ nhàng, sâu lắng. Đây có lẽ là tiền đề lớn nhất giúp Ngọc Lan tấn công vào sân khấu nhạc nhẹ, khơi dậy một màu sắc tân thời và khoác lên chiếc áo mới cho nền âm nhạc nước nhà. Nói về lirico soprano, Việt Nam ta rất nhiều, nhưng chỉ có Ngọc Lan mới đủ sức khơi nguồn một nền nhạc nhẹ mới, có thể đối chiếu cô với các giọng nữ trữ tình khác để thấy được sự khác biệt đó.
Lê Dung cũng là một lirico soprano, nhưng việc được đào tạo theo hướng thanh nhạc cổ điển khiến bà có khuynh hướng thể hiện kĩ thuật trên head voice nhiều hơn, phù hợp hơn khi hát nhạc cách mạng bán cổ điển. Dù Lê Dung có lấn sân sang nhạc nhẹ, nhưng cái chất cổ điển vẫn còn, nó khiến bà không thể tạo ra một âm sắc giọng riêng để gây ấn tượng trên sân khấu nhạc nhẹ. Các giọng lirico soprano như Thanh Hoa, Bích Liên, Hồng Liên… cũng rơi vào trường hợp tương tự vì được đào tạo để hát nhạc cách mạng ngay từ đầu, hay như Thanh Huyền cũng chỉ có thể làm chủ sân khấu nhạc dân gian mà thôi. Còn Thái Thanh khi ấy đã yên vị ở trường phái riêng của Phạm Duy, sử dụng lối hát bạch thanh để vút lên những quãng cao, thật khó để bảo bà phải hạ giọng để hát nhạc trữ tình cho được. Và một điều tế nhị, là hầu hết các giọng ca trên đều không nổi trội về nhan sắc hoặc đã có tuổi. Đúng lúc sân khấu đang cần một thế hệ ca sĩ mới có đầy đủ tài và sắc để có thể lăng xê một cách đại chúng thì Ngọc Lan xuất hiện như một lựa chọn hoàn hảo. Không giống như những ca sĩ khác, Ngọc Lan ngay từ sớm đã được tiếp xúc với âm nhạc quốc tế qua những bản tình ca tiếng Anh, tiếng Pháp đầy trữ tình, giúp hình thành trong cô một tư duy, cảm thức âm nhạc rất mới. Ngọc Lan đến với âm nhạc như một cô gái tân thời, sẵn sàng rũ bỏ lối hát nảy chữ, khép tiếng, lối luyến láy truyền thống của dân tộc, từ bỏ luôn cả lối hát ỉ ôi của nhạc vàng để khoác lên mình những lối hát mới đầy hiện đại và hấp dẫn.
Ngọc Lan là một ca sĩ khôn ngoan, cô biết phát huy tối đa chất trữ tình đặc trưng trong cữ âm của mình. Nhưng khác với mọi lirico soprano khác trước đây, cô không cố gắng luyến láy, đưa đẩy giọng để ra được cái trữ tình ấy, mà để cho nó xuất hiện một cách tự nhiên nhất. Nhiều người nói Ngọc Lan ít dùng kĩ thuật, họ hoài nghi về khả năng thanh nhạc của cô, nhưng ít ai biết rằng cô đã chọn cho mình lối hát hướng nội, ém kĩ thuật vào trong, dùng kĩ thuật để làm cho giọng hát tự nhiên nhất có thể, chứ không phải khoe toàn bộ kĩ thuật như các ca sĩ ngày nay vẫn làm. Bởi vậy khi nghe Ngọc Lan, chúng ta không bao giờ cảm thấy một kĩ thuật nào hết, không gào thét, không long notes, không high note, không luyến láy, không phô trương. Hãy thử nghe màn trình diễn ca khúc Xin một ngày mai có nhau để thấy được điều này, những note head voice được sử dụng trên quãng trung rất tinh tế, ém sâu vào giọng hát để tạo ra sự mượt mà, êm đềm, khác hoàn toàn với những ca sĩ bây giờ chỉ muốn khoe head voice cao vút. Việc sử dụng mix voice với lượng head voice gia tăng hơn chest voice trên những quãng trung trữ tình khiến cho bản nhạc trở nên mềm mại và du dương hơn một cách tự nhiên. Cách hát này đã ảnh hưởng tới nhiều ca sĩ như Thu Minh, Như Quỳnh, Minh Tuyết…, tạo nên một trường phái riêng mang tên Ngọc Lan.
Tâm lí học nữ giới đã chỉ ra rằng, bất cứ một người nghệ sĩ nữ nào cũng mang theo phẩm chất giới tính của mình vào hoạt động nghệ thuật, nhưng không phải ai cũng biết cách thể hiện nó một cách tốt nhất. Ngọc Lan là một trong số ít nghệ sĩ nữ biết phát huy phẩm chất giới tính của mình vào nghệ thuật, dùng nó để phát triển lối hát mới – lối “hát điệu”, rất phù hợp với những giọng lirico soprano nhẹ nhàng. Quả thực mà nói, hiếm có ca sĩ nào hát điệu đà như Ngọc Lan, ngọt như rót mật vào tai, mềm đến tận xương tủy. Nhờ lối hát này mà Ngọc Lan đã đốn gục biết bao trái tim si tình, biến nó trở thành vũ khí tối mật cho các giọng nữ, mà sau này đã được Như Quỳnh, Minh Tuyết, Y Phương kế thừa thành công. Ca sĩ nữ ai cũng có thể hát điệu, nhưng không phải ai cũng điệu một cách hấp dẫn và văn minh như Ngọc Lan. Điệu mà làm quá mức, hoặc không biết kiếm soát giọng hát của mình, không biết cân bằng liều lượng của cái điệu ấy, không biết để nó vào chỗ nào thì dễ dàng bị lố, phản cảm, nói một cách dân giã là “điệu chảy nước”. Điển hình của việc phản tác dụng này là nhóm Mắt Ngọc, hoặc đỡ hơn là ca sĩ Thu Minh. Nhưng Ngọc Lan thì không thế, cái điệu của cô được kiểm soát kĩ trong giọng hát và dồn nhiều kĩ thuật, giúp cho giọng hát của cô tự nhiên hơn, ngọt ngào hơn, cảm xúc hơn, như đang tự sự một câu chuyện tình vậy. Thậm chí, lối hát điệu này còn giúp cô bật được chất sáng trong âm sắc giọng của mình lên. Có thể so sánh ca khúc Lại gần hôn em qua sự thể hiện của Ngọc Lan và Thu Minh để thấy được sự khác nhau giữa cái điệu gượng ép và cái điệu tự nhiên, có sự kiểm soát.
Cũng cần nói đến cái riêng nữa trong giọng hát của Ngọc Lan, đó là chất buồn. Ngọc Lan hát rất buồn, cái buồn trở thành bản chất cố hữu trong giọng hát của cô, nên dù có hát những giai điệu uptempo vui tươi, nhanh mạnh thế nào thì vẫn cứ man mác buồn. Có thể xem màn trình diễn Black is Black sau để thấy được điều đó, dù giai điệu rất mạnh, sôi động, và Ngọc Lan cũng đã cố gắng hát bốc lửa nhất có thể, nhưng vẫn không thể giấu được cái buồn trong đó.
Cái buồn cố hữu biến Ngọc Lan thành nữ hoàng của những bản nhạc buồn. Thật khó mà tìm được ca sĩ nào có thể hát buồn được hơn cô. Những ca khúc như Mưa trên biển vắng, Mùa hè năm ấy, Tuyết rơi… nếu rời khỏi tay Ngọc Lan sẽ trở thành nhạc sến ngay lập tức, chỉ duy nhất có cô mới đủ sức diễn tả được cơn sầu mê ảo, ám ảnh đến như thế. Giọng hát của cô giống như thứ ma lực lôi người nghe khỏi thực tại để mê man trong một cõi buồn say nào đó vậy. Nhiều ca sĩ cố gắng hát buồn như Ngọc Lan mà không hiểu rằng điều đó thuộc về thiên bẩm của cô ấy rồi.
Dù là một giọng soprano nhưng kĩ thuật tốt giúp Ngọc Lan có thể xuống được quãng trầm một cách thoải mái, cô có thể hát liên tục quãng trầm trong một đoạn dài với sự hỗ trợ tốt, đặc biệt là các note F3, B3, vì thế giọng hát của cô dù thanh mảnh nhưng vẫn có sức nặng và sâu chứ không hời hợt. Ở quãng trầm, Ngọc Lan có thể hát note trầm trên các từ có thanh 2 (thanh sắc) vốn là thanh điệu mang âm điệu cao, bổng trong tiếng Việt, đây là một điều hiếm thấy với một soprano. Không những thế, khả năng chuyển giọng của cô cũng đáng kinh ngạc, trong ca khúc Revoir, cô có thể hát đều đặn ở quãng trầm trong suốt một đoạn dài để rồi đột ngột nhảy lên quãng cao với đúng âm sắc soprano như đang hát ở hai giọng khác nhau vậy.
Kỹ thuật mix voice của Ngọc Lan rất tốt, cô thường dùng nó để lên C5 kèm theo ngân rung nhưng với âm lượng rất nhỏ và giấu kín vào câu hát nên để không ai có thể nhận ra.
Nếu ai biết tiếng Pháp còn có thể thấy Ngọc Lan có kĩ thuật xướng nguyên âm (vocalize) rất điêu luyện và quyến rũ, thuộc bậc nhất ở Việt Nam. Có thể nghe một số ca khúc cô hát bằng tiếng Pháp để thấy được điều đó như Encore, Lui, Comme toi, Femme amoureuse… để thấy được điều này. Ở đây, ta bắt gặp điểm chung giữa Ngọc Lan và các diva thế giới như Celine Dion, Lara Fabian là dùng nasal voice (đặc trưng giọng Pháp) rất tinh tế, sang trọng và đầy quý phái. Có thể nói Ngọc Lan như một quý cô châu Âu bước vào nhạc Việt vậy.
Nhắc tới nhạc Trịnh, người ta thường nghĩ tới Khánh Ly, Hồng Nhung, nhưng vị trí thứ ba nên được ưu ái dành cho Ngọc Lan, chính cô đã đem đến một trường phái mới cho nhạc Trịnh. Nếu Khánh Ly hát nhạc Trịnh theo lối âm tính đúng đặc trưng alto, Hồng Nhung chọn lối hát dương tính, thì Ngọc Lan lại hát với đúng chất buồn có sẵn của mình, cái chất buồn nảy nên từ sự mỏng manh, tinh khối trong giọng hát. Chúng ta biết rằng nhạc Trịnh thường hát về những bóng hồng, vậy thì liệu ai có thể truyền tải cái bóng hồng ấy tốt hơn một bóng hồng biết hát như Ngọc Lan? Hãy thử nghe những ca khúc như Diễm xưa, Chiều một mình qua phố, Tuổi đá buồn… để thấy được sự xuất sắc của Ngọc Lan, từ cách nhả chữ, dùng mix voice ở quãng trung đều mới lạ và thổi một ngọn gió mới vào nhạc Trịnh.
Với những cống hiến to lớn cho nền âm nhạc đương đại, Ngọc Lan xứng đáng được tôn vinh như một huyền thoại của nhạc Việt. Giọng hát của cô là sự kết hợp tuyệt vời giữa cái buồn, mong manh của Đặng Lệ Quân và cái sang trọng của Edith Piaf, là tài sản quý báu cho khán giả yêu nhạc trữ tình. Đã nhiều năm trồi qua kể từ ngày cô tạ thế để về với Chúa, nhưng tiếng hát của cô vẫn luôn vang vọng trên mọi miền đất nước cũng như cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Những tượng đài sẽ không bao giờ chết.
Hải Phòng ngày 6 tháng 3 năm 2014
Đức Long