(Tô Thanh Tùng là một trong số ít các nhạc sỹ đã thành danh trước năm 1975, tiếp tục ở lại và sáng tác tại Việt Nam. Hiện ông cũng đã ở ngưỡng “thất thập cổ lai hy” và đang vui hưởng tuổi già ở Bình Dương. [dongnhacxua.com] xin trân trọng gởi đến bạn yêu nhạc xưa bài viết của nhà văn Đinh Thu Hiền đăng trên báo điện tử Giáo Dục).
Bất kỳ ai gặp nhạc sĩ Tô Thanh Tùng, tác giả của những ca khúc nổi tiếng Giã từ, Sao em nỡ đành quên, Giăng câu, Tình cây và đất, Hồng Ngự mang tên em, Tiễn biệt… cũng đều có cảm tình ngay lần đầu tiên. Vẻ mộc mạc, rất Nam Bộ của ông được “đóng dấu” vào trong từng ca khúc. Và cuộc đời thăng trầm của Tô Thanh Tùng cũng được trải nghiệm trong từng lời ca, giống như lời trong ca khúc Giã từ “Tuổi đời chân đơn côi/ gót mòn đại lộ buồn/ Đèn đêm bóng mờ nhạt nhòa…”.
Gắn với “thương hiệu bolero”
Nhạc sĩ Tô Thanh Tùng sinh năm Giáp Thân (1944) tại huyện Hồng Ngự – tỉnh Đồng Tháp. Đam mê ca hát từ nhỏ và vì yêu cảnh sông nước quê mình nên ông đã tự mày mò sáng tác. Khởi đầu trong các sáng tác của ông là dòng nhạc trữ tình – bolero. Bản nhạc đầu tiên ký tên Tô Thanh Tùng là Hồng Ngự mang tên em (1963).
Những sáng tác của Tô Thanh Tùng là nhiều cuộc tình xâu chuỗi lại. Ông yêu nhiều và được nhiều cô gái hâm mộ. Dù hết lòng với tình yêu, nhưng cho đến tận bây giờ, đã ở cái tuổi 67, ông vẫn còn lang thang đi tìm một tình yêu đích thực cho mình.
Tác phẩm Sao em nỡ đành quên cũng là một trong những đứa con của tình yêu như vậy. Năm 1965, Tô Thanh Tùng rời quê nhà Đồng Tháp lên Sài Gòn học Trường Luật. Kỳ nghỉ hè năm thứ nhất về Hồng Ngự, ông gặp lại cô gái chung xóm tên Tuyết. Trong buổi gặp ấy, Tuyết khi đó mới 17 tuổi đã thố lộ tình yêu với chàng sinh viên đa tài này. Nhưng vì đang còn đi học, chưa muốn ràng buộc gì nên Tô Thanh Tùng không dám nhận mối tình trong sáng ấy. Đêm về, trong sự day dứt, ông đã viết Sao em nỡ đành quêntặng cho Tuyết mà mở đầu là một lời trách móc rất con gái: “Sao em nỡ đành quên bao lời tha thiết êm đềm/ Sao em nỡ đành quên chuyện tình đẹp như giấc mơ…”.
Ca khúc bolero Giã từ cũng thế. Ông kể: “Năm 1970, tôi cùng một nhóm sinh viên Văn Khoa hay vào một quán cà phê tại Đa Kao (quận 1) bởi quán này có một người con gái đẹp tên Diễm ngồi thu ngân. Tôi biết Diễm để mắt tới tôi bởi lúc ấy, tôi có sáng tác bài Mắt Diễm buồn cho ca sĩ Elvis Phương hát được nhiều người biết đến. Tuy nhiên, những ngày vui của tôi với Diễm khá ngắn ngủi, khi nàng ngoảnh mặt quay lưng cũng là lúc tôi đau khổ. Nhiều đêm dài lang thang dưới phố rồi đêm về tôi viết nên ca khúc Giã từ…”. Năm 1971, Tô Thanh Tùng tình cờ quen một cô ca sĩ miệt vườn tên Thu Vân có giọng hát rất hay, anh liền mời cô này từ Sa Đéc về Sài Gòn thu âm bài Giã từ để gửi cho đài phát thanh. Thế nhưng, nhạc sĩ Lê Dinh (Trưởng phòng Văn nghệ Đài Phát thanh Sài Gòn) lại từ chối phát vì quy định lúc đó tất cả các ca sĩ được xuất hiện trên sóng phát thanh đều phải đạt tiêu chuẩn là nổi tiếng. Trong khi đó Thu Vân chỉ là một ca sĩ dưới miệt vườn, không có tiếng tăm. Nhưng khi nghe qua băng cassette, nhạc sĩ Lê Dinh đồng ý cho phát một lần vào sáng chủ nhật, nếu dư luận tốt thì sẽ phát tiếp. Không ngờ với phong cách bolero tuyệt vời cộng hưởng cùng giọng hát da diết của Thu Vân, Giã từ đã làm lay động hàng triệu trái tim của thính giả yêu âm nhạc. Nhiều người đã bật khóc khi nghe bản nhạc này trong đêm vắng. Cô ca sĩ miệt vườn này cũng nổi tiếng từ đó, hiện cô đang định cư ở nước ngoài.
Không “đóng khung” mình
Dù rất thành công với dòng nhạc bolero nhưng nhạc sĩ Tô Thanh Tùng không muốn “đóng khung” mình ở một thể loại. Những năm 90, khi chương trình Mưa bụi làm mưa làm gió trên thị trường âm nhạc lúc bấy giờ thì Tô Thanh Tùng lại một lần nữa khiến nhiều người ngạc nhiên khi trình làng ca khúc Giăng câu hết sức dân dã, khác với dòng nhạc bolero do Đình Văn và Tài Linh trình bày. Giăng câu mang âm hưởng rặt dân ca Nam Bộ, được giới bình dân đặc biệt yêu thích. Ca từ trong Giăng câu cũng hết sức dễ hiểu: “Em hỏi anh đêm nay đi dâu/ Anh nói rằng anh đi giăng câu/ Anh đi giăng câu trên chiếc xuồng câu/ Anh có cây sào anh chống ào ào, chống ào ào…”. Ca sĩ Bảo Yến, một trong những ca sĩ rất yêu thích dòng nhạc bolero của Tô Thanh Tùng đã gọi ông là người phổ thơ tuyệt vời với các bài Người hàng xóm của thi sĩ Nguyễn Bính, Chùa Hương thiếu em của nhà thơ – nhà báo Dương Trọng Dật.
Tô Thanh Tùng sống rất giản dị và chất phác. Bốn năm qua, Tô Thanh Tùng về thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương mua đất làm vườn, vui thú điền viên. Tính ông hiền lành, không màu mè, khách sáo, luôn cười sảng khoái đúng kiểu nông dân Nam Bộ. Có lần xuống thăm, trong buổi tiệc rượu lai rai, ông cầm đàn chơi vài bản. Ông hát Giăng câu réo rắt như mình đang ở vùng Đồng Tháp Mười chống sào đi câu cá; hát Sao em nỡ đành quên thì ngậm ngùi, man mác; Giã từthì da diết, ám ảnh. Và đến Tình cây và đất thì vô cùng trong sáng, thánh thiện. Trong các đám cưới, nhiều ca sĩ thường chọn Tình cây và đất để chúc phúc cho cô dâu chú rể vì “Trời se duyên nên khiến anh gặp em/ Cho lứa đôi kết thành mộng ước của ngày xanh/ Rồi mai đây anh là đất em là cây/ Vĩnh phúc cho ai biết rằng, từ đó mùa xuân vĩnh hằng…”. Với giai điệu bolero, các bài hát của Tô Thanh Tùng thường đem lại cảm giác buồn và đôi chút mất mát, ngậm ngùi. Tuy nhiên, ông khẳng định rằng câu kết trong các bài hát của ông đều rất có hậu. Tình yêu dù đã ra đi nhưng vẫn nên giữ lại những điều ngọt ngào về nhau. Ví như trong Giã từ, kết thúc là “Người về trong thương nhớ, người đi nhớ thương người”. Còn trong Tiễn biệt thì “Chúc em phương đó có nhiều tương lai, với bao mong ước đong đầy trong tay”. Mới đây, Tô Thanh Tùng còn trình làng một album Đại Nam huyền sử ca với gần 20 bài hát mới cũng như phổ thơ với ca từ và giai điệu hùng tráng gắn với lịch sử oai hùng của dân tộc: Nhớ ngày giỗ Tổ, Cha Lạc Long Quân, Mẹ Âu Cơ, Đại Nam huyền sử ca… Còn một “gia tài” khoảng 50 ca khúc nữa Tô Thanh Tùng vẫn chưa phát hành, ông cười bảo còn đang chờ những tình yêu mới trong quãng đời còn lại của mình.