Kinh tế thế giới năm qua (2013) vẫn chưa thoát ra khỏi khủng hoảng và trong bối cảnh đó, kinh tế Việt Nam cũng chẳng khả quan gì: đầu tư nước ngoài giảm sút, hàng ngàn doanh nghiệp phá sản, bất động sản đóng băng, hệ thống ngân hàng vẫn còn bất cập… Một điều tất yếu là người lao động không được tăng lương, thưởng tết cũng vì thế mà bị bóp lại, đó là chưa nói đến chuyện đáng buồn hơn là bị mất việc. Chính vì vậy mà tết Giáp Ngọ 2014 chúng ta thấy có nhiều đứa con tha phương cáo lỗi cùng gia đình là “xuân này con không về”, ở lại đón một mùa xuân mới ở Sài Gòn, Hà Nội hay một chốn thị thành nào đó.
Trong tâm tình đó, [dongnhacxua.com] xin gởi đến bạn yêu nhạc, đặc biệt là những đứa con không về sum vầy bên gia đình trong những ngày xuân, một nhạc phẩm xân bất hủ: ‘Xuân này con không về’ của nhóm tác giả Trịnh Lâm Ngân, tức bao gồm nhạc sỹ Trần Trịnh, Nhật Ngân và Lâm Đệ. Với những bản nhạc sáng tác chung dưới bút danh Trịnh Lâm Ngân thì phần lớn là sáng tác của Nhật Ngân, còn Trần Trịnh tham gia viết lời và chỉnh sửa đôi chút, còn Lâm Đệ, con rể của ông chủ hãng đĩa Asia Sóng Nhạc ngày xưa thì lo phần phát hành.
Cũng cần nói thêm là bản này qua tiếng hát Duy Khánh đã trở nên quá nổi tiếng đến nỗi nhiều người lầm tưởng đây là sáng tác của Duy Khánh.
Xuân này con không về (Trịnh Lâm Ngân). Ảnh: AmNhacMienNam.blogspot.com
‘XUÂN NÀY CON KHÔNG VỀ’ VÀ NHẠC SỸ NHẬT NGÂN (Nguồn: rfa.org)
Dường như bao giờ những ca khúc viết về mùa xuân cũng đều đẹp, đều vui. Thế nhưng, vẫn có những ca khúc thật đẹp, sống mãi với thời gian song lại đượm buồn mà hầu như người Việt nào cũng đã một lần từng nghe, từng biết. Đó là tác phẩm Xuân Này Con Không Về của nhạc sĩ Nhật Ngân.
Chương trình âm nhạc cuối tuần kỳ này, xin được một lần nhìn lại tác phẩm của người nhạc sĩ tài hoa mới ra đi ở độ tuổi 70, chỉ 2 ngày trước khi xuân Nhâm Thìn gõ cửa.
Thưa quí thính giả, cứ mỗi độ xuân về thì dường như không người Việt nào lại không nghĩ đến tác phẩm Xuân Này Con Không Về, bài hát đã gắn liền với nhiều thế hệ người nghe nhạc suốt nửa thế kỷ qua.
Lời hát và giai điệu của ca khúc chậm buồn, diễn tả tâm trạng của người con xa nhà vào dịp Tết, không về sum họp được với gia đình, không được gặp mẹ, không được gặp các em. Đó là lúc mai đào nở vàng, là lúc có nồi bánh chưng nghi ngút khói, là lúc có tiếng pháo nổ với đàn trẻ thơ, thế nhưng, người trai đó lại ở tận nơi phương trời xa và chạnh lòng nghĩ tới cảnh đoàn viên.
Hôm nay, Vũ Hoàng xin được dành chương trình này gọi là một chút tri ân đến người nhạc sĩ tài hoa, qua buổi trò chuyện với nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn, một người bạn thân thiết của nhạc sĩ Nhật Ngân để cùng nghe ông chia sẻ về kỷ niệm của bài hát này cũng như những dòng tâm sự khi tác giả của Xuân Này Con Không Về mới vừa ra đi.
Tâm sự người lính xa nhà
Nhạc sĩ Nhật Ngân. Lúc sinh thời, nhạc sĩ Trần Trịnh rất thân thiết với nhạc sĩ Nhật Ngân; hai ông đã cộng tác với nhau để viết nên nhiều bài hát bất hủ . Photo courtesy of Trần Vũ Trân.
Vũ Hoàng: Thưa nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn, là người bạn thân của nhạc sĩ Nhật Ngân và ông cũng đã từng biết đến bài hát Xuân Này Con Không Về từ nhiều năm nay, thì ông có thể chia sẻ đôi dòng suy nghĩ của mình về bài hát này được không ạ?
Phải nói như thế này, nhạc sĩ Nhật Ngân, ông viết rất nhiều bài về xuân, chẳng hạn như Xuân Này Con Không Về, qua bên này, ông viết Xuân Này Con Về Mẹ Ở Đâu, rồi ông viết bài Cám Ơn cũng là thư xuân, rồi Xuân Nào Con Sẽ Về.
Một loạt những bản nhạc, nói chung ngày đầu năm ông hay nhớ về người mẹ. Thì bài Xuân Này Con Không Về đương nhiên là ông viết trong thời chinh chiến, mà nhạc sĩ Nhật Ngân thì ông có rất nhiều sáng tác trong thời chiến và bài này là lần đầu tiên ông đưa cho ca sĩ Duy Khánh thu trong studio của Asia tại Sài Gòn.
Bài này khi được tung ra lần đầu tiên, lúc đó chúng tôi đang trong quân đội, thành thử nghe rất xúc động bởi vì nó chia sẻ được tâm sự của bất kỳ người lính nào xa nhà, thì lúc nào cũng nhớ về quê nhà của mình và nhất là nhớ về hình ảnh người mẹ. Đó là kỷ niệm của tôi đối với bài Xuân Này Con Không Về mà Vũ Hoàng của Đài Á Châu Tự Do vừa nhắc đến.
Nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn: Còn riêng đối với nhạc sĩ Nhật Ngân, thì chắc thính giả cũng còn nhớ Trung Tâm Thúy Nga Paris By Night đã tổ chức một chương trình đặc biệt cho nhạc sĩ Nhật Ngân với nhạc sĩ Trần Trịnh, 2 người đã kết hợp dưới cái tên Trịnh Lâm Ngân, ngay cả trong bản nhạc in bài Xuân Này Con Không Về cũng đề tên là Trịnh Lâm Ngân và không đề riêng là của Nhật Ngân. Quý vị chắc cũng nhớ trên Paris By Night, nhạc sĩ Nhật Ngân có giải thích nhiều bài nhạc sĩ Nhật Ngân viết chung với nhạc sĩ Trần Trịnh. Có nhiều bài thì của riêng nhạc sĩ Trần Trịnh, có nhiều bài của riêng nhạc sĩ Nhật Ngân, nhưng đều ký chung là Trịnh Lâm Ngân.
Đang nói đến tin buồn của nhạc sĩ Nhật Ngân thì mới nghĩ trong đời có nhiều trùng hợp. Chẳng hạn như nhạc sĩ Y Vân viết bài 60 Năm Cuộc Đời, cuộc đời ông đâu chỉ có 60 năm, nhưng theo ý niệm của tử vi, tròn một lục thập hoa giáp, thí dụ như ai sinh năm Nhâm Thìn, 1952, thì năm nay là năm Nhâm Thìn, thì đủ một vòng 60 năm thì người ta gọi là 60 Năm Cuộc Đời, mà trong tử vi gọi là Lục Thập Hoa Giáp.
Nhạc sĩ Y Vân viết 60 Năm Cuộc Đời, thì không ngờ ông mất ở năm 60. Còn nhạc sĩ Nhật Ngân viết một loạt nhạc về xuân, như chúng tôi vừa kể ít nhất là có 5 bài, thì ông lại chết vào đúng dịp Tết, nói cho chính xác 2 ngày trước Tết, thì ông mất. Đó là điều chắc chắn gây nhiều xúc động.
Cho nên sự ra đi của nhạc sĩ Nhật Ngân thì đối với quần chúng, khán thính giả đã là một sự mất mát lớn, đối với trung tâm Thúy Nga hay đối với chúng tôi mất đi một người bạn đáng quí.
Khát khao hòa bình
Ca nhạc sỹ Duy Khánh. Ảnh: my.opera.com/diemxuacafe/blog
Nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn: Chúng tôi hiểu nhạc sĩ Nhật Ngân trong tâm tư của ông, ông là một người lớn lên trong thời chiến, ông là một người khoác áo chiến y, ông sáng tác nhiều bài tâm sự về người lính ở ngoài chiến trường.
Nhưng trong thâm sâu ông là một người khát khao đất nước có hòa bình, cho nên chúng ta thấy rằng sau Hiệp định Paris năm 72-73 đó, ông viết 2 bài mà chắc chắn bất cứ một người nào cũng nhớ là Qua Cơn Mê và Một Mai Giã Từ Vũ Khí. Ông là một người làm trọn người trai trong thời chiến, nhưng ông khát khao đất nước chấm dứt chiến tranh, có được hòa bình cho nên, tất cả những tâm sự đó của ông được gửi qua 2 bài Qua Cơn Mê và Một Mai Giã Từ Vũ Khí mà chúng ta đã nghe đi nghe lại nhiều lần.
Tôi nghĩ đó là tâm trạng chung của bất kỳ người nào ở thế hệ của ông, chẳng hạn như chúng tôi, miền Nam hay miền Bắc, chỉ trừ một số người chủ trương hiếu chiến chứ còn ai cũng có khát vọng hòa bình và nhạc sĩ Nhật Ngân đã diễn tả được ý đó. Nên khi tâm sự với anh trong các quán cà phê thì cũng rất hiểu được tâm trạng của anh trong thời chiến.
Vũ Hoàng:Xin được hỏi ông câu cuối, bài Xuân Này Con Không Về cũng gắn bó với nhiều thế hệ ca sĩ, từ những ngày bắt đầu với ca sĩ Duy Khánh, cho đến bây giờ là Quang Lê hay Đặng Thế Luân. Được chứng kiến sự thay đổi đó, ông có nhận xét về các thế hệ ca sĩ hát bài này không ạ?
Nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn: Nhạc sĩ Duy Khánh là người đầu tiên hát bài đó, cho nên để lại một ấn tượng rất mạnh và rất là lâu và sâu trong lòng người, nhưng có thể là do kỹ thuật thâu thanh thời đó, cách đây hơn 40 năm, gần 50 năm thì không thể bằng bây giờ được, cho nên tiếng hát của Quang Lê giờ đây trẻ trung và đầy.
Khi nhạc sĩ Duy Khánh vào nghề thì tuổi cũng đã lớn hơn Quang Lê bây giờ, mà nhạc sĩ Duy Khánh lại sống trong thời chiến, cũng là một khoác áo lính, cho nên tâm sự được diễn tả nồng nàn hơn, nhưng chất giọng của Quang Lê bây giờ trẻ trung hơn và dĩ nhiên là kỹ thuật thâu âm bây giờ cao hơn ngày trước nhiều, cho nên chúng ta thấy vang dội hơn, nhưng mà ấn tượng để sâu trong lòng người vẫn là Duy Khánh là người hát đầu tiên bài này.
Vũ Hoàng: Vâng, Vũ Hoàng xin được thay mặt thính giả, cám ơn nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn rất nhiều, và nhân dịp đầu xuân mới, xin chúc ông và gia đình một năm mới vạn sự như ý.
Thưa quí thính giả, như quí vị cũng nhớ, cách đây khoảng hơn 3 tháng, chúng tôi có thực hiện 2 chương trình âm nhạc nói về dòng tân nhạc Việt Nam trước và sau năm 1975 với sự giúp đỡ của nhạc sĩ Nhật Ngân. Không ngờ, đến hôm nay, ông đã ra đi.
Qua làn sóng của Đài ACTD, Vũ Hoàng xin được gửi lời phân ưu đến gia đình và mong ông yên giấc nơi chín suối. Trước khi khép lại chương trình hôm nay, mời quí vị nghe lại ca khúc Xuân Này Con Không Về qua tiếng hát ca sĩ Quang Lê. Vũ Hoàng xin chào và hẹn gặp lại quí vị trong chương trình âm nhạc cuối tuần kỳ sau.
Tiếp nối ‘Ly rượu mừng’ của Phạm Đình Chương, [dongnhacxua.com] xin mời quý vị trở về với dòng nhạc tiền chiến để thưởng thức một trong những bản nhạc xuân hay nhất của nền tân nhạc Việt Nam: ‘Xuân và tuổi trẻ’ với nét nhạc của nhạc sỹ La Hối phần Việt ngữ do thi sỹ Thế Lữ đặt lời.
Xuân và tuổi trẻ (La Hối – Thế Lữ – Diệp Truyền Hoa). Ảnh: AmNhacMienNam.blogspot.com
LA HỐI VỚI XUÂN VÀ TUỔI TRẺ 1 (Nguồn: tác giả Trương Duy Cường đăng trên QuanVan.Net)
Hàng năm khi mùa xuân đến, nhạc phẩm Xuân và Tuổi Trẻ của nhạc sĩ La Hối lại vang lên cùng với tác phẩm bất hủ Ly Rượu Mừng của nhạc sĩ Phạm Đình Chương. Xuân và Tuổi Trẻ, nhạc của La Hối,… một nhạc sĩ sống ở miền Trung và lời của Thế Lữ, một nhà thơ nổi tiếng của Việt Nam, sống ở miền Bắc, không quen biết nhau, không sống gần nhau. Sao có sự kết hợp lạ lùng như vậy? Có nhiều thính giả đã lầm tưởng nhạc sĩ La Hối đã phổ nhạc một bài thơ của thi sĩ Thế Lữ. Nhưng sự thực lại ngược lại.
Nhạc sĩ La Hối tên thật là La Doãn Chánh, sinh năm 1920 tại Faifoo (thành phố Hội An). Ông là người Hoa kiều gốc Quảng Đông (Trung Hoa). Họ La là một đại gia Hoa kiều, đa số lập nghiệp trên đường Rue des Cantonnais (Phố Quảng Đông), sau nầy đổi thành đường Nguyễn Thái Học, như nhà buôn La Thiên Thái, La Thiên Ba, La Thiên Hòa, La Ngọc Anh tại Phố Cổ Hội An và La Hoài đường Gia Hội tại Huế. Gia đình cha mẹ tôi sống bên cạnh các gia đình họ La đó.
Năm 1936-1938, La Hối vào Saigon để học tiếp văn hóa Trung Hoa bậc Cao Trung và đồng thời trau dồi thêm âm nhạc cổ điển tây phương và sáng tác. Ông sử dụng thành thạo guitare, accordéon và piano.
Về lại địa phương, ông thành lập Hội Âm Nhạc Hội An (Société philharmonique de Faifoo) mà ông là hội trưởng sáng lập. Ông tiếp tục hướng dẫn các nhạc sĩ trẻ tại địa phương như Lê Trọng Nguyễn, Lan Đài, Dương Minh Ninh, Hồ Vân Thiết… trong lãnh vực hòa âm, sáng tác âm nhạc.
Sau nầy, vào thập niên 50, Lê Trọng Nguyễn được nhiều người biết đến qua nhạc phẩm Nắng Chiều, Sao Đêm, Chiều Bên Giáo Đường… Lan Đài với nhạc phẩm Chiều Tưởng Nhớ và Dương Minh Ninh với Gấm Vàng, Đường Chiều… (các nhạc phẩm trên do Tinh Hoa, Huế và Tinh Hoa Miền Nam (Saigon) của nhạc sĩ Lê Mộng Bảo in ấn và phát hành khắp toàn quốc trước năm 1975.
Theo nhiều người trong gia đình họ La cho biết, khi La Hối đi dạy nhạc, ông đã yêu một cô gái dạy dương cầm. Tình yêu nầy đã thúc đẩy ông sáng tác một số tình khúc để riêng tặng người yêu. Và chỉ có người bạn gái nầy mới giữ đủ nhạc phẩm do La Hối sáng tác. Gia đình họ La chỉ biết và giữ một vài ca khúc của La Hối, trong số nầy có nhạc phẩm Le Printemps et la Jeunesse (đầu đề bằng Pháp ngữ và một người bạn Hoa kiều thi sĩ Diệp Truyền Hoa đặt lời ca bằng Hoa ngữ là Thanh Niên Dữ Xuân Thiên).
Riêng cô gái dạy dương cầm, vì chiến tranh xảy ra, từ sau 1945 đến 1975, nên gia đình họ La không còn nhớ tên và mất liên lạc với cô nầy để xin ghi chép lại các sáng tác âm nhạc của nhạc sĩ La Hối. Vì thế xem như tuyệt bản sau khi La Hối mất sớm, mới ngoài 25 tuổi.
Thập niên 40, quân đội Thiên Hoàng Nhật Bản với chủ trương Đại Đông Á, đã xâm chiếm Trung Hoa, Triều Tiên, Việt Nam và một số quốc gia Đông Nam Á khác. La Hối là một thanh niên Trung Hoa yêu nước nên đã tham gia vào phong trào chống phát xít Nhật Bản. Ông là người đứng đầu một nhóm Hoa kiều tại Việt Nam theo Trùng Khánh (phe Thống Chế Tưởng Giới Thạch) trong Trung Hoa Quốc Dân Đảng. Đây là một đảng bộ lớn ở hải ngoại, hoạt động tại Hội An và khắp Việt Nam. Hoạt động chống Nhật Bản tại địa phương có nhiệm vụ theo dõi tình hình điều quân, chính trị, văn hóa Nhật. Các đồng chí của ông kẽ biểu ngữ, in và phân phát truyền đơn chống Nhật Bản, phá hoại các nơi Nhật Bản đồn trú, phá kho lương thực, đầu độc các con ngựa chiến mà các sĩ quan Nhật Bản cưỡi để thị oai…
Theo một vài cựu đồng chí người Hoa tiết lộ “nhạc sĩ La Hối đã dùng mấy notes nhạc trong phần dạo khúc mở đầu (introduction) của nhạc phẩm Thanh Niên Dữ Xuân Thiên: “là là là là, là là là rê, là là là mí, là là là phá, là là là sól, là là là lá, sól mi đô là, sól mi rề” làm một khẩu hiệu liên lạc công tác…
Hiến binh Nhật Bản đã theo dõi và phát hiện những hoạt động của phong trào chống Nhật nầy.
Và một ngày trong tháng tư năm 1945, La Hối và 9 đồng chí bị Nhật bắt giam vào tháng trước đó, bị Nhật đem ra xử tử tại núi Phước Tường, gần phi trường Đà Nẵng và chôn chung một hố. (Danh sách 10 vị bị Nhật Bản xử chém sáng ngày 1/4/1945 là La Doãn Chánh (La Hối), Lâm Kiến Trung, Thái Văn Lễ, Tạ Phúc Khương, Lương Tinh Tiêu, Vương Thanh Tùng, Trình Duy Huấn, Trịnh Yến Xương, Lâm Bình Hoành và Kim Bính Bồi. Tổng Thống Trung Hoa Dân Quốc Tưởng Giới Thạch ban cho 4 chữ Dân Tộc Chính Khí để tuyên dương 10 vị liệt sĩ nầy).
Sau khi Nhật Bản đầu hàng đồng minh, ngũ bang Trung Hoa Lý Sự Hội ở Hội An đã cải táng 10 liệt sĩ Trung Hoa nầy tại nghĩa trang Thanh Minh, ngoại ô thành phố Hội An, lập kỷ niệm đài để người dân địa phương, không phân biệt Việt Nam hay Hoa kiều, đến viếng mộ các chiến sĩ kháng Nhật.
La Hối (1920-1945) khi bị xử tử mới có 25 tuổi. Ông đang yêu đời, yêu nước, và đang sáng tác một số tình ca và nhiều nhạc khúc hùng mạnh chống phát xít Nhật.
Năm 1946, đoàn ca vũ Anh Vũ, từ thủ đô Hà Nội đi lưu diễn các tỉnh Trung, Nam Việt Nam. Sau khi trình diễn tại Huế, đoàn trực chỉ Hội An, mặc dù lúc đó Hội An đang bị mưa to gió lớn, ngập lụt dâng cao trên quốc lộ 1 từ Đà Nẵng vào Hội An.
Đoàn Anh Vũ được sự giúp đỡ tận tình của nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn và một số thanh niên tại Hội An, nên đoàn văn nghệ vẫn đến được Hội An để trình diễn vở Tục Lụy của nhà văn Khái Hưng do nhạc sĩ Lưu Hữu Phước viết nhạc. Ông Võ Đức Diên là trưởng đoàn và trong đoàn có thi sĩ Thế Lữ (và vợ, một kịch sĩ có tài), nhạc sĩ Văn Chung, nhạc sĩ Bùi Công Kỳ, nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát và một số ca kịch sĩ nữa tháp tùng.
Khi đến thành phố Hội An, các nhạc sĩ đồng hành với nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát muốn liên lạc với nhạc sĩ La Hối. Đến nơi mới biết La Hối không còn nữa, trước đó vài tháng. Thi sĩ Thế Lữ xin phép gia đình họ La để đặt lời ca cho nhạc phẩm Le Printemps et la Jeunesse, có lời Hoa là Thanh Niên Dữ Xuân Thiên, thành lời ca tiếng Việt là Xuân và Tuổi Trẻ. Nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát soạn hòa âm, nhạc sĩ Văn Chung soạn vũ điệu, Thế Lữ đạo diễn.
Thế là vũ khúc Xuân và Tuổi Trẻ của La Hối với lời ca tiếng Việt do đạo diễn kiêm thi sĩ Thế Lữ được cất cao lần đầu tiên tại nhà hát Phan Hương trên đường Minh Hương, thị xã Hội An. Sau nầy, cũng trên khu đất nầy, hý viện Phi Anh với 1.200 chỗ ngồi, là rạp hát hiện đại của thập niên 50 được xây cất thay thế nhà hát cũ và tên đường được đổi thành đường Phan Châu Trinh.
Các nhạc sĩ, kịch sĩ, thi sĩ trong đoàn ca vũ kịch Anh Vũ đồng hành đến thăm nhạc sĩ La Hối, có thể là cựu đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng ngoài Bắc, hoặc là cảm tình viên với Việt Nam Quốc Dân Đảng (nhưng trong thời kỳ Việt Minh mới cướp chính quyền thì họ phải giấu kín đảng tịch cũ) cốt ý đến thăm một đồng chí mà từ lâu họ đã nghe tiếng hoặc ái mộ cũng nên. Chỉ có các vị đó biết và nay họ đã qua bên kia thế giới, đem theo bí mật không bật mí được khi họ sống dưới chế độ độc đảng cộng sản từ lúc Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa năm thứ nhất (1945), thứ hai (1946)!
Tuy nhiên, duyên tri ngộ ngắn ngủi nầy cũng để lại cho thính giả yêu âm nhạc Việt Nam được một giai thoại quý giá và một lời ca của nhạc khúc xuân bất hủ hơn 60 năm trôi qua.
Nhờ lời ca viết bằng tiếng Việt rất hay của thi sĩ Thế Lữ, từ đó Xuân và Tuổi Trẻ ra khỏi thành phố cổ nhỏ bé Hội An đã chu du khắp nơi trên thế giới mỗi khi mùa xuân trở về với cộng đồng tỵ nạn Việt Nam.
Thập niên 1940, khi tôi còn nhỏ, sinh hoạt trong đoàn thể hướng đạo Việt Nam, tôi thích âm nhạc, nên thường đi nghe các buổi hòa nhạc của hội Âm Nhạc Hội An và bản Le Printemps et la Jeunesse vẫn là nhạc phẩm được hòa tấu để mở màn cho các buổi hòa nhạc hoặc nhạc ca kịch tại địa phương.
Ngày nay ở hải ngoại, các hội Ái Hữu Quảng Nam Đà Nẵng ở mọi nơi vẫn lấy bài Xuân và Tuổi Trẻ làm nhạc phẩm chào mừng đồng hương mỗi khi có dịp hội ngộ.
Nữ ca sĩ Hồng Hạnh (gốc Hội An) trong một CD mới phát hành cũng đã hát nhạc phẩm Xuân và Tuổi Trẻ của La Hối, lời Thế Lữ với tất cả đam mê, tuyệt vời. (CD Hồng Hạnh 2: Em và Quê Hương ra mắt thính giả tại hí viện Le Petit Trianon tại San Jose ngày 14/1/2006).
Một điều đáng tiếc là nhạc sĩ La Hối, cha đẻ của nhạc khúc lại không được nghe nhạc phẩm của ông hát bằng lời ca tiếng Việt rất du dương của thi sĩ Thế Lữ Nguyễn Thứ Lễ, một trong những thính giả mến mộ tài năng của ông và cũng có thể là một đồng chí (hoặc cảm tình viên) của hoạt động yêu nước của nhà cách mạng La Hối chống phát xít Nhật Bản.
Tiếp nối dòng nhạc Huỳnh Anh, [dongnhacxua.com] xin trân trọng gởi đến quý vị nhạc phẩm ‘Hoa trắng thôi cài trên áo tím’, phổ từ bài thơ cùng tên của thi sỹ Kiên Giang.
Hoa trắng thôi cài trên áo tím (Huỳnh Anh – Kiên Giang). Ảnh: AmNhacMienNam.blogspot.com
NHỮNG BÓNG HỒNG TRONG THƠ VÀ NHẠC: HOA TRẮNG THÔI CÀI TRÊN ÁO TÍM (Nguồn: nhà báo Hà Đình Nguyên đăng trên Thanh Niên 14/11/2011)
Nhà thơ Kiên Giang – Ảnh: Đào Trung Phụng
Hơn nửa thế kỷ trước, bài thơ Hoa trắng thôi cài trên áo tím của nhà thơ Kiên Giang ra đời (1958) đã làm xôn xao dư luận một thời. Bài thơ còn được biết đến nhiều hơn khi được nhạc sĩ Huỳnh Anh phổ thành ca khúc.
Kiên Giang là nhà thơ, soạn giả cải lương (tác giả các vở tuồng Áo cưới trước cổng chùa, Sơn nữ Phà Ca…), nhà báo – chứng nhân còn sót lại của sự kiện “Ngày ký giả đi ăn mày” (xảy ra vào năm 1974, báo giới miền Nam xuống đường với nón lá, bị, gậy của dân “cái bang” để chống đối chính quyền Thiệu ra sắc luật đàn áp báo chí)… Người viết chơi thân với ông đã gần hai mươi năm nhưng muốn gặp ông thật khó bởi ông luôn dịch chuyển (rất giống với ông bạn thân cùng lứa, cùng làng là nhà văn Sơn Nam).
Năm nay 84 tuổi, mái tóc đã gội tuyết sương đến bạc trắng nhưng nếu có ai hỏi về thời niên thiếu, về Sơn Nam, về Nguyễn Bính (người thầy dạy Kiên Giang làm thơ khi ông mới 17 tuổi) và nhất là về người con gái trong bài thơ Hoa trắng thôi cài trên áo tím là ông kể một mạch bằng một giọng bùi ngùi, không hề đứt đoạn, làm như những chuyện đó đã thấm vào máu thịt của ông…
“Thuở ấy anh hiền và nhát quá …”
17 tuổi, anh học trò Trương Khương Trinh (tên thật của Kiên Giang) rời vùng quê Rạch Giá lên Cần Thơ học lớp đệ nhị (lớp 11 bây giờ) ở Trường trung học tư thục Nam Hưng. Vốn là người có hoa tay: vẽ vời và viết chữ rất đẹp (đến bây giờ chữ của ông vẫn rất lả lướt) nên ông được các thầy cô giáo cho thực hiện một tờ báo (chép tay vào cuốn vở học trò) lấy tên là Ngày xanh. Tờ báo này là đối trọng, giao lưu với tờ Thắm của Trường trung học Ba Sắc, cũng nằm trên địa bàn. Cứ vào chủ nhật mỗi tuần, các cô cậu “nhà báo – học trò” lại quây quần trong một vườn xoài xanh um bóng mát để thực hiện tờ báo. Kiên Giang biên tập bài vở và trình bày (vẽ, trang trí…), còn cô bạn Nguyễn Thị Nhiều thì chép bài vở (có lẽ chữ cô này đẹp hơn chữ của Kiên Giang!).
Tuy mang cái tên rất dân dã nhưng Nhiều rất đẹp với mái tóc dài ôm xõa bờ vai, thỉnh thoảng vờn bay trong gió. Mái tóc ấy, khuôn mặt ấy đã khiến tâm hồn non trẻ nhưng rất lãng mạn của chàng trai sau này trở thành nhà thơ… tơ vương. Gia đình nàng theo đạo Thiên Chúa nên mỗi sáng chủ nhật nàng thường đi lễ nhà thờ Cần Thơ. Kiên Giang không theo đạo nhưng sáng chủ nhật nào cũng “rình” trước cổng nhà thờ để được “tháp tùng” nàng trên đường đi lễ về. “Yêu nhau” chỉ có vậy: ngoài những cái liếc mắt và những nụ cười thẹn thùng, e ấp thì hai người chẳng còn thứ gì để “trao đổi” nữa cả. Tuy thế, cả hai đều cảm nhận được những tình cảm sâu kín mà họ dành cho nhau. Rồi cuộc kháng chiến chống Pháp nổ ra, kéo dài suốt 9 năm (1945-1954), việc học hành bị gián đoạn, trường lớp tan tác… Kiên Giang và bạn bè thân thiết (Nguyễn Bính, Sơn Nam…) vào Khu 8 tham gia kháng chiến, và rồi ông lập gia đình trong thời gian này.
Bài thơ và thủ bút của nhà thơ Kiên Giang tặng người viết
“Để nghe khe khẽ lời em nguyện”
Sau này, nhiều lần Kiên Giang tâm sự với người viết: “Điều xót xa (sau này mới biết) là trong những tháng ngày loạn lạc đó, Nhiều vẫn âm thầm chờ đợi tôi. Năm 1955, nàng quyết gặp mặt tôi một lần rồi mới lấy chồng. Tình cảm cứ ám ảnh tôi khôn nguôi. Tôi đưa hình ảnh và tâm sự của hai đứa vào bài thơ Hoa trắng thôi cài trên áo tím, làm tại Bến Tre năm 1958. Ở đoạn kết có những câu: “Ba năm sau, chiếc xe hoa cũ/Chở áo tím về giữa áo quan/Chuông đạo ngân vang hồi tiễn biệt/Khi anh ngồi kết vòng hoa tang…”, tôi đã “cho” người mình thầm yêu phải chết đi, để mối tình kia còn nguyên vẹn là của riêng mình. Tuy nhiên, một thời gian sau tôi có dịp gặp lại cố nhân ở Sóc Trăng (lúc này nàng đã có chồng). Sau cuộc gặp gỡ đó, không hiểu sao tôi lại muốn mình (người bạn trai trong bài thơ) chết để bảo vệ quê hương, để không còn vương vấn mối tình thuở học trò. Tôi đã sửa lại đoạn kết như thế ở Hàng Xanh (Gia Định), nhưng hầu như bạn đọc chỉ thích giữ nguyên tác, nhất là khi nó được nhạc sĩ Huỳnh Anh phổ thành ca khúc thì bài thơ lại càng nổi tiếng, lan tỏa. Có lần tôi thú thực với bà xã về cái ấn tượng “sắc hoa trắng – màu áo tím”. Từ đó không có màu tím trong tủ áo nhà tôi nữa…”.
Trong thơ là thế nhưng sự thật ngoài đời chẳng có ai chết cả. Năm 1977 họ lại có dịp gặp nhau. 33 năm đã trôi qua kể từ “Thuở ấy anh hiền và nhát quá/Nép mình bên gác thánh lầu chuông/Để nghe khe khẽ lời em nguyện/Thơ thẩn chờ em trước thánh đường…”, bây giờ gặp lại, hai mái đầu đã bạc. Cả hai cố tránh không nhắc nhớ về cái thời cùng học dưới mái trường Nam Hưng, nhưng tự trong sâu thẳm tâm hồn họ vẫn trân trọng “cái thuở ban đầu lưu luyến ấy”.
Kiên Giang kể lại, đầu năm 1999 Hãng phim truyền hình TP.HCM (TFS) thực hiện một bộ phim tài liệu về ông mang tên Chiếc giỏ đời người (Kiên Giang đi đâu cũng kè kè một chiếc giỏ, mặt ngoài vẽ chi chít chữ – NV), trong kịch bản có một cảnh quay tại Cần Thơ. Khi ông và ê kíp làm phim đến nhà “người xưa” mời bà Nhiều ra quay cảnh ở nhà thờ chính tòa thì thấy ngôi nhà đóng cửa, lạnh ngắt. Người hàng xóm cho biết bà Nhiều đã qua đời năm 1998. Ông thật xót xa… Hôm sau ông trở lại, cô con gái của bà Nhiều kể rằng lúc bà mất, tang gia có gửi thiệp báo tin cho ông nhưng tiếc là ông đã không nhận được để tiễn biệt người xưa lần cuối thực sự chứ không phải tiễn biệt như trong thơ. Rồi ông cùng người con gái của bà ra nghĩa trang viếng mộ. “Người xưa” bây giờ chỉ còn là di ảnh trên bia mộ, nhưng người con gái đứng bên ông thì lại giống cô Nhiều ngày trước lạ lùng…
Cũng cần nói thêm, năm 2002 người viết đã có giới thiệu (và đăng) bài thơ Hoa trắng thôi cài trên áo tím trên Báo Thanh Niên. Hôm đó, các sạp báo ở Sài Gòn không còn tờ Thanh Niên nào sót lại, rất nhiều người (có cả những anh chạy xe ôm, xích lô…) đã đến tận tòa soạn để hỏi mua. Ở Cần Thơ cũng “cháy báo”, không còn đủ số lượng cung cấp cho bạn đọc (hồi đó ở Cần Thơ Báo Thanh Niên chưa được in cùng lúc với nhiều chỗ như bây giờ), tòa soạn ở TP.HCM phải in thêm, đưa xuống tặng bạn đọc. Kể như thế để thấy rằng bài thơ Hoa trắng thôi cài trên áo tím được công chúng miền Nam yêu thích như thế nào.
Hà Đình Nguyên
HOA TRẮNG THÔI CÀI TRÊN ÁO TÍM: MỘT BÀI THƠ, HAI ĐOẠN KẾT (Nguồn: CauLacBoTinhNgheSi.net)
HOA TRẮNG THÔI CÀI TRÊN ÁO TÍM của thi sĩ Kiên Giang là một bài thơ rất quen thuộc với người Việt Nam và đã được phổ nhạc; gần đây nhất là bài Chuyện Tình Hoa Trắng do ca sĩ Như Quỳnh trình bày. Gọi là một bài thơ nhưng thật sự có đến hai bài Hoa Trắng Thôi Cài Trên Áo Tím hay đúng hơn, một bài thơ với hai đoạn kết hoàn toàn trái ngược nhau. Cả hai bài đều hiện hữu song song và cùng nổi tiếng, tuy ít có người để ý đến sự việc bất ngờ này. Ngày nay, xem phim trong các dĩa DVD ta thường thấy có thêm phần “Alternate Ending”, một kết cục khác của phim mà vì lý do nào đó nhà đạo diễn đã phải bỏ đi, không sử dụng khi đưa cuốn phim ra phát hành chính thức.
Nghi vấn chính của bài viết là tại sao ông Kiên Giang đã làm như vậy và trên một khía cạnh, đã đi trước các đạo diễn Hollywood bao nhiêu năm trời. Nhiều người vẫn thắc mắc và gần đây, một nhóm bạn trong chương trình Cây Mùa Xuân đã gặp gỡ và ủy lạo các nghệ sĩ cổ nhạc nghèo khó… Trong chương trình đó, một người trong nhóm ở Việt Nam đã gặp ông Kiên Giang hỏi về nghi vấn này và được bác cho biết như sau:
… Hồi đó, có một anh chàng học sinh nọ, tên Trinh, quê ở tận miền Rạch Giá lên trọ học tại Sài Gòn, học cùng lớp với cô nữ sinh tên là Nguyễn Thị Thúy Nhiều, người ở Sóc Trăng. Thuở đó, chàng là học sinh khá giỏi về Văn nhưng lại yếu về môn Toán, tình bạn của họ rất trong sáng, có xen lẫn tình yêu thơ mộng, những khi chàng bí Toán thì hay nhìn sang để “copier” nàng. Lúc là sinh viên, chàng là cây bút của một tờ báo, còn nàng, tuy gia đình có hoàn cảnh khó khăn nhưng không thể làm gì thêm. Thế là chàng dùng tiền nhuận bút chia sẻ cho nàng. Tình yêu, tình bạn thơ mộng đó kéo dài suốt quãng đời sinh viên của hai người tại đất Sài Gòn. Hai người còn có lời hứa sống chết có nhau.
Sau khi chia tay tại Sài Gòn, chàng ở lại làm nhà văn, nhà báo, soạn giả… Nàng về quê đi dạy học và đợi chờ ngày sum họp. Thời gian thấm thoát trôi qua, hoàn cảnh đổi thay nên chàng đã thất hứa, đi lấy vợ… Được tin, nàng buồn khổ vô cùng và sau đó rất lâu nàng mới chịu lấy chồng. Nghịch cảnh chăng (?) hay vì nàng quyết định chọn mà chồng của nàng cũng tên Trinh.
Một thời gian sau, anh chàng Trinh thất hứa, nay là trưởng toán của một đoàn nghệ thuật lớn, lưu diễn và gặp lại nàng. Chàng có đến thăm cô Thúy Nhiều và đã viết bài thơ Hoa Trắng Thôi Cài Trên Áo Tím thứ nhất để gọi là “tạ lỗi” vì đã thất hứa trong tình yêu. Trong bài này, người con gái mất đi để lại trong lòng người trai một nỗi buồn khôn nguôi như lòng của anh Trinh sinh viên với mối tình cũ. Ngoài ra chàng còn gởi hai vé hát mời vợ chồng cô Thúy Nhiều đi xem. Tuy nhiên, người chồng của cô rất ghen nên hai người đã không đến xem buổi trình diễn của đoàn hát của chàng sinh viên xưa.
Vì hận lòng hay hận đời, Trinh đã sửa lại đoạn kết bài thơ Hoa Trắng Thôi Cài Trên Áo Tím. Lần này Trinh cho chàng trai trong bài thơ bị chết và người con gái suốt đời ôm mối hận tình, khóc người yêu cũ… để trả thù việc vợ chồng cô đã từ chối lời mời xem hát của anh. Đến đây chắc các bạn cũng đã biết anh chàng Trinh sinh viên kia chính là ông Kiên Giang (tên thật là Trương Khương Trinh, bút hiệu khác Hà Huy Hà, sinh ngày 17-2-1929 tại Rạch Giá).
Nhà thơ Kiên Giang công bố ảnh người yêu xóm đạo. Ảnh: cand.com.vn
Còn cô Nguyễn Thị Thúy Nhiều đã mất. Những người con của cô đều rất thành danh trong nghề nghiệp và cuộc sống, có người là giáo sư. Riêng về người chồng của cô Thúy Nhiều, ông này là người rất ghen nhưng lại có vợ lẽ. Ông vẫn còn sống với người vợ sau. Thời gian sau này, lúc cô Thúy Nhiều còn sống, ông chồng vì ân hận mình phụ bạc vợ, đã có đến nhà thờ đi bằng đầu gối để xin lỗi vợ mình.
Hoa trắng thôi cài trên áo tím (Tâm tình của người trai ngoại đạo đối với cô gái có đạo – Bến Tre, 14-11-1957)
Lâu quá không về thăm xóm đạo Từ ngày binh lửa cháy không gian Khói bom che lấp chân trời cũ Che cả người thương, nóc giáo đường
Mười năm trước, em còn đi học Áo tím điểm tô đời nữ sinh Hoa trắng cài duyên trên áo tím Em là cô gái tuổi băng trinh
Trường anh ngó mặt giáo đường Gác chuông thương nhớ lầu chuông U buồn thay! Chuông nhạc đạo Rộn rã thay! Chuông nhà trường
Lần lữa anh ghiền nghe tiếng chuông Làm thơ sầu mộng dệt tình thương Để nghe khe khẻ lời em nguyện Thơ thẩn chờ em trước thánh đường
Mỗi lần tan lễ, chuông ngừng đổ Hai bóng cùng đi một lối về E lệ, em cầu kinh nho nhnhỏ Thẹn thuồng, anh đứng lại không đi
***
Sau mười năm lẻ, anh thôi học Nức nở chuông trường buổi biệt ly Rộn rã từng hồi chuông xóm đạo Tiễn nàng áo tím bước vu quy
Anh nhìn áo cưới mà anh ngỡ Chiếc áo tang liệm một khối sầu Hoa trắng thôi cài trên áo tím Thôi còn đâu nữa tuổi băng trinh
Em lên xe cưới về quê chồng Dù cách đò ngang cách mấy sông Anh vẫn yêu người em áo tím Nên tình thơ ủ kín trong lòng
***
Từ lúc giặc ruồng vô xóm đạo Anh làm chiến sĩ giữ quê hương Giữ màu áo tím, người yêu cũ Giữ cả lầu chuông, nóc giáo đường
Mặc dù em chẳng còn xem lễ Ở giáo đường u tịch chốn xưa Anh vẫn giữ lầu chuông gác thánh Nghe chuông truy niệm mối tình thơ
Màu gạch nhà thờ còn đỏ thắm Như tình nồng thắm thuở ban đầu Nhưng rồi sau chuyến vu quy ấy Áo tím nàng thơ đã nhạt màu
***
Ba năm sau chiếc xe hoa cũ Chở áo tím về trong áo quan Chuông đạo ngân vang hồi vĩnh biệt Khi anh ngồi kết vòng hoa tang
Anh kết vòng hoa màu trắng lạnh Từng cài trên áo tím ngây thơ Hôm nay vẫn đóa hoa màu trắng Anh kết tình tang gởi xuống mồ
Lâu quá không về thăm xóm đạo Không còn đứng nép ở lầu chuông Nhưng khi chuông đổ anh liên tưởng Người cũ cầu kinh giữa giáo đường
Lạy Chúa! Con là người ngoại đạo Nhưng tin có Chúa ngự trên trời Trong lòng con, giữa màu hoa trắng Cứu rỗi linh hồn con Chúa ơi!!!
Bài 2:
Hoa trắng thôi cài trên áo tím (Gia Định, 28-05-1958)
Lâu quá không về thăm xóm đạo Từ ngày binh lửa cháy quê hương Khói bom che lấp chân trời cũ Che cả người thương, nóc giáo đường
Mười năm trước, em còn đi học Áo tím điểm tô đời nữ sinh Hoa trắng cài duyên trên áo tím Em là cô gái tuổi băng trinh
Quen biết nhau qua tình lối xóm Cổng trường đối diện ngó lầu chuông Mỗi lần Chúa Nhật em xem lễ Anh học bài ôn trước cổng trường
Thuở ấy anh hiền và nhát quá Nép mình bên gác thánh lầu chuông Để nghe khe khẽ lời em nguyện Thơ tthẩn chờ em trước thánh đường
Mỗi lần tan lễ, chuông ngừng đổ Hai bóng cùng đi một lối về E lệ, em cầu kinh nho nhỏ Thẹn thuồng, anh đứng lại không đi
***
Sau mười năm lẻ, anh thôi học Nức nở chuông trường buổi biệt ly Rộn rã từng hồi chuông xóm đạo Tiễn nàng áo tím bước vu quy
Anh nhìn áo cưới mà anh ngỡ Chiếc áo tang liệm một khối sầu Hoa trắng thôi cài trên áo tím Giữ làm chi kỷ vật ban đầu
Em lên xe cưới về quê chồng Dù cách đò ngang cách mấy sông Vẫn nhớ bóng vang thời áo tím Nên tình thơ ủ kín trong lòng
***
Từ lúc giặc ruồng vô xóm đạo Anh làm chiến sĩ giữ quê hương Giữ tà áo tím màu hoa trắng Giữ cả trường xưa nóc giáo đường
Giặc chiếm lầu chuông xây gác súng Súng gầm rung đổ gạch nhà thờ Anh gom gạch đổ xây tường lũy Chiếm lại lầu chuông giết kẻ thù
Nhưng rồi người bạn cùng trang lứa Đã chết hiên ngang dưới bóng cờ Chuông đổ ban chiều, em nức nở Tiễn anh ra khỏi cổng nhà thờ
Hoa trắng thôi cài trên áo tím Mà cài trên nắp cỗ quan tài Điểm tô công trận bằng hoa trắng Hoa tuổi học trò mãi thắm tươi
***
Xe tang đã khuất nẻo đời Chuông nhà thờ khóc… tiễn người ngàn thu Từ đây, tóc rũ khăn sô Em cài hoa trắng trên mồ người xưa!!!
‘Cô hái mơ’ là một bài thơ của thi sĩ Nguyễn Bính và được hai nhạc sỹ Phạm Duy và Hoàng Thanh Tâm phổ nhạc. Có một điều lý thú mà [dongnhacxua.com] muốn chia sẻ với người yêu nhạc: ‘Cô hái mơ’ là ‘đứa con tinh thần’ đầu tiên của cả nhà thơ lẫn hai nhà nhạc sỹ:
* Theo Wikipedia, bài thơ ‘Cô hái mơ’ là sáng tác đầu tiên được đăng trên báo của thi sĩ giang hồ Nguyễn Bính (1918 – 1966). Theo hiểu biết của chúng tôi thì có lẽ bài thơ được sáng tác vào những năm 1935 – 1940.
* Còn đối với ‘cây đại thụ’ Phạm Duy (1921 – 2013) thì bản nhạc phổ thơ này là ‘anh cả của một gia đình có gần 800 anh chị em’. Tâm sự của nhà nhạc sỹ khi quyết định về Việt Nam anh hưởng tuổi già: “Tôi đã phổ nhạc bài thơ này vào năm 1942. Đó là bản nhạc đầu tay của tôi cho nên tôi yêu nó lắm. Trong bài thơ phổ nhạc, có câu : Nhà ta ở dưới gốc cây dương, cách động Hương Sơn nửa dặm đường… cho nên 64 năm sau khi sáng tác bài hát, tôi phải mò về Chùa Hương để tìm cô hái mơ, khi tôi có cơ hội trở về Việt Nam vào năm 2003.” (Nguồn: PhamDuy2010.com)
* Cũng theo Wikipedia, Hoàng Thanh Tâm (1960) đã bắt đầu chập chững viết những note nhạc đầu tiên vào lúc 13 tuổi tại Sài Gòn, phổ nhạc thi phẩm “Cô Hái Mơ” và đã hoàn chỉnh nhạc phẩm này tại Canberra, Úc vào năm 1987, sau khi ra mắt album đầu tay “Tình Khúc Hoàng Thanh Tâm” với chủ đề “Lời Tình Buồn” tại Hoa Kỳ năm 1986.
‘CÔ HÁI MƠ’ DO PHẠM DUY PHỔ NHẠC
Cô hái mơ (Phạm Duy – Nguyễn Bính). Ảnh: AmNhacMienNam.blogspot.com
‘CÔ HÁI MƠ’ DO HOÀNG THANH TÂM PHỔ NHẠC
NGUYỄN BÍNH, THI SỸ GIANG HỒ: CÔ HÁI MƠ (Nguồn: tác giả Trần Đình Thu đăng trên ThanhNien.com.vn )
Thi sỹ Nguyễn Bính
Cô hái mơ là một trong những bài thơ nổi tiếng của Nguyễn Bính được Phạm Duy phổ nhạc rất sớm. Bài thơ có lẽ được sáng tác trong khoảng thời gian từ 1939 đến 1940. Ý kiến một số tác giả cho rằng đây là bài thơ đăng báo đầu tiên của Nguyễn Bính có thể là không chính xác. Bởi bài thơ này được đăng trong Tiểu thuyết thứ năm đến tận số 14, trong khi đó ngay từ số đầu tiên Nguyễn Bính đã có thơ đăng ở tờ báo này rồi.
Cô hái mơ lấy bối cảnh ở chùa Hương. Nguyễn Bính đã nhiều lần đi chùa Hương, vậy ông sáng tác bài thơ này vào lúc nào? Theo tác giả Ngọc Giao thì ông thai nghén bài thơ này trong lần đi thăm chùa Hương vào năm 1939 cùng với nhóm bạn văn nghệ thành phố Nam Định, trong đó có Ngọc Giao. Cả bọn thuê một chiếc thuyền lớn, khởi hành từ Phủ Lý vào Bến Đục. Trên thuyền, ngoài bạn văn nghệ ra còn có một đào hát ca trù và một kép đờn lớn tuổi. Thức nhắm thì mua hẳn một con dê sống để lên thuyền làm thịt. Ngoài rượu thịt ra, theo đề nghị của Nguyễn Bính, cả bọn còn mang theo bàn đèn để vui cùng nàng tiên nâu.
Đến chùa Hương, Nguyễn Bính tách hẳn mọi người ra, lội vào rừng mơ cho đến chiều tối mới về quán trọ. Ngọc Giao cho biết trong bữa cơm tối hôm ấy Nguyễn Bính uống rượu nhiều hơn, miệng luôn lẩm nhẩm và có lúc rút sổ tay ra ghi vội vài câu. Về sau mới biết ông bắt đầu thai nghén bài thơ Cô hái mơ. Điều khiến Ngọc Giao lấy làm lạ là Nguyễn Bính thường làm thơ rất dễ dàng, chưa bao giờ vò đầu bứt tai với một thi phẩm dù ngắn dù dài, thế nhưng với bài thơ này ông lại có vẻ vất vả lắm.
Vì sao lại như thế?
Ta hãy đọc lại bài thơ Cô hái mơ để xem có điều gì lạ ở trong đó không.
Thơ thẩn đường chiều một khách thơ Say nhìn xa rặng núi xanh lơ Khí trời lặng lẽ và trong trẻo Thấp thoáng rừng mơ cô hái mơ
Ấn tượng ban đầu là bốn câu thơ thật hay, thật trong trẻo. Thế nhưng ta cảm thấy có điều gì đó khang khác. Đọc kỹ một chút ta mới thấy rằng, dường như là nó kiểu cách quá. Những câu thơ này khác nhiều so với những câu tả cảnh mộc mạc chân chất mà ta quen nghe ở Nguyễn Bính như là “Hội làng mở giữa mùa thu/Giời cao gió cả giăng như ban ngày” hay là “Thu sang trên những cành bàng/Chỉ còn hai chiếc lá vàng mà thôi”… Ta thấy cái câu thơ Khí trời lặng lẽ và trong trẻo mới thật xa lạ với ông làm sao. Nó như là thơ của ai ấy. Câu thơ này mà đặt bên cạnh những câu thơ tả cảnh sau đây cũng của ông thì thật là một trời một vực:
Suốt giời không một điểm sao Suốt giời mực ở nơi nào loang ra Lửa đò chong cái giăng hoa Mõ sông đùng đục canh gà le te (Lửa đò)
Thật ra, Nguyễn Bính có khá nhiều bài thơ mà trong đó ông như muốn thoát khỏi giếng nước ao làng của mình như vậy rồi chứ không chỉ riêng trong Cô hái mơ. Chẳng thế mà Hoài Thanh đã từng nhận xét Nguyễn Bính có nhiều lúc không nhà quê chút nào. Hoài Thanh đã dẫn ra bốn câu thơ sau đây của Nguyễn Bính để chứng minh:
Đã thấy xuân về với gió đông Với trên màu má gái chưa chồng Bên hiên hàng xóm, cô hàng xóm Ngước mắt nhìn trời đôi mắt trong (Xuân về)
Nhà phê bình của chúng ta cảm thấy khó chịu về điều này và tiếc cho Nguyễn Bính. Ông viết tiếp trong Thi nhân Việt Nam: “Thế thì những câu trên này nên bỏ đi ư? Ai nỡ thế. Nhưng vì có những câu ấy mà người ta khó nhận thấy cái hay của những câu khác có tính cách ca dao” và “Đó là một điều đáng vì Nguyễn Bính phàn nàn. Đáng trách chăng là giữa những bài giống hệt ca dao người bỗng chen vào một đôi lời quá mới. Ta thấy khó chịu như khi vào một ngôi chùa có những ngọn đèn điện trên bàn thờ Phật”.
Nhà phê bình nói quá đúng nhưng may mà Cô hái mơ lại là một bài thơ hay. Hơn thế nữa nó là một bài thơ xuất sắc. Nhưng bài thơ này, nếu chẳng may thất lạc mà có người mới sưu tầm được, chắc không ai xếp vào thơ Nguyễn Bính mà sẽ xếp nhầm qua cho một tác giả khác.
Ta hãy đọc tiếp khổ thơ thứ hai và ba:
Hỡi cô con gái hái mơ già Cô chửa về ư? Đường thì xa Mà ánh chiều hôm dần một tắt Hay cô ở lại về cùng ta?
Nhà ta ở dưới gốc cây dương Cách động Hương Sơn nửa dặm đường Có suối nước trong tuôn róc rách Có hoa bên suối ngát đưa hương
Càng đọc càng thấy nét đẹp duyên dáng thướt tha của bài thơ nhưng đồng thời lại thấy xa dần một Nguyễn Bính chân quê. Cái hình ảnh “suối nước trong tuôn róc rách” và “hoa bên suối ngát đưa hương” là hai hình ảnh đã “hương đồng gió nội bay đi rất nhiều”. Vì sao lại như vậy?
Cho đến lúc này, có lẽ tất thảy chúng ta đều công nhận những lời thơ chân chất mộc mạc của Nguyễn Bính chính là những kết tinh của hồn dân tộc, xứng đáng được tôn vinh. Thế nhưng vào thời kỳ nó vừa xuất hiện, không phải ai cũng đồng ý với những đánh giá như vậy. Đây đó vẫn có nhiều ý kiến ngược lại. Chẳng hạn như tác giả Thượng Sĩ. Người này chê là Nguyễn Bính làm hò vè. Vì vậy có thể Nguyễn Bính bị một áp lực tâm lý, ảnh hưởng đến quan niệm sáng tác của mình, để mà từ đó ông cố gắng cách tân thơ mình chăng?
Tuy nhiên dù sao những bài thơ ấy cũng không hoàn toàn bị Tây hóa. Có lẽ Nguyễn Bính vẫn không muốn đi quá xa rặng tre làng dấu yêu của mình, hoặc là cái chất nhà quê đã thấm vào máu rồi nên ông không thể là một Xuân Diệu hoặc Huy Cận được. Vì vậy mà xen vào những câu thơ thật mới vẫn có những câu quê mùa. Chẳng hạn trong bài Cô hái mơ vẫn có những câu mộc mạc lẫn lộn vào đấy, dù ông cố vò đầu bứt tai để làm cho bằng được những câu thơ thật Tây:
Hỡi cô con gái hái mơ già Cô chửa về ư? Đường thì xa
Chửa về ư là lối nói người xứ quê của ông mà Nguyễn Bính vẫn quen dùng lâu nay.
Cô hái mơ là một thi phẩm rất thành công của Nguyễn Bính nhưng là một thi phẩm cách tân, chất dân dã quê mùa còn lại quá ít. Không biết ta nên đánh giá thế nào về điều này. Có nên phê bình mạnh mẽ như Hoài Thanh hay không? Đến đây ta nhớ lại lời kể của Ngọc Giao và mới hiểu vì sao Nguyễn Bính lại quá khó khăn khi sáng tác bài thơ này đến vậy.
Với những người yêu nhạc xưa thì giai điệu mượt mà và ca từ nhẹ nhàng, khắc khoải của bản ‘Tình lỡ’ đã trở nên quá quen thuộc hơn 50 năm nay: “Thôi rồi còn chi đâu em ơi …” Tác giả của ca khúc bất hủ này là nhạc sỹ Thanh Bình. Chắc cũng như [dongnhacxua.com], bạn sẽ tự hỏi: Thanh Bình là ai? Hiện giờ nhạc sỹ thế nào? Thật may mắn, chúng tôi đọc được một bài viết của anh Hà Đình Nguyên mới đăng trên báo Thanh Niên ngay ngày hôm qua, 10/11/2013. Thế là mọi việc được sáng tỏ nhưng qua đó cũng hé mở một câu chuyện đau lòng về hoàn cảnh hiện tại của nhà nhạc sỹ!
Hàng chục năm qua, nhiều thế hệ người yêu nhạc đã mê đắm ca khúc Tình lỡ của nhạc sĩ Thanh Bình, nhưng lại rất ít người biết thông tin về tác giả.
Nhạc sỹ Thanh Bình thời trẻ. Ảnh: Hà Đình Nguyên.
Người viết đã bỏ ra suốt 2 tuần để đi tìm nhạc sĩ Thanh Bình từ tin nhắn của một bạn đọc cho biết ông đang ở một căn nhà trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, TP.HCM. Tới đúng địa chỉ này hỏi thì người ta lắc đầu, không biết nhạc sĩ Thanh Bình là ai. Hóa ra, đường Nguyễn Bỉnh Khiêm còn có một đoạn ở phía bên kia vòng xoay Điện Biên Phủ (gần kênh Nhiêu Lộc).
Cho người con gái Hải Phòng
Tôi đến và bắt gặp một ông già trên 80 tuổi, khuôn mặt thật hiền lành, mặc bộ pyjama đang ngồi trên chiếc ghế nhựa trước cửa nhà. Hỏi: Chú là nhạc sĩ Thanh Bình phải không ạ? Ông cười hiền: Đúng rồi! Tôi tặng ông cuốn Chuyện tình nghệ sĩ do tôi biên soạn và nói với ông là mình rất thích bài Tình lỡ của ông, ông hỏi: Bài đấy hay không? – Hay chứ ạ, cháu hát cho chú nghe nhé: “Thôi rồi còn chi đâu em ơi. Có còn lại chăng dư âm thôi, trong cơn thương đau men đắng môi. Yêu rồi tình yêu sao chua cay. Men nào bằng men thương đau đây. Hỡi người bỏ ta trong cơn mưa bay… Phương trời mình đi xa thêm xa. Nghe vàng mùa thu sau lưng ta. Em ơi em ơi thu thiết tha…”. Ông ngồi gật gù nghe tôi hát, thỉnh thoảng hỏi xen vào “Bài này hay không?”. Cơ khổ, đầu óc của một ông già hơn 80 tuổi đã không còn minh mẫn, ngoài tên thật: Nguyễn Ngọc Minh, sinh năm 1930 tại Bắc Ninh, còn lại là những khoảng ký ức ít ỏi…
Nhạc sỹ Thanh Bình hiện nay. Ảnh: ThanhNien.com.vn
Người viết phải cố gợi lại trong trí nhớ của ông từng chi tiết nhỏ. Ông cho biết mình học nhạc với một ông thầy ở Thanh Hóa dạo tản cư thời kháng chiến chống Pháp (1946-1947), rồi sau đó tự học và phát triển thêm…
Hỏi về bóng hồng nào đã khiến ông phải đau khổ để viết nên tác phẩm ‘Tình lỡ’, ông bảo: “Ca khúc này tôi viết cho một người con gái ở Hải Phòng. Lúc đó tôi 24 tuổi và rất thiết tha với người này. Ngày tôi xuống tàu ở cảng Hải Phòng vào nam, đứng trên boong tàu, tôi nhìn thấy nàng đang hối hả chen lấn, vạch đám đông người đưa tiễn để mong kịp chia tay tôi, nhưng tôi lại đứng lẫn vào đám đông trên boong tàu, còn nàng thì chạy dọc theo bờ cảng và không nhận ra tôi… Chẳng nói được với nhau câu nào.
Tôi vào nam, ít lâu sau hay tin bố mẹ nàng ép lấy chồng. Tôi buồn lắm, khoảng 1 tháng sau tôi viết được bài Tình lỡ (1954)…”.
Theo tìm hiểu của người viết thì ‘Tình lỡ’ là ca khúc chính được sử dụng trong phim ‘Nàng ‘ do đạo diễn Lê Mộng Hoàng thực hiện năm 1970 (dựa theo tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Bùi Hoàng Thư, phim đoạt giải Tượng vàng tại Đại hội Điện ảnh Á châu ở Đài Loan lần 17). Góp mặt trong phim này có: Thẩm Thúy Hằng, Trần Quang, La Thoại Tân và cả ca sĩ Phương Hoài Tâm… Ở cuối phim, Vân (Thẩm Thúy Hằng) đi dọc bãi biển trong buổi chiều lộng gió, tà áo dài bay phất phơ lồng trong tiếng hát của Khánh Ly: “… Một vầng trăng lỡ đã thôi không theo nhau. Cuộc tình đã lỡ với bao nhiêu thương đau. Hết rồi thôi đã không còn gì thật rồi. Chỉ còn hiu hắt cơn sầu không nguôi… Con đường mình đi sao chông gai. Bước vào đời nhau qua bao nay. Em ơi, em ơi! sao đắng cay…”.
Chỉ còn hiu hắt cơn sầu không nguôi
Tôi đang cố khơi gợi lại trí nhớ của ông thì chị chủ nhà đi công chuyện về. Chị tên Phượng và là cháu gọi nhạc sĩ Thanh Bình bằng cậu ruột. Qua chị, tôi biết thêm một số điều. Quả thật câu hát “Nghe vàng mùa thu sau lưng ta” khắc khoải như số phận đầy đau khổ của nhạc sĩ.
Sau 1954, nhạc sĩ Thanh Bình lấy vợ người Sài Gòn. Hai vợ chồng có một con gái và mở một tiệm cơm mà thực khách phần đông là những viên chức người Pháp. Rồi cô vợ bỏ chồng đi theo một người trong số họ về Pháp, bỏ lại đứa con gái cho ông. Vậy là “gà trống nuôi con” suốt mấy chục năm, cho đến lúc gả chồng cho con. Ông ở với vợ chồng người con gái trong một căn nhà nhỏ ở Gò Vấp. Tuổi già, lại đeo thêm những chứng bệnh về tim mạch và cao huyết áp. Thỉnh thoảng các nghệ sĩ ở nước ngoài (ca sĩ Thanh Thúy, diễn viên Giang Kim…) gửi biếu ông chút tiền chữa bệnh. Rồi người con gái phải lâm vào vòng lao lý, chị Phượng đưa người nhạc sĩ già này về nhà mình nuôi dưỡng… Hằng ngày ông bắc ghế, ngồi nhìn ra đường, giữ nhà cho con cháu đi làm ăn, học hành. Chắc ông chẳng còn nhớ, chẳng bận tâm rằng mình một thời từng sáng tác được những ca khúc khiến bao trái tim thổn thức. Và nếu như có ai nhắc lại, ông gật gù hỏi: “Bài ấy có hay không?”.
Thanh Bình không chỉ có mỗi ca khúc Tình lỡ, mà ông còn là tác giả của những ca khúc: ‘Còn nhớ hay quên?’, ‘Đừng đến rồi đi’ (1959), ‘Tiếc một người’ (1972)… Những cái tựa của các ca khúc kể trên khiến người ta tự hỏi: nhạc sĩ Thanh Bình viết cho ai đây, người yêu đầu đời hay người vợ tuyệt tình…?
Đầu những năm 1990, [dongnhacxua.com] đã nghe qua ‘Có phải em, mùa thu Hà Nội’ qua giọng hát Thu Phương và Hồng Nhung. Ngày đó, cùng với ‘Hà Nội, đêm trở gió’ hay ‘Hà Nội mùa vắng những cơn mưa’ … đã làm nên một làn sóng mới thật trẻ trung và đậm chất nghệ thuật về dòng nhạc trẻ nói chung và dòng nhạc về Hà Nội nói riêng. Thế nhưng xung quanh bản ‘Có phải em, mùa thu Hà Nội’ có nhiều điều thú vị mà hôm nay chúng tôi muốn giới thiệu với quý vị.
Những điều tôi viết dưới đây thực ra cũng chẳng phải là những điều tôi thực sự viết. Hay nói cách khác, nó là một dạng đạo lại những bài viết tôi vừa tìm đọc được và bạn có thể tìm thấy chúng ở những đường dẫn ở cuối cái cập nhật trạng thái dài lê thê này.
Đầu tháng tám, thấy nhiều người nhắc lại câu hát này. Tôi cũng định vậy nhưng lại thôi vì không muốn bỗng dưng trở thành kẻ bắt chước.
“Tháng tám mùa thu, lá khởi vàng chưa nhỉ?”
Nghe ‘Có phải em mùa thu Hà Nội’ qua giọng của Hồng Nhung hay nhiều ca sĩ khác, tôi vẫn nhầm lẫn một từ rất quan trọng trong câu hát, “khởi vàng” thành “rơi vàng”. Nhà thơ Tô Như Châu khi viết bài thơ này đầu năm 1970, cũng chính vào những ngày tháng tám. Hè vừa qua, thu mới chớm. Sự thay đổi của tiết trời lúc ấy chỉ đủ khiến những chiếc lá trên những tán cây đổ sang màu vàng óng. Vì lẽ ấy, ông mới dùng chữ “khởi” – bắt đầu, chứ không phải “rơi”.
Trong bài thơ còn có câu: “Lệ mừng gặp nhau ngàn phím dương cầm”. Có lẽ chẳng phải ngẫu nhiên Tô Như Châu đưa tiếng đàn piano vào một ca khúc trữ tình mà rất đỗi hào hùng như vậy. Có giai thoại kể rằng giữa lúc bom đạn chiến tranh, thi sĩ khi ấy ở Đà Nẵng tình cờ gặp được một thiếu nữ Hà Nội xóa tóc thề bên chiếc đàn dương cầm. Rồi chính vẻ đẹp của cô gái, của tiếng đàn thánh thót đã khơi dậy những trang sử hào hùng của “hồn Trưng Vương sông Hát” hay “Quang Trung vó ngựa biên thùy”. Tôi thì vẫn ngờ ngợ về tính xác thực của giai thoại này. Nhưng cũng có thể tại tâm hồn thô kệch của tôi chẳng bao giờ nhạy cảm, tinh tế và sâu sắc đến thế, và vậy nên khó mà đặt mình vào tâm hồn của một thi sĩ.
Một câu chuyện khác cũng khá đặc biệt về bài thơ sau khi nhạc sĩ Trần Quang Lộc phổ nhạc cho nó vào năm 1972. Bài hát đã có mặt trong một băng nhạc miền Nam nhưng phải đến đầu những năm 90 mới bắt đầu trở nên phổ biến qua giọng hát của Hồng Nhung, Thu Phương. Cũng khi ấy, Tô Như Châu bắt đầu công việc phát báo trên chiếc xe đạp cũ kĩ của mình. Bài hát được phổ thơ ông giờ được phát đi phát lại trên phố, tạo niềm cảm hứng để ông sáng tác bài thơ “Đi bỏ báo nghe thơ phổ nhạc” với những câu thơ rất thú vị:
“Có phải em Mùa thu Hà Nội Mùa thu trong veo mùa thu tuyệt vời Sống đẹp âm thầm và khát vọng Bỏ báo đọc thơ nghe nhạc đã đời”
Nhưng niềm vui sướng của Tô Như Châu bỗng quay ngoắt 180 độ khi ông phát hiện ra ca khúc được Trần Quang Lộc phổ nhạc gần như không hề có thông tin tên tác giả bài thơ gốc. Trần Quang Lộc ban đầu lấp liếm, giả vờ như không biết Tô Như Châu là ai. Nhưng rồi với những bằng chứng xác đáng, cuối cùng cái tên Tô Như Châu cũng được ở vị trí xứng đáng của nó. Tuy nhiên thật buồn vì ông không được nhận nhuận bút bản quyền như đã hứa cho tới tận lúc qua đời vì bạo bệnh năm 2002.
Tuy vậy, đó vẫn chưa phải là điều bất ngờ nhất. Tô Như Châu lẫn Trần Quang Lộc, hai con người sinh ra tại mảnh đất miền Trung Đà Nẵng và Quảng Trị, lại chưa từng có dịp đặt chân tới Hà Nội khi tạo ra bài thơ và ca khúc bất hủ này, cho tới tận bây giờ.
http://www.thivien.net/viewpoem.php?ID=2691 http://www.anninhthudo.vn/Loi-song/La-khoi-vang-chua-nhi/412623.antd http://quannhac.net/tan-man/thang-tam-mua-thu Posted 7th August 2012 by Hoan Do
THÁNG TÁM MÙA THU, LÁ KHỞI VÀNG CHƯA NHỈ? (Nguồn: nhạc sỹ Phạm Anh Dũng)
Nhạc sĩ Trần Quang Lộc sáng tác nhiều. Trong số đó, nổi tiếng là Về Đây Nghe Em và Có Phải Em Là Mùa Thu Hà Nội. Trước 1975, Trần Quang Lộc nổi tiếng với nhạc phẩm Về Đây Nghe Em bài nhạc phổ thơ Anh Khuê:
Về đây nghe em Về đây nghe em Về đây mặc áo the đi guốc mộc Kể chuyện tình bằng lời ca dao Kể chuyện tình bằng lời ngô khoai Kể chuyện tình bằng hạt lúa mới Và về đây nghe lại tiếng nói thơ ấu khúc hát ban đầu…
CD Đêm Màu Hồng của danh ca Thái Thanh do Diễm Xưa phát hành có bản Về Đây Nghe Em do Thái Thanh, Ý Lan và Quỳnh Dao (tức là Quỳnh Hương về sau này) hợp ca. CD hay, bài hát hay nhưng bìa CD có một sơ suất nhỏ, đề sai tên tác giả thành ra là Lê Quang Lộc. Và không thấy có ghi tên thi sĩ.
Nhạc phẩm Có Phải Em Mùa Thu Hà Nội (thơ Tô Như Châu, nhạc Trần Quang Lộc) thấy lưu hành sau 1975. Bài này có Hồng Nhung đã hát trong CD Chiều Phủ Tây Hồ, do trung tâm nhạc Mưa Hồng phát hành. Bìa CD có tên Trần Quang Lộc là tác giả nhưng cũng không thấy nhắc đến tên thi sĩ Tô Như Châu.
Đoạn đầu của Có Phải Em Mùa Thu Hà Nội, nhạc nằm trong âm giai Trưởng, nhạc và lời rất quyến rũ:
Tháng tám mùa thu, lá rơi vàng chưa nhỉ Từ độ người đi thương nhớ âm thầm Có phải em là mùa thu Hà Nội Tuổi phong sương ta cũng gắng đi tìm Có phải em mùa thu xưa
Đoạn 2, nhạc cũng gần giống hệt như đoạn đầu, ngoại trừ mấy chữ cuối:
Có bóng mùa thu thức ta lòng son muộn Một ngày về xuôi chân ghé Thăng Long buồn Có phải em là mùa thu Hà Nội Ngày sang thu anh lót lá em nằm Bên trời xa sương tóc bay
Câu “Ngày sang thu anh lót lá em nằm” nghe thật là giản dị nhưng đầm thắm.
Sang đoạn thứ 3 là đoạn điệp khúc, hai câu đầu, vẫn ở hợp âm trưởng:
Thôi thì có em đời ta hy vọng Thôi thì có em sương khói môi mềm Và sau đó, nhạc chuyển sang âm giai Thứ, buồn hơn: Có phải em là mùa thu Hà Nội Nghe đâu đây lá úa và mi xanh Nghe đâu đây hồn Trưng Vương sông Hát
Có một điểm nhiều người cho hơi lạ là ở khi bản nhạc lên đến cực điểm cao vút: “Nghe đâu đây hồn Trưng Vương sông Hát”. Họ không hiểu ở đây tác giả muốn nói gì vì Hai Bà Trưng tự vẫn ở sông Hát thuộc tỉnh Sơn Tây thì có liên hệ gì đến mùa Thu Hà Nội!
Lý do có lẽ như sau: Hai Bà Trưng nhảy xuống dòng sông Hát tự vận, tại tỉnh Sơn Tây. Sông Hát là giòng nước thượng lưu của sông Hồng (sông Nhị). Hồ Hoàn Kiếm và hồ Tây tại Hà Nội ngày xưa đều có nguồn từ Hồng Hà.
Đoạn thứ 4 là đoạn kết nhạc lại trở về âm giai trưởng giống như đoạn 1 và 2:
Có chắc mùa Thu lá rơi vàng tiếng gọi Lệ mừng gặp nhau xôn xao phím dương cầm Có phải em là mùa Thu Hà Nội Nghìn năm sau ta níu bóng quay về Ôi mùa Thu của ước mơ
Có Phải Em Mùa Thu Hà Nội phải nói là một bài nhạc haỵ
TÀI LIỆU THAM KHẢO: 1. CD Đêm Màu Hồng, Thái Thanh Hải Ngoại 3, Diểm Xưa 16 (714)540-7537 ở Hoa Kỳ. 2. CD Chiều Phủ Tây Hồ, Mưa Hồng 342 (714)531-7692 ở Hoa Kỳ, Kim Nga 01-45-829045 ở Pháp.
Phạm Anh Dũng Santa Maria, California USA
BÀI THƠ ‘CÓ PHẢI EM, MÙA THU HÀ NỘI’ CỦA TÔ NHƯ CHÂU? (Nguồn: ThiVien.net)
Tháng 11-2000 Tô Như Châu từ Đà Nẵng có gửi tặng NK tập thơ “Có phải em mùa thu Hà Nội” nxb Đà Nẵng – 1998 gồm 36 bài. Tô Như Châu (Đặng Hữu Có) sinh 1934, quê An Hải, Sơn Trà, Đà Nẵng – cư trú ở 136 Trần Phú-TP Đà Nẵng, dt.3897798; Hội Viên Hội VHNT Đà Nẵng. Nhà anh ở bên kia Sông Hàn. Năm 2000,tuy đã tren 60 xuân Thi sĩ vẫn cưỡi chiếc Honda 67 màu Bordeaux đã cũ vù vù đi “bỏ báo” kiếm cơm”: anh con ngựa già chưa mỏi vó / vẫn thênh thang bược nhẹ quanh đời / đi tung bờm tóc gió / quẳng gánh hương xa lên tiếng gọi mời / em cầu vồng bao nhiêu sắc / tháng giêng hồng rất mỏng rất mênh mông”.
Bài thơ”Có phải em mùa thu Hà Nội” anh viết vào tháng 8-1970,lúc Đà nẵng còn bời bời bom lửa chiến tranh,tình cờ anh gặp một cô gái Hà Nội chính gốc. Qua vài lần tiếp xúc & thưởng thức tiếng dương cầm thánh thót từ bàn tay trắng trẻo nuột nà mềm mại như thiên thần, lời nói dịu dàng như gió thoàng của Nàng, bỗng dưng đánh thức dậy trong lòng thi sĩ cả lịch sử hào khí của ông cha , của hồn Trưng Vương sông Hát Giang. Và thế là bài thơ ra đời…Bài thơ được Nhạc sĩ Trần Quang Lộc phổ nhạc năm 1972, sau này được các Ca sĩ Hồng Nhung, Thu Phương hát trở nên nổi tiếng. Nhạc Sĩ đươc giải thưởng, nhưng tên người sáng tác “lời”(thơ)thì bị “quên” một cách hữu ý ? Công luận (báo chí & dư luạn xã hội) đã nói về sự bội bạc của người bạn một thời bên xóm chài nhỏ ven bờ sông Hàn cùng anh !
Bài thơ nguyên tác như sau :
CÓ PHẢI EM MÙA THU HÀ NỘI Tháng tám mùa thu Lá khởi vàng em nhỉ Từ độ người đi thương nhớ âm thầm
Chiều vào thu nghe lời ru gió Nắng vàng lơ lửng ngoài hiên Mắt nai đen mùa thu Hà Nội Nghe lòng ấm lại tuổi phong sương
May mà có em cho đường phố vui May còn chút em trang sức sông Hồng Một sáng vào thu bềnh bồng hương cốm Đường Cổ Ngư xưa bắt bước phiêu bồng
thôi thì có em đời ta hy vọng Thôi thì có em sương khói môi mềm Có phải em mùa thu Hà Nội Nghe đâu đây lá ướt và mi xanh Nghe đâu đây hồn Trưng Vương sông Hát Lững thững Hồ Tây một dáng Kiều Có phải em mùa thu Hà Nội Nghìn năm sau níu bóng quay về
Phải nơi đây miền Thanh Nghệ Tĩnh Phải nơi đây Hồng Lĩnh-Ba vì Phải nơi đây núi Nùng sông Nhị Lớn đậy con người đất Tổ Hùng Vương Anh sẽ đi Cả nước Việt Nam yêu dấu Đẹp quê hương gặp lại tình người Bước nhỏ long lanh hồn nghệ sĩ Mơ Quang Trung vó ngựa biên thuỳ Ngày anh đi Nhất định phải có em đường cỏ thơm giong ruổi Sẽ ghé lại Thăng Long thăm Hoàng Thành- Văn Miếu chắc rêu phong đã in dấu bao ngày
Đã nghe bập bùng trống trận Ngày chiến thắng Điện Biên Sáng hồn lửa thiêng Xuôi quân về giữ quê hương Hôm nay mùa thu Gió về là lạ Bỗng xôn xao con tim lời lá Bỗng xôn xao rơi vàng tiếng gọi Lệ mừng gặp nhau ngàn phím dương cầm Có phải em mùa thu Hà Nội Ngày sang thu lót lá em nằm Bên trời xa sương tóc bay Hà Nội ơi em có hay Quê hương thần thoại hiển linh hồn sông núi Nắng thu muôn màu rực rỡ trong hồn anh.
Xin cảm ơn nhà báo Hà Đình Nguyên, cây bút lâu năm của nền nhạc xưa, đã có một bài viết về nhạc sỹ Hà Phương. Qua đó [dongnhacxua.com] mới biết được tác giả Du Uyên của ‘Mùa mưa qua mau’ không ai khác hơn là Hà Phương của ‘Mưa đêm tỉnh nhỏ’ hay ‘Mưa qua phố vắng’. Du Uyên là cách chơi chữ từ Duyên’, người yêu đầu đời của nhà nhạc sỹ. Qua bài viết bày, chúng tôi kính chúc nhạc sỹ Hà Phương được nhiều sức khỏe và vui hưởng tuổi già.
Mùa mưa đi qua (Du Uyên, tức Hà Phương). Ảnh: wikipedia.com
MƯA VÀ HOA VÀ NHẠC SỸ HÀ PHƯƠNG
(Nguồn: nhà báo Hà Đình Nguyên, đăng trên Thanh Niên)
Mới đây, trong đám giỗ 5 năm của nhà văn Sơn Nam tại TP.Mỹ Tho (Tiền Giang), chủ nhà có giới thiệu: “Nhạc sĩ Hà Phương sẽ hát một ca khúc do mình sáng tác trước năm 1975, bài Mùa mưa đi qua”. Rồi một người ôm cây đàn guitar đứng lên, ông có dáng to lớn lực lưỡng, tuổi tuy đã ngoài thất thập nhưng trông vẫn còn phong độ, đặc biệt là giọng hát – có vẻ như thời gian không mấy tác động đến chất giọng thiên phú, truyền cảm của ông: Tôi dìu em về, đường về nhà em qua phiến lá xanh xao. Con đường buồn hun hút mắt em sâu, mưa nhạt mưa nhòa, mưa đổ mưa ngâu… Tuy phục giọng hát của ông nhưng về tác giả thì người viết có chỗ ngờ ngợ, bèn nói thầm với chủ nhà: “Bản Mùa mưa đi qua là của Du Uyên chứ!”. Chủ nhà hứa sẽ hỏi lại… Ít lâu sau chủ nhà gọi điện thoại xác nhận Mùa mưa đi qua đúng là của Du Uyên, nhưng Du Uyên là một bút danh khác của Hà Phương và cho tôi số điện thoại của nhạc sĩ.
Nhạc sỹ Hà Phương. Ảnh: ThanhNien.com.vn
Thế rồi chúng tôi gặp nhau, tôi gọi ông bằng “anh”, ông kêu tôi bằng “chú”. Ông tên thật là Dương Văn Lắm, sinh năm 1938 tại Chợ Gạo (Bến Tre). Tuổi thơ của ông theo gia đình dịch chuyển nhiều nơi, có lúc lên Sài Gòn và may mắn được học nhạc với nhạc sĩ Lâm Tuyền. 19 tuổi, ông sáng tác ca khúc đầu tay Đường khuya với bút danh Hà Phương – cái tên hình thành từ cuộc sống “rày đây, mai đó” của mình. Từ đó, cái tên Hà Phương luôn gắn bó với sự nghiệp sáng tác hơn nửa thế kỷ của ông. Chỉ trừ một lần ông ký tên Du Uyên như đã nói. Hóa ra, bút danh này được tách ra từ tên người yêu đầu đời của ông: Duyên… Càng ngạc nhiên hơn khi biết ngoài Mùa mưa đi qua, Hà Phương còn là tác giả của Mưa đêm tỉnh lẻ – ca khúc mà một thời chúng tôi thường ngâm nga: Trời đổ mưa, cho phố vắng mênh mông, khơi lòng bao nỗi nhớ. Trời làm mưa, cho ướt áo em thơ, mưa rơi tự bao giờ. Tình yêu đó, phôi pha vào sương gió. Những đêm mưa tỉnh nhỏ, gợi nhớ tuổi học trò, tâm tình thường hay ngỏ. Trường tan về chung phố những lúc trời chiều đổ mưa… Ông tâm sự: “Tình yêu đầu đời là những kỷ niệm sâu sắc. Đó là những đêm trên sân khấu tôi đệm đàn cho nàng hát tình khúc do tôi sáng tác. Sau đó, hai đứa dìu nhau dưới những đêm mưa buồn nơi tỉnh lẻ, ánh đèn mờ ảo, phố vắng thưa người… Ôi nhớ sao là nhớ!”.
Có lẽ “mưa và hoa” đã như một đề tài định mệnh gắn bó với những sáng tác của Hà Phương, mưa rơi trong tác phẩm đầu tay: Đường về mưa rơi lạnh buốt. Ngại ngùng chân ai nhịp bước. Mưa ơi thấu chăng nỗi buồn… (Đường khuya, 1957), hoa cũng có mặt trong giai đoạn này khi ông phổ nhạc bài thơ bất hủ của T.T.KH Hai sắc hoa Ti gôn, rồi tiếp tục là Mưa trên phố vắng, Tình mùa hoa phượng… Đó là những nhạc phẩm ông viết trước năm 1975.
Sau một thời gian dài tạm quên đi chuyện nghệ thuật để xoay sở mưu sinh, mãi đến những năm 1990 Hà Phương mới sáng tác trở lại. Đó là giai đoạn ông cùng người bạn thân là nhạc sĩ Thanh Sơn được Trung tâm băng nhạc Vafaco mời về hợp tác. Ông bộc bạch: “Kể từ đó chúng tôi chuyển sang viết ca khúc mang đậm phong cách dân ca Nam bộ và cho ra đời những ca khúc Bông điên điển, Em về Miệt Thứ, Nhớ đất quê, Chiều mưa qua sông, Đồng sâu xứ lạ, Bông lục bình, Chuyện tình hoa cát đằng… Điều đó cũng phù hợp với tâm tư, tình cảm dành cho quê hương miền Tây, nơi mà chúng tôi lớn lên bên dòng sông, bến nước thấm đẫm những câu hò điệu lý, những làn điệu dân ca đã nuôi nấng tâm hồn chúng tôi. Mỗi ca khúc ra đời là sự thật phát xuất từ tâm hồn do thường xuyên lang bạt, gắn bó với miền đất phương Nam: Láng Linh, An Giang bạt ngàn bông điên điển với bóng hình những cô gái chèo xuồng hái bông đẹp làm sao. Có những đêm nơi Miệt Thứ, Cạnh Đền mà những sinh hoạt về đêm đều diễn ra trong mùng bò (mùng lớn) mới tránh khỏi muỗi đốt…”.
Thật vậy, những ca sĩ chuyên hát dòng nhạc trữ tình, âm hưởng dân ca Nam bộ như: Hương Lan, Phi Nhung, Cẩm Ly, Hương Thủy, Bích Tuyền… hiện nay đều rất thích thể hiện những ca khúc của Hà Phương. Mảng ca khúc này không chỉ thành công trong nước mà còn nhanh chóng lan tỏa ra cộng đồng Việt Nam ở hải ngoại, và đã để lại trong ông những kỷ niệm ngọt ngào. Ông kể: “Năm 2009, gia đình sa sút, tôi rời bỏ Mỹ Tho về quê vợ, một xã xa xôi hẻo lánh thuộc tỉnh Bến Tre. Vậy mà, ca sĩ Trường Vũ từ Mỹ về vẫn lặn lội tìm thăm, bởi ở Mỹ anh hát rất thành công bài Mưa đêm tỉnh nhỏ. Sau đó, ca sĩ Phi Nhung cũng từ Mỹ về gặp tôi nói lời cám ơn, vì cô cũng đã nổi tiếng qua bài Bông điên điển…”. Đây cũng là niềm động viên ấm áp cho những nghệ sĩ miệt mài sáng tác như ông: “Tôi chỉ viết được vài chục bài nhưng mỗi ca khúc viết ra đều thể hiện được điều mình muốn gửi gắm nên dù viết ít, vẫn được mọi người mến mộ, yêu thích. Tuy nhiên, dù sao tôi vẫn tâm đắc với những ca khúc Mùa mưa đi qua, Mưa đêm tỉnh nhỏ hơn vì nó thể hiện được tâm trạng, tiếng lòng thời trai trẻ và làm sống lại kỷ niệm về những cuộc tình trong quá khứ nhưng vẫn luôn hiện hữu trong tôi.
[dongnhacxua.com] chúng tôi vừa có chuyến ghé thăm Phan Thiết và không khỏi bùi ngùi khi chứng kiến cảnh hoang tàn và xuống cấp của địa danh “Lầu Ông Hoàng”, nơi đón bước chân của thi sỹ Hàn Mặc Tử và cũng là nơi được lưu dấu gần 50 năm nay qua nhạc phẩm ‘Hàn Mặc Tử’ bất hủ của nhạc sỹ Trần Thiện Thanh. Cũng nằm trong tâm tình ghi lại những cảm xúc về nhạc xưa, chúng tôi xin mạn phép đăng lại bài viết của tác giả Duy Khiem đăng trên diễn đàn của Trung Tâm Asia
VIẾT VỀ CA KHÚC “HÀN MẶC TỬ” CỦA TRẦN THIỆN THANH (Nguồn: TrungTamAsia.com)
Bài hát Hàn Mặc Tử đã được nhạc sĩ Trần Thiện Thanh sáng tác vào năm 1965. Đây là một trong những ca khúc rất thành công của ông, khi kể về cuộc đời tình ái sự nghiệp của một thiên tài trong thi ca Việt Nam, là thi sĩ Hàn Mặc Tử (1912-1940).
Bài hát bắt đầu bằng các câu thơ của HMT, được ngâm lên cho đoạn dạo đầu (prélude):
“Ai mua trăng tôi bán trăng cho
Trăng nằm im trên cành liễu đợi chờ
Ai mua trăng tôi bán trăng cho
Chẳng bán tình duyên ước hẹn hò ”
Sau đó thì tác giả chuyển qua điệu nhạc Bolero :
“Đường lên dốc đá, nửa đêm trăng tà nhớ câu chuyện xưa
LẦU ÔNG HOÀNG đó, thuở nao chân HÀN MẶC TỬ đã qua.
Ánh trăng treo nghiêng-nghiêng bờ cát dài thêm hoang vắng
Tiếng chim kêu đau thương như nức nở dưới trời sương
Lá rơi rơi đâu đây sao cứ ngỡ bước chân người
Tìm về giữa đêm buồn …
“Đường lên dốc đá, nhớ xưa hai người đã một lần đến
Tình yêu vừa chớm, xót xa cho chàng cuộc sống phế nhân
Tiếc thay cho thân trai, một nửa đời chưa qua hết
Trách thay cho tơ duyên, chưa thắm nồng đã vội tan
Hồn ngất ngư điên cuồng cho trời đất cũng tan thương
Mà khổ đau niềm riêng …”
Bài hát “Hàn Mặc Tử” này đã trở nên thật nổi tiếng ở Việt Nam kể từ lúc được ca sĩ Trúc Mai trình bày ở Đại nhạc hội tại rạp hát Thanh Bình, Sài Gòn vào năm 1965. Sau đó bài hát này được phổ biến rộng rãi khắp mọi nơi cho đến tận ngày hôm nay. Đi đâu cũng nghe người ta hát “Ai mua trăng, tôi bán trăng cho…” từ nhà hàng, quán cà-phê, bến xe đò, bến phà, các xe bán hàng rong khắp hang cùng ngõ hẻm. Ca sĩ Trúc Mai đã bắt đầu đi hát từ năm 1959. Cô là một trong bốn ngôi sao của phòng trà Hòa Bình, gồm Bạch Yến, Bích Chiêu (chị của Khánh Hà), Thùy Nhiên và Trúc Mai. Giọng hát của cô rất ngọt ngào, đầm ấm. Cô diễn tả bài hát thật nhẹ nhàng, thoải mái như ru nhè nhẹ vào tai người nghe. Nhờ vậy mà Trúc Mai đã tiếp tục sự nghiệp ca hát của cô trong hơn ba mươi năm. Sau một thời gian dài vắng bóng, cô đã tái ngộ khán giả khắp nơi ở chương trình Paris By Night 78 “Đường Xưa” khi song ca với Phương Hồng Quế trong liên khúc “Giọt lệ đài trang”. Đến với chương trình Asia 50 để tưởng niệm Nhật Trường, ca sĩ Trúc Mai sẽ kể lại các kỷ niệm vui buồn của cô trong những năm trình diễn bài hát Hàn Mặc Tử này. Nhưng hôm nay cô không hát lại ca khúc này, mà để cho giọng ca trẻ Y Phụng ngợi ca Hàn Mặc Tử. Trước đây cũng có vài ca sĩ ở hải ngoại đã hát bài “Hàn Mặc Tử” này. Trong đó có cô ca sĩ mang hai dòng máu Việt-Mỹ là Thúy Hằng đã hát bài này đúng 6.41 phút trong CD “Thúy Hằng 3: Tình Thiên Thu” do Mây Productions sản xuất năm 1998.
Cuộc đời ngắn ngũi 28 năm của thi sĩ Hàn Mặc Tử đã được không biết bao nhiêu người nhắc đến. Từ những bài báo, tiểu thuyết, cải lương, thoại kịch, phim truyện và hiện nay ở các đài truyền hình bên Việt Nam cũng đang cho trình chiếu một bộ phim truyện vài chục tập về cuộc đời Hàn Mặc Tử. Ông đúng là một thiên tài bất hạnh trong làng thi ca Việt Nam.
Tên thật của ông là Nguyễn Trọng Trí, sanh tại làng Lệ Mỹ , Đồng Hới, Quảng Trị vào ngày 22 tháng 9 năm 1912, trong một gia đình theo đạo Công giáo. Vóc mình ốm yếu, tính tình ông hiền từ, giản dị, hiếu học và thích giao du bè bạn trong lĩnh vực văn thơ. Thân phụ ông làm thông ngôn, ký lục nên thường di chuyển nhiều nơi, nhiều nhiệm sở. Vì vậy, Hàn Mặc Tử cũng đã theo học ở nhiều trường khác nhau như Sa Kỳ (1920), Qui Nhơn, Bồng Sơn (1921-1923), Pellerin Huế (1926). Năm 1930 thì Hàn Mặc Tử thôi học vào Qui Nhơn sống với mẫu thân và năm 1932 thì ông xin được việc làm ở sở Đạc Điền tại đó. Trong thời gian này ông có yêu một thiếu nữ tên là Hoàng Cúc ở gần nhà, nhưng mộng ước không thành. Người yêu theo chồng ra Huế sống. Buồn tình, năm 1935 HMT xin thôi việc vào Sài Gòn viết báo. Từ nhỏ Hàn Mặc Tử đã làm thơ đăng báo khắp nơi và ký các bút hiệu như Minh Duệ Thị, Phong Trần, Lệ Thanh, Hàn Mạc Tử (người ở sau tấm rèm lạnh: hàn là lạnh, mạc là bức rèm) và cuối cùng là Hàn Mặc Tử (anh chàng với bút mực: hàn là cây viết, mặc là mực) .
Rất nhiều người vẫn thắc mắc là Hàn Mặc Tử có tất cả bao nhiêu người yêu chính thức?
Có người từng nói rằng “thi nhân muôn đời luôn luôn là giống đa tình”, nên Hàn Mặc Tử cũng có rất nhiều người yêu và cũng có rất nhiều độc giả yêu thơ của chàng, viết thư làm quen. Trong số đó có Mộng Cầm (tức Huỳnh Thị Nghệ) là một thiếu nữ xinh đẹp từ Quảng Ngải vào và trọ học ở nhà người cậu nơi tỉnh Phan Thiết. Sau nhiều lần trao đổi thơ từ, thì họ cùng hẹn nhau để gặp mặt. Cuối tuần, Hàn Mặc Tử từ Sài Gòn đi Phan Thiết bằng xe lửa để tìm thăm Mộng Cầm. Họ đã dạo chơi khắp các thắng cảnh của Phan Thiết, trong đó có “Lầu Ông Hoàng”. Trần Thiện Thanh đã viết: “Lầu Ông Hoàng đó, thuở nao chân HMT đã qua“. Ai đã ở tỉnh Phan Thiết thì chắc cũng đã có lần nghe nhắc đến Lầu Ông Hoàng. Đó là một dinh thự to lớn, nguy nga tráng lệ, xung quanh có vườn tược, cây cảnh rất xinh đẹp và nằm trên một ngọn đồi nhìn ra biển xanh. Lâu đài này do một ông hoàng (công tước) người Pháp tên là De Montpensier mua khu đất này và xây cất lên vào năm 1911 để làm nơi nghỉ hè, vui chơi cho gia đình ông. Năm 1917 thì một doanh nhân Pháp mua lại để làm khách sạn cho du khách thuê. (Trong thời chiến tranh sau này, khu Lầu Ông Hoàng này đã bị bom đạn phá hũy hoàn toàn, nay chỉ còn cái nền cao mà thôi). Thuở xa xưa đó, những cặp tình nhân thường hẹn hò nhau đến khu vực này để ngắm cảnh và tâm tình với nhau nơi các băng ghế đá xung quanh vườn, nhứt là trong những đêm trăng sáng. Qua Mộng Cầm, HMT làm quen với cậu của nàng là Thi sĩ Bích Khê (1916-1946) và hai chàng thi sĩ này trở nên thân nhau như tri kỷ. Cuối tuần nào HMT cũng tới ở trọ nhà Bích Khê và hẹn gặp Mộng Cầm (Mộng Cầm ở trọ nhà một người cậu khác). Thời gian đó, không rõ vì lý do gì mà HMT bị bịnh phong cùi (leprosy), hai vành tai ửng đỏ, ngứa ngái khắp nơi. Tuy vẫn thơ từ qua lại, nhưng Mộng Cầm lãng tránh dần thi sĩ, ít khi hò hẹn với nhau. Hàn Mặc Tử âm thầm tìm thầy chạy chửa thuốc men, bịnh tình cũng thuyên giảm dần dần, và thi sĩ vẫn tiếp tục làm thơ, viết báo ở Sài Gòn.
Nhưng qua năm 1938, căn bịnh quái ác này trở nên nặng hơn, nên thi sĩ bèn quay về Qui Nhơn thuê một căn nhà nhỏ trên đồi, sống biệt lập cách xa thành phố, tuyệt giao với tất cả bạn bè. Hàng ngày có một tiểu đồng về nhà mẹ của HMT gần đó lãnh cơm nước, thuốc men đem đến cho chàng. Trần Thiện Thanh đã viết:
“HÀN MẶC TỬ xuôi về quê cũ dấu thân nơi nhà hoang,
MỘNG CẦM hởi thôi đừng thương tiếc tủi cho nhau mà thôi,
Tình đã lỡ xin một câu hứa kiếp sau ta trọn đôi,
Còn gì nữa thân tàn xin để một mình mình đơn côi.”
Từ khi phát bịnh, cơ thể đau nhức đến phát điên, nhứt là vào những đêm trăng sáng. Hàn Mặc Tử lại càng làm thơ hay hơn, như những câu thơ mà Trần Thiện Thanh đã phổ nhạc:
“Trăng! Trăng! Trăng! Là Trăng! Trăng! Trăng! Ai mua trăng tôi bán trăng cho
Không bán đoàn viên, ước hẹn hò
Bao giờ đậu trạng, vinh quy đã
Anh lại đây tôi thối chữ thơ
Không, không, không ! Tôi chẳng bán hòn trăng
Tôi giả đò chơi, anh tưởng rằng
Tôi nói thiệt là anh dại quá
Trăng Vàng Trăng Ngọc bán sao đang ?”
Có đêm ông nằm mơ thấy Đức Mẹ hiện về, nên ông đã viết bài “Thánh nữ Đồng Trinh” để tạ ơn:
“Maria! Linh hồn con ớn lạnh
Run như run thần tử thấy long nhan
Run như run hơi thở chạm tơ vàng
Nhưng lòng vẫn thấm nhuần ơn trìu mến…
…
Tấu lạy Bà, lạy Bà đầy ơn phước
Cho tình tôi nguyên vẹn tợ trăng rằm Thơ trong trắng như một khối băng tâm
Luôn luôn reo trong hồn trong mạch máu
Cho vỡ lở cả muôn ngàn tinh đẩu
Cho đê mê âm nhạc và thanh hương
…
Sẽ ngây ngất bởi chưng thơ đầy ứ
Nguồn Thiêng liêng yêu chuộng Mẹ Sầu Bi ..”
Trong lúc cô đơn, tuyệt vọng chán chường, thi sĩ lại nhận được tin Mộng Cầm đi lấy chồng, nên HMT lại càng đau khổ hơn:
“Trời hởi nhờ ai cho khỏi đói
Gió trăng có sẳn làm sao ăn ?
Làm sao giết được người trong mộng
Để trả thù duyên kiếp phụ phàng ?”
Trần Thiện Thanh đã viết lời ca:
“Tìm vào cô đơn, đất Qui nhơn gầy đón chân chàng đến.
Người xưa nào biết chốn xưa ngập đường pháo cưới kết hoa,
Chốn hoang liêu tiêu sơ HÀN âm thầm nghe trăng vỡ .”
Hình như cái bịnh phong cùi này thường làm cho Hàn Mặc Tử đau đớn nhiều hơn trong những đêm có trăng. Thi sĩ đã thức trọn đêm để làm thơ:
Hôm nay có một nửa trăng thôi
Một nửa trăng ai cắn vỡ rồi
Ta nhớ mình xa thương đứt ruột
Gió làm nên tội buổi chia phôi …
Có lúc thi sĩ Bích Khê ghé thăm, thấy HMT buồn, nên giới thiệu chàng làm quen với người chị của BK là Lê Thị Ngọc Sương (tức là dì ruột của Mộng Cầm) để hai người thơ từ qua lại. HMT đã làm liền một bài thơ sau khi nhìn vào tấm ảnh của Ngọc Sương:
“Ta đề chữ NGỌC trên tàu chuối
SƯƠNG ở cung thiềm nhỏ chẳng thôi
Tình ta khuấy mãi không thành khối
Nư giận đòi phen cắn phải môi”
Đây chỉ là một mối tình đơn phương, vì Ngọc Sương không hề yêu HMT nhưng cô cũng khiến thi sĩ sáng tác được nhiều bài thơ hay. Lúc đó lại có nữ thi sĩ Mai Đình (tên thật Lê Thị Mai) yêu HMT tha thiết, tình nguyện đến ở bên chàng săn sóc, lo thuốc men. Nhưng thi sĩ đã từ chối và chỉ tiếp chuyện với cô được vài lần. Tuy vậy HMT cũng đã làm những bài thơ trong đó có câu:
“Đây MAI ĐÌNH tiên nữ ở Vu Sơn
Đem mộng xuống gieo vào muôn sóng mắt …
Nàng, ôm nàng hai tay ta ghì chặt
Cả bài thơ êm mát lạ lùng thay
Ta là người uống muôn hận sầu cay
Nàng là mật của muôn tuần trăng mật …”
Thơ từ qua lại với Mai Đình trong hai năm (1938-1939) rồi HMT tuyệt giao. Có lúc tưởng như bớt bịnh, bạn bè đến thăm, lại mang thơ độc giả ái mộ cho HMT xem (1940). Trong đó có một nữ sinh trung học tên Thương Thương đã làm cho HMT cảm động, và thi sĩ lại tìm được tình yêu trong mộng, như:
“Sầu lên cho tới ngàn khơi
Ai lau ráo lệ cho lời nói ra
chiều nay tàn tạ hồn hoa
nhớ THƯƠNG THƯƠNG quá, xót xa tâm bào …”
Gần cuối năm 1940, căn bịnh của HMT trở nên nặng hơn. Gia đình đành phải đưa ông vào nhà thương phung cùi Qui Hòa, cách Qui Nhơn 5 cây số, nơi có các dì phước người Pháp săn sóc cho bịnh nhân. Lúc này thi sĩ đã bớt điên loạn và dần dần chấp nhận cái chết gần kề. Ông đã mơ ước:
“Một mai kia ở bên khe nước ngọc
Với sao sương, anh nằm chết như trăng
Không tìm thấy nàng tiên mô đến khóc
Đến hôn anh và rửa vết thương tâm !”
Ông luôn luôn nhớ đến Phan Thiết, nhớ đến Mộng Cầm và những kỷ niệm thời hoa bướm ngày xưa. Thi sĩ đã viết những câu thơ dưới đây như những lời trăn trối sau cùng trong đớn đau tuyệt vọng:
‘… Rồi ngây dại nhờ thất tinh chỉ hướng
Ta lang thang tìm tới chốn Lầu Trăng
Lầu Ông-Hoàng, người thiên hạ đồn vang
Nơi đã khóc, đã yêu thương tha thiết
Ôi ! Trời ơi ! là Phan Thiết ! Phan Thiết !
Mà tang thương còn lại mảnh sao rơi
Ta đến nơi : nàng ấy vắng lâu rồi !
Nghĩa là chết từ muôn trăng thế kỷ !
Trăng vàng ngọc, trăng ân tình, chưa phỉ
Ta nhìn trăng khôn xiết ngậm ngùi trăng
Ta vãi tung thơ lên tận cung Hằng
Thơ phép tắc bỗng kêu rên thống thiết.
Hỡi Phan Thiết ! Phan Thiết !
Mi là nơi ta chôn hận nghìn thu
Mi là nơi ta sầu muộn ngất ngư !”
Rời túp lều hoang không đầy hai tháng, thì Hàn Mặc Tử yếu dần và tạ thế tại nhà thương Qui Hòa, ngày 11 tháng 11 năm 1940. Được tin ông mất, các tờ báo trên khắp nước đã viết bài, đăng tin, ra số đặc biệt tưởng niệm thi sĩ tài hoa nhưng bất hạnh này. Bạn bè, người yêu, độc giả khắp nơi đều thương tiếc, nhưng không một ai đến đưa đám tang thi sĩ HMT. Trần Thiện Thanh đã kết thúc bài hát Hàn Mặc Tử bằng:
“Xót thương thân bơ vơ cho đến một buổi chiều kia
Trời đất như quay cuồng khi hồn phách vút lên cao
MẶC TỬ nay còn đâu !
Khi sáng tác ca khúc “Hàn Mặc Tử” này cách đây đúng 40 năm (1965-2005), có lẽ nhạc sĩ Trần Thiện Thanh không ngờ rằng sau này cuộc đời ông cũng có nhiều điểm giống như thi sĩ tài hoa bạc mệnh này. Nơi tỉnh nhà Phan Thiết, từ nhỏ Trần Thiện Thanh đã cùng bạn bè dạo chơi ở những nơi mà ngày xưa thi sĩ Hàn Mặc Tử và Mộng Cầm từng in dấu. Nên ông đã viết: “Đường lên dốc đá, nửa đêm trăng tà nhớ câu chuyện xưa, Lầu ông Hoàng đó, thuở nao chân HMT đã qua”.
Vào Sài Gòn lập nghiệp, nhạc sĩ Trần Thiện Thanh đã mang theo ông những kỷ niệm này và sáng tác nên “Hàn Mặc Tử”. Trong khoảng thời gian bắt đầu ca hát và viết nhạc từ năm 1958 cho đến năm 1975, ca sĩ Nhật Trường-Trần Thiện Thanh đã cống hiến cho đời những lời ca tiếng nhạc thật tuyệt vời. Tên tuổi và danh vọng của ông đã sáng rực lên khắp mọi nơi. Đã có không biết bao nhiêu thiếu nữ, khán giả ở mọi lứa tuổi yêu nhạc và yêu thương ông tha thiết. Nhưng kể từ sau năm 1975, thì sự nghiệp của ông dần dần đi xuống, kể cả khi ra hải ngoại, những sáng tác mới của ông cũng không còn xuất sắc được như ngày xưa. Cuối cùng thì ông lại mắc phải một chứng bịnh nan y là ung thư phổi. Những tháng ngày cuối cùng của ông thật là cô đơn, hiu quạnh. Đâu còn thấy lại “ánh đèn sân khấu”, đâu còn thấy lại những khán giả thân thương, những bạn bè xưa, người yêu cũ. Ngay cả bà mẹ già 82 tuổi và cô em gái Như Thủy trong ban Tứ ca Nhật Trường ngày xưa, những đứa con, đứa cháu của ông vẫn còn ở bên Việt Nam nghìn trùng xa cách. Những tuần lễ sau cùng, khi đã tuyệt vọng, ông không chịu nằm trong bịnh viện mà muốn trở về nằm nghỉ nơi nhà riêng. Bên cạnh ông trong giờ hấp hối chỉ có người vợ sau là ca sĩ Mỹ Lan và đứa con trai út mới vừa 3 tuổi, tên là Trần Thiện Anh Chí. Ông đã ra đi trong âm thầm lặng lẽ sau mấy tháng chịu nhiều đau đớn, dày vò vì căn bịnh quái ác này. Cho đến ngày 13-5-2005 thì “trời đất như quay cuồng, khi hồn phách vút lên cao”. Trần Thiện Thanh đã thực sự vĩnh biệt chúng ta khi vừa đúng 62 tuổi đời, là cái tuổi vẫn còn rất trẻ trên đất tạm dung Hoa Kỳ.
*Tài liệu tham khảo để viết bài này:
-Tuyển tập nhạc “Bao giờ anh quên” (25 tác phẩm TTT)
-CD nhạc Thúy Hằng 3 : “Tình Thiên Thu”, Mây Productions, USA, 1998
-Theo chân những tiếng hát, Hồ Trường An, Hoa Kỳ, 1998
-Hàn Mạc Tử (thân thế & thi văn), Trần Thanh Mại, Tân Việt, 1957
-Đôi nét về Hàn Mặc Tử, hồi ký Quách Tấn, Quê Mẹ, Paris, 1988
-Văn Thi sĩ tiền chiến, Nguyễn Vỹ, Khai Trí, Saigon, 1969
-Thơ Hàn Mặc Tử, Sở văn hóa thông tin Nghĩa Bình, 1988
-Website : http:// vietlove.com (viết về Nhật Trường).
-Website : http:// phanthiet.com (di tích, thắng cảnh)
Xung quanh cuộc đời và những sáng tác của nhạc sỹ Y Vân là những giai thoại, hầu hết là dễ thương. Câu chuyện về bản “Ảo ảnh” mà [dongnhacxua.com] giới thiệu hôm nay là một trong số đó. Một khi là giai thoại thì khó mà xác định đúng hay sai – điều duy nhất đúng là công chúng có yêu mến Y Vân nên mới thêu dệt nhiều câu chuyện thú vị về ông.
Ảo ảnh (Y Vân). Ảnh: QuanNhacVang.com
ẢO ẢNH CUỘC TÌNH (Nguồn: bài viết của anh Hà Đình Nguyên, đăng trên báo Thanh Niên)
Y Vân lập gia đình năm 1963, lúc này anh đã là trưởng ban nhạc Y Vân danh tiếng ở Sài Gòn (cùng với sự cộng tác của các ca sĩ Thanh Thoại, Tuyết Mai, Mai Hương…). Một buổi trưa năm 1965, từ đài phát thanh, Y Vân dắt xe máy ra cổng chuẩn bị về thì có một chú bé chạy đến mời anh vào quán nước cạnh đấy. Nơi đây, một thiếu nữ khá xinh ngồi chờ sẵn, chú bé giới thiệu đó là chị của mình, tên Huyền, đang là sinh viên Ban Việt-Hán, Đại học Văn khoa Sài Gòn. Huyền có đôi mắt to, đen và buồn. Trên bâu áo của nàng có chít một mảnh tang đen. Y Vân cố nhớ lại xem mình đã gặp cô gái này ở đâu chưa, nhưng chịu thua. Theo phép xã giao anh ngỏ lời chia buồn. Nhưng cô gái lắc đầu, buồn bã: “Em đâu có người thân nào qua đời. Mảnh tang này là dành cho mối tình của em đó!”. Y Vân sượng sùng, anh cũng manh nha đoán rằng phải có một điều bí ẩn gì đó mới khiến cô gái này vượt qua nỗi e dè thường thấy của phái nữ, không ngại điều thị phi để đánh bạo gặp anh, nhưng cũng khó mở miệng để hỏi, đành chỉ ngồi nói chuyện bâng quơ một lát rồi viện cớ cáo từ.
Hai hôm sau, Y Vân tìm đến nhà Huyền theo địa chỉ cô đã cho. Đó là một căn nhà vách gỗ đơn sơ nhưng ngăn nắp, sạch sẽ nằm bên chiếc ao rau muống trong con hẻm đường Trương Minh Giảng (gần chợ Phú Nhuận bây giờ). Huyền không có nhà nhưng cậu em trai đã thổ lộ với chàng nhạc sĩ những điều thầm kín của chị mình. Chú bé cho biết họ là con của một địa chủ tiếng tăm ở Long An, được gia đình gửi lên Sài Gòn trọ học. Huyền rất thích âm nhạc và ca hát, đặc biệt là thích nhạc của tác giả Y Vân. Những cuốn vở học trò của Huyền cũng được cô kẻ khung, chép nhạc (hầu hết là nhạc của Y Vân). Tiền gia đình gửi lên để Huyền hoàn tất chương trình cử nhân Văn khoa lại được nàng đem đóng học phí vào… lớp dạy đàn Tây Ban cầm. Suốt ngày Huyền chỉ ôm đàn và hát nhạc Y Vân.
Việc học bê trễ, mấy năm liền chẳng đậu thêm được chứng chỉ nào. Thấy vậy, ông bố đã bắt hai chị em về quê, ép gả Huyền cho một anh trung úy hải quân. Huyền quyết liệt từ chối. Bẽ mặt với nhà trai, ông bố đăng báo từ con. Huyền đau khổ, trút tâm sự với em trai rằng đã yêu nhạc sĩ Y Vân. Sau khi bàn tính, hai chị em trốn nhà lên Sài Gòn, Huyền phải tìm việc làm để mưu sinh và nuôi hy vọng có ngày sẽ được cùng người trong mộng kết tóc se tơ. Sau nhiều lần dò hỏi, biết chắc nhạc sĩ Y Vân đã có gia đình, Huyền làm một mảnh tang đen, luôn đeo nó trên bâu áo.
Nhưng lòng nàng lúc nào cũng tơ tưởng đến nhạc sĩ tài hoa. Nàng đã nhờ em trai tìm cách cho nàng gặp anh để nói với anh điều này. Nhưng khi gặp, nàng lại không dám nói. Y Vân ra về như chạy. Và ca khúc Ảo ảnh ra đời sau đó: “…Những ân tình em đong bằng nước mắt. Khóc cho đầy hai chữ tình yêu. Phấn hương nồng anh xem tựa tấm áo, đã thay màu ân ái từ lâu. Những neo thuyền yêu thương thường dễ đứt, khiến bao chiều trên bến tịch liêu. Vắng con tàu sân ga thường héo hắt. Thiếu em lòng anh thấy quạnh hiu…”.
Trong một bài viết về nhạc phẩm ‘Thà Như Giọt Mưa’ của Phạm Duy phổ thơ Nguyễn Tất Nhiên, [dongnhacxua.com] có đề cập đến một nguyên mẫu của ‘Duyên’ ngoài đời là cô Bùi Thị Duyên, cựu học sinh Ngô Quyền, Biên Hòa ngày xưa. Hôm nay chúng tôi lại có cái ‘duyên’ được thêm thông tin về năm tháng Nguyễn Tất Nhiên còn đi học và nhất là biết được ai là “Cô bắc kỳ nho nhỏ”, một sáng tác khác mà Phạm Duy cũng phổ thơ của Nguyễn Tất Nhiên.
Cô bắc kỳ nho nhỏ. Phạm Duy – Nguyễn Tất Nhiên. Ảnh: QuanNhacVang.com
MỘT CÁI NHÌN KHÁM PHÁ MỚI VỀ NGUYỄN TẤT NHIÊN (Nguồn: tác giả Người Xứ Bưởi đăng trên Ngo-Quyen.org)
Nhớ lại mùa hè cách nay đúng 36 năm, giới trẻ sinh viên học sinh VN có làm Đại Hội Thể Thao Âu Châu ngay tại thành phố Stuttgart / xứ Đức. Đêm về khuya, một nhóm nhỏ gốc Hướng Đạo có sáng kiến làm lửa trại “bỏ túi” để sinh hoạt làm quen với nhau. Tới màn tự giới thiệu, người viết vừa mới nói là dân Biên Hòa, thế là bị cắt lời ngay bằng lao nhao những lời “hỏi thăm“:
Học trường Ngô Quyền phải không ?
Bưởi Biên Hòa ngon lắm đó!
Nhà Thương Điên cũng “hết xẩy” luôn!
Một cô khá “mi nhon” liền tự nhiên đứng lên hát một đoạn bản nhạc Thà Như Giọt Mưa và sau đó “lên mặt” hỏi trỏng có quen biết Nguyễn Tất Nhiên không và “dung nhan” của Cô Bắc kỳ nho nhỏ tên Duyên ra sao? Lúc đó trước mặt bạn bè làm sao tôi dám “can đảm tiết lộ” đã học cùng khóa 8 với Nguyễn Tất Nhiên tại trường Ngô Quyền, học cùng thời bậc tiểu học với Duyên và nhứt là trước năm 1975, gia đình ba má tôi & ba má Duyên là láng giềng ở cách nhau một căn nhà trong một “xóm Bắc kỳ nho nhỏ” tại cuối đường dốc tòa án Lê Văn Duyệt (sau đổi là Bùi Văn Hòa). Tại trong bụng sợ mang tiếng “thấy sang bắt quàng làm họ” nên đành nín khe chịu thua luôn.
Câu chuyện tình cờ này cho thấy thơ Nguyễn Tất Nhiên được giới trẻ lúc đó biết rất nhiều và đôi khi đã biến thành biểu tượng đặc biệt cho tỉnh Biên Hòa & trường Ngô Quyền. Bởi nổi tiếng như vậy nên đã có nhiều huyền thoại không phù hợp sự thực được đưa ra. Trong văn học tại các quốc gia tiền tiến Tây Phương thì họ giải quyết rốt ráo không chấp nhận những chi tiết huyền thoại sai sự thực trong tiểu sử tác giả liên hệ. Cho nên hồi năm 2007, người viết có đề nghị trang web trường Ngô Quyền mở rộng & thêm mục Thư Quán Nguyễn Tất Nhiên để lưu trữ toàn bộ di sản văn học liên hệ và làm sáng tỏ những chi tiết không đúng sự thực có liên quan đến nhà thơ nổi tiếng này. Từ đó trang web trường Ngô Quyền có thêm mục Thư Quán Nguyễn Tất Nhiên và được phụ trách bởi nhà thơ Nguyễn Thị Minh Thủy (cũng là người bạn đời hôn phối duy nhứt của Nguyễn Tất Nhiên). Nhờ vậy, trong đó đã xuất phát những cải chính cấp thời bảo vệ hữu hiệu danh dự cho Nguyễn Tất Nhiên, khi nhà thơ Du Tư Lê vào năm 2010 đã viết báo nói xấu & mạo nhận là người nghĩ ra giùm bút hiệu cho Nguyễn Tất Nhiên.
Trong khuôn khổ giới hạn, bài viết ở đây bàn đến vài điểm trong Một cái nhìn khám phá mới về Nguyễn Tất Nhiên.
1) Ai mới chính đích thực là “Cô Bắc kỳ nho nhỏ” của Nguyễn Tất Nhiên?
Xứ bưởi Biên Hòa nổi tiếng là cái nôi thơ văn miền Nam. Được biết nhiều nhứt trong giới làm thơ tại đây từ trước đến nay chính là người học trò Nguyễn Tất Nhiên với “Cô Bắc kỳ nho nhỏ“:
Đôi mắt tròn, đen, như búp bế
Cô đã nhìn anh rất… Bắc kỳ
Anh vái trời cho cô dễ dạy
Để anh đừng uổng mớ tình si
…..
Anh chắc rằng cô sinh trong Nam
Cảnh tượng di cư chắc lạ lùng
Thuở còn học ở Ngô Quyền, đám học trò chúng tôi may mắn được nhiều Thầy Cô thiệt giỏi như Thầy Đoàn Viết Biên, Cô Đặng Thị Trí, Cô Vương Chân Phương, Cô Đinh Thị Hòa… “truyền nghề” cho môn Quốc Văn. Trong đó có phương pháp tổng hợp để tìm thấy những sự thực liên quan đến tác giả qua:
a) phân tích kỹ mọi dữ kiện chứa đựng trong các tác phẩm.
b) sưu tầm tin tức qua những cá nhân thân cận & quen biết với tác giả.
c) nghiên cứu về hoàn cảnh của tác giả, sẽ thấy tác phẩm ra đời với hậu ý gì?
Trong lãnh vực nghiên cứu văn học, đôi khi một vài dữ kiện tuy nhỏ nhoi trong tác phẩm lại dẫn đến khám phá sự thực bất ngờ. Điển hình là trong dự án chuyển dịch bộ Luật Hồng Đức (tên chính thức là Quốc Triều Hình Luật) của Đại học Harvard vào năm 1984 quy tụ nhiều học giả Việt Mỹ đã tình cờ khám phá ra tác giả đích thực soạn ra bộ luật nổi tiếng này chính là thiên tài Nguyễn Trãi (cũng là tác giả của Bình Ngô Đại Cáo). Trong đó, học giả Nguyễn Ngọc Huy đã có sáng kiến nghiên cứu kỹ vấn đề kỵ húy (kiêng kỵ tên húy của vua) để phát giác ra bản văn bộ Luật Hồng Đức chắc chắn được soạn trước thời vua Lê Thánh Tôn (Hồng Đức) lúc mà thiên tài Nguyễn Trãi còn sống chịu trách nhiệm điều hành.
Áp dụng vào trường hợp Nguyễn Tất Nhiên, chúng tôi đã phát hiện thấy là phần lớn các bài viết và dư luận đã… lầm và sai, khi cho rằng nhân vật “Cô Bắc kỳ nho nhỏ ” chính là cô bạn học cùng lớp tên Duyên (Bùi Thị Duyên). Bởi lẽ, họ không nắm vững những chi tiết liên hệ:
a) Nguyễn Hoàng Hải (tên thật của nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên) và Duyên học cùng lớp cùng sinh năm Nhâm Thìn 1952, mà cuộc di cư xảy vào năm 1954. Như vậy quá rõ ràng Nguyễn Tất Nhiên muốn ám chỉ vào một người con gái khác trẻ tuổi hơn nhiều (sinh sau năm di cư 1954!) và khi muốn bắt chuyện làm quen vào năm 1973 bèn đong đưa với câu “Anh chắc rằng cô sinh trong Nam. Cảnh tượng di cư chắc lạ lùng“. Điều này không gì lạ, vì thi sĩ vốn nòi đa tình, nên trong tác phẩm Nguyễn Tất Nhiên xuất hiện nhiều bóng hồng khác nữa chớ không phải chỉ có “một người mang tên Duyên“.
b) Trong bài phỏng vấn tuần báo Tuổi Ngọc số 141 vào ngày 5.8.1974, Nguyễn Tất Nhiên đã trả lời gián tiếp xác nhận chuyện này:
Tuổi Ngọc: Cuối cùng, Nguyễn Tất Nhiên, bạn còn muốn nói thêm gì chăng?
Nguyễn Tất Nhiên: Có lẽ, nên thôi. Bởi tôi sắp sửa đề cập tới nàng con gái khác, trong bài “Hai năm tình lận đận” . Nàng con gái khác nữa, trong bài “Cô Bắc kỳ nho nhỏ”.
c) Nguyễn Tất Nhiên đã tả điểm đặc biệt về Cô Bắc kỳ nho nhỏ như sau:
Cô Bắc kỳ nho nhỏ
tóc “demi-garcon”
cười ngây thơ hết nụ
…..
mắt như trời bao dung
Kiểu tóc “demi-garcon” đặc biệt này không thể tìm thấy ở hình ảnh thuở xưa ở các nhân vật nữ mà Nguyễn Tất Nhiên từng theo đuổi làm thơ gửi tặng như chs-NQ Bùi Thị Duyên (tóc xõa đến bờ vai), nhà thơ Nguyễn Thị Minh Thủy (tóc thắt bím)… (xem hình ảnh phía dưới)
Phân tích trên đã được đăng tải trên Tuyển Tập Ngô Quyền năm 2006 và lúc đó thực sự chúng tôi không biết rõ tên tuổi đích thực của Cô Bắc kỳ nho nhỏ, bởi lẽ chúng tôi tiếp tục qua Âu Châu du học từ năm 1971, nên không rõ nhiều về “diễn tiến” tại Biên Hòa.
Dĩ nhiên đã gợi trong lòng “tò mò” vô cùng khi thấy Nguyễn Tất Nhiên vào năm 1972 làm bài thơ Duyên Của Tình Ta Con Gái Bắc với những lời lẽ “nặng nề” chê gái Bắc “nhớ duyên dáng ngây thơ… mà xảo quyệt” . Rồi thật bất ngờ chỉ một năm sau 1973, Nguyễn Tất Nhiên lại gặp một nàng con gái bắc khác nhỏ tuổi hơn nhiều, để sáng tác được bài thơ độc đáo Cô Bắc Kỳ Nho Nhỏ . Vậy, nhân vật nữ “đặc biệt” này là ai đã có sức mạnh ghê gớm khiến Nguyễn Tất Nhiên chạy theo “mê tình” đến nổi gạt bỏ mọi thành kiến xấu “gái bắc” trước đó một năm.
Để giải đáp được ẩn số này, chúng tôi đành sưu tầm tin tức qua những cá nhân thân cận & quen biết với tác giả. Trong đó có nhà thơ Nguyễn Thị Minh Thủy, nhà thơ Tưởng Dung (bạn học thân thiết nhứt của Minh Thủy), Cô giáo Ma Thị Ngọc Huệ và một số bạn bè thân ở trong & ngoài nước. Rất ngạc nhiên là phần lớn họ đều biết rõ chuyện nội bộ này và xác nhận cho biết Cô Bắc kỳ nho nhỏ với tóc “demi-garcon” chính là một nữ sinh trường Ngô Quyền tên là Hoàng Thị Kim Oanh. Nên nhớ Nguyễn Tất Nhiên cũng từng sáng tác một bài thơ có tựa đề “Oanh“, mà nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc thành bài Hãy Yêu Chàng:
Oanh
Hãy yêu chàng, yêu chàng như yêu dòng sông
Ngậm ánh trăng non bàng bạc đêm rằm
…..
Chơi giỡn tung tăng hai vạt áo dài
Gió đưa mây về, trời mưa, bong bóng vỡ
Từ Biên Hòa, bạn bè lại cho biết rõ thêm chi tiết vềchs-NQ Hoàng Thị Kim Oanh, sinh năm 1955 (học khóa 12 trường Ngô Quyền / Biên Hòa, sống khép kín, hiền lành, ít giao tiếp và rất xinh), có người chị tên là Hoàng Thị Thúy Liễu (Ngô Quyền khóa 8) và người chị khác nổi tiếng hơn tên là Hoàng Thị Lý (Ngô Quyền khóa 5, còn được gọi là Chị Lý Ca Dao vì có quán cà phê Ca Dao tại Ngã Ba Vườn Mít và là nơi tụ tập giới học sinh NQ trong đó có cả Nguyễn Tất Nhiên). Hiện nay, họ vẫn còn cư ngụ ở địa chỉ cũ tại Biên Hòa. Kim Oanh nhỏ hơn Nguyễn Tất Nhiên đến 3 tuổi, chính vì thế thân mẫu của nhà thơ mới nhận xét là “còn nhỏ dại“. Sự thực này mới giải thích thỏa đáng toàn bộ bài thơ tâm sự sau đây của Nguyễn Tất Nhiên:
Chỗ tôi
tôi có chỉ cho gia đình
người tôi yêu
là một nàng con gái bắc
mẹ tôi hai lần nhìn
dáng em đi
và nói nó còn nhỏ dại
không hiểu nó thương mày chỗ nào
tôi trả lời chỗ con làm thi sĩ
tuy nhiên tôi vừa đau nhói trái tim
vì hiểu rằng
muôn đời
em vẫn ngó tôi nửa mắt
có gì đâu
thiên hạ lâu nay cứ nhạo báng tôi khùng!
Có lẽ đây là bài thơ “duy nhứt” của Nguyễn Tất Nhiên đã “lột trần” mặc cảm tâm lý: rất muốn “yêu” con gái Bắc dù trong lòng biết rõ chỉ “đơn phương” mà thôi và chỉ được họ “ngó nửa con mắt“. Kể cả Cô Bắc kỳ nho nhỏ mang tên Kim Oanh!.
2) Nguyễn Tất Nhiên có thực sự bị bịnh điên hay không ?
Một số dư luận cho rằng Nguyễn Tất Nhiên là một nhà thơ điên.
a) Về phía Nhạc sĩ Phạm Duy có cho biết:
“Đi qua đời tôi có khá nhiều thi nhân thuộc nhiều thế hệ, đa số đều như tôi, đều khá hồn nhiên, nghĩa là có tí máu điên. Nhưng trong làng thơ Việt Nam, có ba nhà thơ hồn nhiên nhất, đó là Nguyễn Ngu Ý, Bùi Giáng, và Nguyễn Tất Nhiên… cả ba vị đều đã từng là thượng khách của Dưỡng trí Viện Biên Hòa, nơi tôi đã có lần đến thăm một trong ba vị đó..”
b) Còn về phía Giáo sư Nguyễn văn Lục trong bài viết Hãy Để Thi Ca Và Âm Nhạc Cùng Cất Cánh Bay Lên đưa ra nhận xét :
“Số phận dành cho thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên cũng là số phận dành cho nhiều nhà thơ nổi tiếng khác. Hình như bệnh tật đi đôi với tài năng, ngay cả trường hợp đối với những người mất trí. Theo những thí nghiệm bệnh lý học, người bệnh trí nhìn vũ trụ như tan vỡ và bị tán vụn. Chính vì thân thể của họ không còn là một thân thể tri giác bình thường.”
Trên thực tế là Nguyễn Ngu Ý, Bùi Giáng có điều trị… thiệt ở nhà thương điên Biên Hòa. Lời thơ của Bùi Giáng quả là… không bình thường. Còn Nguyễn Tất Nhiên thì hoàn toàn khác: chưa bao giờ bị điều trị ở Dưỡng Trí Viện Biên Hòa. Nhiều người ở Biên Hòa (trong đó có nhà thơ Tưởng Dung được biết trực tiếp) hiểu rõ vì muốn được hoãn dịch, Nguyễn Tất Nhiên phải đóng kịch… giảđiên tại Trung Tâm 3 Quang Trung. Trong một truyện ngắn, Nguyễn Tất Nhiên tiết lộ về lý do hoãn dịch là sau đó có được giấy chứng nhận của bác sĩ về bịnh “tâm thần” để khỏi đi lính. Được biết, mánh lới hoãn dịch này đã được dùng tới khá nhiều trong thời kỳ chiến tranh khốc liệt lúc đó. Khách quan mà nói Nguyễn Tất Nhiên không bị bịnh điên, mà trái lại đã tỏ ra rất tỉnh táo & khôn ngoan dám hăm dọa kiện và lấy được tiền bồi thường trong vụ án tranh chấp bản quyền có liên quan đến nhạc sĩ Phạm Duy. Những người điên thật như Bùi Giáng, Nguyễn Ngu Ý… làm gì có cái khôn ngoan đó để kiện lấy được tiền bản quyền.
Chi tiết do Phạm Duy đưa ra hoàn toàn phóng đại, sai và có thể gây lầm lẫn tai hại lớn cho những nhận định văn học sau này về Nguyễn Tất Nhiên. Sự thực những dòng thơ tình học trò độc đáo của Nguyễn Tất Nhiên không “có tí máu điên ” nào cả và chính như vậy mới xứng đáng được ca ngợi & quý mến của biết bao nhiêu người hâm mộ.
Nhưng chắc chắn Nguyễn Tất Nhiên có máu “lập dị“, đôi khi cũng hơi… “tửng tửng” khác thường. Cho nên mới bị bạn bè chọc ghẹo với biệt hiệu là “ngáo” là “khùng“. Bởi vậy, ngay trong giờ Việt Văn của Cô Vương Chân Phương tại trường Ngô Quyền, Nguyễn Tất Nhiên mới 15 tuổi đã dám phê bình… chê thơ Nguyễn Du (tâm lý ngựa non háo đá!). Nhưng xét cho cùng, nếu phải làm loại thơ tình học trò chắc gì thi hào Nguyễn Du thắng nổi Nguyễn Tất Nhiên, bởi lẽ Nguyễn Tất Nhiên có đặc điểm nổi bật “viết dễ dàng giống như nói chuyện “.
3) Ai đã tạo ra 2 huyền thoại kể trên?
Thông thường huyền thoại được cố ý tạo dựng ra với chủ đích đằng sau. Xét kỹ ra cả hai huyền thoại kể trên được nhạc sĩ Phạm Duy chủ động qua những tiết lộ từ chính bản thân như sau:
“Saigon 1972. Ðây là lúc những khổ đau của Tết Mậu Thân chưa kịp phai mờ trong đời sống của mọi người thì xẩy ra những nhức nhối của mùa hè đỏ lửa… Tôi hết chạy trốn vào đạo ca thì lại nhào ra với chiến ca, hết hạ mình xuống với vỉa hè ca, tục ca thì lại vươn lên với nữ ca, bé ca, bình ca… Tôi thèm thuồng được soạn tình ca, nhưng phải là tình ca không rầu rĩ cơ… Thế rồi tôi gặp Nguyễn Tất Nhiên. Trong bầu không khí thơ ở miền Nam hơi nặng nề vào lúc đó, đầy rẫy những bài thơ chủ đề về chiến tranh, hòa bình… thì thơ của chàng thư sinh mới 17 tuổi này là thơ phi chính trị. Thơ rất hồn nhiên, rất ngộ nghĩnh, theo tôi, nếu đem phổ nhạc thì sẽ cũng sẽ rất hợp với giọng hát trẻ trung (Duy Quang) trong ban nhạc gia đình là ban THE DREAMERS mà tôi đang cần ”lăng xê ”. Sau khi tôi phổ bài Thà Như Giọt Mưa Rớt Trên Tượng Ðá, Nguyễn Tất Nhiên cung cấp cho tôi thêm nhiều bài thơ để tôi biến thành những ca khúc trẻ trung của thời đại như Cô Bắc Kỳ Nho Nhỏ, Em Hiền Như Ma Soeur, Anh Vái Trời hay là Anh Nam Kỳ Dễ Thương, Hãy Yêu Chàng, Hai Năm Tình Lận Ðận… Những tên bài hát phần nhiều do tôi đặt ra…”
Những chi tiết trên cho thấy nhạc sĩ Phạm Duy lúc đó rõ ràng đã bị kẹt đề tài sáng tác nên mới tìm kiếm đến thơ Nguyễn Tất Nhiên đang trên đà nổi tiếng qua 2 bài thơ được nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang đầu tiên phổ nhạc. Đó là bản Thiên Thu và bản Vì Tôi Là Linh Mục. Nhạc sĩ Phạm Duy “phù thủy” hơn nên đã cố tình sửa đổi thêm vào để quảng cáo thành công lớn về thương mại. Điển hình nhứt so sánh trong bài thơ Khúc Tình Buồn không hề có nhân vật nữ tên Duyên, nhưng trong bài hát phổ nhạc thì được Phạm Duy đặc biệt thêm vào. Nhứt là bi thảm hóa qua 2 câu hát cuối: “Khiến người trăm năm đau khổ ăn năn. Khiến người tên DUYÊN đau khổ muôn niên“.
Tương tự trong mục tiêu đó, Phạm Duy đã viết tung tin phóng đại cho rằng Nguyễn Tất Nhiên có nhiều máu điên nhất và cùng với Nguyễn Ngu Ý, Bùi Giáng điều trị tại Nhà Thương Điên Biên Hòa để tạo một huyền thoại bi thảm khác thường… mà sự thực chuyện đó không hề bao giờ có.
4) Ai đã khám phá ra tài năng và tạo cơ hội cho Nguyễn Tất Nhiên nổi tiếng?
Dư luận thường cho rằng chính Phạm Duy đã khám phá ra tài năng và chất thơ “rất hồn nhiên, rất ngộ nghĩnh” của Nguyễn Tất Nhiên rồi mới quyết định phổ nhạc. Nhưng trên thực tế, Nguyễn Tất Nhiên – qua lời thuật lại của nhà thơ Nguyễn Thị Minh Thủy – đã liệt kê thứ tự các bài thơ được phổ nhạc như sau:
– Thiên thu (Nguyễn Đức Quang)
– Vì tôi là linh mục (Nguyễn Đức Quang)
– Thà Như Giọt Mưa (Phạm Duy)
– Hãy yêu chàng (Phạm Duy)
– Em hiền như ma soeur (Phạm Duy)
– Hai năm tình lận đận (Phạm Duy)
– Cô Bắc Kỳ Nho Nhỏ (Phạm Duy)
Bài hát Thiên Thu được phổ biến trên internet có đề là năm 1970 phát hành tại Sài Gòn. Điều này cho thấy nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang đã khám phá thấy ngay tài năng làm thơ của Nguyễn Tất Nhiên qua tập thơ Thiên Tai (1970) và chọn bài thơ “Thiên Thu” nằm ở trang cuối cùng trong tập thơ đó để phổ nhạc. Nhà thơ Tưởng Dung trong bài viết “Sao thiên thu không là…” cũng có cùng nhận xét về bài thơ đó: “rất thích ngay lần đầu đọc thơ anh, bấy giờ sao mà thấm thía“. Kế đến, nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang phổ nhạc bài Vì Tôi Là Linh Mục, mà chính Nguyễn Tất Nhiên xem là bài thơ ưng ý nhứt. Chính những dòng thơ được phổ nhạc đầu tiên này đã dễ lan truyền trong giới hâm mộ thơ nhạc và khiến các nhạc sĩ nổi tiếng nhứt thời đó như Phạm Duy, Anh Bằng… phải tò mò chú ý và đến nổi “động lòng” đua nhau tiếp tay phổ nhạc các bài tình ca khác dễ “ăn khách” hơn.
Như vậy, khách quan mà nói trong thời gian ”còn lận đận” chưa ai biết đến, Nguyễn Tất Nhiên gặp được một tri kỹ khám phá & tận tình phổ nhạc mà không có hậu ý thương mại nào. Đó là nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang (1944 – 2010), một nhân tài VN sống phục vụ lý tưởng Hướng Đạo cho đến tận cuối đời. Còn về phía nhạc sĩ Phạm Duy mãi đến 2 năm sau mới nhìn thấy chân tài của Nguyễn Tất Nhiên và “phải” phổ nhạc những vần thơ đó chỉ vì mục đích tư lợi như từng thố lộ ở phần trên. Qua đó cũng bộc lộ rõ bản chất ích kỷ suốt đời sống bất chấp đạo đức & dư luận của Phạm Duy, mà chúng ta ai cũng đã từng chứng kiến trong quá khứ.
Ngẫm nghĩ lại, Chúa Jesus há chẳng từng nói “Của Ceasar hãy trả lại cho Ceasar” với hàm ý rằng không ai có thể che lấp mãi về sự thực, rồi thì cũng có lúc sự thực sẽ lộ dạng. Cho nên hãy cùng nhau góp phần nhanh chóng trả lại Sự Thực cho Nguyễn Tất Nhiên để giúp linh hồn của nhà thơ yểu mạng này được cứu rỗi & mãn nguyện bên kia thế giới.
5 ) Tại sao thơ của Nguyễn Tất Nhiên đã lôi cuốn được tuổi trẻ?
Thơ của Nguyễn Tất Nhiên lôi cuốn tuổi trẻ… mới lớn vì thể hiện tâm tình và vần điệu rất học trò. Những dòng thơ quá si tình đánh đúng vào “tim đen” của đại đa số đã từng một thời đơn phương ôm ấp một hình ảnh vượt quá tầm tay và đến nỗi:
Thà như giọt mưa
Khô trên tượng đá
Có còn hơn không
Thơ Nguyễn Tất Nhiên thể hiện rất… nhân bản. Lúc mê thích thì vội vã ca tụng, để rồi lúc tỉnh mộng “uổng mớ tình si” thấy sự thực vào năm 1972 thì đâm ra “bôi lọ”:
Em nhớ giữ tính tình con gái Bắc
Nhớ điêu ngoa nhưng giả bộ ngoan hiền
Nhớ dịu dàng nhưng thâm ý khoe khoang
Nhớ duyên dáng ngây thơ… mà xảo quyệt
Nhưng chỉ thời gian ngắn sau đó… hối hận sáng tác bài thơ “Tạ lỗi cùng người ” thú nhận “lỗi lầm” của mình:
Năm năm trời … có một người tên Duyên
Ta ca tụng rồi chính ta bôi nhọ
Tình ta đẹp nhưng tính ta còn nít nhỏ
Nên lỗi lầm đã đục màu sông
Đốt… đuốc đi tìm trong làng văn thơ VN và cả thế giới nữa, chắc khó tìm thấy được một thi sĩ quá… thành thực dám “bôi lọ” thần tượng, dám công khai hối hận và dám “tạ lỗi” như cỡ Nguyễn Tất Nhiên. Đó là điểm dễ thương đặc biệt nhất của nhà thơ yểu mệnh này. Nhìn lại lịch sử nhân loại, đôi khi cho thấy chính hoàn cảnh cực đoan xảy cho bản thân là nguồn cảm hứng thúc đẩy cho nhiều người bất ngờ để lại cho hậu thế những sáng tác và công trình bất hủ. Giả sử, nếu Tư Mã Thiên không bị “nhục hình” (đến nỗi uất ức đóng cửa để chuyên tâm viết sách!) thì chắc gì tác phẩm Sử Ký lừng danh đã ra đời được. Hoặc nhạc sĩ Đặng Thế Phong bị bịnh nan y hết thuốc chữa, thấy tử thần lởn vởn bên cạnh mới gảy ra được điệu nhạc não nùng “Con Thuyền Không Bến“. Cũng như đệ nhứt thi hào Nguyễn Du được nguồn thi hứng ghê lắm khi tìm ra tri âm qua cuộc đời người kỹ nữ Thúy Kiều để sáng tác ra tác phẩm độc nhứt vô nhị Đoạn Trường Tân Thanh (Truyện Kiều). Xét cho cùng, Nguyễn Tất Nhiên hưởng được nguồn thi hứng tuyệt vời trong “5 năm si tình” từ 1967 đến 1972 với cuộc “tình si” cùng cô bạn học Bắc kỳ tên Duyên. Giả sử vào lứa tuổi 15 không gặp gỡ được một nhân vật nữ có cá tính “đặc biệt” như vậy, có lẽ Nguyễn Tất Nhiên cũng chỉ làm thơ hay cỡ như các bạn học đồng môn Hà Thu Thủy, Đinh Thiên Phương, Nguyễn Thị Hiền, Tưởng Dung, Nguyễn Thị Minh Thủy… và không chắc gì đã được chọn phổ nhạc tình học trò, để từ đó vang danh khắp nơi.
Lời kết
Nhưng câu hỏi cuối cùng được đặt ra: từ đâu Nguyễn Tất Nhiên lại có tánh lãng mạn đa tình quá vậy để dễ dàng “phóng bút” sáng tác thơ tình cho nhiều nhân vật nữ?.
Xét cho cùng, ngoài cá tính sẵn có, Nguyễn Tất Nhiên có 2 cơ hội “thuận tiện“:
a) tại trường trung học Ngô Quyền, nhờ Thầy Hiệu Trưởng Phạm Đức Bảo và ban Giám Đốc từng có những quyết định… táo bạo, dễ thương là mang “nhét ” một số nữ sinh vào lớp nam sinh (hoặc ngược lại!). Qua đó vào lúc 15 tuổi, Nguyễn Tất Nhiên và Duyên có cơ hội học chung với nhau trong lớp đệ Tứ vào niên khóa 1967/1968 để khởi đầu làm quen cho “5 năm si tình “. Nên nhớ, cũng nhờ quyết định cho nam nữ học chung lớp đã khiến nhiều cặp NQ quen nhau, rồi thương nhau để có khi thành bạn đời… mãi mãi. Như vậy, thực sự công lao của ban giám đốc NQ không phải… nhỏ đâu. Không có trường NQ với các nữ sinh “đặc biệt” như Bùi Thị Duyên, Hoàng Thị Kim Oanh, Nguyễn Thị Minh Thủy … thì khó lòng mà có những dòng thơ học trò Nguyễn Tất Nhiên và những cuộc tình học trò lãng mạn hơn “ba mươi năm chờ đợi“.
b) tại trường tiểu học Nguyễn Du năm 1957, lúc Nguyễn Tất Nhiên chỉ mới 5 tuổi đã được Cô giáo Hạnh đặc cách cho phép vào học lớp 1, mà người dì út (tên là Minh Nguyệt) đang theo học. Nguyễn Tất Nhiên sớm va chạm sinh hoạt nam nữ ngay từ đó (xem hình ảnh phía dưới). Biết đâu đúng như khoa học và nhà tâm lý học lừng danh Sigmund Freud (1856 – 1939) từng phân tích chứng minh rằng trong tiềm thức, con người đã bị ngoại cảnh chung quanh ảnh hưởng liên tục từ ngay lúc còn nằm trong bụng mẹ.
Chính vì vậy, cuối cùng vẫn là lời… cám ơn trường tiểu học Nguyễn Du và trường trung học Ngô Quyền của xứ bưởi Biên Hòa đã tạo nên môi trường thuận tiện để nảy nở được những vần thơ học trò vô cùng lãng mạn như Nguyễn Tất Nhiên từng sáng tác.
Người Xứ Bưởi / 2012
Học lớp 1 tại trường Nguyễn Du năm 1957. Nguyễn Tất Nhiên đứng thứ 2 (từ bên trái) của hàng thứ 2. Ảnh: ngo-quyen.org