Nhạc ngoại lời Việt: Trưng Vương Khung Cửa Mùa Thu

Chúng tôi đã có bài giới thiệu bản “Trưng Vương – Khung Cửa Mùa Thu” do nhạc sỹ Nam Lộc đặt lời Việt từ giai điệu đẹp của một tác phẩm ngoại quốc: Tell Laura I Love Her. Dòng Nhạc Xưa xin tiếp tục gởi thêm nhiều thông tin thú xung quanh nhạc phẩm bất hủ này.

NHẠC SĨ NAM LỘC VÀ TÁC PHẨM ‘TRƯNG VƯƠNG – KHUNG CỬA MÙA THU’

(Nguồn: bài viết của tác giả nhà báo Hoài Nam đài SBS Radio Úc Châu)

Tại miền nam Việt Nam trước đây, so với những ca khúc phổ thông khác của Mỹ được phổ biến vào đầu thập niên 1960, như Diana, You Are My Destiny của Paul Anka, Oh! Carol, You Means Everything to Me của Neil Sedaka, It’s Now or Never của Elvis Presley…, Tell Laura I Love Her không mấy thịnh hành; nguyên nhân có thể vì trình độ tiếng Anh giới hạn của người nghe, có thể vì lời hát kém phần thơ mộng, cũng có thể vì giai điệu không có sức thu hút bằng những ca khúc kể trên. Vì thế, vào khoảng năm 1973, khi nhạc sĩ Nam Lộc đặt lời Việt với tựa đề “Trưng Vương Khu Cửa Mùa Thu”, đã không mấy người biết đây là một ca khúc ngoại

Nhà báo Trường Kỳ kể lại:

…Điểm đặc biệt trong cách viết lời Việt của Nam Lộc là nghệ thuật dùng chữ khéo léo khiến người nghe quên hẳn nguồn gốc ngoại quốc của nhạc phẩm đã được hoàn toàn Việt Hoá như chủ trương của phong trào Việt Hoá Nhạc Trẻ. Điển hình là nhạc phẩm Trưng Vương Khung Cửa Mùa Thu.

Nếu ai không am hiểu và theo dõi nhạc ngoại quốc sẽ cho rằng đó là một nhạc phẩm thuần túy Việt Nam. Thật ra đó là nhạc phẩm “Tell Laura I Love Her” với giai điệu rất phù hợp và ăn ý với lời ca bằng tiếng Việt, hoàn toàn khác biệt với nội dung. Trưng Vương Khung Cửa Mùa Thu được Nam Lộc coi là nhạc phẩm ưng ý nhất của anh suốt thời gian hoạt động trong phong trào nhạc trẻ lúc còn ở Việt Nam.

Về trường hợp viết lời Trưng Vương Khung Cửa Mùa Thu, Nam Lộc cho biết đã lấy ý từ tên một đặc san do các nữ sinh Trưng Vương thực hiện vào đầu thập niên 70. Tính chất lãng mạn và mềm mại của tên đặc san đã khơi dậy tâm hồn nghệ sĩ nơi anh, một cựu học sinh Chu Văn An, với những mối tình thơ mộng cùng những hẹn hò của tuổi học trò.

(Trích “NAM LỘC: Con người văn nghệ và con người xã hội”– Tivi Tuần-san)

Chúng tôi hoàn toàn đồng ý với nhận xét của Trường Kỳ, và trong phạm vi bài này chỉ nêu thêm một chi tiết thú vị: ở Sài Gòn, thành phố của các tà áo trắng “Trưng VươngKhung Cửa Mùa Thu” không hề có… mùa thu!

Viết ra điều này, chúng tôi không chủ ý bài bác, mà ngược lại, chỉ muốn đề cao trí tưởng phong phú của các cô nữ sinh Trưng Vương nói riêng, các thi, văn, nhạc sĩ viết về mùa thu ở một nơi chốn chỉ có mưa nắng hai mùa nói chung.

* * *

Theo các nhà khí hậu học, lãnh thổ Việt Nam được chia ra làm hai vùng khí hậu chính:

– Miền khí hậu phía Bắc: bao gồm lãnh thổ phía bắc dãy Hoành Sơn (tỉnh Hà Tĩnh) và Bắc Bộ, có khí hậu “cận nhiệt đới” với bốn mùa xuân, hạ, thu, đông rõ rệt.

– Miền khí hậu phía Nam: gồm lãnh thổ Trung Bộ từ phía Nam dãy Hoành Sơn và Nam Bộ, có khí hậu nhiệt đới với hai mùa: mùa khô và mùa mưa.

Suy ra, Nhìn những mùa thu đi, Chiếc lá thu phai, Gọi tên bốn mùa của Trịnh Công Sơn, Mùa thu mây ngàn của Từ Công Phụng, Mùa thu cho em của Ngô Thụy Miên, Mùa thu trong mưa của Trường Sa, v.v., đều là những mùa thu đến trong trí tưởng; riêng mùa thu trong bản Thu Ca của Phạm Mạnh Cương có thể gọi là một mùa thu hồi tưởng (những ngày ông ra Hà Nội dạy học).

Còn nhớ năm 1993, Trịnh Công Sơn ra Hà Nội thăm Văn Cao; trong bút ký của mình, họ Trịnh đã so sánh cái ảm đạm của mùa thu Hà Nội với nỗi cô đơn của Văn Cao một mình ngồi uống rượu suốt mấy chục năm trường.

Mùa thu của Hà Hội buồn lắm. Đó là thu trong Buồn tàn thu, Thu cô liêu của Văn Cao, Giọt mưa thu, Đêm thu, Con thuyền không bến của Đặng Thế Phong…

Còn những mùa thu trong Thu quyến rũ, Gửi gió cho mây ngàn bay, Chuyển bến, Lá đổ muôn chiều, Tà áo xanh… của Đoàn Chuẩn, có lẽ đã được “công tử thành phố Cảng” thi vị hóa, hoặc thu trong Thu vàng của Cung Tiến đã được cậu học trò 15 tuổi (vào năm 1953) ấy tô điểm thêm.

* * *

Trở lại với Trưng Vương Khung Cửa Mùa Thu, trong số các trường nữ trung học của Hòn ngọc Viễn đông năm xưa, Trưng Vương nằm ở một vị trí yên tĩnh nhất, thơ mộng nhất, ngay cạnh Thảo cầm viên Sài Gòn đầy hoa bướm, trên con đường rợp bóng me xanh…

Trịnh Công Sơn, Từ Công Phụng, Ngô Thụy Miên, Trường Sa chỉ cần trí tưởng tượng mà sáng tác được những ca khúc để đời về mùa thu, thì cô (hoặc các cô) nữ sinh Trưng Vương áo trắng nào đó, dù “tim chưa nghe qua rung một lần”, cũng chỉ cần một thoáng mơ mộng, nhìn qua khung cửa, bỗng thấy mùa thu.

Trưng Vương Khung Cửa Mùa Thu

Tim em chưa nghe rung qua một lần

Làn môi em chưa hôn ai cho thật gần

Tình trần mong manh

Như lá me xanh

Ngơ ngác rơi nhanh

Thu giăng heo may cho bóng cây lạnh đầy

Người cho em nghe câu nhớ thương từng ngày

Những ngày đợi chờ

Trong nắng vu vơ

Trong mắt ngây thơ

Nhớ khói xưa lạc vấn vương

Cho hơi ấm lên môi người

Lùa sương kín nhẹ vây ngập trường

Làm mây yêu thương

Vương trong hồn em

Người cho em nghe quen môi hôn ngọt mềm

Tình cho tim em rung những đêm lạnh lùng

Từng chiều cùng người

Về trong cơn mưa bay

Nghe thương nhớ tràn đầy

Lên đôi mắt thật gầy

Trưng vương hôm nay mây vẫn giăng đầy trời

Công viên năm xưa hoa vẫn rơi tuyệt vời

Bóng người thì mịt mùng

Từng hàng me rung rung

Trong cơn gió lạnh lùng

Trong nắng ngại ngùng

Nắng vẫn vương nhẹ gót chân

Trưng vương vắng xa anh dần

Mùa thu đã qua một lần

Chợt nghe bâng khuâng

Lá rơi đầy sân.

Dù không thể có con số chính xác, chúng tôi cũng tin rằng trong số những ca khúc nhạc ngoại quốc lời Việt của thời kỳ “Việt hóa nhạc trẻ” ở miền Nam Việt Nam, Trưng Vương Khung Cửa Mùa Thu là bản được nhiều ca sĩ trình bày nhất, được thính giả ưa chuộng nhất.

Trước năm 1975, Trưng Vương Khung Cửa Mùa Thu được thu vào băng nhựa lần đầu tiên với tiếng hát thật dễ thương của Thanh Lan.

Ca sỹ Thanh Lan. Ảnh: t-van.net

Rất tiếc, Trưng Vương Khung Cửa Mùa Thu do Thanh Lan hát chưa kịp phổ biến rộng rãi thì xảy ra biến cố 30 tháng Tư. Mấy năm sau tại hải ngoại, Trưng Vương Khung Cửa Mùa Thu đã trở thành một trong những ca khúc “cầu chứng” của Ngọc Lan.

Ở đây, chúng tôi không làm công việc so sánh các giọng hát, mà chỉ nhấn mạnh tới tính cách phù hợp giữa lời hát đầy bâng khuâng với tiếng hát mong manh buồn của người nữ danh ca vắn số.

Trưng Vương Khung Cửa Mùa Thu qua tiếng hát Ngọc Lan đã trở thành một trong những ca khúc nhạc ngoại quốc lời Việt được ưa chuộng nhất tại hải ngoại cũng như ở quê nhà, đặc biệt là giới nữ sinh trong nước, vốn thiếu thốn những ca khúc tình cảm nhẹ nhàng, trong sáng trong bối cảnh xã hội xô bồ yêu cuồng sống vội thời “mở cửa”!

Ca sỹ Ngọc Lan. Ảnh: t-van.net

Khoảng 20 năm sau, Trưng Vương Khung Cửa Mùa Thu đã được Trần Thu Hà hát với một phong cách mới. Trần Thu Hà là một nữ ca sĩ trong nước có thực tài và lối diễn tả rất đa dạng, dù hát du ca với (chú) Trần Tiến hay hát nhạc jazz theo tiếng đệm dương cầm của Nguyễn Ánh 9, cô luôn thể hiện được tính cách nghệ thuật và phong cách riêng của mình. Hiện nay, số người nghe Trưng Vương Khung Cửa Mùa Thu của Trần Thu Hà trên các trang mạng trong nước đã nhiều hơn gấp đôi so với bản của Ngọc Lan. Điều này cũng dễ hiểu, bởi thế hệ trẻ hiện nay lớn lên cùng với tiếng hát Trần Thu Hà chứ không phải tiếng hát Ngọc Lan.

Hơn bốn mươi năm về trước, khi đặt lời Việt cho Tell Laura I Love Her, có lẽ Nam Lộc cũng không thể ngờ Trưng Vương Khung Cửa Mùa Thu sẽ thành công tới mức ấy, và rồi đây chắc hẳn vẫn tiếp tục được giới nữ sinh yêu thích. Cho dù ở khung cửa Trưng Vương, chưa bao giờ, và sẽ chẳng bao giờ có mùa thu!

(Trích: Hoài Nam – NHỮNG CA KHÚC NGOẠI QUỐC LỜI VIỆT(26)-TELL LAURA I LOVE HER (Trưng Vương Khung Cửa Mùa Thu) – Barry & Raleigh).

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *