Khi nói về những bản nhạc lấy cảm hứng từ mưa, chúng ta không thể không nhắc đến “Mưa đêm ngoại ô” của nhạc sỹ Đỗ Kim Bảng. Dòng Nhạc Xưa xin giới thiệu đôi nét về người nhạc sỹ dễ tính này, qua một bài viết của cố ký giả – nhạc sỹ Trường Kỳ trong chuyên mục “Nghệ sỹ & đời sống”.
Đỗ Kim Bảng và những sự tình cờ
(Nguồn: bài viết của tác giả Trường Kỳ đăng trên giadinhhoangtrong.wordpress.com ngày 2014-09-01)
Bây giờ thì những buổi chiều Chủ Nhật cũng như Thứ Bảy hoặc bất cứ buổi chiều nào khác trong tuần đối với nhạc sĩ Đỗ Kim Bảng, tác giả của nhạc phẩm nổi tiếng “Bước Chân Chiều Chủ Nhật”, cũng chẳng khác gì nhau.
Cuộc sống của người nhạc sĩ năm nay 76 (*) tuổi này hiện là một cuộc sống an nhàn trong một căn “mobile home” xinh xắn trên đường Bolsa, rộn rã tưng bừng trong những ngày Thứ Bảy và cũng lắng đọng vào những buổi chiều Chủ Nhật như trong thời gian ông cùng gia đình sống trong một “building” gần Nhà Thờ Ba Chuông trước kia ở Sài Gòn là nơi ông cho ra đời ca khúc đã gắn liền với tên tuổi của ông, gây sôi nổi một thời qua tiếng hát Thanh Thúy vào năm 1963.
Nhạc sĩ Đỗ Kim Bảng đã cho tác giả biết như vậy trong lần đến thăm ông. Ngoài ra cũng trong dịp này người nhạc sĩ có tính tình điềm đạm nhưng vui vẻ mang gốc Quảng Nam cũng đã đề cập đến một số chi tiết về cuộc đời và họat động âm nhạc của mình, từ trước đến nay ít người được biết do bản tính dường như có phần khép kín của ông.
Đỗ Kim Bảng bước vào lãnh vực âm nhạc trong một trường hợp rất tình cờ. Mặc dù yêu nhạc, thích nhạc nhưng không bao giờ nghĩ là mình sẽ trở thành một nhạc sĩ, nhất là một nhạc sĩ sáng tác khi trong bước đầu ông làm quen với âm nhạc bằng một cây đàn guitar cổ nhạc…
Tuy vậy ông vẫn tỏ ra thích thú với nhạc khí này, nhất là có một ông chú sử dụng guitar cổ nhạc rất hay nên ông tự mò mẫm với nhạc khí đầu tiên trong cuộc đời âm nhạc. Cho đến một thời gian sau, ông mới chuyển qua học đàn mandoline, ít nhiều theo một số phương pháp…
Nhưng thật sự, phải nói chính nhạc sĩ Hùng Lân, tác giả nhạc phẩm nổi tiếng “Hè Về” là người đầu tiên có công dẵn dắt ông vào con đường sáng tác khi ông từ Huế ra học tại Hà Nội trong những năm 1953, 1954. Thêm vào đó còn có hai tên tuổi nổi tiếng khác là Nguyễn Hữu Ba và Văn Giảng là những người đã truyền đạt thêm cho ông một số căn bản âm nhạc.
Ngoài ra ông từng có một thời gian ngắn theo học với giáo sư Lê Quang Nhạc trước khi tự mua sách để học lấy một mình. Một số là sách dạy nhạc bằng tiếng Pháp, ngoài những sách dạy sáng tác của các nhạc sĩ Lê Thương, Lưu Hữu Phước, vv… Và cây đàn mandoline đã giúp ông soạn thành những nhạc phẩm đầu tiên. Nhờ có năng khiếu nên những bản nhạc đầu tay của Đỗ Kim Bảng hầu như không hề sai sót về mặt lý thuyết…
Tuy vậy ông vẫn khiêm nhượng tự nhận mình là người không được giỏi nhạc cho lắm.. Hơn nữa, Đỗ Kim Bảng không bao giờ nghĩ mình sẽ viết nhạc một cách chuyên nghiệp, ngoài việc viết cho vui để thỏa mãn sở thích của một tâm hồn nghệ sĩ. Nhưng một trường hợp tình cờ khác đã đưa đẩy Đỗ Kim Bảng đến với lãnh vực sáng tác do nguồn cảm hứing của ông trong một lần được chứng kiến quang cảnh đi thi của các học sinh trong một mùa thi, khi ông còn đang theo học lớp Đệ Tam trường Khải Định ở Huế. Những cảm xúc đã đến với ông thật bất ngờ để ông cho ra đời nhạc phẩm “Mùa Thi” quen thuộc.
Nhưng viết “Mùa Thi” xong, rồi ông cũng để đó. Ý tưởng phát hành để phổ biến chưa hề nhen nhúm trong đầu óc của một cậu học sinh trung học. Chỉ muốn viết ra để diễn tả cnhững cảm xúc của mình mới là điều chính yếu. Nhưng Đỗ Kim Bảng đã không ngờ, sau khi nhạc phẩm “Mùa Thi” của ông được trình bầy trong dịp phát phần thưởng của trường Khải Định vào mùa Hè năm 1952 đã được giám đốc nhà xuất bản Tinh Hoa để ý.
Ông Tăng Duyệt của nhà xuất bản nhạc nổi tiếng thời đó đã đề nghị với cậu học sinh họ Đỗ chưa đầy 20 tuổi bán tác quyền cho ông với giá 1000 đồng để nhà Tinh Hoa phát hành. Và Đỗ Kim Bảng đã không ngờ sáng tác của mình đã được ban hợp ca Thăng Long trình bầy rại Sài Gòn trong nhạc cảnh “Mùa Thi” gồm 3 ca khúc Học Sinh Hành Khúc, Hè Về và Mùa Thi.
Tác phẩm đầu tay của Đỗ Kim Bảng đã gây ngay được nhiều thích thú với những tiết tấu êm tai và những lời ca đúng với tâm trạng của những sĩ tử trong bất cứ mùa thi nào. Sau đó các thính giả ở Huế mới có dịp biết đến ca khúc của tác giả trưởng thành ở miền sông Hương, núi Ngự!
Sau khi được nhà Tinh Hoa xuất bản, “Mùa Thi” đã trở thành mợt bản nhạc rời bán rất chạy vào thời đó, khiến phải tái bản thêm. Cùng một lúc, nhạc phẩm này đã trở thành một trong những nhạc phẩm được nhiều người yêu thích qua phần diễn tả hợp ca của ban thiếu nhi Nguyễn Đức. Sau đó, khán giả Hà Nội cũng bị nhạc phẩm này thu hút sau khi ban Gió Nam ra đây trình diễn. Thế là chỉ trong một thời gian ngắn, “Mùa Thi” đã được phổ biến rộng rãi trên toàn quốc.
Cũng trong năm 1952, nhờ sự phát triển mạnh về năng khiếu âm nhạc của mình, Đỗ Kim Bảng đã viết một ca khúc khác mang tựa đề “Tiếng Hò Thôn Vỹ” để gửi dự thi giải sáng tác do đài phát thanh Pháp Á tổ chức. Và ông cũng đã rất bất ngờ khi nhạc phẩm của mình được chấm giải nhất.
Mọi người ai cũng tuởng Đỗ Kim Bảng sẽ hăng say sáng tác thêm sau khi tạo được thành công ngay với ca khúc đầu tay “Mùa Thi” và với giải nhất chiếm được bằng “Tiếng Hò Thôn Vỹ”. Nhưng phải đợi đến hơn 10 năm sau, người ta mới thấy ông cho phổ biến nhạc phẩm “Bước Chân Chiều Chủ Nhật” như đã đề cập tới ở phần đầu.
Đối với trường hợp hơn 10 năm sau mới tung ra “Bước Chân Chiều Chủ Nhật”, Đỗ Kim Bảng cho biết vì mang tính lười, cần phải có sự thôi thúc mới sáng tác được nên mới xẩy ra trường hợp như vậy. Ngoài ra, ông cũng không có tính đôn đáo, cố tìm phương cách này nọ để “lăng xê” tác phẩm của mình như thực tế vẫn cho thấy.
Như trong trường hợp nhạc phẩm “Mưa Đêm Ngọai Ô” do ông sáng tác vào năm 1961 khi vợ chồng ông còn cư ngụ tại Ngã Tư Bảy Hiền. Nhạc sĩ Lê Mộng Bảo, giám đốc nhà xuất bản nhạc Tinh Hoa Miền Nam đã mua nhạc phẩm này, nhưng trong suốt một năm chỉ bán được khoảng 300 bản nhạc rời.
Nhưng đến khi Duy Khánh mua lại nhạc phẩm đó, lúc đã mãn hạn giao kèo với nhạc sĩ Lê Mộng Bảo, nhờ biết cách “lăng xê” nên “Mưa Đêm Ngoại Ô” chẳng mấy chốc đã trở thành nổi tiếng sau khi được phát thanh rất nhiều lần trên các chương trình ca nhạc trên đài phát thanh cũng như đại nhạc hội.
Đặc biệt “Mưa Đêm Ngọai Ô” được biết tới nhiều nhất với tiếng hát Hương Lan. Đến năm 1965, thêm một nhạc phẩm khác của Đỗ Kim Bảng được gửi đến người nghe và cũng gặt hái được nhiều thành công, đặc biệt với tiếng hát Duy Khánh. Đó là nhạc phẩm “Xin Dìu Nhau Đến Tình Yêu”.
Sau năm 75, tại hải ngoại cũng có nhiều nghệ sĩ trình bầy nhạc phẩm này. Trong số có Ngọc Lan, Khánh Ly, Chung Tử Lưu, Tâm Đoan, vv… Riêng trong nước, “Xin Dìu Nhau Đến Tình Yêu” cũng tạo được nhiều tiếng vang với giọng ca của Đàm Vĩnh Hưng.
Đỗ Kim Bảng là tên thật của tác giả những ca khúc một thời rất quen thuộc với mọi người trước năm 75 đã được nhắc tới ở trên. Ông sinh năm 1932 tại Quảng Nam. Nhưng thời thơ ấu ông sống ở Huế và sau đó là Đà Lạt. Cho đến năm 15 tuổi ông mới trở về Huế sống và theo học tại trường Khải Định…
Đến năm 1954, ông vào Sài Gòn cùng thời kỳ với một nhạc sĩ bạn là Phạm Mạnh Cương và giáo sư Lữ Hồ. Ông theo học tiếp năm thứ 2 tại trường Cao Đẳng Sư Phạm và ở lại luôn miền Nam. Năm 1955, ông ra trường và được biệt phái về dạy tại trường Võ Bị Đà Lạt khóa 13, 14.
Qua năm 1960, ông theo học khóa 21 trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt. Và đó cũng là năm ông lập gia đình. Đến khi mãn khóa, Đỗ Kim Bảng được trưởng Phòng Văn Nghệ Và Tâm Lý Chiến là Tô Kiều Ngân đưa về đây phục vụ từ năm 65 đến 70. Chính trong thời gian này ông có dịp quen biết với một số nhạc sĩ ở Sài Gòn như Châu Kỳ, Duy Khánh, Trầm Tử Thiêng, Lan Đài, Y Vân, Hoàng Nguyên sau khi bước chân vào lãnh vực sáng tác. Trong số có vài người trở thành bạn thân với ông như Y Vân, Duy Khánh và Trầm tử Thiêng.
Trong thời gian phục vụ tại Cục Tâm Lý Chiến, ông đã sáng tác một trường ca dài khoảng 15 phút, lấy tên là “Những Người Đi Giữ Quê Hương” rất được nhạc sĩ Hùng Lân khen ngợi. Nhưng tiếc rằng trường ca đó chỉ được trình bầy một lần duy nhất trong một dịp tổ chức nhân Ngày Quân Lực khoảng giữa thập niên 60, rồi sau đó được đăng trên tờ Chiến Sĩ Cộng Hòa.
Sau đó ông viết thêm một ca khúc mang đề tựa “Khúc Hát Ngày Mai”, từng được ban Thăng Long trình bầy trên đài Phát Thanh Sài Gòn. Nhưng rồi nhạc phẩm này cũng chìm vào quên lãng. Lý do là Đỗ Kim Bảng không phải là người đôn đáo, tìm cách lăng xê cho tác phẩm của mình như ông từng tuyên bố, mặc dù là người yêu thích âm nhạc.
Hơn nữa, ông biết rằng một bản nhạc muốn thành công phải dựa trên nhiều yếu tố, không phải chỉ hay là đủ. Là một người viết nhạc, nhưng Đỗ Kim Bảng không chú trọng vào một chủ đề nào, chẳng hạn như chuyên viết tình ca. Ông tự nhận đùa mình là người “bạ đâu xâu đó” trong một cuộc nói chuyện rất thân tình. Nhưng ông cũng rất vui vì có nhiều nhạc phẩm của mình được nhiều nghệ sĩ hát sau này tại hải ngoại và từng được các trung tâm nhạc lớn như Asia hay Thúy Nga sử dụng.
Sau khi ngưng phục vụ tại Cục Tâm Lý Chiến, Đỗ Kim Bảng được biệt phái về bộ Quốc Gia Giáo dục để làm giáo sư Văn Chương và Sử Địa tại trường Trần Lục cho đến năm 1975, rất được học trò quí mến do lòng hết mực yêu nghề của ông. Sau gần 4 năm đi tù cải tạo ở Long Giao, ông được trở về với gia đình, gồm vợ và 3 con.
Đỗ Kim Bảng vượt biển với vợ và người con trai lớn vào năm 1980. Trước đó, chẳng may người con gái đầu của ông bị mất tích sau lần vượt biên đầu tiên. Người con trai kế cũng tìm đường đi ngay sau đó để rồi được một người cậu bảo lãnh qua sống tại Boston, tiểu bang Massachusetts.
Tại đây anh bảo lãnh bố mẹ và người anh từ đảo qua để cùng đòan tụ sau 4 tháng ở trại tỵ nạn.
Tại Boston, ông được nhận đi hạy học lại trong khuôn khổ chương trình Song Ngữ (Bilingual) đặc biệt của tiểu bang Massachusetts như một số giáo sư Việt Nam khác sau khi lấy được một số chứng chỉ để được hợp lệ vì đã có bằng Cử Nhân tại Việt Nam, được nhìn nhận tương đương với bằng Bachelor của Hoa Kỳ.
Trong thời gian ở Boston, ông thỉnh thoảng phổ nhạc từ những thi phẩm của những nhà thơ nổi tiếng ở vùng đông bắc Hoa Kỳ như Trần Hoài Thư, Trần Trung Đạo, Hoàng Lộc, vv… Tuy nhiên những nhạc phẩm này không mấy được phổ biến rộng rãi.
Ông về hưu năm 1995. Đến năm 2000, gia đình ông dời về vùng Little Saigon, nam California cho đến nay, với một cuộc sống ông cho là rất thanh nhàn cùng với những sinh họat thường ngày không còn gì vướng mắc và bận bịu: “Bây giờ quá thanh nhàn. Buổi sáng dậy trễ một chút. Mở internet coi Sở Lưu Hương. Đâu có bận bịu gì nữa, cho nó khỏe cho rồi”.
Trường Kỳ