Nhạc sỹ Duy Trung & Bài Ca Cho Người Kỹ Nữ

Trong một bài viết mà Dòng Nhạc Xưa đăng cách đây 10 năm (tháng 06/2013) về nhạc phẩm ‘Bài hát cho người kỹ nữ‘, chúng tôi có đặt ra một thắc mắc về đồng tác giả, nhạc sỹ Duy Trung, là ai và liệu bài hát nổi tiếng này có liên hệ gì với câu chuyện về cô Cẩm Nhung.

Rất may mắn, đầu tháng 11/2023, chúng tôi nhận được phản hồi của chính tác giả Duy Trung và qua đó nhiều chi tiết tưởng chừng mãi mãi bị lãng quên đã được làm sáng tỏ. Trước khi bắt đầu bài viết này, một lần nữa, Dòng Nhạc Xưa xin chân thành cảm ơn sự quan tâm của nhạc sỹ Duy Trung và chúc ông luôn dồi dào sức khỏe, an hưởng tuổi già bên người thân và gia đình.

Bài ca cho người kỹ nữ. Bản gốc do tác giả, nhạc sỹ Duy Trung gởi tặng DongNhacXua.com

Đôi nét về nhạc sỹ Duy Trung

Nhạc sỹ Duy Trung. Ảnh tác giả gởi tặng DongNhacXua, tháng 11/2023.

Nhạc sỹ Duy Trung tên thật là Trương Văn Trung, năm nay (2023) cũng đã ngoài 70 và đang an hưởng tuổi già ở thành phố Atlanta, Hoa Kỳ.

Sau khi học xong trung học ở trường Phan Bội Châu (Phan Thiết), cũng như bao ‘chàng trai thế hệ’, ông tham gia quân đội và số phận đã đưa đẩy chàng trai trẻ xuôi ra tận Vùng 1 chiến thuật, đóng quân ở Quảng Ngãi.

Năm 1973, ông được thuyên chuyển về Sài gòn, tạm thời làm việc trong Bộ Tổng Tham Mưu Quân Lực VNCH. Sau đó Duy Trung lại được chuyển qua Trung Tâm Quân Báo. Cũng trong thời gian này, ông gặp người bạn đời của mình. Sau khi lấy vợ, ông được thuyên chuyển về  trường Cây Mai, nằm trong Quân trường Huấn luyện Sĩ quan Trừ bị Thủ Đức. Ông làm ở phòng Nghiên Cứu và Sưu Tầm chuyên dịch các tài liệu tình báo ra tiếng Việt.

Sau năm 1975, ông sang định cư ở Hoa Kỳ, học thêm về kỹ thuật âm thanh, ánh sáng và tiếp tục niềm đam mê với âm nhạc cho đến ngày nay.

Nhạc sỹ Duy Trung và đồng nghiệp trẻ.

Về hoàn cảnh ra đời của bản ‘Bài ca cho người kỹ nữ’

Theo lời tâm sự của chính nhạc sỹ Duy Trung thì bản này là do chính ông sáng tác, với phần hiệu chỉnh của nhạc sỹ Nhật Ngân và tuyệt đối không liên quan gì đến chuyện cô Cẩm Nhung.

Trong thời gian chiến tranh, Chú được đưa ra tỉnh Quảng Ngãi làm việc. Lúc đó Chú còn rất trẻ và độc thân. Một người bạn, sĩ quan trong bộ tham mưu của tướng Toàn, Tư lệnh Sư đoàn 2, đóng quân ở thị xã Quảng Ngãi rủ Chú đi chơi. Hắn đưa Chú vào một Mini Club, nơi giải trí cuối tuần dành cho các sĩ quan trong Bộ Tư Lệnh. Lần đầu tiên trong cuộc đời Chú mới biết thế nào là vũ trường. Thật là quê ! 🙂

Chú nhớ là không gian ở đây không lớn lắm, có lẽ chứa cỡ 30 người là đầy, nhưng có đầy đủ phương tiện, gồm 1 ban nhạc, quầy bar, một sàn nhảy và vài cái bàn cho khách ngồi. Thật ấm cúng vì đèn màu rất mờ. Khoảng 4 hay 5 người đẹp lúc nào cũng tỏ ra ân cần mời mọc. Lúc đó Chú .. chưa … biết nhảy 🙂 nên chỉ ngồi uống beer và nhìn mọi người dìu nhau theo các điệu Rumba, Tango v.v… Các cô gái thay phiên nhau trò chuyện với từng người rồi đưa nhau ra sàn nhảy, ôm nhau một cách vô tư .. Hình như lúc đó Chú rất thánh thiện: trai gái không phải là tình nhân không được ôm nhau. Cuối cùng Chú cũng được một cô tới chỗ Chú ngồi bắt chuyện. Cô ấy khá xinh, nhỏ người dáng như một học sinh. Chú đoán đúng vì cô ấy tiết lộ là học sinh của một trường trung học. Chú cũng khai thật với cô ta là Chú không biết nhảy (Quê lắm nha!) Nói chuyện được vài phút, cô ta gặp một sĩ quan quen biết và chào hỏi thân thiết . Cô ấy hẹn gặp Chú sau và cả 2 dìu nhau ra sàn nhảy. Đêm đó khi về lại doanh trại, hình ảnh cô gái cứ ám ảnh tâm tư Chú, thôi thúc Chú phải viết ra, cái gì đó để lòng mình nhẹ bớt nỗi ưu tư . Thế là ‘Bài ca cho người kỹ nữ’ ra đời. Có thể nói đây là sáng tác đầu tiên của một đời người nghệ sỹ! Bài này không có liên quan gì tới vũ nữ Cẩm Nhung mà bà con cứ gán ghép. Chú đọc báo thấy họ cứ nói như thế, nhưng Chú không biết làm sao để đính chính. Rồi thời gian cứ trôi đi, Chú tiếp tục sáng tác nhưng chỉ để đó chớ không biết làm gì .

Còn về mối thân tình với nhạc sỹ Nhật Ngân, nhạc sỹ Duy Trung cho biết thêm:

Khoảng năm 1969-1970, Chú có người anh ruột là Trương Văn Thu. Ông anh của Chú là Nhân viên Kỹ thuật trong ban Tâm Lý Chiến của Quân trường Quang Trung. Anh ấy quen với Nhật Ngân vì lúc đó Nhật Ngân là trưởng ban nhạc trong Ban Tâm Lý Chiến (Nhật Ngân chơi Guitar Bass). Ông Anh của Chú biết Chú có soạn nhạc nên đề nghị Chú gởi tập nhạc về cho anh ấy để anh đưa cho Nhật Ngân. Chú đã gởi về và có nhờ anh ấy chuyển lời cho Nhật Ngân là sửa lời dùm những câu từ nào không hợp trong bài hát đầu tay ‘Bài ca cho người kỹ nữ’ (BCCNKN). Sau một thời gian, Chú không nhớ là bao lâu, bỗng nhiên tới nhà một người quen, Chú nghe được bài hát ‘Bài ca cho người Kỹ Nữ’ được thu trong băng nhựa qua giọng hát của Elvis Phương.

Ôi thật là cảm khoái, sung sướng tuyệt vời. Thế là bài hát này đã được trình làng với tên tác giả là Trần Hoàng Thu!? Chú hơi ngạc nhiên tên Trần Hoàng Thu từ đâu ra 🙂 Sau này Nhật Ngân có giải thích là vì không liên lạc được với Chú cũng như phải thu gấp nên đặt tên này cho Chú 🙂 … (Thật ra Chú cũng không nhớ tự đặt cho mình một bút hiệu )

Nhà nhạc sỹ tiếp tục cho chúng ta thêm một chi tiết thú vị

Nhật Ngân đã chỉnh sửa dùm cho Chú câu “Ta tiếc cho em trong cuộc đời Kỹ Nữ” thành “Ta tiếc cho em trong đèn màu mờ mờ”. Chú cám ơn Nhật Ngân thật nhiều! Bài này do anh Ngọc Chánh soạn hòa âm và thu trong studio của Shotguns. Bài hát này là nguyên thủy do chính Chú viết, Nhật Ngân chỉ sửa có mỗi một câu ở trên mà thôi. Từng chữ một không có gì thay đổi, kể cả tên bài hát. Chú không hiểu sao từ từ thiên hạ tự thay đổi thành ‘Bài Hát Cho Người Kỹ Nữ’, rồi ‘Tình Kỹ Nữ’. Khi ra hải ngoại Chú có gặp Elvis Phương và cám ơn anh ấy đã hát bằng tất cả tâm hồn của một ca sỹ, chuyên chở được nỗi lòng da diết của Chú.

Về nghệ danh ‘Duy Trung’

Tự nhận mình đã già, lúc nhớ lúc quên, thế nhưng khi chúng tôi hỏi về xuất xứ của nghệ danh Duy Trung, nhà nhạc sỹ cho biết:

Chú suy nghĩ, và hồi tưởng lại những chuyện quá khứ xưa thật là xưa …

– Lúc còn bé Chú thường ôm cái máy hát loại “quay dây thiều” để cho gia đình cùng hàng xóm nghe những tuồng tích cải lương . Hát cho đến mòn cây kim luôn 🙂

Có những đêm đầy trăng, Chú cùng các bạn nhỏ hay chơi “tập tuồng”. Nhờ thuộc lòng những tuồng cải lương mà bọn Chú đóng y như hệt … 🙂 Có lẽ trong huyết quảng đã tích tụ dòng máu nghệ sĩ .

– Mẹ Chú hồi còn trẻ, Bà có nhiều sáng tác về thơ văn và hát Chèo. Kể ra cũng lạ. Mẹ Chú đâu có biết chữ Việt mà cũng làm được những bài như thế. Hồi xưa chỉ là truyền miệng chớ không có ai viết lại. Những bài hát Chèo dành cho những cuộc đua thuyền, khích động những thanh niên, thêm sức cho thuyền nhân trong những cuộc đua ở thôn làng .

– Khi vào Phan thiết học Trung học, Chú mới biết mình một ông Cậu là Họa sĩ Duy Liêm. Cậu ấy rất nổi tiếng vẽ những tranh và kiểu chữ lạ lùng không trùng khớp với ai. Chú rất thích những tranh vẽ của Cậu. Nhưng Cậu không còn ở Phan Thiết mà đã dời về Sài Gòn.

– Một Cậu khác là Trần Duy Chánh, diễn viên điện ảnh, anh của Trần Duy Liêm . Sau này khi Chú vào Sài Gòn, Chú thường tới nhà Cậu Chánh chơi. Chú gọi Cậu theo thứ tự là Cậu Tư. Có lẽ Chữ ‘DUY’ Chú dùng để ghép thành nghệ danh cho Chú: DUY TRUNG. HIện tại Cậu Tư còn sống và đang ở Hawaii.

2 bình luận về “Nhạc sỹ Duy Trung & Bài Ca Cho Người Kỹ Nữ”

  1. Cám ơn Cháu đã bỏ công lắng nghe và ghi lại một phần đời của Chú. Nhờ câu hỏi “Nhạc sỹ Duy Trung, là ai và liệu bài hát nổi tiếng này có liên hệ gì với câu chuyện về cô Cẩm Nhung.?” mà Chú mới lên tiếng để làm sáng tỏ Bài Ca Cho Người Kỹ Nữ. Viết chỉ để tiếc nuối cho những người con gái có nhan sắc nhưng lại chọn cho mình thân phận làm Gái Nhãy cho đời mua vui 🙁 Chú rất xót xa trong dạ khi nhìn thấy những mảnh đời như thế . Nếu không có câu hỏi đó, chắc là Chú sẽ im lặng cho đến khi xui tay nhắm mắt. Tất cả rồi sẽ là phù du và tan biến theo dòng đời trôi nổi.
    Một lần nữa, Chú rất cám ơn !

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *