Nhân kỷ niệm một năm ngày nhạc sỹ Nguyễn Văn Đông ra đi mãi mãi, Dòng Nhạc Xưa xin trân trọng gởi đến quý đọc giả xa gần một bài viết của tác giả Trần Thị Vĩnh Tường vừa gởi cho chúng tôi. Chúng tôi xin gởi lời cảm ơn sâu sắc đến tác giả và mong nhận được sự đóng góp cho những bài viết tiếp theo.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông: Tình Không Biên Giới
(Nguồn: bài viết của tác giả Trần Thị Vĩnh Tường gởi cho DongNhacXua.com. Trước đó bài này đã được đăng trên VienDongDaily.com)
Nhạc sĩ Franz Liszt tiên tri “Trời ban người nghệ sĩ một số phần rực rỡ thê lương” (Mournful and yet grand is the destiny of the artist) có thể là định mạng của nghệ sĩ Nguyễn Văn Đông. Ngày này năm ngoái 26/2/2018 (Mười Một Tết năm Mậu Tuất 2018) Nguyễn Văn Đông ra đi vĩnh viễn. Miền biên giới theo ông suốt 86 năm thê lương rực rỡ không còn lằn ranh khi bông hoa ông tặng lại đời dội vào trái tim và nở bung những lúc thê lương nhất.
Nguyễn Văn Đông sanh ngày 15/3/1932 tại quận Nhứt, Sài Gòn, nguyên quán ở huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh; đang theo học trường Huỳnh Khương Ninh ở Đa Kao, Saigon tới 1945 thì trường đóng cửa vì thời cuộc. Theo Jason Gibbs, đại úy Vieux nhận Nguyễn Văn Đông làm con nuôi gửi vô học trường École d’enfants de Troupe (Trường Thiếu Sinh Quân Đông Dương) ở Vũng Tàu dạy văn hóa và quân sự. Nguyễn Văn Đông học với giáo sư âm nhạc Charles Martin, từng dạy hòa âm những năm 1920 ở Sài Gòn. Ông học kèn trompette, tham gia dàn quân nhạc trong trường, viết nhạc từ năm 16 tuổi để lại cho đời những bông hoa hiếm. Chiều Mưa Biên Giới là một bông hoa ấy.
Jason Gibbs, chuyên nghiên cứu âm nhạc Việt Nam, trong bài viết “Nguyễn Văn Đông: “Đường đời mưa bay gió cuốn” 23/3/2018 trên trang BBC: “Tôi được gặp và nói chuyện với nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông hai lần, năm 2009 và năm 2015. Ông ngoài 75 tuổi nhưng đầy nhiệt huyết như một con hùm…Ông nói với tôi rằng ông “viết thực tế về lính.” Ông “có thấy chết nhiều lắm, đau khổ nhiều lắm.” Khi mới cho phổ biến hai bài (Chiều Mưa Biên Giới và Phiên Gác Đêm Xuân) ông đề tên bút Vì Dân như nửa muốn giấu tên mình. Hai ca khúc đều có lời giới thiệu: Kính tặng các Chiến sĩ một nắng hai sương lao mình nơi tiền tuyến, dâng mình cho đất nước và các Bạn thanh-niên sắp khoác chiến y.” (Nguồn: BBC)
Con đường thành phố-biên giới nở những đóa diệu kỳ nuôi sống nhiều thế hệ. Lần đầu nghe Chiều Mưa Biên Giới trên sân khấu đại nhạc hội, rạp Thanh Vân đường Lê Văn Duyệt, Saigon, Trần Văn Trạch hát rặt tiếng Nam ấm áp chân phương lập tức khán giả thương liền người lính cô đơn. Bản nhạc cũng thành công ở Pháp năm 1960.
Lần thứ hai, trong buổi văn nghệ xuân trường Trưng Vương năm 1960-1961, giữa suối nhạc Giòng Sông Xanh quí phái Thiên Thai huyền ảo, thình lình giọng nữ sinh ngập ngừng cất lên nhắc miền biên giới xa xôi. Chính vụng về ấy làm trái tim non dại chúng tôi soi được bóng mình đâm ra quyến luyến ngay bài hát và người lính chiến,
Chiều mưa biên giới anh đi về đâu?
Sao còn đứng ngóng nơi giang đầu
Ở thành phố bình yên, chúng tôi không hay không biết chiến tranh vẫn chờ ở bực cửa. Vậy mà người lính biên cương ấy lại ái ngại cho người em nhỏ, như Hữu Loan từ đồi sim miền Bắc “nhớ về ái ngại,” chàng trung úy 24 tuổi miền Nam tha thiết,
“Người đi khu chiến thương người hậu phương
Thương màu áo gởi ra sa trường”
Nguyễn Văn Đông kể năm 1956 khi hành quân dọc theo biên giới Miên-Việt và Đồng Tháp Mười “mưa gào như vuốt mặt…Giữa cánh đồng hoang vắng tiêu sơ, lối vào tiền đồn thì xa xôi, thoáng ẩn hiện những nóc tháp canh mờ nhạt ở cuối chân trời. Và từng chập gió buốt kéo về như muối xát vào thịt da. Từ trong cảnh ấy, tận đáy lòng mình đã nghe nẩy lên những cung bậc rung cảm, những trường canh đầu tiên buồn bã cho bài Chiều Mưa Biên Giới anh đi về đâu…”
Nguyễn Văn Đông còn dùng bút hiệu Phượng Linh và riêng Đông Phương Tử cho những bài “tân cổ giao duyên.” Bài Thương Về Mùa Đông Biên Giới mở đầu nghệ thuật độc nhất miền Nam do ông đầu tiên khai phá. Cô đào cải lương Mộng Tuyền rưng rưng xuống câu xề, trái tim già trẻ tan thành nước
“Chăn ấm nệm êm em còn buốt lạnh
Anh chốn tuyến đầu còn lạnh biết là bao”
Mười năm tù đày không phai rực rỡ. Ý nguyện cuối đời ông đặng trọn: ca sĩ Thanh Tuyền hát Chiều Mưa Biên Giới ngay tại Hà Nội mấy tháng trước khi ông mất.
Phải chi ông hay rằng ngày trở lại Saigon Tết 2018, tôi được gặp một bạn trẻ sinh năm 1974 ở Quảng Ngãi lạc lõng vào Saigon lập nghiệp, nhận Saigon làm quê hương, biết ơn Saigon và yêu hết thẩy những gì của quê hương ấy. Bạn có một sưu tập hàng trăm bản nhạc xuất bản trước 1975, giữ gìn kỹ lưỡng cho khỏi ố vàng thêm nữa. Riêng nhạc Nguyễn Văn Đông bạn có một số bài hát trong đĩa Akai và đĩa 45 vòng của hãng Sơn Ca và Continental, vở cải lương nổi tiếng Nửa Đời Hương Phấn (đĩa 33 vòng) với hai huyền thoại cải lương là Út Bạch Lan và Thành Được, nhiều bản nhạc và hình ảnh Hà Thanh, Thanh Tuyền, Giao Linh… ưa hát nhạc Nguyễn Văn Đông.
Tại Saigon, lễ động quan Nguyễn Văn Đông vào 2:30 chiều ngày 2/3/2018 (15 Tết) đúng buổi cô bạn đồng môn trường Trưng Vương tổ chức cho tôi nói cho sinh viên nghe về nhạc Bolero miền Nam nên tôi không được tiễn ông lần cuối. Tôi xin phép cùng toàn thể các bạn các em trong giảng đường đứng lên 30 giây tưởng niệm người chiến sĩ biên cương, người nhạc sĩ cho đời những bông hoa quí. Vài em giơ tay “Cho em hát được hông” rồi ngon lành hát chân thật đáng yêu:
Còn đây đêm cuối cùng
Nhìn em muốn nói chuyện người Kinh Kha
Ngại khơi nước mắt, nhạt nhòa môi em
Người đi giúp núi sông …
Hàng hàng lớp lớp chưa về
Người người nối tiếp câu thề dành lấy quê hương
Nguyễn Văn Đông đã ra đi. Nhưng không như Kinh Kha bỏ thân chẳng được điều chi, cùng với Nguyễn Văn Đông dân Việt nhắc nhau “nối tiếp câu thề dành lấy quê hương.” Linh hồn ông đâu đó bay về chứng kiến tuổi tác biên giới biến tan, chỉ còn tình yêu rực rỡ cho đất nước ông gửi lại mai sau tiếp ông gìn giữ.
Nhạc Nguyễn Văn Đông không chỉ ru êm đôi gò má xám đen vùng biên giới, mà cả trái tim non trẻ sau ông hơn hai thế hệ. Thế thì vòng nguyệt quế vinh quang không chỉ riêng ông mà còn dâng cả những chiến sĩ hàng trăm hàng ngàn năm vì nước quên mình.
Tình yêu nở rồi tàn. Nhưng tình yêu non nước trong nhạc của Nguyễn Văn Đông còn nở mãi.
Yêu thế mới là yêu! Nhạc thế mới là nhạc!
(26/2/2019)
Trần Thị Vĩnh Tường