Cùng với “cây đa cây đề” Nguyễn Văn Tuyên trong Nam, nhạc sỹ Nguyễn Xuân Khoát ngoài Bắc xứng đáng được đặt để ở hai vị trí cao nhất trong tân nhạc Việt Nam. Dòng Nhạc Xưa xin giới thiệu tiếp loạt bài “Hãnh diện 100 năm âm nhạc Việt Nam” của tác giả Nguyễn Thụy Kha.
Nguyễn Xuân Khoát – Anh cả tân nhạc
(Nguồn: bài viết của tác giả Nguyễn Thụy Kha đăng trên nld.com.vn ngày 2017-09-01)
Sinh thời của ông và cho đến hôm nay, nhiều thế hệ nhạc sĩ Việt Nam đương đại đều gọi nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát bằng cái tên trìu mến “Người anh cả tân nhạc”.
Vào đầu thế kỷ trước, phố Nhà Thờ Hà Nội nơi Nguyễn Xuân Khoát sinh ra là nơi vang lên tiếng chuông nhà thờ Lớn, ngoài đường thường vọng trong không gian những giai điệu nhạc châu Âu, nhưng những âm thanh phương Tây đó không lấn át được những âm thanh phương Đông thuần Việt. Đó là tiếng trống lễ đình Phạm Ngũ Lão, tiếng sáo diều vi vút bãi cỏ sau nhà chung, tiếng dô hò của bác phu xe bò, tiếng hòa điệu dàn bát âm vỉa hè, tiếng trống quân dịp rằm trung thu. Và cuối cùng, lá chắn hiệu nghiệm nhất không cho tâm hồn Việt nhiễm chất Tây là lời ru con của mẹ. Tất cả đã thấm vào Nguyễn Xuân Khoát, dinh dưỡng trong cậu bé một tài năng âm nhạc Việt Nam đầy tự hào và trân trọng.
Tìm đến chân trời mới
Ông từng kể lại với tôi những kỷ niệm học nhạc thời thanh xuân mơ mộng. Năm 27 tuổi (1927), Nguyễn Xuân Khoát cùng các bạn Nguyễn Hữu Hiếu, Nguyễn Văn Giệp… vào học “Viễn Đông Âm nhạc viện”. Sau 3 năm, người Pháp quyết định đóng cửa trường nhạc này và buông thõng một câu nhận định: “Người Việt Nam không có khả năng âm nhạc”.
Nguyễn Xuân Khoát cùng các bạn đã ở tuổi “tam thập nhi lập” đành lủi thủi bước ra đường, kiếm ăn bằng việc đi chơi đàn ở các hộp đêm. Song chính trong những ngày tuyệt vọng nhất, âm nhạc cổ truyền Việt Nam đã cứu sống, hồi sinh Nguyễn Xuân Khoát. Chính trong nỗi mệt mỏi và chán chường từng đêm vác đàn đi về từ hộp đêm, Nguyễn Xuân Khoát lại nghe vẳng đâu đây tiếng đàn từ chơi một giai điệu cổ, tiếng phách bay ra từ xóm ả đào. Tình cờ đâu đó, vọt căng tiếng đàn bầu. Những âm thanh ấy cùng những âm thanh thuở ấu thơ đã dắt đưa Nguyễn Xuân Khoát bước sang một chân trời mới. Ông lặng lẽ học chèo, học ca trù, phổ những bài ca dao như “Thằng Bờm”, “Con voi”, “Con cò mày đi ăn đêm”… và viết những bài hát mới mang âm hưởng dân ca như “Bình minh”…, đặc biệt là độc tấu piano “Trống Tràng thành” lấy cảm hứng từ “Chinh phụ ngâm”. Không tham gia nhóm Myosotis của Thẩm Oánh, Dương Thiệu Tước…, cũng không tham gia nhóm Tricea của Văn Chung, Lê Yên… nhưng Nguyễn Xuân Khoát rất ủng hộ Nguyễn Văn Tuyên trong việc đi xuyên Việt vận động truyền bá nhạc cải cách. Chính ông và Nguyễn Văn Tuyên đã có bài hát in trên Báo Ngày Nay mùa thu năm 1938, như tờ khai sinh cho tân nhạc Việt Nam đã nhiều năm hoài thai. Ở Nguyễn Văn Tuyên là “Kiếp hoa”, còn ở ông là “Bình minh”.
Một lần khác, ông hỏi tôi về tiếng chũm chọe. Thấy tôi lúng túng, ông cười. Càng dấn thân vào tìm hiểu âm nhạc dân tộc, Nguyễn Xuân Khoát càng thấy cái riêng, cái độc đáo của nhạc Việt. Rút kinh nghiệm từ các nhóm nhạc trên, ông cùng Đoàn Phú Tứ, Nguyễn Đỗ Cung, Nguyễn Lương Ngọc, Phạm Văn Hạnh và Nguyễn Xuân Sanh lập ra nhóm Xuân Thu Nhã Tập đầu tháng 6-1942 với tư tưởng hướng về dân tộc nhưng có tuyên ngôn rõ ràng và sắc sảo: “Nhạc phát sinh muôn ngàn khúc điệu, tiết tấu trong vạn vật, trong văn thơ, trong nghệ thuật, trong tư tưởng, hành vi. Không có nhạc là không có gì hết…”. Hướng theo tư tưởng này, Nguyễn Xuân Khoát đã phổ bài thơ “Xây mơ” của Nguyễn Xuân Sanh và đặc biệt là “Màu thời gian” của Đoàn Phú Tứ với một phần đệm piano đặc sắc đến tận bây giờ. Ngày ấy, nếu Lưu Hữu Phước kết hợp với Thế Lữ làm ra ca kịch “Tục lụy” thì Nguyễn Xuân Khoát lại kết hợp với Thế Lữ làm ra ca kịch “Trầm Hương Đình”. Ca khúc “Chào người chìm bóng” là ca khúc rất hay mà Nguyễn Xuân Khoát viết cho ca kịch này từ phần lời của Thế Lữ.
Tiếng lòng thời “Uất hận”
Mang bao khát vọng tuổi trẻ mong dấn thân vào đóng góp cho âm nhạc nước nhà nhưng với sự nhạy cảm của tâm hồn nghệ sĩ, Nguyễn Xuân Khoát đã nhìn thấy sự bế tắc của một nghệ sĩ trong đất nước nô lệ. Ông đã bỏ lại những lê lết chán chường tại các hộp đêm. Đầu năm 1945 Ất Dậu, khi nạn đói từ nông thôn kéo về Hà Nội, cũng là lúc Nguyễn Xuân Khoát nhập Đoàn kịch Anh Vũ với Thế Lữ, Đoàn Phú Tứ, Bùi Công Kỳ, Văn Chung… biểu diễn xuyên Việt. Trong vốn liếng nhạc phẩm mang theo có thêm bài “Uất hận”. Cách mạng Tháng Tám bùng nổ, khi ở Hà Nội, Nguyễn Hữu Hiếu đã chơi bằng đàn acmonium bản “Tiến quân ca” của Văn Cao vào chiều 17-8-1945; ở miền Trung, Nguyễn Xuân Khoát vừa tự đệm bằng accordion vừa hát “Uất hận”. Khi trở về Hà Nội, Nguyễn Xuân Khoát đã có bài viết quan trọng “Nguyện vọng âm nhạc” trên Tạp chí Tiên Phong của Hội Văn hóa cứu quốc và tham gia hoạt động cho Hội Khuyến nhạc của ông Lưu Quang Duyệt cùng Nguyễn Hữu Hiếu và Nguyễn Văn Giệp. Các ông cũng lập thành dàn nhạc chơi ở quán Nghệ Sĩ (Nhà Khai Trí Tiến Đức – Hàng Trống). Dàn nhạc của đất nước tự do vừa thoát khỏi xích xiềng nô lệ đã có một ứng xử ấn tượng trước những tên lính thực dân đang lăm le cướp lại đất nước này.
Sau đêm 19-12-1946, Nguyễn Xuân Khoát gia nhập Đoàn kịch Tháng Tám của Bộ Nội vụ rút ra Vân Đình. Lại những đêm trình diễn ở vùng tự do. Từ đó, Nguyễn Xuân Khoát cứ đi dần lên Việt Bắc theo kháng chiến. Trên đường đi, ông đã chứng kiến cảnh các nhà thờ bị tàn phá. Ngay khi lên tới Việt Trì, ông đã viết ra một tác phẩm lớn cho kháng chiến. Đấy là “Tiếng chuông nhà thờ” độc đáo, mang âm hưởng phảng phất “Trấn thủ lưu đồn”.
Sau khi viết xong “Tiếng chuông nhà thờ”, Nguyễn Xuân Khoát đã rời Đoàn Văn nghệ Kháng Chiến, nhập ngũ. Là nhạc sĩ mặc áo lính, bên cạnh việc đeo trên vai chiếc đàn gió hành quân và biểu diễn, Nguyễn Xuân Khoát đã có thêm những sáng tác mới như “Đoàn quân cứu thương”, “Chiều Việt Bắc”…, đặc biệt là “Hát mừng chiến thắng” chỉ ngắn gọn một đoạn đơn với 16 nhịp 2/4. Mọi hy sinh, mọi đau thương lớn lao của kháng chiến được cô đọng, được tinh chất thành niềm vui chiến thắng nhỏ bé nhưng rất tầm vóc. Với nét lạc quan ấy, Nguyễn Xuân Khoát đã tự vượt qua mọi phức tạp của kỹ thuật để đạt tới độ giản dị đầy tự tin với âm hưởng dân ca Bắc Bộ. Từ sự tự tin ấy, sau thời gian ngắn tham gia quân đội, giữa lúc nhiều đồng nghiệp rời bỏ chiến khu “dinh tê vào thành”, Nguyễn Xuân Khoát lại nhận trọng trách ở Đoàn Văn công Nhân dân Trung ương như một lời khẳng định đích thực về nền văn nghệ cách mạng “Dân tộc – hiện đại – đại chúng”.
Tạo sự chung sống giữa thanh nhạc dân tộc và phương Tây
Lúc ở đoàn văn công, sau những thử nghiệm ấu trĩ dùng dương cầm đệm cho hát chèo theo kiểu cộng minh, Nguyễn Xuân Khoát đã cùng các đồng nghiệp tạo ra bộ phận nghiên cứu thanh nhạc dân tộc làm nền tảng cho nền kịch hát mới Việt Nam, tạo nên sự chung sống giữa thanh nhạc dân tộc và phương Tây như ngôi nhà có móng và tường, có thể xây nhiều tầng. Còn âm nhạc ta như ngôi nhà chỉ có cột và nền. Hai kiến trúc khác nhau đều bền vững trong mỗi vẻ đẹp khác nhau. Nốt của phương Tây là nốt định âm; còn nốt của ta là nốt nhấn nhá, nhiều phụ âm nên không cần sự nâng đỡ của hòa âm. Sự chung sống này giống như một quần thể kiến trúc giữa nhà cao tầng với những đình chùa, miếu mạo.
Với tầm vóc như vậy, khi Hội Nhạc sĩ Việt Nam thành lập cuối năm 1957, Nguyễn Xuân Khoát được bầu làm chủ tịch hội. Suốt những năm tiếp theo của chiến tranh chống Mỹ, cùng với Tổng Thư ký Đỗ Nhuận, Nguyễn Xuân Khoát đã tạo dựng được một đội ngũ âm nhạc hùng mạnh như một binh chủng đặc biệt với sức công phá của âm thanh còn lớn hơn bom đạn, tạo nên bức tranh âm nhạc thời kỳ chống Mỹ hoành tráng nhất, rock nhất từ trong bản thể âm thanh…
Nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát sinh ngày 11-2-1910 tại phố Nhà Thờ Hà Nội, mất ngày 7-5-1993 tại Hà Nội, thọ 84 tuổi. Sinh thời của ông và cho đến hôm nay, nhiều thế hệ nhạc sĩ Việt Nam đương đại đều gọi ông bằng cái tên trìu mến “Người anh cả tân nhạc” hay “Người anh cả làng nhạc” hoặc thân thiết hơn: “Cụ Cả Khoát”. Có lần mời ông đến uống rượu ở phố Nhà Thờ, ông đã từng rất vui yêu cầu: “Nào rót cho cụ cả một chén”.
Nguyễn Xuân Khoát đam mê âm nhạc trong một niềm ám ảnh kỳ dị. Ngay cả ở tuổi già, lúc đau ốm tưởng chừng không thể gượng nổi, thế nhưng, nếu có ai đến bàn điều gì về âm nhạc thì con người âm nhạc của ông lại bừng sáng, tỉnh táo lạ thường. Ông hiểu âm nhạc đến cốt lõi, rung động trong từng nhấn nhá của nốt để mường tượng, để bay về nhiều phía mơ hồ của tâm linh. Và có lẽ vì thế, ông thường buồn nhưng không nặng nề suy nghĩ. Sống trong một căn phòng đơn sơ, nội thất tuềnh toàng của cuộc sống thanh đạm, gia tài lớn nhất mà ông dành tặng cho đời là nhân cách nghệ sĩ và những bản thảo đã hoàn chỉnh hay còn dang dở. Những năm gần cuối đời, dù sống trong cảnh túng thiếu thường trực, ông vẫn không hề ngừng làm việc. Nhiều bài hát trẻ thơ được ông viết ra bằng tâm hồn lão nhi. Ông hình như sinh ra để làm âm nhạc và đón nhận cảm xúc ở cuộc đời. Vừa cặm cụi làm việc, ông vừa hoàn toàn tin tưởng về triển vọng của nền âm nhạc hiện đại Việt Nam. Với lớp đàn em, lớp trẻ, ông có một cái nhìn vô tư, công bằng trước những tài năng âm nhạc.
Nguyễn Thụy Kha