Nhạc sỹ Vũ Xuân Hùng và phong trào Việt hóa nhạc trẻ

Trước khi có phong trào thuần Việt hóa nhạc trẻ, đã có vài nhạc sỹ tiên phong dấn thân vào chuyển ngữ cho những bài nhạc ngoại quốc thịnh hành vào thập niên 1960 – 1970. Nhạc sỹ Vũ Xuân Hùng là một trong số đó. Để thế hệ trẻ hiểu hơn về một thời nhạc trẻ Sài Gòn, Dòng Nhạc Xưa xin giới thiệu cuộc trao đổi giữa nhạc sỹ và báo Phụ Nữ diễn ra đầu năm 2017.

Nhạc sỹ Vũ Xuân Hùng: Đã từng có một phong trào chuyển ngữ và Việt hóa nhạc trẻ

(Nguồn: bài viết của tác giả MH đăng trên phununews.vn ngày 2017-02-27)

Là tác giả chuyển ngữ của hàng trăm ca khúc nổi tiếng của những thập niên 60-70 tại Sài Gòn xưa. Ca khúc của Vũ Xuân Hùng đã trở nên quen thuộc với khán giả yêu nhạc...

Sau sự vụ bản quyền với ca sỹ Mỹ Tâm, nhóm PV Phununews tiếp tục có cuộc trò chuyện với nhạc sĩ Vũ Xuân Hùng tác giả của bài Anh Thì Không, để tìm hiểu thêm về gia tài âm nhạc cũng như những cuốn băng Tình Ca Nhạc Trẻ  rất nổi tiếng Sài gòn thập niên 60-70 của ông.

Thưa ông, được biết trước đây ông xuất thân từ một nhà giáo. xin ông cho biết nguyên nhân nào đã đưa đẩy ông từ lãnh vực giáo dục sang lãnh vực âm nhạc, sau đó ông lấn sang phần đất nhạc Trẻ, chuyển ngữ  hàng trăm nhạc phẩm nước ngoài đã được các ca sĩ trong và ngoài nước trình diễn và  thực hiện những cuốn ‘Tình Ca Nhạc Trẻ’ nổi tiếng được đông đảo mọi người yêu thích? 

NS Vũ Xuân Hùng : Tôi xin vắn tắt là vào khoảng thời gian 1972 khi đang dạy học, tôi được ông Quốc Phong giám đốc hãng phim Liên Ảnh mời tôi về làm Tổng Thư Ký cho tờ tuần san Kịch Ảnh để cùng nhà văn Mai Thảo (chủ bút) làm mới cũng như trẻ trung hoá tờ báo Điện ảnh Ca nhạc nổi tiếng này.

Như bạn biết đó trong thập niên 60, 70 nhạc trẻ thế giới ồ ạt du nhập vào miền Nam. Giới trẻ Sài gòn thời ấy rất say mê nghe và thích trình diễn những ca khúc viết bằng tiếng Anh, tiếng Pháp.

Nhạc sỹ Vũ Xuân Hùng (thứ 2 từ trái sang).

Thậm chí những ca sĩ và ban nhạc Sài gòn  lấy một cái tên nước ngoài đặt cho ban nhạc  mình. Chúng tôi lo ngại sự bành trướng của cái phong trào nhạc trẻ  này nên đã cùng nhà văn Mai Thảo nhạc sĩ Phạm Duy, Trường Kỳ , Nam Lộc , Tùng Giang , Kỳ Phát, Nguyễn Duy Biên phát động một phong trào Việt Hoá Nhạc Trẻ. Với mong ước giới trẻ Việt Nam sẽ tự sáng tác và  trình diễn những ca khúc trẻ nước ngoài bằng ngôn ngữ Việt Nam.

Bởi thế chúng tôi thường tổ chức tại Toà Soạn Kịch Ảnh các buổi Họp mặt Bàn Tròn Nhạc Trẻ cùng với sự tham gia của ca  sĩ cũng như các ban nhạc trẻ nổi tiếng Sài gòn ngày đó để bàn về vấn đề trên.

Kết quả sau đó là sự ra đời của ban Phượng Hoàng cùng những sáng tác thuần tuý, đậm chất Việt Nam của các nhạc sĩ Lê Hựu Hà, Nguyễn Trung Cang, Ban Mây Trắng ( Tuấn Dũng, Trung Hành, Cao Giảng ) Đồng thời các ban nhạc,  các nhóm ca cũng đã chuyển sang cái tên nghe Việt Nam hơn như Ba Con Mèo ( The Cats Trio), Ba Trái Táo ( The Apple three ), Ba Quả Chuông ( The Golden Bells ), Sao Xanh ( The Blue Stars ) …

Công sức đóng góp vào phong trào Việt Hoá Nhạc Trẻ là phần chuyển ngữ ca khúc  từ tiếng Anh Pháp sang tiếng Việt của các nhạc sĩ Phạm Duy, Trường Kỳ, Nam Lộc, Tùng Giang, Kỳ Phát, Vũ Xuân Hùng, Nguyễn Duy Biên, Lê Hựu Hà, Tuấn Dũng, Trung Chỉnh…

Phải chăng những cuốn băng Tình Ca Nhạc Trẻ 1,2, 3  do Vũ Xuân Hùng và Nguyễn Duy Biên thực hiện cũng ra đời vào thời gian này? Thực hiện những cuốn băng đầu tiên này có những khó khăn ra sao?

NS Vũ Xuân Hùng: Vào thời gian đó tôi có  suy nghĩ là muốn đẩy phong trào Việt hoá này mạnh lên hơn nữa thì phải phát hành những tập nhạc những đĩa nhạc dành cho giới trẻ, để họ có thể thưởng thức hoặc trình diễn bằng ngôn ngữ Việt  nên tôi đã cùng anh Nguyễn Duy Biên một người bạn nối khố từ thời Trung học bắt tay vào thực hiện những cuốn Tình Ca Nhạc Trẻ.

Mỗi người chúng tôi một nhiệm vụ, Vũ Xuân Hùng nhận phần chuyển ngữ ca khúc, và mời nhạc sĩ Nam Lộc, Trường Kỳ, Lê Uyên Phương, Kỳ Phát, Tuấn Dũng, góp bài cho thêm phong phú. Sau đó chọn ban nhạc Dreamers, CBC, Mây Trắng, Hammers và các ca sĩ nổi tiếng Sài gòn thu âm. Nguyễn Duy Biên là người bỏ tiền đầu tư nên là nhà sản xuất ( Producer ) và Kỹ thuật âm thanh (Sound Engineering ) kiêm luôn chức phát hành ( Distributor ).

Ban Phượng Hoàng.

Rất may khi cuốn Tình Ca Nhạc Trẻ ra đời thì bà Thuý Nga và ông Tô Văn Lai  của Trung tâm Thuý Nga ngày ấy thấy trẻ trung và mới lạ nên đã nhận lời phát hành đồng thời mua đứt những cuốn băng kế tiếp thứ 2, thứ 3 sau đó nên anh đã bớt mệt nhọc lo lắng. 

Khi chuyển ngữ những ca khúc nước ngoài và phát hành những cuốn Tình Ca Nhạc Trẻ  ông có gặp vấn đề về bản quyền?

NS Vũ Xuân Hùng : Vào những năm trước 1975, khi muốn xuất bản hay phát hành một bản nhạc hay một cuốn băng nhạc việc đầu tiên chúng tôi phải nộp bản những ca khúc chuyển lời Việt đó cho phòng thông tin Sài gòn để họ kiểm duyệt  lời của bài hát. Sau vài ngày nếu không có vấn đề gì họ sẽ cấp phép để thực hiện việc thu âm và sản xuất.

Còn chuyện bản quyền thì thời gian đó chế độ miền Nam chưa có Luật Bảo Vệ Bản Quyền hoặc chưa gia nhập công ước Bern nên họ không đặt vấn đề xin phép. Do đó nhạc sĩ Phạm Duy ,Nam Lộc , Trường Kỳ, Kỳ Phát , Lê Hựu Hà  , Vũ Xuân Hùng, Nguyễn Duy Biên … chuyển lời Việt cho hằng trăm ca khúc nước ngoài mà không gặp rắc rối gì cả.

Còn sau năm 1975 những ca khúc chuyển ngữ của tôi được các Trung Tâm Ca Nhạc Hải Ngoại sử dụng cho các cuốn Audio và Video nên họ có trách nhiệm xin phép các tác giả nước ngoài.

Tất cả hơn 100 bài hát chuyển ngữ của tôi đều được viết trước năm 1996 , khi Việt Nam gia nhập Công ước Bern và trước rất lâu khi Hội Bảo Vệ Tác Quyền Việt Nam ra đời. Hơn 100 ca khúc chuyển ngữ của tôi đã được đăng ký với Hội Bảo Vệ Tác Quyền hơn 10 năm rồi. Bởi thế việc vi phạm với tác giả bản gốc  không có tính cách hồi tố .

Những nghệ sĩ hải ngoại khi thể hiện ca khúc do ông chuyển lời Việt , họ có làm tròn trách nhiệm xin phép sử dụng ca khúc đó không?

NS Vũ Xuân Hùng: Không tính đến những ca sĩ ra đĩa CD riêng hoặc hát sân khấu thì các ca sĩ sống ở hải ngoại thường làm việc cho các Trung Tâm lớn như Thúy Nga Paris, Asia và những chương trình lớn họ đều thực hiện những gì cần phải làm.

Hầu như không cần phải đợi nhắc nhở. Chẳng hạn như khi tôi xem một chương trình Trung tâm Thúy Nga Paris By Night  họ có sử dụng một nhạc phẩm của tôi, cụ thể là cuốn số 121 có bài Hờn Ghen do tôi chuyển ngữ. Thì ngay cả khi Abum chưa ra đã có người mang tiền tác quyền đến tận nhà.

Xin cảm ơn ông về buổi trò chuyện này. Chúc ông và gia đình sức khỏe, vui vẻ và hạnh phúc.

MH ( thực hiện) 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *