DòngNhạcXưa giới thiệu tiếp phần 3 và cũng là phần cuối trong chuỗi ca khúc “Truyện tình Lan và Điệp” mà nhóm Lê Minh Bằng đã cảm tác từ tác phẩm văn học “Tắt lửa lòng” của nhà văn Nguyễn Công Hoan.
Tắt lửa lòng là một tiểu thuyết tình cảm lãng mạn của nhà văn Nguyễn Công Hoan, giới thiệu lần đầu tiên năm 1933. Tác phẩm này nhanh chóng trở nên phổ biến, và rất nhiều người chuyển thể thành vở kịch, bản nhạc khác nhau.
Soạn giả Trần Hữu Trang đã biên kịch lại và chuyển thể lại thành vở cải lương “Lan và Điệp” năm 1936. Và cái tên “Lan và Điệp” trở thành huyền thoại từ đó, thậm chí nó còn nổi tiếng hơn cả tên tác phẩm Tắt lửa lòng.
Chuyện tình Lan và Điệp được giới thiệu lần đầu tiên vào năm 1933, qua tiểu thuyết “Tắt lửa lòng” của nhà văn Nguyễn Công Hoan, một trong những người đặt nền móng cho văn xuôi Việt Nam hiện đại. Câu chuyện nói về một mối tình lãng mạn, đầy trắc trở của cô gái tên Lan và chàng trai tên Điệp.
DòngNhạcXưa đã đôi lần tôn vinh tài phổ thơ của nhóm Lê Minh Bằng nói chung và nhạc sỹ Anh Bằng nói riêng. Thế nhưng đạt đến đỉnh cao nghệ thuật với việc đưa một tiểu thuyết thành một nhạc phẩm bất hủ như trường hợp ‘Truyện tình Lan & Điệp” thì có lẽ là một hượng tượng độc nhất vô nhị trong tân nhạc Việt Nam. Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu bài viết của tác giả Trần Chí Phúc để người yêu nhạc hiểu rõ hơn về Anh Bằng cùng nhóm Lê Minh Bằng huyền thoại.
Kỷ niệm về nhạc sĩ Anh Bằng – Chuyện Tình Lan Và Điệp 1
Đi ngược thời gian một chút, lúc còn học lớp tiếp liên – lớp luyện thi vào đệ thất trường công lập; tôi là trưởng ban văn nghệ, sang lớp con gái dự tiệc liên hoan cuối năm, hát bản Chuyện Tình Lan Và Điệp 1 sai mấy chữ bị chọc quê, nhớ mãi.
Lúc đó khoảng thập niên 60, ba bản Chuyện Tình Lan Và Điệp 1, 2, 3 của Mạc Phong Linh Mai Thiết Lĩnh rất ăn khách, tên tác giả nghe ngồ ngộ giống như trong truyện kiếm hiệp Tầu.
DòngNhạcXưa đã giới thiệu nhiều ca khúc về Đà Lạt cùng các giai thoại bên lề. Hôm nay xin mời quý vị yêu nhạc xưa lại lắng đọng lòng mình cùng những nhạc phẩm bất hủ về thành phố mộng mơ.
Từ bài thơ “Nhà tôi” của thi sỹ Yên Thao sáng tác năm 1949 cho đến bản nhạc “Chuyện giàn thiên lý” do nhạc sỹ Anh Bằng phổ nhạc độ đầu thập niên 1990 là một khoảng thời gian dài gần nửa thế kỷ với bao biến động của thời cuộc. Trên tinh thần lưu lại tư liệu, [dongnhacxua.com] xin trích dẫn thêm vài thông tin cho quý vị xa gần tham khảo.
“Khúc Thụy Du” không phải là một bản nhạc xưa nhưng rất được đón nhận bởi hầu hết ca sỹ cũng như công chúng yêu dòng nhạc này. Đó là một nhạc phẩm mà nhạc sỹ Anh Bằng viết tại hải ngoại sau 1975, lấy ý thơ từ bài thơ cùng tên sáng tác năm 1968 của nhà thơ Du Tử Lê. [dongnhacxua.com] còn nhớ lần đầu nghe bản này là vào đầu thập niên 1990 qua tiếng hát đầy cảm xúc của ca sỹ Tuấn Ngọc. Bản nhạc nổi tiếng thế nào thì chắc có lẽ chúng ta không cần nói thêm. Thế nhưng rất ít người yêu nhạc biết rằng tựa bài thơ là sự kết hợp giữa chữ lót của người yêu nhà thơ (bà Thụy Châu) và chữ đầu trong bút danh Du Tử Lê.
Khi biến cố Tết Mậu Thân, 1968 xẩy ra, đó cũng là lúc cuộc tình của tôi và một nữ sinh viên trường Dược, ở Saigòn cũng khởi đầu.
Đầu tháng 3-1968, tôi bị chỉ định đi làm phóng sự một tiểu đoàn TQLC đang giải toả khu Ngã tư Bảy Hiền.
Lúc đó, cả thành phố Saigòn vẫn còn giới nghiêm. Trên đường đi, từ cục TLC ở đầu đường Hồng Thập Tự, gần cầu Thị Nghè tới khu Ngã tư Bảy Hiền, đường xá vắng tanh. Khi gần tới ngã tư Bảy Hiền, ngoại ô Saigòn, tôi thấy trên đường đi còn khá nhiều xác chết. Đó là những xác chết không toàn thây, bị cháy nám; rất khó nhận biết những xác chết là dân chúng, binh sĩ hay bộ đội CS.
Khi tới gần khu ngã tư Bảy Hiền, dù không muốn nhìn, tôi vẫn thấy rất nhiều mảnh thịt người vương vãi hai bên đường. Có cả những cánh tay văng, vướng trên giây điện…Rất nhiều căn nhà trúng bị bom, đạn. Đổ nát. Tôi cũng thấy những con chó vô chủ gậm chân, tay xương người bên lề đường… Tất cả những hình ảnh ghê rợn này đập vào mắt tôi, cùng mùi hôi thối tẩm, loang trong không khí.
Khi tới vùng giao tranh, tôi gặp người trách nhiệm cuộc hành quân giải toả khu chợ Bảy Hiền. Đó là thiếu tá Nguyễn Kim Tiền. Anh vốn là một bạn học thời trung học của tôi. Tiền cho biết, đơn vị của anh đang ở giai đoạn cực kỳ nguy hiểm. hai bên rình rập nhau, như trò cút bắt, để tranh giành từng gian hàng, từng ngôi nhà… Anh nói tôi phải rời khỏi khu chợ, lập tức. Vì anh không thể bảo đảm sinh mạng cho tôi, dù là bạn cũ….
Trên đường về, cái khung cảnh hoang tàn, đổ nát với xương thịt người vung vãi khắp nơi, cùng với mùi người chết sình thối…khiến tôi muốn nôn oẹ, một lần nữa lại gây chấn động dữ dội trong tôi…
Giữa tháng 3 – 1968, nhà văn Trần Phong Giao, Thư ký toà soạn Tạp chí Văn, gọi điện thoại vào phòng Báo Chí, cục TLC, hỏi tôi có thể viết cái gì đó, cho Văn số tục bản.
Gọi là “tục bản” bởi vì sau số Xuân, khi biến cố mồng 1 Tết xẩy ra, báo Văn ngưng xuất bản. Lý do, các nhà phát hành không hoạt động. Đường về miền tây cũng như đường ra miền Trung bị gián đoạn. Saigòn giới nghiêm. Tuy nhiên, ông nói, hy vọng ít ngày nữa, giao thông sẽ trở lại – – Thêm nữa, không thể để Văn đình bản quá lâu.
Sau khi nhận lời đưa bài cho Trần Phong Giao, tôi mới giật mình, hốt hoảng.
Tôi nghĩ, giữa tình cảnh ấy, tôi không thể đưa ông một bài thơ tình, hay một chuyện tình. Mặc dù thơ tình hay chuyện tình là lãnh vực của tôi thuở ấy. Nhưng, tôi thấy, nếu tiếp tục con đường quen thuộc kia, tôi sẽ không chỉ không phải với người đọc mà, tôi còn không phải với hàng ngàn, hàng vạn linh hồn đồng bào, những người chết tức tưởi, oan khiên vì chiến tranh nữa…
Cuối cùng, gần hạn kỳ phải đưa bài, nhớ lại những giờ phút ở ngã tư Bảy Hiền, tôi ngồi xuống viết bài thơ ghi lại những gì mục kích trên đường đi.
Viết xong, tôi không tìm được một nhan đề gần, sát với nội dung!
Bài thơ dài trên 100 câu. Nhưng khi Văn đem đi kiểm duyệt, bộ Thông Tin đục bỏ của tôi gần 1/ 3 nửa bài thơ.
Thời đó, tôi viết tay, không có bản phụ, nên, sau này khi gom lại để in thành sách, tôi không có một bản nào khác, ngoài bản in trên báo Văn (đã kiểm duyệt.)
Tuy còn mấy chục câu thôi, nhưng nội dung bài thơ, từ đầu đến cuối, vẫn là một bài thơ nói về thảm cảnh chiến tranh. Người phụ trách phần kiểm duyệt vẫn để lại cho bài thở của tôi những câu cực kỳ “phản chiến” như: “…Ngước lên nhìn huyệt lộ – bày quả rỉa xác người – (của tươi đời nhượng lại) – bữa ăn nào ngon hơn – làm sao tôi nói được…” Hoặc: “…Trên xác người chưa rữa – trên thịt người chưa tan – trên cánh tay chó gậm – trên chiếc đầu lợn tha…” vân vân…
Nói cách khác, tình yêu chỉ là phần phụ; với những câu hỏi được đặt ra cho những người yêu nhau, giữa khung cảnh chết chóc kia, là gì? Nếu không phải là những tuyệt vọng cùng, tất cả sự vô nghĩa chói gắt của kiếp người?
Như đã nói, thời gian ra đời của bài thơ cũng là khởi đầu của cuộc tình giữa tôi và một sinh viên đại học Dược…Tôi lấy một chữ lót trong tên gọi của người con gái này, cộng với chữ đầu, bút hiệu của tôi, làm thành nhan đề bài thơ. Nó như một cộng nghiệp hay chung một tai hoạ, một tuyệt lộ.
Bài thơ ấy, sau đó tôi cho in trong tuyển tập “Thơ Du Tử Lê (1967-1972).
Cuối năm, tập thơ được trao giải thưởng Văn Chương Toàn Quốc, bộ môn thi ca, 973.
Năm 1983, tôi cho tái bản cuốn thơ này sau khi được một độc giả du học tại Mỹ trước năm 1975, cho lại. Cô nói, tôi phải hứa in lại và dành bản đầu tiên cho cô…
Sau đấy, một buổi tối, nhạc sĩ Anh Bằng đến tìm tôi ở quán Café Tay Trái (toạ lạc ngay ngã tư đường Trask và Fairview.) Ông nói, ông mới phổ nhạc bài “Khúc Thuỵ Du.” Ông cho tôi quyền chọn người hát. Ông nhấn mạnh: “Tôi có thể chỉ cho người đó hát…”
Thời gian đó, trong số bằng hữu giúp tôi điều hành Café Tay Trái, có nhạc sĩ Việt Dzũng. Lúc nhạc sĩ Anh Bằng đến tìm tôi, cũng là lúc Việt Dzũng có mặt; đang chuẩn bị cho chương trình ca nhạc buổi tối. Tôi giới thiệu hai người với nhau.
Khi ca khúc “Khúc Thuỵ Du” ra đời dạng casette, với tiếng hát của Việt Dzũng, tôi mới biết, nhạc sĩ Anh Bằng chỉ lọc, lựa một số câu thơ liên quan tới tình yêu mà, không lấy một câu thơ nào nói một cách cụ thể về chiến tranh, chết chóc… Chết chóc hay chiến tranh được hiểu ngầm, như một thứ background mờ nhạt.
Từ đó đến nay, thỉnh thoảng vẫn còn có người lên tiếng phản đối sự giản lược nội dung bài thơ của tôi vào một khía cạnh rất phụ: Khía cạnh tình yêu trong ca khúc “Khúc Thuỵ Du”…
Nhưng, hôm nay, sau mấy chục năm, nhìn lại, tôi thấy, ông cũng có cái lý của ông…
(1-30-2010.)
NGUYÊN VĂN BÀI THƠ “KHÚC THỤY DU” (Nguồn: DuTuLe.com)
1.
như con chim bói cá trên cọc nhọn trăm năm tôi tìm đời đánh mất trong vụng nước cuộc đời
như con chim bói cá tôi thường ngừng cánh bay ngước nhìn lên huyệt lộ bầy quạ rỉa xác người (của tươi đời nhượng lại) bữa ăn nào ngon hơn làm sao tôi nói được
như con chim bói cá tôi lặn sâu trong bùn hoài công tìm ý nghĩa cho cảnh tình hôm nay
trên xác người chưa rữa trên thịt người chưa tan trên cánh tay chó gặm trên chiếc đầu lợn tha tôi sống như người mù tôi sống như người điên tôi làm chim bói cá lặn tìm vuông đời mình
trên mặt đất nhiên lặng không tăm nào sủi lên đời sống như thân nấm mỗi ngày một lùn đi tâm hồn ta cọc lại ai làm người như tôi ?
2.
mịn màng như nỗi chết hoang đường như tuổi thơ chưa một lần hé nở trên ngọn cờ không bay đôi mắt nàng không khép bàn tay nàng không thưa lọn tóc nàng đêm tối khư khư ôm tình dài
ngực tôi đầy nắng lửa hãy nói về cuộc đời tôi còn gì để sống hãy nói về cuộc đời khi tôi không còn nữa sẽ mang được những gì về bên kia thế giới thụy ơi và thụy ơi
tôi làm ma không đầu tôi làm ma không bụng tôi chỉ còn đôi chân hay chỉ còn đôi tay sờ soạng tìm thi thể quờ quạng tìm trái tim lẫn tan cùng vỏ đạn dính văng cùng mảnh bom thụy ơi và thụy ơi đừng bao giờ em hỏi vì sao mình yêu nhau vì sao môi anh nóng vì sao tay anh lạnh vì sao thân anh rung vì sao chân không vững vì sao anh van em hãy cho anh được thở bằng ngực em rũ buồn hãy cho anh được ôm em, ngang bằng sự chết
tình yêu như ngọn dao anh đâm mình, lút cán thụy ơi và thụy ơi
không còn gì có nghĩa ngoài tình anh tình em đã ướt đầm thân thể
“Anh còn nợ em” là một trong những sáng tác cuối cùng của nhạc sỹ Anh Bằng. Bản này lần đầu tiên được giới thiệu ở hải ngoại vài năm trước và đã tạo ra một tiếng vang lớn. Sau đó hầu hết các ca sỹ theo đuổi dòng nhạc xưa đều ít nhất một lần thử giọng và giới thiệu “Anh còn nợ em” đến với rộng rãi công chúng yêu nhạc. Thế nhưng không phải người yêu nhạc nào cũng biết đằng sau giai điệu mượt mà là một bài thơ rất mộc mạc và giàu cảm xúc của cố thi sỹ Phạm Thành Tài, một nhà thơ xứ Trầm Hương (Khánh Hòa – Phú Yên). [dongnhacxua.com] xin mạn phép đăng lại bài viết của nhà thơ Mai Quang để quý vị xa gần có thêm tư liệu.
Phạm Thành Tài (1932-1997), quê hương ông, Quận Ninh Hòa thuộc miền Trung Việt, thùy dương cát trắng, xứ Trầm Hương (tỉnh Khánh Hòa). Ông từng là giảng sư đại học tại Đalat. Định cư tại Hoa kỳ 1991. Tốt nghiệp Bác sĩ Đông y/Hoa kỳ OMD 1995. Làm thơ viết văn từ 1955. Ngoài các tác phẩm Y học, về Văn học, ông đã để lại 3 tác phẩm: Tình Yêu Em Còn Đó (Thơ); Hương Gây Mùi Nhớ (Thơ); Hoa Đào Năm Ngoái (Tập truyện). Ông mất tại Nam California ngày 06 tháng 7 năm 1997.
Như tác giả minh định ở trang trong thi tập, đây là: Tập Thơ Tình. Tình yêu đôi lứa. Tình yêu quê hương. Rải rác có những bài thơ, cảnh vật bên ngoài được phóng rọi (hay qui chiếu?) cảnh lứa đôi (nhân cách hóa) quấn quít dĩ định bên nhau. Ở đó là dòng sông khuya, là cung thuyền, là tiếng khua của nhịp chèo. Là biển, sóng, cánh buồm. Là linh khí Đất Trời – Núi Sông nuôi lớn Giọt Tình.
Người viết đang có trên tay tập Tình Em Còn Đó (một trong hai ấn bản hiếm hoi do gia đình còn lưu giữ, quí tặng). Nhân đây cũng xin phép được gởi lời cám ơn bà quả phụ Phạm Thành Tài (nhũ danh Lê Bảo Chánh) và bà Thúy Liễu (em họ của nhà thơ), đã giúp cho người viết có được một số tư liệu liên quan. Đọc thơ Ông, có vài cảm nhận, nhận xét sau:
-Thi Tập tập trung những bài thơ cực ngắn, 4 câu là đa phần. Mỗi câu cũng thường cũng cực ngắn, 4 chữ, 5 chữ:
Biển giận ai, sóng dữ Sóng hờn ai, nước đầy Gió về ru mộng cũ Chiều nay em ngủ say. (Giận Hờn/T.E.C.Đ tr.13)
Và v.v…
Đa số bài thơ trong tập ngắn gọn và cô đọng như vậy. Người viết có cảm giác, ông rất sở trường về lối thơ dùng ít câu, ít chữ để chuyên chở cảm hứng của mình. Từng cái dấu phẩy (,) dấu chấm (.) ( như những ký âm lặng)… đều đóng một vai trò trong diễn dạt, biểu cảm. Ông rất khéo gói chữ, nêm ý, neo vần một cách tự nhiên (không đẽo gọt). Đó là những câu, những chữ, những dấu đã được cô, chắt tinh tuyền. Bút pháp này gợi lên sự liên tưởng đến nội lực, nội tâm, phong thái và cá tánh của tác giả lúc sinh thời.
– Thể hiện tự nhiên và tài tình trong tổng hợp những mặt chừng như là mâu thuẫn nhau:
.Phóng túng/Chừng mực (hòa lẫn):
Hai đứa bên nhau trong rừng vắng Gió lá rì rào vây quanh… Anh nhặt giùm em bên suối vắng Những sợi thông vàng vương tóc xanh… … Em ơi, cho dẫu tình cách mặt Chớ có trông hình để bóng xa
Giữa thư yêu, anh tặng em kỷ vật Một sợi thông vàng vương tóc xanh!… (Kỷ Vật/T.E.C.Đ.tr.75)
.Cổ kính/ Cách tân (dung hợp):
Mai bỏ anh em về. Sao Hoa thôi nở. Và áo nữa Thôi bay. Nắng thôi đỏ… Lửa Tàn thôi cháy bước xôn xao. (Em Bỏ Anh/T.E.C.Đ. tr.55)
Vẫn một mình một mình thôi. Em chỉ Một cánh hoa cô đơn. Một cánh chim Lìa tổ. Một con đường trăng soi. Bóng lẻ Một mình mình thôi. Anh hiểu em… (Anh Hiểu/T.E.C.Đ tr.57)
Em về rồi anh đợi Hẳn em đâu quên chờ Xin tóc em một sợi Thay mây trời, se tơ… (Xin Em Sợi Tóc//T.E.C.Đ.tr.42)
Và v.v…
-Tuyệt đại đa số những bài thơ trong thi tập, đều có 2 từ “anh” và “em” (Nam và Nữ):
Chiều nay mây mơ mộng Trôi về phía biển xa Ước gì anh là sóng Soi em mấy biển xa… (Mây/T.E.C.Đ. trang 12)
Còn nhiều, nhiều nữa như vậy!
-Tình Yêu đôi lứa, hình như đâu dâu cũng thấm đẫm và sung mãn trong thơ ông. Ông đã phóng chiếu Tình Yêu ra vạn vật, ra ngoại cảnh, nhân cách hóa như đôi Nam –Nữ đang âu yếm, quấn quít nhau (một ràng buộc dĩ định?) Ví dụ đơn cử ở đây, cảnh Tháp Bà (Ponagar), soi bóng trên dòng Sông Cái, có Cầu Bóng nối qua đôi bờ. Đó là nơi có lẽ đã bao lần ông qua lại, trên quê hương “thùy dương cát trắng” thân thương của mình:
Anh là Tháp, anh nhìn em ngủ Em là sông, em nằm gối chân anh Gió Tháp, sông trôi đôi bờ thủ thỉ Em là Sông Cái, anh Tháp Chàm…
Cầu Bóng đón em- Cánh tay anh đó Sóng eo thon- vòng nối dôi bờ Kìa nụ hôn anh hay mặt trời chói đỏ Nụ hôn thật dài trên dòng chảy như mơ… (Phát Cảnh/T.E.C.Đ. tr.96).
Phần Kết:
Trích lời Tựa của nhà văn Sơn Nam, mượn làm phần kết: … “Người khó tánh có thể yên tâm: Tình yêu lứa đôi trong “Tình Em Còn Đó” đã chan hòa hữu cơ trong tình đất nước, quê hương. Phải chăng đó là tâm sự lớn của một nhà thơ đầy sinh lực….”
Người viết mong được bạn đọc lưu tâm, đón nhận phần Giới thiệu này. Thơ Phạm Thành Tài sẽ góp vài nét đan thanh vào nền thi ca Việt chăng? Mong thay!
Anh Bằng là một trong số không nhiều những nhạc sỹ thành danh trước 1975 và tiếp tục có những sáng tác đi vào lòng người sau 1975. Trong khí trời lành lạnh của một ngày chớm đông, [dongnhacxua.com] xin trân trọng giới thiệu bản “Người tình mùa đông” mà nhạc sỹ Anh Bằng đã đặt lời theo một bản nhạc nổi tiếng của Nhật.
Chúng tôi còn nhớ trong chương trình Tiếng Hát Truyền Hình được đài truyền hình TPHCM tổ chức vào năm 1991, Như Quỳnh khi ấy chỉ là một ca sỹ mới 21 tuổi đã đoạt giải đặc biệt với số điểm tuyệt đối từ tất cả các vị giám khảo. Đây là kỳ tích mà cho đến nay chưa một ca sỹ nào vượt qua được trong lịch sử hơn 20 năm của cuộc thi âm nhạc này.
Sang Mỹ định cư năm 1993. Năm 1994, Như Quỳnh được trung tâm Asia của cố nhạc sỹ Anh Bằng mời tham gia và bản “Người tình mùa đông” có lẽ lần đầu tiên đưa tên tuổi Như Quỳnh đến gần với công chúng khắp nơi trên thế giới.
Đây là đoạn clip ca sỹ Như Quỳnh trình diễn trong chương trình Giáng Sinh Đặt Biệt do trung tâm Asia tổ chức cuối năm 1994.
Mỗi mùa đông về, trong không khí giá rét với những cơn mưa phùn lâm thâm, bài hát do Như Quỳnh thể hiện lại đem đến cho người nghe những hoài niệm xa xăm.
Mùa đông đến mang theo cái rét tái tê, cắt da cắt thịt và những cơn gió xao xác thổi. Bầu trời lạnh lẽo, nặng màu chì và những cơn mưa lâm thâm buồn bã. Tất cả khiến người ta co mình lại, chìm sâu vào những hoài niệm. Phụ nữ nghĩ về tuổi thanh xuân đã qua. Đàn ông nghĩ về những dáng hình cũ. Chẳng phải ngẫu nhiên mà người ta gọi mùa đông là mùa của nỗi nhớ.
Người tình mùa đông là ký ức của một chàng trai về một thiếu nữ trong sáng, ngây thơ, có trái tim băng giá:
“… Đường vào tim em ôi băng giá Trời mùa đông mây vẫn hay đi về Vẫn mưa, mưa rơi trên đường thầm thì Vì đâu mưa, em không đến Đường vào tim em mây giăng kín Bàn chân anh trên lối đi không thành Những đêm khuya mưa buồn một mình Có khi cho ta quên cuộc tình…”
“… Đường vào tim em bao cơn sóng Để tình anh sắp đến xuân hoa mộng Trái tim em muôn đời lạnh lùng Hỡi ơi, trái tim mùa đông…”
Chàng trai từ lâu đã phải lòng cô gái nhưng nàng lạnh lùng quá, băng giá quá và chẳng chịu mở lòng. Con gái đẹp xưa nay sinh ra dường như là để làm khổ các chàng trai. Những ai từng trải qua cái thời 17, 18 tuổi, có bài thơ tình “cứ còn hoài trong cặp, giữa giờ chơi, mang đến lại mang về”, từng lẽo đẽo đi theo một gót hồng cho đến tận cửa nhà nàng, từng đứng lạnh cóng dưới cơn mưa mùa đông ở một góc phố nào đó, chờ đợi một bóng hình đi ngang qua… sẽ đồng cảm hơn với lời ca của bài hát này.
Thiếu nữ càng trong sáng, càng “cành vàng lá ngọc”, càng “mai cốt cách, tuyết tinh thần” thì càng e thẹn, ngại ngùng. Nàng ngoảnh đầu làm ngơ trước cái nhìn nồng cháy của kẻ si tình, nói không với những lá thư xanh, vò nát trái tim chàng trai bằng thái độ lạnh lùng. Chẳng thế mà từng có chàng thi sĩ nọ cất lời than thở: “Em tập làm khổ một kẻ ngốc như anh, xây tường ngăn sông dựng rào cấm chợ. Hô gió gọi mưa bày binh thách đố, anh đơn độc một mình choáng váng lao đao!”.
Người tình mùa đông tràn đầy hoài niệm về một thời thiếu nữ kiêu sa đã một đi không trở lại, để rồi những đêm mưa phùn gió bấc, người phụ nữ lặng lẽ nhớ về tuổi trẻ, người đàn ông âm thầm mơ về mối tình đầu của mình.
“… Từng cơn mưa hắt hiu bên ngoài song thưa Lắm khi mưa làm hồn ta nhớ mãi ngày qua. Nhớ con phố xưa vẫn âm thầm đợi chờ nhau, Nhớ đôi vai ngoan em sợ trời mưa gió. Từng ngày ta vẫn đưa em về qua phố Vẫn chim cao trời mưa lũ, vẫn tiếng buồn xưa, Ôi bàn tay ai đã dắt em chiều nay?…”
Những kỷ niệm về mối tình đơn phương ngày nào lại tiếp tục ùa về. Mối tình ấy gắn liền với tiết trời đặc trưng của mùa đông miền Bắc – những cơn mưa bụi. Khác với những cơn mưa ào ạt, chợt đến chợt đi của mùa hè hay những cơn mưa tầm tã dai dẳng của mùa thu; mưa mùa đông nhỏ, rơi lất phất, gần như vô thanh, nương theo gió tựa như bay.
Những ai từng ở miền Bắc, từng ở Hà Nội vào mùa đông sẽ không bao giờ quên được kiểu mưa ấy. Hạt mưa bé như hạt bụi, chỉ đủ bám tóc, rơi êm đềm, thấm vào từng lớp áo quần mang theo cái lạnh tê tái.
Người tình mùa đông gợi nhớ về mối tình đầu của muôn năm cũ. Mùa đông của ngày xưa dường như lạnh hơn, trời xám hơn, phố vắng và lặng lẽ hơn. Những đêm đông dài, cô đơn, nằm nghe tiếng mưa dường như kéo dài bất tận. Ký ức về những lần chờ đợi, đưa đón nhau dưới làn mưa bụi mãi mãi chẳng bao giờ phai nhạt.
Mùa đông đến, cái rét càng khiến người ta khao khát được gần nhau. Vậy mà trái tim người thiếu nữ vẫn mãi không rung động. Chính cái khao khát không được thỏa nguyện ấy càng làm Người tình mùa đông trở nên ám ảnh và khó quên hơn.
Lời ca đã mơ mộng, tuyệt vời nhưng điều làm nên sức sống bền bỉ của Người tình mùa đông chính là giai điệu da diết, ám ảnh của bài hát.
Người tình mùa đông khởi nguồn từ một bài hát tiếng Nhật nổi tiếng là Rouge (Son môi hồng) do nghệ sĩ Miyuki Nakajima sáng tác và thu âm năm 1986. Rouge là một tình khúc buồn nói về tâm trạng cô đơn, chán chường của thiếu nữ từ miền quê lên kiếm sống nơi phồn hoa đô hội. Cô dần đánh mất sự ngây thơ, trở nên khôn khéo hơn trong lời ăn tiếng nói, luôn giữ vẻ mặt tươi cười. Nhưng đêm về, khi đối diện với chính mình, cô vẫn thường khóc thầm. Trong trái tim cô vẫn âm ỉ nỗi nhớ về một bóng hình cũ không bao giờ gặp lại.
Ca khúc đã nhiều lần được chuyển lời sang ngôn ngữ khác. Nổi tiếng nhất phải kể đến phiên bản tiếng Hoa có tên Fragile Woman (Người phụ nữ dễ bị tổn thương) do nữ hoàng nhạc nhẹ Vương Phi thể hiện. Ca khúc là tâm trạng đầy yếu đuối, bất an của người phụ nữ đang cầu xin người đàn ông hãy ở lại, đừng bỏ rơi cô. Fragile Woman đánh dấu sự thay đổi trong phong cách âm nhạc của Vương Phi và càng củng cố vị trí hàng đầu của diva tại thị trường âm nhạc Hong Kong.
Phiên bản tiếng Anh của bài hát có tên là That is Love do nhóm nhạc Tokyo Square thể hiện. Đây là lời thủ thỉ tâm tình của chàng trai đang thuyết phục người yêu hãy tin vào tương lai hạnh phúc của hai người. That is Love rất nổi tiếng ở châu Á và thường được liệt vào danh sách “Những tình khúc sống mãi với thời gian”.
Bài hát sau đó được viết lại lời Việt với tên gọi Người tình mùa đông, gắn với tiếng hát của ca sĩ Như Quỳnh.
Người tình mùa đông lần đầu tiên ra mắt khán giả cách đây gần 20 năm. Khoảng thời gian đó đủ để khiến một cô bé tuổi ô mai ngày nào trở thành thiếu phụ. Một ngày mùa đông âm thầm nào đó, bất ngờ ca khúc ấy lại vang lên khiến người đàn bà nhớ lại thời con gái kiêu sa của mình và bất giác mỉm cười. Ca khúc ấy cũng là sự nhắc nhở cho những người đàn ông về một thời tuổi trẻ trong trẻo và lãng mạn.
Nhiều mùa đông đã trôi qua nhưng Người tình mùa đông vẫn luôn luôn trở lại và được khán giả đón nhận như một tình khúc bất hủ, vượt thời gian.
Như một lời chia tay nhạc sỹ Anh Bằng về nơi an nghỉ cuối cùng, hôm nay một người yêu nhạc đã gởi cho chúng tôi bản “Mai tôi đi” mà Anh Bằng lấy ý từ bài “Paris” của thi sỹ Nguyên Sa. Mạn phép thay mặt nhiều thế hệ yêu nhạc, [dongnhacxua.com] cầu chúc linh hồn ông sớm về nghỉ ngơi chốn hạnh phúc đời đời. Cũng xin nói thêm, hm nay cũng là đúng một tuần xảy ra vụ thảm sát ở Paris, chúng tôi cũng cầu nguyện cho linh hồn hơn 100 nạn nhân cũng mau vui hưởng hạnh phúc ở nới “tràn đầy ánh sáng” và mong “Kinh Đô Ánh Sáng” Paris sẽ sớm vượt qua nỗi đau để lại trở về với hình ảnh thơ mộng thuở nào!
Nhà thơ Nguyên Sa sinh ngày 1 tháng 3 năm 1932, tên thật là Trần Bích Lan, còn có bút danh Hư Trúc. Ông là một nhà thơ lãng mạn Việt Nam nổi tiếng từ thập niên 1950, với những tác phẩm nổi danh như Áo lụa Hà Đông, Paris có gì lạ không em, Tuổi mười ba, Tháng Sáu trời mưa, v.v
Tổ tiên Nguyên Sa gốc ở Thuận Hóa (Huế), ông cố ông là Thượng thư Trần Trạm, giữ chức Hiệp tá Đại học sĩ trong triều đình thời Tự Đức, đến đời ông nội mới ra Hà Nội.
Sau khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ, gia đình ông tản cư đi Hà Đông. Tại đây, ông bị Việt Minh bắt giam khi mới 15 tuổi. Hồi cư về Hà Nội, gia đình cho ông qua Pháp du học vào năm 1949.
Năm 1953, ông đậu tú tài Pháp, lên Paris ghi danh học triết tại Đại học Sorbonne. Nhiều bài thơ nổi tiếng của ông được sáng tác trong thời gian này.
Năm 1955, ông lập gia đình với bà Trịnh Thúy Nga ở Paris. Đầu năm 1956, hai ông bà về nước.
Năm 1975, ông di tản đi Pháp. Ba năm sau, ông và gia đình qua Hoa Kỳ và ở California từ đó cho tới ngày qua đời.
Ông mất ngày 18 tháng 4 năm 1998.
Các tập thơ: Thơ Nguyên Sa tập 1 Thơ Nguyên Sa tập 2 Thơ Nguyên Sa tập 3 Thơ Nguyên Sa tập 4 Thơ Nguyên Sa toàn tập
Mai tôi ra đi chắc trời mưa Tôi chắc trời mưa mau Mưa thì mưa chắc tôi không bước vội Nhưng chậm thế nào cũng phải xa nhau…
Mai tôi đi chắc Paris sẽ buồn Paris sẽ nhìn theo Nhưng nhìn thì nhìn đời trăm nghìn góc phố Con đường dài thẳng mãi có bao nhiêu
Mai tôi đi dù hôm nay đang vào thu Giòng sông Seine đang mặc áo sương mù Đang nhìn tôi mà khoe nước biếc Khoe lá vàng lộng lẫy lối đi xưa
Dù hôm nay giữa một ngày tháng bảy Chiếc tháp ngà đang ướt rũ mưa ngâu Sông Seine về chân đang bước xô nhau Sẽ vịn ai cho đều giòng nước chảy
Dù mai kia trong một đêm quá khuya hay một ngày sớm dậy trên một con đò, bên một góc phố, dưới một luỹ tre tôi sẽ ngồi kể chuyện nắng chuyện mưa và có lẽ tôi sẽ kể chuyện Paris để khói thuốc xám trên môi dăm người bạn và trên môi tôi điếu thuốc sẽ run trên những đường cong lận đận điếu thuốc sẽ run như chân người vũ nữ vừa quen đôi chân người mà tôi không dám nhớ cũng không dám quên còn quay đảo giữa điệu nhạc mềm như khói thuốc…
Tôi sẽ hỏi trong những chiều giá buốt những chiều mưa mây xám nặng trên vai người con gái mắt xanh màu da trời trên áng mi dài có quanh co tuyết phủ?
Rồi cả người cả Paris nhìn tôi qua một nụ cười nhắn nhủ nụ cười mềm như ánh nắng của cuộc chia ly của một buổi sáng mai khi những người phu đổ rác bắt đầu đi những thùng rác bắt đầu cọ vào nhau với những tiếng kêu của một loài sắt lạnh như những tiếng kêu của những chiếc đinh khô, những mình búa rắn của những đôi mắt nhìn theo và tôi cũng nhìn theo không biết người ta vừa khâm liêm mình hay khâm liệm một người yêu
Dù người yêu không phải là người con gái có mớ tóc vàng
Nhưng cũng sợ phải viết những lá thư xanh về xứ Đũa son nên tôi không dám hỏi: tại sao mắt em buồn tại sao má em đỏ tại sao môi em ngoan vì những ngón tay tô đỏ màu đũa son đang muốn gắp cả đời người hạnh phúc
Và cả tôi cũng vẫn nghẹn ngào trong mỗi lần nói thật mỗi lần nghe Paris hỏi tôi: tại sao anh về tại sao anh không ở?…
Nhưng dòng máu không thể chảy ngoài huyết quản dù tôi yêu Paris hơn một người bạn yêu một người bạn hơn một người yêu yêu một người yêu
Dù đêm nay tôi vẫn làm thơ dặn những người con gái nhỏ đi về trên hè phố Saint Michel gò má đỏ phồng bánh graffen để những hạt đường rơi trên má lau vội làm gì cho có duyên
Dù đêm nay những người yêu nhỏ vẫn đi về vẫn đôi mắt nhìn lơi lả hở khuy cặp môi nghiêng trong một cánh tay ghì mỗi chuyến métro qua vồi vội giòng Seine cười ngoảnh mặt quay đi
Dù đêm nay tháp Eiffel Vẫn kiễng mình trong sương khuya nhìn bốn phía chân trời
Và đôi mắt tôi Vẫn tìm đến trong một giờ hò hẹn
Và từ mai trên những lá thư xanh tôi không được bắt dầu bằng một chữ P hoa như tên một người con gái…
Sáng thứ sáu ngày 13.11.2015 (giờ Việt Nam), người yêu nhạc lại chứng kiến thêm một sự ra đi mãi mãi của một trong những cây đại thụ lớn nhất của nền tân nhạc Việt: nhạc sỹ Anh Bằng. [dongnhacxua.com] xin chia buồn cùng gia quyến và cầu mong linh hồn ông mau về miền cực lạc.