Cánh thiệp đầu xuân (Minh Kỳ – Lê Dinh)

Một trong những nét văn hóa đặc trưng ngày Tết của Việt Nam là chúng ta gởi những cánh thiệp cho nhau. Những tờ thiệp có khi được in rất đẹp nhưng nhiều lúc chỉ là vài nét chữ đơn sơ mộc mạc nhưng được chúng ta trao gởi cho người thân yêu trong giờ phút linh thiêng lại mang một ý nghĩa tinh thần khó diễn tả. Nhân dịp ngày đầu Xuân Kỷ Hợi 2019, Dòng Nhạc Xưa xin giới thiệu nhạc phẩm ‘Cánh thiệp đầu xuân’ của hai nhạc sỹ Minh Kỳ & Lê Dinh.

Thiệp xuân kỷ niệm

(Nguồn: bài viết của tác giả Phan Thị Vinh đăng trên chungmotmaitruong.blogspot.com ngày 2014-01-24)

Mùa xuân luôn đem lại sự vui vẻ, hạnh phúc cho tất cả loài người,mùa xuân với sắc trời trong xanh, lung linh những áng mây trời bâng khuâng mơ mộng. Mùa xuân còn là những hy vọng thần tiên của đôi lứa yêu nhau thủa học trò thấm đẫm niềm thương nỗi nhớ.Mùa xuân tô điểm cho môi thêm hồng và mắt nâu vàng chan chứa của những “ nàng” học trò bước vào tuổi biết yêu nhận được tấm thiệp chúc tết từ một “chàng” chung lớp hoặc chung trường, thậm chí của bất kỳ một trang “ nam nhân mặc khách ” nào đó gửi tới!

Đọc tiếp

Nỗi Buồn Hoa Phượng (Thanh Sơn – Lê Dinh)

Trong dòng nhạc xưa về tuổi học trò, ca khúc để lại ấn tượng sâu đậm nhất có lẽ là bản “Nỗi buồn hoa phượng” của nhạc sỹ Thanh Sơn & Lê Dinh. Với giai điệu mượt mà và ca từ lãng mạn, “Nỗi buồn hoa phượng” đã làm lay động hàng triệu con tim tuổi hoa niên qua nhiều thế hệ. Hôm nay , nhân dịp một mùa hè sắp về, Dòng Nhạc Xưa trân trọng giới thiệu nhạc phẩm bất hủ này.

Cũng xin mạn phép nói thêm, hầu hết chúng ta biết tác giả của bài nhạc này là nhạc sỹ Thanh Sơn. Tuy nhiên trong tờ nhạc xuất bản trước năm 1975, nhạc sỹ Thanh Sơn lại ghi thêm tên nhạc sỹ Lê Dinh vào phần tác giả. Chúng tôi không có đủ tư liệu để biết được nhạc sỹ Lê Dinh đã đóng góp như thế nào vào “nỗi buồn man mác” . Mong quý vị xa gần có cao kiến xin cung cấp thông tin cho Dòng Nhạc Xưa

Nỗi buồn hoa phượng (Thanh Sơn - Lê Dinh). Ảnh: HopAmViet.com
Nỗi buồn hoa phượng (Thanh Sơn – Lê Dinh). Ảnh: HopAmViet.com
noi-buon-hoa-phuong--1--thanh-son--hopamviet.com--dongnhacxua.com
noi-buon-hoa-phuong--2--thanh-son--hopamviet.com--dongnhacxua.com
noi-buon-hoa-phuong--3--thanh-son--hopamviet.com--dongnhacxua.com

NỖI BUỒN MANG TÊN “HOA PHƯỢNG”
(Nguồn: bài viết của nhà báo Hà Đình Nguyên đăng trên Thanh Niên ngày 30.06.2011)

“Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn. Chín mươi ngày qua chứa chan tình thương. Ngày mai xa cách hai đứa hai nơi, phút gần gũi nhau mất rồi, tạ từ là hết người ơi…”, những ca từ này đã trở nên quen thuộc với rất nhiều người.

Vâng, quen lắm! Bởi tiếng hát Thanh Tuyền đã song hành cùng với ca khúc Nỗi buồn hoa phượng suốt gần nửa thế kỷ. Đây là một trong rất nhiều ca khúc của nhạc sĩ Thanh Sơn viết về đề tài tuổi học trò. Nhạc sĩ đã từng tâm sự với người viết: “Thời niên thiếu, nhà tôi nghèo lại đông con nên tôi phải bỏ học giữa chừng để mưu sinh. Phải bỏ học, tôi tiếc lắm, cho nên quãng đời rất đẹp của tuổi học trò cứ lưu trong ký ức của tôi với những kỷ niệm xao xuyến. Tôi trang trải những kỷ niệm ấy vào ca khúc…”. Thế nên, ai cũng ngỡ rằng Nỗi buồn hoa phượng cũng chỉ là một ca khúc nằm trong mảng đề tài này và chẳng có gì đặc biệt…

Nhạc sĩ nhớ lại: Năm 1951, cậu học trò Lê Văn Thiện (tên thật của nhạc sĩ Thanh Sơn) học trường Trung học Hoàng Diệu (Sóc Trăng) đã “hết sức quan tâm” đến cô bạn cùng lớp. Cô ấy khá nhí nhảnh, dễ thương, có cái tên ngồ ngộ: Nguyễn Thị Hoa Phượng. Vì thế các thầy cô và bạn bè trong trường không bao giờ gọi tên cô “gọn lỏn” bằng một chữ “Phượng”, mà lúc nào cũng là “Hoa Phượng” một cách vừa thân thương vừa trân trọng. Hoa Phượng là con của một gia đình công chức từ Sài Gòn về làm việc tại Sóc Trăng.

Nhạc sĩ Thanh Sơn hồi tưởng: “Hai đứa học chung được hơn một năm (hai niên khóa), tình cảm đang dần trở nên thắm thiết thì bất ngờ mùa hè năm sau Hoa Phượng cho biết gia đình cô đã được điều chuyển về lại Sài Gòn. Trước ngày chia tay, Hoa Phượng có tìm gặp tôi nơi sân trường để nói lời từ biệt. Hai đứa buồn xo, chẳng nói gì nhiều, chỉ lặng nhìn nhau… Khi tôi hỏi xin địa chỉ để sau này liên lạc thì nàng cúi xuống nhặt một cánh phượng trao cho tôi, nói: “Em tên là Hoa Phượng, mỗi năm đến hè nhìn hoa phượng nở thì hãy nhớ đến em…”. Từ đó chúng tôi bặt tin nhau!

NS Thanh Sơn và vợ ông Lê Thị Hương lúc trẻ. Ảnh: ThanhNien.com.vn
NS Thanh Sơn và vợ ông Lê Thị Hương lúc trẻ. Ảnh: ThanhNien.com.vn

Ba năm sau (1955), Lê Văn Thiện phải bỏ học giữa chừng để chen chân vào cuộc mưu sinh. Anh quyết định lên Sài Gòn, trước là tìm kiếm việc làm, sau nữa nhen nhóm cơ hội tìm lại “người xưa”. Phiêu dạt giữa chốn phồn hoa đô hội, với không ít bầm dập, tủi hờn nhưng rồi nhờ tính tình hiền lành, siêng năng, anh thanh niên tên Thiện cũng may mắn lọt vô cánh cổng của một nhà trọc phú, dù chỉ làm gia nhân với mức lương khá hậu hĩnh so với thời giá lúc đó: 150 đồng/tháng. Mê nhạc, lại được lòng ông chủ cho nên anh được phép tranh thủ những giờ rảnh để theo học lớp nhạc của nhạc sĩ Lê Thương.

Dạo ấy, mỗi năm Đài phát thanh Sài Gòn đều có tổ chức cuộc thi “Tuyển lựa ca sĩ”, điều đó đã nhen nhóm vào lòng chàng trai “ở đợ” một khát vọng đổi đời. Năm 1959, Lê Văn Thiện “liều mạng” đăng ký dự thi tuyển lựa ca sĩ với nghệ danh Thanh Sơn qua bài hát “Chiều tàn” của Lam Phương. Đến bây giờ anh vẫn còn nhớ từng thành viên giám khảo, đó là những nhạc sĩ Dương Thiệu Tước, Võ Đức Thu, Nghiêm Phú Phi. Ngồi ghế chánh chủ khảo là nhạc sĩ Thẩm Oánh. Cái sự “liều mạng” đã được sao hộ mệnh chiếu mạng: thí sinh Thanh Sơn đoạt giải nhất! Phần thưởng là chiếc máy radio và cây đàn guitar. So với phần thưởng của các giải âm nhạc bây giờ thì quá “hẻo”, nhưng chừng đó cũng đủ đưa Thanh Sơn lên tận… núi xanh! Quan trọng hơn, giải thưởng này chính là đòn bẩy đưa anh vào thế giới ca nhạc. Anh từ giã “nghề” gia nhân để đến với “Ông hoàng Tango” (tức nhạc sĩ Hoàng Trọng). Chính xác là giờ đây ca sĩ Thanh Sơn đã được ban nhạc Tiếng Tơ Đồng của nhạc sĩ Hoàng Trọng mời về cộng tác. Không chỉ có thế, giọng hát của anh còn được nhiều nơi chào mời (bây giờ gọi là “chạy sô”)…

Thời gian này Thanh Sơn bắt đầu tập tành sáng tác. Ca khúc đầu tay của anh là bài Tình học sinh (1962), nhưng bài hát này chẳng tạo được chút dư âm. Thế rồi một buổi trưa đi ngang qua một ngôi trường đang mùa phượng nở, những kỷ niệm của thuở học trò có thấp thoáng bóng dáng của Nguyễn Thị Hoa Phượng ùa về… và ca khúc Nỗi buồn hoa phượng ra đời năm 1963. Nhạc sĩ tâm sự: “Tôi tìm thấy cảm xúc bởi sắc màu đỏ thắm của hoa phượng mỗi khi hè về. Bài hát này tôi viết về một cuộc tình học trò rất đẹp. Lời chia tay của cô bạn gái cùng trường đã khiến tôi xao xuyến, bâng khuâng. Màu hoa phượng như những giọt máu đỏ tươi minh chứng một cuộc tình chung thủy… Bài hát lập tức được chấp nhận và mọi người yêu thích, làm động lực cho tôi chuyên tâm vào sáng tác. Có thể nói đó là “thời hoàng kim” của tôi, bởi tiền tác quyền lúc đó tôi nhận khoảng 6.000 đồng mỗi tháng. Nó không chỉ giúp gia đình tôi vượt qua nghèo khó mà sau đó tôi còn mua được nhà, xe, cưới vợ… Nói một cách nào đó, “hoa phượng” là ân nhân của gia đình tôi”.

Khi Nỗi buồn hoa phượng được tiếng hát cao vút của nữ ca sĩ Thanh Tuyền tải lên sóng phát thanh, ngay lập tức nó tạo được hiệu ứng, đi đâu cũng nghe người ta hát… Từ đó, Thanh Sơn bỏ hẳn nghiệp ca hát để chuyên tâm sáng tác. Từ thành công của Nỗi buồn hoa phượng, có “đà” ông sáng tác một loạt ca khúc cũng lấy đề tài từ mảng tình cảm học trò: Ba tháng tạ từ, Lưu bút ngày xanh, Hạ buồn, Thương ca mùa hạ, …

Hà Đình Nguyên

Chung quanh nhạc phẩm Buồn của Y Vân (Lê Dinh)

(Nhân nói về nhạc phẩm “Buồn“, [dongnhacxua.com] xin trích đăng lại một bài viết của nhạc sỹ Lê Dinh đăng trên tờ Nguyệt San Nghệ Thuật số 152/11-2006 do ông chủ biên)

Nhạc sỹ Lê Dinh. Ảnh: CongDongHoaLan.com
Nhạc sỹ Lê Dinh. Ảnh: CongDongHoaLan.com

Nhà thơ Lê Phụng Thiên có gửi đến Nghệ Thuật một lá thư cho biết nhạc phẩm «Buồn» của Y Vân là do Y Vân phổ bài thơ có tựa là «Buồn như» trong Tuyển tập thơ «Sầu ở lại» của nhà thơ Tạ Ký. Nhạc phẩm «Buồn» của cố nhạc sĩ Y Vân do tác giả viết năm 1980. (Xem thủ bút ca khúc Buồn của Y Vân kèm theo). Trong bản chép tay này, Y Vân không có ghi phổ từ bài thơ «Buồn như» của Tạ Ký hay «Ýù thơ của Tạ Ký».

Trong phạm vi sáng tác ca khúc, nếu chúng ta lấy nguyên văn – hoặc gần như nguyên văn một bài thơ nào đó – chúng ta ghi «Phổ từ bài thơ nào của nhà thơ nào» hoặc nếu ta chỉ lấy ý thơ thôi mà không lấy nguyên văn bài thơ, thì chúng ta ghi «Ý thơ của…»

Trong suốt 32 trường canh của ca khúc «Buồn» với 86 chữ của phần lời, chúng ta thấy Y Vân có lấy nguyên văn 5 chữ «Buồn như ly rượu đầy» (Câu thứ 3 của bài thơ) để làm câu đầu của ca khúc «Buồn», và nguyên văn 5 chữ «Buồn như ly rượu cạn» và 5 chữ «Không còn rượu cho say» để làm lời ca cho từ trường canh thứ 5 đến trường canh thứ 8 (sửa chữ «cho» thành chữ «để» – «cho say» thành «để say»):

«Buồn như ly rượu đầy
Không có ai cùng cạn
Buồn như ly rượu cạn
Không còn rượu để say…»

Từ trường canh thứ 9 đến trường canh thứ 16, lời không giống bài thơ, chỉ có ý là có hơi hám của bài thơ:

«Buồn như trong một ngày
Hai đứa không gặp mặt
Buồn như khi gặp mặt
Không còn chuyện để vui».

Riêng đoạn giữa, từ trường canh thứ 17 đến trường canh 24 với lời ca:

«Đôi ta như bước lên đỉnh sầu
Vì đời lên cao ngất thương đau
Bao lâu ân ái chưa được nhiều
Toàn là cay đắng giết thương yêu»

thì không hoàn toàn dính dáng gì đến bài «Buồn như».

Và 4 trường canh chót với lời ca:

«Tình đôi ta thật buồn
Như lứa hoa nở muộn
Tình yêu không trọn vẹn
Buồn mỗi ngày buồn hơn»

thì cũng hoàn toàn khác hẳn với bài thơ.

Về ca khúc «Buồn» của nhạc sĩ quá cố Y Vân, nếu tác giả cẩn thận ghi thêm «Ý thơ của Tạ Ký» thì là một điều phải và đúng thì không có gì để nói. Theo tôi, có nhiều nhạc sĩ sáng tác, tình cờ đọc đâu đó một bài thơ có ý lạ, giữ trong đầu ý hay và lạ đó để rồi sáng tác một ca khúc dựa vào ý thơ đã thoáng qua trong đầu nhờ nội dung bài thơ đã đọc mà chắc chắn rằng họ không còn nhớ nguyên văn bài thơ, cùng tên bài thơ và cả tên tác giả. Ca khúc «Buồn» của Y Vân nằm trong trường hợp này và sự việc tương tự đã xảy ra không ít trong giới sáng tác ca khúc. Ngoài ra, chúng ta cũng nên biết rằng Y Vân là một nhạc sĩ có tài, sáng tác rất nhanh, bàn luận với anh tối hôm trước về một đề tài nào đó, sáng hôm sau Y Vân có ngay một sáng tác mới để trình làng và rất hay. Đó là trường hợp của những bài như «Anh về thủ đô», «Người bạn 10 năm qua». «Hát lên nào» v.v… Hoàn thành xong một ca khúc với cả phần nhạc và lời trong vài chục phút, ghi vội lên góc giấy tên tác giả để kịp đưa cho ca sĩ thu thanh, đó là Y Vân và bởi vậy chuyện «khiếm xác» thế nào cũng dễ dàng xảy ra.

Dưới đây là bài thơ «Buồn như» của Tạ Ký

Buồn như ly rượu cạn,
Không còn rượu cho say
Buồn như ly rượu đầy,
Không còn một người bạn.

Buồn như đêm khuya vắng,
Qua cửa sổ trông trăng.
Buồn như em nói rằng:
Nhớ anh từng đêm trăng.

Buồn như yêu không được,
Dù người yêu có thừa.
Buồn như mối tình xưa,
Chỉ còn dòng lưu-bút.

Buồn như buồn như thế,
Buồn như một kiếp người.
Đây cõi lòng quạnh-quẽ
Buồn như đóa hoa rơi. (Tặng Tôn Thất Trung Nghĩa)

[footer]