Đừng gọi anh bằng chú (Anh Thy)

Dòng Nhạc Xưa vừa nhận được phản hồi của một người yêu nhạc cho bài viết về nhạc sỹ Diên An, tác giả “Vết thương cuối cùng” mà theo đó bản “Đừng gọi anh bằng chú” không phải của Diên An – Nguyễn Văn Để mà là của nhạc sỹ Anh Thy. Tìm hiểu thêm trên internet và vài nguồn tư liệu đáng tin cậy, chúng tôi cho rằng ca khúc vui tươi “Đừng gọi anh bằng chú” đúng là của Anh Thy, một nhạc sỹ trước 1975 chuyên viết cho binh chủng Hải Quân. Qua bài viết này, chúng tôi xin chân thành cảm ơn đóng góp của bạn yêu nhạc và cũng nhân dịp này xin minh oan cho sự lầm lẫn không đáng có giữa hai nhà nhạc sỹ Diên An – Nguyễn Văn Để và Anh Thy – Phạm Văn Khổn.

Đừng gọi anh bằng chú (Anh Thy). Ảnh: t-van.net

“Đừng gọi anh bằng chú” bị cấm, em gái tác giả lên tiếng

(Nguồn: bài viết của tác giả Nguyễn Hằng đăng trên dantri.com.vn ngày 2017-04-12)

Ca khúc “Đừng gọi anh bằng chú” thường được chú thích là của nhạc sĩ Diên An nhưng trên thực tế đây lại là tác phẩm do nhạc sĩ Anh Thy sáng tác. “Gia đình chúng tôi luôn thắc mắc, vì sao ca khúc này bị cấm lưu hành?”, em gái cố nhạc sĩ Anh Thy- bà Phạm Thị Nguyệt giãi bày.

Vết thương cuối cùng (Nguyễn Văn Để – Diên An)

Dòng Nhạc Xưa cũng như rất nhiều bạn yêu nhạc bao nhiêu năm qua đã ngân nga ‘Người vừa tặng ta vết thương đau ngọt ngào …’ trong nhạc phẩm ‘Vết thương cuối cùng’. Chúng tôi cũng biết được tác giả của ca khúc này là nhạc sỹ Nguyễn Văn Để. Thế nhưng Nguyễn Văn Để là ai và ông còn những sáng tác gì không thì vẫn mãi là một câu hỏi cho đến hôm nay khi chúng tôi lang thang trên mạng và biết một thông tin thú vị: Nguyễn Văn Để là tên thật của một Nghệ Sỹ Ưu Tú, là nhà quay phim gạo cội của điện ảnh miền Nam ngày trước. Ngoài ra ông còn viết thêm khoảng hơn 10 bản khác với bút danh Diên An và Phương Kim.

ĐÔI NÉT VỀ NHẠC SỸ NGUYỄN VĂN ĐỂ – DIÊN AN – PHƯƠNG KIM
(Nguồn: Wikipedia)

Nhac sỹ Diên An – Nguyễn Văn Để. Photo: ThanhNien.com.vn

Diên An (tên thật là Nguyễn Văn Để, sinh năm 1934) là một nhạc sĩ nhạc vàng tại miền Nam Việt Nam trước ngày 30 tháng 4 năm 1975 với một loạt tác phẩm chủ đề “Người tình”. Ông còn là nhà quay phim, đạo diễn sân khấu – ca nhạc, nghệ sĩ thổi sáo và nhà thơ. Sau năm 1975, ông được phong tặng danh hiệu nghệ sĩ ưu tú cho ông.

Nguyễn Văn Để sinh ra tại Gia Hội, Huế. Thuở nhỏ, ông học trường tiểu học Saint Pierre chung với đạo diễn Lê Hoàng Hoa. Ông chuyển vào Sài Gòn kể từ sau khi thi đỗ Trường Điện ảnh Sài Gòn. Sau khi tốt nghiệp, ông về làm việc tại Trung tâm Điện ảnh Sài Gòn. Năm 1966, ông chuyển về công tác ở Đài Truyền hình Sài Gòn với vai trò là đạo diễn truyền hình và tiếp tục gắn bó với Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh sau này cho đến khi nghỉ hưu vào năm 1996. Nguyễn Văn Để từng đóng vai trò quay phim chính trong một số tác phẩm của đạo diễn Lê Hoàng Hoa như Vết thù trên lưng ngựa hoang, Người chồng bất đắc dĩ, Con ma nhà họ Hứa, Gác chuông nhà thờ, Hiệp sĩ bất đắc dĩ,…

Khi đóng vai trò người nhạc sĩ, Nguyễn Văn Để lấy nghệ danh là Diên AnPhương Kim. Tên gọi Diên An lấy cảm hứng từ địa danh Diên An thuộc tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc do ông khâm phục hình tượng “du kích quân cách mạng Trung Quốc”. Tên gọi Phương Kim được ông dùng khi kí bài hát Hãy quên nhauNgười tình. Khi viết hai bài này, ông thử đổi sang nghệ danh khác cho nữ tính và hợp chất nhạc nhưng vì chưa nghĩ ra tên gọi nào nên đã lấy tên người phụ nữ đánh máy bài hát giùm ông để làm nghệ danh.

Bàn việc sáng tác nhạc, Diên An tự nhận mình không phải là nhạc sĩ chuyên nghiệp; ông tâm sự: “Lúc đó viết là do mình thích thôi, sau không có nhiều thời gian nữa, tôi bỏ ngang…”. Trả lời phỏng vấn báo Thanh niên, Diên An bộc bạch gia tài âm nhạc của ông chỉ gồm 12 ca khúc sáng tác trước năm 1975. Các ca khúc của ông đều “viết cho một người thôi, toàn đau khổ sầu lụy”.

Hiện tại Diên An đang sống cùng gia đình tại quận Phú Nhuận, thành phố Hồ Chí Minh.

TÂM SỰ CỦA NHẠC SỸ NGUYỄN VĂN ĐỂ VỀ ‘VẾT THƯƠNG CUỐI CÙNG’
(Nguồn: Báo Công An TPHCM)

Vết thương cuối cùng cũng là sáng tác… cuối cùng của tôi trong loạt 12 tình khúc viết trước năm 1975. Vết thương cuối cùng ra đời giai đoạn 1970 – 1971, khi đó tôi công tác ở Đài Truyền hình Sài Gòn (Đài Truyền hình TPHCM ngày nay). Tôi cũng có một vài ca khúc được nhiều người biết đến, nhưng chẳng hiểu sao ‘Vết thương cuối cùng’ lại “sống” khá lâu trong lòng nhiều thế hệ suốt gần nửa thế kỷ qua, có lẽ bởi ca từ trau chuốt, giai điệu đẹp…
Tôi sáng tác ca khúc này bằng đàn guitar thùng, điệu slow rock, ca từ dựa vào 4 câu thơ do tôi sáng tác:

Em muốn sang thuyền em cứ sang
Ngại gì sóng cả nước tràng giang
Áo hồng nâng nhẹ lên rồi bước
Vội vã lên em kẻo lỡ làng. 

Ai trong đời cũng trải qua ít nhất một cuộc tình, có mối tình lãng mạn nhưng cũng không ít người đến với nhau bằng sự dối lừa. Tôi đã mượn âm nhạc làm phương tiện giãi bày về một cuộc tình – một vết thương.

Năm 1980, tại nhà một người bạn, tôi đã nghe Elvis Phương, Vũ Khanh hát Vết thương cuối cùng qua băng cassette, cũng lưu ý về vài ca từ lâu nay thường bị hát sai:

Từ đây xa rồi đôi cánh tay ma (không phải ‘mơ’ hay ‘hoa’)
Từ đây chỉ còn lại mình ta (không có từ ‘một’ trước chữ ‘mình’)
Từ vào cuộc vui (hát ‘vừa vào cuộc vui’ là không đúng).

LỜI CA KHÚC ‘VẾT THƯƠNG CUỐI CÙNG’
(Nguồn: tkaraoke.com)

Người vừa tặng ta vết thương đau ngọt ngào,
Chẳng nợ gì nhau, hãy để hồn ta bay cao.
Từ vào cuộc vui đã chớm nghe lừa dối
Che dấu trên nụ môi những lời yêu đã tả tơi.

Thà một lần đi khuất xa nhau ngàn đời,
Cho lệ này ngừng rơi, tiếng cười còn vương trên môi.
Người vội vàng lên, nhan sắc chưa tàn úa,
Mai mốt sang cuộc vui, chẳng còn mong những ngọt bùi.

Từ đây xa rồi đôi cánh tay ma,
Từ đây giã từ lời nói điêu ngoa,
Từ đây chỉ còn lại mình ta
Già thêm tuổi chia xa, tiếc cho ngày đã qua.

Đường tình vừa xa, xác thân đau rã rời,
Nhưng một lần này thôi, để rồi từ đây yên vui.
Cuộc đời buồn tênh nên lẻ loi tìm đến.
Ta cám ơn tình nhân đã dìu ta đến mộ phần.

Nguồn: Wikipedia | Báo Công An TPHCM | tkaraoke.com