Trong quá trình tìm kiếm những tư liệu hiếm hoi về nhạc sỹ Nguyễn Văn Khánh, [dongnhacxua.com] vô tình gặp được bài viết của tác giả Orchid Lâm Quỳnh, ái nữ của nhà thơ Du Tử Lê. Chúng tôi xin mạn phép đăng lại để người yêu nhạc có thêm thông tin thú vị về bà Đặng Thị Thuận, người vợ đã hy sinh rất nhiều cho sự nghiệp sáng tác của nhà nhạc sỹ mà chúng ta yêu mến!
ORCHID LÂM QUỲNH – ĐI TỪ BÌNH MINH TỚI CUỐI BUỔI CHIỀU VÀNG
(Nguồn: tác giả Orchid Lâm Quỳnh đăng trên DuTuLe.com)
Lý do mạnh mẽ nhất, thôi thúc tôi phải gặp bà cho bằng được, có lẽ vì những điều tôi nghe được từ phần đời thường lặng lẽ, ơ hờ, tưởng chừng tẻ nhạt, kéo dài trên nửa thế kỷ của bà, với tác giả “Lời Thề Xưa,” “Chiều Gặp Gỡ,” “Tâm Sự với Cây Đàn,” hay “Chiều Vàng,” “Nỗi Lòng,”…chỉ là cái phần ngoài da, che đậy chịu đựng…Ở lãnh vực này, tôi nghĩ, có phần vượt trên mức hy sinh, chịu đựng của bà Tú Xương!
Sự ơ hờ hay tẻ nhạt của một đời người, tôi nghĩ, nó cũng giống như cái biểu hiện bề mặt của hiện tại một địa danh từng một thời nổi tiếng. Cũng hệt như những du khách đến với Hà Nội hôm nay, trong cung cách “cưỡi ngựa xem hoa,” sẽ chẳng ghi nhận được gì nhiều, ngoài khu Phố Cổ, một số thắng tích đã xuống cấp như Tháp Rùa, đền Ngọc Sơn, chùa Một Cột, đê Yên Phụ, chùa Quán Sứ…
Như mẹ tôi từng bảo tôi rằng, bất cứ một đế đô, một thành phố lịch sử nào trên thế giới, đều bị bụi, rác thời gian xóa nhòa, vùi lấp mọi hào quang quá khứ. Chỉ khi nào ta lắng lòng, đào xới dĩ vãng, khi đó, ta mới có thể bắt gặp những kết tinh quý giá làm thành lịch sử nghìn năm của địa danh ấy.
Với cá nhân tôi, trường hợp bà Nguyễn Văn Khánh, nhũ danh Đặng Thị Thuận, có lẽ cũng là một điều gì tương tự…
Qua chuyện kể và nhất là qua những chi tiết tôi được nghe từ ông bà Hoàng Giác / Kim Châu, thì đằng sau cái đời thường lặng lẽ, ơ hờ, tưởng chừng tẻ nhạt của bà Nguyễn Văn Khánh / Đặng Thị Thuận, là cả một không gian dữ dội, đắng cay…tới độ tôi không dám tin có thật!
Vì thế, tôi nghĩ “trời có mắt,” khi buổi chiều, định soạn hành lý, để trưa hôm sau ra phi trường, trở về Cali, thì một nhân viên khách sạn, đưa cho tôi tờ giấy viết tay của nhạc sĩ Hoàng Giác. Ông viết:
“Cháu Quỳnh,
“Đã tìm được địa chỉ của vợ nhạc sĩ Nguyễn Văn Khánh, có người tình nguyện đưa các cháu đến gặp gia đình tại ngõ Khâm Thiên. Sáng nay sang tìm cháu không gặp.
“Vậy cháu về thì hãy sang bác để gặp người họ hàng tới trực tiếp gia đình.”
“Bác Hoàng Giác.”
Tôi và Hân, quyết định đổi vé, hoãn chuyến bay về Mỹ. Hôm sau, trời mới hừng sáng, chúng tôi đã rời khách sạn, tới nhà nhạc sĩ Hoàng Giác.
Người phụ nữ tình nguyện dẫn đường cho chúng tôi là một người trong gia tộc của cố nhạc sĩ Nguyễn Văn Khánh. Cô sốt sắng, mau mắn và nhiệt tình. Tôi thấy giống như chúng tôi được đưa đi…“tìm trầm” vậy.
Trên đường đi, nửa đùa, nửa thật, cô bảo, đường đến nhà nhạc sĩ Nguyễn Văn Khánh, “Khó không thua gì đường lên…trời. Chỉ cần không đi một thời gian, là quên ngay, lạc ngay!”
Đúng vậy! Tôi không nhớ chúng tôi được dẫn xuyên qua bao ngõ, trổ qua bao ngóc ngách dích dắt…Nhiều lần theo chân cô, rẽ vào những con ngõ rất nhỏ, chỉ vừa đủ cho một người đi. Tôi không biết người ta sẽ phải làm gì, nếu chẳng may, đang đi, có một người ngược chiều?
Dường như cảm được thắc mắc của tôi, người hướng dẫn chúng tôi trong đường “lên trời,” hỏi tôi: “Cháu có biết chúng ta đang đi trên những đoạn đường hẹp này, gọi là gì không?”
Tôi đáp:
“Không cô ạ!”
Cô bật cười, bảo:
“Ở đây, người ta gọi là cái…ngách đấy!”
Tôi cũng bật cười, bất ngờ, thích thú. Hồi nào giờ, tôi vẫn nghĩ hai chữ “ngõ ngách” chỉ là một danh từ kép. Ngôn ngữ Việt có nhiều, rất nhiều những danh từ kép, như thế. Tôi nói ra với cô, sự “vỡ nhẽ” của mình, thay cho lời cảm ơn. Cô vui lắm. Cô nhắn nhủ:
“Còn nhiều đều ở đây đáng cho con học đấy. Con phải về đây nhiều nhiều mới được.”
Tôi đáp:
“Vâng ạ,” và thấy “đường lên trời dường như đã phần nào ngắn bớt.
Cuối cùng, như một phần thưởng xứng đáng cho lòng chân thành, tha thiết của mình, chúng tôi cũng tìm ra chỗ ở đầu tiên, và sau chót của tác giả “Nỗi Lòng.”
Tôi không biết cảm giác của Hân! Riêng tôi, ngay khi vừa bước chân vào căn nhà, như một di tích của cố nhạc sĩ Nguyễn Văn Khánh, tôi đã có cái cảm giác vắng vẻ, bùi ngùi…Nó rất gần với một ca từ, trong ca khúc “Chiều Vàng” của ông:
“Giờ đây viếng thầm hồn cố nhân – Năm tháng trôi theo sóng gió đời…”
Nếu tôi hiểu không lầm thì ca khúc này, nhạc sĩ Nguyễn Văn Khánh viết gửi cho linh hồn một người yêu của ông, đã mất. (Hay ít ra thì, dù người đó vẫn còn sống, nhưng với ông, kể như đã quá cố…!)
Ngoài cụm từ “…viếng thầm hồn cố nhân,” trước đó còn có một ca từ khác của ông, cho thấy tính cách này dứt khoát hơn, rõ ràng hơn nữa, đó là câu:
“Hồn em có cùng người chứng minh…”
Thêm ca từ này, tôi nghĩ người nghe có thể khẳng định rằng “cố nhân” hay “người xưa” của ông, trong ca khúc, đã đi khỏi cuộc đời này.
Nếu suy nghĩ của tôi không sai, thì “Chiều Vàng” có lẽ là ca khúc đầu tiên (và duy nhất?) của nền tân nhạc Việt Nam, được viết cho một người tình đã chết.
Mấy chục năm sau, một người ngưỡng mộ tài hoa Nguyễn Văn Khánh, thuộc thế hệ 1,5 là tôi, đâu ngờ, khi có cơ hội tìm thăm ông; thì chính ông, tác giả, cũng đã từ lâu, qua đời! Và tôi (chứ không phải ông,) tìm đến để thầm viếng linh hồn ông (chứ không phải linh hồn cố nhân của ông!)
Tuy thế, tôi vẫn thấy tôi may mắn. Tôi hạnh phúc hơn rất nhiều người khác. Ít ra tôi vẫn có cơ hội được gặp gỡ, được nhìn tận mắt, được chạm bằng tay vào xương thịt người bạn đời của ông: Bà Đặng Thị Thuận. Bởi vì, trước sau gì, thời gian rồi cũng sẽ đem bà về bên kia thế giới, với ông. Cũng như thời gian đã đem đi khỏi cuộc đời này, khỏi chúng ta một Lưu Trọng Lư, Thế Lữ, Đinh Hùng, Vũ Hoàng Chương, Nguyễn Tuân, Văn Cao…Và, gần hơn, là một Phạm Đình Chương, Lê Thương, Mai Thảo, Nguyên Sa, Văn Phụng, Tạ Tỵ, Đỗ Ngọc Yến…
Tiếp tôi trong căn nhà, nơi ở cuối cùng của tác giả “Nghệ Sĩ với Cây Đàn,” là bà Nguyễn Văn Khánh / Đặng Thị Thuận và, anh Nguyễn Mạnh Phú, trưởng nam của ông bà. Có thể vì có chung với nhau một mẫu số, là lòng yêu mến, trân trọng tài năng người quá cố, nên dù chỉ là hàng con, cháu, lại mới gặp lần đầu, nhưng chúng tôi đã được bà Nguyễn Văn Khánh đối xử với một tinh thần cởi mở, thoải mái. Giống như thể bà, cháu chúng tôi cùng hè nhau kể “chuyện xấu” người ông thân yêu, vắng mặt.
Ở tuổi 86, vào mùa hè, Hà Nội, 2006, bà Nguyễn Văn Khánh / Đặng Thị Thuận đã tặng cho chúng tôi những nụ cười móm mém hồn nhiên; những sôi nổi, hào hứng qua giọng nói trầm, bổng phản ảnh nhịp chảy dồn dập, hay khoan nhặt của dòng suối kỷ niệm, dĩ vãng.
Tôi cũng ghi nhận được, một cách hạnh phúc xen lẫn ngậm ngùi, khi đôi mắt già nua; khi lớp da nhăn bởi mưu sinh, đã lên nước thời gian; và luôn cả những sợi tóc mai bạc thếch, phất phơ sót lại…chốc chốc lại ánh lên niềm hãnh diện, hân hoan.
Tôi cũng hạnh phúc ước ao, phải chi những giây phút, những hình ảnh bất chợt tôi ghi nhận được từ nơi bà, sẽ mãi mãi còn đó. Tôi muốn nói những lần bà lấy tay che…miệng! Cử chỉ tố cáo sự e thẹn, xấu hổ nơi bà! (Một hành động thường chỉ thấy ở những thiếu nữ mới lớn)
Đó cũng là lúc, tôi chợt thấy hàm răng đen lánh, hạt huyền còn giữ được của bà, mới đẹp làm sao!
Cử chỉ, hàm răng hạt huyền của bà Nguyễn Văn Khánh / Đăng Thị Thuận, giúp tôi hiểu rõ hơn, thấy hay hơn, mấy câu ca dao sau đây:
“Năm quan mua lấy miệng cười,
“Mười quan chẳng tiếc, tiếc người răng đen.”
Với những người của Hà Nội cũ, ở thập niên 1940, nhiều người, tới giờ còn nhớ, ở khu Khâm Thiên, có một thiếu nữ nổi tiếng về nhan sắc và, giỏi giang, nết na, tên là Đặng Thị Thuận. Khi ấy, dân số Hà Nội còn thưa thớt. Nên người con gái họ Đặng đã sớm được nhiều gia đình thế giá ngắm nghía, cầu cạnh cho con trai họ.
Phần mình, Đặng Thị Thuận lại không một chút bận tâm về đường chồng con.
Nhưng, người con gái họ Đặng, không trong lớp người này. Nàng thuộc thành phần thiếu nữ bên ngoài. Nàng cũng không màng tới những trào lưu Văn học, Nghệ thuật phương Tây, đang thay da, đổi thịt Hà Nội. Nàng chỉ chú tâm vào việc giúp cha mẹ, chăm lo gia đình.
Cho nên, đầu năm 1942, được bà dì mai mối cho nhạc sĩ Nguyễn Văn Khánh, thoạt tiên, người con gái họ Đặng đã lạnh lùng từ chối. Thậm chí, nàng cũng chẳng có cái tò mò coi mặt chàng trai đến nhà cầu hôn mình.
Bây giờ, nhớ lại, với nụ cười móm mém hân hoan, bà Nguyễn Văn Khánh / Đặng Thị Thuận kể tiếp:
“…Vì bà dứt khoát không chịu, nên bà đâu có coi mặt ông! Ấy vậy mà bà chị dâu của bà thì lại tò mò, hăng hái bảo với bà rằng:
“Mày không chịu, nhưng cứ để tao ra coi cái mặt mẹt của nó xem sao…”
Và, con biết không, chỉ ít phút sau, bà ấy chạy vào bếp, kháo với bà rằng, ‘Tao thấy mặt mũi nó được đấy, Thuận à.’ ”
Vì đã được coi ảnh nhạc sĩ Nguyễn Văn Khánh trước khi gặp bà, tôi bèn ngắt lời bà:
“Chứ không phải bà đã biết rõ từ trước, là ông đẹp trai quá trời à? Bây giờ ông mất rồi, bà nói thiệt con nghe đi!”
Người bạn đời của tác giả “Chiều Vàng,” ở tuổi 86, cười thẹn, lấy tay che miệng, chối:
“Ối dào! Bà mà nói dối cho trời chu đất diệt bà đi…”
Tôi vội ôm bà:
“Bà ơi! Con chọc bà đó mà!”
Sau đấy, khi biết cha mẹ, các anh các chị trong nhà cùng “chấm” nhạc sĩ Nguyễn Văn Khánh, người con gái họ Đặng, cuối cùng, nhận lời lên xe hoa. năm đó, bà nói:
“Bà đúng 20 tuổi!”
Cuộc hôn nhân thuở ban đầu, không được khởi đi từ một tình yêu có trước. Nhưng, không vì thế mà sau đó, người con gái họ Đặng, một thời nổi tiếng nhan sắc khu Khâm Thiên, không yêu thương chồng, trái lại…
Bà kể, những năm đầu của cuộc hôn nhân, tác giả “Nỗi Lòng” thường xuyên ở nhà. Ông tự tạo lấy cho mình một căn nhà nhỏ, như một không gian riêng, để làm việc.
Căn phòng, hay cái không gian riêng đó, của nhạc sĩ Nguyễn Văn Khánh, không xa ngôi nhà chính bao nhiêu. Nhưng nó lúp xúp, nhỏ bé như một cái hang. Nó lại được làm dưới gốc cây đa, cho nên sau này, mọi người, cũng như gia đình và, chính ông, cũng gọi một cách thân yêu là: “Cái Miếu.”
Theo lời kể của anh Nguyễn Mạnh Phú, trưởng nam cố nhạc sĩ Nguyễn Văn Khánh thì chính ở tại cái Miếu kia, nhạc phẩm đầu tay, nhan đề “Thu,” viết cho thân mẫu của anh, ra đời năm 1946. Kế tiếp, là những ca khúc như “Chiều Vàng,” rồi “Nỗi Lòng,” được thân phụ anh viết năm 1951.
Cũng thời gian này, nhạc sĩ Nguyễn Văn Khánh đã viết ca khúc “Nghệ Sĩ với Cây Đàn.” Anh Phú kể:
“Bản nhạc ấy, ông viết sau khi đi Bắc Ninh, thăm một người yêu cũ, nhưng không gặp được…”
Cũng trong cái Miếu (bây giờ vẫn còn) cố nhạc sĩ Nguyễn Văn Khánh đã sáng tác những ca khúc khác, tương đối cũng được nhiều người biết, như “Chiều Gặp Gỡ,” “Lời Thề Xưa,” hay Tâm Sự với Cây Đàn”…
Nhưng, điều mà bà Nguyễn Văn Khánh / Đặng Thị Thuận hãnh diện, hạnh phúc kể cho chúng tôi nghe là:
“Lúc ông ngồi viết nhạc trong miếu, bao giờ bà cũng là người ngồi sau, cầm quạt, quạt cho ông đấy, con ạ!”
Mặc dù, bà cũng không quên nhấn mạnh rằng, bà không biết gì về âm nhạc. Bà cũng chẳng quan tâm bao nhiêu tới các ca khúc của ông; ngoài ý thức tôn trọng chồng, tôn trọng công việc và sự nghiệp của chồng. Bên cạnh đó, bà cũng là người tần tảo, lặng lẽ tự lực nuôi ba người con bà có với ông.
Tính tới ngày 20 tháng 8 năm 1976, là ngày tác giả “Chiều Vàng” từ trần, Tôi không biết bà Nguyễn văn Khánh / Đặng Thị Thuận đã được sống bên chồng bao nhiêu năm tháng! Ngay bà khi được hỏi, bà cũng không biết. Chỉ biết, như bà kể, thì rất ít.
Bà nói, trong suốt 34 năm làm vợ tác giả “Nỗi Lòng,” trừ một thời gian ngắn, nhạc sĩ Nguyễn Văn Khánh bị tù vì trốn lính thời Pháp thuộc; tổng số thời gian ông ở nhà, chỉ khoảng một phần ba, hai phần ba của quãng đời chồng vợ này, là thời gian nhạc sĩ Nguyễn Văn Khánh rong ruổi theo những đam mê tình ái, với nhiều phụ nữ khác!
Một trong những phụ nữ khiến tác giả “Lời Thề Xưa,” quên bẵng lời…thề, bỏ nhà ra đi dài lâu nhất; đến độ đã có với người đàn bà đó, 7 người con; là người phụ nữ tên Sâm, cô là một ca sĩ. Tôi nghĩ rằng hình ảnh người đàn bà này, nhiều phần sẽ mãi ở trong ký ức chịu đựng, nhẫn nhục của bà Nguyễn Văn Khánh / Đặng Thị Thuận.
Sở dĩ tôi có cho mình cảm tưởng này, bởi vì, mùa hè năm 2006, dù đã ở tuổi 86, khi kể tôi nghe, câu chuyện về người phụ nữ có tới 7 con với chồng mình, bà Nguyễn Văn Khánh còn nhắc, từng tiếng: “…tên là Lê Thị Sâm!”
Bà cũng kể thêm rằng, ba năm trước khi chồng bà qua đời, bà Sâm đã quyết liệt xua đuổi tác giả “Nỗi Lòng!”
Không còn chọn lựa nào khác, nhạc sĩ Nguyễn Văn Khánh buộc lòng phải trở về với vợ con; cùng chứng bệnh viêm quai hàm, giai đoạn cuối.
Đó cũng là thời gian thân phụ của nhạc sĩ Nguyễn Văn Khánh năn nỉ cô con dâu cả, đem hai đứa con nhỏ bệnh tật, quặt quẹo, còn sống sót trong số 7 đứa con của kẻ “cướp chồng” mình về nuôi “làm phúc.”
Không một ai biết được bà Nguyễn Văn Khánh / Đặng Thị Thuận có thực tâm tự nguyện nuôi hai đứa con bệnh tật của “kẻ thù,” (chữ này của tôi,) lấy phước; hay chỉ vì nể lời cha chồng? Nhưng, mọi người đều công nhận, nếu không có công sức chăm sóc ngày đêm, chạy chữa, bác sĩ, thuốc men…của bà, thì hai người con của bà Sâm chắc chắn cũng đã chung số phận ngắn ngủi như 5 anh chị của họ, trước đấy.
Trước việc làm cực kỳ nhân đức, cao thượng của mình, bà Nguyễn Văn Khánh đã rất chân thành, khiêm tốn, khi nói:
“Nhiều người bảo bà…’mát’ tay nuôi con nhỏ…”
Anh Nguyễn Mạnh Phú kể thêm:
“Mẹ tôi đã cứu sống hai đứa con riêng của bố tôi và người vợ lẽ như một phép lạ!”
Riêng bà Sâm thì đã từ trần năm 1979, khoảng trên dưới 3 năm, sau cái chết của thân phụ anh.
“Bà ấy không được thấy hai đứa con còn lại của bà ấy với bố tôi, nay đã nên người…” Anh Phú kết luận một cách hân hoan và tiếc rẻ.
Tôi không thể hình dung, và cũng không thể tưởng tượng, sau chừng đó cay đắng, chịu đựng, vậy mà, mỗi lần, khi tôi cố tình chọc ghẹo bà, bằng những câu hỏi lập đi lập lại nhiều lần; đại ý như “Bà có ghen với ông không?” “Đã lần nào bà đi đánh…ghen chưa?” Hoặc, “Bà có biết bài này ông làm cho cô nào không?” Thì bao giờ bà cũng đáp, trước nhất, bằng những nụ cười móm mém hồn nhiên, nét duyên dáng xưa cũ…Và, sau đó là những lời nói ngắn gọn, dứt khoát. Thí dụ như:
“Không.”
“Chả đời nào.”
Hoặc:
“Không.”
“Chả bao giờ!”
Hay:
“Không.”
“Tôi không ghen.”
“Tôi mặc kệ.”
Bà cũng kể, có lần các chị em bên chồng rủ bà đi đánh ghen…Nhưng bà từ chối. Bà bảo:
“Ai đi thì đi. Tôi í à…tôi chả đi đâu hết!”
Trước khi chúng tôi phải chia tay, bằng một giọng thản nhiên, với đôi mắt đục nắng mưa, năm tháng, thỉnh thoảng, hướng về phía bàn thờ chồng, nơi mà sau di ảnh là bài hát “Nỗi Lòng,” do chính nhạc sĩ Nguyễn Văn Khánh kẻ nhạc, viết lời, bà tâm sự:
“Vậy đó! Con biết không, sau những năm tháng bỏ vợ, bỏ con đi biền biệt như thế, nhưng mỗi khi ông đau ốm hay bị chúng nó đuổi ra khỏi nhà, trở về với bà, bà vẫn lo cơm nước chu đáo cho ông. Mỗi khi ông ra ngoài cái Miếu viết nhạc, hay làm gì đó, chớ bao giờ bà quên mang ra cho ông một chai rượu… Bà cũng không ngừng tay quạt cho ông đâu nhé! Dù cho bà chẳng biết, và cũng chẳng bao giờ hỏi ông viết gì?…”
Bà cho tôi cảm tưởng, nội việc là: “Bà Nguyễn Văn Khánh,” chừng đó thôi, với bà, đã quá đủ!
(May 2007)
[footer]