Mùa xuân trên cao (Trầm Tử Thiêng)

Khi đất trời vào xuân, cỏ cây như khoát một chiếc áo mới và vạn vật dường như cũng có một sự biến chuyển diệu kỳ. Trước khung cảnh trời đất đang hồi vào xuân, hầu hết các nhà nhạc sỹ mà vốn dễ rung động trước vẻ đẹp thiên nhiên đều để lại cho đời một nhạc phẩm về mùa xuân. Cố nhạc sỹ Trầm Tử Thiêng là một trong số đó. Hôm nay Dòng Nhạc Xưa xin giới thiệu bản ‘Mùa xuân trên cao’ của nhà nhạc sỹ tài năng, người luôn trăn trở với tình yêu quê hương và thân phận.

Mùa Xuân Trên Cao

(Nguồn: bài viết của tác giả Asasora đăng trên agu.edu.vn ngày 2008-01-30)

“Mỗi buổi sang thức dậy, tiết trời còn lạnh lẽo, không còn được tin nhắn của em gọi dậy…” Tin nhắn hiện lên trong máy di dộng của Con Nhóc vỏn vẹn có 18 chữ thôi như 18 mùa xuân vội đến với nó.

Nguồn: Theo Nghiêm Linh (Gia đình & Xã hội)
Đọc tiếp

Sài Gòn trong tân nhạc: Đêm nhớ về Sài Gòn (Trầm Tử Thiêng)

Tiếp nối chủ đề “Những địa danh đã đi vào nhạc“, Dòng Nhạc Xưa xin mời quý vị trở về Sài Gòn – Hòn Ngọc Viễn Đông qua một bài viêt của tác giả Trần Chí Phúc phân tích nét nhạc Trầm Tử Thiêng trong bản nhạc “Đêm nhớ về Sài Gòn” nổi tiếng.

 

Đêm Nhớ Về Sài Gòn – nỗi sầu nghệ thuật của Trầm Tử Thiêng

(Nguồn: bài viết của tác giả Trần Chí Phúc đăng trên sbtn.tv ngày 2015-04-25)

1- Đêm nhớ về Sài Gòn, thấy phố phường buồn xưa chưa nguôi. Những con đường thèm đôi chân vui, đã bao lâu chờ đợi. Đường im nghe quá khứ trong sầu. Đường chia ly vẫn ngóng tin nhau. Tình lẻ loi canh thâu.

Chuyện Một Chiếc Cầu Đã Gãy (Trầm Tử Thiêng)

Trưa nay, 20.03.2016, cầu Ghềnh ở thành phố Biên Hòa bị sập. Nhiều người bị rơi xuống sông, hàng trăm hành khách đường sắt bị điêu đứng. [dongnhacxua.com] xin gởi lời chia buồn đến các gia đình nạn nhân và mong những tổn thất nếu có sẽ được hạn chế tối đa.

Nhân sự kiện này, chúng tôi chợt nhớ đến biến cố Mậu Thân 1968. Khi đó, cầu Trường Tiền ở Huế (có lẽ cũng được Pháp xây dựng cùng thời với cầu Ghềnh) cũng bị gãy. Cũng bao nhiêu người dân vô tội bị chết, bao gia đình tan nát, điêu linh. Thời chiến cũng như thời bình, dù cố tình hay vô tình, thì người dân vô tội vẫn phải gánh chịu hậu quả không lường. Một lần nữa, [dongnhacxua.com] cầu mong mọi điều tốt lành nhất cho các nạn nhân và mong những người có thẩm quyền hành động vì lợi ích của người dân, của dân tộc để nước Việt mình không phải hứng chịu những thảm họa mà cố nhạc sỹ Trầm Tử Thiêng phải đau buồn thốt lên trong nhạc phẩm “Chuyện một chiếc cầu đã gãy”

Ảnh: vietstamp.net
Ảnh: vietstamp.net

CẦU TRƯỜNG TIỀN
(Nguồn: wikipedia)

Cầu Trường Tiền còn được gọi là Cầu Tràng Tiền [1], là chiếc cầu dài 402,60 m, gồm 6 nhịp dầm thép hình vành lược, khẩu độ mỗi nhịp 67 m. Khổ cầu 6 m [2], được thiết kế theo kiến trúc Gô tích, bắc qua sông Hương. Đầu cầu phía bắc thuộc phường Phú Hòa, đầu cầu phía nam thuộc phường Phú Hội; ở ngay giữa thành phố Huế thuộc Việt Nam.

Cầu Trường Tiền bên nhành phượng vĩ, sáng mùa hè 2007. Ảnh: wikipedia
Cầu Trường Tiền bên nhành phượng vĩ, sáng mùa hè 2007. Ảnh: wikipedia

Căn cứ bài thơ “Thuận Hóa thành tức sự” của nhà thơ Thái Thuận [3], thi sĩ Quách Tấn đã cho rằng dưới thời vua Lê Thánh Tôn, sông Hương đã có cầu. Chiếc cầu đó, được làm bằng song mây bó chặt lại với nhau và nối liền nhau, nên có tên là cầu Mây. Vì cầu có hình cái mống úp lên sông, nên còn có tên là cầu Mống [4]. Trải bao năm tháng, không biết khi nào, cầu Mống được làm lại bằng gỗ, mặt cầu lát bằng ván gỗ lim.

Năm Thành Thái thứ 9 (1897), chiếc cầu trên được nhà cầm quyền Pháp (khi ấy Khâm sứ Trung Kỳ là Levécque) giao cho hãng Eiffel (Pháp) thiết kế (do Gustave Eiffel thiết kế) và khởi công xây dựng lại bằng sắt, đến năm Thành Thái thứ 11 (1899) thì hoàn thành và được mang tên vị vua này [5]. Tổng cộng tiền xây cầu Thành Thái tiêu tốn hết khoảng 400 triệu đồng bạc Đông Dương, là một số tiền lớn vào thời đó [6]. Tổng chiều dài cây cầu lúc bấy giờ là 401,10 m, rộng 6,20 m, gồm 6 nhịp dầm thép hình vành lược (hay hình bán nguyệt); và hình dáng đó về cơ bản được giữ nguyên cho tới ngày nay.

Năm Giáp Thìn (1904), bão lớn làm cầu hư hỏng nặng. Hai năm sau, tức năm Thành Thái thứ 18 (1906)[7], chiếc cầu mới được tu sửa lại, và mặt cầu được đúc bằng bê tông cốt thép.
Năm 1907, khi vua Thành Thái bị thực dân Pháp đày sang đảo Réunion, thì chính quyền thực dân Pháp cho đổi tên là cầu Clémenceau, theo tên của Georges Clemenceau, một Thủ tướng Pháp thời Thế chiến thứ nhất.

Năm 1937, dưới triều vua Bảo Đại, cầu Trường Tiền được trùng tu, cải tạo lớn. Cầu được mở rộng hành lang hai bên cho xe đạp và người đi bộ. Ở hành lang tại vị trí trụ cầu giữa 2 vài có các bao lơn (ban công) phình rộng ra – là nơi nghỉ chân, ngắm cảnh hay tránh nhau.

Năm 1945 chính phủ Trần Trọng Kim đổi tên là cầu Nguyễn Hoàng.

Năm 1946, trong chiến tranh Việt – Pháp, cầu bị Việt Minh đặt mìn, giật sập hai nhịp phía tả ngạn. Hai năm sau cầu được tu sửa tạm để qua lại.

Năm 1953, cầu được sửa chữa hoàn chỉnh như cũ.

Trong Sự kiện Tết Mậu Thân, trụ 3 và nhịp 4 bị phá hủy [8], khi quân Mặt trận Giải phóng miền Nam cho giật sập để cắt đường phản công của quân đội Việt Nam Cộng hòa. Sau đó, một chiếc cầu phao được dựng tạm lên bên cạnh để nối đôi bờ; rồi cầu được tu sửa tạm thời.

Cầu nổi do đội công binh Quân đội Hoa Kỳ bắc qua sông Hương sau khi cầu Trường Tiền bị giật sập. Ảnh: wikipedia
Cầu nổi do đội công binh Quân đội Hoa Kỳ bắc qua sông Hương sau khi cầu Trường Tiền bị giật sập. Ảnh: wikipedia

Sau khi kết thúc chiến tranh (1975) cầu được đổi tên thành “Tràng Tiền”.

Mãi tới năm 1991 cầu Tràng Tiền mới được khôi phục, trùng tu lần nữa. Ở lần trùng tu này do Công ty Cầu 1 Thăng Long đảm nhiệm, kéo dài trong 5 năm (1991-1995), có nhiều thay đổi quan trọng, đó là việc dỡ bỏ các ban công ở hành lang hai bên tại vị trí các trụ cầu, lòng cầu (cả đường chính và phụ) bị hẹp lại do phải nẹp thêm hai ống lan can, màu sơn ghi xám thay cho màu nguyên bản từ xưa của cầu là màu nhũ bạc,…[9].

Từ Festival Huế năm 2002, cầu Tràng Tiền được lắp đặt một hệ thống chiếu sáng đổi màu hiện đại… và đến năm 2004 cầu lại 1 lần nữa được đổi tên là Trường Tiền

 [footer]

Giàn mướp quê

Sáng nay, trong giây phút thư thả cafe sáng thứ bảy, [dongnhacxua.com] chúng tôi bất chợt gặp lại hình ảnh giàn mướp quê nhà qua tạp văn của tác giả Nguyễn Hiệp đăng trên Tuổi Trẻ Cuối Tuần. Hình ảnh người mẹ quê tần tảo lại hiện ra thấp thoáng bên giàn mướp sau vườn. Ngày đó, thập niên 1980, bản ‘Một sáng con về’ (nhạc sỹ Miên Đức Thắng phổ thơ Tường Linh) do Bảo Yến hát rất nổi tiếng, trong đó chúng tôi nhớ vài câu:

… Mẹ già ta đó 
Hái mướp bên rào
Nắng mưa đã nhiều
Tóc chiều đã xuống …

Thời gian mới đó mà đã hơn 30 năm. Giờ đây giàn mướp ở quê không còn nữa, mẹ cũng không còn khỏe để hái mướp như ngày nào. Thế nhưng mỗi chiều mẹ vẫn ra khu vườn cũ, lặng yên nhìn về một phương xa để mong những đứa con tha phương như chúng tôi một lần quay về ngồi bên mẹ bên giàn mướp như ngày xưa.

 

GIÀN MƯỚP CỦA MÁ
(Nguồn: tác giả Nguyễn Hiệp đăng trên Tuổi Trẻ Cuối Tuần)

TTCT – … “Từ độ người đi biết trưa quê
Thương giàn mướp nhỏ hoa chưa về
Vàng hoa trưa ấy còn bay phấn
Thơm đến trưa này trưa mướp quê”.

(Trưa quê – Sao Mai)

Thời thơ ấu của tôi quanh quẩn với lẫm lúa, gốc chùm ruột và giàn mướp trước sân nhà. Tôi còn nhớ mồn một những ô tre với rất nhiều bông mướp vàng ươm lấm tấm phấn lấp ló như là có sự sắp xếp tài tình. Từng chiếc lá giông giống bàn tay cứng cáp, từng cái ngọn cong cong vươn ra sởn sơ mềm mại, từng xoắn móc neo giữ cẩn trọng… được thiên nhiên tạo bằng tất cả sự tinh xảo, âu yếm.

Và cái “tuyệt tác” giàn mướp ấy không thể thiếu những chú ong bầu tròn tròn đen đen như hòn bi ve biết bay. Tôi mê mẩn tiếng ong bầu trong ống tre, loại nhạc kỳ diệu của thời tuổi nhỏ.

Khi đã nhiều tuổi, để nhớ về má, tôi tạo lại giàn, dây mướp đã phủ đều bốn góc nhưng loay hoay mãi tôi vẫn chưa tìm được tre, lại chỉ đan bằng những cọng kẽm lớn, nhìn có vẻ chắp vá, thiếu đi cái hồn vía “thương giàn mướp nhỏ hoa chưa về”. Dù là gì tôi vẫn xem đó là “giàn mướp của má tôi”, tôi thường ngồi hàng giờ với nó, cố giữ gìn, vun vén những rung động của chính mình và của tâm hồn thế giới xung quanh.

Cảm giác vậy nên mỗi lần ngồi dưới bóng râm mát của những bông vàng lấp ló ấy, tôi như thấy mình đang sống lại cái thuở thần tiên của đời người và hình như đâu đây thôi, má tôi đang bận rộn liền tay liền chân, năm tao bảy tiết chống chọi với gió mưa cuộc đời. Giàn mướp cảm giác, “giàn mướp của má tôi”, đã nhiều lần tôi gọi tên nó như vậy.

Giàn mướp sau nhà. Ảnh: soloha.vn
Giàn mướp sau nhà. Ảnh: soloha.vn

Bông mướp rụng nhiều là điềm chẳng lành. Bông mướp dày nhưng không đậu trái cũng không là điềm tốt đẹp. Cái búp như chiếc bông tai của người con gái mới được nhà trai đến dạm ngõ. Đôi bông ấy không đính hai hạt cẩm thạch lạnh lùng rào giậu mà nó mang, nó gợi cái tính, cái hồn của người con gái: vừa mơn mởn căng tràn sức sống lại vừa khuôn phép, rụt rè, vừa khao khát hiến dâng lại vừa e lệ, khép nép.

Mỏng mảnh yếu đuối vậy mà bông mướp đã trở thành hình ảnh khó phai, là chút gì đó hiền hòa, vương vấn, mến yêu không thể thiếu trước hiên nhà, sân nhà của miệt quê yên tĩnh. Hồi nhỏ, bọn trẻ xóm tôi thường ngắt ruột cọng mì từng đoạn, giữ lớp vỏ ngoài lại để tạo thành sợi dây chuyền, thắt lá dừa thành nhẫn, thành đồng hồ và bông mướp làm đôi bông tai, rồi len lén đeo tặng cho nhau, rụt rè nhìn trước ngó sau dúi vào tay nhau rồi ù chạy mà nhịp tim như nhịp trống.

Ôi! Những ngây thơ, ngây ngô, “ngố rừng” nhưng không kém phần da diết của một thời vụng dại. Dưới giàn mướp râm mát ấy, trò chơi đám cưới của những đứa bé quê chúng tôi đã thành những ký ức lung linh, quý giá hơn của cải vàng bạc châu báu. Chúng tôi mang theo như một phần hành trang trong suốt đời mình.

Nơi chân núi Tà Cú, tôi thường có khách văn ghé thăm. Dưới giàn mướp ấy, tôi để bộ bàn ghế đá uống trà, không hiểu sao câu chuyện của chúng tôi cứ thường quay về đề tài cảm giác. Chúng tôi đang ngồi uống trà, chợt tất cả ngoái nhìn ra vườn: bầu trời phủ đầy những chấm đen di động, thì ra đó là bầy ong mật đang chia đàn chuyển tổ.

Khi bầy ong tụ hết lại thành khối nơi góc giàn mướp, một nhà văn bạn đã nói: bầu trời giờ như chiếc tủ kính trong veo. Mọi người ồ lên xác nhận cái cảm giác ấy. Cảm giác đã tạo nên thái độ nhìn và cả thời tiết đời sống… Những lúc như vậy, tôi biết do cái khung cảnh dưới giàn mướp đã tác động đến chúng tôi nên cách nhìn, cách nghĩ của mọi người, của tôi trở nên lãng mạn như vậy.

Tạo hóa là một đấng sáng tạo điềm tĩnh, lạnh lùng, có phương pháp nhưng xét cho cùng cái mục đích thì lại để mở cho con người. Bầu trời cảm lạnh hay bầu trời trong veo là do cảm giác. Giàn mướp thơm tho hay không mùi vị cũng là cảm giác. Phàm những gì tinh tế chỉ có nơi những tâm hồn biết tĩnh lặng, biết lùi khỏi ồn ào, hào nhoáng, phù hoa.

Nhà thơ Sao Mai viết những câu thơ đã trở thành cổ điển về cái “trưa mướp quê” như có như không. Ấy vậy mà mỗi lần tôi nhớ lại, lẩm nhẩm đọc cứ rờn rợn trong người. Giàn mướp của má tôi, câu hỏi như không hỏi của nhà thơ Sao Mai: Vàng hoa trưa ấy còn bay phấn đã tạo ra những dấu lặng trong đời sống tinh thần của tôi, mãi mãi là như thế.

NGUYỄN HIỆP

BÀI THƠ ‘MỘT SỚM MAI VỀ’ CỦA TƯỜNG LINH
(Nguồn: ThiCa.net)

Một sớm mai về
Ngày vui thứ nhất
Ta đi chân đất
Mặc áo vải thô
Dẫm lá tre khô
Rụng đầy lối sỏi
Ta cười ta nói
Ta hát nghêu ngao
Bước thấp bước cao
Qua bờ ruộng nhỏ
Mẹ già ta đó
Hái mướp bên rào
Áo nâu thủa nào
Thêm nhiều mụn vá
Cần chi Mẹ à

Một sớm mai về
Thằng bé nhà quê
Thoát tầm lửa đạn
Đầu ngày nắng sáng
Nhà ai chung vườn
Khói bếp mến thương
Thơm xôi nếp mới
Chia xa vời vợi

Một sớm mai về
Tắm nước sông quê
Ngàn đời chẳng đục
Ta buông cần trúc
Bờ cỏ êm ngồi
Con giếc thả mồi
Con rô đớp bóng
Đài sen sương đọng
Hồ lộng màu thu
Trên ngọn mù u
Có đôi chim gáy
Trong chòm lau sậy
Tiếng quốc u oa
Dưới bóng đa già
Cút côi quán nước
Nằm trên cỏ mượt
Ta nhẩm vần thơ
Giấc mơ choàng tỉnh
Ngày ấy… bao giờ? 

(Nghe ‘Một sớm mai về’ qua nét nhạc Trầm Tử Thiêng và tiếng hát Khánh Ly)

[footer]