Bolero và kỷ niệm với nhạc sĩ Trúc Phương

([dongnhacxua.com])Tiếp nối mạch cảm xúc về dòng nhạc bolero. Hôm nay chúng tôi xin được phép đăng lại một bài viết trên báo Tuổi Trẻ về nhạc sỹ Trúc Phương.

Khoảng giữa năm 1985, nhạc sĩ Trúc Phương – người từng được xem như là “ông hoàng” của dòng nhạc bolero – được nhận vào công tác tại Hội Văn nghệ Cửu Long và được cấp một căn phòng tại số 6 Hưng Ðạo Vương, thị xã Vĩnh Long để ở. Trúc Phương có dáng người cao, lưng hơi tôm. Anh bị cận thị, lãng tai và mắc bệnh suyễn nặng. Anh có thói quen ăn mặc rất chỉnh tề, thích ăn ngọt và không uống rượu. Sau khi chia tay vợ, đã có mấy phụ nữ thoáng qua cuộc đời anh… Mỗi khi quen với chị nào, anh thường tặng nhạc do anh mới sáng tác cho mỗi chị. Hà, vợ tôi, là liên lạc viên rất tích cực cho những cuộc tình chóng vánh này.

Có một kỷ niệm tôi nhớ mãi là vào năm 1988, lúc này Trúc Phương đang sống ở Sài Gòn, tôi đang theo học Trường đại học Mỹ thuật. Ngoài giờ học, tôi cùng một số bạn bè đi làm thêm về mỹ thuật cho nhà hàng Ðại Dương (nằm trên đường Kỳ Ðồng, gần nhà thờ Chúa Cứu Thế, Q.3) do thầu khoán Chín Củi lãnh xây dựng. Anh Chín Củi gốc là dân Trà Vinh, quen thân với anh Trúc Phương, đã cưu mang anh trong thời gian này.

Gần chỗ công trình đang xây dựng có một quán cơm bụi giá rẻ như bèo. Hằng ngày, chúng tôi thường cùng ra ăn cơm ở đó. Hôm đó nhằm chiều thứ bảy cuối tuần, anh Chín Củi dẫn cả bọn tôi ra quán cơm bụi này để bồi dưỡng …cơm bình dân và lai rai rượu thuốc. Anh Trúc Phương dù không uống rượu nhưng cũng ngồi chung với chúng tôi. Cuộc vui kéo dài nửa chừng, trời bắt đầu mưa tầm tã. Bất chợt có hai người hành khất, một cụt chân, một mù hai mắt đội mưa bước vào! Cả hai – một đàn guitar thùng, một hát bài Mưa nửa đêm.

Ảnh bìa nhạc: QuanNhacVang.com

 

Ảnh bìa nhạc: Bolero.vn

Lúc đó ánh mắt của anh Trúc Phương tối sầm lại. Anh lẩm bẩm: “Nhạc của mình biến thành nhạc ăn mày rồi!”.

Thấy vậy, anh Chín Củi đứng dậy, kéo tay hai người hành khất kia, miệng nói:

– Lại đây hai chú em, ngồi xuống cùng ăn cơm và lai rai với chúng tôi cho vui.

Khi cả hai cùng ngồi xuống, bất chợt Trúc Phương buột miệng:

– Hai chú mày hát nhạc của ai, biết không?

Một người nhanh nhảu trả lời:

– Dạ biết, nhạc Trúc Phương đó!

Trúc Phương cười buồn, mắt ngân ngấn nước:

– Trúc Phương chính là anh, chính tác giả đây!

Hai người ăn mày sửng sốt trong giây phút, rồi người cụt chân chợt quỳ sụp xuống, hai tay nâng cây đàn lên ngang mày, miệng nói:

– Ôi, em xin bái kiến sư phụ. Em hát nhạc của sư phụ, mãi đến hôm nay mới được diện kiến sư phụ. Xin sư phụ chỉ giáo cho em!

Trúc Phương cầm lấy cây đàn:

– Ðể anh hát tặng mấy chú em bài hát này nhé!

Tôi muốn hỏi có phải vì đời chưa trọn vòng tay/ Có phải vì tâm tư giấu kín trang thư còn đây/ Nên những khi mưa nửa đêm/ Làm xao xuyến giấc ngủ chưa đến tìm… Anh hát say sưa giữa hè phố Sài Gòn, hát tặng những người hành khất trong một quán cơm nghèo! Những người lao động có mặt trong buổi chiều mưa hôm đó ngồi lặng lẽ rồi lần lượt đến vây quanh anh. Cô bé con chủ quán cơm xúc động, giơ tay dụi mắt giấu lệ! Hôm ấy, Trúc Phương hát như một lời than đau đớn…

Ấy vậy mà đã 16 năm trôi qua, kể từ ngày anh qua đời, 21-9-1996.

Tôi ghi lại những dòng này để thay nén hương tưởng nhớ hương hồn anh, một nhạc sĩ đã để lại cho đời những bài nhạc bolero đi sâu vào lòng người như: Mưa nửa đêm, Nửa đêm ngoài phố, Buồn trong kỷ niệm, Ðò chiều, Tàu đêm năm cũ, Hai chuyến tàu đêm…; và những bài hát sáng tác sau 1975: Về chín dòng sông hò hẹn, Về An Quãng Hữu, Hoa sách… (mà trong đó nhan đề ca khúc Về chín dòng sông hò hẹn của anh được chọn làm tên cho chương trình hội diễn văn nghệ quần chúng hằng năm của các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long hiện nay).

TÍN ÐỨC (hội viên Hội Văn nghệ Vĩnh Long)

[footer]

Trúc Phương: đời buồn như những bản bolero

Trúc Phương (1933-1996) tên thật là Nguyễn Thiên Lộc, sinh tại xã Mỹ Hoà, quận Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh (Vĩnh Bình), một xứ chùa tháp ở hạ lưu sông Cửu Long, miền Nam Việt Nam. Ông sinh hoạt văn nghệ với ty Thông tin Tỉnh Vĩnh Bình cuối thập niên 1950 trong một thời gian ngắn rồi lên Sài Gòn.

Nhạc sỹ Trúc Phương.

Nói đến Trúc Phương là phải nói đến những bản bolero bất hủ. Có thể nói mà không sợ quá lời là Trúc Phương xứng đáng với danh xưng ‘Ông hoàng bolero của tân nhạc Việt Nam’.

Một khía cạnh khác là cuộc đời ông đầy những chuyện buồn và nhất là cái chết trong cô quạnh vào năm 1995 (có tài liệu ghi 1996) với tài sản duy nhất là một đôi dép nhựa . Buồn như chính những nhạc phẩm của ông!

Tâm sự của chính nhạc sỹ Trúc Phương với Trung tâm Asia trong chương trình Asia 55

Gần đây trong chương trình “Paris By Night 103 – Tình sử trong âm nhạc Việt Nam”, nhạc sỹ Thanh Sơn có nhắc đến kỷ niệm với nhạc sỹ Trúc Phương và cho biết nhạc sỹ Trúc Phương mất ngày 21/09/1996.

DongNhacXua.com xin mượn dòng mở đầu trong bản ‘Nửa đêm ngoài phố’ để kết thúc những dòng tri ân đối với người nhạc sỹ tài hoa nhưng ít được người đời nhắc đến:
Buồn vào hồn không tên
Thức giấc nửa đêm nhớ chuyện xưa vào đời …

Tác phẩm nổi tiếng : (Nguồn: http://vi.wikipedia.org/wiki/Trúc_Phương)

  • Ai Cho Tôi Tình Yêu
  • Bóng nhỏ đường chiều
  • Buồn trong kỷ niệm
  • Chiều cuối tuần
  • Chiều làng anh
  • Con đường mang tên em
  • Đò Chiều
  • Mưa Nửa Đêm
  • Nủa Đêm Ngoài Phố
  • Thói đời
  • Bông cỏ may
  • Chuyện Chúng Mình
  • Đêm Gác Trọ
  • Đêm Tâm Sự
  • Hai Chuyến Tàu Đêm
  • Hai Lối Mộng
  • Hai mùa mưa
  • Kẻ ở miền xa
  • Tàu Đêm Năm Cũ
  • Tình Thắm Duyên Quê

[footer]