Phượng Buồn

Trong một bài viết trước, chúng tôi đã giới thiệu đến người yêu nhạc đôi nét về nhạc sỹ Tuấn Hải, tác giả bản ‘Phượng Buồn’ nổi tiếng. Xung quanh nhạc phẩm này, trước đây có một hiểu lầm đáng tiếc.

Băng nhạc Nhã Ca 10, xuất bản tháng 11/1974.

Số là sau khi ghi âm lần đầu tiên qua tiếng hát Hoàng Oanh trong băng nhạc Nhã Ca 10, xuất bản năm 1974 thì xảy ra biến cố 1975, Tuấn Hải ngưng sáng tác và sau đó đi Úc định cư năm 1990.

Trong một bài viết trên trang nhà của nhạc sỹ Tuấn Khanh (nguồn), hiện cũng đang định cư ở Úc Châu, sau nhiều năm im lặng, mãi đến năm 2015, nhạc sỹ Tuấn Hải mới viết một là thư ngỏ để làm rõ về vài hiểu lầm không đáng có.

Bài này tôi viết năm 1974 tại Sài Gòn và đã sắp xếp Hoàng Oanh hát đầu tiên vào dĩa nhựa nhạc ‘Ngày Xanh’ tại phòng thu của một người Hoa ở số 13 đường Bùi Hữu Nghĩa (trước cửa chợ cá Hòa Bình, quận 5 Chợ Lớn cùng trong năm ấy). Đến năm 2004 tôi về Sài Gòn gặp lại một số bạn cũ trong đó có các nhạc sĩ: Ngọc Sơn, Đài Phương Trang, Dzoãn Bình và Vinh Sử. Rồi chúng tôi có cuộc hẹn đi uống bia tại quán Hội Nghệ Sĩ…

Sau khi tặng Vinh Sử một CD ‘Phượng Buồn’ thì người bạn này nói liền: “Xin lỗi anh, em có làm một chương trình có bài ‘Phượng Buồn’ nhưng gặp khó khăn về việc kiểm duyệt tác giả ở nước ngoài nên đã để tên anh Thanh Sơn cho dễ dàng và tiện việc thanh toán bản quyền…” Ngay lúc đó tôi không thấy gì phiền hà vì việc đã rồi. Hơn nữa Thanh Sơn sau này có chút gì vui vui… Thế là vấn đề thông qua.

Sau đó bài Phượng Buồn lần lượt được nhiều trung tâm sử dụng nên việc ”tam sao thất bản” càng lan tràn theo tỉ lệ thuận. Cũng từ đó một số thân hữu của tôi tỏ ra bất đồng về sự im lặng này, cũng có vài người còn suy nghĩ ngược lại. Trong thời điểm này tôi không biết dùng computer nên chẳng muốn bận thêm làm gì. Nay tiện có cháu nội bà xã tôi sang du học tại Australia nên tôi nhờ cháu Thanh Trinh giúp cho việc này.

Cũng xin được nói thêm là giữa tôi và Thanh Sơn đã có thâm tình từ những ngày hai đứa mới vào nghề (nhắc tên bạn ở đây bằng tất cả lòng quí mến). Tôi nhớ rõ là nhạc sĩ Thanh Sơn có mấy bài viết về phượng rất nổi tiếng như: ‘Nỗi buồn hoa phượng’, ‘Hạ buồn’ và ‘Hai cánh phượng buồn’ (bài này ghép mấy bài cũ của Thanh Sơn). Tôi cũng thấy vài trung tâm còn ghi tác giả bài ‘Phượng Buồn’ của Nguyên Vũ hay Nguyễn Vũ. Theo tôi được biết không có nhạc sĩ nào tên Nguyên Vũ, còn nhạc sĩ Nguyễn Vũ và chúng tôi cũng rất thân quen từ những ngày cùng cộng tác ở Continental do nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông điều hành. Nhạc sĩ Nguyễn Vũ viết nhiều bài về tình yêu lính biển và mấy bài giáng sinh rất nổi tiếng. Tôi chưa nghe thấy bài nào viết cho phượng.

Như vậy là mọi việc đã rõ.

Tuy nhiên, Dòng Nhạc Xưa cũng cần nói thêm một điều: trước đó, tầm những năm 1967 – 1968, hai nhạc sỹ Thanh Sơn & Song Ngọc đã cho ra đời một bản nhạc cũng có tên là ‘Phượng Buồn’ với giai điệu và ca từ hoàn toàn khác.

Ảnh: https://amnhacmiennam.blogspot.com/2021/08/phuong-buon-song-ngoc-thanh-son.html
Dòng Nhạc Xưa

Nhạc sỹ Tuấn Hải

Trong làng văn nghệ Việt Nam, tên tuổi của nhạc sỹ Tuấn Hải ít được nhắc đến. Một phần vì ngoài việc sáng tác, ông dành phần nhiều thời gian trước 1975 cho công việc của một chuyên viên âm thanh của Đài Tiếng Nói Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa; một phần cũng vì ông không có sinh hoạt văn nghệ trong nước sau 1975 trước khi định cư ở nước Úc xa xôi vào năm 1990.

Nhạc sỹ Tuấn Hải bên người vợ. Ảnh: ThoiXua.vn

Tuy nhiên nếu như người yêu nhạc biết ông là tác giả của các bản như “Phượng buồn”, “Một trăm phần trăm” hay “Đẹp lòng người yêu” thì chúng ta sẽ không quá xa lạ với nhạc sỹ Tuấn Hải.

Thông qua bài viết này, Dòng Nhạc Xưa chúc ông dồi dào sức khỏe và vui hưởng tuổi già bên người vợ hiền và con cháu nơi xứ xở của những chú kangaroo.

Đôi nét về nhạc sỹ Tuấn Hải

(Nguồn: Wikipedia)

Tuấn Hải (tên khai sinh: Lê Xuân Nghị, 1 tháng 6 năm 1939 tại Hải Phòng) là một nhạc sĩ nhạc vàng người Việt Nam trước năm 1975. Ngoài ra, ông còn có những bút danh khác như Lê Kim Khánh (con trai ông), Song Kim và Phụng Anh (trong một số bài).

Tuấn Hải sinh ngày 1 tháng 6 năm 1939 tại Hải Phòng. Ông ham mê âm nhạc từ nhỏ. Vào Sài Gòn năm 1954, những năm sau đó ông có cơ hội trau dồi và học nhạc với hai nhạc sĩ Văn Phụng và Võ Đức Tuyết.

Tháng 6 năm 1961, ông được tuyển chọn vào làm việc ở đài phát thanh Sài Gòn. Ông đã tham gia sinh hoạt ca nhạc thường xuyên trong các ban nhạc Văn Phụng và Nhật Bằng. Ông cũng là chuyên viên âm thanh của đài tiếng nói Quân lực Việt Nam Cộng hòa. Trong thời gian ấy ông đã được nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông – giám đốc hãng nhạc, giao cho việc phụ trách kỹ thuật âm thanh của hãng dĩa Continental và hãng nhạc Ngày Xanh.

Nhạc sĩ Tuấn Hải đã nhận được nhiều giải thưởng trong các cuộc thi sáng tác được tổ chức bởi các cơ quan như: Văn Hoá Vụ, Tuyên Úy Phật giáo, Thiếu Nhi, Phòng Vệ Dân Sự, Dân Vệ Đoàn, bộ Thông tin và bộ Tư lệnh Cảnh Sát Quốc gia. Đặc biệt là ông đạt được giải nhất với bài “Mừng Ngày Quân Lực”, trong cuộc thi sáng tác toàn quốc năm 1965, do Tổng cục Chiến tranh Chính trị, Bộ Tổng Tham mưu Quân lực Việt Nam Cộng hòa tổ chức. Ông đã được sự khen thưởng đặc biệt của Bộ Tổng tham mưu Quân lực Việt Nam Cộng hòa cũng như Địa phương quân và nghĩa quân.

Ông định cư và làm việc ở Úc từ năm 1990. Hiện đang nghỉ hưu trí và sống với người phối ngẫu là bà Lâm Thị Kim Ngân tại thành phố Brisbane, tiểu bang Queensland. Ông rất được đồng hương quý mến do tính tình vui vẻ, ôn hòa và khiêm nhường. Hầu hết họ không biết ông là Tuấn Hải, vì ông không tự giới thiệu nhiều về mình.

Năm 2004, ông bị đột quỵ và phải ngồi xe lăn, tuy nhiên ông vẫn lạc quan, yêu đời và giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn tại quê nhà.

Xin ghi chú nguồn Dòng Nhạc Xưa và các nguồn có liên quan khi trích dẫn!