Cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc chống quân Trung Quốc năm 1979 bằng cách này hay cách khác đã đi vào thơ nhạc như những chứng nhân sống động cho một giai đoạn cam go của dân tộc. Nhân kỷ niệm 40 năm ngày các chiến sỹ Việt Nam đã anh dũng chống lại ngoại xâm, Dòng Nhạc Xưa xin giới thiệu nhạc phẩm hào hùng của nhạc sỹ Trần Tiến: Những đôi mắt mang hình viên đạn.
Tác giả “Những đôi mắt mang hình viên đạn”: Con người không nên có biên giới
(Nguồn: bài viết của tác giả N. Huyền đăng trên infonet.vn ngày 2019-02-18)
“Bóng hình những người chạy về và những người cầm súng đi ngược ra biên giới ám ảnh tôi. Đó là những chất xúc tác để “Những đôi mắt mang hình viên đạn” hoàn thành sau hai tiếng ngày hôm sau. Nhưng phải hai năm sau, Hà Nội mới được nghe”, nhạc sĩ Trần Tiến nói.
Chia sẻ với phóng viên Infonet, Nhạc sĩ Trần Tiến cho hay, ngày hôm qua (16/2) ông cùng với đoàn văn nghệ sĩ hơn 30 người trong đó có nhà thơ Nguyễn Duy, nhạc sĩ Nguyễn Cường… đã trở lại chiến trường xưa biên giới phía Bắc, nơi cách đây 40 năm tiếng súng đầu tiên đã nổ ra bắt đầu cho một cuộc chiến.
Trong đêm qua, đoàn văn nghệ sĩ đã có buổi giao lưu với những cựu cán bộ, quân dân Lạng Sơn đã từng tham gia bảo vệ Tổ quốc.
Qua điện thoại, khi ông trả lời phóng viên câu hỏi “cảm xúc” về buổi giao lưu thì giọng ông trùng lại nói vỏn vẹn hai từ “xúc động!”.
Ở buổi giao lưu ông, nhà thơ Nguyễn Duy và nhiều người đã hát bài hát “Những đôi mắt hình viên đạn” tại nơi mà 40 năm trước là chiến trường tàn khốc, là tiếng pháo, là tiếng đạn, là máu đổ…
Sáng nay, 17/2/2019, nhà thơ Nguyễn Duy rủ nhạc sĩ Trần Tiến đi thăm cột mốc số 0 – Lạng Sơn, nơi đánh dấu trận chiến bắt đầu năm 1979, vị nhạc sĩ già đã “từ chối” bởi “trong cuộc đời tao không có khái niệm biên giới (giọng tếu táo vốn có của người nghệ sĩ với người bạn, nhà thơ Nguyễn Duy – PV)”.
Lý giải điều này, ông cho rằng “biên giới sinh ra chỉ là tạm thời về mặt địa lý để cho người ta sống chung với nhau theo kiểu riêng của mỗi vùng. Con người không nên có biên giới, con người nên sống với nhau, yêu thương nhau và lo lắng cho nhau dù da đen da trắng, da vàng, dù da gì cũng vậy cũng là con người”.
Rồi ông kể lại kỷ niệm khi sáng tác bài hát “Những đôi mắt mang hình viên đạn”.
Ông kể: “Đêm 17/2 ấy, tôi đang ngồi với nhà thơ Phạm Tiến Duật ở một quán rượu đêm duy nhất của Hà Nội những năm 1970 sau ga Hàng Cỏ. Chợt nghe ồn ào, náo loạn xen lẫn là những tiếng khóc, những tiếng hét của rất rất nhiều phụ nữ, trẻ em ở ngoài sân ga. Những đoàn tàu ở đâu đó chở về kín mít những đám đông hầu hết là người già, phụ nữ và trẻ em. Ngoài phố bụi mù những đoàn xe chở bộ đội.
Bạn tôi Phạm Tiến Duật vội vã trở về cơ quan. Nhiều người nói, Tầu đánh ta nhưng trước đó khoảng một tuần tôi vẫn hát bài Việt Nam – Trung Hoa núi liền núi, sông liền sông nên tôi vẫn không tin và ngỡ rằng người ta đùa”.
Thời điểm đó nhạc sĩ Trần Tiến là BTV Đài phát thanh- Truyền hình Hà Nội nên sáng hôm sau nghe tin ông mới biết “đêm đó (17/2), cuộc chiến vệ quốc đã nổ ra”.
“Bóng hình những người chạy về và những người cầm súng đi ngược ra biên giới ám ảnh tôi” – Nhạc sĩ Trần Tiến nói.
Ông cũng cho biết thêm bản thân từng đọc ở đâu đó câu thơ “những đôi mắt trẻ con như những viên sỏi, ném vào đoàn quân …” mà sau này mới biết của người bạn yêu quý Nguyễn Duy.
Đó là những chất xúc tác để “Những đôi mắt mang hình viên đạn” hoàn thành sau hai tiếng ngày hôm sau với những ca từ đầy day dứt, ám ảnh:
“Đoàn quân vội đi đi về biên giới
cũng từ biên giới về những bầy trẻ nhỏ.
Đoàn quân lặng im nhìn đàn em bé
từng đôi mắt đen xoe tròn
từng đôi mắt mang hình viên đạn.
Từng đôi mắt sáng lên cháy lên như ngàn viên đạn
từng đôi mắt quê hương trao cho đoàn quân
người chiến sĩ hãy giữ lấy…
Đoàn quân vội đi đi về biên giới
cũng từ biên giới về những người mẹ già
Đoàn quân lặng im, ngược dòng người đi
Một đôi mắt bao lần tiễn biệt
Một đôi mắt bao lần ước hẹn
Một đôi mắt sáng lên cháy lên muôn vàn ánh lửa
Kìa đôi mắt quê hương trông theo đoàn quân
người chiến sĩ hãy giữ lâỵ́…
Trút lên quân xâm lược… dã man”.
Tuy nhiên số phận của bài hát này cũng “long đong” không kém số phận của những người chạy giặc.
“Hồi đấy những bài hát về Biên giới được phát liên tục trên Đài Tiếng nói Việt Nam. Sau khi sáng tác xong, dù “phi” ngay lên gửi ban biên tập Đài Tiếng nói Việt Nam, nhưng bài hát đã bị cấm. Họ nói sao không hát rõ đích danh “quân Trung Quốc – bọn bành trướng Bắc Kinh”? Tôi lặng lẽ quay về. Phải hai, ba năm sau Hà Nội mới được nghe bài hát “Những đôi mắt hình viên đạn”, nhạc sĩ Trần Tiến nhớ lại.
Kể về hành trình bài hát được “cấp phép” nhạc sĩ Trần Tiến cho biết, ông đã chép bài này cho nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu trong một lần vào TP.HCM rồi bất ngờ vài tháng sau, các đoàn ca nhạc và các nhóm ca khúc chính trị thành phố ra Hà Nội biểu diễn đều hát và hát thành công.
“Ông Võ Văn Kiệt, nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM lúc bấy giờ đã có dịp nghe bài hát, đem lòng yêu quý và bộc lộ tình cảm của mình trên báo Nhân Dân. Từ bài báo đó, ca khúc này lại có giấy thông hành đến với các phương tiện truyền thông chính thức phía Bắc. Đài Tiếng nói Việt Nam sau đó cũng phát. Bài hát Những đôi mắt mang hình viên đạn đã sống 40 năm nay”, nhạc sĩ Trần Tiến nói.
N. Huyền