[dongnhacxua.com] chúng tôi may mắn là những khán giả đầu tiên của buổi chiếu ra mắt bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” của đạo diễn Victor Vũ, dựa theo cuốn truyện dài của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Đây là một bộ phim đáng xem! Cảnh quay đẹp. Diễn xuất mộc mạc của dàn diễn viên nhí. Kịch bản đầy tính nhân văn. Dàn dựng rất chỉn chu.
Dưới góc độ nhạc xưa, chúng tôi đặc biệt thích thú với nhạc phẩm “Thằng Cuội” của cố nhạc sỹ Lê Thương được các nhà làm phim chọn làm nhạc nền. Trên tinh thần đó, [dongnhacxua.com] xin giới thiệu “Thằng Cuội” bất hủ.
TRUNG THU NHỚ “THẰNG CUỘI” CỦA NHẠC SỸ LÊ THƯƠNG
(Nguồn: tác giả Phan Kỷ Sửu viết trên BaoTayNinh.vn ngày 29/09/2009)
“Thằng Cuội” được Lê Thương viết khoảng thời gian 1946-1954 với những ca từ chơn chất, dân dã, dễ nhớ và dễ hát như một khúc đồng dao.
Mỗi mùa Trung thu về dù tuổi thơ của tôi đã xa lắm rồi nhưng bài hát “Thằng Cuội” quen thuộc của ngày xưa vẫn còn vang vọng mãi trong tôi. “Bóng trăng trắng ngà, có cây đa to. Có thằng cuội già, ôm một mối mơ…”. Nhớ “Thằng Cuội” bỗng chạnh nhớ đến người đã sáng tác ra ca khúc bất hủ ấy- nhạc sĩ Lê Thương mà tôi đã từng gặp cách đây 18 năm.
Vào một ngày đầu tháng 4 năm 1991, nhận lời mời của Thu Thuỷ, người bạn gái lúc ấy là giáo viên Trường Cao đẳng Sư phạm Tây Ninh, tôi đến Nhà Văn hoá quận 8 thành phố HCM trên đường Phạm Thế Hiển dự đêm ca nhạc. Khi đang ngồi ở hàng ghế khán giả chờ đến giờ khai mạc thì có một cụ già khá tráng kiện, nhanh nhẹn đến ngồi cạnh tôi. Cụ ăn mặc rất bình thường với cái kính lão dầy cộm, sau nụ cười đôn hậu, giọng nói giòn giã, ông chủ động làm quen với tôi:
– Cậu mới đến đấy à! Cậu ở quận nào thế?
– Thưa chú! Cháu từ Tây Ninh đến.
– Ồ! Trên Tây Ninh cơ! Hồi trước 1975 tôi có đến Tây Ninh vài lần đấy.
Sau đó cụ kể một loạt về những thắng cảnh, những địa danh của đất quê hương tôi mà cụ đã đến và nói:
– “Tiếc quá bây giờ đã cao tuổi rồi. Tôi muốn về lại Tây Ninh mà chưa có dịp!”.
Qua trò chuyện, tôi mới biết đó chính là nhạc sĩ Lê Thương.
Sau đó nhạc sĩ Lê Thương kể chuyện về các giai đoạn sáng tác ca khúc của ông, về cuộc sống của ông. Tôi ngồi nghe say mê cứ muốn được ông kể mãi. Ông nói về giai đoạn sáng tác 3 bài Hòn vọng phu và Học sinh hành khúc. Tôi không hề biết được đó là lần đầu tiên cũng là lần cuối cùng tôi ngồi cạnh người nhạc sĩ ấy. Vì nhạc sĩ Lê Thương đã mãi mãi ra đi từ ngày 18.9.1996.
Nhạc sĩ Lê Thương sinh năm 1914, tại Nam Định. Mồ côi mẹ từ năm lên 9 tuổi, ông lớn lên nhờ công ơn nuôi dưỡng của bà nội trong một gia đình theo đạo Công giáo có nền nếp luân lý đạo lý tốt đẹp. Tài năng âm nhạc của ông một phần do năng khiếu bẩm sinh, một phần do ảnh hưởng từ những ngày thơ ấu theo học ở một trường dòng. Ca khúc đầu tay ông viết năm 22 tuổi (1936) mang tựa đề “Trưng Vương” đã được nhạc sĩ Lưu Hữu Phước giới thiệu trên Báo Lên Đàng. Lê Thương là một trong những nhạc sĩ tiền phong xây dựng nền móng cho âm nhạc Việt Nam cũng là nhạc sĩ tiền phong của nhiều thể loại âm nhạc khác. Nhạc sĩ Lê Thương cùng Nguyễn Xuân Khoát được khẳng định là những nhạc sĩ đầu tiên mở đầu cho dòng nhạc thiếu nhi. Ông chính là một trong những nhạc sĩ tiêu biểu của âm nhạc tiền chiến Việt Nam. Năm 1970, Lê Thương cùng nhạc sĩ Lê Cao Phan, Hùng Lân, Trần Hữu Đức thực hiện chương trình “Phát thanh học đường” trên Đài Phát thanh Sài Gòn. Ông đã sáng tác trên 100 ca khúc thiếu nhi.
“Thằng Cuội” được Lê Thương viết khoảng thời gian 1946-1954 với những ca từ chơn chất, dân dã, dễ nhớ và dễ hát như một khúc đồng dao.
Ngày xưa khi học tiểu học tại Trường tiểu học Tây Ninh, mỗi lần trung thu, các thầy cô thường dạy học trò chúng tôi hát. Cho đến bây giờ tôi cùng các bạn bè cũ dù ai cũng đã trên dưới tuổi 60 cả nhưng “Thằng Cuội” vẫn còn in đậm trong tâm hồn và gợi nhớ mãi kỷ niệm của những ngày thơ ấu: “Bóng trăng trắng ngà, có cây đa to, có thằng cuội già ôm một mối mơ…”.
PHAN KỶ SỬU
[footer]
Cam on nguoi viet vi da mo mang minh =))
Tuong nho nghe si qua co… con may ai viet cho thieu nhi dau…