Tiếng đàn Vô Thường

Dòng Nhạc Xưa đã có một bài giới thiệu về nghệ sỹ guitar Vô Thường. Hôm nay theo yêu cầu của nhiều quý vị yêu nhạc xưa, chúng tôi xin mạn phép trích đăng một bài viết của tác giả Việt Hải trên trang ninh-hoa.com để chúng ta hiểu thêm về một nghệ sỹ tài hoa của nền nhạc Việt.

Tiếng Đàn Vượt Thời Gian,
VÔ THƯỜNG

(Nguồn: bài viết của tác giả Việt Hải đăng trên ninh-hoa.com tháng bảy năm)

Vô thường, nếu giải thích theo Phật giáo, mang ý nghĩa là “không chắc chắn”, “thường thay đổi”, “không trường tồn”. Vô thường là một trong ba tính chất (Tam pháp ấn) của tất cả sự vật của đời sống. Vô thường là đặc tính chung của mọi sự sinh ra có điều kiện, tức là thành, trụ, hoại không (sinh, trụ, dị, diệt) . Từ tính vô thường ta có thể suy luận ra hai đặc tính kia là Khổ và Vô ngã. Trong Đạo học phương Đông của người Trung Hoa thì chữ “Dịch biến” đồng nghĩa với chữ “Vô thường” trong Đạo Phật. Do đó nghĩa đối nghịch với “Thường” là” Vô thường”. Hay nói một cách khác: Vô thường nghĩa là không ở yên một trạng thái mà luôn luôn biến đổi. Trong Đạo Phật chữ Thường là chỉ cho Phật Tánh, Bản thể Chân như, tự tại, tự chủ không bị chi phối, biến đổi. Vì thế mà chữ Vô thường là không thường còn, bị biến thiên, bị mất đi. Trong kinh Đại Niết Bàn khi Phật nhập diệt Trời Phạm Thiên nói câu:

“Chư hành vô thường
Thị sanh diệt pháp…”

Nghĩa là: các sở hành đều vô thường biến đổi, nó là pháp sanh diệt. Tôi phải nhập đề dài dòng văn tự như vậy vì khi nghe tên của một nhạc sĩ tài hoa, mang một phương danh đầy tính chất triết lý là “Vô Thường”, tôi muốn viết đôi dòng về anh, vì tôi ngưỡng mộ tài năng về sở trường đàn ghi-ta cho loại nhạc hòa tấu của anh. Tôi nghe tiếng đàn của nhạc sĩ Vô Thường rất thường. Thật vậy, phải nói là rất thường.

Cố nhạc sĩ Vô Thường tên thật là Võ Văn Thường, sinh năm 1940 tại Ninh Thuận, rất quen thuộc với giới trẻ trước năm 1975. Có lẽ hầu hết những ai ở Phan Rang cũng biết đến anh Bảy Rìu chủ quán cà phê Diễm, với phong thái rất nghệ sĩ, vui vẽ, rất điệu nghệ và ai cũng thương mến anh. Bảy Rìu là cái tên gọi mà chỉ có những người Phan Rang và bằng hữu thân thiết mới biết, còn ngoài đời thì người ta chỉ biết anh qua cái tên nghe rất tôn giáo là “Vô Thường”, anh theo đạo Phật, mang pháp danh là Thiện Quả, anh nổi tiếng với ngón đàn tay trái rất đặc biệt mà nhiều nhạc sĩ sử dụng tây ban cầm hay đàn ghi-ta thường đánh giá cao về khả năng dùng tây ban cầm điêu luyện của anh.

Cố nhạc sĩ Vô Thường

Có lẽ trong chúng ta, những ai yêu nhạc cũng có một lần nghe qua những bản nhạc ghi-ta thánh thót như thú nghe nhạc trong đêm khuya về, không gian tĩnh lặng, tâm tư lắng đọng theo từng tiếng đàn của nhạc sĩ Vô Thường,và khi đó ta và chính ta ung dung thư thái thả hồn theo cung bậc, mà nghệ sĩ Vô Thường đắm chìm với cây ghi-ta khẩy nhẹ tạo nên sự truyền cảm thật tuyệt vời, để thấy cuộc đời này quá đáng yêu phải không bạn nhỉ ? Và người nghệ sĩ tài hoa này có điểm đặc biệt là chơi đàn ghi-ta bằng tay trái rất nhuần nhuyễn đến độ được sự chú ý của Giáo sư tiến sĩ Trần Quang Hải đã viết một bài dài khen tặng.  Tôi xin ghi ví dụ đơn cử trích đoạn bài của nhạc sĩ Trần Quang Hải cho lời nhận định về nhạc sĩ Vô Thường như sau:

Trích một,

“Ngồi lắng nghe cuốn «Ru khúc Mộng Thường» 1, những âm điệu của các nhạc phẩm quen biết của Trịnh Công Sơn, Cung Tiến, Trần Định, Đoàn Chuẩn, Phạm Đình Chương qua ngón đàn tây ban cầm của anh Vô Thường gây cho tôi từ ngạc nhiên nây đến ngạc nhiên nọ. Người này là ai mà có ngón đàn có hồn như vậy mà mình chẳng bao giờ quen hay biết tới ? Nghe một lần, chưa đủ để nhận định. Nghe lần thứ hai, rồi lần thứ ba. Càng nghe càng thấm. Tiếng đàn chạy khắp cơ thể, vào tận trong tim não. Càng về khuya, tiếng đàn càng ảo não, như gợi cho tôi một hình ảnh đau buồn, một tâm hồn tuyệt vọng, một ảo thanh của thế giới huyền mộng chứ không phải là «mộng thường» của một anh chàng mang tên là Vô Thường. Tôi không muốn để đầu óc chuyên phân tách nhạc ngữ của tôi làm chi phối tôi mà tôi muốn để tâm hồn tôi bay theo tiếng đàn. Quên đi kỹ thuật mà chỉ nhắm vào tình cảm, để tìm hiểu con người yêu nhạc, muốn mượn tiếng đàn của mình để nói lên một cái gì đó. Và chính « cái gì đó » làm cho tôi tò mò muốn tìm hiểu thêm về con người, về hứng nhạc của anh nhạc sĩ có tên khá đặc biệt là VÔ THƯỜNG.”

Trích hai,

“Tuy không có hợp mặt cùng anh em nghệ sĩ trên sân khấu, anh vẫn tiếp tục mượn tiếng đàn tây ban cầm để dạo những khúc nhạc của thời vàng son của miền Nam. Không những nhạc Việt mà còn cả nhạc ngoại quốc. Trong một lá thơ anh viết cho tôi, anh đã kể như sau: «tôi đàn tay trái, thành ra phải học mò và đàn lấy một mình khi còn nhỏ. Không học ký âm pháp nhiều, chỉ quọt quẹt chút ít, nên đôi khi nhìn bản nhạc mà đàn thì chẳng ra hồn. Tôi chỉ ân hận những ngày còn nhỏ vứt đi những thời giờ quý báu. Thành ra cho tới bây giờ, nghĩ cũng muốn để đi vào khuôn khổ. Tôi kỳ vọng gởi hồn vào những bản nhạc những khi hứng đàn, hát và viết nhac… Đền bù vào đó, tôi rất nhớ dai và dễ học. Những bản nhạc nghe qua một lần hai lần là tôi mò ra và đánh được, dầu không đúng hẳn 100%».”

Trích cuối,

Những sáng tác mới của anh Vô Thường là những điểm son trong làng nhạc Việt. Sự đóng góp của anh Vô Thường, tuy không to tác nhưng rất có ý nghĩa vì anh viết nhạc đặt lời rất thành thật tự đáy lòng phát ra. Anh Vô Thường là một ngôi sao sáng, một hiện tượng trong làng tân nhạc Việt ở hải ngoại.

Để tham khảo, sau đây là toàn bộ bài viết của nhạc sĩ Trần Quang Hải ghi nhận về nhạc sĩ Vô Thường trong web-link: “Vô Thường (1940-2003): Một hiện tượng trong làng tân nhạc Việt Nam Hải Ngoại.”:

http://www.tranquanghai.info/p927-tran-quang-hai-%3A-vo-thuong-(1940-2003)%3A-mot-hien-tuong-trong-lang-tan-nhac-viet-nam-hai-ngoai.html

Tôi có 17 CD nhạc hòa tấu Vô Thường, nhưng trên internet thì web-link của “nhaccuatui” set automatically continuous mode mình có thể nghe liên tục một bài nhạc nào đó mình thích, tôi nhớ tôi mê tiếng đàn của nhạc sĩ Vô Thường khi nghe bài “Kể chuyện trong đêm”, tôi set counter đếm số lần nghe hơn 200 lần. Tôi đã nghe bài nhạc này của nhạc sĩ Hoàng Trang qua vài giọng hát, nhưng thú thật tim tôi không rung cảm, không “phê” xao xuyến như khi nghe tiếng đàn “từng tưng từng…”, nghe sao mà “đã” quá trời như hồn bay bổng lên mây cao của thinh không vắng lặng lúc khuya lắc khuya lơ, của âm nhạc Hoàng Trang và Vô Thường. Tôi nghĩ cuộc sống này cần âm nhạc ru hồn ta, những tâm hồn cằn cỗi, lạc lỏng cho kiếp sống nhân sinh có ý nghĩa hơn, thăng hoa cao hơn. Đúng chứ lị?

Có lần tôi van cậu con trai út của tôi hãy tập đàn ghi-ta bài “Kể chuyện trong đêm”, lúc 12 giờ khuya thôi, con tôi là một guitarist, nhưng mang goût nhạc của mấy ông “ngoại kiều” AJ Rafael, Taeyang hay Michael Jackson. Mỗi ngày tôi đưa 2 con đi học trên xe chỉ cho các cháu nghe nhạc Việt, không có air nhạc ngoại kiều AJ Rafael, Taeyang hay Michael Jackson,… Tôi nghe mà hiểu mấy ông ngoại kiều này ca những gì xin cho chết liền đi thôi. Tôi van Cao Xanh cho tiếng ghi-ta nhà tôi chuyển hướng theo tiếng nhạc ghi-ta “từng tưng từng…” như của nhạc sĩ Vô Thường đi nhe hai con trai, làm ơn đi mà…

Thi sĩ Lê Hân trên Bắc Cali biết tôi say mê nhạc hòa tấu Vô Thường, nên anh hứa sẽ làm một link nhạc Vô Thường’s collection chạy liên tục trong trang website của anh, cũng để giới thiệu một số bài tiêu biểu về tiếng đàn bất tử này và cũng để tặng cho tôi.

Theo lời một người bạn của nhạc sĩ Vô Thường kể lại là Ngón đàn guitar của anh tạo nên câu chuyện phi thường, bởi vì anh không nghĩ tiếng đàn amateur của anh tại tiệm Kim’s Furniture dạo nào, ở những lúc nhàn rỗi ôm ghi-ta thùng dạo đàn vời thú đam mê âm nhạc, đã đưa tên tuổi anh lên tột đỉnh danh vọng. Tiếng đàn cùa anh đi từ Kim’s Furniture đến Ritz Nightclub, rồi giã từ nightclub trở lại nghề furniture, những bước văn nghệ thăng trầm của cuộc đời. Cuộc đời thăng trầm ấy đã tạo ra những CD của anh được vô số thính giả từ khắp nơi chú ý, không cứ thính giả người Việt, mà người ngoại quốc cũng biết đến anh. Tôi có anh bạn nha sĩ bên Illinois, phòng mạch được đệm cho không gian tĩnh lặng bằng nhạc hòa tấu Vô Thường, luôn luôn với nhạc Vô Thường, khách địa phương rất thích thú với tiếng đàn của người nhạc sĩ đến từ vùng đất xa xôi với đất nước Hoa Kỳ này.

Rồi tôi có người bạn làm ngành neo, tiệm của cô trang trí khá đẹp ở vùng Palm Springs, California, cô ru hồn khách neo trong giờ neo thư thái bằng nhạc Vô Thường. Cô kể bí quyết cô chiều các bà khách quen, thông thường các khách tan sở sau 5 giờ bụng đói meo, cô cho mấy bà khách quen nhâm nhi cheese và rye crakers hay melba toast, thêm một ly (cup) Cabernet Sauvignon hay Chardonnay Blanc, madame nào không thích wine thì serve Martinelli’s Sparkling Cider. Đó là lót dạ dầy, song song lót thính nhĩ bằng nhạc hòa tấu Vô Thường, mấy madame Cờ Huê chịu quá sá, mồm khen ríu rít: “Hey, Pam, so fabulous! so wonderful!”. Cô chủ Pam cười tít mắt vì tiệm càng đông với Mỹ chồng, Mỹ vợ, Mỹ con, Mỹ mẹ, Mỹ cha, Mỹ bạn, Mỹ bồ,… Cô chủ Pam kể tôi nghe: “Có hôm các madame hỏi bài này tên gì nghe hay quá vậy ? Bà dịch sơ ý nghĩa được không?”, cô cười hăng hắc nói tiếp: “Em làm neo chứ đâu phải nhà văn như mấy anh mà văn chương bóng bẩy với: Yêu em dài lâu, Bảy ngày đợi mong, Mùa thu yêu đương, Bây giờ tháng mấy hay Áo lụa Hà Đông thì chữ nghĩa lấy đâu mà dịch nổi. Em mà dịch được xin cho chết liền đi!”. Tôi nghe lời nói thành thật của Pamela mà mồm cười sặc sụa, tôi thầm bảo Pam hãy hỏi mấy ông tác giả nhạc sĩ đi thôi, tôi mà “dịch được xin cho chết liền đi!”. Pamela à, nhạc Đức Huy hãy để nhạc sĩ Đức Huy dịch,…, nhạc Ngô Thụy Miên hãy để nhạc sĩ Ngô Thụy Miên dịch cho chắc ăn, như vậy chúng ta không bị chết oan ức, chết oan uổng nhé.

Pam kể tiếp có hôm có bà khách neo là luật sư, gốc người Montreal nói tiếng Anh, Pháp sành sỏi như gió, bà nghe nhạc hòa tấu Vô Thường hay quá, bà thích thú ngỏ ý muốn mua lại hết series 15 CD, Pam nói cô mua mỗi CD bảy tì tươi Mỹ quốc tại khu Bolsa, vùng Little Saigon, cô bán lại cho bà khách luật sư 10 tì tươi, vị chi bán nhạc không lời đã kiếm lời được 3 tì tươi mỗi CD cho chi phí chạy xa, cho tiền xăng nhớt per round trip Palm Springs- Little Saigon, dù là CD pre-used. Nói lên điều này cho thấy là âm nhạc là ngôn ngữ chung, khi người ta thích tiếng khẩy đàn điêu luyện của CD nhạc hòa tấu Vô Thường, cũng có nghĩa là người ta thích âm nhạc của Đức Huy, Trần Thiện Thanh, Lam Phương, Từ Công Phụng, Ngô Thụy Miên,… Tiếng đàn của Vô Thường minh chứng cho người ngoại quốc thấy rằng nhạc Việt Nam ta và “nhạc ngoại” đều bình đẳng, xêm xêm hay ngang nhau qua air ghi-ta độc đáo của Vô Thường. Và phải chăng đó là cái công to lớn của người nhạc sĩ tay trái Vô Thường ? Pamela còn kể có bà khách khác là một bác sĩ đã nhờ Pam mua CD Vô Thường vì bà thích nghe nhạc hòa tấu của anh khi lái freeway mỗi ngày đi làm xa nhà, trước đó bà chỉ nghe nhạc hòa tấu của Richard Clayderman thôi. Bravo nhạc sĩ Vô Thường!!!

Nếu nhạc hòa tấu của Richard Clayderman đàn piano tuyệt vời qua các bài: Mariage D’Amour, Right here waiting for you, Viens M’ Embrasser, Careless Whisper, Love Me With All Of Your Heart, Yesterday, Aline, Romeo & Juliet, hay Love Story,…thì tiềng đàn guitar của nhạc sĩ Vô Thường vang âm thanh thánh thót, ru hồn người nghe, tuyệt vời chẳng kém, phải không bà khách neo emdee của Pamela ?

Như người bạn của nhạc sĩ Vô Thường đã ôn lại từ quá khứ, thuở ban đầu anh tự học đàn một mình, những lúc ngồi chờ khách rảnh rang ở tiệm bán “bàn ghế giường tủ”, anh mang đàn ra đàn giải sầu, rồi sau đó bạn bè khuyến khích anh thu vào cassette, tặng những khách hàng thân hữu để nghe lúc lái xe. Bỗng dưng nhạc độc tấu của anh lại trở nên thông dụng và lan rộng mau lẹ vào những quán café, nhà hàng ca nhạc. Thính giả nồng nhiệt khen ngợi mở cho anh một con đường mới là tiến vào kỷ nghệ thu thanh qui mô hơn, thu âm vào băng và dĩa CD. Nhạc anh tiến xa hơn, bán ra thị trường âm nhạc Hoa Kỳ. Một sự hãnh diện đấy chứ ! Anh đã tự sản xuất gần 150 CD, ghi lại trên dĩa gần 2000 bản nhạc hòa tấu hay nhạc không lời, bán riết thì sẽ có lời mà thôi .

Tác phẩm của anh được bà con mọi giới đón nhận nồng nhiệt khắp nơi. Tại hải ngoại, nhất là Hoa Kỳ, nhạc Vô Thường được phổ biến khá rộng rãi. Đa số thính giả ái mộ nhạc Vô Thường vì những bài nhạc quen thuộc anh cho thu âm nhiều bản nhạc top hits trước năm 75, cũng như một số nhạc top híts sau năm 75. Nghe nhạc Vô Thường người ta được gợi nhớ những kỷ niệm hay những ngày tháng cũ đã qua, dù trước hay sau năm định mệnh 1975. Hãy thử nghe một bài nhạc tiêu biểu do anh sáng tác, viết nhạc, đặt lời.”

“Mưa Tình Dĩ Vãng”, Nhạc và lời: Vô Thường, ca sĩ: Jazzy Dạ Lam

http://www-personal.umich.edu/~nga/Stories/MuaTinhDiVang.html

Ngoài tài nghệ sử dụng đàn ghi-ta thuần thục, nhạc sĩ Vô Thường cũng sáng tác một số ca khúc tình cảm lãng mạn, nhưng chẳng may phần số không cho anh đi xa hơn nữa, anh khám phá ra mình mang cơn bệnh ngặt nghèo, bao ước mơ, bao dự án trở thành không hiện thực được. Ðiều ước nguyện mà anh được toại nguyện là đoàn tụ với hai cô con gái đã xa cách bố từ năm 1975. Các cháu, Thương Diễm và Diễm Khanh, mới sang được vài năm thì cha lại lâm trọng bệnh; Trước khi ra đi, anh trăn trối, gia tài duy nhất của cha để lại cho hai con gái là nghề thu âm và cả ngàn bài nhạc hòa tấu mà anh đã sản xuất.

Nhạc sĩ Vô Thường với ghi-ta tay trái

Nhạc sĩ Vô Thường giã biệt dương thế vì chứng ung thư phổi vào mùa xuân 2003, hàng trăm anh chị em văn nghệ sĩ, bạn bè trong ngành thu âm đến tiễn biệt anh đông đủ, tang lễ rất cảm động. Ngày còn sống, anh sống rất hòa nhã, dễ chịu, thân thiện với mọi người. Do đó bạn bè và khách mộ điệu say mê tài năng âm nhạc của anh không bao giờ quên người nhạc sĩ Vô Thường, dù như cái tên phù vân, mây bay đến rồi bay đi, nhưng tiếng đàn tây ban cầm của anh vẫn sống mãi với dương thế, nơi anh đã bỏ tất cả ra đi. Nhạc sĩ Vô Thường đã mệnh chung vào ngày thứ bảy 26 tháng 4, 2003,  vào lúc 14giờ30.

Đôi dòng này để nhớ về nhạc sĩ Vô Thường (*), với tiếng đàn bất tử, phi thường vượt thời gian, vẫn sống mãi trong tâm hồn người thưởng ngoạn và vì sở thích quen nghe nhạc anh đàn. Chúng tôi xin cảm ơn anh, người nghệ sĩ tài hoa Vô Thường.

Việt Hải, Los Angeles.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *