Một trong những giọng ca lạ và để lại dấu ấn trong làng nhạc Việt Nam là tiếng hát Carol Kim. Dòng Nhạc Xưa xin mượn một bài viết của anh Trần Chí Phúc để giới thiệu chất giọng khàn đặc trưng của người nghệ sỹ đa tài đến với quý vị.
Carol Kim vẫn còn làn hơi sung mãn khàn ấm áp
(Nguồn: bài viết của tác giả Trần Chí Phúc đăng trên sbtn.tv ngày 2015-10-26)
Ba là cảnh sát thuyên chuyển làm việc ở Ban Mê Thuột. Mới lớp sáu (đệ thất), cô đã đoạt giải nhất về ca hát ở trong trường với bản Bước Chân Chiều Chủ Nhật: “Tôi thích lang thang trong chiều chủ nhật. Mây tím giăng ngang trên trời Sài Gòn” (Đỗ Kim Bảng).
Mặc dù còn là nữ sinh trung học nhưng cô thường ca hát với đoàn văn nghệ của đơn vị cảnh sát ở Ban Mê Thuộc vì ba cô ở trong lực lượng này với cái tên là Hoàng Hoa.
Thuở còn trẻ cô vẫn thích nghe và hát những ca khúc ngoại quốc thể loại Blue Jazz vì chất giọng hợp với loại nhạc này.
Năm 1967 về Sài Gòn, một lần ghé vũ trường chơi, hát nghêu ngao và lúc đó nhạc sĩ Lê Văn Thiện nghe thích bèn giới thiệu cho một ban nhạc chuyên trình diễn nhạc Mỹ cho khách ngoại quốc và dần dần nổi tiếng trong làng nhạc Sài Gòn.
Năm 1968 được mời ký hợp đồng hát cho vũ trường Arc En Ciel, rồi vũ trường Tự Do chuyên hát nhạc ngoại quốc. Bài hát được ưa thích là Oh Carol cho nên một khách ngoại quốc thường gọi tên cô là Carol Kim và từ đó cô chọn cái tên này làm nghệ danh.
Trung tâm băng nhạc Shotguns của nhạc sĩ Ngọc Chánh vào lúc đó đã mời Carol Kim thu băng bản nhạc đầu tiên trong đời của cô là Hãy Khóc Đi Em (Trịnh Công Sơn), rồi bản Điệu Ru Nước Mắt, Loan Mắt Nhung, Xa Lộ Không Đèn, Tình Phụ…
Đầu năm 1975, Carol Kim và Elvis Phương đoạt giải Kim Khánh với danh hiệu ca sĩ được ái mộ nhất.
Mặc dù chỉ sinh hoạt 7 năm trong làng nhạc Sài Gòn 1968 – 1975 nhưng để lại nhiều kỷ niệm trong đời Carol Kim. Cô có vài lần đi hát ủy lạo cho chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa tại các tiền đồn, tận mắt thấy cảnh gian khổ của người lính và không khí chiến tranh, đó là những điều đáng nhớ khi kể lại chuyện năm cũ.
Tháng 3 năm 1975, Carol Kim cùng gia đình rời Việt Nam đến thành phố Chicago. Năm 1978, Carol Kim về Houston rồi năm 1980 về Quận Cam và hát độc quyền cho vũ trường Ritz của nhạc sĩ Ngọc Chánh trong suốt 14 năm.
Từ khi về Quận Cam, Carol Kim bắt đầu thu băng nhiều ca khúc Việt Nam. Bản đầu tiên cô thu âm ở hải ngoại là Xin Còn Gọi Tên Nhau trong cuốn Video do Túy Hồng thực hiện năm 1985. Cô còn cộng tác với trung tâm Thanh Lan, Người Đẹp Bình Dương, Hải Âu, Giáng Ngọc, Lê Bá Chư… Cô cũng có hát một số nhạc quê hương cho trung tâm Phượng Hoàng ở Paris.
Carol Kim tự thực hiện mười mấy cuốn băng nhạc hát, trong đó có tiếng hát của mình. Trong một lần tâm tình văn nghệ, Carol Kim kể lại kinh nghiệm rằng sau hai chục năm trình diễn và thu băng thì đến lúc này mới hiểu được một điều rằng dù cô hát rất thoải mái với chất giọng khỏe của mình trên sân khấu nhưng khi vào phòng thu âm thì phải kềm hãm lại cái nét khỏe đó để diễn tả sự êm dịu truyền cảm mà đi vào lòng người nghe.
Mặc dù được trung tâm Shotguns mời thu băng trước năm 1975 cùng với Elvis Phương, Thái Châu nhưng Carol Kim không được nổi tiếng bằng hai người này. Cô cho rằng đã không được báo chí thời đó lăng xê đúng mức.
Những ca khúc để lại dấu ấn Carol Kim trong lòng khán giả trong đó có bản Mười Năm Tình Cũ, Thuở Ấy Có Em, Đời Tôi Chỉ Yêu Một Người, Ca Dao Mẹ, Lặng Lẽ Đi Về.
Là ca sĩ có khả năng hát nhiều bản nhạc ngoại quốc rộn ràng và êm dịu, hát nhạc Việt Nam đủ mọi thể loại, Carol Kim vẫn thích được mời trình diễn trong một chương trình nhạc thính phòng để khán giả thưởng thức nét đa dạng của cô .
Carol Kim đã thực hiện một số băng nhạc Thánh Ca và được đón nhận nồng nhiệt ngay cuốn đầu tiên Dấu Tình Thiên Ân vào năm 2014.
Nhìn lại hơn bốn mươi năm ca hát, Carol Kim điều không hài lòng nhất là chất giọng của mình vẫn chưa để lại một vị trí đúng mức như mong đợi trong làng nhạc Việt Nam hải ngoại; và điều hài lòng là cho đến hôm nay cô vẫn tràn đầy cảm hứng trên sân khấu với làn hơi sung mãn có chút khàn ấm áp, lay động tâm hồn khán giả.
Trần Chí Phúc / SBTN