Tiếng hát Mỹ Huyền

Dòng Nhạc Xưa đã có một bài viết giới thiệu ca nhạc sỹ Thu Hồ. Hôm nay chúng tôi trân trọng giới thiệu ca sỹ Mỹ Huyền, là cô con gái rượu của nhà nhạc sỹ, qua một bài viết của tác giả Trần Chí Phúc.

Ca sĩ Mỹ Huyền – cái bạt tai nhớ đời 

(Nguồn: bài viết của tác giả Trần Chí Phúc đăng trên sbtn.tv ngày 2014-09-12)

 

Ca sĩ Mỹ Huyền có tên thật là Hồ Thị Mỹ Huyền, ái nữ của nhạc sĩ Thu Hồ. Tác giả của bài hát Quê Mẹ nổi tiếng ( Đêm khuya trăng mơ mắt trông về trong cõi xa mờ…), Khúc Ca Đồng Tháp, Tím Cả Rừng Chiều; là một trong những nhạc sĩ tiên phong của nền tân nhạc Việt Nam. Cô nhắc đến tên ông với sự yêu thương của đứa con dành cho người cha và cùng với sự kính trọng tài năng của một nhạc sĩ.

Thừa hưởng năng khiếu âm nhạc từ thân phụ, cô bé Mỹ Huyền đã biết ca múa từ nhỏ và ba của cô lấy làm hãnh diện khoe tài năng cô con gái nhỏ của mình mỗi khi có khách tới nhà chơi. Tuy vậy ông không muốn con gái theo nghiệp ca nhạc mà chỉ khuyến khích mấy đứa con trai học đàn học trống; cho nên Mỹ Huyền phải học lén đàn măng-đô-lin và nhạc lý từ một người bạn của anh cô Hồ Xuân Diệu, tên là anh Bảy ở nhà kế bên.

Lúc lên 9 tuổi, Mỹ Huyền vào hát ở ca đoàn Fatima và vẫn tiếp tục hát cho đến sau tháng 4/1975. Cũng kể thêm rằng cô học thêm ngón đàn guitar do anh trưởng ca đoàn dạy.

BẮT ĐẦU NGHỀ CA SĨ TRONG NƯỚC

Năm 1975, khi đó Mỹ Huyền được 12 tuổi; bao nhiêu cuộc sống bị thay đổi. Dân chúng không còn được nghe những bài hát được gọi là dòng nhạc Sài Gòn trước tháng 4 năm 1975. Thời đó tại thành phố chỉ có hai đoàn ca nhạc Bông Hồng của Thẩm Thúy Hằng và đoàn Kim Cương để đêm đêm người dân yêu ca nhạc mua vé để giải trí. Anh ruột của Mỹ Huyền cũng là dân văn nghệ có quen với nhân viên đoàn ca kịch Kim Cương và tìm cách giới thiệu cô em vào đoàn hát với vai trò gọi là hát song ca chứ chưa được đơn ca.Trước khi diễn kịch thì có 45 phút ca nhạc.

Vì là con gái của nhạc sĩ Thu Hồ và có anh rễ là kịch sĩ La Thoại Tân, cho nên trưởng đoàn hát đồng ý nhận Mỹ Huyền. Và cô chính thức đi hát kiếm tiền năm 1981, lúc 18 tuổi được đứng trên sân khấu lớn là đoàn Kim Cương. Thời đó ca sĩ Thái Châu phụ trách phần ca nhạc, sắp xếp chương trình trình diễn cho cô.

Mỹ Huyền bỏ học lúc lớp 10 và ở nhà đan giỏ bằng cọng lát. Cô kể rằng một ngày đan được 2 cái giỏ chỉ kiếm được nữa đồng, trong khi đó thù lao hát một đêm thì được khoảng 10 đồng và có tiền để ăn tiêu mua sắm quần áo; nhưng vẫn chưa đủ tiền để mua một chiếc xe gắn máy và phải đi xe đạp hàng đêm từ cầu Bình Triệu tới nơi trình diễn, có khi Sài Gòn có khi Chợ Lớn. Và nhạc sĩ Thu Hồ biết được chuyện con gái mình đi hát cho nên ông chống đối.

Lần đầu tiên trong cuộc đời, cô con gái út được cưng chiều của nhạc sĩ Thu Hồ bị ba mình tát cho một cái ngã chúi vào tường, xô ngã cái quạt máy khi cô phản đối lệnh cấm đi hát của ba. Cô nhớ lại thời còn bé mỗi lần bị mẹ đánh roi thì ba ẵm Mỹ Huyền chạy trốn, thế mà bây giờ ông giận dữ đến mức như vậy. Nhưng rồi buổi tối cô lại tiếp tục đạp xe đi trình diễn.

Hát cho đoàn Kim Cương được tám tháng, Mỹ Huyền qua đoàn Bông Sen nhưng cũng vẫn hát song ca chứ chưa được đơn ca. Và cho đến khi các tụ điểm ca nhạc nở rộ thì Mỹ Huyền được mời hát đơn ca, chính thức trở thành một ca sĩ độc lập vào năm 1984, mỗi tối chạy sô nhiều nơi và tiền cát sê cao hơn, có tiền mua được chiếc xe gắn máy.

Đa số bài hát cô trình diễn ở các tụ điểm là nhạc ngoại quốc thể điệu NewWay sống động, phần lời Việt có ai dịch sẵn và nếu chưa có thì chính cô đặt lời. Thỉnh thoảng hát một vài bản tình ca của các nhạc sĩ trong nước, chứ dòng nhạc Sài Gòn trước năm 1975 thì bị cấm đoán. Khoảng năm 1989 thì có một số băng nhạc từ hải ngoại mang lén về và Mỹ Huyền cũng có nghe và hát lại một số bản mới sáng tác ở hải ngoại trong các vũ trường thành phố.

Mỗi đêm cô hát chạy sô từ 5 đến 9 tụ điểm ca nhạc, phải đến đúng giờ, vừa hát xong 2 bản là nhận phong bì và ngồi lên chiếc xe gắn máy đợi sẵn và chạy đến nơi khác, thời giờ rất hối hả. Những ngày lễ và Tết thì hát cả ngày, mỗi giờ một xuất từ 9 giờ sáng đến khuya.

Kỷ niệm dễ thương trong 11 năm ca hát ở trong nước theo Mỹ Huyền là những lần lưu diễn ở các tỉnh miền Trung cả tháng. Các ca sĩ, nhạc sĩ, nhân viên đoàn hát cùng đi trên một chiếc xe mang theo đồ đạc mọi thứ và được gặp gỡ nhiều khán giả khắp nơi ái mộ. Đứng chung sân khấu với Mỹ Huyền thời còn ở trong nước có Thái Châu, Trang Thanh Lan, Phương Hồng Quế, Họa Mi, Lan Ngọc, Bảo Yến, Nhã Phương…

Tính ra Mỹ Huyền đi hát ở trong nước từ 18 tuối đến 29 tuổi thì qua Mỹ định cư năm 1991 theo diện bảo lãnh của bà chị đi từ năm 1975.

THỜI QUA HOA KỲ CHO ĐẾN NAY

Bà chị là Hồ Mỹ Hà ở Mỹ bảo lãnh cả đại gia đình gồm 17 người sang Mỹ năm 1991 tại San Diego. Và chỉ một tháng sau là Mỹ Huyền được trung tâm Hải Âu ở Quận Cam mời cộng tác vì trước đó trung tâm này đã thu âm tiếng hát Thái Châu song ca với Mỹ Huyền tại Việt Nam. Mặc dù chuyên hát nhạc trẻ lúc ở trong nước nhưng trung tâm Hải Âu chỉ chọn loại nhạc quê hương cho tiếng hát Mỹ Huyền trong các băng đĩa của họ. CD đầu tay ở Mỹ có các bài hát Chuyện Ba Người (Quốc Dũng), Tạ Tình ( Hoàng Thi Thơ), Sao Đành Xa Em ( Nguyệt Ánh )… thành công và Mỹ Huyền đã thu âm cho trung tâm này cả trăm ca khúc. Sau đó cô cộng tác với trung tâm Thúy Anh 1994-1996 và thu hình cho trung tâm Mây Production cho tới khi trung tâm này chấm dứt. Kế đến Mỹ Huyền lên sân khấu Thúy Nga lần đầu tiên trong chủ đề 20 Năm Nhìn Lại vào năm 1995 và cộng tác cho đến năm 2001. Và cô tiếp tục hát cho các trung tâm khác như Thế Giới Nghệ Thuật, Tình, Blue Ocean… và sau cùng là trung tâm Asia, xuất hiện lần đầu chung với Tuấn Vũ trong Liên Khúc Mưa và vẫn còn cho đến bây giờ.

Mỹ Huyền trong một buổi chiều tại Trung tâm Asia

Trải qua 23 năm định cư tại Hoa Kỳ và đi hát, Mỹ Huyền cộng tác với nhiều trung tâm và góp tiếng hát khoảng một trăm đĩa nhạc. Con đường ca hát của cô cũng thật suông sẻ, không gặp khó khăn. Kỷ niệm vui buồn có quá nhiều và tình cảm cá nhân cô nhìn lại thì quả thật là lận đận – Mỹ Huyền tâm sự muốn có một người bạn tình cùng một nghề ca nhạc vì dễ thông cảm nhau và gắn bó với nhau khi đi trình diễn.

Hiện nay Mỹ Huyền đọc tin tức mỗi ngày cho đài truyền hình SET tại quận Cam, cuối tuần thì đi hát theo lời mời của các bầu sô. Cô nói đùa rằng nhờ công việc này mà cô phải ngủ sớm chứ làm nghề ca sĩ thì thức tới ba bốn giờ sáng. Và được ăn mặc đẹp và dùng cái giọng của mình để phục vụ cho khán thính giả. Tâm hồn nhạy cảm của một người nghệ sĩ làm cho cô thấy buồn nhiều mỗi khi phải đọc những tin không vui.

Ngoài tài ca hát, Mỹ Huyền còn đóng kịch và sáng tác nhạc. Ca khúc cô viết đầu tiên là Người Yêu Cô Đơn 2 kể tâm sự của người con gái, dựa theo bản Người Yêu Cô Đơn, có những câu : ” Nửa đêm nằm nghe cô đơn ray rức khắp hồn tôi, vì tôi yêu ai rồi cũng đắng cay âm thầm một mình

Bản thứ nhì là Kẻ Yêu Thầm do cô viết và tự trình diễn trên băng hình Thúy Nga, rồi kế tiếp là Khổ Vì Yêu, Tan Nữa Vầng Trăng, Ngàn Đời Thương Nhớ Mẹ, Đời Vẫn Lầm Than…

Cùng hai đồng nghiệp Nguyên Khang và Diễm Liên

Mỹ Huyền đã đóng vai chánh trong ban kịch của Túy Hồng là Sông DàiCon Gái Chị Hằng, đóng vai vợ thiếu tướng Lê Văn Hưng trong vở Quân Lệnh Cuối Cùng, đóng vai một nữ cán bộ nằm vùng sau này hồi chánh và cứu đại tá Hồ Ngọc Cẩn rồi bị bắn chết trong vở Hồ Ngọc Cẩn. Và kế tiếp là những vở hài chung với Quang Minh Hồng Đào và một số vở kịch trong băng hình Asia. Ngoài ra còn đóng tuồng cải lương và hát vọng cổ nữa.

Từ năm 1981 cho đến nay ở trong nước và hải ngoại, Mỹ Huyền đã đóng góp nhiều cho sinh hoạt văn nghệ từ ca hát đến sáng tác và đóng kịch và xướng ngôn viên truyền hình. Tôi vẫn nhớ câu nói của Mỹ Huyền hai chục năm trước khi tôi mời thu âm bản Tình Cha rằng có ít nhạc phẩm diễn tả tình phụ tử và cô nhận lời hát bài này cũng để tặng cho cha của cô. Con đường văn nghệ vẫn còn tiếp tục, cô con gái của nhạc sĩ Thu Hồ đã nối nghiệp cha cho dù ông đã từng cấm cản và tát cho một bạt tai nhớ đời.

Trần Chí Phúc

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *