Dòng Nhạc Xưa giới thiệu tiếp phần 3 và cũng là phần cuối trong chuỗi ca khúc “Truyện tình Lan và Điệp” mà nhóm Lê Minh Bằng đã cảm tác từ tác phẩm văn học “Tắt lửa lòng” của nhà văn Nguyễn Công Hoan.
Đôi nét về tác phẩm “Tắt lửa lòng”
(Nguồn: wikipedia)
Tắt lửa lòng là một tiểu thuyết tình cảm lãng mạn của nhà văn Nguyễn Công Hoan, giới thiệu lần đầu tiên năm 1933. Tác phẩm này nhanh chóng trở nên phổ biến, và rất nhiều người chuyển thể thành vở kịch, bản nhạc khác nhau.
Soạn giả Trần Hữu Trang đã biên kịch lại và chuyển thể lại thành vở cải lương “Lan và Điệp” năm 1936. Và cái tên “Lan và Điệp” trở thành huyền thoại từ đó, thậm chí nó còn nổi tiếng hơn cả tên tác phẩm Tắt lửa lòng.
Tác phẩm được chia thành 19 chương, gồm:
- Chương 1: Thôi Còn Chi Nữa Mà Mong
- Chương 2: Ân Tình
- Chương 3: Sự Tình Cờ
- Chương 4: Khoa
- Chương 5:…Rồi Đến Danh
- Chương 6: Rồi Lại Đến Duyên…
- Chương 7: Tin Sét Đánh…
- Chương 8: Ông Ấy Là Quan, Ông Ấy Không Thèm Nói Dối
- Chương 9: Thôi, Từ Nay…
- Chương 10: Tấm Lòng Lan Và Đồ Hồi Môn Thúy Liễu
- Chương 11: Duyên Mới
- Chương 12: Tình Xưa
- Chương 13: Thằng Vũ
- Chương 14: Mẩu Chuyện Cũ
- Chương 14: Một Ông Y Khoa Bác sĩ
- Chương 16: Cha Thằng Vũ
- Chương 17: Điệp Với Thúy Liễu
- Chương 18: Điệp Với Lan
- Chương 19: Trên Đỉnh Gò Xưa
Nội dung chính:
Điệp là người con trai đã yêu Lan từ khi biết hai gia đình hứa gả con cho nhau. Sau khi nhờ một ông chánh án Phủ Long để giúp đỡ thi đậu thì Điệp mắc ơn ông chánh án đó và bị ông ta dụ uống say và bỏ vào chung phòng với cô con gái mập và không được nết na lắm của ông ta, Thúy Liễu. Bị vu oan ngủ chung với Thúy Liễu, thế nên Điệp phải cưới cô. Gia đình Lan và Điệp hết sức buồn rầu vì việc này.
Ngày Điệp cưới Thúy Liễu cũng là ngày Lan cắt tóc đi tu. Nhưng chỉ sau vài tháng thì cãi nhau và Điệp li dị với Thúy Liễu. Rồi Điệp đi tìm đến ngôi chùa nơi Lan tu và giật chuông nhưng Lan không những không tiếp mà còn cắt dây chuông. Vậy nên Điệp thất vọng đi luôn, và muốn gầy dựng cơ nghiệp trước rồi quay lại chuyện nhân duyên sau. Sau đó Thúy Liễu lấy chồng khác và có 3 đứa con, có một người được đặt tên là Hoàng Trần Vũ, cùng họ với Vũ Khắc Điệp.
13 năm sau thì cha mẹ của Lan, Điệp và Thúy Liễu đều mất đi. Người con tên Vũ bị đối xử lạnh nhạt, cả gia đình không yêu thương và cả mẹ và cha nuôi cũng ghẻ lạnh. Vũ biết Điệp là chồng trước của mẹ mình và khi cha nuôi hắt hủi đưa địa chỉ thì Vũ đến tìm Điệp. Điệp kể lại sự oan trái của cả hai và đưa địa chỉ của cha đẻ cho Vũ. Vũ đi tìm cha và biết được sự thật rằng ngày ấy Thúy Liễu đã quyến rũ người canh gác tên Cách này, và khi sinh ra Vũ bị Thúy Liễu bóp cổ nhưng Vũ vẫn không chết. Vũ quay về bệnh viện nơi Điệp làm việc và định gửi hai hộp kẹo có thuốc độc cho ba và mẹ mình nhưng bị Điệp biết nên tráo lại.
Cũng vào ngày đó Điệp nhận được một bệnh nhân sắp chết là Lan. Điệp khi đó mới biết rằng, Lan vì quá buồn nên không đọc thư của Điệp và ôm hận một mình trong lòng mà gây bệnh.